User Rating: 4 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Inactive
 
Niệm Thư I - Minh Đức Hoài Trinh

Mục Lục

1. Lời tác giả
2. Ngọc
3. Nghệ Thuật Yêu Trà
4. Tứ Quân Tử
5. Những Vì Sao Trên Trời
6. Những Thanh Bảo Kiếm
7. Bệnh Huyễn Vựng của Vua Quang Trung
8. Mạnh Thường Quân và Chữ Nghĩa
9. Cây Đàn Của Bá Nha

Lời Tác Giả

Tập sưu tầm này ra đời để chiều ý một số các bạn và độc giả, những người chung một ý thích, muốn tìm tòi hiểu biết những gì cổ xưa. Sưu tầm là do lòng tò mò thúc đẩy, người làm công việc sưu tầm là những người không mấy khi tìm được sự hòa âm với cuộc sống nên phải đi tìm ở trong các đống sách cũ những gì để an ủi, để cảm thấy mình không đến nỗi loạc loài, ít nhất cũng có một thế giới đón nhận mình.

Những bài sưu tầm này đã đăng ở các báo Hồn Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam, Việt Nam Phụ Nữ, v..v.. mà tài liệu chỉ hướng về cổ Á Đông, vào những sự hiểu biết cổ xưa của ông cha ta, để nhắc nhở chúng ta. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư thì nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh “Thế là trời đã chia vạch Nam, Bắc; thuỷ tổ ta ra từ con cháu Thần Nông Thi, thế là trời đã sinh ra chân Chúa, vì thế mới cùng Bắc Triều đều làm chủ một phương” Câu cuối của sách viết rất quan trọng nếu chúng ta chịu suy ngẫm, tức là chúng ta từ núi Ngũ Lĩnh mà đến trấn phương Nam cho tới ngày nay, người Trung Hoa thì từ Ngũ Lĩnh trở về Bắc. Ngũ Lĩnh là Ngũ Lĩnh quan, có nhiều thuyết bàn cãi về núi Ngũ Lĩnh này, nhưng theo Hán Thư ta đọc thấy câu “Nam hữu Ngũ Lĩnh chi thú”, thú có nghĩa là đồn ải và Ngũ Lĩnh là dãy núi có năm ngọn, sách còn ghi rõ thêm rằng Giao Chỉ, Hợp Phố giới hữu thử lĩnh, tức là ở biên giới của Giao Chỉ và Hợp Phố có núi ấy. Nói dài để chứng minh lý do tại sao giữa chúng ta và người Trung Hoa có nhiều sự hiểu biết giống nhau, chứ không phải là sự “bắt chước tàu” như có nhiều người đã nghĩ. Chúng ta xuất phát từ những miền đất đai ấy, rồi vì sự không đồng ý với các vị vua chúa hay vì muốn mở mang đất đai nên đã vượt tiến về phương Nam. Đi đến đâu thì lập nghiệp lấy vợ đẻ con xây cơ đồ tại đó. Tên Việt Nam đã chứng minh rõ ràng, chữ Việt ghép do chữ tẩu và chữ việt (cái búa), có nghĩa là người cầm búa đi về phương Nam.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói rõ một vài điểm nhắc lại lịch sử để minh định và giải thích cho sự đi tìm lại những gì mà chúng ta đã bỏ quên. Ngoài ra còn một mục đích nhỏ là để giúp những bạn trẻ không có nhiều thì giờ đi lùng sách vở, tài liệu để đọc.

Có một vài chi tiết nghe huyễn hoặc, nhưng chúng tôi vẫn thâu nhận để người đọc có thêm ý kiến. Cũng xem như những câu chuyện giả tưởng ngày nay.

Tìm trong sự huyễn hoặc, một sự gì huyền diệu, một chút gì nên thơ. Tập II và tập III sẽ lần lượt ra mắt độc giả trong những tháng năm tới nếu tập I được đón nhận như ý muốn của người sưu tầm.

Mong độc giả bỏ qua những lầm lỗi thiếu sót có thể không làm sao tránh khỏi. Một lần nữa xin nhắc lại cái ý định của Vua Quang Trung mà người Việt Nam nào ham mê lịch sử, yêu chuộng quê hương đều không thể quên.

Ngày 18 tháng 8 Giáp Tý
Minh Đức Hoài Trinh
***************************
Chương I: Ngọc - Minh Đức Hoài Trinh
 
s l640Hình trên net

Tập sưu tầm này Ngọc là gì? Chúng ta biết gì về Ngọc?

Ngọc từ đâu đến? theo khoa học thì Ngọc là hợp chất của các thứ khoáng chất, calcium, magnesium ..v..v.. Tùy theo chất sắt nhiều hay ít mà phân màu sắc.

Người Á Đông biết đến Ngọc từ đời nhà Hạ trên 2 nghìn năm trước T.C. tức là từ Đại Vũ. Người ta tôn Ngọc làm vua của các thứ đá, nhận thấy ở Ngọc có 5 đức tính. Đức Nhân do ở tính trơn mát ôn nhuận, đức Nghĩa do sự trong sáng có thể nhìn suốt những lý, là thớ ngọc dọc, từ ngoài vào trong. Đức Trí do thanh âm dịu mà vang xa, dài như tiếng nhạc, đức Dũng là sự không nao núng nhưng khi cần vỡ tan thì vỡ, góc cạnh bén nhọn nhưng không làm đau ai, đó là đức Khiết.

Vì Ngọc là tinh của đá, là đức của người quân tử, sự kiên cường của Ngọc còn tượng trưng cho tín nghĩa, cho uy quyền, cho cái phẩm hạnh, nhân cách của con người. Thời xưa, Ngọc không phải chỉ có làm đồ trang sức cho phái nữ mà người đàn ông cũng mang ngọc. “Quân tử tất bội ngọc”. “Quân tử vô cố, ngọc bất khứ thân”. Có nghĩa là người quân tử tất phải mang ngọc, và người quân tử nếu không có lý do gì thì không cởi ngọc ra.

Bởi cái đức kiên trinh không thay đổi của Ngọc, nên ngọc còn được chọn làm đại biểu cho sự hỗ tín, tức là niềm tin giữa đôi bên và người xưa mỗi khi xa nhau hoặc ước hẹn một điều gì đều trao nhau một phiến Ngọc để gọi là tín vật, giữ hình ảnh, giữ lời hứa qua ngọc.

Nói đến giá trị của Ngọc, đức Khổng Tử thường nhắc rằng, làm người ai cũng có lần chết nhưng không thể để cho mất lòng tin. Người dân tin là do sự tin chung mà hợp lại, cọng lại, và niềm tin chung nầy khởi ở sự hỗ tín, tức là lòng tin nhau giữa hai người, ở đây muốn nói Ngọc làm đại biểu cho sự Hỗ Tín vậy, do đó nên người xưa luôn luôn trao ngọc và giữ gìn ngọc để chứng tỏ sự hỗ tín.

Ngọc và Người mang ngọc lại còn có sự hỗ tương cảm xúc, khi vui, khỏe, hạn vận thông hanh, có điềm vui, sự lành sẽ xảy tới thì ngọc tươi sáng, da ngọc ôn nhuận, trong mướt. Trái lại những người sắp phát bệnh nặng, tai nạn, tang tóc, hoặc sắp chết thì ngọc đang sáng hóa mờ, ủ dột, chai lì cho đến khi vận xấu trôi qua.

Trong chính trường, Ngọc được người xưa dùng đến rất nhiều. Một câu trong Thư Kinh để chứng minh: “Ban thụy vu quần hầu” Có nghĩa là ban ấn ngọc cho các vua chư hầu. Chữ Thụy chỉ những thứ ngọc cầm ở tay, chữ ngọc chỉ các đồ vật trang trí, trần liệt. Khi nói ban thụy là nói đến sự trao ấn ngọc để chứng tỏ lòng tin giữa đôi bên. Một câu khác: “Vũ tích Huyền Khuê, cáo quyết thành công”. Có nghĩa là vua Vũ dâng ngọc Khuê màu huyền, tâu mọi việc trị thủy đã thành công. Huyền là màu đen pha đỏ. Vũ theo sắc nước mà chọn màu ngọc. Nước là thủy, thuộc Khảm nên mang màu đen, cũng như lửa thuộc Ly màu đỏ, đất màu vàng, Thổ, thuộc Khôn, Mộc màu xanh thuộc Chấn, và Kim màu trắng thuộc Đoài. Vũ dùng ngọc màu huyền chuốt thành khuê để tâu với vua Thuấn công việc trị thủy đã hoàn tất của mình. Hình Khuê là hình dài, trên vuông to đầu, dưới nhỏ hơn, hơi nhọn và dẹp.

Ngọc có nhiều thứ và nhiều sắc. Bạch, Huyền, Hoàng, Hồng, Thanh, Bích, Lục, Chu, Phách, Tử.

Bạch Ngọc là thứ ngọc trắng trong tinh khiết được gọi là thượng đẳng, nhưng cũng có người chuộng Thanh Ngọc, tức màu xanh hơi ửng vàng, màu lục cũng được quý, màu xanh nhạt gọi là thiên thanh bị đặt xuống hạng nhì, Thái Ngọc là thứ không xanh không lục, phi lục phi thanh, ở hạng ba.

Sách viết câu: Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội, vì kẻ thất phu không mang ngọc, không hiểu biết gì nên không thể bị kết tội mà chỉ kết tội người hoài bích tức là người mang ngọc, người có kiến thức, là những kẻ có địa vị được ưu đãi trong xã hội, những người nầy mới đáng mang ra xử tội khi họ làm bậy.

Chu Ngọc là một thứ Ngọc đỏ, được xem như một vật đẹp mà giả dối, những lời nói hay mà không chân thành, bậc chính nhân quân tử không dùng tới cũng như chẳng muốn nghe, muốn biết tới.

Hẳn mọi người đều nghe nói đến những tên Ngọc như Bích, Khuê, Hoàn, Chương, Viên, đó là những thứ ngọc quý được chuốt theo các hình thể đã được quy định theo cấp bậc của vua và các chư hầu.

Trước khi nói đến những tên ngọc nầy cần phải nói đến cái hốt cầm tay của vua và chư hầu cũng như các quan đại phu. Thuở ban sơ chỉ những mảnh trúc chuốt thẳng, dành khi ra triều hoặc vào chầu vua mà có những gì cần bảo ban hay chư hầu cần tâu lên vua thì ghi vào mảnh trúc cho nhớ. Gọi là Hốt Vong, đừng quên, chớ nên quên, thời đại ấy chưa có giấy nên phải dùng tre thay giấy.

Khi tìm ra ngọc thì cuộc sống cũng đã tiến triển chưa có giấy nhưng người ta đã biết ghi lên lụa, con người hiểu về lễ nghĩa nhiều hơn, chữ tín cũng được đặt nặng hơn, nên mới có sự trao ngọc làm tin, cái giá trị của ngọc cũng là giá trị của chữ Tín.

Lễ dâng ngọc là một lễ rất long trọng cần phải có năm thứ ngọc, ba thứ bạch, hai con vật sống một con vật chết để tế trời đất. Quan trọng nữa là lễ Hợp Phù, thời xưa người ta viết văn tự lên một mảnh trúc rồi chẻ đôi mỗi người giữ một nửa, đến tiết Hợp Phù, người ta hội lại và mang hai mảnh trúc ra ghép vào nhau, cũng như các văn khế ngày nay, tất cả để nói lên sự tin nhau, không lừa gạt. Lễ Hợp Phù cũng là lễ mà đầu tiên vua Vũ hội chư hầu ở Phủ Sơn, về sau đời nhà Chu và các đời sau cứ thế mà theo. Ngày lễ nầy mỗi người đều đến, mang theo ngọc của mình.

Ngọc được chia ra hai loại. Bích ngọc, hình tròn dẹp như một đồng tiền lớn, Khuê ngọc hình dài. Một nửa của Bích gọi là Viên, và một nửa của Khuê gọi là Chương. Hoàn cũng là hình tròn nhưng phần lỗ rộng như những chiếc vòng ngọc, gọi là Hoàn trái với Bích ở chỗ ở Bích phần ngọc rộng mà phần lỗ ở giữa (gọi là hảo) thì bé hơn.

Bích, Hoàn, Khuê, Chương được xếp vào một loại, còn Bồ Bích và Cốc Bích là do những hình khắc cỏ Bồ hoặc nhánh lúa. Ngoài ra lại còn Tông Ngọc là một khối ngọc hình bát giác giữa có lỗ vuông, để tế đất, Bích để tế trời, không thể thiếu.

Ngày lễ Hợp Phù, nhà vua cầm ngọc Trấn Khuê, tước Công cầm ngọc Hoàn Khuê, tước Hầu cầm Tín Khuê, tước Bá cầm Cung Khuê, tước Tử cầm Cốc Bích và tước Nam cầm Bồ Bích.

Trấn Khuê tức là ngọc Khuê để trấn an tứ phương, tượng trưng uy lực của thiên tử. Phải lấy hình bốn Trấn Sơn chạm lên Ngọc Khuê nầy để trang sức cho ngọc, Trấn Khuê dài 1 xích 2 thốn, Khuê lớn còn được gọi là Giới.

Hoàn Khuê dài 9 thốn, Hoàn tượng trưng cho cung thất làm cho an ổn cấp trên. Hai gốc cây hợp lại cũng gọi là Hoàn như hai cây trụ để chống đỡ cho ngôi nhà. Cung thất không thể thiếu cột trụ, nhà thiếu trụ thì làm sao vững, nước không có tước Công để lo giúp vua thì lòng vua sao an ổn được.

Tín Khuê, để dành cho tước Hầu, dài 7 thốn, khắc hình người để nhắc nhở mỗi hành động cần phải thận trọng để giữ mình.

Cung Khuê của tước Bá cũng phải được cùng khắc hình người như của tước Hầu, Cung có nghĩa là cung kính. “Trai giới, mộc dục nhi cung triều”, có nghĩa là ăn chay, tắm rửa để vào triều, như thế mới đủ cung kính.

Cốc Bích của tước Tử, và Bồ Bích của tước Nam, 2 tước nầy là hạng chưa đủ lớn nên chưa được cầm Khuê mà phải cầm Bích, cũng có sách ghi là Cốc Khuê dài 7 thốn, có khắc nhánh lúa, Cốc Bích tượng cho sự nuôi dưỡng con người, ngọc của Cốc Bích thường là Bạch Ngọc. Bậc vương giả cầm ngọc với lòng cầu mong cho ngũ cốc được phồn thịnh. Bồ Bích, ngọc dành cho tước Nam cầm tay, khắc nhánh cỏ Bồ, tức là một thứ cỏ lát để dệt chiếu dụng ý của người xưa là Cốc để dưỡng dân, Bồ để an dân, an đây là an nghỉ, sau những ngày mùa màng nhọc nhằn. Hai thứ ngọc nầy đường kính là 5 thốn.

Năm tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam là năm tước phong cho năm bậc Chư Hầu. Đến đây phải hiểu qua về nền chính trị phong kiến ngày xưa. Có nhà vua với các chư hầu do sự liên hệ huyết thống hoặc có công lao với một triều vua nào thì được phong đất. Sau đến cuối đời nhà Chu vua trở thành hoang dâm, chư hầu không phục nên bắt đầu có sự tranh chấp, xưng vương xưng bá từ đó.

Lễ Hợp Phù hội chư hầu và các đại phu đến, mang ngọc theo, nếu có điều gì lầm lỗi thì phải để Khuê của mình ở lại, bao giờ chuộc lỗi thì mới được mang Khuê về, chứng tỏ sự trọng kỷ luật đặt vào Ngọc một tầm giá trị tinh thần rất cao.

Như đã nói ở bên trên, ngọc có nhiều sắc, Bích Thương là màu xanh nhạt như màu của không gian cũng rất được ưa chuộng. Ngọc cần được mài dũa mới ra hình, gọi là trác, nếu không được trác ngọc thì ngọc cũng thành vô dụng, không có giá trị như đã nói ở trên.

Chúng ta thường nghe nói đến cái Khánh bằng ngọc, đó là một nhạc khí bằng ngọc, gõ lên mới ra âm thanh, tiếng khánh nghe trong trẻo và vang rất xa, trong 8 cái đức của người quân tử là Trung, Hiếu, Nhân, Ái, Tín, Nghĩa, Hoà, và Bình thì hai đức cuối, Hòa và Bình là do tiếng Khánh dựng mà nên. Cũng như trong một ban hợp tấu thì âm của khánh là chủ, và thanh của Khánh đã chỉ huy và tiết chế tất cả ban nhạc.

Người ta cũng hay lấy Ngọc làm món quà tặng cho nhau. Thụy là một mảnh ngọc dài 8 thốn để chư hầu mang tặng cho các Phu Nhân, Thụy Hoàn là Ngọc Hoàn để tặng cho các Hậu Phi. Du ngọc, dành cho Thái Tử.

Tế trời đất và tứ phương gọi là Lục Khí thì phải dùng Xích Chương, hay Khuê Chương màu đỏ để tế phương Nam và Huyền Hoàn để tế phương Bắc.

Lễ Quán là lễ đổ rượu xuống đất, nhà vua tay cầm cái Khuê Toản hình như cái vá, múc rượu đổ xuống đất, gọi là Khuê Toản, vì cán là ngọc Khuê.

Điểm là Khuê mà có đầu nhọn đâm thủng da thịt, khi chư hầu bất nghĩa, vua cho sứ giả mang Điểm đến, tượng cho sự chinh, phạt, tru, thảo.

Chinh có nghĩa là tuần hành, Phạt là đoàn quân có chiêng có trống, Tru là giết một lần nhiều người như tru mộc phải cắt từ gốc rễ đến ngọn, lá, cành.

Thảo là trị tội. Chữ Thảo để dùng khi người cấp trên trị kẻ dưới. Thiên tử thảo nhi bất phạt, bậc làm vua chỉ thảo mà không phạt.

Mỗi triều đại, khi lên ngôi thường lấy ngọc ban phát cho những người đồng tộc với mình để làm tin, chứng tỏ sự có họ hàng mật thiết.

Ngọc có nhiều tên nhiều loại, sau đây xin kể ra một vài thứ.

Lâm là một thứ ngọc mà khi gõ vào thì tiếng ngọc nghe rất thanh. Theo sách Đông Minh Ký ghi rằng Lâm là một xứ nhỏ cách Trường An chín nghìn dặm ở đó có núi sản xuất Lâm ngọc, màu như Bích Ngọc, Bích còn dùng để gọi những màu đá xanh đậm.

Ngoài ra còn có Mai Khôi, Phấn, Anh, Vân, Đào, Lưu Ly, Cứ. Mai Khôi là tên một thứ mỹ ngọc, Phấn còn là trạng văn thái của ngọc cũng như Vân. Lưu Ly là một thứ ngọc sắc xanh, một trong 7 thứ châu báu. Huyền Cứ đều chỉ được xếp vào bậc thứ nhì của ngọc. Anh là tên một loại ngọc đẹp rất láng, mà còn dùng để nói đến cái ánh sáng của ngọc.

Thất Báu, theo Pháp Hoa Kinh của nhà Phật là Vàng, Bạc, Lưu Ly, Xa Cừ, Mã Não, Trân Châu, Mai Khôi. Theo Đường Vũ Hậu thì thất báu của nhà vua là Kim Luân báu, Bạch Tượng báu, Nữ báu, Mã báu, Châu báu, Chủ Binh Thần báu, Chủ Tàng Thần báu.

Vân là một thứ ngọc hạng nhì, gần như đá, Tuân Tử trong Thiên Pháp Hành có câu: “Quân tử chi sở dĩ quý ngọc, tiện Vân”, (vì vậy người quân tử mới quý ngọc mà coi thường Vân), vì Vân chỉ là một thứ đá, giống ngọc nhưng không phải ngọc. Miệt Phù Trung có Cổ Ngọc Tính nơi nầy sản xuất rất nhiều đá Vân.

Sau Ngọc và các thứ hạng nhì của ngọc đã kể trên còn có San Hô và Hổ Phách. San Hô là một thứ cây dưới biển sâu, ở dưới nước thì mềm mà lên gặp khí trời và ánh sáng thì trở nên cứng rắn, màu hồng là san hô, màu xanh là Lan Can, có thuyết ghi rằng Lan Can mọc ở núi.

Phách Hổ ta gọi là Hổ Phách, màu đỏ như máu có thể hút hạt cải, màu vàng sáng, gọi là não phách, hồng pha vàng gọi là Minh Phách, nặng như đá màu vàng là Thạch Phách, có vân đỏ vân vàng là Hoa Phách, nếu hai vân nầy màu nhạt là Kim Phách, đen là Ý Phách..

Có nhiều thuyết nói về Hổ Phách, cho rằng cây Tùng sau 1000 năm hóa thành Phù Linh, 1000 năm nửa hóa thành Hổ Phách. Một thuyết khác lại cho rằng nhựa cây Phong nhập vào đất sẽ thành Hổ Phách. Một thuyết nữa lại bảo nhựa cây gì cứ nhập vào đất lâu cũng sẽ thành Hổ Phách, chỉ vì cây Tùng nhiều nhựa nên người ta chỉ nói cây Tùng đó thôi. Có thuyết cho rằng máu rồng nhập vào đất sẽ thành Hổ Phách, cũng như sách ghi rằng người phương Nam biết lấy tổ ong mang đốt đi để chế thành Hổ Phách, chẳng khác gì Hổ Phách của Tùng.

Sau Hổ Phách còn có Mã Não, vì thấy nó giống cái bộ não ngựa nên đặt tên. Có thuyết bảo rằng đó là máu quỷ đã hóa ra mã não.

Đoạn trên chúng ta có đọc thấy câu: “Quân tử bội ngọc”, thứ mà quân tử thường mang đó là Quyết, hình trạng như ngọc Hoàn, nhưng vì có chạm trổ nên có những chỗ lõm vào không tròn lẳn như ngọc Hoàn, sách xưa ghi “Quân tử năng quyết đoán tắc bội Quyết” có nghĩa là vì người quân tử có tài quyết đoán, làm việc gì cũng quyết đoán nên phải mang ngọc Quyết.

Nói về ngọc Quyết sách xưa ghi rằng khi Tử Sản chết, các bậc đại phu nước Trịnh đã xá Quyết và các phụ nhân xá châu nhĩ, tức là quan đại phu thì cởi ngọc và các bà cởi hoa tai, để tang Tử Sản. Ông là người Xuân Thu giỏi tài ăn nói, trải mấy đời nhờ ông dàn xếp mà nước Trịnh khỏi bị chiến tranh.

Phác là ngọc còn nằm trong đá chưa được mài người ta còn dùng chữ phác để gọi những thứ ngọc non, chưa có lý. Nếu lý là ưu điểm của ngọc thì hà là bệnh của ngọc, hà là những gân đỏ chạy từ trong lòng ngọc.

Để kết thúc xin được nhắc lại câu chuyện viên ngọc họ Hòa. Xưa có người nước Sở, Hòa Thị, tức là họ Hòa một hôm tìm được một khối đá, biết bên trong có ngọc quý, mang dâng cho Sở Lệ Vương, nhà vua cho thợ chuyên môn về ngọc, nhìn, người thợ bảo không phải ngọc, mà là đá.

Nhà vua giận bắt tội, chặt một chân trái, gọi là cuồng nhân. Sở Lệ Vương chết, Vũ Vương lên ngôi, Hòa Thị lại mang dâng khối đá, nhà vua cũng lại đưa cho thợ ngọc lần nầy người thợ ngọc cũng nói không phải ngọc, chỉ là đá giả. Vũ Vương cũng lại kết tội điên mang chặt chân phải.

Vũ Vương chết, Văn Vương lên ngôi. Hòa Thị ôm khối đá ngồi khóc dưới chân núi Sở, khóc ba ngày, nước mắt cạn, chỉ còn máu chảy ra. Có người thương tình đưa câu chuyện tâu với vua, nhà vua cho người tới hỏi thăm, Hòa Thị trả lời, tôi khóc chẳng phải vì bị chặt cả hai chân mà khóc cho người đời không có mắt. Ngọc thật thì bảo là đá, người lành mạnh thì cho là điên.

Văn Vương nghe nói bắt thợ ngọc xem kỹ, chặt đôi khối đá, quả thấy có viên ngọc quý nhất, cho ngọc mang họ Hòa, đó là viên ngọc vô giá, ai được mang vào mình thì sẽ gặp được mọi điều may mắn, an lành.

Người xưa tin rằng mang ngọc vào thì sẽ tránh được nhiều tai nạn và khỏi được chứng đau gan.

Sử chép Tần Thủy Hoàng đã chiếm được viên ngọc họ Hòa nầy và, đổi lối ân. Trước đó ấn thường được làm bằng vàng hay là bạc nhưng với viên ngọc họ Hòa, Tần Thủy Hoàng bắt lấy để khắc cho mình một cái ấn, gọi là Tỷ hay là Hoàng Đế chi Tỷ.

Câu chuyện Ngọc chấm dứt ở đây, đón đọc tập II để xem biết thêm về Ngọc.
 
Minh Đức Hoài Trinh
 
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com