User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

tro cot tuong nam

Vào khoảng giữa năm 1993, như các anh em cựu tù Chính Trị, tôi làm thủ tục xuất cảnh cả gia đình theo diện HO (có người nói diện H, ko có O) để đi Hoa Kỳ. Ở Miền Tây, chúng tôi phải lặn lội lên Sài Gòn làm giấy tờ, khám sức khỏe...

Anh bạn tù rất thân tình là Nguyễn Khoa Phiên, được thả về trước, sống ở Sài Gòn. Anh có họ hàng rất gần với Tướng Quân Nguyễn Khoa Nam, anh cho biết là Tro Cốt Tướng Nam được thân nhân gởi thờ ở Quảng Hương Già Lam. Chúng tôi bàn nhau, tiện dịp sẽ cùng đi viếng Tro Cốt Tướng Nam và chào Tướng Quân trước khi xuất cảnh để Tị Nạn Chính Trị. Và ngày ấy đã tới. 

1 - Chùa Quảng Hương Già Lam:

Ngôi chùa lớn, tọa lạc trên đường Lê Quang Định số 498/11 Phường 1, Gò Vấp, Sài Gòn

Sau thời gian khoảng 20 phút bằng Honda Dame, xuất phát từ đường Lê Văn Duyệt, anh Phiên lái, chúng tôi đến trước cổng chùa. Cổng cao lớn với biển đại tự chữ quốc ngữ: Quảng Hương Già Lam, phía trong là tự viện khang trang, tôn nghiêm với sân rộng. Giữa sân có pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát.

Dắt xe chầm chậm đi vào cỗng, gặp vị sư già, hỏi thăm, chúng tôi được biết gian nhà để Tro Cốt nằm hơi chếch phía trước bên phải ngôi chùa. Hỏi rõ nơi đặt hũ Tro Cốt Tướng Nam, chúng tôi thay nhau, người đi viếng, người giữ xe. Tôi được đi trước.

Nhà Tro Cốt: Đó là ngôi nhà khá lớn, cửa vào nằm ở phía đầu hồi (cánh én). Bước vào, đối diện, phía cuối là bệ thờ đức Điạ Tạng Vương Bồ Tát. Hai bên là 2 dãy kệ nhiều tầng chạy dọc để những hũ tro cốt. Có lối đi giữa, từ cửa vào đến bệ thờ Bồ Tát dài khoảng 20m, rộng chừng 2m. Đi thẳng vào, theo lời chỉ của vị sư già, tôi tìm thấy hũ Tro Cốt của Tướng Quân được đặt tầng số 4 (khoảng 9 tầng), bên trái lối vào, nếu lấy pho tượng Địa Tạng làm chuẩn thì hũ Tro Cốt nằm phía tay phải. Ngoài hũ, có in ảnh Tướng Nam, ảnh màu, nhỏ, đầu đội bê rê dù nằm trong vòng khung bầu dục tương tợ như trứng ngỗng to, dựng đứng vậy. Dưới di ảnh là biển tên hình chữ nhật nằm theo chiều dài cũng in trên da hũ dài khoảng kém 2 tấc, ngang chừng 1,50 tấc, Khắc 5 dòng chữ, thứ tự từ trên xuống là:

- Ô. NGUYỄN KHOA NAM
- Sanh 1927 Thừa Thiên
- Từ trần 1 - 5 -1975 
- (20 - 3 - Ất Mão)
- Cải táng 12 - 2 - Giáp Tí 1984.

Sau khi xác định đúng hũ Tro Cốt Tướng Quân, tôi nghiêm chỉnh đứng chào theo kiểu nhà binh, rồi khoanh tay chiêm bái, nghĩ ngợi một hồi... với nỗi xót xa trong lòng và ngậm ngùi cho những chuyện riêng chung...

Xong, tôi chào Tướng Quân lần nữa và buồn bã quay gót trở ra. Đến lượt anh Phiên vào viếng.

2 - Những chuyện bên lề:

a - Trại tù "Cải Tạo" Cần Thơ, là trại Quân Lao Cần thơ của VNCH:

Sau ngày tang Tổ Quốc VNCH (30 - 4 - 1975), ngày 9 - 5 - 1975, tôi bị VC bắt tại thị xã Châu Đốc trên đường tìm sinh lộ..., chỉ có bộ đồ dính da. Nửa tháng sau, Nhà tôi tìm khắp và được tin nên mang đến cho tôi vài bộ đồ và các thứ lặt vặt.

Ở trại giam Châu Đốc chừng ba tháng, các anh em tù từ cấp Thiếu Tá trở lên, bọn VC chuyển đi xuống giam ở Long Xuyên (An Giang). Rồi sau đó, lại chuyển xuống trại Quân Lao Cần Thơ. Lúc đầu cổng trại có biển đề "Doanh Trại Quân Đội Giải Phóng". Sau ít lâu, VC sửa lại là "Doanh Trại Quân Đội Nhân Dân". Nơi đây có quí tướng lãnh cùng bị giam: Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc (Tư lệnh SĐ 9 BB), C/T Mạch Văn Trường (Tư lệnh SĐ 21 BB), C/T Trần Quang Khôi (Tư lệnh Thiết Đoàn) và quí Đại Tá, Trung Tá, Thiếu Tá...

Đường vào Quân Lao Cần Thơ, ngay ngã ba, phía tay trái có Nghĩa Trang Quân Đội với biển vàng chữ đỏ đại tự đàng hoàng, khang trang. Sau 30 - 4 - 1975, VC sửa lại tên biển, với hàng chữ là: Mồ Chôn Quân Giặc. Từ ngoài đường nhìn vào, thấy có vài ngôi mộ mới đấp, cỏ mọc lơ thơ, đất còn mới với màu vàng vọt hắt hiu... Có người cho biết, trong số các mộ mới, có mộ Tư Lệnh Vùng IV, Tướng Nam.

Ở trại tù Cần Thơ, rất ít khi đi lao động. Thỉnh thoảng VC mới tập hợp một số ít tù nhân đi làm cỏ, dẹp dọn chung quanh khu trại. Vì Quân Lao liền ranh với Nghĩa Trang Quân Đội, cho nên, một hôm đi lao động, tình cờ ngang qua phần mộ Tướng Nam, tôi đã dừng lại giây phút... ngậm ngùi nghiêm chào trước phần mộ, với nỗi xót xa cho Ông và cho chính bản thân mình, rồi bâng khuâng lẹ làng quay gót...  

b- Đại Tá Khiếu Hữu Diêu và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam:

Khoảng cuối năm 1974, Đại Tá Khiếu Hữu Diêu, Trung Đoàn Trưởng Tr/Đ. 15,có mấy cuộc họp hành quân bỏ túi với thuộc cấp: các Tiểu Đoàn Trưởng..., Đơn Vị Trưởng tăng phái.... Sau khi họp xong, những phút thoải mái, Đại Tá Diêu hay nhắc về Tướng Nam. Có lần Đại Tá nói với vẻ thích thú:

- Hôm qua, tôi mới gặp Tướng Nam, Tư Lệnh Vùng, cứ mỗi lần tôi gặp Ông, y như rằng Ông đều chào tôi trước. Trong số anh em chúng tôi có người ngạc nhiên hỏi:

- Sao lạ vậy Đại Tá? Đại Tá Diêu có phần hãnh diện đáp:

- Thì có gì đâu, khi tôi là Thiếu Tá làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù khoảng năm 1961, Ông Nam lúc ấy là Đại Úy làm Trưởng Ban Ba cho Tiểu Đoàn tôi, Ông nghĩ tình nghĩa cũ ấy mà. Ngừng một chút, Đại Tá Diêu lại thêm:

- Mà hồi đó, tôi đã nhận thấy khả năng xuất sắc của Đại Úy Nam rồi. Có khi tôi thầm nghĩ, một ngày nào, Đại Úy Nam sẽ qua mặt tôi và có thể sẽ là cấp chỉ huy của tôi nữa. Y như bây giờ các anh đã thấy.

Được nghe nói nhiều về vị Tư Lệnh Vùng: tài năng, đức độ liêm khiết, đặc biệt còn độc thân, và ăn chay những ngày Sóc Vọng nữa, là cấp nhỏ chúng tôi rất hâm mộ. Mong có dịp gặp Ông.

Rồi dịp may đã đến. Số là, khoảng đầu năm 1975, Tư Lệnh Vùng IV, Tướng Nam ban lệnh họp Sư Đoàn 9 Bộ Binh tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của S/Đ 9 ở Biệt Khu 44, Cao Lãnh, gồm Tư Lệnh Sư Đoàn 9, Tướng Huỳnh Văn Lạc, các Trung Đoàn Trưởng 14, 15 (Đ/T Diêu), 16, và các cấp: Tiểu Đoàn Trưởng, Chi Đoàn Trưởng, Pháo Binh, Sĩ Quan Tham Mưu, Ban Ngành... Tướng Nam Tư Lệnh Vùng chủ toạ. Đây là lần đầu cũng là lần cuối tôi được thấy Ông. Ngồi cách Ông khoảng 10m, tôi lắng nghe Ông nói, chú ý nhân dạng và cung cách của Ông. Thấy Ông có vẻ chừng mực, nhã nhặn.

Cho đến ngày tang thương của Dân Tộc ập đến, tôi nghe tin Ông đã tự sát. Tự sát một cách hào hùng!! Tôi rất xúc động và bùi ngùi....

Tiếc thương Ông, người Anh Hùng Quân Lực VNCH, người con yêu của dân tộc, sau đây là bài thơ nhỏ, để bày tỏ lòng kính cẩn của một thuộc cấp nhỏ mà Ông chưa hề biết mặt:

Tiếc Thương Tướng Quân Nguyễn Khoa Nam

Vận nước nổi trôi đến bước cùng
Tướng Quân thà chết với non sông
Tang bồng xếp lại hoa dù đỏ
Khí tiết vang theo tiếng súng đồng
Núi Ngự xót thương cây rũ lá
Sông Hương tiếc nhớ nước khô dòng
Nghiêm mình kính cẩn trang trung liệt
Gương sáng muôn đời sóng Cửu Long..!!
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác

3 - Đời người đo bằng Hành Động, không đo bằng Thời Gian:

a - Văn Thiên Tường (1236 - 1283), Tể Tướng đời Nam Tống, Trung Hoa, bị quân Nguyên bắt và đày ải cùng cực, thà bị giết, nhứt định không hàng kẻ thù, dù chúng dụ phong y chức Tể Tướng. Vì trải qua quá nhiều gian khổ trong cơn quốc nạn, Ông có bài thơ "Quá Linh Đinh Dương" , mô tả tình cảnh non sông cũng như tình cảnh của riêng ông đang khi sơn hà bị xâm lăng. Trong bài, có 2 câu cuối, bất hủ, rất nhiều người biết qua bài "Chí Nam Nhi" của cụ Nguyễn Công Trứ:

"Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh"       

Dưới đây là nguyên văn toàn bài:

Quá Linh Đơn Dương                                   

Tân khổ tao phùng khởi nhất kinh               
Can qua liêu lạc tứ châu tinh                    
Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ              
Thân thế phù trầm vũ đả bình                      
Hoàng Khủng than đầu thuyết hoàng khủng
Linh Đinh dương lý thán linh đinh                
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử                             
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh             

Văn Thiên Tường 

Qua biển Linh Đinh        

Cay đắng kinh qua lắm cảnh tình 
Bốn năm xiêu lạc lụy đao binh
Tả tơi mành gió đau hồn nước
Tan tác bèo mưa xót phận mình
Hoàng Khủng thác trập trùng khủng khiếp
Linh Đinh dương lai láng linh đinh
Xưa nay ai sống mà không chết
Để tấm lòng son rạng sử xanh..!!

Nguyễn Minh Thanh cẩn dịch

b - Thủ Khoa Huân tức Nguyễn Hữu Huân (1830 - 1875), người Định Tường, sĩ phu yêu nước đã chiêu mộ nghĩa binh kháng Pháp. Binh bại, bị giặc bắt. Giặc dùng bả vinh hoa dụ hàng. Ông khẳng khái từ chối, bị giặc Pháp hành hình. Trước khi mất Ông bình thản và đã để lại Tuyệt Mệnh Thi:

Tuyệt Mệnh Thi                               

Hãn mã gian quan vị quốc cừu                
Chi nhân binh bại trí thân hưu                 
Anh hùng mạc bả doanh thu luận            
Vũ trụ trường khang tiét nghĩa lưu            
Vô bố dĩ kinh Hồ Lỗ phách                           
Bất hàng cam đoạn tướng quân đầu           
Đương niên Tho thủy lưu ba huyết             
Long đảo Thu phong mộ mộ sầu             

Thủ Khoa Huân           

Thơ Tuyệt Mạng

Diệt thù vó ngựa bụi mù tung
Chỉ tại thua binh mạng phải cùng
Hãy lắng nghĩa trung lưu vũ trụ
Chớ đem thành bại luận anh hùng
Nổi xung Hồ Lỗ* kinh hồn khắp
Liều thác thân tàn rạng tiếng chung
Sóng nước Mỹ Tho pha máu đỏ
Gió Thu chiều úa lộng... cồn Rồng..!!

Nguyễn Minh Thanh cẩn dịch

* Chỉ giặc Pháp

c - Ngư dân Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) người Long An, mộ quân đánh giặc Pháp với Lãnh Binh Trương Công Định, năm 1861 đốt tàu giặc L`espérance trên sông Nhựt Tảo. Năm 1868 Ông đánh úp đồn giặc ở Kiên Giang. Đạo Nghĩa Binh của Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhưng sau vì binh yếu thế cô, khoảng cuối năm 1868, trong tình thế ngặt nghèo, giặc bắt mẹ của Ông, làm áp lực. Để cứu Mẹ và bảo toàn lực lượng, Ông tự nạp mình. Chúng dụ hàng phong quan. Nguyễn Trung Trực quyết liệt từ chối, và còn dõng dạc nói tạt vào mặt chúng: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây". Trước khi bị giặc chém đầu Ông đã để lại:

Tuyệt Mệnh Thi                             

Thư kiếm tòng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đảm khi hữu Long Tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa   
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên     

Nguyễn Trung Trực     

Thơ Tuyệt Mạng

Trai trẻ binh nhung đã học bàn
LongTuyền kiếm báu quyết trừ gian
Anh hùng mạt lộ cam đành thác
Thề chẳng chung trời với sói lang

Nguyễn Minh Thanh cẩn dịch

nkhoanam

4 - Phần Kết:

Trở lại Tướng Quân Nguyễn Khoa Nam, một trong Ngũ Hổ Tướng* VNCH đã lẫm liệt tuẫn tiết, viết trang sử sáng ngời cho Quân Lực VNCH, cho Dân Tộc VN nói chung.

- Với Việt Sử, Ông đã:  "Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh".

- Với vũ trụ, Ông đã:    "Vũ trụ trường khang tiết nghĩa lưu".

- Với đối phương, Ông đã: "Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
                                           Bảo hận thâm cừu bất đái thiên".

Ôi,

Hỡi những anh hùng, hỡi những người lẫm liệt của thiên thu...

Những người đã để lại cho hậu thế niềm tiếc thương bao la  biển cả.

Những: Võ Tánh, Cô Giang, Ấu Triệu..., Nguỵ Văn Thà, Nguyễn Khoa Nam... đã:

- Thành mất, mất theo Thành

- Tàu mất, mất theo Tàu

- Nước mất, mất theo Nước.

Ngạn ngữ Tây phương có câu:

"- Đời người đo bằng hành động, không đo bằng thời gian".

Quý anh hùng, liệt nữ... sống hành động vì nghĩa cả và đều kết thúc đời mình một cách hiên ngang trang trọng và lẫm liệt như thế đó!!

Ôi,

Nước mất Nhà tan... sau 36 năm, giờ lưu lạc nơi xứ người, hồi ức lại những chuyện đã  ngàn trùng xa cách về thời gian lẫn không gian, mà sao thấy rõ mồn một như mới hôm qua.

Đọc bài của vị Sĩ Quan làm Tùy Viên cho Tướng Quân, Trung Úy Lê Ngọc Danh (sách NKN trang 417), viết lại: lúc Tướng Quân tới bệnh viện Phan Thanh Giản (Cần Thơ) chiều 30 - 4 - 1975, đi thăm thương binh từng người, từng người... mà ngùi ngùi, ngùi ngùi... (trích):

" ... Tư Lệnh đi từ đầu phòng đến cuối phòng hỏi thăm từng bệnh nhân, rồi Tư Lệnh đi qua dãy kế bên và tiếp tục hơn một giờ thăm viếng thương, bệnh binh... buồn tẻ và nặng nề. Gần giường một thương binh, anh cụt hai chân, vải băng trắng xoá, máu còn rịn ra lốm đốm đỏ cuối phần chân đã mất. Tư Lệnh đứng sát bên và hỏi:

- Vết thương của em đã lành chưa?

- Thưa Thiếu Tướng, vết thương mới mấy ngày còn ra máu chưa lành.

Với nét mặt buồn buồn, Tư Lệnh nhíu mày lại làm cặp mắt kiếng đen lay động. Tư Lệnh chưa kịp nói thêm thì anh thương binh này bất chợt chụp tay Tư Lệnh mếu máo:

- Thiếu Tướng đừng bỏ tụi em nhé Thiếu Tướng.

- Qua không bỏ các em đâu! Qua ở lại với các em.

Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi thấy Tư Lệnh đưa tay nâng cặp mắt kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn dài trên khuôn mặt đau thương của ông. Tư Lệnh cố nén xúc động, nhưng người đã khóc, khóc không thành tiếng và những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào. Tư Lệnh vịn vai người thương binh nói trong nghẹn ngào:

- Em cố gắng điều trị... có qua ở đây.

Tư Lệnh bước nhanh ra cửa bệnh viện, khi ra đến ngoài sân Tư Lệnh dừng lại quay mắt nhìn về bệnh viện. Tư Lệnh đứng yên bất động khoảng một phút rồi bước vội ra xe, không nói gì nữa cả. ......." (hết trích)

Tới đoạn Tướng Quân với 2 Tùy Viên lên sân thượng vào sáng sớm 1 - 5 - 1975 (sách NKN trang 428), rồi 3 Thầy, trò đứng tựa lan can cùng khóc. Người viết bài này càng bùi ngùi... thêm, và không cằm dược nước mắt! (trích):

".......................... Tư Lệnh chầm chậm bước theo nấc thang lên tầng trên, tôi và anh Việt nối bước theo sau. Tư Lệnh ra sân thượng, đứng sát bên lan can,  mắt nhìn ra đại lộ Hoà Bình trước cửa dinh, tôi đứng bên tay phải Tư Lệnh, anh Việt đứng bên trái. Trên lộ, chỉ có vài chiếc xe qua lại, người thưa thớt, khung cảnh vắng vẻ như chiều 30 Tết. Bất chợt, Thiếu Tướng bật khóc. Tư Lệnh cố nén không khóc thành tiếng, nhưng những giọt nước mắt tuôn trào chảy dài trên khuôn mặt đau buồn vì nước mất nhà tan. Tôi cũng khóc theo, anh Việt cũng vậy. Ba người đứng trên sân thượng trước mặt tiền dinh, mặc cho nước mắt tự do tuôn chảy....................." (hết trích)

Hôm nay, ngồi viết tiểu truyện này, nhằm: trải tấm lòng trân trọng của tôi đối với thượng cấp kính yêu cao quí Tướng Quân Nguyễn Khoa Nam. Ôi người anh hùng: Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục (thà chết quyết không chịu nhục). Người đã: Sanh vi Tướng tử vi Thần (sống làm Tướng chết làm Thần). Sách xưa nói: "Cánh hoa rụng chọn gì đất sạch". Nhưng, những anh hùng liệt nữ... đều chọn những vùng đất sạch và thơm lừng trong lịch sử để an giấc ngàn thu.                 

Danh ngôn có câu: "Người quân tử có một lần để chết, kẻ tiểu nhân có nhiều lần để chết".

Quí anh hùng liệt nữ... đều chỉ có một lần để chết và đã kết thúc đời mình một cách hiên ngang trang trọng và lẫm liệt như thế đó!!

Hỡi những anh hùng, liệt nữ... chúng tôi xin nghiêm mình: chào kính cẩn tận tâm trung.

Để kết thúc bài biên soạn bi cảm trong niềm đau xót riêng, chung: cá nhân và dân tộc.

Nơi đây, xin mượn 2 câu thơ xưa: xót xa tưởng niệm Tướng Quân Nguyễn Khoa Nam:

"Giai nhân tự cổ như danh tướng         
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"
(Xưa nay mỹ nữ như danh tướng  
Chẳng muốn cho ai thấy bạc đầu!)


Nguyễn Minh Thanh kính bút 

(Viễn xứ mùa Quốc Hận)

Phụ chú:

Tiểu Sử Nguyễn Khoa Nam (1927-1975), sanh tại Đà Nẵng, nguyên quán ở làng An Cựu Tây, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam.

Ông học Tiểu Học tại trường Ècole des Garcons, Đà Nẵng.

Lên Trung Học theo chương trình Pháp, nội trú ở trường Quốc Học Huế (Lycėe Khải Định).

Năm 1946, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú Tài bán phần (Part I). Sau đó, thi vào trường Hành Chánh ở Huế (hệ Cao Đẳng). Năm 1951, ông tốt nghiệp và được bổ dụng làm công chức tại Sở Ngân sách Trung Việt, một năm sau giữ chức vụ Chủ Sự Phòng.

Cuối tháng 3 năm 1953, thi hành lệnh Động Viên, ông nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Theo học khóa 3 Đống Đa tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, khai giảng ngày 1 tháng 4 năm 1953. Ngày 1 tháng 12 cùng năm mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy.

Ra trường gia nhập đơn vị Nhảy Dù, ông được cử làm Trung Đội Trưởng thuộc Đại Đội 1 trong Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù

nguhotuong

*Ngũ Hổ Tướng: Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai.

Hoàng Khủng: tên thác nước ở Giang Tây
Linh Đinh: tên biển ở cửa sông Châu, Quảng Đông
 
Nguồn:
 
Sách Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Mạnh Trí tổng hợp
T N ĐT & D N T Đ, GS Trịnh Vân Thanh
Hán - Việt  Tự Điển, Đào Duy Anh
Các trang Web: Nguyễn Khoa Nam, Văn Thiên Tường, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực...

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com