User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
saigon7
 
Những người gốc Sàigòn hay đã sinh sống ở thành phố này đều biết về các xóm hẻm của thành phố. Thời thuộc Pháp, Sàigòn đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông sau đó thành phố đã trở thành thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hoà với sự phồn vinh của một thành phố tân tiến ở Đông Nam Á. Người Hà Nội tự hào với 36 phố phường, với các phố bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Bột, Hàng Chiếu, Hàng Thiếc, Hàng Tre… Không như Hà Nội, Sài Gòn có xóm. Không phô trương mà chỉ lặng lẽ như bài “Xóm Đêm” của Phạm Đình Chương. Người Sài Gòn không quen nói phố phường mình ở, mà quen nói nơi cư trú của mình bằng xóm: Xóm Bàn Cờ, Xóm Vườn Lài, Xóm Chùa, Xóm Nhà Thờ, Xóm Củi, Xóm Lò Gốm, Xóm Mả Lạng, Xóm Cây Thị… Rồi đặc biệt hơn là xóm chợ. Xóm chợ Thị Nghè, xóm chợ Xóm Chiếu,  xóm Chợ Cũ, xóm chợ Hoà Hưng… Câu nói xóm tôi nghe rất thân mật quen thuộc. Nếu như làng đặc trưng cho cộng đồng nông thôn, thì xóm mang nét đặc trưng của cộng đồng dân thành phố. Sàigòn không có một lịch sử dài như Hà Nội, mà chỉ là thành phố được dựng lên trên vùng đất bỏ hoang của dân Khmer xưa.
 
Các Chúa Nguyễn đã lợi dụng tình thế để di dân ngũ Quảng vào trong việc Nam tiến. Từ một đồn thu thuế, Chúa Nguyễn lập ra ở Prei Nokor (Sài Gòn), các dinh trại của Phó Vương Nặc Nộn, và đồn dinh ở Tân Mỹ (gần ngã tư Cống Quỳnh – Nguyễn Trãi ngày nay).
 
Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, thiết lập chính quyền, các đơn vị hành chính, chia đặt tỉnh lỵ …, chính thức xác lập chủ quyền của Đại Việt trên vùng đất mới. Ông đã lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt ra hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định), cho quan vào cai trị. Khi ấy Gia Định có độ 20.000 dân.
 
Từ đó, xứ Sài Gòn trở thành huyện Tân Bình và huyện sở đặt ở làng Tân Khai, là trụ sở của dinh Phiên Trấn. Những xóm làng đầu tiên của Sài Gòn là xóm Hòa Mỹ (xóm Thủy Trại, gần đường Cường Để), xóm Tân Khai (khoảng cầu Mống), xóm Long Điền, xóm Than, xóm Bàu Sen (cây Mai), xóm Phú Giáo, xóm Lò Bún, xóm Cây Củi, xóm Rẫy Cải, xóm Ụ Ghe… Sài Gòn trở thành một thị trấn đông đúc với hơn một vạn dân và là thủ phủ của dinh Phiên Trấn. Thanh Hà là xã đầu tiên của người Hoa ở, vùng Đồng Nai và Minh Hương là xã đầu tiên của người Hoa tại Tân Bình.
 
Trịnh Hoài Đức ghi trong Gia Định thành thông chí: Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị.
 
Nguyễn Hữu Cảnh dựng một lũy đất từ phía dưới rạch Thị Nghè lên Chí Hòa, vào gần đến Rạch Cát, để bảo vệ phía Tây Bắc và Tây Nam Sài Gòn; còn phía Đông Bắc và Đông Nam Sài Gòn đã được bảo vệ bởi rạch Thị Nghè, sông Tân Bình và rạch Bến Nghé. Sài Gòn được xây dựng trên khu đất nằm trên ranh giới của hai vùng phù sa cổ, phía Bắc của Sài Gòn là những dãy gò đồi kéo dài từ phía chân cao nguyên Nam Trường Sơn, còn phía Đông (vùng Thủ Thiêm), Nam (khu vực Nhà Bè, Cần Giờ) là vùng đồng bằng thấp mà phù sa bồi đắp còn dở dang.
 
Những dãy gò đồi ở bờ phía Tây sông Sài Gòn đã tạo nên một thế đất cao ráo và vững chắc, thuận tiện cho việc xây dựng một trung tâm hành chính, quân sự. Thành Phiên An, tiền thân của thành Gia Định sau này, được Chúa Nguyễn xây dựng trở thành tụ điểm của một hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch Cầu Kho nối liền với các tỉnh miền Tây. Địa hình thiên nhiên đã đóng vai trò quan trọng để khởi dựng lên Sài Gòn thuở ban đầu. Trở thành thủ phủ của tỉnh Gia Định vào năm 1698, Sài Gòn xác định vị trí trung tâm hành chính và thương mại ở khu vực phía Nam của Việt Nam vào thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Sự thịnh vượng với sự gia tăng dân số nhanh chóng ấy nhờ vào các hoạt động của Chợ Lớn, đô thị thứ hai của Sài Gòn, là thành phố thương mại do người Hoa lập ra tập trung buôn bán các sản phẩm từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là gạo.
 
Năm 1790, Nguyễn Ánh đã chọn Sài Gòn làm kinh đô gọi là Gia Định kinh và cho xây thành Gia Định (còn gọi là thành Bát Quái, thành Quy) ở thôn Tân Khai. Thiết kế của thành này do hai sĩ quan Pháp là de Puymanel và Le Brun. Le Brun vẽ bản đồ Gia Định kinh với thành bát quái còn gọi là bản đồ Sài Gòn năm 1795. Khi trở thành kinh đô thì dân chúng tụ về đây sinh sống, nhà cửa, đường sá dựng lên và các làng quê dần dần biến đổi ra thành phố khởi đầu cho đô thị hoá Sài Gòn.
 
Võ Tướng Trần Văn Học đã phác họa đường sá, chia khu phố phường trong thành và vẽ ra một bản đồ năm 1815 bao gồm phố Bến Nghé (Quận 1) và phố Sài Gòn (Quận 5) làm tiêu chuẩn cho việc đô thị hoá thành phố Sài Gòn sau này. Gia Định kinh tồn tại 11 năm, đến năm 1801, sau khi lên ngôi, Vua Gia Long đã dời đô về Phú Xuân (Huế).
 
Theo tự điển Việt thì Xóm là khu dân cư ở nông thôn, nhỏ hơn làng, gồm nhiều nhà ở liền nhau, nơi ở tập trung của nhiều gia đình làm cùng nghề nghiệp. TS Nguyễn Văn Huyền viết trong sách Văn Minh Việt Nam: xóm là khối dân cư nhỏ, đôi khi là một thôn nhỏ nhưng thường thường xóm là một nhóm nhà trong làng…Đôi khi đấy là hai dãy nhà nằm hai bên một con đường, hoặc một phố, hoặc một ngõ… Trong các văn bản chính thức, xóm thường được gọi là thôn. Toan Ánh viết trong sách Làng Xóm Việt Nam: Một làng có thể có nhiều xóm, và một thôn cũng vậy. Mỗi xóm là một khu làng, có một con đường đi vào tận trong xóm, dân xóm làm nhà ở hai bên, cổng ngõ quay ra đường xóm. Mỗi xóm cũng có cổng riêng gọi là cổng xóm.
 
Xóm Sài Gòn thành hình từ thế kỷ 19, lúc thành Gia Định có khoảng 40 làng, tụ hội dọc bờ sông, bờ rạch, xen kẽ với chợ búa và xưởng thợ và đã có xóm Vườn Mít và xóm Cầu Quan. Tên Cầu Quan là do xóm có nhiều nhà quan lại. Ngày nay Cầu Quan vẫn còn, cũng là tên một ngôi đình, còn gọi là đình Thái Hưng ở góc Yersin-Phạm Ngũ Lão. Cả hai xóm trải dài đến đường Trần Đình Xu (đường Cầu Kho cũ). Cầu Muối và cầu Ông Lãnh là hai chợ cổ buôn bán nông sản từ đó đến giờ.
 
Ở đầu đường Nguyễn Trãi, thời ấy có xóm Buồm Đệm. Thuở xưa, từ Sài Gòn qua Chợ Lớn chỉ có hai con đường đất. Con đường khởi đầu từ xóm Buồm Đệm, gọi là đường Trên, dân chúng gọi là đường Nước Nhĩ, hay là đường Cây Mai vì chạy thẳng đến chùa Cây Mai-Phú Lâm. Còn đường Dưới chạy dọc rạch Bến Nghé, giờ là đường Võ Văn Kiệt. Đi theo đường Dưới vào Chợ Lớn có nhiều dấu tích của xóm làng xưa.
 
Trước tiên là làng Tân Kiểng (xóm Lò Rèn Thợ Vắp), làng Nhơn Giang, làng Bình Yên, làng Phú Hội, rồi xóm Bột và xóm Cối Xay… Các xóm làng này nằm quanh nhà thương Chợ Quán hiện tại. Trong đó, làng Nhơn Giang từng có nhiều thợ đúc sinh sống. Đi nữa sẽ thấy xóm Lá, xóm Cốm, xóm Câu, xóm Dầu (làng An Bình), xóm Lò Gốm và xóm Lò Vôi…
 
Tháng 7 năm 1835, sau khi dẹp xong loạn Lê Văn Khôi là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt, Vua Minh Mạng ra lệnh xử chém 1831 nam phụ lão ấu, chôn tập thể ở đồng tập trận gọi là mả ngụy (Quận 3 nay), và cho triệt phá thành Phiên An.
 
Tổng Đốc Tịnh Biên và Tổng Đốc Long Trường điều khiển việc xây thành Gia Định mới theo kiểu thành Vauban nhưng nhỏ hơn, không kiên cố bằng thành cũ và chỉ có bốn pháo đài bốn góc so với tám pháo đài của thành Bát Quái cũ. Thành này chỉ tồn tại từ 1836 đến 1859 khi quân Pháp tấn công Sài Gòn.
 
Ngày nay, vị trí của thành Phụng nằm trong bốn con đường: Nguyễn Du là mặt tiền; Nguyễn Đình Chiểu mặt hậu; Nguyễn Bỉnh Khiêm mặt tả; Mạc Đĩnh Chi mặt hữu. Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định vào năm 1859, quân Pháp đốt cháy kho tàng, phá hủy thành Gia Định.
 
Trước khi người Pháp đến, địa hình phạm vi Sài Gòn gồm một vùng cao ở phía Bắc, trải dài từ vùng lũy thành Sài Gòn đến vùng Mả Ngụy, nơi cư dân hầu hết là các nhà phú hộ, phần đất còn lại là đồng ruộng, ao đìa. Dân nghèo sống chen chúc dọc theo rạch Bến Nghé trong các căn nhà nhỏ nửa đất nửa sàn. Giao thông trên bộ thời bấy giờ chủ yếu một số lô đất nhỏ được đắp cao lên vừa quá mức lúc nước lên.
 
Khi người Pháp đến Sài Gòn năm 1859, hình ảnh đầu tiên trong mắt họ là một cái chợ tại nơi hợp lưu của kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn (Chợ Cũ hiện nay), gần một ngôi chùa giữa một khu dân cư sống trong các căn nhà lá. Dọc bến sông (Bến Bạch Đằng) và kinh Bến Nghé có hai đường phố dài và có nhà lợp ngói hai bên, sau mỗi nhà đều có cửa hàng dựng trên cột lấn ra sông, tất cả các ngôi nhà cũ này đều bị phá hủy khi Pháp quy hoạch và xây dựng lại Sài Gòn. Dọc theo bến sông có Thủy Các (nhà sàn cho Vua hóng mát) và Lương Tạ (nơi Vua tắm) được cất trên một bè tre, vị trí sau này là bến tàu Bạch Đằng và bến phà Thủ Thiêm.
 
Một con đường đắp đất đỏ nối bờ sông Sài Gòn với một cái đồi nhỏ tương đối cao ráo, chính là tiền thân của con đường Catinat có căn nhà gỗ trên đường này năm 1863 theo Trương Vĩnh Ký. Vùng này vốn là một phần của thành phố thương mại của của nước Đại Nam, lác đác nhà và cửa hàng, nằm trong vùng đất của bốn ngôi làng từ kinh Thị Nghè tới kinh Bến Nghé, đó là làng Hoa Mi, Tân Khai, Long Điền và Trung Hòa, ranh giới nằm ở con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay. Cảnh tượng người đi lại buôn bán lẻ và số ghe thuyền đậu ở bến đã đem lại cho Sài Gòn bấy giờ một tầm quan trọng .
 
Khoảng giữa năm 1861, tức hai năm sau khi Pháp Chiếm Nam kỳ, Rodolphe Lindau, một Tùy Viên của Tòa Đại Sứ Đức tại Paris đã nhìn Sài Gòn như: một làng quê khốn khổ với những căn nhà chòi lợp lá dừa nước nghèo nàn, không có tòa nhà công cộng hay tư nhân lớn nào thu hút sự chú ý của du khách. Ngày 11/4/1861, Đô Đốc Charner cho quy định địa giới thành phố Sài Gòn gồm phía Đông là sông Sài Gòn, phía Bắc là rạch Thị Nghè, phía Nam là rạch Bến Nghé, phía Tây từ chùa Cây Mai đến đồn Kỳ Hòa, diện tích khoảng 25km2 theo địa giới quy hoạch của Nguyễn Cửu Đàm năm 1772. Năm 1862, sĩ quan Pháp là Coffyn lập một dự án quy hoạch mang tên ông là dự án “Thành phố Sài Gòn với 500.000 dân” tức khoảng 20.000 dân/km2.
 
Không quen với khí hậu nhiệt đới, bệnh tật, cuộc sống không vệ sinh của các làng mạc thôn quê ở Sài Gòn lúc mới đến, người Pháp đã quy hoạch lại Sài Gòn thành một đô thị lớn kiểu Tây phương để phục vụ cho việc thiết lập các cơ sở hạ tầng, xây dựng công thự, các công trình công cộng, thích hợp với đời sống của họ và hoạt động thương mại Tây phương. Người Pháp cho đào nhiều kinh ở các chỗ trũng thuộc vùng thấp của thành phố để cho ghe thuyền lưu thông, và cho tháo nước làm sạch các vùng đầm lầy đồng thời lấy đất lấp các vùng trũng khác. Sau đó họ cho san bằng vùng đồi phía Bắc Sài Gòn, lấy đất lấp các con kinh đào (đường Nguyễn Huệ hay là đường Kinh Lấp, đường Lê Lợi, đường vào cổng xưởng Ba Son hiện nay là những kinh đào được lấp lại). Đầu thập niên 1860, nhiều con đường lớn bắt đầu xuất hiện, năm 1861, địa phận Sài Gòn được giới hạn bởi một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé với một bên là sông Sài Gòn cùng con đường nối liền chùa Cây Mai với những phòng tuyến cũ của đồn Kỳ Hòa. Sau hai năm xây dựng bộ mặt Sài Gòn đã thay đổi hẳn. Các vùng trũng đầm lầy, những đường mòn gồ ghề được thay bằng những công trình mới được xây trên một không gian rộng, với những quãng lộ, những con đường trải nhựa phẳng phiu.
 
Các đại lộ như Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi), de la Somme (Hàm Nghi) được lập ra, đến năm 1865, Sài Gòn đã có khoảng 15350 km đường lộ, hai bên đường đều có trồng cây, thường là me, bàng hay tếch. Ban đêm, các con đường được thắp sáng bằng đèn dầu dừa.
 
Năm 1862, Sài Gòn trở thành thủ đô của Nam Kỳ rồi thủ phủ của Liên bang Đông Dương từ 1887 đến 1901. Quy hoạch đô thị được lập lại theo mô hình của các đô thị mới ở phương Tây. Thành phố có tất cả các tiện nghi thời đó (mạng lưới điện, nước và vệ sinh, hệ thống chiếu sáng công cộng,..), tiến bộ khoa học (bệnh viện Hải Quân từ 1873) và phương tiện giao thông hiện đại (tuyến tàu điện nội đô Sài Gòn – Chợ Lớn, hệ thống đường sắt đi đồng bằng sông Cửu Long,..). Sài Gòn hoa lệ chỉ tập trung vào đời sống của giới thượng lưu: Người Pháp, người ngoại quốc, giới trưởng giả Việt Nam. Từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 30, Pháp đã xây dựng hầu như hoàn chỉnh đô thị Sài Gòn, được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” mà phần lớn được tập trung xây dựng ở quận 1 và một phần ở quận 3.
 
Những công trình kiến trúc tiêu biểu kiểu Châu Âu được xây trên đất quận 1 là: dinh Đổng Lý Nội Vụ (dinh Thượng Thơ -1864), dinh Thống Đốc (1868) Nhà thờ Đức Bà (1877), ga Sàigòn (1881), Bưu Điện Thành Phố (1886), Nhà Hát Thành Phố (1900), Xã Tây (toà Đô Chính 1898 ), Dinh Gia Long (Bảo Tàng Cách Mạng, 1885), Tòa Án nhân dân thành phố (1881), Ngân Hàng Đông Dương, bệnh viện (Sài Gòn, Nhi đồng 2, Phụ sản Từ Dũ), các khách sạn lớn như Majestic, Continental, Palace, các hãng buôn Charner, Poinsard et Veyret, Shell… Các việc xây dựng này đòi hỏi Pháp phải đưa các kỹ thuật xây dựng tân tiến, các vật liệu mới, nội thất mới và cả kiến trúc sư, nhà thầu, nhà thiết kế… từ Pháp sang nước ta để thực hiện. Ban đầu, thành phố Sài Gòn bao gồm cả Chợ Lớn, nhưng đến năm 1864, người Pháp quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn. Nam Kỳ và Sài Gòn có quy chế thuộc địa của Pháp. Léopold Pallu de la Barrière tả về đường Catinat năm 1861 như sau: Kẻ lữ khách mới tới Sài Gòn sẽ thấy bên phía hữu ngạn của con sông một kiểu đường mà hai bên thường bị ngắt quãng bởi những khoảng không gian trống. Các căn nhà, đa số bằng gỗ, lợp lá dừa nước; một số ít ngôi nhà khác được xây bằng đá. Mái ngói đỏ của những ngôi nhà này cũng làm vui mắt kẻ đi đường” …Một khu lớn họp thành chợ… Hàng nghìn ghe thuyền chen chúc trên sông làm thành phố nổi nhỏ.
 
Người Pháp cho thiết lập khu vực cư trú và cai trị riêng cho mình với các dinh thự, nhà cửa lên đến hàng trăm căn tại Cité Blanche (Thành Phố Trắng) – khu vực quanh đường Catinat và khách sạn Continental. Sau Hòa Ước Giáp Tuất 1874 ký với Triều đình Huế, số người Châu Âu, nhất là người Pháp đến Sài Gòn, ngày càng đông. Vào thập niên 1880, có khách sạn của Pháp ở Sài Gòn là Favre và khách sạn Wang Tai của người Tàu. Các khách sạn này nằm trên đường chính là Catinat (Tự Do, Đồng Khởi) giới hạn bởi hai con đường Bonard (Lê Lợi) và d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Đó là một trong những nơi náo nhiệt nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Sự hiện diện của một số người Âu sống trong khách sạn hoặc thuê nhà riêng làm phát sinh một số nghề mới trong cư dân bản xứ như nghề làm bếp được chủ Tây gọi là “boy”, tiếng ta gọi “bồi”. Đầu bếp nấu ăn cho Tây thường là người gốc Hoa. Họ làm quen rất nhanh với cách nấu ăn của Tây và biết chiều theo sở thích của chủ.
 
Ngày 15 /3 /1874, Tổng Thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Thành phố không ngừng phát triển và tân tiến như thành phố Âu Châu. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên Bang Đông Dương, được thực dân Pháp mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông hoặc một Paris nhỏ ở Viễn Đông trong số các thuộc địa của Pháp. Tuy được Pháp gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nhưng thực ra thời ấy Sài Gòn rất nhỏ, chỉ cần đi xa 20 km là có thể săn thú rừng. Theo quy hoạch của Pháp, Sài Gòn khi đó chỉ rộng khoảng 3 km²; gần bằng một nửa Quận 1 hiện nay (rộng khoảng 8 km²), bao bọc bởi sông Sài Gòn – Nguyễn Thái Học – Nguyễn Thị Minh Khai – rạch Bến Nghé.
 
Từ lúc chiếm Gia Định năm 1859 cho đến khi rời Sài Gòn năm 1954, người Pháp chỉ tập trung tất cả những gì sang trọng, giàu có nhất mà họ có được ở khu vực rộng 3 km², nơi mà kiều dân Pháp sinh sống (Quận 1). Dù nhiều lần điều chỉnh địa giới mở rộng, nhưng những khu mở rộng này không được Pháp đầu tư nên khá là tạm bợ. Đến năm 1954, những phần Sài Gòn mở rộng này (khoảng 50 km²) vẫn hoang sơ, nhiều đầm lầy.
 
Theo Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa” thì khi Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914, “trước mặt còn là ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp (…), còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn. Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”. Khu Hòa Hưng (Quận 10) cho đến ngã tư Bảy Hiền hiện nay có vô số nghĩa trang, mồ mả. Khu Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3) toàn nhà lá nền đất xây dựng tạm bợ không theo quy hoạch nào. Khu Quận 4, Quận 7, khu Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, sát cạnh chợ Bến Thành đa số là nhà tranh vách lá tạm bợ. Khu vực đầm lầy ao Bồ Rệt (Marais Boresse) thời kỳ đầu thế kỷ 20 còn rất hoang sơ. Vùng đầm lầy này sau được lấp đi khi người Pháp quy hoạch lại thành phố, nay tương ứng với khu vực từ chợ Bến Thành đến đường Nguyễn Thái Học tại Quận 1.Quận 4 và Quận 7 hiện nay (phía xa trong ảnh) và khu Thủ Thiêm (nay thuộc Thủ Đức) đến năm 1954 vẫn còn là đầm lầy.
 
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, kiến trúc sư Hébrard được mời sang Đông Dương chỉnh lý lại các dự án quy hoạch Sài Gòn. Ông đề ra hướng phát triển công nghiệp và xuất khẩu cho Sài Gòn, điều chỉnh hệ thống kỹ thuật hạ tầng, củng cố thêm phố thị Khánh Hội và Nhà Bè. Nhưng kế hoạch bất thành do thiếu ngân sách, đụng chạm quyền lợi của giới độc quyền kinh doanh địa ốc, cũng như xung đột nội bộ. Đến cuối thập niên 1880, Sài Gòn, Chợ Lớn bắt đầu có xe kéo, làm sinh ra nghề phu xe kéo. Nếu gia đình người Âu có con nhỏ cần người giúp việc là phụ nữ, họ liên lạc với trường dòng để các bà phước tìm người của trường. Từ khi tình trạng vệ sinh ở Sài Gòn được cải thiện, nhiều phụ nữ người Âu kéo sang Việt Nam sống cùng với gia đình. Cuộc sống của người Âu là cả một thiên đường so với những người dân bản xứ đang sống chen chúc cạnh các sông rạch hoặc trên ghe thuyền. Năm 1893, Sài gòn chia làm hai khu phố: Khu người Âu ở phía nam Quận 3 trên vùng cao ráo và người Việt ở phần còn lại. Phố Tây chính là các con đường phồn hoa Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi) và đường chạy dọc bờ sông từ quảng trường Rigault de Genouilly (Mê Linh) đến khách sạn Majestic, từng có thời mang tên Napoléon. Các con đường này tập hợp các cửa hàng bách hóa, nhà hàng, khách sạn, tửu quán, tiệm cà phê, tiệm nhảy, show room xe hơi, tiệm thuốc Tây và hãng buôn nổi tiếng… Nơi đây, dập dìu tài tử, giai nhân và ngay cả văn nhân mà sự thâm nhập điển hình của văn hóa Pháp, trở thành tập tục mới của người Sài Gòn chính là nhâm nhi cà phê, đọc báo, uống bia, tán gẫu và dạo phố vào chiều tối và cuối tuần.
 
Vào khoảng 1920-1930 Sài Gòn có những nhà cửa trên các con đường trên là nhà phố liền dãy hay mộr khối 3-4 tầng. Chúng không còn là những nhà ngói đơn giản 1-2 tầng như vào cuối thế kỷ 19. Trung tâm thành phố có một số công trình, khu phố được xây dựng to đẹp và sang trọng, tuy nhiên, các công trình này chủ yếu do Pháp xây dựng từ thập niên 1940, các khu nhà mới rất ít được xây dựng kể từ sau năm 1950, trong khi đó dân cư nông thôn đổ về thành thị tìm việc và tránh chiến tranh khiến một số khu vực ở Sài Gòn dần trở thành những khu ổ chuột khổng lồ. Thống kê cho thấy khoảng 40% dân số khu vực Sài Gòn khi đó (tức khoảng 1,2 triệu người) phải sống tại khu ổ chuột với những điều kiện về y tế, vệ sinh rất kém.
 
Theo Vương Hồng Sển ghi chép thì danh xưng “Hòn Ngọc Viễn Đông” do quan chức thực dân Pháp đặt ra để chỉ nơi ăn chơi của họ, người Việt chẳng được thụ hưởng gì mà còn phải chịu sự bóc lột để người Pháp duy trì sự xa xỉ đó, và rằng “Nó hoàn toàn không phải là “hòn ngọc” với thợ thuyền người Việt ở xưởng đóng tàu Ba Son, cu li bốc vác ở cảng Sài Gòn, phu xe kéo và đông đảo người dân bản xứ mang trên mình bản án kiếp nô lệ, kẻ mất nước. Để phục vụ cho hòn ngọc ấy, cả một xã hội Sài Gòn trở thành thuộc địa, phải cung phụng cho Pháp mà nhiều địa danh còn được giữ đến tận bây giờ: Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Dầu, Xóm Bàu Sen (gần đồn Cây Mai), Xóm Giá (làm giá đậu xanh gần cầu Cây Gõ), xóm Lò Bún (gần giếng Hộ Tùng), Xóm Ụ Ghe, Xóm Rẫy Cái, Xóm Cây Cui…”
 
Nhà sử học Henry Kamn nhận xét về sự tương phản giữa đời sống của giới thượng lưu Pháp với người dân Sài Gòn địa phương: Sài Gòn không phải chỉ có sự lãng mạn như cái tên “Hòn Ngọc Viễn Đông” mà người Pháp đặt cho nó; đại đa số người Việt Nam và người Hoa sống tại đây phải lao động cực nhọc vượt xa đồng lương rẻ mạt họ được nhận để tạo nên sự lãng mạn của thành phố. Không có thống kê cụ thể, nhưng không có nhiều hơn 250 ngàn cư dân sống tại đây vào thập niên 1930” Những khu ổ chuột ở cạnh một con kênh ô nhiễm ở Sài Gòn năm 1956 này lan rộng khắp Sài Gòn trong thập niên 1960 do người tị nạn cộng sản trong cuộc Chiến tranh Việt Nam đổ về thành phố.
 
Trên tạp chí Xây dựng tháng 9/1967, tác giả Phạm Hoàng Thanh viết: “Mỗi ngày dân chúng ở quê lũ lượt kéo lên thành phố khiến dân số nơi đây gia tăng một cách kinh khủng, có nơi mật độ lên tới 28.000 người một cây số vuông. Người ta chen lấn giành giựt nhau từng tấc đất để xây cất. Hiện giờ ở Sài Gòn, sau những cao ốc đẹp đẽ, có ai ngờ là hàng ngàn hàng vạn ngôi nhà ván lợp tôn chèn ép nhau, tối tăm bẩn thỉu, bên cạnh những ao tù nước đọng, những đống rác thối tha ghê tởm”. Để giải quyết nạn khan hiếm nhà hết sức trầm trọng ở Sài Gòn lúc đó, theo tính toán, thành phố cần xây mới 50.000 căn hộ và giải tỏa 110.000 nhà ổ chuột. Trong suốt 10 năm, chỉ có 15.700 căn nhà được xây dựng.
 
Đằng sau Sài Gòn phố hoa lệ còn có Sài Gòn xóm. Những con xóm một thời ẩn chứa nhiều cổ tích, là một phần không thể thiếu trong ký ức và đời sống của đô thị. Sài Gòn Gia Định có khoảng 60 xóm, Gò Vấp có hơn 10 xóm. Xóm ở Sài Gòn không phải theo thói quen lập làng trên đất mới, mà chỉ là một cộng đồng cư trú gần gũi, có chung hoặc không có cả cố kết nào trong đời sống. Danh từ chòm xóm là một tập hợp những người dân quê đến Sàigòn khai phá lập nghiệp trên miền đất mới, họ ở kế bên nhau, nương tựa giúp đỡ nhau lúc ốm đau, tối lửa tắt đèn, Xóm là những mái nhà quây quần sống gần nhau có chung cái giếng, cây cầu họ chia sẻ buồn vui khi nhà hàng xóm hữu sự, xóm là một cộng đồng không thể thiếu trong văn hóa đời sống Việt.
 
Xóm hẻm Sài gỏn đã trở thành đề tài cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ qua các bản nhạc xưa như: “Kiếp Nghèo” của Lam Phương , “Xóm Đêm” của Phạm Đình Chương , nhạc sĩ Huỳnh Anh viết nhạc nền cho phim Loan Mắt Nhung cũng đưa vào cảnh xóm đêm, “Phố Buồn” của Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có đến ba ca khúc nhớ về ngõ xóm: Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái, Thư Về Em Gái Thành Đô. Trịnh Công Sơn viết “Thương Một Người” …
 
Bên cạnh các ca khúc trữ tình lãng mạn, cùng giai đoạn 1945-1975, hẻm xóm Sài Gòn được mô tả dưới ngòi bút một số nhà văn. Một tầng lớp dân cư trẻ được khắc họa như những mảnh đời vỡ vụn, do những xô đẩy dữ dội thời tao loạn, vừa cam chịu cũng vừa phản kháng. Các cô gái điếm, me Mỹ, những tay anh chị hết thời, đám du đãng giang hồ được đưa vào Xóm Âm Hồn, Loan Mắt Nhung (Nguyễn Thụy Long), Cho Trận Gió Kinh Thiên (Nguyễn Thị Thụy Vũ), Châu Kool, Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang (Duyên Anh).
 
Hẻm không nhiều hơn nhà nhưng xóm không thể thiếu hẻm. 80% dân Sài Gòn, là “dân hẻm Sài Gòn”, vì dân mặt tiền trước đây hầu hết cũng là dân trong xóm. Đường phố, dân cư Sài Gòn bây giờ đông hơn rất nhiều các thập niên cuối thế kỷ trước, hẻm vì thế mà dài hơn, quanh co hơn. Người đi xa trở về, nhiều thị dân lớn tuổi không dễ gì nhận ra các hẻm xóm ngày xưa. Sài Gòn xưa có nhiều xóm có tiếng như Cầu Muối, Cầu Kho (Q.1), Chợ Đũi, Bàn Cờ, Vườn Chuối (Q.3), Xóm Chiếu, Khánh Hội (Q.4), Xóm Cải, Xóm Đất (Q.5), Cây Da Xà (Q.6 – Bình Tân), Xóm Củi, Lò Gốm (Q.8), Cống Bà Xếp, Hòa Hưng (Q.10), Lò Vôi (Q.Gò Vấp)… Những cái tên quê mùa đó, mang đầy dấu ấn làng quê trước lúc chuyển sang thị thành. Xóm Sài Gòn, phần đông là nhà nghèo và là nhà quê, biểu tượng khung cảnh của thôn làng giữa phố. Nhiều xóm nhà xưa đúng nghĩa là “xóm nhà lá”, vì phần lớn đều là những căn nhà có mái và vách ngăn làm bằng lá dừa nước phơi khô.
 
Nhiều xóm lập thành có tên gọi do các nghề đặc biệt của dân xóm đó như: nhiều xóm mang tên vườn như Vườn Bầu, Vườn Chuối, Vườn Xoài (quận 3); Vườn Cau, Vườn Dừa, Vườn Nhãn (quận Phú Nhuận); Vườn Điều, Vườn Ngâu, Vườn Tiêu, Vườn Xoài (quận Tân Bình); Vườn Lài (quận 10); Vườn Trầu, Vườn Thơm, Vườn Cau đỏ (huyện Hóc Môn) mà tên mỗi vùng với chữ vườn thường được đặt theo tên nông, thổ sản của khu đất đó. Chẳng hạn như Vườn Chuối (quận 3) là một xóm rất rộng, trồng rất nhiều chuối.
 
Một số xóm tiêu biểu của Sài Gòn như:
 
- Xóm Cầu Kho là một trong những vùng đất xưa nhất của Bến Nghé (Sài Gòn) với những cư dân Việt đầu tiên định cư ở Sài Gòn. Cầu Kho là tên cây cầu bắc ngang một con rạch nhỏ (nay là đường Hồ Hảo Hớn, Q̣uận.1), nối ra đại lộ Võ Văn Kiệt chạy dọc rạch Bến Nghé hiện nay. - Trong sách Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam viết: “Cầu Kho là tên cây cầu bắc ngang qua con rạch ăn vào kho Quản Thảo. Sử cũ chỉ ghi đại khái là trong miền Nam, đất mới, dân chúng khẩn hoang lập ấp còn thưa thớt, triều đình Chúa Nguyễn chưa thiết lập bộ máy hành chánh rõ ràng, nên mới lần hồi lập chín kho để thâu thuế rải rác từ Mỹ Tho tới Biên Hòa. Đến năm 1741, mới thấy ghi đủ tên 9 kho là: Tân Thạnh, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Qui An, Qui Hóa, Tam Lạch, Bả canh, Hoàng Lạp và Quản thảo.Các cơ quan quân sự và hành chánh xưa nhất của Gia Định, chẳng hạn như dinh Điều Khiển… đều nằm trên khúc đường gần sông nhỏ Cầu Kho này. Kho Quản Thảo được vẽ rõ trên bản đồ Trần Văn Học 1815, ở một vị trí trung tâm và thuận tiện giao thông của Sài Gòn xưa.
 
Vùng đất có kho Quản Thảo từ lúc mới thành lập cho đến khi Sài Gòn, Gia Định bị người Pháp chiếm đóng vào năm 1859, ngoài quan lại và binh lính bảo vệ kho, còn lại chủ yếu là dân nghèo người Việt từ miền Trung vô mưu sinh trên vùng đất mới. Những cư dân Việt sống xung quanh kho Quản Thảo lúc ấy chủ yếu sống bằng nghề khuân vác để đưa lúa, gạo ra vào kho. Họ sống trong những căn nhà sàn lợp lá ven sông rạch chung quanh Kho Quản Thảo, gọi chung là xóm Lá. Bài Phú Cổ Gia Định có nhắc đến xóm nhỏ nằm ngay trong khu vực Cầu Kho vốn là một xóm nghèo, tập trung nhiều người Việt sống tha hương cầu thực bằng nghề hành khất, cho nên mới có tên gọi xóm Cầu Khất: “Dưới đường đi cầu Khất, bỏ chi con trẻ lạc loài…”. Học giả Vương Hồng Sển viết trong sách Sài Gòn Năm Xưa: khu vực Cầu Kho có gia đình họ Võ hứa gả con gái là Võ Phi Loan cho Nguyễn Đình Chiểu, nhưng sau không gả vì Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa sau khi hay tin mẹ mất, sau này viết thành truyện Lục Vân Tiên.
 
Thời Pháp thuộc, Tư Mắt tức Nguyễn Văn Trước, trùm một thời khắp cõi Nam Kỳ cũng dùng đây là sào huyệt để nương náu, thời VN Cộng Hoà với chợ cá Cầu Ông Lãnh. Giang hồ tụ tập về Cầu Muối ngày càng nhiều, nhưng vẫn theo kiểu hỗn quân hỗn quan. Nhưng Đại Ca Thay, người đứng đầu trong Tứ Đại Thiên Vương (Đại, Huỳnh Tỳ, Woòng Cái, Ba Thế) chọn nơi đây để mở một sòng bạc lớn. Lúc đó du đãng cầu Muối trở thành “số một” của giang hồ miền Nam.
 
Sau năm 1975, chính quyền đã diệt trừ những tay anh chị, một số lọt sổ cũng vội vã cao chạy xa bay. Khi mọi chuyện đã được xem là “tạm ổn”, giang hồ lục tục quay về. Nguyễn Văn Cưng, tự Cưng già, vốn sống bằng nghề giật đồng hồ ở bến đò Thủ Thiêm, làm giang hồ Sài Gòn rúng động với chiêu “Hỏa Long Thần Chưởng”, vốn là một tên nhóc con xuất thân từ Cầu Muối. Một số du đãng anh chị thuộc phường cầu Kho, sau khi bị truy quét dữ dội đã không tồn tại nổi với nghề buôn bán ma túy lẻ, bèn bán xới qua thuê nhà ở khu Âu Dương Lân quận 8, dựa hẳn vào Chí, Tuấn, Tư… để tiếp tục mua bán hàng cướp giật, cho vay và đâm thuê chém mướn. Ngày nay, tên Cầu Kho vẫn còn, nhưng chỉ là tên của một phường thuộc Q.1
 
– Xóm Lò Gốm là địa danh được ghi bằng văn tự lần đầu tiên trên bản đồ Gia Định – Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815. Sau đó không lâu, địa danh này được kể đến trong bài Phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnh: Cắc cớ chợ Lò Rèn, chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa; Lạ lùng xóm Lò Gốm: chơn vò vò Bàn cổ xây trời. Xóm Lò Gốm đã ra đời cuối thế kỷ 18, những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. gốm Cây Mai là sản phẩm của thợ gốm người Minh Hương. Sự thành hình của xóm Lò Gốm ở xứ Đề Ngạn (Sài Gòn xưa) có nguyên nhân với việc định cư ở đây của các nhóm người Hoa di tản vì chiến tranh Tây Sơn với Nguyễn Ánh từ Cù Lao Phố (Biên Hòa), Mỹ Tho (Tiền Giang) và cả từ Hà Tiên trong những năm 70, 80 của thế kỷ 18.
 
– Xóm Thuốc ngày nay còn cái nhà thờ giáo xứ Xóm Thuốc được thành lập năm 1954 trên đường Quang Trung. Nhà thờ của Dân Bắc Kỳ 54 mới đây. Xóm Thuốc là nơi trồng cây thuốc lá, để mấy ông già quấn vô giấy quyến hút kêu là thuốc rê Gò Vấp. Sau này Xóm Thuốc làm nghề trồng thuốc lá cho hãng Bastos, Mélia của Pháp. Ngày nay do đô thị hóa, Xóm Thuốc không còn trồng thuốc lá nữa.
 
- Xóm Gà, thời xưa xóm này nuôi gà đá cho trường gà của Tả Quân Lê Văn Duyệt.
 
Xóm có một diện tích rất nhỏ (khoảng 3-4 km²), bắt đầu từ ngả tư Xóm Gà (ngả tư Lê Quang Định và Nguyễn Văn Đậu, ngày xưa thuộc Bình Hòa Xã, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, là xã tiếp cận với quận 1 Sài Gòn chỉ cách nhau qua cầu Bông (trên đường Lê Văn Duyệt nay là Đinh Tiên Hoàng) và cầu Sắt trên đường Bùi Hữu Nghĩa ngày nay thuộc quận Bình Thạnh. Phường 11, trước 75 có bót Cảnh Sát Nguyễn Văn Gặp Ngày xưa có ba ga xe lửa nằm trên đường Lê Quang Định (Bình Hòa, Xóm Gà và Đông Nhì) trên đường Gò Vấp- Sài Gòn Đường Nguyễn Văn Đậu (xưa là Ngô Tùng Châu, đường làng 20) không đèn, những ngày đầu được điện hóa, bà con đi dạo chơi như đi mở hội dưới ánh đèn vàng. Đường này ngày xưa có một khu vườn rất lớn, gọi là vườn ông Thinh (Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh thời Nam Kỳ tự trị). Trên đường Ngô Tùng Châu xưa có Quán dơi, là nơi đầu tiên ở Sài Gòn-Gia Định, chuyên bán nhiều món thịt dơi, sau đó một thời gian thì đóng. Đường Lê Quang Định, về hướng Gò Vấp, có chùa Dược Sư, Tịnh Thất Liên Hoa, hẻm vào chùa Linh Ứng-bây giờ có thêm Châu An tự, tịnh xá. bên hông phải chợ là đường Gia Long (bây giờ là Nguyễn Văn Nghi) có rạp hát Lạc Xuân (nay là nhà sách Lạc Xuân). Đường này khúc Xóm Gà bây giờ nổi tiếng gà quay về chiều tối với những hàng bán trái cây đủ loại. Ngoài những chùa kể trên, trong xóm còn có chùa Vạn Đức (không còn nữa), chùa Pháp Vân cách hãng nước đá lâu đời trên đường Nguyễn Văn Đậu. Xóm Gà còn có nhiều nhà văn, thi sĩ, nhà báo tên tuổi ngày xưa như Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên, Trần Tấn Qưốc (người đã sáng lập giải Thanh Tâm cho cổ nhạc Cải lương). Trước 75, Trang Thanh Lan và một số ca sĩ thuộc nhóm Tùng Lâm ở đây và một số ca kịch sĩ thường hay lai vãng như Hùng Cường, Thanh Hùng…
 
- Xóm Thơm là nơi trồng trái thơm, có cái ga xe lửa cùng tên (ga Gò Vấp) trên đường Lê Lai.
 
- Xóm Cải ở quận 5, từ Nguyễn Trãi tới Mạc Thiên Tích. Xóm Cải của đất Chợ Lớn xưa, là nơi đất gò, nơi cư ngụ của những người chuyên nghề trồng rau cải để bán.
 
- Xóm Chỉ ở xế cầu Chà Và, có đường Tản Đà, dân vùng này chuyên làm nghề kéo chỉ. Có cái cầu sắt khẳng khiu tên cầu Xóm Chỉ.
 
- Xóm Vôi đất Chợ Lớn là nơi dân chuyên chở đá vôi từ vùng Hà Tiên lên để… ăn trầu và sơn tường.
 
- Xóm Củi xưa kia là vùng đất hoang, sình lầy, là bến lên củi và vựa chứa củi từ ghe thuyền miền Tây lên. Xóm Củi xưa là đất trũng, nước lên xuống hầu như không có người ở. Trước khi có loại bếp lò đốt bằng dầu lửa thì chất đốt chính của mọi bếp nhà và các lò tiểu thủ công nghiệp của người Chợ Lớn-Sài Gòn xưa là than và củi. Ngày xưa là bến cuối để người người ở các thị trấn hay vùng quê phía Nam đặt chân đến Sài Gòn. Đi chợ Xóm Củi thì chỉ cần theo vòng xoay có tượng Phan Đình Phùng, qua cầu Chà Và, cây cầu ngày nay vắt ngang qua cả đại lộ Võ Văn kiệt và kênh Tàu Hủ. Loại củi của xóm này nổi tiếng là củi và than của cây Đước. Đây là loại gỗ tốt hàng đầu của rừng nước mặn duyên hải miền Nam, sau mới đến củi cây Mắm, cây Bần, người nghèo miệt Lục Tỉnh xưa chọn thân gỗ cây Đước lớn dùng làm cột nhà, cành nhánh thì làm củi hoặc hầm lấy than củi.
 
- Xóm Kiệu, xưa chuyên trồng củ kiệu ở quận 3, được Trương Vĩnh Ký ghi lại là cầu Kiệu
 
- Xóm Lách là con hẻm nối Yên Đổ với Công Lý ra kinh Nhiêu Lộc xưa trồng xà lách bán cho Tây.
 
– Xóm Vườn Mít ở đường Công Lý khúc Tòa Án.
 
– Xóm Vườn Lài-Ngã Ba Vườn Lài nằm giữa ngã Bảy Sài Gòn (đường Lý Thái Tổ) và ngã Sáu Chợ Lớn (đường Nguyễn Tri Phương), bao gồm các đường chính là Minh Phụng (nay là đường Ngô Gia Tự), Vĩnh Viễn, Sư Vạn Hạnh thuộc quận 10. Trước đây, Ngã Ba Vườn Lài là một vùng hoang vắng trên cánh đồng tập trận thời nhà Nguyễn. Đến năm 1950, khu vực này trở thành xóm sầm uất, dân cư đông đúc, nhà cửa chen chúc với những đường ngang ngõ tắt. Thời Pháp khu này có nhiều gái mãi dâm. Vườn Lài là một trong những khu lao động của thành phố làm cơ sở cho cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ, che giấu thanh niên trốn lính. Từ 1955 đến 1964, khu vực Vườn Lài Ngã Bảy diễn ra các phong trào đấu tranh dưới nhiều hình thức như: mít tinh, gặp gỡ Nghị Sĩ của chính phủ Diệm đưa kiến nghị, yêu sách đòi tăng lương cho công chức, đòi tự do nghiệp đoàn. Nổi bật nhất là cuộc biểu tình ngày 16/3/1963 của 30 vạn thanh niên, học sinh và đồng bào theo đạo Phật đòi hòa bình.
 
– Xóm Vườn Chuối ở quận 3, nằm trong khu mồ mả xưa. Người dân không ai dám khai khẩn làm gì, chỉ trồng chuối thành vườn rồi từ đó có gọi tên là xóm Vườn Chuối. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn dùng chính tên mà người dân hay gọi để đặt cho chợ và con đường Vườn Chuối ngày nay. Trước đây thì khu này toàn là nhà lá, nhưng sau bị cháy, nghi là có người đốt. Rồi từ vụ cháy đó, chính quyền mới lấy đất, phân lô bán lại cho dân lao động hoặc cấp cho những công chức để cất nhà. Khu này lại còn có những trang trại nuôi ngựa rất lớn. Cho đến những năm 1954 – 1955 thì trở thành khu dân cư đông đúc, náo nhiệt. Trước năm 1975, khu này nổi tiếng là nơi bán vàng chui. Chợ Vườn Chuối còn được nhắc đến như một “thiên đường ẩm thực.
 
– Xóm Bột từ bệnh viện Chợ Quán tới bệnh viện Nguyễn Trãi chuyên sản xuất các loại bột, trong bài Phú Gia Định có câu: “Ngoài Xóm Bột phơi phong trắng dã, nhiều bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai”.
 
– Xóm than Thủ thiêm là kho than của Pháp xây đựng chất đốt cho Tàu Xe thời đó.
 
– Xóm ve chai ở trong các chung cư Hòa Hảo, Sư Vạn Hạnh (Quận 5,) có rất nhiều người phụ nữ buôn ve chai để sinh sống. Những người này phần đông đến từ Phú Yên và Bình Định. Những người này làm nghề nông, nhân lúc mùa vụ chưa đến họ vào Sài Gòn để kiếm thêm lợi nhuận.
 
– Xóm gói bánh ú lá tre nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Những ngày dịp Tết Đoan Ngọ, khoảng 20 hộ dân làm nghề gói nấu bánh hoạt động tất bật để gói hàng nghìn chiếc bánh giao cho khách hàng.
 
- Xóm ốc -Dọc theo con đường Nguyễn Văn Linh hướng về Bình Chánh sẽ đi ngang qua những trung tâm mua sắm to lớn hào nhoáng và những khu dân cư sang trọng bậc nhất thành phố. Nhưng cũng ngay trên con đường ấy lại có 1 cái xóm nhỏ nằm ven đường và ở đấy người dân quen gọi bằng cái tên thân thuộc là Xóm ốc. Xóm ốc rất khó tìm bởi lẽ nó nằm tít trong quốc lộ, chỉ khi đi ngang quốc lộ 51 và hỏi thăm những người bán rau nhút gần đó thì mới tìm được đến cái xóm nhỏ này thôi. Tên xóm có lẽ đó là thu nhập chính của những người dân ở đây, sáng sớm đi bắt ốc rồi về nấu, lấy thịt ốc rồi mang đi bán. Dân ở đây chủ yếu là ở miền Tây lên có người quê An Giang, Tiền Giang có người thì tận Kiên Giang.
 
- Xóm lồng đèn Phú Bình ở đường Lạc Long Quân, quận 11 được lập ra bởi những nghệ nhân gốc Nam Định di cư vào Sài Gòn lập nghiệp. Những năm 90 của thế kỷ trước là thời kỳ cực thịnh của những chiếc lồng đèn giấy. Hơn 20 năm sau, xóm lồng đèn thưa dần bởi nhiều hộ đã chuyển nghề, hoặc dùng nơi ở cũ xây cất nhà trọ. Tuy vậy vẫn còn hơn 20 hộ giữ được cái nghề truyền thống mà cha ông để lại. Điểm độc đáo lồng đèn Phú Bình là ở nguyên liệu, khi các nan khung là tre lồ ô, được lấy từ xứ Bình Phước.
 
- Xóm Chợ Đũi, có ngôi chợ đầu tiên trên đất Sài Gòn dựng lên từ năm 1727. Chợ Đũi nằm ở ngã tư Lê Văn Duyệt (Cách mạng tháng Tám )- Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần), đối góc với rạp hát Nam Quang. Chợ Đũi xưa kéo dài từ Phạm Ngũ Lão cho đến giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và có lẽ chiều ngang từ Cách mạng tháng Tám đến giáp nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh. Trong khu vực này có một họ đạo mang tên “họ đạo Chợ Đũi thành lập năm 1859” với nhà thờ Huyện Sĩ, và có một nhà ga xe điện tên là ga Chợ Đũi đường Sài Gòn-Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19 nay còn dấu tích trên bức tường sau trường Trung Học Cô Giang. Huyện Sĩ tên là Lê Phát Đạt (tên tục là Sĩ), là người giàu nhứt Nam Kỳ cuối thế kỷ 19. Xóm này là xóm chuyên về nghề làm đũi là thứ vải lụa dệt từ tơ tầm. Thuở ban đầu, để có kinh phí nuôi bộ máy điều hành chánh quyền, thực dân tịch thu đất đai của dân chúng tản cư đi xa thành phố vì chiến tranh, đất hoang hóa rồi bán rẻ cho những người có tiền hoặc cấp cho người làm việc trong bộ máy. Đến cuối thế kỷ 19 Huyện Sĩ được xem là người giàu nhứt Đông Dương, giàu hơn cả vua nhà Nguyễn. Ông là ông ngoại vợ Vua Bảo Đại được phong là Nam Phương Hoàng Hậu. Hiện nay đây là một khu thương mại, có ngân hàng, quán cà phê.
 
– Xóm Bàn Cờ, là khu vực nằm giữa các đường Lê Văn Duyệt, Hồng Thập Tự và Lý Thái Tổ, Phan Thanh Giản. Nơi đây là giao điểm gạch nối Q.1, Q.3, Q.10, Q.5 với nhau. Thời Pháp thuộc, nơi này thuộc khu mồ mả (Plaine des tombeaux) của đồng tập trận và mả ngụy là nơi chôn tập thể 1831 người bị vua Minh Mạng xử trảm sau loạn Lê Văn Khôi, con nuôi tả quân Lê Văn Duyệt. Nơi đây xưa là vùng sình lầy, hoang vắng, dân cư hầu hết là người lao động nghèo, sống trong những căn nhà tạm bợ, tạo thành đường ngang ngõ dọc giống như ô bàn cờ. Khoảng năm 1910, thành phố Sài Gòn khi ấy được mở rộng về phía Tây.
 
Khu đất phía trong đường Nguyễn Thiện Thuật được quy hoạch, xẻ ngang, vạch dọc như ô bàn cờ để phân cho dân chúng xây nhà. Vì vậy, người dân đặt đây là khu Bàn Cờ. Con đường chính băng qua khu này được gọi là đường Bàn Cờ. Cuối những năm 1950, Bàn Cờ là trại tạm cư. Dân chạy loạn từ quê lên, được chia ô cắm dùi làm lều, làm nhà ở tạm. Cứ thế, trên đất trống hình thành những con hẻm đường đất, chạy chi chít nhưng vuông vắn như Bàn Cờ. Nơi đây có mật độ dân số hơn 72.000 người/km2, cao gấp 4 lần quận 1 và gần 2 lần so với trung bình của quận 3.
 
Vào khoảng thập niên 1930-1940, khu Bàn Cờ còn được gọi là “xóm thợ” – các xóm lao động tự phát ở các vùng đất ven kênh rạch, đất trống. Dân cư ở đây chủ yếu đi làm việc cho các nhà máy. Từ năm 1957, khu Bàn Cờ chuyển từ đất trống, đất tạm cư lên phố, trở thành nơi ở của công chức, y tá, nhà giáo, sinh viên… Vào những ngày chiến tranh cuối thập niên 1960, nhiều căn nhà nhà tại khu Bàn Cờ bị cháy, nhất là khu Vườn Bà Lớn (nay là phường 1, quận 3). Sau đó, khu này được tái thiết nhanh chóng. Vào xóm có một cái cổng xưa giống như cái cổng tam quan vào thôn xóm vùng quê, nhưng chỉ cỏ cổng chánh mà không có cổng nhỏ ở hai bên. Cổng này có mái ngói uốn cong và hai câu đối chữ Hán khắc trên hai cột trụ của cổng. Ngày xưa có tên là cổng lao động, nay tên là Cư Xá Đô Thành. Quanh các con hẻm lớn nhỏ của khu Bàn Cờ có nhiều hàng quán lâu đời, nổi danh như phở Nghi Xuân, phở Tàu Thủy, bánh mì Hà Nội, bánh mì Hoà Mã, cà phê Cheo Leo… Trong đó, bánh mì Hoà Mã tọa lạc trên đường Cao Thắng hơn nửa thế kỷ, được xem là một trong những tiệm bánh mì đầu tiên tại Saigon.
 
Tại Bàn Cờ còn có nhà thờ và nhiều đền chùa, nổi tiếng là Tam Tông Miếu trên đường Cao Thắng và Kỳ Viên Tự trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Dân Bàn Cờ còn hưởng lợi từ bốn bệnh viện gần nhà, đó là Từ Dũ, Bình Dân, Nhi Đồng và Saint Paul (nay là bệnh viện Mắt). Trong xóm này có Bệnh Viện Bình Dân, rạp hát Ðại Ðồng ở đường Cao Thắng, Rạp hát Việt Long. Trường Tiểu Học Bàn Cờ, hiện nay thành trường THCS (Trung Học cơ sở) đào tạo đến bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Xóm có nhiều chợ như Nguyễn Thiện Thuật được dựng lên trên hẻm cùng tên. Ngày nay chợ này và chợ Bàn Cờ có tiếng là chợ bán đồ si (sida, đồ cũ). Chợ Vườn Chuối cũng nằm trong xóm này, được nhắc đến như một thiên đường ẩm thực mời gọi các tín đồ đam mê ăn uống ghé lại.
 
Năm 2018, Cư Xá Đô Thành là khu vực dân cư sang trọng bậc nhất quận 3, tập trung nhiều văn phòng, công ty, căn nhà dịch vụ cao cấp chọn làm trụ sở. Trong khu dân cư và bán kính xung quanh khu vực 300m có đầy đủ tiện ích của cuộc sống như: trường học các cấp, trung tâm ngoại ngữ, bệnh viện Bình Dân, chợ Vườn Chuối, siêu thị Aeon Mall, sân khấu kịch Sài Gòn..
 
– Xóm Cối Xay ở chợ Cây Da Thằng Mọi khúc dinh Gia Long. Trong bài Gia Định phú có câu: “Xóm Cối Xay làm tở mở, chồng sửa họng vợ đục tai.”
 
– Xóm Đáy chỉ còn tên, nằm bên bờ sông Mương Chuối (ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè). Xóm này hiện nay chỉ có khoảng 200 gia đình, vì dân chúng phải bỏ lại vườn tược, đất đai, tìm nơi tạm lánh vì sạt lở hoành hành. Chỉ cách trung tâm thành phố vài  kilômét nhưng lối sống, tập quán của người dân lại rất nhà quê. Hầu như nhà nào cũng có bếp củi, nước mưa dự trữ trong lu… nhà cửa thưa thớt, con đường nhỏ dẫn vào xóm bắc qua nhiều con kênh nhỏ bằng một tấm đan mỏng, len giữa đám dừa nước hai bên. Dân xóm Đáy chỉ vài hộ làm đáy bè. Đáy cột là dùng những cây gỗ lớn đóng thành hàng ngang sông, dùng dây buộc vào đó thả đáy.
 
– Xóm Cống Bà Xếp ở vành đai khu ga Sài Gòn. Trước kia Đường Trần Văn Đang là đường hẻm chưa có tên. Ngày 10/1/1972 đặt tên cho đoạn từ Lê Văn Sĩ ra đến Cách Mạng Tháng Tám (đường Lê Văn Duyệt) là đường Hoàng Đạo, còn đoạn ra giáp đường Nguyễn Thông là đường Khái Hưng. Ngày 4/4/1985, hai đường nhập lại, đổi tên là đường Trần Văn Đang.
 
– Xóm Mới thuộc xã An Nhơn, quận Gò Vấp, nổi tiếng vì là nơi của Dân di cư chỗ ở “mới” thành lập vào năm 1954. Xóm này sản xuất pháo cùng với món “Mộc Tồn” nổi tiếng rất là quốc hồn quốc túy. Bấy giờ Xóm Mới chỉ là một vùng hoang địa, xa xa lác đác một vài căn nhà của đồng bào địa phương ẩn sau những vườn cây xanh tốt.. Ðến cuối năm1954, dân số trại định cư Xóm Mới đã lên đến bốn nghìn, nhưng Chính phủ vẫn tiếp tục đổ dồn dân di cư tới Xóm Mới. Ðông người mới đến nên cán bộ làm nhà không kịp, nhiều gia đình đã phải dùng những tấm tôn gác vào bên cạnh những mái nhà để làm nơi trú ẩn. Xóm Mới có một ngôi chùa nổi tiếng là chùa Tiên Long và có một Thánh Thất Cao Ðài. Hiện nay, Xóm Mới có khoảng trên 50000 dân. Xóm Mới đã trở thành khu vực sầm uất, nhà cửa san sát, và càng ngày càng có nhiều người đến ở vùng này.
 
– Xóm đạo Phạm Thế Hiển (quận 8,) Những ngày gần lễ Noel, con đường Phạm Thế Hiển đoạn qua phường 6, quận 8 vô cùng sắc màu, lung linh khi khắp phố sáng rực các tiểu cảnh trang trí chào đón Noel. Không chỉ tại giáo xứ, nhà thờ, nhiều hộ dân cũng trang trí rực rỡ các hang đá, tiểu cảnh đặt trước nhà.
 
- Xóm đạo Hồi-cộng đồng người Chàm với khoảng 3.000 người theo đạo Hồi (Islam) trong hẻm 157, đường Dương Bá Trạc, quận 8 vẫn giữ phong tục, tập quán sinh hoạt riêng sau hơn nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn. Đa số người trong xóm có gốc gác từ vùng Châu Đốc, An Giang di cư lên Sài Gòn từ những năm 1960. Ngày xưa đất ở khu vực này rẻ, nên dân chúng lên đây lập nghiệp dần dần lập thành xóm. Ở trung tâm có thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar, thành lập từ năm 1966, đến năm 2006 được xây dựng như hiện nay. Các gia đình trong hẻm làm nhiều nghề nhưng chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ. Ngoài hàng hoá thiết yếu, bà con bán thêm đồ ăn truyền thống của người Chàm và thực phẩm theo chuẩn Halal. Cộng đồng người Chàm theo đạo Hồi có khoảng 10.000 người, sống tập trung ở 15 khu vực thuộc các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1, quận 6, quận 8. Mỗi khu vực là một xóm sống quanh một thánh đường Hồi giáo (Masji Surau). Ở thành phố, cộng đồng người Chàm đều thành lập một Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo, được chính quyền công nhận. Tại hẻm 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 còn có cộng đồng người theo đạo Hồi gốc Malaysia và Indonesia thành lập đã hơn 100 năm. Thánh đường của xóm là Masjd Al Ra him, bên cạnh có con hẻm nhỏ với hơn 50 hộ dân cư trú. Nằm cạnh con hẻm số 45, có nhiều hàng quán của cộng đồng người Hồi giáo không sử dụng thịt heo trong các món ăn.
 
– Xóm Nai đồng quê- Ngã 3 Ông Tạ. Trước năm 1954, khu đất ở Ngã Ba Ông Tạ là xóm Gò Gáo, còn gọi là xóm Cò Giáo, làng Tân Sơn Hoà. Năm 1954 Chính phủ Quốc Gia Việt Nam (thời Bảo Đại) lập tại đây một trại tị nạn cho người Bắc di cư trước khi đi định cư các nới khác tên là Trại Hà Nội. Sau đó trại này đổi thành Ấp Hàng Dầu nằm trong vòng đường Lê Văn Duyệt nối dài (đường Phạm Hồng Thái), đường Thoại Ngọc Hầu, rạch Nhiêu Lộc, vòng rào xưởng máy Sở Hoả Xa, và vòng rào trại lính nhảy dù Nguyễn Trung Hiếu. Trong ấp có hai xứ đạo là Nam Thái, và An Lạc. Ban đầu phần lớn nhà trong ấp chỉ là nhà lá, người dân làm ăn buôn bán tại chợ Ông Tạ, chẳng bao lâu gây dựng được nơi đây thành một khu thương mại sầm uất.
 
Lúc đó chỉ có một tiệm thịt chó bán các món “Giả Cầy”, gọi là món “Nai đồng quê” hay “Nai thềm” là tiếng miền Nam. Tiếng người di cư gọi là các món “Giả Cầy”, vì không có con “Cầy” để làm các món này nên dùng tạm họ nhà Cẩu để làm “Giả”; chứ nếu bắt được con Cầy thật mà làm thì các món ngon gấp mười lần. “Rựa mận” là món nấu với riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ, nó sền sệt, màu nâu nâu như nhựa cây mận nên gọi thế. Thành ngữ “Trai Nam Thái, gái An Lạc” có lẽ chỉ mấy mấy Cậu dữ dằn hay bênh nhau đánh lại mấy người lạ từ xa đến gây chuyện, và các Cô đanh đá sẵn sàng đánh bể mặt mấy tên léng phéng chòng đến các Cô. Chợ Ông Tạ ngày nay đã bị phá đi. Kỳ đánh tư sản bao nhiêu công lao, gây dựng, của một số đông người (vùng này) cần cù làm ăn, dành dụm được trong hơn hai mươi năm trở thành cát bụi….
 
– Xóm Lách. “Xóm chạy theo kênh Nhiêu Lộc giữa hai cây cầu Lê Văn Sỹ và Nguyễn Văn Trỗi. Bến là một bãi rất rộng, thường có người từ đâu dẫn ngựa đến tắm, nên khu đất xung quanh được gọi chung là Bần Tắm Ngựa. Còn khoảnh đất bên kia đường đã có một ít nhà lầu, biệt thự cất lên hai bên ngôi đình Xuân Hòa”. Vậy  hôm nay, bến Tắm Ngựa là khu phố có tiệm phở Bắc Phú Gia.
 
– Xóm ổ chuột ven sông Sài Gòn, Dọc theo các dòng kênh Đôi, kênh Tẻ hay những khu vực ven sông thuộc địa bàn quận 4, quận 7, quận 8… không khó bắt gặp những căn nhà được dựng lên tạm bợ bằng đủ loại vật liệu nhặt nhạnh được, nằm xộc xệch bên dòng nước đen bốc mùi hôi thối của sông Sài Gòn. Đó là nơi trú ngụ của hàng nghìn hộ dân giữa thành phố phồn hoa, sôi động, lớn nhất nước… Các gia đình sống trong các căn nhà ổ chuột này hầu hết là người lao động nghèo, dân tứ xứ từ các tỉnh đổ về Sài Gòn lập nghiệp. Họ làm đủ thứ nghề, buôn thúng bán bưng, lượm ve chai, bán vé số… để mưu sinh qua ngày.
 
Vào mùa nóng, những căn lều giống như những lò lửa, ban ngày không ai dám ở trong vì không thể chịu nổi sức nóng cộng với đủ loại mùi rác thải, hôi thối bốc lên. Mùa mưa, nước sông dâng lên, tràn vào từng căn lều, biến cả khu ổ chuột này thành biển nước. Khi con nước lên mang theo xác động vật, rác thải đổ dồn về, nơi đây như một bãi rác khổng lồ. Dù vậy, dân ở đây vẫn chẳng ai muốn rời đi, bởi giữa thành phố hoa lệ này, những người nghèo như họ có thể kiếm đâu một chỗ ở miễn phí lý tưởng như thế?
 
Theo thống kê của Sở Xây dựng phần lớn trong số hơn 20.000 căn nhà ổ chuột này tập trung tại quận 4, 7, 8, và Bình Thạnh… Hàng chục nghìn hộ dân nhiều năm qua sống trong cảnh xập xệ, không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và điều kiện sống tối thiểu. Theo kế hoạch, sẽ khai triển thực hiện chương trình di dời 20.000 căn nhà nằm trên và ven sông, nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị, thay đổi bộ mặt thành phố.
 
Những xóm khác nổi danh vì tệ nạn xã hội như:
 
– Xóm Bồ Rệt. Khoảng thập niên 1920-30, khu vực này là xóm các nhà chứa mà dân xe kéo quen gọi là xóm Bọt Đền (bordel: nhà thổ). Đường Boresse ở Sài Gòn xưa nay là đường Yersin, Q1.
 
– Xóm Bình Khang -Ở Sài Gòn vào năm 1953 chính quyền Sài Gòn cho tập trung các dịch vụ mại dâm, đĩ điếm vào xóm Bình Khang tại ngã Bảy, Cây Điệp trên đường Vĩnh Viễn-Petrus Ký để dễ kiểm soát, hạn chế tác dụng xấu về thuần phong mỹ tục cho cộng đồng. Nhưng xóm Bình Khang lập tức rơi vào sự kiểm soát của các trùm du đãng, chính quyền bị vô hiệu hóa vì nạn hối lộ và quan trọng hơn là những người vào khu Bình Khang đều bỏ qua luật pháp mà chỉ tuân theo các luật ngầm của giới giang hồ. Kéo theo là cho vay nặng lãi, bảo kê, đâm thuê chém mướn… Vì nghĩ rằng chính quyền đã hợp pháp hóa mại dâm nên mại dâm bên ngoài khu Bình Khang bùng phát.
 
Theo thống kê của Bộ Xã hội Sài Gòn, những năm 1950 gái mại dâm chưa đến 5.000 người, năm 1968 là 10.000 người và đến 1974 tăng gấp nhiều lần. Chính quyền Sài Gòn ra sức dẹp bỏ truy quét nhưng không làm gì được mà còn phát sinh khu tệ nạn mại dâm, ma túy tương tự là Cây Da Xà.
 
Năm 1993, dân chơi gọi là khu Cây Điệp ngã Bảy mại dâm càng đông hơn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 500 -1.000 khách đến đây mua dâm, đủ hạng người, từ lao động chân tay, đến trí thức và nhà giàu… Giá bán dâm rẻ đến đáng ngạc nhiên, chỉ 5.000 đồng, bằng với dĩa cơm bình dân, hay ổ bánh mì thịt… mãi đến 1995, mới xóa được khu này, khi các chủ chứa dọn nhà đi nơi khác hơn để làm ăn. Trong thư tịch cổ ở Chợ Lớn xưa có Xóm Huê Nương (Xóm Lồng Đèn) ở khu vực Hoel Đồng Khánh, không phải Xóm Lồng Đèn ở xóm đạo Phú Bình quận 11.
 
– Xóm Sáu Lèo ở quận Nhì (nay thuộc Q.1) trên đường Bùi Viện, tên Sáu Lèo là trùm cho vay vốn là người đi lính Pháp ở bên Lào về Việt Nam. Tác giả Phạm Công Luận viết trong Chuyện đời của phố tập V như sau: “Xóm Sáu Lèo: Ðến năm 1954, còn là khu nhà lá. Cư dân lao động như phu xe xích lô, phu khuân vác chợ Bến Thành, và có cả dân anh chị từng vào tù ra khám, dân chuyên trộm cắp trên đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi) còn vắng vẻ, gái điếm, dân cờ bạc bịp. Ðường vào xóm ngoằn ngoèo, qua những cầu ván và lạch nước dơ. Nhà cửa khu này nhô ra thụt vào không ra đường lối, hầu hết là các túp nhà lá nhỏ, chỉ sau một mùa mưa là xơ xác. Xóm này bị cháy.
 
Sau đó được phân lô, xây dựng lại. Ðến năm 1963 đã hình thành một dãy phố buôn bán trông ra đường Phạm Ngũ Lão bao gồm các nhà in, nhà sách, nhà xuất bản, nhà làm bản kẽm, hiệu ăn, tiệm nước. Khu xóm này đã thành hình từ rất lâu như bao xóm nhỏ của dân cư lao động khắp Sài Gòn trong thời buổi chiến tranh qua các thời kỳ. Dân chúng từ miền Tây miền Trung di tản lánh cư, tìm đến Sài Gòn dung thân sinh sống. Dân ở xóm Sáu Lèo rất ưa thích cải lương, và là khán giả thường xuyên của rạp Nguyễn Văn Hảo, cứ Tết đến là đổ ra đường, đi đứng chật các con đường phía trước, phía sau rạp, hình như là họ ăn Tết quanh rạp hát vậy…
 
Lúc xưa, phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo có một ngã tư đường Ðề Thám-Bùi Viện là nơi tập trung giới nghệ sĩ, và giới này đã đặt tên là “Ngã Tư Quốc Tế.” Người ta muốn biết đoàn hát nào đang hoạt động ở đâu, ở tỉnh nào, kể cả ở ngoài miền Trung hay vùng Cao Nguyên Trung Phần thì cứ lại đây sẽ biết. Hoặc các gánh hát đang ở xa thiếu đào kép, cứ về đây tuyển mộ là có. Năm 1965 trở đi giới cải lương bỏ “Ngã Tư Quốc Tế,” chuyển qua bên hông rạp Quốc Thanh.
 
Xóm Sáu Lèo nằm khoảng giữa đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão đường Ðề Thám và Ðỗ Quang Ðẩu (nay là khu phố Tây ba lô). Năm 1954 khu này còn là bãi rác khổng lồ bên cạnh khu nhà lá Sáu Lèo trông ra đường Phạm Ngũ Lão sau Sở Hoả Xa. Bãi rác và khoảng đất trống ấy có mùi hôi hám nên người đi xe điện từ Sài Gòn vô Chợ Lớn đều phải bịt mũi khi xe ngang qua. Ðường từ Sài Gòn vô Chợ Lớn khi ấy chưa có nhà liền vách như sau này, lưa thưa nhà dân với vườn hoang, đất trống. Khu vực này rộng nhưng đất thấp nên rác đổ dồn về đây. Người dân xóm Sáu Lèo gần đó khi đi chợ cũng tránh lối này. Ðến năm 1963, bãi rác biến mất không vết tích. Ở đây thành khu tập trung các cửa hàng lớn bán đồ nhập cảng, phụ tùng xe hơi và máy móc các loại.
 
– Xóm Cây Da Sà xuôi về hướng miền Tây, đến vòng xoay Phú Lâm (quận 6) rẽ phải vào đường Bà Hom. Trước năm 1975, nơi đây thuộc vùng ven, còn hoang sơ và thưa vắng. Sau khi vượt qua Tòa án Quân sự và Trại kỷ luật Nguyễn Văn Sâm. Nơi đây là một ổ thuốc phiện, cũng là nơi phát xuất ra số đề. Người Nùng ở Móng Cái (Quảng Ninh) di cư năm 1954 vào Nam đã chuyển thuốc phiện từ Lào vào để buôn bán, và biến nơi đây thành ổ thuốc phiện. Người Nùng với người Hoa ở Chợ Lớn là những khách hàng đầu tiên của xóm thuốc phiện Cây Da Sà. Sau 30/4/1975, các lò điều chế và các tụ điểm hút thuốc phiện tại đây bị xóa sổ. Ngoài ra trong xóm còn có tể chức đánh đề. Số đề xuất hiện tại miền Nam vào những năm đầu của thập niên 1960.
 
– Xóm Mả Lạng phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, được giới hạn bởi bốn con đường: Nguyễn Trãi – Nguyễn Cư Trinh – Trần Đình Xu – Cống Quỳnh. Hiện nay ở nơi đây có khoảng hơn 600 hộ dân, hơn 2000 nhân khẩu đang sinh sống. 20 năm trước, cứ 10 người thì có 9 người nghiện. Người phê thuốc nằm ngổn ngang ngoài đường. Người chết vì sốc thuốc liên tục xảy ra, khoảng năm 1999, hàng trắng bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn. Các con nghiện chuyển từ hàng đen sang dùng hàng trắng. Việc buôn bán lợi nhuận cao, vì thế 90% giới giang hồ ở Mả Lạng chuyển sang bán hàng trắng. Những người nhanh tay lẹ mắt được phân đi làm nghề móc túi, trộm cắp. Người khỏe mạnh, chạy xe giỏi thì đi giật đồ. Người khéo ăn nói thì được giao đi bán hàng gian. Những người phụ nữ, các cô gái thì được chưng diện để đi làm gái bia ôm, nghề mát-xa, đứng đường. Các tệ nạn như: mại dâm, cướp giật, đòi nợ thuê, trộm cắp… giảm dần.
 
– Xóm Chiếu ở thôn Khánh Hội và Bình Ý nằm gần mé kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn quận 4, là xóm của giang hồ nổi tiếng. Đất cù lao, nước lên xuống toàn bưng sình, mọc đầy cây bàng và cỏ lác. Làng nghề Xóm Chiếu và chợ Xóm Chiếu ra đời ở đây.
 
– Xóm Cầu Muối -Tên xóm này là tên một chiếc cầu gỗ xưa bắc ngang một con kinh (Nguyễn Thái Học, Q.1) dẫn nước ngang qua kho muối thuộc Nhơn Hòa Xã. Con kinh này chảy đến tận khu vực Cầu Quan (nay là khu vực đường Yersin – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão). Kho muối này có dưới thời nhà Nguyễn, xây dựng thành hai dãy nhà lá dọc trên bờ kênh, chứa muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu chuyển về để xuất khẩu sang Campuchia.
 
Năm 1859, Pháp tấn công thành Gia Định, dân cư Sài Gòn tản cư, những kho muối dọc trên hai bờ kênh ở Nhơn Hòa Xã trở nên hoang phế. Nhưng từ năm 1862 trở đi, khi tình hình tạm ổn định, dân chúng lần lượt hồi cư, nhưng rất thưa thớt. Khoảng năm 1893, con kênh dẫn nước từ rạch Bến nghé chạy ngang kho muối bị người Pháp lấp đi. Dĩ nhiên chiếc cầu mang tên Cầu Muối cũng không còn vì không còn kênh để bắc cầu và cũng không còn kho muối nữa. Ngay trên đất của kho muối năm xưa, Pháp đã mở một lò giết mổ gia súc, trong đó nhiều nhất là heo, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người Pháp cũng như cho cư dân quanh vùng.
 
Do đó, lập ra đường Abattoir (đường Lò Heo) sau khi lấp kinh.Sau này, khoảng thập niên 1930 – 1940, khi Lò heo mới, hiện đại hơn được hình thành ở khu vực Chánh Hưng (nay thuộc Q. 8) thì khu vực Lò heo hình thành trên khu vực Cầu Muối bị giải tỏa, lại trở nên hoang phế. Đường Abattoir đổi tên thành đường Kitchener, rồi sang thời VNCH đổi thành đường Nguyễn Thái Học cho đến ngày nay. Năm 1947, một số tiểu thương đang buôn bán trái cây từ miền Tây Nam Bộ lên chợ Cầu Ông Lãnh đã có sáng kiến mua rau cải đặc sản từ Đà Lạt về phân phối trên khu đất hoang của khu vực Lò Heo cũ, cũng là kho muối cũ, Cầu Muối cũ.
 
– Xóm cầu Bà Lai – Tên xóm có từ khi xuất hiện cây cầu Bà Lai, bắc qua con kênh nước đen ở phường 3, quận Bình Thạnh. Khi trời mưa và khi con nước lên cũng làm cho cả khu phố ngập trong nước bẩn. Khu ga là nơi neo đậu của những phận đời nhập cư chưa qua đoạn nổi trôi, giới lao động bình dân và cả những người trong giang hồ phải khoác lên nhiều danh tánh giữa cuộc sinh tồn. Từ thập niên 1950, con đường không tên này đã có một lai lịch không được lấy gì làm sáng sủa với những băng đảng lẫy lừng ngang dọc như Điền Khắc Kim, Chín “cẳng bò”… (riêng Điền Khắc Kim có băng đảng trấn ở khu Cống Bà Xếp với những vụ cướp và hãm hiếp khét tiếng, đã được xem là tay anh chị hàng đầu trong giới du đãng Sài Gòn thời cũ).
 
– Xóm Tàu Ô ở đối diện với Bến Ngự (Cột Cờ Thủ Ngữ) phía Thủ Thiêm, còn gọi là xóm Thủy Tặc. Có nhiều tay trộm chuyên leo lên tàu nước ngoài cướp đồ như Tàu Ô.
 
- Xóm Cù Lao hay xóm nước đen, đường Phan Xích Long nằm giữa quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh, được xem là nơi tập trung nhiều tệ nạn, mại dâm, trộm cắp nhất nhì thành phố vào khoảng năm 2000. Đường này nằm song song với bờ kinh Nhiêu Lộc. Thời trước cải tạo, kinh Nhiêu Lộc là một kinh nước đen đặc quánh, bốc mùi hôi thối, nên người ta rất ngại khi đi qua đây.
 
Bắt đầu từ những năm 2000, chính quyền đã bài trừ các tệ nạn trên đường này, quy hoạch nhà đất và cải tạo toàn bộ dòng kinh Nhiêu Lộc. Sau cuộc đại cải tạo gọi là “dự án điểm của cả nước”, khu Cù Lao này dần trở thành con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Bên cạnh các nhà hàng Thái, Nhật, Hàn và các quán ăn đủ mọi vùng miền, khu Phan Xích Long còn là nơi tập trung nhiều hàng quán ăn vặt hơn bất cứ nơi nào ở Sài Gòn. Ngày nay có 13 con đường mang tên các loài hoa cắt nhau tựa như một bàn cờ, bao bọc quanh đường Phan Xích Long. Đó là 13 con đường rợp bóng mát và hương hoa, có độ dài chưa đến 1km. Trong đó, Hoa Huệ được xem là đoạn đường ngắn nhất Sài Gòn vì chỉ dài khoảng 130 mét.
 
Các xóm lao động khác không có tiếng nhưng có nhiều dân nghèo sinh sống như:
 
– Xóm Chài -Cầu Bình Lợi, là nơi ưa thích của dân Sài Gòn vì là nơi duy nhất của thành phố có đường bộ, đường sắt và đường sông tụ lại. Bên cạnh những cao ốc tráng lệ của thành phố, thì dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13 quận Bình Thạnh còn tồn tại một xóm chài nhỏ bé của những ngư dân nghèo khổ vẫn lặng lẽ với cuộc sống vất vả. Xóm ở đây là những chiếc ghe gỗ chắp vá, có khoảng gần chục chiếc thuyền với vài chục nhân khẩu vẫn bám víu vào nhau sống qua ngày. Đây là một xóm chài nhỏ bé và có lẽ là cuối cùng của thành phố này bởi hầu hết những ngư dân trước kia đều đã chuyển nghề vì nhiều lý do khác nhau. Khi cầu Bình Lợi mới hoàn thành, những người dân xóm chài nghèo chưa biết sẽ đi đâu?
 
- Xóm giữ hồn Ông Táo -Nằm dưới chân cầu Rạch Cây (đại lộ Võ Văn Kiệt), quận 8 có những nghệ nhân chuyên sản xuất những bếp nấu củi bằng đất nung được nhiều người Sài Gòn biết đến với cái tên ‘xóm giữ hồn Ông Táo’. Xóm này tồn tại đã được hơn 40 năm trời. Trên con kênh Phú Định, lúc trước, khoảng những năm 1970 có đến trên 40 cơ sở sản xuất bếp lò bằng đất nung, trải dọc cả con kênh Ruột Ngựa và kênh Phú Định. Nhưng theo thời gian, do tốc độ của quá trình đô thị hóa, làng nghề làm bếp lò bằng đất nung đã bị mai một, bởi cuộc sống hiện đại với những chiếc bếp gaz, bếp điện đã trở nên thịnh hành. Hãng Hưng Lợi được nhiều người biết đến là cơ sở sản xuất duy nhất của ông Trần Văn Tiếp còn hoạt động ngày nay.
 
- Xóm bà bầu- Con hẻm gần nhà thương phụ sản Từ Dũ được gọi với cái tên là xóm bà bầu vì nơi đây là xóm trọ của hàng trăm đôi vợ chồng hiếm muộn từ khắp mọi miền trong nước. Ở đây ai cũng nghèo, nhưng rất tình nghĩa thân giao vì họ có một điểm chung đó là niềm hy vọng sẽ có con.
 
- Xóm Tây ba lô- đó là tên gọi của xóm nằm trên đường Bùi Viện bắt đầu từ đường Trần Hưng Đạo, cạnh ngã tư Trần Hưng Đạo -Nguyễn Thái Học, giao điểm các con đường Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu và kết thúc tại đường Cống Quỳnh Quận 1, thời Việt Nam Cộng Hòa, khu vực các đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám và Bùi Viện còn có tên gọi là Ngã Tư Quốc Tế. Tên Tây ba lô vì có rất nhiều khách Âu Mỹ thích đi du lịch tự túc, không đi tour với hành lý đôi khi chỉ có ba lô. Đây là con đường vui chơi về đêm nổi tiếng của thành phố với nhiều quán bar và quán bia nhỏ lề đường, nơi kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ du lịch giá rẻ. Ngày nay là khu phố đi bộ. Trái với cảnh náo nhiệt ở mặt tiền, các con hẻm Bùi Viện là nơi tá túc của người dân trong những căn nhà lụp xụp, chật chội. Từ 17h, người dân sống trong hẻm 84 Bùi Viện chuẩn bị đồ đạc để buôn bán. Con hẻm dài khoảng 500 m là nơi sống, mưu sinh của hàng trăm hộ dân đến từ nhiều nơi, trong đó đa phần là những người già bị mất sức lao động. Họ phải tự bươn chải qua ngày, may mắn thì có con cháu chăm lo; hoặc trông chờ vào tiền trợ cấp từ phường. Một góc hẻm 217 Đề Thám với những ngôi nhà chừng 2 m2, chiều rộng không đủ cho người nằm. Tại đây, người dân phải để xe máy bên ngoài để bớt chật chội. Tại hẻm 104 Bùi Viện hầu hết là những căn nhà rất nhỏ, dân chúng phải để đồ đạc ra ngoài.
 
Sàigòn còn rất nhiều xóm khác mà ngày nay biến dạng theo thời gian, cái tên xóm chỉ còn trong ký ức của những người đã sống ở đó ngày xưa. Người Pháp xây dựng Sài Gòn thành một đô thị hiện đại, mở mang đường phố để trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông nhưng họ đã phá hủy một phần lịch sử của sự thành lập Gia Định kinh của Vua Gia long nhà Nguyễn. Đằng sau những dãy nhà mặt tiền, cao ốc tráng lệ ở trung tâm đô thị mới vẫn còn nhiều vườn tược, bãi đất, ao hồ, mương rạch. Từ đó, dần dần ra đời những con hẻm, những ngõ ngách, những xóm nhà ẩn khuất xung quanh những con đường chính ngang dọc.
 
Sài Gòn có những phố lầu, những con đường với các biệt thự nguy nga, nhưng cũng có nhiều những xóm nghèo với những hẻm nhỏ quanh co. Sài Gòn được xem là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Xong, còn có một Sài Gòn khác ẩn mình trong hẻm sâu rạch nhỏ; một Sài Gòn buôn bán nơi vỉa hè, góc phố; một Sài Gòn với những đời sống bon chen cực khổ, những con phố nhìn bên ngoài càng xa hoa lộng lẫy bao nhiêu thì khi đi sâu vào bên trong càng tăm tối mịt mù bấy nhiêu…, thành phố này đang biến mình thành một “siêu đô thị” với mật độ dân cư dày đặc; lại là vùng đất mà từ khi thành hình đến nay nuôi sống di dân đến làm ăn mưu sinh, lâu ngày trở thành người Sài Gòn. Đất chật người đông, trong đó rất nhiều người là dân nhập cư, nhu cầu kiếm sống đa dạng, tạo nên nền kinh tế buôn bán nhỏ phong phú hơn bất cứ nơi nào. Với đô thị hoá ngày nay, nhiều kiến trúc xưa biến mất như: Thương xá Eden bị phá hủy và thay bằng khu Union Square xây theo kiểu Đông Âu mà người Sài Gòn không dám bước vô. Cùng chung số phận có cà phê Givral, cà phê La Pagode, nhà sách Xuân Thu, rạp hát Eden, rạp Rex,..
 
Hình ảnh cảc xóm ngày xưa chỉ còn trong kỷ niệm thân yêu của người Sài gòn đã sống một thời ở đây.
 
Nguyễn Hoạt (Tổng hợp)
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com