User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

anh mat 2

Theo quan niệm Phật giáo, con người vẹn toàn có đủ lục căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý. Cơ quan nào cũng quan trọng, nhưng đôi mắt thật đáng quý và rất đặc biệt. Khi ta có đủ tất cả, hình như ta xem thường và không để ý đến sự hiện hữu của mỗi thứ ta đang có. Nhưng những người mù lòa thì cuộc đời của họ quả thật không biết được hương vị thật sự cùng khao khát được nhận thấy những cảnh vật xung quanh và sư hiện hữu của họ cũng cảm thấy không còn ý nghĩa gì đối với cuộc sống.

Trong y học, đôi mắt có vẻ làm việc nhiều nhất với cường độ thật cao nhất. Lúc bình thường trong cuộc sống hàng ngày, đôi mắt là bộ phận duy nhất diễn tả được cảm xúc, tâm trạng, thậm chí còn tỏ ra cái thần thái tinh anh của một con người mà không phải thốt lên bằng tiếng nói.

Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nên thường khi hạnh phúc dâng trào hoặc lúc phiền muộn khổ đau, sẽ khiến cho người đối diện dễ dàng phát hiện ra sự thầm kín trong đôi mắt ấy. Nếu chúng ta nhìn đời bằng đôi mắt với toàn màu hồng thì cuộc sống tràn đầy hạnh phúc bằng ngược lại thì trước mắt ta là cả một bầu trời đen tối.

Người ta cũng thường nói “đôi mắt biết nói”, “mắt có thần, mắt lạc thần” cũng từ ý nghĩa đó mà ra. Và cũng như vài bộ phận cơ thể khác thuộc hình thức bên ngoài của con người, đôi mắt đã đi vào văn chương và âm nhạc, đã tạo nên bao lời thơ ý nhạc sống mãi với thời gian, thể hiện muôn vàn cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người.

Trước tiên, ta thử điểm lại những miêu tả về đôi mắt qua cái nhìn trong kho tàng văn chương bình dân, thể loại văn chương truyền khẩu. Là một yếu tố có vị trí quan trọng hàng đầu trong khoa nhân tướng học, đôi mắt thể hiện nội tâm, cốt cách và phẩm chất của mỗi con người. Đôi mắt đẹp của người phụ nữ được dân gian ca tụng:

“Những người con mắt lá răm,
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”

Ngược lại là những đôi mắt dị hình, không những xấu còn mang hình tướng hạ cấp:

“Những người ti hí mắt lươn,
Trai thời trộm cắp, gái buôn chồng người”

Đôi mắt của người con gái không đoan chính được miêu tả qua câu ca dao:

“Những người con mắt lá khoai,
Liếc chồng, chồng chết, liếc trai, trai mù”.

Những kẻ gian ác, nham hiểm thể hiện qua đôi mắt được dân gian miêu tả bằng các danh từ như “mắt cú vọ”, “mắt diều hâu”. Một người phụ nữ đẹp ẩn hiện trong ca dao với đôi mắt được xem như một trong những ấn tượng khi một ai mới thoạt nhìn và đã “bị hốt hồn”, làm quyến rủ, xao xuyến trái tim bao chàng trai lãng mạn giang hồ:

“Cổ tay em trắng như ngà,
Đôi mắt em sắc như là dao cau”.

Nhưng chưa hết, đôi mắt ấy còn được tiếp tục được miêu tả trong một câu ca dao khác:

“Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh”.

Sang lãnh vực văn chương viết của thiên tài Nguyễn Du, đôi mắt luôn luôn song hành với đôi hàng lông mày và làn mi được xem là một tổng thể của vẻ đẹp, hiện lên khuôn mặt diễm lệ yêu kiều đã được Nguyễn Du với cái nhìn thật xuất sắc vẽ nên một bức tranh tả vẻ đẹp tuyệt vời của đôi mắt:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.

Đôi mắt của nàng Kiều được miêu tả như làn nước hồ thu, còn đôi hàng lông mày được ví như dải núi mùa xuân với màu xanh tươi mát. Với đôi mắt ấy đã làm cho hoa đẹp phải ganh tỵ và liễu yêu kiều diễm lệ cũng phải hờn ghen thì không gì sánh được! Đại thi hào Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh lồng vào chơn dung một Thúy Kiều với đôi mắt sánh với núi đang tiết xuân phơi phới nổi bậc bên nước hồ thu không gợn sóng.

Rồi sau này, thời cận đại, Lưu Trọng Lư đã mô tả đôi mắt người phụ nữ được ví với không gian rộng lớn, với sông nước:

“Mắt em là một dòng sông,
Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em”.

Không gian rộng lớn của dòng sông chưa đủ cho Văn Cao trong “Thời Gian”. Nhà thi sĩ kiêm nhạc sĩ đã có lúc gợi nên một không gian về chiều sâu. Bài thơ 7 câu, 12 dòng, 42 chữ, nhưng đã cho ta một triết lý nhân sinh. Tất cả chỉ đều mai một chỉ có Nghệ Thuật và Tình Yêu là bất diệt, vẫn còn mãi mãi trong cuộc sống. Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt và vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cữu bởi nó là hiện thân của cái Đẹp. Thời gian qua mau, kỷ niệm cũng vô thường, chỉ Riêng những câu thơ, những bài hát và Đôi Mắt Em vẫn còn mãi lưu luyến đâu đây:

“Thời gian qua kẽ tay,
Làm khô những chiếc lá,
Kỷ niệm trong tôi,
Rơi.
như tiếng sỏi
              trong lòng giếng cạn.
Riêng những câu thơ,
         còn xanh.
Riêng những bài hát,
        còn xanh.
Và đôi mắt em,
       như hai giếng nước”.

Cũng không gian ấy, thời gian ấy, đôi mắt lại là một sức quyến rũ dạt dào mãnh liệt, đã thu hút hồn ai trong ngẩn ngơ:

Trong nhạc phẩm “Đôi mắt Pleiku”, nhà nghệ sĩ Nguyễn Cường đã sững sờ:

“Em đẹp thế Pleiku ơi!
Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi.
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy.
Đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy.”

Lại với một góc nhìn khác, một cảm nhận khác, thi sĩ Tagor lại ví đôi mắt của người yêu với ánh sao sáng trên trời:

“Ôi rất đẹp mắt em là người mẹ
Ánh sao đêm vời vợi giữa trời thu
Môi em cười là nụ đời hé nở
Không gian chìm trong những tiếng em ru.”

Bên cạnh những bức tranh thủy mạc với một vẻ đẹp đầy thu hút và quyến rũ của người phụ nữ, những đôi mắt còn thể hiện muôn vàn những cung bậc tâm trạng cảm xúc của con người, không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Điển tích văn học cho chúng ta câu chuyện về “mắt trắng” và “mắt xanh”. Câu chuyện “Trúc Lâm Thất Hiền” (Bảy người hiền trong rừng trúc) Điển tích về đôi mắt của Nguyễn Tịch đời nhà Tần đã đi vào nhiều tác phẩm thi ca nổi tiếng của Việt Nam. Từ Hải khi gặp nàng Kiều đã cất lời thăm dò:

“Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Với Nguyễn Bính trong “Xuân Vẫn Tha Hương”, thi sĩ cũng đã nhắc lại điển tích của Nguyễn Tịch

“Cửa quan chửa mở đầu Viên bạc.
Tri kỷ không ai mắt Tịch cuồng.”

Thành ngữ của người Việt cũng có câu bộc lộ thái độ cảm xúc của con người qua đôi mắt. Kẻ lộ ý khinh thường, cao ngạo có thể diễn tả qua câu: “ Nhìn đời bằng nửa con mắt” hoặc qua một thành ngữ Hán Việt mang ý nghĩa gần tương đương: “Hạ mục vô nhân”. Ngược lại, khi muốn diễn tả một cảm xúc tích cực dành cho người khác giới, thường nhằm mục đích tán tỉnh yêu đương, người Việt lại có câu: “Liếc mắt đưa tình”.

Trong thời kỳ trung đại đã có những dòng thơ còn lưu lại, như trong thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã thể hiện cốt cách khí phách của mình qua một lần miêu tả ánh mắt, với một động từ rất đặc biệt xem thường: “Ghé” trong “Đề Đền Sầm Nghi Đống”:

"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.”

Trở lại với đề tài muôn thuở, những mối tình thơ mộng để lại bao nhiêu lỡ làng đắng cay, không nói nên lời. Trong “Tình Sầu” , thi sĩ Lưu Trọng Lư đã thổn thức:

"Đôi mắt em lặng buồn.
Nhìn thôi mà chẳng nói.
Tình đôi ta vời vợi.
Có nói cũng khôn cùng...“

Với người tình nhỏ bé hay khóc thì chàng trai không khỏi động lòng mỗi khi nhìn thấy giọt lệ bờ mi rồi lăn trên đôi má nàng trong “Khi Người Yêu Tôi Khóc”. Nước mắt được coi là vũ khí lợi hại của đàn bà, vì thế mà Khái Hưng đã tỏ bày trong “Tiêu Sơn Tráng Sĩ”:

“Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt của giai nhân.”, nên đã lưu lại những vần thơ:

“Chim trời mỏi cánh phiêu du.
Ta đem chí lớn giam tù trong em.
Mộng gian hồ đã nguôi quên,
Vì em mắt biếc ta mềm tâm tư...”

Quả là tia mắt mỹ nhân có sức mạnh phi thường, vô hình quật ngã dễ dàng các đấng nam nhi kém bản lĩnh. Thành quách còn sụp đổ nên có thành ngữ “đổ nước nghiêng thành” là vậy. Một khi ai đã đem lòng yêu thì ánh mắt của người yêu theo đuổi ai đó mãi, dẫu xa cách muôn trùng mà lòng vẫn hoài tưởng nhớ mong. Người ta vẫn thường nói rằng “Chỉ vì yêu đôi mắt mà cưới trọn cả người đàn bà”, thật chí lý lắm thay. Chính vì vậy mà đôi mắt đã được suy tôn trong nhiều áng thơ tình diễm tuyệt, trong những dòng nhạc chơi vơi qua bao thời gian trùng điệp.

Trong chiều dài lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, chiến tranh chống ngoại xâm, không thể thiếu những đôi mắt hiện lên trong chiến tranh. Có những đôi mắt buồn trong buổi chia ly loạn lạc, Quang Dũng trong “Đôi Mắt Người Sơn Tây”:

“Đôi mắt người Sơn Tây.
U uẩn chiều lưu lạc.
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Cho nhẹ lòng nhớ thương.”

Trong khi đó lại có những đôi mắt của những người trai kiên cường bất khuất, luôn trong tư thế sẫn sàng chiến đấu và đề cao cảnh giác trước quân thù. Trong “Tây Tiến”, Quang Dũng đã bộc lộ:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.”

Thần thái của động từ “trừng” trong câu thơ Quang Dũng khiến ta nhớ đến chữ “quắc” trong bài thơ nổi tiếng của Thế Lữ “Nhớ Rừng”:

“Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.”

Có những lúc một chàng trai đã thầm yêu một cô gái, nhưng khi gặp nhau, không ai nói nên lời và chỉ mắt nhìn mắt của nhau. Thi sĩ Đinh Hùng đã tâm sự trong “Tự Tình Dưới Hoa”, và nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã thêu dệt nên những cung bậc thật dạt dào. Ánh mắt đã thay cho bao lời nói với biết bao cảm mến:

“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng,
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại.
Âu yếm nhìn tôi không nói năng...”

Màu sắc của mắt cũng góp phần tạo nên những nét tuyệt vời khiến người đối diện say mê đắm đuối. Từ mắt huyền sâu thẳm, đen lánh như hạt nhãn, đến mắt bồ câu, với màu nâu thuỳ mị, làn mắt biếc nguyên trinh trong như giếng nước làm dịu mát tâm hồn, hay long lanh như ánh thủy tinh:

“Đôi bờ tinh thể kim cương,
Dạt dào ngắm mãi, anh thương từ đầu.”

Đó là nỗi lòng của thi nhân Việt Hải qua bài thơ ”Mắt Biếc”.

Mắt biếc đã gây cảm hứng thi nhân thổn thức “dạt dào ngắm mãi” để rồi trăm nhớ ngàn thương. Nhưng ở đây Nguyễn Bính đã phải:

“Bao năm đi giữa kinh thành
Bao năm lẻ bóng, lẻ hình, lẻ đôi.
Cả kinh thành có những ai?
Cả kinh thành có một người mắt nhung!"

Đã bao năm tháng, lặng lội giong ruổi truy lùng khắp kinh thành để tìm mắt nhung, nhưng rồi có đạt được điều mong ước chăng? Hay là cuối cùng cũng phải van lơn thảm thiết:

“Người ơi cứu vớt tôi cùng!
Dành đôi mắt đẹp cho lòng rất đơn.
Tôi còn mơ ước gì hơn!

...

Phải chăng tôi đã yêu rồi!
Hồn xin quì dưới mắt người từ đây...”

Đi cho lắm, mơ cho nhiều, nhưng rồi cũng trong giấc mơ đầy mong ước, mượn rượu tiêu sầu để say đấm trong cơn mơ đầy mộng ảo:

“Đêm qua buồn quá tôi say,
Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!"

Theo giòng lịch sử nước nhà, trong các ca khúc thời chiến cũng ẩn hiện hình ảnh đôi mắt. Giữa cảnh lửa đạn, chàng lính trẻ si tình nhớ về người yêu.

Trong nhạc phẩm “Những Đóm Mắt Hỏa Châu”, nhạc sĩ Hàn Châu tỏ bày:

“Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối.
Như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối.
Những đêm không ngủ, anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi.”

Đôi mắt cũng mang hình ảnh quê hương yêu dấu ngàn trùng. Dù bao năm tháng trôi qua biền biệt, bóng hình của cố quận làng xưa vẫn chập chờn đâu đây trong ánh mắt vương vương nỗi sầu:

“Mắt người mang cả quê hương.
Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm.”

Đó là nỗi lòng của Hoài Khanh cũng như biết bao nhiêu người Việt tị nạn, khi chân ướt chân ráo trên xứ lạ quê người.

Tuy xa quê hương, nhưng sau cơn tỉnh mộng, hình ảnh năm xưa vẫn vấn vương, vẫn thương, vẫn nhớ. Ngân Giang trong ”Đôi Mắt Người Xưa” đã phải ngậm ngùi:

“Cũng đôi mắt này, năm xưa lạc vào hồn tôi,
Trong những đêm không ngủ
Chong đèn nhìn khói thuốc bay....”

Dĩ vãng đã trớ về đậm tình sầu nhớ bóng hình xưa:

“Em ơi dĩ vãng đôi mình được
dệt thành bao kỷ niệm từ khi mới quen nhau.
Ôi, đôi mắt người xưa, bao lần khóc ướt vai tôi,
Trong những đêm nghẹn ngào.”

Rồi thời gian qua, đôi đường cách trở, tưởng chừng thời gian sẽ phôi pha. Cảnh ngang trái cho dù có thở than thì cuối cùng cũng đành than thở như TTKH thuở nào trong “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn”. “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng. Trời ơi, người ấy có buồn không?" đã đưa chàng về hiện thực, Ngân Giang đã sững sờ với nỗi đớn đau tột cùng:

“Rồi ngày tháng êm trôi, cuộc đời chia hai lối,
Bỗng một hôm có thiệp hòng báo tin vui
Tin em lấy chồng về bên ấy
Em có nhớ người xưa không?”

Trước tin của sự thật phũ phàng, Ngân Giang tỉnh thức lại tình duyên bẽ bàng nhưng rồi cũng tự trấn an mính và đành tự an ủi mình để tỏ lòng bao dung để quên đi bao nỗi đắng cay dày vò:

"Thôi trách nhau chi, chuyện tình dù dở dang,
Đã tan thành khói sương, như quên vào dĩ vãng
Đôi mắt người xưa, xin đừng buồn vì tôi,
Cho trái tim tôi ngủ quên chuyện tình xưa lỡ làng.”

 &&&

Chỉ có lòng bao dung tha thứ, quên đi quá khứ để trở về với thực tại, với lòng thanh thản, không để lòng chao đảo, bất an, không được tự do, tự tại. Khi mắt thấy hình ảnh đẹp, chúng ta trầm trồ khen ngợi rồi sanh tâm ưa thích, muốn nắm giữ về cho riêng mình. Như vậy, con mắt không sử dụng đúng chức năng của nó, ta tạm thời gọi là đánh mất chính mình. Nếu ta thấy biết người vật qua lại dao động trong cảnh ồn ào, náo nhiệt, nhưng tánh thấy chúng ta không có tịnh huống hồ là động.

Nếu ta thấy biết như thế thì không bị sắc trần làm dao động, cho nên an nhiên tự tại giải thoát. Ai sống được như vậy tức làm chủ căn mắt một cách trọn vẹn. Một căn đã dung thông thì sáu căn cũng lại như vậy, không bị hình ảnh, sắc hương, thơm hôi hương vị, xúc chạm, làm ngăn ngại.


BS Lê Ánh
(tháng 10, 2016)

anh mat 2

Đôi Mắt Là Cửa Sổ Của Tâm Hồn

Hầu hết chúng ta lo lắng về việc già đi, đặc biệt là các ảnh hưởng đến cơ thể. Chúng ta lo lắng về các nếp nhăn, các quầng mắt, chứng tăng cân trung niên, và rụng tóc. Vậy nên lúc này lúc kia, khi chúng ta nhìn vào gương hay thấy một tấm ảnh mới chụp, chúng ta bị sốc bởi khuôn mặt và cơ thể của mình, gần như không nhận ra mình trước khuôn mặt và cơ thể già nua của một người từng trẻ trung sung sức.
Tự xem lại những dấu hiệu tuổi già không phải là việc xấu, nhưng những thứ chúng ta cần xem xét là những thứ khác chứ không phải là những nếp nhăn, da nhăn nheo, rụng tóc và tăng cân. Với những sự trong cơ thể, tự nhiên có cách của nó. Còn để tìm những dấu hiệu lão hóa, thì hãy tìm chúng trong đôi mắt chúng ta. Đây mới chính là nơi các dấu hiệu lão hóa và lão suy thể hiện rõ nhất.
 
Nếu đứng trước gương, và nhìn thẳng vào mắt mình, bạn thấy được gì? Đôi mắt bạn có mệt mỏi, thiếu nhiệt huyết, yếm thế, vô hồn, nguội lạnh? Chúng có ánh lên toàn giận dữ và đố kỵ hay không? Có ánh lửa nào đang cháy trong đó không? Chúng có u mê đến nỗi không còn khả năng kinh ngạc nữa hay không? Sự ngây thơ có còn nơi đó nữa không? Liệu còn một tâm hồn thơ trẻ ẩn giấu đâu đó sau đôi mắt hay không?
 
Những dấu hiệu thực sự của lão suy bị tố giác bởi đôi mắt chứ không phải cơ thể. Da nhăn đi chỉ đơn thuần là sự lão hóa thể lý, không hơn. Cơ thể già đi và chết, theo một tiến trình không tránh được và rất tự nhiên như việc chuyển mùa vậy, nhưng đôi mắt vô hồn báo hiệu một sự lão suy chết người hơn nữa, một chuyện thiếu tự nhiên, một tinh thần kiệt quệ. Tinh thần phải luôn mãi tươi trẻ, luôn mãi như trẻ thơ, và luôn mãi ngây thơ. Chứ không phải là u mê và vô hồn. Nhưng tinh thần có thể chết đi do thiếu đam mê, do ảo tưởng về sự thân mật, do mất đi ngây thơ và ngạc nhiên, do sự kiệt quệ của tinh thần, và do các tuyệt vọng với thực tiễn.
 
Và sự tuyệt vọng là một điểm đáng chú ý. Hầu như chúng ta tuyệt vọng không phải bởi ngày càng lo lắng về những thiếu sót và đau khổ trong đời, hay do thấy cuộc đời quá rộng xa tầm với. Nhưng chúng ta tuyệt vọng vì một lý do ngược lại, cụ thể là bởi chúng ta ngày càng yếm thế hoài nghi về niềm vui hân hoan. Niềm vui ở trong việc cảm nghiệm cuộc sống như một điều tươi mới, như quyển tiểu thuyết, như sự mở đầu, như một đứa trẻ, với một tinh thần nguyên tuyền nhất định. Dạng niềm vui này không phải là khoái lạc, dù vẫn có khoái lạc trong đó. Tất nhiên, có thể có khoái lạc mà không cần niềm vui, nhưng dạng khoái lạc này là sản phầm của một sự thiếu kinh ngạc và kính trọng trong cảm nghiệm. Dạng khoái lạc này lúc đầu chúng ta cảm nghiệm như một chiến thắng, một sự thoát khỏi tình trạng ngây thơ, như sự tự do, nhưng nó sớm trở thành thất bại, đình trệ, chán ngán, và một dục vọng u mê. Khẩu vị của chúng ta không còn mong muốn được cảm nếm nữa. Nhiệt tình chết đi và linh hồn trở nên kiệt nhọc. Chẳng còn gì trong chúng ta là tươi mới và trẻ trung nữa, đôi mắt chúng ta bắt đầu chỉ ra điều đó. Chúng đã mất đi tia lửa, mất đi sự thơ trẻ.
 
Trong tiểu thuyết đầy xúc động ‘Thiên Thần Đá’ Margaret Laurence đã minh họa nhân vật nữ chính, một phụ nữ tuyệt vọng tên là Hagar, nhìn vào gương và tự nhủ: ‘Ta đứng đây một hồi lâu, nhìn, và tự hỏi xem làm sao mà con người có thể thay đổi nhiều đến thế … Chuyện này xảy ra quá chậm rãi. Khuôn mặt nâu sạm và nhăn nheo này, không phải của tôi. Chỉ có đôi mắt là của tôi, chăm chăm nhìn như xuyên thấu tấm gương dối lừa này, và đi xuống tìm một hình ảnh thực vô cùng xa vời.’
 
Đối với chúng ta, đáng buồn thay, khi nhìn vào gương cho đúng, cũng sẽ thấy như thế, một gương mặt vô hồn không thực sự là của mình, và đôi mắt đờ đẫn của chúng ta, giấu kín dưới một tấm gương lừa dối. Có những lúc ngọn lửa lụi tắt, đôi mắt và gương mặt chúng ta không còn kinh ngạc và ngây thơ.
 
Phải làm gì đây? Chúng ta cần phải nhìn thật lâu và thật đúng bản thân mình trong gương, và nghiên cứu đôi mắt mình thật lâu thật sâu, và để những gì chúng ta thấy gây cho chúng ta đủ sốc sao cho thúc đẩy chúng ta hướng đến con đường vô ưu, kinh ngạc và một sự ngây thơ tái tạo. Tôi có lời khuyên này: Hãy đến trước gương và nhìn chăm chăm đôi mắt mình đủ lâu cho đến khi bạn thấy lại nơi đôi mắt mình, cô bé cậu bé từng một thời ở đó. Và lúc đó, sự kinh ngạc sẽ tái sinh, tia lửa trở lại, và và cùng với đó là sự tươi mới sẽ cho bạn trẻ trung lần nữa.
 
Đôi mắt bạn không lụi tàn, mà chỉ bị che khuất. Đó là lý do gây nên ánh nhìn trống không, chẳng thiết tha. Thân thể kiệt lực, nhưng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, và chúng luôn luôn háo hức được ngắm nhìn. Một trong những điều tương phản giữa Kitô giáo và Phật giáo là về đôi mắt. Các đức Phật luôn luôn được minh họa với đôi mắt nhắm, còn các vị thánh Kitô giáo thì luôn với đôi mắt mở. Các thánh nhân Phật giáo có một thân thể hài hòa, phương phi, nhưng đôi mắt thì nặng nề và gắn chặt trong giấc ngủ. Còn các vị thánh Kitô giáo thì thân thể gầy còm, nhưng đôi mắt sống động, thèm khát, chằm chằm. Đôi mắt của Phật giáo thì tập trung hướng nội. Còn đôi mắt Kitô giáo thì chằm chằm hướng ngoại, thèm khát, và đầy kinh ngạc.
 
Có câu chuyện Thiền sư và cô lái đò:  
 
Cô lái đò hằng ngày đưa khách qua sông. Khi đò cập bến cô lái thu tiền tất cả mọi người ai cũng hai xu đến nhà sư thì cô gái đòi bốn xu.
 
Nhà Sư mới ngạc nhiên hỏi vì sao lại như thế?
 
Cô lái đò mỉm cười rồi nói:
 
Vì thầy nhìn em nên phải trả tiền gấp đôi chứ…
 
Nhà sư đành im lặng trả tiền và chẳng dám biện luận gì thêm!
 
Chiều về nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp bốn lần.
 
Nhà sư hỏi cô định ức hiếp thầy chùa sao?
 
Cô lái lại mỉm cười bảo:
 
Lần nầy Thầy nhìn em bằng sự tưởng tượng thầm kín bên trong.
 
Nhà sư hết đường biện minh đành ngậm bù hòn mà trả tiền.
 
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn nên khi mắt mở ra ta trông thấy được thế giới bên ngoài, thì lẽ đương nhiên đối tượng cũng có thể thấy được phần nào bên trong của ta thông qua đôi mắt đó. Đôi mắt ấy thể hiện buồn vui, thương ghét khi ta cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau. Khi ta nổi giận vì bất bình một chuyện nào đó, đôi mắt sẽ đỏ lên như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện. Khi ta cảm nhận hạnh phúc thì đôi mắt sẽ chứa đầy yêu thương trìu mến. Nói chung sự thay đổi nơi tâm thức thông qua đôi mắt, luôn bộc lộ ra hết những cảm xúc trong lòng.
 
Chúng ta sống trong thời văn minh khoa học hiện đại, với vô số phương tiện truyền thông nên cũng có quá nhiều sự cám dỗ, làm cho đôi mắt của chúng ta bị vẫn đục bởi chạy theo mọi hình ảnh sự vật rồi dính mắc vào đẹp xấu. Cái thế giới đầy mộng mị này ta thường cho là ảo nhưng lại có sức quyến rũ đến mê hồn, làm cho ta chẳng thấy đường về trong thực tại. Nó có thể khiến cho ta mất phương hướng chạy theo đắm chìm trong ảo giác thấy nghe trong mê muội.
 
Trong sách khóa hư lục của vua Trần Thái Tông viết về tội của mắt như sau:
 
Nhân ác xem kỷ, nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành
Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền,
Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai,
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên
Đều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người
Dù được làm người, lại bị mù chột.
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ.
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
(Bản dịch Hòa Thượng Thích Thanh Từ)
 
Đôi mắt ở vào thời điểm xa xưa và đôi mắt của bây giờ nó cũng khác nhau rất xa, đôi mắt bây giờ bị dính bám vào nhiều thứ nên người thời nay rất khó tu. Trong sáu căn gồm có: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ngoài ý ra, ta thường xuyên xử dụng đến mắt và tai nhiều nhất, vì vậy những tội do mắt gây ra cũng nhiều vô số.
 
1. Xem tướng mắt - muốn biết sang hèn thì nhìn mắt
 
Đôi mắt thường được ví với "cửa sổ tâm hồn" vì trong các hoạt động giao tiếp hàng ngày, chúng ta đều rất chú ý quan sát đôi mắt của đối phương, đặc biệt là trong lần đầu gặp gỡ hay khi chào hỏi lẫn nhau. Ấn tượng sâu đậm nhất đọng lại trong tâm trí mọi người sau mỗi lần gặp mặt đều được quyết định bởi hình dạng và thần thái của đôi mắt. 
 
Nguyên nhân là vì đôi mắt của mỗi người không chỉ có khả năng truyền đạt những suy nghĩ nội tâm cũng như cá tính mà còn có thể bộc lộ hành vi cử chỉ của người đó. Đôi mắt đứng đầu trong Ngũ quan và được các lý luận của bộ môn Nhân tướng học vô cùng coi trọng. Đôi mắt là cơ sở phân loại quan trọng trong Nhân tướng học. Theo lý luận của Nhân tướng học thì thông qua quan sát các đặc điểm như kích thước, vị trí, hình dạng, thần thái, của đôi mắt, có thể suy ra được tính cách phẩm chất của người sở hữu đôi mắt đó, thậm chí còn có thể suy ra được vận mệnh của người đó, bao gồm nghiệp học, sự nghiệp, kết bạn, tình cảm, hôn nhân và gia đình.
 
Bởi vậy, đôi mắt chính là một nội dung trọng yếu của Nhân tướng học. Cũng vì nguyên nhân này nên bài học đâu tiên của Nhân tương học chính là phải nắm vững tất cả những nội dung có liên quan đến xem bói mắt. Đồng thời, có thể vận dụng những hiểu biết vào việc đánh giá, tuyển chọn và sử dụng con người để dẫn dắt cho cuộc sống và sự nghiệp của mình. 
 
a. Ánh mắt vô hồn
 
Ánh mắt đờ đẫn, vô hồn, đem lại cảm giác không có tinh thần và thiếu tập trung. Những người có đôi mắt nhu vậy thường lười biếng, không tích cực và cũng không đáng tin cậy. Khi lựa chọn bạn đời, tuyển dụng nhân viên hay lựa chọn đối tác trong kinh doanh,... tốt nhất hãy cố gắng tránh lựa chọn những người có tướng mắt vô hồn như vậy.
 
b. Ánh mắt phải có thần thái
 
Một đôi mắt có thần thái với ánh nhìn có hồn sẽ gây được ấn tượng tốt đẹp với người đối diện. Phần lớn mọi người đều cho rằng những người có đôi mắt có hồn thường rất thông minh, năng động, hoạt bát và giàu nhiệt huyết. Thực tế cũng đã chứng minh rằng, những người có tướng mắt có hồn thường rất tích cực, cầu tiến, sẵn sàng phấn đấu và chịu đựng mọi khó khăn vất vả để khẳng định và nâng cao giá trị của bản thân mình. Dù vấp phải tình huống khó khăn, họ vẫn kiên cường phấn đấu không biết mệt mỏi. Cũng chính vì những phẩm chất này mà họ thường được "quý nhân" giúp dỡ, cũng dễ có được thành công trong sự nghiệp.
 
Ngược lại, những người có ánh mắt đờ đẫn, vô hồn sẽ đem lại ấn tượng về sự thiếu tinh thần, không tích cực. Thực tế đã chứng minh rằng, những người có ánh mắt vô hôn thường thiếu tích cực, khó có được sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người xung quanh. Những người này cũng sẽ không có vận mệnh tốt đẹp, đường đời càng đi lại càng gập ghềnh hơn.
 
c. Ánh mắt láo liên
 
Những người có thái độ không thành khẩn, thiếu trung thực, khi nói chuyện thường nhìn ngang nhìn ngửa, ánh mắt láo liên bất định, đôi khi thiếu tự tin hoặc có mưu đổ trục lợi nhằm lợi dụng ngưòi khác, bạn cần hết sức cảnh giác với những người có ánh mắt nhìn như vậy, bởi nếu không sẽ dễ bị lừa hoặc phải chịu thiệt thòi. 
 
Ngoài việc đánh giá ánh mắt có tinh thần, có sức sống hay không chúng ta còn phải chú ý quan sát ánh mắt có láo liên không, tức là trong khi trò chuyện, đôi mắt không nhìn thẳng vào đối phương, mà liên tục đảo qua đảo lại không cố định.
 
Người có ánh mắt láo liên thường để lại cho người đối diện ấn tượng về sư thiếu thành khẩn và không tập trung. Vì vậy, mọi người thường không tin tưởng vào lời nói của họ. Chính điều đó sẽ khiến họ gặp khó khăn khi xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh.
 
Những người có tướng mắt như vậy là thiếu tự tin hoặc đang có mưu đồ trục lợi nhằm lợi dụng người khác. Vì vậy, khi tiếp xúc với những người có ánh nhìn như vậy, bạn cần hết sức cảnh giác, đề phòng để tránh rơi vào cái bẫy mà họ đã giăng sẵn. Nếu không, chắc rằng bạn sẽ dễ bị lừa gạt và phải chịu nhận phần thua thiệt về mình.
 
d. Ánh mắt phải trong sáng
 
Những người có ánh nhìn trong sáng cũng sẽ dễ lưu lại cho người đối diện ấn tượng rất sâu sắc và tốt đẹp. Ánh mắt trong sáng có nghĩa là tròng mắt có rất ít tia máu đỏ, tròng trắng và tròng đen phân biệt rõ ràng, đen trắng tách bạch.
 
Những người có ánh mắt trong sáng cũng sở hữu một tâm hồn và trái tim thuần khiết, làm việc đàng hoàng, quang minh chính đại. Khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, cũng sẽ luôn có người tốt, quý nhân tự tìm đến giúp đỡ. Nhờ công việc họ sẽ trở nên giàu có, cũng có thể đưa ra được những kế sách đầu tư tài chính rõ ràng, chính xác. Họ cũng sẽ không gặp khó khăn trong chuyện tình cảm. Dù họ làm bất cứ việc gì cũng đều có thể đạt được thành công một cách thuận lợi.
 
Ngược lại, những người có ánh mắt không trong sáng, nghĩa là phần tròng trắng ngả vàng, có nhiều tia máu hoặc sự phân chia giữa hai phần đen - trắng không rõ ràng, khó có thể có tâm hồn và trái tim trong sáng. Trong đầu họ thường có nhiều suy nghĩ đan xen, không lúc nào được bình yên thanh thản. Khi làm bất cứ việc gì cũng không thuận lợi và dù có cố gắng hết sức trong công việc cũng sẽ xảy ra nhiều vấn đề không mong muốn như bị chèn ép, lấn lướt, không giữ dược tiền bạc, khả năng phán đoán kém cỏi, không xuất sắc, không kiên định trong tình cảm, chần chừ thiếu quyết đoán, nên thường sẽ dẫn tới những kết quả không tốt đẹp.
 
e. Ánh mắt có thần sắc
 
Một ánh mắt có thần sắc sẽ tạo được ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp cho người đối diện. Người có ánh nhìn như vậy thường được đánh giá là thông minh, năng động, luôn tích cực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và công việc. Những người này nếu không thể trở thành lãnh đạo, cũng là người có tài năng nổi bật. 
 
2. Nhân tướng học với kích thước của đôi mắt
 
Thông thường, mọi người ưa thích những đôi mắt to tròn, quan niệm những cô gái có đôi mắt to đều xinh đẹp, những chàng trai có đôi mắt to đều đẹp trai, hào hoa. Tương tự như vậy, những người có đôi mắt nhỏ sẽ luôn để lại cho người khác ấn tượng không mấy tốt đẹp. Sở dĩ mọi người có quan niệm như vậy là do bị ảnh hưởng bởi mô típ của phim ảnh hoặc truyện.
 
Tuy nhiên, trong Nhân tướng học, người có đôi mắt to và người có đôi mắt nhỏ đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhân tướng học không nhìn nhận một cá nhân đơn giản và trực quan rằng mắt to là tốt, mắt nhỏ là không tốt.
 
Khi phán đoán về tướng số của một người nào đó thông qua đôi mắt, chúng ta phải quan sát đồng thời tất cả các cơ quan khác trên gương mặt để có thể đưa ra những nhận định tổng hợp, từ đó rút ra được kết luận chuẩn xác nhất. Trong Nhân tướng học, tất cả các bộ phận trên gương mặt đều có tầm quan trọng ngang nhau, việc phân chia theo thứ tự chỉ là để giúp bạn có thể nắm bắt và lý giải những lý luận đó một cách thuận tiện hơn mà thôi.
 
Những người có đôi mắt to luôn dễ dàng để lại cho người đối diện một ấn tượng lần đầu tốt đẹp bởi họ rất nhiệt tình, cởi mở. Chính những đặc điểm tính cách này đã giúp họ nhanh chóng xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. 
 
Họ hiếu kỳ như trẻ nhỏ, thích tìm tòi và khám phá tất cả mọi thứ xung quanh mình. Tuy nhiên, nhược điểm của họ là tâm trạng và suy nghĩ hay thay đổi, có mới nới cũ, đặc biệt là trong vấn đề tình cảm. Vì vậy, dù nảy sinh tình cảm tốt đẹp với đối tượng nhưng họ lại không thể xây dựng được một tình yêu lâu dài, ổn định. Khi hai bên xảy ra xung dột, tranh chấp, họ thường không đủ kiên nhẫn và bình tĩnh để giải quyết mọi việc mà luôn hiếu thắng, thích lấn lướt đối phương. 
 
Tuy nhiên, cũng vì bản tính vui vẻ nên họ thường dễ giận nhưng mau quên, không có tâm lý thù dai. Cá tính thích thay đổi của họ thể hiện rõ ràng nhất trong công việc, làm việc thường bỏ ở nửa chừng, hoặc luôn có xu hướng tìm kiếm công việc khác. Chính cách làm việc như vậy đã khiến họ không thể gặt hái được những thành công lớn. Chỉ có sự bền bỉ, kiên trì đến cùng, mới có thể đạt được mục đích. Những người có đôi mắt to rất phù hợp với các công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo trong giao tiếp như ngoại giao, lễ tân, chăm sóc khách hàng,...
 
Những người có đôi mắt nhỏ cũng có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Người có đôi mắt to thường rất nhiệt tình, vui vẻ trong khi người có đôi mắt nhỏ lại thường trầm tính và bảo thủ hơn. Chính vì đặc điểm này nên họ luôn gặp nhiều khó khăn khi muốn xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Nếu không được mọi người nhìn nhận và khẳng định khả năng, họ rất dễ nảy sinh tâm lý tự ti, mặc cảm lên sẽ tỏ thái độ tiêu cực, thiếu can đảm và quyết đoán trong mọi vấn đề. Mỗi khi phải đối diện với một sự việc mới lạ, họ thường không có hứng thú tìm hiểu. Họ bảo thủ, thậm chí cố châp, luôn tuân thủ đúng theo nguyên tắc đã đề ra, đôi khi thành ra cứng nhắc, khiến mọi người có cảm giác khó gần. Tuy nhiên, ưu điểm của họ là có tâm hồn trong sáng, chu đáo, thận trọng, không dễ phạm sai lầm. Nếu những người này được giao những công việc quan trọng, họ sẽ cẩn thận làm đến nơi đến chốn một cách tỉ mỉ, chắc chắn. Họ đáng tin cậy hơn nhiều so với quan niệm thông thường.
 
Mắt to thích hợp với các ngành nghề đòi hỏi sự nhanh nhạy trong giao tiếp, những người mắt nhỏ lại phù hợp với những công việc yêu cầu độ chính xác mạch lạc hành chính, hoạch định chính sách, tài vụ,...
 
a. Xem tướng mắt một mí
 
Ngưòi có đôi mắt một mí thường rất bảo thủ luôn suy tính mọi chuyện cần thận, tỉ mỉ trước khi bắt tay vào hành động. Tuy nhiên, nhược điểm của họ là khả năng diến đạt rất kém, không hoạt ngôn nên thường lúng túng khi giao tiếp với người xung quanh. Người có đôi mắt một mí cũng thường tuân thủ nguyên tác, thậm chí đến ngoan cố, cứng nhẳc. 
Ngoài ra, quan điểm thể mỹ phổ biến hiện nay lại cho rằng, nam giới đôi mắt một mí sẽ rất có sức hút và đối với người khác giới.
 
b. Xem tướng mắt hai mí
 
Cũng giống như trường hợp mắt to - mắt nhỏ, đa số mọi người đều thích hai mí hơn là mắt một mí. Chính vì quan niệm này nên các thẩm mỹ viện mới ra dịch vụ phẫu thuật xẻ mí, cắt hai mí. Mắt một mí hay mắt hai mí đều là đăc trưng lộ sự khác biệt trong tính cách của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết rằng người mắt một mí cũng có những ưu điểm riêng biệt, và người mắt hai mí cũng có những nhược điểm của họ. 
 
Hơn nữa, vì còn chịu ảnh hưởng tổng hợp của các bộ phận khác trên gương mặt nên người có đôi mắt một mí không phải ai cũng trầm tính bảo thủ, mà cũng có người rất hoạt bát, năng nổ. Tương tự, không phải tất cả người nào mắt hai mí đều nhiệt tình, năng động, mà cũng có những người trầm tính nhẹ nhàng hơn. Mắt một mí hay mắt hai mí chỉ là một trong những đặc điểm chúng ta tham khảo khi quan sát gương mặt và phán đoán về tính cách của một người. Đặc điểm này tuy không phải là tối quan trọng nhưng cũng không thể bỏ qua.
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com