Ghi chú: tài liệu biên khảo này không nhận trực tiếp từ tác giả Lê Vĩnh Thọ, anh đang ở Bình Dương Việt Nam, hạn chế giao dịch thư tín, chúng tôi chỉ thỉnh thoảng liên lạc cùng anh qua điện thoại viễn liên. Tài liệu này do nhà biên khảo văn học Nguyễn Duy Long (con trai nhà thơ Khắc Minh, nhờ người đánh máy, gởi cho chúng tôi, với khá nhiều lỗi đánh máy). Bài viết khá dài, Vuông Chiếu xin phổ biến qua nhiều kỳ. Cảm ơn tác giả và nhà biên khảo Nguyễn Duy Long - Vuông Chiếu
Có những kẻ - mong rằng không phải là đa số - vọng bản, vọng ngoại, không tự tin và không tin vào khả năng độc lập của dân tộc, luôn luôn có chủ trương cầu viện về tinh thần cũng như vật chất, cố đem cái kiến thức mọt sách của mình, viện dẫn những nguồn ảnh hưởng ngoại lai để cố ngụy biện chứng minh cái này chịu ảnh hưởng Tây Phương, cái kia bắt nguồn từ Trung hoa… Trường hợp thơ lục bát cũng thế! Lục bát đã từng là nạn nhân của sự xuyên tạc, bịa đặt, bôi lọ…”. Như phó bảng Kiều Oánh Mậu từng viết trong bài tựa Tỳ bà quốc âm:
"Các bậc tiên hiền cho lối ca (lục bát) của ta chính bắt chước những câu trong kinh truyện của Tàu, như kinh Dịch có câu: Lục tam hàm chương khả trinh. Hoặc tòng vương sự vô thành khả chung. Chính văn lục bát của ta bắt chước ở đó".
Có người đốt đuốc đi soi khắp trong kinh truyện của Tàu để tìm ra một hai câu khác như: Phù thủy nhất chước chi đa, cập kỳ bất trắc ngoan đà giảo long. Ai cũng nhận thấy lập luận khiên cưỡng của mấy nhà nho quá trọng vọng Trung quốc này. Ta thấy những câu lục bát chữ Hán trên thật ra chỉ là những câu chắp ghép vô lối. Như hai câu trên chính phải chấm câu như sau:
Lục tam: Hàm chương, khả trinh; hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung (nghĩa là: Nếu bói được Lục Tam thì giải như sau: hào này bên trong ẩn dấu vẻ tốt đẹp, nên kiên trinh giữ vững lập trường, nếu có ra giúp việc vua thì trong lúc đầu không thành nhưng về sau tất nên công). Câu dưới nguyên trong sách Trung Dung là: Kim phù thuỷ, nhất chước chi đa, cập kỹ bất trắc, ngoan đà, giảo long; ngư miết sinh yên (nghĩa là: Nay chất nước ta thường dùng nhiều lắm là từng thìa, từng giáo, vậy mà ở chổ nước có vô lường có thể khiến cho ngoan, đà, giảo long; ngư miết – đủ loại thuỷ tộc- sinh sống được).
Như vậy không thể nào bảo đó là những câu thơ lục bát được. Vả chăng, ví thử trong thi ca Trung Hoa có một vài câu lục bát thật sự, cũng khó có thể nói vài câu ấy đã đẻ ra điệu lục bát Việt Nam trong khi không để lại dư hưởng gì trong các thể vận văn tàu.
Rõ ràng là những kẻ nào đó (các bậc tiên hiền!) đã vạch lá tìm sâu, không liêm khiết ngay thẳng khi trích dẫn, cắt xén và ráp nối một cách có gian ý, cố tình mạ luỵ tổ tiên và dân tộc mình khi trưng dẫn đoạn văn có hình thức như sau:
Lục tam:
Hàm chương, khả trinh
Hoặc tòng vương sự,
Vô thành hữu chung
để chứng minh thơ lục bát thoát thai từ đó! Nói rằng thơ lục bát của ta bắt chước những câu văn của Tàu chẳng khác nào nói rằng thơ lục bát chỉ giao vần trắc! dù cho có trưng dẫn được bài ca dao:
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quến nhau đi.
Tò vò ngồi khóc tỉ ti;
Nhện ơi, nhện hỡi! mày đi đằng nào?
Kẻ nào tinh nghịch lắm cũng chỉ gieo vần trắc trong một câu lục bát là cùng và phải vội vã chuyển sang vần bằng ngay nếu muốn bài thơ “nghe được”! bài ca dao trên là một trường hợp hi hữu nếu không phải là duy nhất và thật chỉ là hình thức cơ khởi của Song Thất Lục Bát.
Ông Phạm Đình Toái, một người không “chê quốc âm là thô bỉ”, một tác giả của Đại Nam Quốc Sử diễn ca, năm 1986, đã viết bài tựa sách dịch thiên Nguyệt Lãnh trong kinh Lễ. Nhân đó, ông bàn về “Quốc am từ điệu” nghĩa là từ điệu tiếng ta, rất rõ ràng và tán dương thể lục bát một cách hung hồn”
Ông giảng rõ đặc điểm của thể lục bát: một vần ở luôn ba vế một vế lục ở giữa hai vế bát; vần ấy ở dưới vế bát trên, ở vế lục, rồi ở lưng, vế bát dưới: chữ cuối vế bát dưới lại là vần mới cho câu sau. Rồi ông tiếp: “như thế thì một câu có hai vế mà ba chữ vần, hai câu có bốn vế mà sáu chữ vần… Đọc chữ vần đuôi vế lục thì biết chữ vần lưng vế bát, đọc vần đuôi ở câu trước thì biết chữ vần đuôi vế lục ở câu sau. Vế này liền vế kia, vần này đẻ vần khác. Tuy có trăm nghìn vế mà vận điệu tiếp tục không ngừng. Đó là văn thể tuyệt điệu của nước ta’
‘Ông chú ý đến tính cách thiên nhiên của điệu lục bát. Tao nhân hào khách mở miệng thành câu, khuê phụ điền phu buông lời đúng điệu. cho đến khúc ngạn ngữ, ca dao, các câu trẻ con đùa hát, mà cũng điều tự nhiên đúng thể. Lại có kẻ dung toàn đúng chữ nho là bài ca theo thể ấy. người Trung Hoa, tới chơi nước ta lấy đọc, thì không ai không khen phục. Như vậy thể ấy để dùng cho người ta chẳng phải ít’ (1)
Như vậy, người Tàu không hề làm và không hề biết thơ lục bát. Chỉ có một vài người Việt cao hứng làm thơ lục bát bằng chữ Hán và mãi đến thế kỷ 19, khi đọc được những bài lục bát đó, người Tàu cón không khỏi ngạc nhiên và “không ai khen phục”.
Ông Trịnh Đình Rư cũng đã xác quyết một cách mạnh mẽ hơn: “hầu hết các chuyện nôm cũ cho đến những câu ca dao của ta điều là lối văn lục bát, thiệt là một lối thơ riêng của nước ta, đố ai tìm thấy ở các tập văn thơ Tàu mào mà có lấy một bài trên đặt sáu chữ, dưới đặt tám chữ đúng như điệu ấy… vậy thì lối thơ lục bát nầy, ta có thể nhất quyết nói rằng: chỉ riêng một nước ta có. Bởi nó là thơ nước ta nên, đến cả hạng đàn bà, con trẻ, dầu không có học, dầu chẳng viết văn và nghe đến cũng lấy làm vui miệng. Lại có nhiều khi họ xúc cảm mà đặtc được thành câu…Coi đó thì đủ biết thiệt là một cái đặc tính riêng của một dân tộc, tự nhiên có một lối thơ riêng vậy”. (1)
Tóm lại bây giờ chỉ có những kẻ ngu xuẩn hoặc những tên Việt gian mới tin rằng lục bát bắt nguồn từ Trung Hoa. Những người Việt chân chính vẫn tiếp tục yêu quí, giữ gìn và trau dồi thể thơ lục bát, một thể thơ tuyệt diệu có một không hai trên thế giới! Thể song thất lục bát, dù có hai câu bảy tiếng, cũng không thể chịu ảnh hưởng của Trung Hoa huống chi là lục bát, dù có hai câu bảy tiếng đó không phải là hai câu thất ngôn Đường luật. Tại sao?
“Hai câu Thất ở lối thơ này (song thất lục bát) đã phát nguyên từ đâu? Ta thấy trước hết câu thất ngôn Đường luật ở các điểm:
Vần: Câu Thất ngôn Đường luật chỉ có vần cước, còn câu Thất ở đây có cả vần yêu.
Nhịp: Câu Thất Đường luật ngắt theo nhịp 4-1-3 hay 2-1-2-1-3
Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Còn câu Thất ở đây ngắt theo nhịp 3-1-4 hay 3-1-2-1-2
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Thanh: Câu Thất Đường luật theo nghiêm chỉnh luật “nhị tứ lục phân minh”, còn câu thất đây không hề theo luật ấy mà có thanh luật riêng của nó”. (1)
Ngoài song thất lục bát ra, ca dao, hát nói, lục bát…, nói chung các thể thơ Việt Nam, điều có vần lưng (yên vận). Như vậy nét độc đáo của thơ Việt Nam nằm ở chỗ gieo vần (vần lưng) và ở nhịp điệu riêng biệt. Riêng thơ lục bát, ngoài cách gieo vần lưng, còn có nhịp đặc biệt là nhịp chẵn. Cái cách gieo vần lưng, cái nhịp chẵn này biểu lộ được dân tộc tính mà ngay cả một người ngoại quốc – ông A. Pazzi – cũng đã nhận thấy một cách tinh tế. Ông pazzi một người Ý, đã chịu khó nghiên cứu kỹ lưỡng về tinh thần và truyền thống của dân tộc ta, trong quyền pour comprendere il Việt Nam et Viêtnamita (Để hiểu nước Việt và người Việt), đã không tiếc lời ca ngợi người Việt và thơ Việt: “ở một đoạn trên, chúng tôi có nói đến cái tinh thần thiết thực của con người Việt nam biểu lộ qua cái ngôn ngữ thi ca nhịp chẵn của họ, như thơ bốn tiếng, thơ lục bát và cả điệu thơ sau này gọi là thơ mới cũng lại tám tiếng. Cái nhịp chẵn ấy bao giờ cũng có đôi cặp, cũng được vuông tròn, không có chia rẽ lẻ loi, nói lên một cái tâm trạng không ưa phiêu lưu và cái bản chất chung thuỷ, đôn hậu vốn có trong tâm hồn họ. nhưng cái đặc biệt không chỉ dừng lại ở nơi nhịp chẵn cố hữu mà còn biểu lộ ở một điểm nữa thật là đặc biệt: đó là lối vần gieo ở lưng câu, trong điệu lục bát, một thể thơ tiêu biểu cho người Việt Nam (cũng có một đôi người Việt cho rằng thơ lục bát này vốn có ở các dân tộc lân cận như Chàm, như Thái họ vẫn không chứng minh được rõ ràng hơn về mối tương quan ảnh hưởng của các nước ấy đối với Việt-Nam, và hầu như họ không nhìn thấy cái giá trị tiêu biểu của thể thơ ấy, cùng với tính cách quen thuộc của nó ở trong đời sống hàng ngày của dân tộc họ. Vì vậy điều mà ai cũng có thể nhận thấy là thể lục bát, dù có tìm thấy ở vài dân tộc láng giềng của dân tộc Việt, vẫn là điệu thơ thuần tuý Việt-Nam, tiêu biểu Việt-Nam).
Trong điệu lục bát chúng ta có thể tìm thấy tinh thần thiết thực Việt Nam ở chỗ Yêu Vận: tiếng cuối câu lục vần với tiếng Sáu câu Bát, nói lên một sự bám víu thật là chắc chắn. Hầu như người Việt cần phải nghỉ ngơi cho thật vững tâm rồi mới dám bước tới thêm. Trên con đường dài gồm tám chữ ấy, người Việt đã có một trạm nghỉ ngơi, để mà đổi ngựa , kiếm nước chuẩn bị lại hành trang để tiếp tục lên đường. Và có lẽ nhờ vậy thể thơ lục bát có thể kéo dài vô tận như trong quyển Kiều là một tác phẩm bất hủ của dân tộc họ, và cũng như người Việt Nam có thể đi mãi không ngừng, vươn tới không thôi, như dân tộc họ trải qua lịch sử tiến về phương nam suốt mấy ngàn năm (1)
Thật là xấu hổ! Một số người Việt hết cầu cứu Tàu lại rước Chàm, Thái về “xâm lăng” thể thơ lục bát của Việt Nam. Trong khi đó ông Pazzi, một người ngoại quốc, lại hết lòng bênh vực, bảo vệ và công nhận thể thơ lục bát là “điệu thơ thuần tuý Việt Nam, tiêu biểu Việt Nam”, đồng thời còn phân tích rành mạch cái tinh thần thiết thực của dân tộc Việt biểu lộ trong thể lục bác và chê rằng một số người Việt “không nhìn thấy cái giá trị tiêu biểu của thể thơ ấy” Thật là mỉa mai, tội nghiệp và chua xót cho một số trí thức Việt Nam”!
Lê Vĩnh Thọ