User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ClashofCivilizations

Fig 1: Cuộc xung đột giữa các nền văn minh theo Samuel Huntington.

(The clash of civilizations according to Huntington (1996) The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order.Source: Wikipedia).

Chú thích: West:Tây phương; Orthodox: Ki-tô giáo Chính thống Đông phương; Islamic: Hồi giáo; Buddhist: Phật giáo; Hindu: Ấn giáo;African: Châu Phi; Latin America: Châu Mỹ la tinh; Sinic: vùng ảnh hưởng Hán ngữ, Nho giáo; Japanese: Nhật. Nền văn minh “Sinic” gồm Trung Quốc, hai nước Triều Tiên và Hàn quốc, Singapore, Đài Loan và Việt Nam; nhóm này cũng bao gồm cộng đồng người Hoa hải ngoại, đặc biệt là trong mối quan hệ với Đông Nam Á. Nhật Bản được coi là sự kết hợp giữa nền văn minh Trung Quốc và các mẫu Altaic cổ hơn.

Giới thiệu:
 
Trong bài viết “The End of History?” (“Nơi lịch sử chấm dứt?” , hay “ Nơi tận cùng lịch sử?” 1989), được xuất bản sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, và là nguồn gốc của cuốn sách nổi tiếng “The End of History and the Last Man” (Nơi lịch sử chấm dứt và con người cuối cùng, 1992), tác giả Francis Fukuyama viết:
 
“Những gì chúng ta có thể đang chứng kiến không chỉ là sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, hay sự trôi qua của một giai đoạn cụ thể của lịch sử sau chiến tranh, mà là sự kết thúc của chính lịch sử: đó là điểm kết thúc của quá trình phát triển tư tưởng của nhân loại và sự phổ cập của nền dân chủ tự do phương Tây với tư cách là hình thức cuối cùng của chính phủ của loài người.”
 
Tuy nhiên những cuộc chiến tranh tôn giáo ở Trung Đông và biến chuyển chính trị sau đó đã làm lu mờ luận cứ lạc quan này của Fukuyama và thuyết về sự xung đột giữa các nền văn minh đề ra một mô hình (paradigm) khác có thể thích hợp hơn.
 
Năm 1996, nhà khoa học chính trị Samuel Phillips Huntington (1927-2008), của Đại học Harvard, Mỹ, lập luận rằng sau khi Liên Bang Xô Viết giải thể và Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, chính trị toàn cầu không chỉ trở thành “đa cực” (multipolar, với cường quốc khác ngoài Hoa Kỳ) mà còn là “đa văn minh” (multicivilizational), với việc các cường quốc cạnh tranh đang hiện đại hóa theo các dòng văn hóa khác nhau, không chỉ đơn giản noi theo gương của phương tây (Âu Mỹ). Và ý chí của nền văn minh Tây phương muốn cho rằng các giá trị của mình là phổ quát (universalism, có giá trị toàn cầu) đang tạo tiền đề cho xung đột kéo dài với các nền văn minh đối thủ, đặc biệt nhất là với Trung Quốc và thế giới Hồi giáo.
 
Hiện nay, trên 30 năm sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, một số người nhìn thấy chiến tranh ở Ukraine do Nga gây ra là một ví dụ chứng minh rằng sự xung đột giữa văn minh đông phương (Nga, Ki tô giáo chính thống [Orthodox Christianity], thiên về độc tài [authorianism]) và văn minh tây phương (dân chủ tự do [liberal democracy]). Những người phê phán thuyết của Huntington thì cho rằng cuộc chiến này chỉ cho thấy tham vọng của Nga muốn trở về quá khứ huy hoàng của của mình trong thời chiến tranh lạnh chứ không phải là sự xung đột giữa hai nền văn minh; và họ cho rằng đây là một cuộc xung đột ý thức hệ; và Fukuyama thì cho rằng thể chế dân chủ tự do vẫn giữ giá trị lôi cuốn của nó, các nước ngoài Tây phương chỉ chống lại những phát triển quá khích của chủ nghĩa tự do (liberalism) như khuynh hướng “tân tự do” [neoliberalism], “wokeness” (ý thức cao độ về các vấn đề xã hội như kỳ thị chủng tộc, bất bình đẳng xã hội).
 
Để chúng ta cùng học hỏi thêm về lập luận của Huntington và hiểu thêm về bi kịch ở Ukraine đang làm cả thế giới theo dõi , sau đây là bản dịch của chương đầu của cuốn sách “The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order” của Samuel P. Huntington.
 
Tất nhiên, sách của Huntington có nhiều người khen nhưng cũng có nhiều người chỉ trích nặng nề, và bài giới thiệu này không có nghĩa là người dịch và giới thiệu đồng ý với tác giả về mọi mặt.
 
******************************
Cuộc xung đột của các nền văn minh và sự thiết lập một trật tự thế giới mới
 
Tác giả: Samuel P. Huntington
 
Chương một: Kỷ nguyên mới trong chính trị thế giới
 
Vào ngày 3 tháng 1 năm 1992, một cuộc họp của các học giả Nga và Mỹ đã diễn ra trong thính phòng của một tòa nhà chính phủ ở Moscow. Hai tuần trước đó, Liên bang Xô viết đã hết tồn tại và “Liên bang Nga” (Russian Federation) đã trở thành một quốc gia độc lập. Do đó, bức tượng Lenin trước đây được đặt trên sân khấu của thính hòng đã biến mất và thay vào đó là lá cờ của Liên bang Nga hiện được trưng bày trên bức tường phía trước. Chỉ có một vấn đề là, như một người Mỹ nhận xét, là lá cờ này đã bị treo ngược. Sau khi điều sơ sót này được chỉ ra cho chủ nhà người Nga, họ đã nhanh chóng và lặng lẽ sửa sai trong thời gian tạm nghỉ hợp đầu tiên.
 
Những năm theo sau Chiến tranh Lạnh chứng kiến  sự khởi đầu của những thay đổi mạnh mẽ về bản sắc của các dân tộc (people's identities) và biểu tượng của những bản sắc đó. Chính trị toàn cầu bắt đầu được định hình lại theo các đường nét văn hóa. Lá cờ treo ngược là một dấu hiệu của sự chuyển đổi, nhưng ngày càng có nhiều lá cờ bay cao và treo ngay ngắn, và người Nga cũng như các dân tộc khác đang vận động cùng nhau diễu hành đằng sau những biểu tượng này và những biểu tượng khác về bản sắc văn hóa mới của họ.
 
Vào ngày 18 tháng 4 năm 1994, hai nghìn người đã tập hợp ở Sarajevo vẫy cờ của Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách treo những biểu ngữ đó, thay vì cờ Liên hợp quốc, NATO hoặc Mỹ, những người Sarajevo này đã xác định căn tính của họ cùng với với những người đồng đạo Hồi giáo và cho thế giới biết ai là bạn thực tình và ai là bạn “không thực tình lắm” của họ.
 
Vào ngày 16 tháng 10 năm 1994 tại Los Angeles 70.000 người đã tuần hành dưới một "rừng cờ Mexico" để phản đối Dự luật 187, một biện pháp để trưng cầu dân ý mà nếu được thông qua sẽ từ chối nhiều lợi ích của nhà nước đối với những người nhập cư bất hợp pháp và con cái của họ. Tại sao họ lại "xuống đường với lá cờ Mexico và đòi đất nước này phải cho họ một nền giáo dục miễn phí?" những người quan sát hỏi. "Đáng lẽ họ nên vẫy cờ Mỹ." Hai tuần sau, nhiều người bảo vệ hơn đã diễu hành trên đường phố mang theo một lá cờ Mỹ - lật ngược đầu xuống đất. Những lá cờ này đã đảm bảo chiến thắng cho Dự luật 187, được 59 phần trăm cử tri California chấp thuận.
 
Trong thời hậu Chiến tranh Lạnh, các lá cờ trên thế giới có tầm quan trọng của chúng, các biểu tượng khác của bản sắc văn hóa cũng vậy, bao gồm các thánh giá, hình trăng lưỡi liềm, và thậm chí cả khăn trùm đầu, bởi vì văn hóa có tầm quan trọng của nó và bản sắc văn hóa là thứ có ý nghĩa nhất đối với hầu hết mọi người. Mọi người đang khám phá những bản sắc mới -nhưng lắm khi đã cũ- và diễu hành dưới những lá cờ mới nhưng lắm khi đã cũ, dẫn đến cuộc chiến với những kẻ thù mới nhưng lắm khi cũ.
 
Một thế giới quan (Weltanschauung) nghiệt ngã cho kỷ nguyên mới này đã được thể hiện rất rõ bởi nhân vật mị dân theo dân tộc chủ nghĩa của thành phố Venice trong tiểu thuyết của Michael Dibdin, Dead Lagoon (Đầm phá Chết): "Không thể có bạn bè chân chính nếu không có kẻ thù chân chính. Trừ phi chúng ta ghét những gì không phải là mình, chúng ta không thể yêu những gì là chính chúng ta. Đấy là những sự thật cũ mà chúng ta đau đớn khám phá lại sau một thế kỷ và lâu hơn thế nữa chúng ta lập đi lập lại những lời đạo đức giả đầy cảm tính (sentimental cant). Những ai phủ nhận chúng đều phủ nhận gia đình, di sản, văn hóa, quyền bẩm sinh (birthright, có lúc sinh ra), luôn cả chính bản thân của họ! Họ sẽ không được tha thứ một cách nhẹ nhàng." Chân lý đáng tiếc trong những sự thật cũ xưa này không thể bị các chính khách và học giả bỏ qua. Đối với các dân tộc đang tìm kiếm bản sắc và tái phát minh sắc tộc của họ (seeking identity and reinventing ethnicity), kẻ thù là điều tối cần thiết, và những mối thù hằn có tiềm năng nguy hiểm nhất xảy ra trên các đường đứt gãy (fault lines) ngăn chia các nền văn minh lớn trên thế giới.
 
Chủ đề trung tâm của cuốn sách này là văn hóa và các bản sắc văn hóa, mà ở cấp độ rộng nhất là những bản sắc về nền văn minh [mà mình thuộc về] (civilization identities), đang định hình các mô hình của sự gắn kết, tan rã và xung đột trong thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh. Năm phần của cuốn sách này đã giải thích cặn kẽ những hệ luỵ cho mệnh đề chính này.
 
Phần I: Lần đầu tiên trong lịch sử, nền chính trị toàn cầu vừa đa cực vừa đa văn minh (multipolar and multicivilizational); sự hiện đại hóa khác biệt với Tây phương hóa (Westernization) và không tạo ra một nền văn minh phổ quát (universal civilization) ở mức đáng kể nào và cũng không đưa đến sự Tây phương hóa các xã hội không phải phương Tây.
 
Phần II: Cán cân quyền lực giữa các nền văn minh đang chuyển dịch: tầm mức ảnh hưởng của Phương Tây đang tương đối suy giảm; các nền văn minh châu Á đang mở rộng sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị; Hồi giáo đang bùng nổ về dân số với những hậu quả gây bất ổn cho các quốc gia Hồi giáo và các nước láng giềng của họ; và các nền văn minh không phải phương Tây nói chung đang khẳng định lại giá trị của nền văn hóa của chính họ.
 
Phần III: Một trật tự thế giới dựa trên nền tảng văn minh đang hình thành: các xã hội chia sẻ những nét văn hóa tương thích (cultural affinities ) hợp tác với nhau; những nỗ lực chuyển các xã hội từ nền văn minh này sang nền văn minh khác đều không thành công; và các quốc gia tự nhóm lại xung quanh các quốc gia dẫn đầu hoặc cốt lõi của nền văn minh của họ.
 
Phần IV: Những kỳ vọng của phương Tây về tính phổ quát của họ (universalist pretensions) ngày càng dẫn đến xung đột với các nền văn minh khác, nghiêm trọng nhất là với Hồi giáo và Trung Quốc; ở cấp độ địa phương các cuộc chiến tranh ở đường đứt gãy (fault line), phần lớn giữa người Hồi giáo và người không theo đạo Hồi, tạo ra "cuộc tập hợp các nước thân tộc" (kin -country rallying), mối đe dọa leo thang rộng hơn và do đó các quốc gia cốt lõi (core countries) nỗ lực để ngăn chặn các cuộc chiến này.
 
Phần V: Sự tồn tại của phương Tây phụ thuộc vào việc người Mỹ khẳng định lại bản sắc phương Tây của họ và người phương Tây chấp nhận nền văn minh của họ là duy nhất, không phổ quát (cá biệt không có tính cách hoàn vũ, “unique, not universal”) và đoàn kết để đổi mới và bảo tồn nó trước những thách thức từ các xã hội không phải phương Tây. Việc tránh được một cuộc chiến tranh toàn cầu của các nền văn minh phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo thế giới chấp nhận và hợp tác để duy trì đặc tính đa văn minh (multicivilizational) của nền chính trị toàn cầu.
 
Một thế giới đa cực, đa văn minh
 
Trong thế giới sau Chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, chính trị toàn cầu trở nên đa cực và đa văn minh. Trong phần lớn sự tồn tại của loài người, các mối liên hệ giữa các nền văn minh xảy ra không liên tục hoặc không xảy ra. Sau đó, với sự khởi đầu của kỷ nguyên hiện đại, khoảng năm 1500 sau Công nguyên, chính trị toàn cầu đi theo hai chiều. Trong hơn bốn trăm năm, các quốc gia phương Tây - Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Phổ, Đức, Hoa Kỳ và những nước khác - đã tạo thành một hệ thống quốc tế đa cực trong nền văn minh phương Tây và họ tương tác, cạnh tranh và chiến đấu giữa họ với nhau. Đồng thời, các quốc gia phương Tây cũng bành trướng, chinh phục, đô hộ hoặc ảnh hưởng quyết định đến mọi nền văn minh khác. Trong Chiến tranh Lạnh, nền chính trị toàn cầu trở nên lưỡng cực và thế giới bị chia thành ba phần. Một nhóm phần lớn gồm các xã hội dân chủ và giàu có, do Hoa Kỳ lãnh đạo, đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh về ý thức hệ, chính trị, kinh tế và đôi khi là cạnh tranh quân sự với một nhóm các xã hội cộng sản có phần nghèo hơn do Liên Xô đứng đầu. Phần lớn xung đột này xảy ra ở Thế giới Thứ Ba bên ngoài hai phe này, bao gồm các quốc gia thường là nghèo, thiếu ổn định chính trị, mới độc lập và tự cho là không liên kết.
 
Vào cuối những năm 1980, thế giới cộng sản sụp đổ, và hệ thống quốc tế thời Chiến tranh Lạnh đã trở thành lịch sử. Trong thế giới sau Chiến tranh Lạnh, sự khác biệt quan trọng nhất giữa các dân tộc không phải là ý thức hệ, chính trị hay kinh tế mà là văn hóa. Các dân tộc và quốc gia đang cố gắng trả lời câu hỏi cơ bản nhất mà con người có thể đối mặt: Chúng ta là ai? Và họ đang trả lời câu hỏi đó theo cách truyền thống mà loài người đã từng trả lời, bằng cách nhắc đến những điều có ý nghĩa nhất đối với họ. Mọi người tự định nghĩa mình theo nguồn gốc tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, giá trị, phong tục và thể chế. Họ tự xác định căn cước của mình với các nhóm văn hóa: bộ lạc, dân tộc, cộng đồng tôn giáo, quốc gia và ở cấp độ rộng nhất là các nền văn minh. Mọi người sử dụng chính trị không chỉ để thúc đẩy lợi ích của họ mà còn để xác định căn tính (identity) của họ. Chúng ta chỉ biết mình là ai khi biết mình không phải là ai và lắm khi chỉ khi biết mình chống lại ai.
 
Các nhà nước-quốc gia (nation-state) vẫn là tác nhân chính trong các vấn đề thế giới. Hành vi của họ được hình thành trong quá khứ bởi việc theo đuổi quyền lực và sự giàu có, nhưng nó cũng được định hình bởi sở thích văn hóa, những điểm chung và sự khác biệt. Các nhóm quy tụ các quốc gia quan trọng nhất không còn là ba khối của thời Chiến tranh Lạnh mà là bảy hoặc tám nền văn minh lớn trên thế giới. Các xã hội ngoài phương Tây, đặc biệt là ở Đông Á, đang phát triển sự giàu có về kinh tế và tạo cơ sở để nâng cao sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị. Khi quyền lực và sự tự tin của họ tăng lên, các xã hội không phải phương Tây ngày càng khẳng định các giá trị văn hóa của riêng họ và bác bỏ những thứ mà phương Tây "áp đặt" lên họ. "Hệ thống quốc tế của thế kỷ XXI", Henry Kissinger đã lưu ý, "... sẽ bao gồm ít nhất sáu cường quốc - Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, và có lẽ là Ấn Độ - cũng như nhiều quốc gia quy mô vừa và nhỏ hơn." Sáu cường quốc của Kissinger thuộc về năm nền văn minh rất khác nhau, và ngoài ra còn có các quốc gia Hồi giáo quan trọng có vị trí chiến lược, dân số đông và / hoặc tài nguyên dầu mỏ khiến họ có ảnh hưởng trong các vấn đề thế giới. Trong thế giới mới này, chính trị địa phương là chính trị của các dân tộc (hay sắc tộc, politics of ethnicities); chính trị toàn cầu là chính trị của các nền văn minh (politics of civilizations). Sự cạnh tranh của các siêu cường được thay thế bằng sự xung đột của các nền văn minh.
 
Trong thế giới mới này, những xung đột lan tràn, quan trọng và nguy hiểm nhất sẽ không phải giữa các giai cấp xã hội, người giàu và người nghèo, hoặc các nhóm khác được xác định về mặt kinh tế, mà là giữa các dân tộc thuộc các thực thể văn hóa khác nhau. Chiến tranh bộ tộc và xung đột giữa các sắc dân sẽ xảy ra trong các nền văn minh. Tuy nhiên, bạo lực giữa các quốc gia và nhóm từ các nền văn minh khác nhau mang theo tiềm năng leo thang khi các quốc gia và nhóm khác từ các nền văn minh này tập hợp lại để ủng hộ "các quốc gia thân tộc" (kin -countries) của họ. Cuộc đụng độ đẫm máu của các gia tộc ở Somalia không có nguy cơ dẫn đến xung đột rộng lớn hơn. Cuộc đụng độ đẫm máu của các bộ tộc ở Rwanda gây ra hậu quả cho Uganda, Zaire và Burundi nhưng không xa hơn. Các cuộc đụng độ đẫm máu của các nền văn minh ở Bosnia, Caucasus, Trung Á, hay Kashmir có thể trở thành những cuộc chiến lớn hơn. Trong các cuộc xung đột ở Nam Tư (Yugoslavia), Nga đã hỗ trợ ngoại giao cho người Serb, còn Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Libya cung cấp ngân quỹ và vũ khí cho người Bosnia, không phải vì lý do hệ tư tưởng, quyền lực chính trị hay lợi ích kinh tế mà vì quan hệ họ hàng về văn hóa (cultural kinship). "Xung đột văn hóa", Vaclav Havel nhận xét, "ngày nay đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử", và Jacques Delors đồng ý rằng "những xung đột trong tương lai sẽ được châm ngòi bởi các yếu tố văn hóa hơn là kinh tế hay ý thức hệ." Và những xung đột văn hóa nguy hiểm nhất là những xung đột dọc theo đường đứt gãy giữa các nền văn minh.
 
Trong thế giới sau Chiến tranh Lạnh, văn hóa vừa là một yếu tố gây chia rẽ vừa là một lực lượng thống nhất. Những người bị chia cắt bởi ý thức hệ nhưng thống nhất bởi văn hóa lại gần nhau, như hai nước Đức đã thống nhất và như hai miền Triều Tiên và các cộng đồng Trung Hoa khác nhau (the several Chinas) đang bắt đầu muốn thống nhất. Các xã hội thống nhất bởi ý thức hệ hoặc do hoàn cảnh lịch sử nhưng bị chia rẽ bởi các nền văn minh khác nhau đã, hoặc tách rời, như Liên Xô, Nam Tư và Bosnia, hoặc phải chịu căng thẳng dữ dội, như trường hợp của Ukraine, Nigeria, Sudan, Ấn Độ, Sri Lanka, và nhiều quốc gia khác. Các quốc gia có tương thích về văn hóa (cultural affinities) hợp tác kinh tế và chính trị. Các tổ chức quốc tế dựa trên các quốc gia có sự tương đồng về văn hóa, chẳng hạn như Liên minh Châu Âu, thành công hơn nhiều so với những tổ chức cố gắng vượt qua các nền văn hóa. Trong 45 năm, Bức màn sắt là ranh giới trung tâm ở châu Âu. Tuyến ranh giới đó đã di chuyển vài trăm dặm về phía đông. Bây giờ nó là ranh giới ngăn cách các dân tộc của Ki tô giáo phương Tây (Western Christianity), ở bên này, với các dân tộc Hồi giáo và Chính thống giáo (Orthodox) ở bên kia.
 
Các giả định triết học, giá trị cơ bản, quan hệ xã hội, phong tục tập quán và cách nhìn tổng thể về cuộc sống có sự khác biệt đáng kể giữa các nền văn minh. Sự hồi sinh của tôn giáo trên khắp thế giới đang củng cố những khác biệt văn hóa này. Các nền văn hóa có thể thay đổi, và hình thức chúng tác động với chính trị và kinh tế có thể thay đổi từ thời kỳ này sang thời kỳ khác. Tuy vậy, các sự khác biệt lớn về phát triển chính trị và kinh tế giữa các nền văn minh rõ ràng có gốc rễ từ các nền văn hóa khác nhau của họ. Thành công kinh tế Đông Á có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á, cũng như những khó khăn mà các xã hội Đông Á gặp phải trong việc đạt được những hệ thống chính trị dân chủ ổn định. Văn hóa Hồi giáo giải thích phần lớn sự thất bại của nền dân chủ không trổi dậy được ở phần lớn thế giới Hồi giáo. Sự phát triển trong các xã hội hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ được định hình bởi các bản sắc văn minh của họ. Những người có di sản Thiên chúa giáo phương Tây đang tiến bộ theo hướng phát triển kinh tế và chính trị dân chủ; triển vọng phát triển kinh tế và chính trị ở các nước Chính thống giáo là bấp bênh; triển vọng ở các nước cộng hòa Hồi giáo thì ảm đạm.
 
Phương Tây đang là và sẽ vẫn là trong nhiều năm sắp tới nền văn minh hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, sức mạnh của nó so với các nền văn minh khác đang suy giảm. Trong khi phương Tây cố gắng khẳng định các giá trị của mình và bảo vệ lợi ích của mình, các xã hội phi- Tây phương phải đối mặt với một sự lựa chọn. Một số cố gắng thi nhau bắt chước phương Tây và tham gia hoặc "hùa" (to bandwagon) với phương Tây. Các xã hội Nho giáo và Hồi giáo khác cố gắng mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự của riêng họ để kháng cự và để tạo "cân bằng" chống lại phương Tây. Do đó, trục trung tâm của chính trị thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh là sự tương tác của quyền lực và văn hóa phương Tây với sức mạnh và văn hóa của các nền văn minh không phải phương Tây.
 
Tóm lại, thế giới hậu Chiến tranh Lạnh là một thế giới của bảy hoặc tám nền văn minh lớn. Những điểm chung và những khác biệt về văn hóa định hình nên những lợi ích, những đối kháng và những liên kết của các quốc gia. Ở mức độ rộng lớn, các quốc gia quan trọng nhất trên thế giới đến từ các nền văn minh khác nhau. Các cuộc xung đột cục bộ có nhiều khả năng nhất để leo thang thành các cuộc chiến tranh rộng lớn hơn là những cuộc xung đột giữa các nhóm và các quốc gia đến từ các nền văn minh khác nhau. Các mô hình phát triển chính trị và kinh tế chủ yếu khác nhau giữa các nền văn minh. Các vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự quốc tế liên quan đến sự khác biệt giữa các nền văn minh. Quyền lực đang chuyển từ phương Tây từng chiếm ưu thế từ lâu nay sang các nền văn minh không thuộc phương Tây. Nền chính trị toàn cầu đã trở nên đa cực và đa văn minh.
 
Hồ Văn Hiền dịch
(Còn tiếp)
Ngày 9 tháng 4 năm 2022
 
Tham khảo:
 
1) Yes, There Is a Clash of Civilizations
Sau khi chiến tranh Ukraine bắt đầu, Fukuyama giải thích tại sao chủ nghĩa tự do (liberalism) có vẻ như đã mất giá và quan niệm “lịch sử chấm dứt” của ông không còn đứng vững:
 
"Ở cả bên phe tả và bên phe hữu, những ý tưởng tự do cơ bản đã bị đẩy đến mức cực đoan, sau đó làm xói mòn giá trị được nhận thức của chính chủ nghĩa tự do ... Những sự thay đổi này sau đó đã tạo ra phản ứng dữ dội chống lại nó, nơi cánh tả đổ lỗi về sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng lên chính chủ nghĩa tư bản, và cánh hữu đã chứng kiến chủ nghĩa tự do như một cuộc tấn công vào tất cả các giá trị truyền thống ”.
 
"On both the right and the left, foundational liberal ideas were pushed to extremes that then eroded the perceived value of liberalism itself...These shifts then produced their own backlash, where the left blamed growing inequality on capitalism itself, and the right saw liberalism as an attack on all traditional values".
 
 
Hồ Văn Hiền
Ngày 9 tháng 4 năm 2022
 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com