
Dệt vải đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Việt xưa, nó là một nghề riêng biệt, yêu cầu một lượng lớn nhân công, nguồn lương thực dồi dào do phát triển nông nghiệp cho phép cư dân Việt thời kỳ đó có đủ và dư nhân công để có thể dệt vải, cũng như cho các ngành thủ công và công nghiệp khác như đúc đồng, làm gốm… Nghề dệt vải thường được dành riêng cho nữ giới, bởi tính cầu kỳ, phức tạp, yêu cầu sự kiên nhẫn và khéo léo của người dệt vải. Các công đoạn của nghề dệt khá lâu và phức tạp, nên có thể các trang phục của người Việt xưa được dệt và nhuộm đơn giản để dành cho đa số dân cư, những hoa văn yêu cầu các công đoạn phức tạp hơn chỉ dành cho bậc quý tộc.
1. Trồng cây, nuôi tằm và khai thác sợi:
Bước đầu của kỹ thuật dệt may bắt đầu từ chỗ trồng cây, nuôi tằm và khai thác sợi.
– Đối với sợi lanh và các loài sợi có nguồn gốc thực vật, thì người dân trồng, khai thác, phơi, sau đó tước cây lanh thành các sợi đều nhau.
– Đối với sợi tơ tằm, thì người dân trồng cây dâu tằm, nuôi tằm, để tằm thả tơ, kết kén, khoảng 1 tháng sau khi nuôi tằm, người dân thu hoạch kén, luộc kén, kéo sợi tơ từ kén tằm, thành sợi tơ tằm.
Đây là khởi đầu cho quá trình dệt vải, quá trình trồng cây, nuôi tằm, khai thác sợi yêu cầu rất nhiều thời gian, tuy nhiên nó cũng chỉ là một phần của quá trình dệt vải yêu cầu nhiều kỹ thuật cũng như sự công phu, tỉ mẩn trong từng công đoạn.
2. Xe sợi:
Bước tiếp theo của quá trình dệt vải là xe sợi, trong thời Phùng Nguyên, thì rất phổ biến kỹ thuật xe sợi bằng dọi đất nung. Sợi được khai thác từ thực vật và tơ tằm được xe thành sợi với kỹ thuật như hình minh họa phía dưới.

Minh họa kỹ thuật xe sợi bằng dọi đất nung của người châu Âu và bản địa châu Mỹ.
Kỹ thuật xe sợi tới thời Đông Sơn có thể phát triển hơn, thành guồng xe sợi và quay tơ (xa), tương tự như người Mường dưới đây, để có thể xe sợi thành sợi vải, chuẩn bị cho giai đoạn dệt vải.
Guồng xe sợi của người Mường. [Nguồn]
Sợi sau đó được kéo để đưa vào khung cửi.









