User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
cau truong tien 670x446
 
Không có một công trình nào trong thế kỷ XX lại gắn liền với những biến thiên của lịch sử cố đô bằng những nhịp cầu duyên dáng bắc qua dòng sông Hương xinh đẹp. Vì vậy, có thể nói cầu Trường Tiền không chỉ là biểu tượng của Huế với hình ảnh "sáu vài mười hai nhịp" mà còn là biểu trưng của vùng đất này qua những ngày tháng hào hùng cũng như tai trời, ách nước nơi đây.

Chỉ 5 năm sau khi hãng Eiffel hoàn thành việc xây dựng cầu (1897 - 1899), cơn bão lịch sử năm Thìn 1904 đã giật bốn nhịp cầu xuống dòng sông, sau đó được sửa chữa vào năm 1906. Đó cũng là khởi nguồn của câu ca gắn với sự chuyển dời, thay đổi của hai địa danh nổi tiếng xứ Huế và duyên phận lỡ làng của đời người thiếu phụ.

Chợ Đông Ba đem ra ngoài Giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Vô đây gá nghĩa vuông tròn trăm năm

Đó cũng là những năm tháng đen tối của đất nước khi vị vua An Nam yêu nước Thành Thái bị Pháp đày đi Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) và sau đó sang đảo Réunion. Chiếc cầu mang tên vị vua yêu nước đó cũng phải đổi tên và mang tên Thủ Tướng "mẫu quốc" đương thời là Clémnceau cho đến ngày đất nước giành được độc lập. Năm 1908 nổ ra phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, tại kinh đô Huế, nhân dân đấu tranh trước Toà Khâm Sứ Pháp và chiếm cầu Trường Tiền suốt mấy ngày liền, thực dân Pháp không dẹp được phải nhờ vào đức vua "khi xe vua đi qua thì dân chúng giạt qua hai bên cho xe vua đi. Nhìn thấy cảnh dân chúng rách rưới, đói khát đang kêu giảm thuế, vua Duy Tân nuốt nước mắt đi qua chứ không làm theo lệnh thực dân Pháp hò hét giải tán dân"*.

Những năm bị đô hộ, người Pháp xây dựng ở bờ Nam sông Hương bên kia cầu một khu phố Tây với nhiều công sở phục vụ cho chính quyền thuộc địa đối lập với bên này cầu là kinh thành, phố chợ An Nam. Bước qua cầu là đã đi vào thế giới của Tây với bao điều cám dỗ của rượu ngon, gái đẹp, làm tay sai cho Pháp mà quên đi người vợ quê mùa. Nỗi niềm đó của người phụ nữ Huế đã than trong những câu hò Huế.

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm anh ơi
Ngờ đâu mà duyên trời sớm dứt,
đêm em nằm tấm tức lụy nhỏ tuôn rơi
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng bởi ông Trời mà thôi
(Hò Mái Nhì)

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm anh ơi
Thà rằng không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn
(Hò Ru Em)

Đất nước giành được độc lập năm 1945, chấm dứt chế độ thuộc địa phong kiến, cầu được đổi tên là Nguyễn Hoàng, vị chúa đầu tiên dựng nghiệp của Đàng Trong. Tuy nhiên, dân gian vẫn luôn gọi chiếc cầu duyên dáng ấy là cầu Trường Tiền vì gần đó bên bờ Bắc trước đây có xưởng đúc tiền của quân Trịnh khi quân Đàng Ngoài chiếm đất Phú Xuân từ năm 1774 đến năm 1786. Chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi nhưng là một đại công trường nên nó tạo một dấu ấn lớn lưu truyền để trở thành địa danh sau này. Năm 1899, vua Thành Thái cho lập phố buôn bán ở đây cũng gọi là phố Trường Tiền. Vì vậy, sau đợt sửa chữa cầu năm 1995, người ta gắn biển tên cầu là Tràng Tiền bị nhiều người phản đối vì nghĩa Hán Việt chữ trường ở đây không có nghĩa là dài mà là nghĩa của chữ trường là nơi chốn, địa điểm (như Trường Súng, Trường Bia, Trường Đá) nên không thể hiểu như cách đọc đồng hóa âm Trường Tiền như Trường An thành Tràng An, Trường Giang thành Tràng Giang... Tuy nhiên, dù thuật ngữ giao thông có khác nhưng cũng không ai phản đối cụm từ "sáu vài mười hai nhịp" vì nó đã in đậm trong văn hóa truyền khẩu hơn một thế kỷ qua.

Những ngày đầu "Toàn quốc kháng chiến" năm 1946, để ngăn bước tiến của quân Tây, nửa đêm ngày 19 tháng 12, chiến sĩ Trung Đoàn Trần Cao Vân 101 đã gài mìn phá sập nhịp cầu phía Bắc, ở đầu cầu phía Nam một chiến sĩ hy sinh khi trúng đạn của quân Pháp từ khách sạn Morin bắn xuống. Tuy nhiên, đợt hư hỏng kéo dài nhất là trong chiến tranh mùa xuân năm 1968 bom mìn đã làm nhịp giữa đổ xuống dòng sông Hương. Cầu được nối lại nhưng mất đi hai nhịp cong cong mềm mại và vết hằn đó đã kéo dài đến 27 năm sau.

Chiến tranh là nghiệt ngã, người ta có thể tiến hành nhiều biện pháp để đạt mục tiêu cuối cùng là thắng lợi trên chiến trường huống chi là một chiếc cầu duy nhất qua sông phục vụ cho việc chuyển binh và phương tiện quân sự (năm 1968 cầu đường sắt Bạch Hổ cũng được lát gỗ dùng làm đường bộ nhưng cũng bị đánh sập nhịp phía Bắc). Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, quân Giải phóng chiếm được thành phố Huế trong 25 ngày đêm. Sau đó quân đội Mỹ và binh lính Sài Gòn tấn công từ phía Nam sông Hương, quân Giải phóng cố thủ ở Thành Nội trước khi rút khỏi thành Huế. Vẫn biết chiến tranh là vậy nhưng vì hình ảnh cầu Trường Tiền đã in đậm trong lòng người dân xứ Huế nên khi chiếc cầu thân thương đó bị gãy đâm xuống dòng sông Hương đã gây nên mối thương cảm trong lòng người dân cố đô. Trường Tiền là hình ảnh chiếc trâm trên mái tóc người thiếu nữ Huế tật nguyền trong chiến tranh để lại nhiều nỗi đau năm tháng như nỗi oan khiên trên dòng sông mà người mẹ Việt Nam gánh chịu.

Sau chiến tranh, đất nước lâm vào cảnh nghèo khó, còn đâu cảnh tuổi thơ áo trắng sớm chiều gió bay trên chiếc cầu Trường Tiền biết mấy là yêu của Huế. Dù đất nước còn khó khăn nhưng cũng có thể dành dụm cho Huế xây một cầu mới nhưng sửa chữa lại cầu Trường Tiền mang dáng hình xưa còn khó hơn nhiều. Cảm thông nỗi niềm của Huế nên một vị đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ đã cho phép ngành giao thông vận tải quốc gia tìm khắp đất nước có phiến giàn cầu nào có hình dáng và kích thước như Trường Tiền sẽ tháo dỡ về lắp đặt cho Trường Tiền, chính phủ sẽ cấp kinh phí xây dựng cầu mới ở đó. Nhưng tìm ở đâu được, cầu Trường Tiền chỉ là của riêng dòng Hương thơ mộng.

Chiến tranh đã nghiệt ngã, sự tàn phá thời gian và gió mưa xứ Huế cũng không kém phần khắc nghiệt. Tất cả dầm cầu phía dưới và hệ liên kết bị rỉ mọt. Trước nguy cơ gãy đổ, từ năm 1990 tỉnh Thừa Thiên Huế buộc phải cấm các phương tiện qua lại cầu để tránh thảm cảnh đau lòng như đã xảy ra ở cầu Kho Rèn năm 1989 làm chết 30 người mà phần lớn là các cháu nhỏ.

Do gắn liền với lịch sử văn hóa Huế, trở thành biểu tượng của xứ Đẹp và Thơ nên cầu Trường Tiền có một vị trí lớn trong lòng người dân xứ Huế và những người yêu Huế khắp nơi. Trường Tiền chính là lòng dân khắc khoải. Vì vậy, một trong những việc làm quan trọng đầu tiên khi tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế là tìm mọi cách để khôi phục lại cầu Trường Tiền. Sau khi trải qua những năm tháng vật lộn với sông Hồng trên các chiếc cầu Thăng Long, Chương Dương, Bến Thuỷ những người thợ cầu Thăng Long lĩnh ấn tiên phong tiến về thành Huế hàn gắn vết thương xưa, bắt đầu vào một ngày hè giữa năm 1991. Ba người đã không có dịp trở về quê hương Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Bình khi họ đã vĩnh viễn nằm lại trên công trường gắn những nhịp cầu ấy. Công ty Cầu 1 Thăng Long của Tổng Công ty Xây dựng cầu Thăng Long cũng gặp nhiều lúng túng khi sữa chữa cầu Trường Tiền mà theo họ còn khó hơn gấp nhiều lần khi xây dựng một cây cầu mới. Cầu dài 400,06m, rộng 6m. Không chỉ có trả lại hình dáng xưa sáu vài mười hai nhịp mà còn phải sữa chữa đảm bảo giao thông của một chiếc cầu qua sông giữa lòng thành phố. Khó khăn của việc tu sửa là thường thiết kế chậm hơn thi công, thiết kế đơn chiếc, hỏng ở đâu thiết kế ở đó, thiết kế cụ thể và phải cân nhắc đến khả năng kinh tế trong tổng dự toán gần 40 tỉ đồng thời giá hiện tại. Ngoài ra, điều kiện thi công trên công trường cũng gặp khó khăn do mặt bằng chật hẹp, vướng, phải xoay xở. Đơn vị thiết kế là Xí nghiệp Thiết kế Cầu lớn và Hầm cử người thường trực tại công trường để đo đạc, tính toán và thiết kế tại chỗ. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty Cầu 1 Thăng Long hoàn toàn có khả năng sữa chữa cầu, gia cố các trụ cầu cũ, xây dựng mới trụ cầu nối nhịp số 3 và nhịp số 4 cũng như gia công lắp đặt các vài nhịp số 4 bị gãy năm 1968.

Công ty Cầu 1 Thăng Long đang thực hiện gia công những khoang đầu tiên ngay trên nhịp số 4 thì chính phủ Pháp vào trợ giúp. Qua làm việc giữa hai nước, chính phủ Pháp dành một khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam xây dựng và sửa chữa một số cầu cống. Riêng cầu Trường Tiền, khoản viện trợ 7,2 triệu Franc (lúc đó là 13 tỉ đồng Việt Nam) sẽ chi vào việc chế tạo nhịp số 4 bị gãy năm 1968, nhịp dài 66,06m gồm 14 khoang. Một hãng của Pháp gia công nhịp này tại Hà Nội, Công ty Cầu 1 Thăng Long vận chuyển về Huế để lắp đặt nối nhịp thay vì gia công từng khoang ngay trên nhịp cầu. Giá trị của công trình khôi phục cầu Trường Tiền đã vượt qua con số 50 tỉ đồng. Tất cả các cặp mắt Huế đều hướng về Trường Tiền mỗi ngày để chờ một ngày được đi trên chiếc cầu thân thương đó..

Rồi ngày đó cũng đến, một ngày dòng sông Hương nước chảy trong veo, cây phượng đầu cầu phía Nam rực lửa nở hoa, những cành bằng lăng ở bờ Bắc đơm hoa tím biếc, cầu Trường Tiền đã đón những tà áo trắng ngày xưa trở lại. Vẫn có những khiếm khuyết như những thanh giằng ngăn cách giữa đường và các nhịp cầu tạo cảm giác nặng nề hơn, không còn những ban công cho khách dừng chân ngắm cảnh hay để o gánh cơm hến hoặc chị bán bún bò trở vai, xoay gánh nhưng Trường Tiền hôm nay đã có lại bóng hình xưa. Một ngày tháng 5 năm 1995 ấy, suốt từ đầu sáng cho đến giữa đêm xe kẹt trên cầu vì hầu như mọi người dân Huế ai cũng muốn qua, muốn dừng lại, muốn để tay trên từng thanh cầu như vừa gặp lại người yêu đã lạc nhau trong cơn biến động của chiến tranh và bão lũ dập vùi. Ngày ấy, mặt trời sau núi Chầm như cũng xuống chậm hơn để chiếu ánh nắng vàng lên chiếc lược ngà Trường Tiền trên mái tóc huyền dòng Hương của cố đô hoàng hôn mặc màu áo tím.

Từ dạo ấy, Trường Tiền ngày càng đi sâu vào nhịp sống đô thị Huế, cùng với sông Hương tạo ra một không gian diễm ảo giữa lòng thành phố. Và chỉ có trên cầu Trường Tiền, lễ hội Áo Dài của các kỳ Festival Huế mới tạo được dấu ấn sâu đậm với mọi người đang có mặt bên dòng Hương Giang hay trên mọi miền qua màn ảnh trực tiếp truyền hình về một chiếc áo đã trở thành biểu tượng của nét đẹp truyền thống và hiện đại, kín đáo mà gợi cảm trên thân hình người thiếu nữ Việt Nam.

"Nhịp cầu cong mà con đường thì thẳng", Trường Tiền tiếp tục cuộc hành trình của Huế qua bao năm tháng.
 
DuDung

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com