User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
binhqu25Nguồn: Internet
 
Nhắc tới nhà quê, ai ai cũng nghĩ người nhà quê mê cải lương và đặc biệt là bài ca vọng cổ. Bài ca vọng cổ, ai cũng biết, ai cũng có thể ca được mà không cần phải qua trường âm nhạc nào. Trẻ nhỏ ca, người lớn ca, thanh niên ca, phụ nữ ca. Mọi người khi có hứng là cất lên lời ca. Ca nơi trại ruộng, trên sông nước hữu tình. Ca trong những đêm đám cưới, đám giỗ. Ca trong mùa cắt gặt. Ca trong lúc giăng câu, giăng lưới giữa đồng nước mênh mông. Bài ca vọng cổ là một trong những bài ca quen thuộc làm khuây khỏa nỗi lòng, làm nhẹ đi gánh nặng cực nhọc qua những mùa màng nắng cháy mưa dầm. Người ta không cần thuộc nguyên vẹn lời ca, không cần tiếng đàn, cứ có chút cảm hoài, có chút vui vui là cất lên tiếng ca vang vang cùng trời trăng mây nước. Cái đặc biệt nữa là dân ruộng khi cất giọng ca vọng cổ là ca rất tự nhiên, không thẹn thùng, không mắc cỡ và không sợ ai chê mình ca dở. Có lẽ nhờ vậy mà sáu câu vọng cổ rất gần gũi thân thiết với dân quê không rời được.

Vào những năm thập niên 1940-1950, ở làng Bình Hòa còn có tên là Mặc Cần Dưng, tại vàm mương Ông Nhà Lầu, một chủ điền rất lớn, nơi đây ngày xưa ông có xây một nhà lầu bằng gạch đá đồ sộ với cổng tam quan như một lâu đài;  rồi ly loạn những năm 1945, căn nhà này bị các phe phái tranh quyền đốt cháy rụi nhưng còn được nhà kho ba bên bốn bề tường nhà đóng khói loang lổ; nhà kho này có thời được mở lớp học do cậu Chín Nhậm dạy cho học trò trong xóm có nơi đi học. Trước mặt nhà lầu có khoảng sân khá rộng; các ghe hát Sơn Đông mỗi khi lưu diễn qua vùng này lúc nào cũng ghé lại diễn cả tuần lễ hầu bán thuốc cao đơn hườn tán và buổi hát Sơn Đông nào cũng được dân trong xóm rủ nhau đến coi rất đông. Bọn con nít tụi tôi hồi ấy mê coi sơn đông dữ lắm; mỗi xế chiều mà nghe tiếng trống đánh lung tung là chúng tôi ngồi không yên, cách nào cũng ráng đi coi cho bằng được.
 
Lúc bấy giờ, vùng này có cậu Ba Cẩn nhà ở gần cầu ông Xã Cương đứng ra lập gánh hát cải lương và mượn kho nhà bị cháy này làm rạp hát. Nhớ hồi ấy tôi còn rất nhỏ, nhưng tối nào cũng xin theo mấy anh chị tôi đi coi hát. Tôi còn nhớ cũng có sân khấu, có kéo màn nhiều lớp, có đèn màu làm bằng những chiếc đèn manchon thắp bằng dầu lửa và che bên ngoài những lồng bằng giấy màu xanh, đỏ, vàng để mỗi khi cần đổi màu, gánh hát có người lanh tay thay những chụp đèn màu ấy làm cho sân khấu rất là cải lương. Lúc bấy giờ tôi thường được coi các đào kép  gánh hát của cậu Ba Cẩn hay hát các tuồng Nguyệt Thu Nga, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Ni Cô Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính và hồi đó nhiều người lớn cũng hổng để ý ai là soạn giả soạn ra các vở tuồng này. Gánh hát của Cậu Ba Cẩn giống như gánh hát chầu, cứ hát hoài một chỗ, ít dời đi nơi khác có lẽ vì lúc bấy giờ gánh hát nghèo, không có ghe xuồng chuyên chở đồ nghề như rèm màn, cánh gà, tranh vẽ tuồng tích, đèn đuốc và nhất là sân khấu, ghế ngồi rất bề bộn. Một trong những bài vọng cổ mà tôi được nghe các đào kép trong gánh hát của cậu Ba Cẩn thường hay hát là bài Sầu Vương Biên Ải; sau này mới biết bài hát này của tác giả Thái Thụy Phong, người quê quán Tân Châu (Châu Đốc), với câu nói lối rất quen mà ai ai khắp các nơi làng quê lúc bấy giờ đều thuộc nằm lòng:
 
“Nói lối:  Nhìn trời hiu quạnh rừng đêm sương gió lạnh. Chốn quê nhà lòng chạnh nỗi niềm riêng. Em ơi muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền để cho người cô lữ khỏi mang niềm tủi hận…
 
Câu 1:  Thâu canh hồn ngơ ngẩn nhìn ánh trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm trường… Cảnh vật mơ màng say giấc điệp giữa trời sương. Chạnh nỗi lòng người viễn khách cô đơn ngoài biên ải lạnh lùng sầu vương theo ngọn gió…” (1)
 
Thời xa xưa ấy, bên cạnh trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa, có ngôi đình thờ Thần Thành Hoàng và lâu lâu cũng có gánh hát cải lương về hát cho dân trong làng coi. Dân nhà quê dường như ai cũng mê cải lương. Cứ chiều chiều có chiếc xe lôi chở những người đi rao bảng với trống đánh lung tung, lung tung quảng cáo tối hát tuồng gì, tuồng gì thì ôi thôi ai ai cũng nôn nao trông cho mau tối đặng đi coi hát.  Làng Bình Hòa lúc bấy giờ chỉ có vài ba nhà làm ruộng thuộc hạng đại điền chủ với lúa ngàn mới có giàn máy hát dĩa hiệu Colombia, như nhà cậu Ba Sáng gần mương Nhà Lầu, nhà ông Hai Huấn, ông Hai Ngươn bên kia rạch Mặc Cần Dưng, cũng như nhà cậu Bảy Tý bên này sông là có máy hát loại quay dây thiều và đầu máy gắn kim hát làm bằng loại kim loại sáng. Hát hoài trên dĩa hát như vậy kim cũng phải mòn và khi kim mòn thì tiếng hát trong dĩa phát ra hơi rè rè, lúc bấy giờ người ta đem những cây kim cũ này ra mài lại trên đá bùn cho bén và bắt đầu dùng lại cho đến khi nào kim bị mòn và cứ tiếp tục mài tiếp hoài cho tới khi kim hết hát được mới thôi. Ngày cũng như đêm lúc nào bà con trong xóm cũng nghe văng vẳng bên tai những tuồng cải lương xưa với những lớp vọng cổ xen lẫn những bài ca ngắn như Nam Ai, Xàng Xê, Đảo Ngũ Cung, Bình Bán Chấn v.v…  Dường như hồi thời ấy ở làng quê không có môn giải trí nào khác ngoài giàn máy hát và những tuồng cải lương xưa, nên đây là môn giải trí duy nhứt của dân quê sau một ngày cày sâu cuốc bẫm trên đồng.
 
Nhớ thủa ấy thịnh hành nhứt là tuồng Lâm Sanh Xuân Nương và Nguyệt Thu Nga. Riêng Nguyệt Thu Nga dù có trên năm sáu chục năm nhưng câu nói lối vào bài vọng cổ này tôi vẫn còn nhớ hoài: “Khoan khoan bớ Nguyệt Thu Nga, cái tên mà đã sáu năm qua nó đã đơm bông nở nhụy trong quả tim vàng…” Quả đúng là cải lương. Những chữ “đơm bông nở nhụy”, “quả tim vàng” rất mực văn hoa không có thật ngoài đời mà chỉ có trong các bản vọng cổ, các tuồng cải lương. Thành ra, khi có ai ngỏ lời yêu đương với những câu nói hay viết thơ với những lời lẽ văn hoa bóng bẩy như thế thì người nghe được thường buông lời chê bai là thằng đó hoặc con nhỏ đó cải lương quá mạng.
 
Ngoài các dĩa hát, những giàn hát máy quay dây thiều với kim mòn phải mài lại mà dùng cùng những gánh hát dựng lên nơi các địa phương như vừa kể, tôi còn nhớ vào những năm thập niên 1950 nơi các làng quê còn hay có các ban đờn ca tài tử. Các ban đờn ca này do các thanh niên hoặc người có tuổi tác mê đờn ca đứng ra họp lại đờn ca chơi cho vui. Người thì chuyên đờn cò, người đờn gáo, người giữ chỗ đờn tranh, người phụ trách đờn lục huyền cầm, người chơi đờn kìm, người giữ nhịp song lang, rồi có thêm vài ba người luân phiên nhau ca những bài ca đã thuộc nằm lòng từ hồi nào tới giờ nên họ ca rất dễ dàng nếu không muốn nói là họ ca rất hay và rất mùi mẫn. Ca vọng cổ muốn hay là phải có giọng ca thiệt là mùi; mà giọng ca thiệt là mùi hổng phải ai cũng có được dù có tập luyện dày công cũng khó lắm; dường như giọng ca mùi là do trời phú cho một người nào đó có giọng ca mùi chứ không phải ai muốn là được. Tương tự, ngón đàn mà tươi cũng do trời phú cho chứ tập luyện không thôi mà không có thiên phú dù đờn có hay, đúng nhịp, tỏ ra sành sõi nhưng trong tiếng đàn thiếu cái vẻ tươi của những chỗ lên bổng xuống trầm…
 donca
Ban đờn ca tài tử (nguồn: Dong Nguyen’s Blog) (hình minh họa)
 
Lúc bấy giờ, ở khúc mương Nhà Lầu, làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng) có ban đờn ca của Ba Bảo, Tư Cầm, Ba Diêu, Hai Khị, Tư Siêu, Hai Lù rồi dài ra tới ngoài xóm cầu mương ông Xã Cương có Tư Trước, Năm Xàng ca vọng cổ rất mùi. Các anh chị trong ban đờn ca này mỗi người một tài riêng họp lại thành ban đờn ca tài tử ca hát chơi mỗi khi có đám cưới đám giỗ mời là họ kéo nhau xách đờn tới vui chơi và ca hát cho bà con nghe mà hổng lấy tiền bạc gì ráo trọi. Còn vô trong xã xa xa như xã Vĩnh Hanh, Hang Tra mãi tuốt biệt trong xa khỏi chợ Vàm Xáng (Cần Đăng) có ban đờn ca tài tử do Hai Lê đờn ca cũng mùi lắm.
 
Sau này khi gia đình tôi hồi cư về vùng Tân Bình (Lấp Vò) vào những năm 1955-1960, miệt Rạch Trầu, Rạch Dược, Xáng Nhỏ, rạch Xẻo Da, rạch Bà Chánh có ban đờn ca tài tử gồm các anh Năm Điện chơi đờn cò, đờn tranh rất nhà nghề, anh Sáu Thưởng đờn lục huyền cầm, anh Tư Chương đờn kìm. Ngoài ra, còn có Hai Lữ, Hai Khá, Út Lôi chơi đờn lục huyền cầm rất tươi. Trên miệt Xẻo Tre có Sáu Bành, Út Khỏe đờn lục huyền cầm cũng êm lắm. Còn giọng ca thì nhiều lắm. Anh Tám Ẹo chuyên vọng cổ rất mùi. Anh Bảy Hé thủ món bản vắn như đảo ngũ cung, hướng mã hồi thành. Anh Bảy Huẩn chuyên trị món xàng xê, nhứt là bài “Tống tửu Đơn Hùng Tín” mà anh đã ca rồi là hết sẩy, hổng ai ca bằng. Lớp trẻ trẻ hơn, thuộc hàng con cháu các anh chị trên có Tư Kế, Ba Tâm, Hai Dũng, Tư Yên, Hai Ếch… thì món nào mấy cháu này ca cũng được. Ngoài ra, hồi thời đó có con anh Sáu Tung, là cháu Liệt, dù mới có chín mười tuổi mà cháu đã cất giọng nói lối để vào câu vọng cổ là coi như bà con ai ai cũng ngồi im lắng tai nghe để khi cháu xuống chữ xề là vỗ tay giòn hết biết. Cháu có khiếu ca từ nhỏ và ca rất mùi nhưng sau đó lớn lên cháu không ca nữa vì ở nhà quê ca chơi thì được nhưng ít ai cho con cái theo nghiệp cầm ca tài tử thứ thiệt vì sợ con cái mà nhứt là con gái long đong trời nước lắm…
 
Ở làng tôi hồi đời trước nghe ông bà xưa kể lại ở tuốt trong miệt giáp nước, khỏi chợ Bồ Hút một đỗi, có cô đào Thanh Hương  gốc gác ở đây hát rất hay, ca rất mùi mà mỗi lần cô về thăm quê là bà con xúm lại thăm chật nhà và khi nào trên Long Xuyên có gánh hát Thanh Hương- Kim Chưởng về hát là hết cả xóm rủ nhau bao một chiếc xe lôi gắn máy đi mười mấy cây số lên Long Xuyên coi cho bằng được Thanh Hương hát. Vui lắm!
 
Đến những năm 1950, 1960 các tuồng cải lương nhiều thêm qua nhiều soạn giả tên tuổi như  Tư Trang, Tư Chơi, Tư Thới, Năm Châu,  Năm Nở, Năm Nghĩa, Bảy Cao, cô Bảy Nam, Nguyễn Phương, Viễn Châu, Mộc Linh, Thu An, Nhị Kiều, Quy Sắc… Rồi những năm 1960 có thêm nhiều soạn giả nữa nhưng hai soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng của gánh Thanh Minh Thanh Nga là dân mê cải lương ai ai cũng biết.
 
Riêng soạn giả Thái Thụy Phong, theo nhà văn Vũ Thất cho biết ngoài bản vọng cổ Sầu Vương Biên Ải, ông còn sáng tác nhiều bài vọng cổ khác nữa và một số tuồng cải lương rất nổi tiếng: “Trong vòng 4 năm, từ năm 1952 đến năm 1956, ngoài nhiều bản vọng cổ ăn khách như Trái Gùi Bến Cát, Đội Gạo Đường Xa, Ngồi Trâu Thổi Sáo, Hình Ảnh Con Cò Trắng, Đời, Tiền, Khi Người Ta Say… anh còn sáng tác tám tuồng hát là Muôn Dặm Tìm Chồng, Bạch Viên Tôn Các, Sầu Vương Đáy Mộ, Non Tình Biển Hẹn, Đường Ra Ải Bắc, Lá Huyết Thư, Ngày Về Cố Quận và Trường Hận, tuồng nào cũng đặc sắc được thính giả nồng nhiệt tán thưởng. Mỗi lần có tuồng mới, thân phụ anh lên Sài Gòn mang về Tân Châu mở máy hát mỗi đêm. Thời đó hiếm người sắm nổi máy hát dĩa nên đêm nào cũng có vài chục bà con láng giềng đến ngồi đầy trước sân, cả trên lề đường.” (2)
 
Nhưng đến những năm đầu thập niên 1960, ngoài các bài vọng cổ và các tuồng cải lương vừa kế, soạn giả Thái Thụy Phong còn soạn tuồng Hai Chuyến Xe Hoa được đoàn Thanh Minh-Thanh Nga trình diễn và dân mê cải lương khắp nơi đi coi tuồng này đông vô số kể.
 
Ngoài ra, trong số các soạn giả nổi danh thập niên 1960-1970, có lẽ soạn giả Viễn Châu soạn được nhiều bài vọng cổ và nhiều tuồng cải lương hơn hết  (3). Và ở nhà quê người ta cũng hay hát nghêu ngao những bản vọng cổ của soạn giả Viễn Châu như bài Tình Anh Bán Chiếu nổi tiếng với giọng ca mùi của Út Trà Ôn. Thuở ấy, ai ở miền quê mà không nhớ câu hò và câu nói lối vô cùng quen  thuộc của bài ca này:
 
“Hò ơ…
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tôi chẳng bán đâu
Tìm cô không gặp,
Hò ơ…
Tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm …
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào.”
(4)
 
Thế là bắt đầu vào câu 1, sang câu 2, rồi câu 3 chấm dứt với một điệu buồn. Trước khi vào câu 4, soạn giả chuyển đoạn bằng đoạn nói lối rất tha thiết:
 
“Khi hỏi lại xóm giềng tôi mới biết
Cô theo chồng đã được bốn trăng qua
Mình dám đâu sai hẹn với người ta
Mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác”
 
Và bắt đầu lấy giọng để vào câu bốn:
 
“Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác… không hồn. Nước mắt tuôn rơi theo lá rụng trên đường. Gió đông vùn vụt thổi mạnh lạnh đất trời lạnh đến cả tâm can.
Người ta đã có đôi rồi
Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung
Để mình vác cặp chiếu bông
Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ”
(Đoạn thơ này nói như nói thơ Vân Tiên) (5)
 
Lời ca trong các bài vọng cổ của soạn giả cải lương nói chung và soạn giả Viễn Châu nói riêng, sở dĩ được nhiều người nhà quê nhớ bởi người ta thường được nghe các nghệ sĩ nổi tiếng ưa hát những bài ca ấy và hát rất hay, rất mùi nên nó dễ thâm nhập vào trí não cùng tâm hồn của dân quê; ngoài ra còn do lời bài ca lại giản dị, chữ dùng không cao siêu, và nội dung lại hợp với tình cảm dân quê nên dễ nhập tâm các chàng trai làng cùng các cô gái quê mới lớn chập chững bước vào con đường thương thương nhớ nhớ một bóng hình…
 
Ngoài bài ca “Tình Anh Bán Chiếu”, những bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu phần lớn rất quen thuộc nơi các làng quê như  Lá Bàng Rơi, Sầu Vương Ý Nhạc, Tình Lan Và Điệp, Hoa Đào Năm Ngoái, Kiếp Cầm Ca, Nhớ Mẹ, Gánh Nước Đêm Trăng, Tâm Sự Mộng Cầm … Nhưng có lẽ bài Ông Lão Chèo Đò lại là bài ca rất nhiều người thuộc và hay ca mỗi lần có tiệc tùng nơi thôn quê. Nội dung bài vọng cổ này ngoài ý nghĩa chan chứa nỗi lòng của ông lão chèo đò nghèo mà hình ảnh cùng lời tâm sự của ông chính là lời của một chứng nhân giữa biết bao biến thiên dời đổi của dòng đời; ngoài ra nó còn gởi đi một tiếng vọng về nhân sinh quan của một người từng trải dạn dày suy tư về kiếp người. Về hình thức, bài này chỉ có ba câu vọng cổ, câu 1, câu 2 và câu 5 là chánh, xen giữa ba câu này là hai đoạn ngâm thơ, hai đoạn nói lối, một đoạn hò và sáu đoạn nói thơ Vân Tiên; những đoạn nói thơ Vân Tiên này rất hợp với lời tâm sự của một người nhà quê già chèo đò đưa khách nơi bến đò năm cũ và cũng rất hợp với tình cảm cùng sự quen thuộc của dân quê với cách nói thơ Vân Tiên nơi làng quê nên đã khiến cho nhiều người thích rồi từ đó mà nhớ hoài bài ca này.
 
Ngâm thơ:
 
Còn nước mơ màng mây vẩn vơ
Thì còn lão với một con đò
Có tiền mua lấy vài chai rượu
Nhắp rượu xong rồi lão nói thơ
 
Thơ Vân Tiên
 
Linh đinh trời rộng sông dài
Đò ngang một chiếc lần hồi sớm trưa
Chiều rồi nghỉ một chuyến mưa
Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
Cơm ngày hai bữa cầu no
Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viển vông
Đời này có cũng như không
Sớm còn tối mất bận lòng mà chi
 
Nói lối:
 
Còn nước còn non thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão… đưa đò. Mây nước miền quê như say theo tiếng hát câu hò. Trên con thuyền cũ kỹ ai muốn sang bến sông này lão đưa rước giùm cho, tiền bạc trả công chẳng nệ ít hay nhiều, lão chỉ cần ngày hai bữa mà thôi, bởi lão đây yêu quý con đò cũng như thiên hạ họ yêu một người tình lý tưởng …” (6)
 
Bài ca vọng cổ thì quá nhiều đến độ không cách nào kể ra cho hết nổi. Dù bài ca nhịp hai, nhịp bốn, nhịp tám lúc đầu hay nhịp mười sáu, nhịp ba mươi hai sau này thì nó vẫn là linh hồn của dân quê mỗi khi có ai nhắc đến bản vọng cổ trong đời sống tinh thần của dân quê vậy. Người ta có thể giàu nghèo sang hèn khác nhau nhưng mê vọng cổ nơi các làng quê chỉ có một. Đó chính là cái nét đặc thù mà các môn nghệ thuật khác hiếm khi có được như bài ca vọng cổ đã đạt được từ bấy lâu nay nơi các vùng thôn quê rồi vậy.
 
Hai Trầu
Ngày 28 tháng 08 năm 2011
 
Cước chú:
 
1/ Trích bài “Soạn giả Thái Thụy Phong” của Vũ Thất, trang nhà TSCĐ ngày 11-5-2009, với phần phụ chú là “Lời bản vọng cổ “Sầu Vương Biên Ải” do nhà văn Vũ Thất sưu tầm:
 
Lời bản vọng cổ Sầu Vương Biên Ải
 
Nói Lối: Nhìn trời hiu quạnh rừng đêm sương gió lạnh. Chốn quê nhà lòng thêm chạnh nỗi niềm riêng. Em ơi muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền để cho người cô lữ khỏi nặng mang niềm tủi hận…
 
Câu 1:  Thâu canh hồn ngơ ngẩn nhìn bóng trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm trường… Cảnh vật mơ màng say giấc điệp dưới trời sương. Ôi chạnh nỗi lòng người viễn khách cô đơn ngoài biên ải lạnh lùng sầu vương theo ngọn gió.
 
Câu 2:  Tấm thân tuy dầu dãi phong trần nơi lữ thứ mà hồn quê còn theo dõi mộng gia đình.
Nhớ buổi biệt ly lệ thảm tuôn dòng. Phút hận chia lìa không tả đặng thành câu. Niềm riêng mang nặng canh cánh bên lòng. Nhớ bạn khuê phòng vàng võ nét xuân phai.
 
Câu 3:  Giọt sương tưới ngàn cây đẫm lệ. Ngọn gió lay cành lá tả tơi. Hướng quê nhà miền giá lạnh xa xôi. Khóc cho đời cô lữ nơi ven trời cô quạnh. Còn vọng tưởng người thiếu phụ trông ngọn đèn khuya mơ hình bóng chinh lang ngoài muôn dặm núi mây ngàn.
 
Câu 4:  Đêm vơi khắc lụn canh tàn. Gió lướt nhẹ nhàng. Rừng đêm xào xạc. Mấy đoạn tơ lòng rung động nhịp hoài mong. Ngẩn ngơ nhìn cỏ cây vắng vẻ lạnh lùng. Tâm hồn như phủ che một màu đen u ám. Tủi bấy lửa hương trinh chưa bén đượm. Mà chia phôi xui khiến phượng xa hoàng.
 
Câu 5: Thơ xưa ôn lại đã bao lần. Lời âu yếm chưa lạt nét mờ vong.
Câu ái ân vẫn đượm nồng. Mùi chung thủy riêng lòng anh càng thất thểu.
Niềm thương nhớ bạn xa xăm mỏi mòn chiếc bóng thâu đêm khắc khoải đợi tin hồng.
 
Câu 6:  Vì nước non mịt mờ cơn khói lửa khiến cho đôi ta kẻ Tần người Sở, sâm thương ngăn trở. Như nhạn lạc giữa rừng khuya. Anh thì dặm trường sương gió chốn xa xăm.
Còn em chịu cảnh chăn đơn gối lẻ chốn loan phòng. Thâu canh đẫm lệ tình dầm chan khăn áo.
Nét liễu phai tàn môi thắm lạt màu son.
 
2/ Bài “Soạn giả Thái Thụy Phong” của Vũ Thất (chú thích 1)
 
3/ Trong bài viết “Bài ca vọng cổ đã 90 tuổi” của Thanh Tùng trên Viet-Tribune, đăng lại trên trang Cải Lương Việt Nam ngày 01 tháng 10 năm 2009, tác giả cho biết: “Nhạc sĩ cổ nhạc Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu, người đã gắn bó với cải lương suốt 66 năm qua, tác giả của khoảng 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương nổi tiếng”.
 
Tôi thiển nghĩ, thiệt tình ra con số 2000 bài ca vọng cổ này khó biết được có chính xác hay không nhưng chắc chắn là soạn giả Viễn Châu soạn rất nhiều bản vọng cổ nổi tiếng mà không làm sao đếm cho xuể.
 
4&5/ “Tình Anh Bán Chiếu” của soạn giả Viễn Châu, Tuyển tập vọng cổ Viễn Châu, nhà xuất bản Trẻ, năm 2003, trang 21.
 
6/ Bài “Ông Lão Chèo Đò” của soạn giả Viễn Châu trích trong “Tuyển tập vọng cổ Viễn Châu” (sđd), trang 88.
 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com