Với bút hiệu Prudence Han Tranduc, tác giả đã có sách Anh ngữ "The Clan Divided," do một nhà xuất bản Mỹ tại New York ấn hành. Ông cũng là tác giả sách "Tiếng Việt Đáng Yêu." Trần Đức Hân sinh năm 1942 tại miền Bắc, di cư vào Nam. Từ những năm 60 học Văn Khoa, dạy học, khóa 20 Thủ Đức, khóa 15 Kỵ Binh Thiết Giáp, bị thương, giải ngũ năm 1968, tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, tiếp tục dạy học. Năm 1980, vượt biển, định cư tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Từ 2000, di dân sang Mỹ, học lại Anh văn từ ESL tới các lớp viết văn và hoàn tất được ba cuốn sách. Tác giả hiện là cư dân thành phố Westminster. Ông tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2016 và sau nhiều năm vắng bóng, nay ông trở lại với bài viết đầy tâm huyết về việc gìn giữ và lưu truyền tiếng Việt cho thế hệ trẻ.
*
Sách và Báo Chữ-Việt xuất bản ở nước ngoài rất nhiều. Riêng ở Mỹ, có vài trăm tác giả viết sách. Báo ngày có Việt Báo, Viễn Đông, và Người Việt. Báo tuần, báo tháng có trên chục tờ. Thêm vào còn có các Tạp San của Tôn giáo và hội đoàn. Rất nhiều nữa nhưng xin độc giả thông cảm cho sự ngắn gọn này.
TĐH đã vào Internet nêu câu hỏi: “Nguồn gốc Anh-ngữ ngoài những từ vựng của riêng mình, còn lấy thêm nguồn gốc từ các ngôn ngữ nào khác?” Câu trả lời là một ‘list” khá dài. Tác giả xin trích một số ngôn ngữ: Latin, French, German, Yiddish(?), Portugese, Italian, Spanish, Arabic, Russian, Swedish, Native American languages, Chinese, Korean, Japanese, ... Vietnamese. Từ mỗi ngôn ngữ, họ cho vài thí dụ. Ngôn ngữ viết Alphabet- scripts thường giữ nguyên hoặc đổi khác chút ít; ngôn ngữ viết kiểu khác thì ghi âm lại bằng Alphabet-script của English. (Ví dụ tea của Chinese, tycoon của Japanese).
Do các dữ kiện vị trí và lịch sử của nước Nam (Vietnam) chắc quý độc giả đồng ý với thực tế “Chữ Việt và Tiếng Việt Còn thì Nước Việt Còn.”
Dữ Kiện Vị Trí: Nước Việt Nam nằm ở vị trí huyết mạch tuyến đường thương mại cũng như chiến lược vùng Đông Nam Á.
Vài thí dụ về tuyến đường thương mại: Việt sử cho ta biết, khởi đầu từ năm 1533, các tàu buôn Portuguese, do Antonio Da Faria chỉ huy, có những lần đến Đà Nẵng (Tourane) hay Hội An (Faifo) ở trong Nam. Từ 1540 đến 1800, các thương thuyền của Portuguese, Spanish, Britain, France, và Nertherlands trên đường đi Macao nước China và Nazaki nước Japan, thường ghé vào Đà Nẵng trong Nam hay Phố Hiến (Hải Phòng) ngoài Bắc.
Vài thí dụ về tuyến đường chiến lược: Điển hình là vị trí chiến lược Cam Ranh Đà Nẵng. (a) Trong chiến tranh Russo-Japanese ở thập niên 1900s, trong một trận hải chiến, khi hạm đội Nga yếu thế, họ vào bố trí ở Cam Ranh Đà Nẵng nên hạm đội Nhật không thắng được trận đó. (b) Khi Pháp chiếm VN, họ cũng khởi đầu 1858 từ eo biển này. (c) Trong Thế Chiến II, sau khi quân phiệt Nhật đã chiếm Korea và nhiều tỉnh miền Đông China năm 1937; vài năm sau, họ tràn vào Việt Nam làm vị thế bàn đạp đánh chiếm các nước phía Nam như Philippines, Singapore, Burma (Myanmar), vân vân. (4) Sau này, trong chiến tranh Việt Nam, đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên đến Nam-Việt Nam năm 1965 cũng đổ bộ lên bãi biển này.
Dữ Kiện Lịch Sử: Trong quá khứ, nước Bắc (China) đã xâm chiếm nước Nam (Việt Nam) mấy lần.
(1) Từ 111 BC – AD 939 (1,049 năm; nếu trừ bớt 3 năm nhờ Hai Bà Trưng giành được chủ quyền năm AD 40 – 43 thì còn 1,046 năm.) Thời gian hơn một nghìn năm này, kẻ xâm lăng cai trị dân Việt rất khắc nghiệt như nô lệ và vơ vét những gì quý giá chở về nước Bắc. Đặc biệt Mã Viện (Phục Ba) của nước Bắc đã gom gần hết các trống đồng của nước Nam, nấu chảy đúc thành Cột Đồng Trụ, khắc chữ Hán đe dọa: “Cột đồng chiết; Giao Chỉ diệt.” (chiết = đổ gãy). Năm AD 939, Ngô Quyền thắng quân Nam Hán và tuyên bố độc lập.
(2) Vua Đinh Tiên Hoàng và con trai bị cận vệ Đỗ Thích ám sát năm 979. Nhà Tống (Song) nước Bắc sửa soạn chiếm nước Nam; năm 981 đem quân tới biên giới. Nhưng nước Nam biết trước nên tướng Lê Hoàn chặn đánh tan quân Bắc ở biên giới. Sau đó, Lê Hoàn khởi đầu nhà Tiền Lê với tước hiệu Lê Đại Hành.
(3) Những ai chú ý chút ít Việt Sử đều biết nhà Trần đã ba lần chiến thắng quân xâm lăng Mông Cổ (Yuan) các năm 1258, 1285, và 1287. (Yuan, dòng họ Ganghis-Khan Mongolia cai trị nước Bắc (China) thời kỳ đó.) Nước China trước đó gồm 10 nước khác nhau: (Zhou, Jin, Xi-Xia, Liao, Nanzhao, Qidan, Northern Song (Bắc-Tống), Southern Song (Nam Tống), Sui, Tang). Tuy họ đang phát triển chữ Ideograph (tượng hình), nhưng mỗi nước phát âm khác nhau, nói chuyện không hiểu nhau nên phải “bút đàm”. Trớ trêu thay, người Mongols đã thống nhất 10 nước China, rồi chọn tiếng vùng Peking làm tiếng Quan Thoại. (Ngay cả ngày nay, cùng là người Chinese mà ỏ hai vùng khác nhau, hoặc là cùng biết tiếng Quan Thoại, hay là phải học tiếng của nhau mới nói chuyện được với nhau.)
(4) Hồ Quý Ly là quan của nhà Trần. Sau khi thủ tiêu nhiều con cháu can đảm nhà Trần, chỉ còn mấy người nhát gan mời hắn lên làm vua năm 1400. Một quan tên Nguyễn Khang giả là cháu họ Trần sang China làm việc dại dột xin quân nhà Minh sang giúp. Nhà Minh cai trị dân Việt rất độc ác như thời Mã Viện. Nhờ có Lê Lợi đánh quân Minh 10 năm mới giành được độc lập. Lê Lợi lập nhà Hậu Lê tước hiệu Lê Thái Tổ.
(5) Hậu Lê cai trị nước Nam đến năm 1527 thì Mạc Đăng Dung làm phản tương tự như Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần. Nhà Minh lại sửa soạn định chiếm nước Nam. Mạc Đăng Dung biết chắc sẽ thua nên dâng châu báu và cắt một phần nhỏ nước Nam cho nước Bắc rồi sang nước Bắc nộp mạng.
(6) Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, mấy hoàng tử chạy trốn ở mấy vùng khác nhau. Mỗi người lập quân đội riêng. Họ đánh nhau giành ngôi. Nguyễn Kim và hai con trai Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng, con rể Trịnh Kiểm phò một hoàng tử. Nguyễn Kim chết, trao quyền cho con rể. Kiểm thắng trận, lập nhà Lê Trung Hưng; Kiểm lấn quyền; vua chỉ là bù nhìn. Kiểm giết Uông; nên Hoàng dẫn một phần quân đội chạy vào miền nam lập giang sơn riêng. (Sau này là nhà Nguyễn Phước.)
Năm 1771, nước Nam lại có 3 phe đánh nhau. Vua Lê và quan Trịnh ở Bắc, Nguyễn Huệ ở Trung, Nguyễn Hoàng ở Nam.
Miền Bắc vua Lê Chiêu Thống bị lấn quyền chạy sang nước Bắc cầu xin nhà Thanh (Qing); do đó quân Thanh lại đem quân chiếm nước Nam năm 1789. Tình huống đó, Nguyễn Huệ xưng là vua Quang Trung, đuổi được quân Thanh.
Tóm lại, trong thời gian quá khứ, rất nhiều lần nước Bắc đã chiếm nước Nam; nhưng quân dân Nam đã đánh đuổi được. Ngày nay, cờ nước China có 1 sao lớn và 4 sao nhỏ. Theo Internet thì sao lớn tượng trưng dân tộc Hán; 4 sao nhỏ tượng trưng cho 4 dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng. Có ý nghĩa gì khi một sao lớn hơn mấy sao khác? Trên Facebook, vài lần đưa tin khi Vietnam tiếp một nhân vật chính phủ China, trên đài TV, cờ China gắn thêm một sao nhỏ nữa!? Mong rằng đây chỉ là “tin vịt” hình “giả dối”.
*
Không nước nào có chung biên giới với nước Bắc (China) làm những việc sai lầm to lớn và lâu dài gần 20 thế kỷ về chữ viết và văn học như nước Nam (Việt Nam). Thí dụ Korea: thế kỷ thứ 15, triều đại Yi, vua thứ IV (1419 – 1450) nước Korea đã ra sắc lệnh dùng chữ Hangul, khác hoàn toàn với chữ Chinese, cho tiếng nói Korean của họ. Do đó các văn nhân thi sĩ đã dùng chữ này để viết truyện làm thơ tả nhân vật và cảnh đẹp của nước họ. Nước Nam (VN) thì cứ mù quáng dùng chữ Chinese, phát âm chữ Nho mà dân không hiểu, phải giải thích mãi mới hiểu.
Nước Nam (VN), ngay sau những lần đuổi được quân xâm lăng về nước Bắc, vẫn trọng vọng tất cả những gì của nước Bắc: đam mê văn học, say đắm nhân vật, ca ngợi cảnh vật. Lỗi lầm to lớn kéo dài 20 thế kỷ là khinh chê ngôn ngữ của chính dân tộc mình, dùng tiếng ngoại lai, chữ nước China (mà đại đa số 95% dân không hiểu), để tuyển lựa người cai trị nước; dùng chữ ngoại lai trong tất các công văn, hộ tịch, vân vân. Thật xấu hổ, khi vua Việt loan kêu gọi việc gì trực tiếp với dân, lại nói tiếng Chữ Nho để tỏ ra là thông thái (sic), rồi một quan dịch ra tiếng Việt cho dân Việt.
Tuy tiếng Chữ Nho không là tiếng Quan Thoại, nhưng nó tương đương như một tỉnh nước Bắc: (cùng một thứ chữ, nhưng mỗi tỉnh phát âm khác nhau). Nếu không đuổi được quân xâm lăng, rất dễ bị đồng hóa.
Một sự thật nữa trong quá khứ là không có hệ thống trường lớp học Chữ Nho, chỉ có một số vị giỏi Chữ Nho không được làm quan (hoặc “từ quan”) mở lớp tại nhà riêng hay đình làng. Cả nước chắc cũng tới cỡ 100 lớp. Học trò trong lớp có các trình độ thấp cao khác nhau.
Mặc dầu trong thời gian 8 thế kỷ (từ XIII đến XX) trong số 5% các vị giỏi Chữ Nho có vị đã dày công sáng chế chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt, tiếng của dân tộc; như vậy phải giỏi Chữ Nho mới đọc được Chữ Nôm nên khó quá, thêm vào đó nó không được triều đình công nhận nên không phát triển được. (Bài Văn Tế Cá Sấu đã được viết bằng Chữ Nôm năm 1282.)
Sau 8 thế kỷ, mà chỉ có 26 tác phẩm Chữ Nôm bằng thơ. (Nhưng rất tiếc hầu hết chúng gồm toàn các nhân vật Chinese và cảnh bên China.) Thơ gieo vận nên một người đọc các người nghe mới dễ nhớ để sau này lại kể cho những người khác. Người khác lại kể cho người khác nữa.
Ngày nay, với Việt ngữ (Alphabet-script) ta đang dùng, chỉ trong vòng một tháng có thể có cả trăm tác phẩm, chưa kể báo tháng, báo ngày, bản nhạc, vân vân.
*
Lịch sử thành lập chữ (Quốc ngữ) Việt ngữ = Alphabet-script, hệ thống trường lớp học được xây tổ chức, mọi lứa tuổi dân Việt nô nức học, tôi đã viết sẵn bài 16 trang: (Tinh Hoa của Tiếng Việt Nam).
Chữ Nôm quá khó như thế nào; Việt ngữ mở rộng chân trời cho dân và nước Việt Nam, tôi đã viết sẵn bài 7 trang: (Chữ Viết Khác Nhau cho Tiếng Việt Qua Các Thời Đại).
*
Trong chương VN-2 (Nhật Bản Mở - Việt Nam Đóng), ta thấy bất cứ lãnh vực nào, say mê hay trông nhờ nguồn gốc một nước duy nhất là dại dột và thiển cận, nhất là Việt Nam một nước nhỏ mà lại nằm ở vị trí chiến lược toàn cầu. Tiếng nói cũng vậy; xin đừng ngụy biện nó là truyền thống. (Việc gì tốt đẹp mới giữ; điều sai lầm phải bỏ.) Hãy theo gương Anh-ngữ đã múc nguồn từ nhiều gốc khác nhau.
Nếu để ý, quý vị sẽ thấy từ đầu thế kỷ 19, cách nay hơn một thế kỷ, tiếng Việt đã có khoảng một ngàn chữ gốc Anh-Pháp đọc trại đi (tương tự như xưa học tiếng Chinese đọc trại đi thành Chữ Nho). Sau đây là một số ví dụ tiếng gốc Anh-Pháp:
Ô-tô (auto), lô-gích (logic), nhà ga (gare), con-vít (vis) mít-tinh (meeting), xà-bông (savon), áo-sơ mi (chemise), cà-phê (coffee), tách (tasse), bia (beer), rượu-xâm-banh (champagne), thịt bít-tết (beefsteak), bánh bích-qui (biscuit), quần-sọc (short), cao-bồi (cow boy), mũ cap (kép), áo-măng-tô (manteau), sô-cô-la (chocolate), bơ (beurre), phô-mát (fromage), cà-rốt (carrot), xà-lách (salade), hô-ten (hotel), xe buýt (bus) Cao-su, si-măng, ca-nô, xe tăng... chất hóa học... thuốc chữa bệnh... (còn rất nhiều).
Trong các lãnh vực khác, ví dụ âm nhạc, có các chữ như piano, violin, guitar, harmonica, harmonium,... valse, bolero, tango, Rumba, rock, chachacha, samba, đâu cần tìm Chữ Nho gốc Chinese để đặt tên cho phức tạp khó hiểu thêm!
Hệ thống đo lường: trọng lượng (gram), chiều dài (mét), thể tích (lít), các hãng xe, loại xe Renault, Peugeot... vân vân.
Thế kỷ 21 rồi, ảnh hưởng trong nhiều lãnh vực với tính cách quốc tế mỗi ngày càng tăng. Có những sáng chế từ Âu-Mỹ, (không phải từ China) có tên quốc tế rồi như radio, tivi, computer, internet, E-mail, video, calcium, aspirin, vitamin, ... mà lại giật lùi lại cố gắng tìm kiếm chữ Nho gốc Chinese! Ta không muốn gia nhập cộng đoàn thế giới, chỉ muốn dựa vào China hay sao? Gần cuối thế kỷ XX, khi dân chúng đang rành rẽ nhiều danh từ gốc Pháp, vài ông bà mê Chữ-Nho đặt tên lại như tây-ban-cầm (guitar), dương cầm (piano) vĩ cầm (violon) ... Dân chúng chẳng ai theo vì không muốn học những điều vô ích.
Cứ khăng khăng chỉ dùng chữ gốc Tầu mà thôi là bước đi theo cùng một lỗi lầm lớn của thời đại trước. Hãy thêm chữ gốc Âu-Mỹ giúp dân ta bớt nhìn vào nước China mà nhìn thêm ra cả toàn thế giới.
Trên thế giới, có gần 200 nước, trong thế kỷ trước, khoảng 40 nước Việt-Nam đã dùng âm Chữ Nho (gốc chữ Chinese) để đặt tên. Các thành phố thì ít hơn. Nhưng nay thì đang được thay thế bằng âm tiếng English hay French. Ví dụ Israel, Afghanistan, Iran... Canada, Argentina, Brazil... Bangkok, Paris, San-Francisco... Vài ông bà còn nuối tiếc dùng A-Phú-Hãn, Ba-Tư, Á-Căn-Đình, Ba-Tây... Vọng-Các, Ba-Lê, Cựu-Kim-Sơn... Nhưng họ rất cô đơn.
*
Tôi xin đặc biệt đề cập đến công trình Viết Về Nước Mỹ của ngàn người viết triệu người đọc vì đạt được thành công và lợi ích vượt không gian và thời gian.
Vượt không gian vì các bài viết được đăng trong báo ngày Việt Báo và in thành sách Viết Về Nước Mỹ hàng năm hơn một phần tư thế kỷ, các bài viết còn hiện diện trên Website đạt được thành công rất lớn, hiện nay đã có nhiều triệu độc giả trên toàn thế giới ngưỡng mộ tìm đọc. Hãnh diện hơn nữa, sách được lưu trữ lâu dài trong Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ.
Vượt thời gian vì (a) các bài viết sẽ tồn tại trong tương lai những chứng tích lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam kéo dài và tàn khốc gây đau thương và tàn phá không kể xiết; (b) tiếp theo là những chính sách cai trị hà khắc và độc ác của đám người độc tài thắng trận gây nhục nhã và đói khổ đến dân bị cai trị; (c) sau đó là các đợt vượt trốn chế độ độc tài đi tìm tự do trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm khiến từ ba trăm ngàn đến nửa triệu chết, trong hoàn cảnh kinh hoàng. (Tổng số từ Cơ Quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc HCR). Một số phụ nữ trẻ bị hải tặc hay cướp “làm nhục” tập thể trong thuyền trên biển cả hay trong rừng sâu. Nam bị đánh chết, xác vất xuống biển.
Tuy rằng tất cả các vị làm thơ viết văn Việt ngữ hiện tại đều là những người đã thông tạo tiếng Việt và chữ Việt tại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi, vẫn là một thực tế rất đáng hân hoan. Nước nào cũng vậy tổng số văn thi sĩ chỉ khoảng vài ba phần trăm trong tổng số dân.
Từ vài chục năm nay, chúng ta đã đồng ý với sự phân chia thành ba thế hệ người Việt đang sống ở nước ngoài: (1) Thế hệ thứ nhất gồm những vị đã thông tạo tiếng Việt vả chữ Việt tại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi. (2) Thế hệ một rưỡi gồm những người rời khỏi quê nhà trong tuổi thiếu nhi chưa rành rẽ chữ và tiếng Việt. (3) Người trẻ được sinh ra ở quê hương thứ hai. Theo nhận xét của tôi thì việc đọc sách và báo Việt không có được sự hân hoan tương đương như trên. Tôi không dám viết ra đây phần trăm ít ỏi đã lượng định, xin quý độc giả tự làm việc này.
Vậy ta phải làm gì để Giúp Thế Hệ Sau Đọc Sách Báo Việt? Ta hãy làm thế nào mà chợt có dịp may, một người thế hệ sau cầm quyển sách hay tờ báo đọc thử, nếu họ hiểu thì mới có cơ may họ sẽ tiếp tục đọc sách báo Việt. Nếu không hiểu thì họ sẽ từ giã, rất khó sẽ thử lại một lần nữa. Việc làm này cũng giúp cho toàn dân Việt nhìn rộng ra thế giới.
Sau khi đọc các sách hàng năm Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo tôi thấy càng ngày càng phải dùng thêm từ vựng trong các lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là Tây-y-khoa với phương pháp tìm bệnh, ngừa bệnh, chữa bệnh và tên các thuốc. Cụ thể cuốn năm 2023 có thêm khoảng một ngàn từ Anh-ngữ viết nguyên dạng (khác với những từ kể ở phần trên, không phiên âm sang Việt ngữ.) Có từ được dùng lại rất nhiều lần, càc phrases (nhóm từ), sentences (trọn vẹn câu).
Ngay phần mở đầu nơi trang 4 đã có 5 dòng Anh ngữ thông báo cần thiết xuất xứ của cuốn sách: Writing on America Volume XXIII... Xin quý vị tìm đọc và làm nổi bật (highlight) những từ vựng English để thấy rằng tôi viết ra sự thật.
Nhưng tôi xin liệt kê một số lãnh vực mà cuốn này dùng từ vựng English: Phương tiện truyền thông, tây-y-khoa, thành phố, địa danh, tên các nước, hội đoàn, xây cất, tên các film, địa chỉ, tên nhà thờ, bệnh viện, tên sông, biển, dụng cụ kỹ thuật, hoa, cây cỏ, tên người, thực phẩm, các hê thống đo lường của Mỹ, tên đàn, nhạc, films ciné, chim muông: tên các hãng sản xuất, tên xe, thời tiết, bão, dịch vụ, sinh hoạt tour, tên tiền Tiền: (Dolla, Euro) tên trường học, tên chợ... Xin quý vị tìm đọc và làm nổi bật (highlight) các từ vựng English để thấy rằng tôi viết ra sự thật.
*
Như vậy đề nghị của tôi đi sau đường hướng Viết Về Nước Mỹ hơn hai thập niên và chỉ nằm trong một lĩnh vực, nó chỉ bằng một phần trăm mà thôi.
Đề nghị sau đây của tôi không mới mẻ đâu mà đã bắt đầu từ lâu rối. Sau đây là đề nghị của tôi:
Nguyên tắc I: Tên các nước ta không Nho hóa mà dùng như tiếng Anh; (ta có thể phiên âm bằng tiếng Việt). Ví dụ ta đã dùng tên nước Algery, Iraq, Panama... tên thành phố Tokyo, Marseille, Quebec... được; tất nhiên các nước khác thành phố khác cũng dùng tiếng Anh được. Sau một thời gian sẽ quen dần.
Nguyên tắc II: Xin hãy giảm bớt dùng chữ Chữ Nho (gốc Chinese); và dùng chữ ngôn ngữ Việt thay thế vào.
Nguyên tắc III: Xin hãy phát âm và ghi âm tên nơi chốn nước China và tên riêng họ như tiếng Anh. (Để nhấn mạnh hai nước khác nhau hoàn toàn. Đây cũng là hình thức ngăn ngừa bị đồng hóa.) Chắc là nó khó một thời gian, nhưng nó sẽ quen dần.
Tham Khảo:
Biểu Nhất Lãm Văn Học Cận Đại (GS Thanh Lãng) Nguồn Gốc Chữ Quốc Ngữ + Lịch sử Thế Giới (LM Đỗ Quang Chính) Chữ Viết của Người Việt Nam Qua Các Thời Đại. Nam Hoài Bão.
Trần Đức Hân
Nguồn: https://vvnm.vietbao.com/a247963/giup-the-he-sau-doc-sach-bao-tieng-viet