User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
phongtucmiennam
 
Ngày xưa, xã hội Việt Nam đã trải qua những năm tháng dài dưới chế độ phong kiến. Từ đó, mọi sinh hoạt trong đời sống đều bị lệ thuộc vào những ràng buộc của phong tục tập quán thời bấy giờ, cũng như thân phận con người nói chung, người phụ nữ nói riêng, cũng không thoát ra khỏi những lễ nghi, những nề nếp giáo dục của xã hội. Mà Việt Nam nằm sát bên nước Tàu và bị Bắc thuộc hơn một ngàn năm, nên tổ tiên chúng ta bị ảnh hưởng nền văn hóa của Tàu, đó là lẽ tất nhiên, không tránh khỏi.

Qua những sách vở còn ghi chép lại ràng ràng về phong tục tập quán Việt Nam như quyển Phong Tục Việt Nam của Phan Kế Bính, trước kia; Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam của Sơn Nam, sau này; và còn nhiều tài liệu sách vở về nền văn hóa Việt Nam xưa, đều khẳng định tổ tiên chúng ta dựa vào sách Chu Lễ tức là lễ nghi đời nhà Châu, qui định đến 300 điều "lễ lớn" và thêm 3.000 điều "nghi tiết nhỏ". Mặc dù vậy, ngay cả Trung Hoa còn chưa thi hành hết những điều lễ nghi này, huống hồ gì nước mình, bởi lẽ có nhiều điều không phù hợp về nhiều phương diện như nguồn gốc dân tộc, phong thổ, khí hậu, địa lý vân vân ... Trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có viết rất minh bạch về điều này: "Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam đã khác." (Bắc là chỉ nước Tàu).

Với cái nhìn tổng quát như vậy, cho phép chúng ta hiểu được phần nào thân phận người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, một thân phận thả trôi theo dòng đời, theo số mạng, theo duyên nợ tiền định... Một thân phận đã được an bài sẵn, người phụ nữ Việt Nam chỉ còn biết chấp nhận, cam phận mà chấp nhận, mà nhất là những phụ nữ sống ở thôn quê với đời sống ruộng đồng còn hẩm hiu bội phần!

Thể hiện rõ rệt nhất sự cam chịu để dòng đời đẩy đưa này, trong kho tàng văn chương bình dân, một kho tàng văn học được xuất xứ từ nông thôn, trong giới bình dân, dường như được truyền khẩu dưới những câu tục ngữ, ca dao không phải là hiếm hoi gì.

Trước nhất, cái quan niệm "nam trọng nữ khinh" hoặc "con gái ở nhà ngoài", rồi "tam tòng" nghĩa là "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"... tất tất, cho thấy người phụ nữ Việt Nam không cách nào thoát ra khỏi cái vòng cương tỏa buộc ràng đó. Chẳng khác nào bị xô đẩy vào, bắt buộc trôi giạt vào bởi những ngọn gió do tạo hóa tạo ra như những cây chổi của Trời đùa đi, mà không ai có thể phản ứng gì:

"Gió thổi là chổi trời."

Nên họ phải tùy duyên để mà định phận với từng cảnh đời, tùy trường hợp để mà sống, vì

"Phận gái có hai bến sông,
Bến đục thì chịu, bến trong thì nhờ."

Và phải biết mình đang ở đâu, ngồi chỗ nào như:

"Gió nam đưa xuân sang hè."

Chứ không thể ngồi đó mà mơ hoa mai vàng của mùa xuân lúc nào cũng rực trời trong lúc hè sang với những chùm hoa phượng đỏ ối ở góc sân trường ...

Thông thường, tục ngữ ca dao là mượn cảnh vật để biểu lộ cảm xúc, cũng như nỗi lòng với những đắng cay, vui buồn, yêu thương, hờn giận, trách móc. Có biết bao trường hợp trong ca dao đã nhờ cảnh vật để chuyên chở những điều muốn nói bằng những lời nói bình dị mà thâm thúy. Nói như nói vậy nhưng cần hiểu theo mỗi cảnh đời, chứ không thuần nhất, nhưng cũng chẳng xa rời với mỗi một thực tế của cuộc sống đời thường mặc dù có khác nhau nhiều về những nét riêng tư. Đặc biệt, dường như "gió đưa" là một thực tế của trời đất, sự chuyển dịch của không khí được dùng trong ca dao cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thật linh động mà vẫn dễ nhận ra ẩn dụ. Chẳng hạn:

"Gió đưa ông đội vào kinh,
Bà đội thương tình cắp nón chạy theo."

Ở đây là một thực tế với sự gặp gỡ giữa hai người xa lạ rồi hợp nhau qua ánh mắt, qua giọng nói, qua tấm lòng rồi người con gái quê trở thành vợ một "ông đội" như một xui khiến, một duyên nợ tự kiếp nào.

Chúng ta còn bắt gặp rải rác những "gió đưa" như vậy trong ca dao như:

"Gió đưa tờ giấy lên mây,
Gió đưa cô tú vào đây ăn trầu."

Hoặc:

"Gió đưa tờ giấy lên mây,
Gió đưa cô ấy lại đây ăn trầu.
Yêu nhau thì ném bã trầu,
Chớ ném gạch, đá vỡ đầu nhau ra."

Cả hai chùm ca dao trên đã ví von sự gặp gỡ như đã hẹn hò, đã ước nguyện từ kiếp nào rồi. Nên dẫu có thế nào, cũng nên nhường nhịn, nhỏ to để còn ăn đời ở kiếp với nhau, bởi tất cả đều là nợ duyên, là "gió đưa", không rời nhau được.

Đến những chỗ khác, chúng ta cũng thấy vì nghèo hèn so với sự sung túc của chàng trai, nên không môn đăng hộ đối, người con gái nghĩ càng tủi hổ cho thân mình nên đành chấp nhận sự hẩm hiu đến mức độ nhiều lúc phải hy sinh cả danh dự của riêng mình, để cho chàng trai được tròn "danh thơm", có được vợ giàu sang, môn đăng hộ đối với đời:

"Gió đưa buồm hạnh rảnh rang,
Tiếng nhơ thiếp chịu, để chàng danh thơm."

Quả thật, người phụ nữ nhà quê ít học ấy, sao mà cao thượng đến như vậy! Thật đáng để làm gương cho đời.

Trong lúc mới quen nhưng lại đã thầm yêu nhớ trộm, anh chàng đã liều lĩnh, táo bạo cũng do bởi những đưa đẩy như "gió đưa cành mận, gió lận cành đào" ngoài thiên nhiên với nghĩa đen thật hiển hiện, cùng nghĩa bóng như một gặp gỡ tiền định: nào "đào", nào "mận" để cho chàng vừa chìm vào cái thơm của hoa "mận" hay cái kiều diễm của hoa "đào" như mấy câu ca dao dưới đây:

"Gió đưa cành mận, gió lận cành đào,
Vì em, anh phải ra vào tối tăm.
Tối tăm, thì mặc tối tăm,
Chờ cho bác mẹ đi nằm sẽ hay."

và rồi:

"Thoạt vào anh nắm cổ tay,"

nhưng anh chàng đã biết lo lắng cho sự đánh liều của mình:

"Xin em đừng hô hoán việc này nên to."

Trong mỗi duyên phận, mỗi người như mỗi chiếc lá giữa dòng đời, mỗi thổ sản của mỗi vùng đất. Tùy theo dòng đời bằng phẳng hay phong ba, mỗi vùng đất chua phèn hay nước ngọt mà có những phước duyên hay những bạc bẽo cho từng hoàn cảnh:

"Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng,
Về bưng ăn cá, về đồng ăn cua."

Theo sách Phong Tục Miền Nam Qua Ca Dao của ông Đoàn Văn Hội có dẫn chứng và qua những chữ dùng, cho chúng ta biết được câu ca dao này xuất xứ ở miền Nam. Do đó, ở "rẫy" thì được ăn "còng" vì như chúng ta biết những miếng đất thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long được gọi là đất rẫy phần lớn là đất bãi mới bồi, đất cồn dọc theo các dòng sông cái. Ở đó người ta thường trồng sậy, lau lách, cây bần dưới mé bãi... là những loại cây vừa có nhiều rễ phụ để giữ đất phù sa, vừa che bớt gió giông và cũng là những chỗ trú ngụ rất lý tưởng cho loài còng, gần giống như con cua lửa ở đồng, con ba khía ở biển, bò rất lẹ, mỗi lần kẹp thường hay bỏ càng lại. Những hang còng dọc theo mé rẫy dày đặt. Ở trong "bưng" nghĩa là trong chỗ còn hoang dã chưa khai mở, cỏ lác, lung vũng nhiều vô số kể, thì ăn "cá", vì ở đây cá sanh đẻ lưu lai, không thể nào bắt hết cá. Ở "đồng" ăn "cua" như một điều hiển nhiên, vì cua thường ở nhiều nhất trên ruộng, trên đồng.

Suy cho cùng, nghĩa bóng hai câu ca dao này chẳng khác nào số phận người con gái gặp phải duyên nợ nào được tấm chồng nấy, có thể gánh lấy những rủi may, những xấu tốt, những khổ sở, những hạnh phúc như một sự sắp đặt, an bài sẵn rồi.

Câu ca dao trên đây, có nơi còn viết khác đi đôi chút, nhưng cũng mang cùng ý nghĩa:

"Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa."

Vì dưới sông lúc nào cũng nhiều cá như câu ca dao quen thuộc miệt sông Hậu Giang, với cù lao Ông Chưởng thuộc vùng Chợ Mới, Long Xuyên:

"Chiều chiều quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm."

hoặc có nơi còn viết:

"Ba phen quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng còn nhiều cá tôm."

Và những tỉnh thuộc vùng hạ lưu của sông Cửu Long, người nông dân thường trồng dưa rất nhiều trên những đất giồng tức là những giồng đất cao ráo, không bị ngập nước vào mùa nước lụt từ tháng Bảy đến tháng Mười âm lịch.

Trong tình chồng nghĩa vợ cũng không ra khỏi cái thói thường đưa đẩy:

"Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ."

Có lẽ, nhiều người mỗi lần nghe đọc hai câu ca dao này, đều cho rằng người thiếu phụ bị chồng phụ bạc, ngồi một mình ruột héo gan sầu, chỉ còn biết nhìn cây cối, cảnh vật gần gũi chung quanh như "bụi chuối sau hè" trước ngọn "gió đưa" mà than trách, giãi bày chút lòng xót xa của mình.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận ra một thực tế mà người thi sĩ bình dân muốn gửi gắm với hình ảnh "bụi chuối sau hè" đong đưa trước gió. Đó là thói đời với bao biến đổi của lòng dạ con người cùng số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ luôn luôn nhận lấy cho mình những thua thiệt, không có một chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận điều mà họ không mơ ước bao giờ.

Trong vườn, có lẽ loài chuối là loại cây tầm thường, trồng chỗ nào cũng được. Chuối có thể trồng ở ngoài bờ, ngoài bụi, ở góc chái, góc hè, không được nâng niu, chăm sóc như các loài hoa quí để làm kiểng như mai, lan, cúc, thược dược hoặc cùng lắm như các loài hoa ở nơi thôn dã thường trồng như bông trang, bông điệp, bông vạn thọ... Sánh với thân phận người phụ nữ cũng tương tự, nghĩa là lúc còn trẻ đẹp kẻ đón người đưa, chồng yêu, chồng kính được coi như hoa quí, hoa hiếm, hoa thơm. Khi có một "bè con thơ" rồi cùng với bao cơ cực, chịu đựng, nhan sắc phai tàn, nắng mưa dầu dãi, bị chồng hất hủi, xem thường, bỏ bê, phụ bạc, người thiếu phụ trong trường hợp này chẳng khác nào đang ở vị trí một loài hoa bị đẩy xuống thân phận của những "bụi chuối" tầm thường, chỉ được trồng ở "sau hè", sau chái, ngoài bờ, ngoài bụi.

Còn đâu nữa của thời kỳ mới yêu nhau lấy trăng hẹn ước thề nguyền, không muốn rời nhau:

"Gió vàng hiu hắt đêm thanh,
Đường xa dặm vắng xin anh đừng về
Mảnh trăng đã trót lời thề,
Làm chi để gánh nặng nề riêng ai!"

Hoặc tình tứ như người con gái quê mang nặng khối tình vừa chớm nụ qua mấy vần điệu sau đây:

"Anh về Giồng Dứa qua truông,
Gió lay bông sậy để buồn cho em."

Thật là thơ mộng mà cũng thật là dạt dào, lãng mạn. Gió làm "lay bông sậy" mà cô nàng đã miên man tơ tưởng với cõi lòng vương vương nỗi nhớ, mang mang nỗi buồn...

Cái thuở mà:

"Thương nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay."

Để mẹ biết được, hỏi dồn:

"Gió bay cầu thấp cầu cao,
Gió bay cầu nào con chỉ mẹ coi."

Và đứa con còn viện lẽ này lý nọ:

"Tại mẹ may áo rộng tay,
Con quen gió mát, gió bay mất rồi."

Có lẽ đã hết rồi cái thời kỳ thơ mộng, gấm hoa với bao năm tháng mật ngọt trong yêu thương của tình chồng nghĩa vợ rồi chăng!? Bây giờ chỉ còn lại một hiện tại "anh mê vợ bé" để cho người thiếu phụ bạc phận vò võ một mình phải lo nuôi dưỡng "một bè con thơ", mà người chồng nhẫn tâm có thấu hiểu cho vợ nhà không!?

Ở một nơi khác, "gió đưa" còn là một cơ hội để cho thấy rõ lòng dạ của những đôi uyên ương khi sống chung nhau không trọn đạo vợ chồng, khi chia tay còn để vương bao phiền lụy. Hoặc đôi bạn thân không vẹn chữ bằng hữu, mà phản phúc nhau, gây bao tiếng oán tiếng than cho người ngay, người nghĩa lúc chia xa:

"Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay."

Chẳng khác nào hai loài "cải""rau răm" cùng loài là rau, cùng được trồng chung một vườn. Thế nhưng, các giống cải được trồng đến đúng ngày tháng hạn kỳ, tất cả được nhổ lên làm dưa, nấu canh, ăn sống hoặc đem ra chợ bán... Rồi đến mùa khác được trồng lại lớp khác như cởi lốt về trời vì có một loài cải được gọi là "cải trời". Cải trời là môt loại cải mọc trong vườn hoặc theo mấy liếp cà, liếp hành, liếp rau thơm vào mùa nước vừa mới giựt, tháng Mười. Dân quê có thể hái về ăn sống với cá lóc nướng trui cùng với những loại rau khác ở thôn quê như rau đắng, rau má, lá xoài non, lá lụa... hoặc nấu canh với cá trê vàng rất ngon, không thua gì bông so đũa, cải ngọt, cải bẹ xanh. Còn "rau răm" trồng một lần cứ để vậy ăn hoài. "Rau răm" lại có vị cay cay. Dựa vào những tính chất đó, các tác giả vô danh của ca dao tục ngữ đã cho chúng ta một bài học thực tế đầy ý nghĩa trong cuộc sống đời thường về những phản phúc, những tai tiếng không tốt đẹp về những người gần gũi của mình, mà tục ngữ đã có câu:

"Lươn bò để tanh cho rỗ."

Ở phương diện khác, "gió đưa" còn mang một ý nghĩa gợi nhớ của người con hiếu thảo phải xa cha mẹ già, một tấm gương cho những ai ít để ý săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già thường hay yếu đau, bịnh tật:

"Gió đưa cây Cửu lý hương,
Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn.
Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn,
Đã bưng lấy bát, lại dằn lấy mâm."

Đến "Gió đưa cành trúc là đà" mà ông Thái Văn Kiểm, trong quyển Việt Nam Gấm Hoa, đã giải thích câu ca dao sau đây, trước nhất là tả cảnh đẹp ở một vùng nơi cố đô vào buổi hừng đông và sau đó mang dấu ấn lịch sử về cuộc Nam tiến của tiền nhân:

"Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương".

Để chứng minh cho lời giải thích này, ông còn đưa ra hai câu ca dao sau đây, khi cuộc Nam tiến đã đến được vùng đất mới ở phương Nam:

"Gió đưa tàu chuối là đà,
Tiếng chuông Xá Lợi, canh gà Thủ Thiêm."

Dù sao, đây cũng là cách giải thích của người am tường thế cuộc, có lý riêng của nó. Chúng ta có thể có những hiểu biết về hai câu ca dao này theo cách khác, miễn sao phù hợp với ý nghĩa mà nó chuyên chở.

Chẳng hạn, chúng ta có thể cảm nhận đây là hai câu nhằm tả cảnh sáng sớm ở Huế với tiếng chuông chùa Thiên Mụ công phu ngân vang cùng tiếng gà gáy của làng Thọ Xương báo thức lúc hừng đông. Với nghĩa đen này thật rõ ràng, minh bạch.

Nhưng phần ẩn dụ có lẽ là tâm trạng của một vị công thần nào đây bị thất sủng, tự ví đời mình như trúc, một loài cây được dùng để ám chỉ những hạng người quân tử, trượng phu, mà nay phải "là đà" trước gió, rồi miên man tơ tưởng, nhớ về cố đô hay nhớ lại vương triều mà mình đã bao năm đem tài hèn sức mọn ra phò tá, rồi chẳng đặng gì. "Gió" vốn dĩ là chuyển vận của đất trời, là sức mạnh, là tượng trưng cho quyền bính triều đình chăng?

Hoặc tình tứ hơn, chúng ta có thể nghĩ đây là trường hợp chàng trai hay cô gái nào không trọn chữ yêu rồi chia tay, để thương để nhớ cho nhau, đêm đêm trằn trọc suốt năm canh dài, nghe văng vẳng tiếng chuông Thiên Mụ, tiếng gà làng Thọ Xương như nghe tiếng vọng của người thương trôi đi trong gió, vang động đến nơi khuê phòng... mà nhớ về những lần gặp gỡ, hẹn hò ngày nào...

Từ "cành trúc" đến "tàu chuối" đủ cho chúng ta thấy một nét đặc thù của những cư dân từ hai vùng đất dù cùng chung cội nguồn. Mỗi hoàn cảnh sinh ra mỗi hạng người. Nơi cố đô thì quân tử, công thần. Chốn thôn trang miền Nam thì dân dã tầm thường trong câu ca dao sau:

"Gió đưa tàu chuối là đà,
Tiếng chuông Xá Lợi, canh gà Thủ Thiêm."

Mỗi lần đọc câu ca dao này, rồi liên tưởng đến câu ca dao trên, kết hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà, thấy như đâu đây hình ảnh của chúa Nguyễn với những năm tháng lưu lạc về phương Nam thời kỳ Tây Sơn chăng?

Hoặc bình dân hơn, câu ca dao này chuyên chở những cõi lòng của đôi trai gái trong thôn xóm miền Nam, vùng Bến Nghé, Gia Định, Nhà Bè, yêu nhau mà không gần nhau được, nhưng đêm đêm vẫn cùng nghe "tàu chuối" lao xao, nghe tiếng chuông chùa Xá Lợi, tiếng gà Thủ Thiêm như mãi hoài nhớ tưởng đến những lời tình tự như mật ngọt.

Đại khái là vậy, mỗi người có những cảm nhận khác nhau, nhưng tựu trung, ca dao là một hình thái văn chương bình dân nhưng rất thực tế, phù hợp với từng trường hợp riêng tư của mỗi hoàn cảnh, mỗi vùng đất, giống như:

"Gió bên Đông, động bên Tây,
Tuy rằng nói đấy, nhưng đây biết rồi."

Trong kho tàng văn chương bình dân truyền khẩu, "gió" còn được dùng rất nhiều trong ca dao, tục ngữ, mặc dù cố gắng thế nào cũng không làm sao góp nhặt cho hết được. Và điều cũng phải nói thật thà là chúng ta không làm sao hiểu hết được những ý tứ, những ví von, những ẩn dụ mà các thi sĩ bình dân đã gửi gắm qua những vần điệu ca dao, những câu tục ngữ thật bình dị với những hình ảnh, những nghĩa đen thật rõ ràng nhưng nghĩa bóng thâm trầm, sâu sắc. Ở đó tiềm tàng những bài học, những tấm gương cho hậu thế, mà không phải lúc nào chúng ta cũng dễ nhận ra. Nào là lòng hiếu thảo, nào là những hẹn hò, nào là tình bằng hữu cư xử không tròn, nào là thói đời, thế sự thăng trầm, nào là thân phận hẩm hiu của những kiếp người...

Chỉ riêng mỗi một khía cạnh nhỏ như từ ngữ "gió đưa" trong tục ngữ ca dao cũng đã là một cách diễn đạt về một tập quán, một phong tục, một nền giáo dục thời phong kiến của một xã hội như xã hội của tổ tiên chúng ta, mà người phụ nữ trong đó được nói đến như bọt bèo, như chiếc lá bị bay đi theo gió, như những phụ thuộc vào tiền định mà không được chọn lựa, được quyết định cho đời sống của mình. Tất cả đều bị "gió đẩy gió đưa" như một định mệnh, một dòng nước trôi xuôi nhưng không phải không gặp những thác, những ghềnh.

Bây giờ, cả thế giới đang ở vào những năm tháng cuối của thế kỷ hai mươi, chuẩn bị bắt đầu một thế kỷ mới, thế nhưng người phụ nữ Việt Nam ở những vùng thôn dã quê mùa vẫn còn bị ràng buộc bởi những lễ nghi, phong tục, tập quán có tự ngàn xưa. Chẳng hạn, họ còn bị ép duyên, ép nợ trong việc cưới hỏi hoặc mỗi khi ra đường họ không dám đi song đôi với chồng, mà vẫn còn phải luôn luôn đi phía sau người chồng như biểu lộ sự phụ thuộc suốt đời. Họ vẫn còn bị những "gió đưa gió đẩy" như thân phận hẩm hiu của họ nơi chốn ruộng đồng với heo, bò, gà, vịt, với quần vo áo vận, với đầu tắt mặt tối, lam lũ suốt ngày, với "một bè con thơ", với nghèo túng, thiếu thốn đủ điều. Cuộc đời họ luôn luôn gắn liền với một thực tế của làng quê như vậy cùng những khuôn thước, những lời khen chê, những dư luận khắt khe của chòm xóm chung quanh buộc chặt.

Biết đến bao giờ những người phụ nữ Việt Nam ở thôn quê mới thoát ra khỏi cảnh "gió đưa" trong biết bao câu tục ngữ, ca dao luôn ở cửa miệng mọi người!!
 
Lương Thư Trung
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com