Các Mô thức về Trật tự Thế giới
Bản đồ thế giới năm 1975 trong thời Chiến Tranh Lạnh (Nguồn Wikipedia)
Một trật tự gồm 3 thế giới (Three World Order: 1947-1991): Thế giới thứ nhất (First World) gồm Mỹ, Tây Âu, Nhật và các nước đồng minh, Thế giới thứ hai (Second World) cọng sản (Liên Xô, Trung Quốc và đồng minh của họ như Việt Nam sau 30/4/75), và Thế giới thứ ba (Third World) gồm các nước chưa hoặc đang phát triển về kinh tế, kể cả 120 nước trong khối không liên kết (Non Aligned Movement, NAM).
Cuộc xung đột của các nền văn minh và sự thiết lập trật tự thế giới mới
Tác giả: Samuel P. Huntington
Chương một: Kỷ nguyên mới trong chính trị thế giới
(tiếp theo kỳ trước)
Những thế giới khác?
Bản đồ và Mô thức (Paradigms) (1). Bức tranh này về chính trị thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh , được định hình bởi các yếu tố văn hóa và liên quan đến sự tương tác giữa các quốc gia và nhóm từ các nền văn minh khác nhau, được đơn giản hóa rất nhiều. Nó bỏ sót nhiều điều, bóp méo một số điều và che khuất một số điều khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn suy nghĩ nghiêm túc về thế giới và hành động hiệu quả trong đó, thì một loại bản đồ của thực tế đã được đơn giản hóa, một số lý thuyết, khái niệm, hình mẫu (model), mô thức (paradigm), là cần thiết. Nếu không có những cấu trúc trí tuệ (intellectual construct) như vậy, như William James đã nói, chỉ có "một sự nhầm lẫn nở rộ". Tiến bộ về trí thức và khoa học, như Thomas Kuhn đã cho thấy trong tác phẩm kinh điển “Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học”, bao gồm sự dịch chuyển của một mô thức (paradigm), mà ngày càng tỏ ra không có khả năng giải thích các sự kiện mới hoặc mới được khám phá, bằng một mô thức mới có khả năng giải thích những sự kiện đó một cách thỏa đáng hơn.” Để được chấp nhận như một mô thức," Kuhn viết, "một lý thuyết phải có vẻ tốt hơn các đối thủ cạnh tranh với nó, nhưng nó không cần thiết và trên thực tế là không bao giờ giải thích hết tất cả các sự kiện mà nó có thể đối mặt."
John Lewis Gaddis cũng quan sát một cách khôn ngoan: "Tìm đường đi qua những địa hình không quen thuộc, thường cần có một bản đồ nào đó. Khoa học về bản đồ (cartography), giống như nhận thức, là một sự đơn giản hóa cần thiết cho phép chúng ta biết mình đang ở đâu và chúng ta có thể sẽ đi đâu." Hình ảnh Chiến tranh Lạnh về sự cạnh tranh giữa các siêu cường, như ông chỉ ra, là một mô hình như vậy, được Harry Truman nêu ra đầu tiên, là "một bài tập về bản đồ học địa chính trị (geopolitical cartography) mô tả bối cảnh quốc tế theo cách mà mọi người có thể hiểu được, và do đó, chuẩn bị con đường cho chiến lược ngăn chặn (strategy of containment) tinh vi đã sớm được áp dụng." Các thế giới quan (world views) và các lý thuyết nhân quả (về nguyên nhân của các hiện tượng/causal theories) là những công cụ hướng dẫn không thể thiếu đối với chính trị quốc tế.
Trong bốn mươi năm, các sinh viên và học viên về quan hệ quốc tế đã suy nghĩ và hành động theo mô hình Chiến tranh Lạnh rất đơn giản nhưng rất hữu ích về các vấn đề thế giới. Mô hình này không thể giải thích cho tất cả mọi thứ diễn ra trong chính trị thế giới. Có rất nhiều điều bất thường (anomalies), nếu chúng ta sử dụng thuật ngữ của Kuhn, và đôi khi mô hình đó đã làm mù quáng các học giả và chính khách trước những diễn biến lớn, chẳng hạn như sự chia rẽ Trung quốc - Xô viết. Tuy nhiên, với tư cách là một mô hình đơn giản của chính trị toàn cầu, nó giải thích nhiều hiện tượng quan trọng hơn bất kỳ đối thủ nào của nó, nó là điểm khởi đầu thiết yếu để suy nghĩ về các vấn đề quốc tế, nó gần như được chấp nhận khắp nơi và định hình suy nghĩ về chính trị thế giới cho hai các thế hệ.
Các mô thức hoặc bản đồ được đơn giản hóa là thứ không thể thiếu đối với tư tưởng và hành động của con người. Một mặt, chúng ta có thể hình thành các lý thuyết hoặc mô hình (models) một cách rõ ràng và sử dụng chúng một cách có ý thức để hướng dẫn hành vi của mình. Mặt khác, chúng ta có thể cho rằng những hướng dẫn như vậy là không cần thiết và nại rằng chúng ta sẽ chỉ hành động dựa trên các sự kiện "khách quan" cụ thể, giải quyết từng trường hợp "dựa trên giá trị của nó." Tuy nhiên, nếu chúng ta giả định như vậy, chúng ta đang tự huyễn hoặc mình. Vì đằng sau tâm trí của chúng ta là những giả định, thành kiến và định kiến tiềm ẩn quyết định cách chúng ta cảm nhận thực tế, chúng ta nhìn vào dữ kiện nào và cách chúng ta đánh giá tầm quan trọng và giá trị của chúng. Chúng ta cần các mô hình được minh định rõ ràng hoặc ẩn dụ để có thể:
1. xử lý thực tế có trật tự và một cách khái quát;
2. hiểu mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng;
3. dự đoán (anticipate) và, nếu chúng ta may mắn, tiên đoán (predict) những diễn biến trong tương lai;
4. phân biệt những gì là quan trọng với những gì không quan trọng; và
5. chỉ cho chúng ta biết những con đường nên đi để đạt mục tiêu.
Mỗi mô thức hoặc bản đồ là một sự trừu tượng hóa (abstraction) và sẽ có ích cho một số mục đích hơn là cho các mục đích khác. Bản đồ chỉ đường cho chúng ta biết cách lái xe từ A đến B, nhưng sẽ không hữu ích lắm nếu chúng ta đang lái máy bay, trong trường hợp đó, chúng ta sẽ muốn một bản đồ làm nổi bật các sân bay, đèn hiệu vô tuyến, đường bay và địa hình. Tuy nhiên, nếu không có bản đồ, chúng ta sẽ bị lạc. Bản đồ càng chi tiết thì nó càng phản ánh đầy đủ thực tế. Tuy nhiên, một bản đồ cực kỳ chi tiết sẽ không hữu ích cho nhiều mục đích. Nếu chúng ta muốn đi từ thành phố lớn này đến thành phố lớn khác trên đường cao tốc chính, chúng ta không cần và có thể thấy khó hiểu một bản đồ bao gồm nhiều thông tin không liên quan đến giao thông ô tô và trong đó các đường cao tốc chính bị chìm mất trong một khối lượng phức tạp đường phụ. Mặt khác, bản đồ trên đó chỉ có một đường cao tốc sẽ loại bỏ nhiều thực tế và hạn chế khả năng của chúng ta trong việc tìm các tuyến đường thay thế nếu đường cao tốc bị chặn bởi một tai nạn lớn. Nói tóm lại, chúng ta cần một bản đồ vừa mô tả thực tế vừa đơn giản hóa thực tế theo cách phục vụ tốt nhất cho mục đích của chúng ta. Một số bản đồ hoặc mô hình chính trị thế giới đã được nâng cấp vào cuối Chiến tranh Lạnh.
Một Thế giới (One World): Hưng phấn và Hòa đồng.
Một mô hình được phổ biến rộng rãi dựa trên giả định cho rằng Chiến tranh Lạnh kết thúc có nghĩa là chấm dứt các xung đột đáng kể trong chính trị toàn cầu và sự xuất hiện của một thế giới tương đối hòa đồng. Công thức được thảo luận rộng rãi nhất của mô hình này là luận điểm "nơi lịch sử chấm dứt" (the end of history) của Francis Fukuyama. "Chúng ta có thể đang chứng kiến," Fukuyama lập luận, "... sự kết thúc của lịch sử theo đúng nghĩa của nó: đó là điểm cuối của quá trình tiến hóa tư tưởng của nhân loại và sự phổ cập hóa của nền dân chủ tự do (liberal democracy) phương Tây như là hình thức cuối cùng của chính phủ của loài người." Ông nói, chắc hẳn là, một số xung đột có thể xảy ra ở những nơi trong Thế giới thứ ba, nhưng xung đột ở mức toàn cầu (global conflict) đã kết thúc, và không phải chỉ ở châu Âu. "Ngay chính ở thế giới ngoài châu Âu", những thay đổi lớn đã xảy ra, đặc biệt là ở Trung Quốc và Liên Xô. Cuộc chiến của các ý tưởng đã kết thúc. Những người tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin có thể vẫn tồn tại "ở những nơi như Managua (Nicaragua, Trung Mỹ), Bình Nhưỡng (Pyongyang, Bắc Hàn), và Cambridge, bang Massachusetts," nhưng nền dân chủ tự do nói chung đã thành công. Tương lai sẽ không dành thì giờ cho những cuộc đấu tranh gay gắt về ý tưởng mà là để giải quyết những vấn đề kinh tế và kỹ thuật trần tục. Và, ông ấy hơi buồn rầu kết luận rằng, tất cả sẽ khá nhàm chán.
Kỳ vọng về sự hòa đồng đã được chia sẻ rộng rãi. Các nhà lãnh đạo chính trị và trí thức cũng đưa ra những quan điểm tương tự. Bức tường Berlin sụp đổ, các chế độ cộng sản sụp đổ, Liên hợp quốc phải đảm nhận một tầm quan trọng mới, các đối thủ trước đây trong Chiến tranh Lạnh sẽ tham gia vào "quan hệ đối tác" và một khế ước lớn" (great bargain), gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình sẽ là những đề tài chính. Tổng Thống của quốc gia đứng đầu thế giới tuyên bố về “trật tự thế giới mới” (new world order); chủ tịch của trường đại học tạm gọi là hàng đầu thế giới đã phủ quyết việc bổ nhiệm một giáo sư ngành nghiên cứu về an ninh vì nhu cầu đã không còn nữa: "Hallelujah! Chúng tôi không nghiên cứu chiến tranh nữa vì chiến tranh không còn nữa."
Khoảnh khắc hưng phấn vào cuối Chiến tranh Lạnh tạo ra ảo tưởng về sự hòa đồng, và chẳng bao lâu sau nó lộ hình ra đúng là một ảo tưởng. Thế giới trở nên khác biệt vào đầu những năm 1990, nhưng không nhất thiết phải hòa bình hơn. Thay đổi là không thể tránh khỏi; tiến bộ không được như vậy. Những ảo tưởng tương tự về sự hòa đồng nảy nở, trong một thời gian ngắn, vào cuối mỗi cuộc xung đột lớn khác của thế kỷ XX. Chiến tranh thế giới thứ nhất là "cuộc chiến chấm dứt các cuộc chiến tranh" và để làm cho thế giới an toàn cho nền dân chủ. Chiến tranh thế giới thứ hai, như Franklin Roosevelt đã nói, sẽ "chấm dứt hệ thống hành động đơn phương, các liên minh độc quyền, sự cân bằng quyền lực và tất cả các biện pháp do nhu cầu thời thế khác đã được thử nghiệm trong nhiều thế kỷ - và luôn thất bại." Thay vào đó, chúng ta sẽ có "một tổ chức hoàn vũ" gồm "các Quốc gia yêu chuộng hòa bình" và sự khởi đầu của một "cấu trúc hòa bình vĩnh viễn." Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tạo ra chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và sự đảo ngược của một xu hướng dân chủ hàng thế kỷ. Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh thực sự mang tính toàn cầu. Ảo tưởng về sự hòa hợp vào cuối Chiến tranh Lạnh đã sớm tan biến bởi sự gia tăng của các cuộc xung đột sắc tộc và "thanh lọc sắc tộc" (ethnic cleansing), sự phá vỡ luật pháp và trật tự, sự xuất hiện của các mô hình liên minh và xung đột mới giữa các quốc gia, sự trỗi dậy của các các phong trào tân cộng sản (neo-communism) và tân phát xít (neo-fascism), sự tăng cường của chủ nghĩa chính thống tôn giáo (religious fundamentalism), sự kết thúc của "ngoại giao nụ cười" (diplomacy of smiles) và "chính sách gật đầu" (policy of yes) trong quan hệ của Nga với phương Tây (1), sự bất lực của Liên hợp quốc và Hoa Kỳ trong việc trấn áp các cuộc xung đột cục bộ đẫm máu, và sự tự khẳng định ngày càng tăng của một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trong năm năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, từ "diệt chủng" (genocide) được nghe thấy thường xuyên hơn nhiều so với bất kỳ năm năm nào của Chiến tranh Lạnh. Mô hình một thế giới hòa đồng rõ ràng là quá xa rời thực tế để trở thành một hướng dẫn hữu ích cho thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Hai Thế giới (Two Worlds): Chúng ta và Chúng nó.
Trong khi kỳ vọng về một thế giới duy nhất xuất hiện vào cuối các cuộc xung đột lớn, thì xu hướng suy nghĩ về hai thế giới vẫn tái diễn trong suốt lịch sử loài người. Con người luôn bị cám dỗ để phân chia con người thành chúng ta và chúng nó (us and them), nhóm mình (the in-group) và nhóm kia, nền văn minh của mình và những kẻ man rợ (barbarian) ngoài đó. Các học giả đã phân tích thế giới theo phương Đông và phương Tây, Bắc và Nam, trung tâm và ngoại vi. Người Hồi giáo theo truyền thống chia thế giới thành Dar al-Islam và Dar al-Harb, nơi ở của hòa bình và nơi ở của chiến tranh (Dar al-Islam là "Nhà của Hồi giáo", nơi áp dụng luật Hồi giáo và Dar al-Harb là "Nhà của Chiến tranh", nơi mà người Hồi là thiểu số/HVH). Sự khác biệt này đã được phản ánh, và theo một nghĩa đã bị đảo ngược, vào cuối Chiến tranh Lạnh bởi các học giả Mỹ, những người đã chia thế giới thành "khu vực hòa bình" và "khu vực bất ổn" (zones of peace and zones of turmoil). Nhóm trước bao gồm phương Tây và Nhật Bản với khoảng 15% dân số thế giới, nhóm sau là tất cả những người còn lại.
Tùy thuộc vào cách các phần được xác định, một bức tranh thế giới gồm hai phần có thể tương ứng với thực tế ở một mức độ nào đó. Sự phân chia phổ biến nhất, xuất hiện dưới nhiều tên khác nhau, là giữa các nước giàu (hiện đại, phát triển) và các nước nghèo (truyền thống, chưa phát triển hoặc đang phát triển). Về mặt lịch sử, mối tương quan với sự phân chia kinh tế này là sự phân chia văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, ở đó các khác biệt về mức độ phúc lợi kinh tế ít được nhấn mạnh hơn so với các khác biệt về triết lý, giá trị và lối sống cơ bản. Mỗi bức tranh này [về hai thế giới] phản ánh một số yếu tố của thực tế nhưng cũng có những hạn chế. Các quốc gia giàu có hiện đại có chung những đặc điểm khác biệt với các quốc gia nghèo truyền thống, những quốc gia này cũng có chung những đặc điểm. Sự khác biệt về sự giàu có có thể dẫn đến xung đột giữa các xã hội, nhưng bằng chứng cho thấy điều này chủ yếu xảy ra khi các xã hội giàu có và quyền lực hơn cố gắng chinh phục và đô hộ các xã hội nghèo và truyền thống hơn. Phương Tây đã làm điều này trong bốn trăm năm, và sau đó một số thuộc địa nổi dậy và tiến hành các cuộc chiến tranh giải phóng chống lại các cường quốc thuộc địa, mà những người này có thể đã mất ý chí mộng đế quốc. Trong thế giới hiện nay, quá trình phi thực dân hóa đã xảy ra và các cuộc chiến tranh giải phóng thuộc địa đã được thay thế bằng các cuộc xung đột giữa các dân tộc đã được giải phóng.
Ở cấp độ tổng quát hơn, xung đột giữa người giàu và người nghèo khó xảy ra bởi vì, ngoại trừ trong những hoàn cảnh đặc biệt, các nước nghèo thiếu sự thống nhất về chính trị, sức mạnh kinh tế và khả năng quân sự để thách thức các nước giàu. Sự phát triển kinh tế ở châu Á và châu Mỹ Latinh đang làm mờ đi sự phân đôi đơn giản giữa người có và người không có (haves and have-nots). Các quốc gia giàu có có thể chiến tranh thương mại với nhau; các quốc gia nghèo có thể chiến tranh bạo lực với nhau; nhưng một cuộc chiến tranh đẳng cấp quốc tế giữa miền Nam nghèo và miền Bắc giàu thật xa rời thực tế cũng gần giống như một thế giới hài hòa hạnh phúc.
Sự phân chia thế giới làm hai nhánh văn hóa vẫn ít hữu ích hơn. Ở một mức độ nào đó, phương Tây là một thực thể. Tuy nhiên, các xã hội không phải phương Tây có điểm gì chung ngoài thực tế là họ không phải là những xã hội phương Tây? Các nền văn minh Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và châu Phi chia sẻ rất ít những điểm chung về tôn giáo, cấu trúc xã hội, thể chế và các giá trị thịnh hành. Sự thống nhất của những thành phần phi Tây phương (non-West) và đối nghịch hai bên Đông Tây là huyền thoại do phương Tây tạo ra. Những câu chuyện thần thoại này mắc phải những khiếm khuyết của chủ nghĩa phương Đông (orientalism) mà Edward Said đã chỉ trích một cách thích đáng vì đã thúc đẩy "sự khác biệt giữa cái quen thuộc (familiar) (châu Âu, phương Tây, "chúng ta ") và cái lạ lùng (strange) (phương Đông, "họ")" và vì cho rằng tính ưu việt vốn có của nhóm trước so với nhóm sau. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thế giới, ở một khía cạnh đáng kể, phân cực dọc theo một phổ hệ tư tưởng (ideological spectrum). Tuy nhiên, không có phổ văn hóa (cultural spectrum) duy nhất. Sự phân cực của "Đông" và "Tây" về mặt văn hóa một phần là hệ quả không may khác của cách gọi văn minh châu Âu là văn minh phương Tây. Thay vì "Đông và Tây", sẽ thích hợp hơn nếu nói về "phương Tây và phần còn lại", điều này ít nhất ngụ ý về sự tồn tại của nhiều thành phần không phải là Tây Phương (non-Wests). Thế giới quá phức tạp để có thể hình dung một cách hữu ích cho hầu hết các mục đích như phân chia đơn giản về mặt kinh tế giữa Bắc và Nam hoặc về văn hóa giữa Đông và Tây.
Chú thích (HVH):
1) Bàn thêm về từ ngữ “paradigm”:
Từ ngữ “paradigm” bắt nguồn từ một động từ Hy Lạp có nghĩa là "trưng bày bên cạnh nhau" (para= bên cạnh nhau; deiknunai=show. đưa ra để cho xem) và đã được sử dụng trong tiếng Anh để có nghĩa là "ví dụ"(example) hoặc "khuôn mẫu" (pattern) kể từ thế kỷ 15. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số cuộc tranh luận về loại ví dụ nào đủ tiêu chuẩn như một “paradigm”. Một số người nói đó là một ví dụ điển hình, trong khi những người khác khẳng định đó phải là một ví dụ xuất sắc hoặc hoàn hảo. Cộng đồng khoa học đã làm rối ren hơn khi sử dụng trong nghĩa "một khung lý thuyết" (theoretical framework), nghĩa này được nhà khoa học Mỹ Thomas S. Kuhn phổ biến trong ấn bản thứ hai của cuốn sách có ảnh hưởng của ông, “Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học”, xuất bản năm 1970. Trong tác phẩm đó. Kuhn thừa nhận rằng ông đã sử dụng paradigm theo 22 cách khác nhau. Một số nhà bình luận về cách sử dụng hiện khuyên nên tránh hoàn toàn thuật ngữ này với lý do nó đã được sử dụng quá mức.
“Paradigm” google translate dịch là 范例 hay 範例 (traditional Chinese) đọc là Fànlì
Hán Việt: Phạm lệ: Phạm=gương mẫu như trong “điển phạm, mô phạm”; lệ= mẫu (như trong "ngoại lệ, phá lệ")
Google còn dịch paradigm là “mô hình”, “thí dụ kiểu mẫu”,” thức dạng”.
Trong loạt bài này paradigm sẽ được dịch là “mô thức”, để tránh lập lại và lẫn lộn với “mô hình” được dùng để dịch pattern, model…
Thức: cách, mẫu, lối như trong 'công thức” (formula).
Ngoài ra, một lựa chọn hợp lý khác là dùng “paradigm” trong bản tiếng Việt mà không cần dịch ra từ Hán Việt.
2) Tiến sĩ WilliamS. Smith, tác giả cuốn sách “Chủ nghĩa đế quốc và Dân chủ” (Đại học Michigan xuất bản) đã viết từ năm 2020 (sau khi Nga sát nhập Crimea nhưng trước khi cuộc xâm lăng toàn bộ Ukraine bắt đầu năm 2022) về tính tiên tri của thuyết của Huntington trong trường hợp thái độ của Nga đối với Ukraine: “Huntington đã tiên đoán về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Lý thuyết của ông rằng các quốc gia sẽ quay trở lại cội nguồn lịch sử và văn hóa của họ có một hệ quả tất nhiên: các quốc gia bị chia cắt giữa các nền văn minh khác nhau , được gọi là các quốc gia “chẻ” (cleft countries), là những nơi rất có thể sẽ phát sinh xung đột giữa các cường quốc …
Theo tiêu chuẩn về văn minh của Huntington, Ukraine là một quốc gia bị “chẻ” nghiêm trọng, bị chia cắt trong nội bộ theo các ranh giới lịch sử, địa lý và tôn giáo, với miền tây Ukraine thật vững chắc trong đặc thù của châu Âu và miền đông Ukraine và Crimea thì thật vững chắc trong quỹ đạo của Chính thống giáo Nga. Mặc dù được xuất bản nhiều năm trước cuộc khủng hoảng Ukraine 2013, cuốn sách nổi tiếng nhất của Huntington, The Clash of Civilizations/Cuộc xung đột của các nền văn mimh”, chứa đầy những cảnh báo về sự nguy hiểm của tình hình Ukraine và dự đoán rằng Ukraine “có thể chia cắt theo đường đứt gãy của mình thành hai thực thể riêng biệt, phía đông sẽ hợp nhất với Nga. Vấn đề ly khai lần đầu tiên được đưa ra đối với Crimea. "
https://peacediplomacy.org/2022/03/09/william-s-smith-in-the-national-interest-ukraine-and-the-clash-of-civilizations/
BS Hồ Văn Hiền dịch và chú thích (HVH)
HT
Nguyên tác: Tác giả: Samuel P. Huntington
Ngày 16 tháng 4 năm 2022
(còn tiếp)