Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc.
Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
Và lịch sử cũng cho thấy khi một chế độ, một chính phủ thua trận trước quân ngoại bang, thường bị lật đổ, thay thế bởi một chính phủ khác hay một thể chế khác ngoại trừ trường hợp duy nhất là Nhật Bản. Trong cuộc tranh chấp thành lập một chính quyền mới hay một thể chế mới, nếu một phe nào đó không đủ mạnh, đất nước sẽ lao vào một cuộc nội chiến thảm khốc và có thể chia cắt lãnh thổ. Chẳng hạn như sau khi Nga Hoàng thua trận, chế độ quân chủ bị lật đổ và đưa tới cuộc nội chiến giữa Hồng Quân và Bạch Quân khiến từ 7-12 triệu người chết. Trường hợp của Đức cũng vậy.
Tổng kết của Thế Kỷ 20: Thế Chiến I mười triệu người chết, Thế Chiến II 55 triệu người chết! Chiến thuật được các vị tướng của cả hai bên ưa chuộng là “chiến thuật biển người” tràn lên với quân số áp đảo, cho nên số thương vong của cả hai bên rất cao.
Lịch sử cũng cho thấy chiến thuật đánh bom khủng bố do người Ái Nhĩ Lan sáng tạo ra rồi người Do Thái bắt chước để chống lại người Anh sau Đệ II Thế Chiến, rồi người Hồi Giáo bắt chước theo.
Có hai thời điểm cần ghi nhớ liên quan đến vận mệnh Đông Dương: Ngày 22/6/1940 Pháp ký thỏa ước đầu hàng Đức, cho nên ngày 27/7/1941 khi cả chục ngàn quân Nhật đổ bộ lên Sài Gòn mà Pháp không dám đề kháng. Vậy thì kể từ ngày này (27/7/1941) Pháp không còn làm chủ các thuộc địa Việt-Mên-Lào nữa mà đặt dưới quyền cai trị của Quân Phiệt Nhật.
Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, tinh thần chống Cộng và chụp mũ Cộng Sản cuồng nhiệt ở nước Mỹ. Vào ngày 9/2/1950: Thượng Nghĩ Sĩ McCathy tung chiến dịch gọi là cộng sản xâm nhập vào chính quyền liên bang. McCathy nói rằng ông có trong tay danh sách 205 đảng viên Đảng Cộng Sản đang làm việc tại Bộ Ngoại Giao để nhào nặn chính sách của Hoa Kỳ nhưng không đưa ra được bằng chứng và cũng không công bố tên những ai trong danh sách. Từ đó chủ nghĩa chống Cộng và chụp mũ Cộng Sản ở Mỹ còn được gọi là Chủ Nghĩa McCathy. Thậm chí tài tử kiêm đạo diễn lừng danh thế giới Charlie Chaplin (Việt Nam quen gọi là Charlot) cũng bị coi là người ngoại quốc nguy hiểm vì nghi ngờ là Cộng Sản và bị trục xuất. Thế mới hay khi chiến tranh hay thù hận nổ ra, rất nhiều tư tưởng, hành động cực đoan, quá khích ra đời và thường được chấp nhận chẳng hạn như Đức Quốc Xã, Fascist Ý và Quân Phiệt Nhật.
Để cứu nước Anh trước nguy cơ tan rã trước sức tấn công của Đức Quốc Xã, Thủ Tướng Churchill đã đề nghị Anh-Mỹ thống nhất thành một quốc gia với một quốc tịch duy nhất. Rất may Hoa Kỳ không đồng ý. Nếu đồng ý, có thể bây giờ Anh chỉ còn là một tiểu bang của Hợp Chủng Quốc Anh-Hoa Kỳ. Tại sao dân Anh không lên án Churchill là bán nước?
Cuộc chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War) đã được các sử gia biên soạn cuốn Biên Niên Sử chú ý vì siêu cường Hoa Kỳ đã gián tiếp lãnh đạo cuộc chiến từ năm 1950 (công nhận chính phủ Bảo Đại, viện trợ 80% chiến phí cho quân đội Pháp) và trực tiếp lãnh đạo từ năm 1954 (Viện trợ ồ ạt cho chính phủ Ngô Đình Diệm để xây dựng một tiền đồn chống Cộng) trong bối cảnh “Chiến Tranh Lạnh” khiến gây ảnh hưởng toàn cầu. Sau khi tổng kết vào năm 1988, số binh sĩ Mỹ chết tại Việt Nam còn lớn hơn số chết trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (54,000 so với 58,000).
Cuộc Chiến Tranh Triều Tiên và Đệ II Thế Chiến không tạo một ảnh hưởng gì trên lịch sử và tâm lý nước Mỹ. Còn hệ quả và tranh luận về cuộc Chiến Tranh Việt Nam vẫn còn theo đuổi nước Mỹ cho tới ngày hôm nay và có lẽ mãi mãi sau này. Câu hỏi ray rứt và không có lời giải đáp là “Tại sao chúng ta (người Mỹ) thua?” Lỗi tại phản chiến Mỹ? Truyền thông bất công? Hay chiến lược sai lầm? Hay bản chất của cuộc chiến là sai lầm? Cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp hoàn hảo.
Ngoài ra vai trò của lính Nam Hàn và Thái Lan cũng rất quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam mà ngày nay mới được bạch hóa. Tháng 9/1965, Tổng Thống Phác Chánh Hy của Nam Hàn gửi cả chục ngàn quân tham chiến tại Việt Nam. Tổng số quân Nam Hàn luân phiên chiến đấu tại Việt Nam lên tới 320,000, cao điểm đã có tới 50,000 lính Nam Hàn hiện diện trên chiến trường. Theo sử gia Kil J Yi (tốt nghiệp Tiến SĩState University of New Jersey),việc gửi quân như thế là để Hoa Thịnh Đốn tiếp tục duy trì số viện trợ khổng lồ đổ vào Nam Hàn.
Còn Thái Lan vào năm 1969 đã gửi 12,000 binh sĩ thuộc hai Sư Đoàn Queen’s Cobra và Black Panther tham chiến tại Việt Nam. Trước đó, Thái Lan đã cho Mỹ thiết lập 7 căn cứ không quân để yểm trợ cho cuộc chiến ở Lào và Việt Nam bao gồm Korat, Udon, Nakon Phanom, Ubbon, Khon Kaen, Utapao và Bangkok.
Trong Chiến Tranh Việt Nam, Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) còn thành lập một hãng máy bay mang tên Air America với vỏ bọc bề ngoài là hãng máy bay tư nhân mà ở Sài Gòn lúc bấy giờ thỉnh thoảng chúng ta có thấy. Phi công và phi hành đoàn của Air Amerca là các cựu phi công, cựu chiến binh Hoa Kỳ. Họ thực hiện những chuyến bay rất nguy hiểm về ban đêm hoặc ban ngày nhưng có mây hay sương mù che phủ để dấu kín hành tung. Mục đích chính của Air America là vận chuyển vũ khí, lương thực, tiếp liệu, chiến cụ, tản thương cho những căn cứ bí mật ở Lào, Cam Bốt và cả ở Việt Nam.
Cuối cùng, một câu nói thời danh của các nhà đạo đức ngày 15/5/1921 mà chúng ta cần ghi nhớ và suy nghĩ, “Váy đàn bà càng ngắn, luân lý càng suy đồi” (Concern as skirt rise and moral decline).
Cuốn Chronicle of the 20th Century dày 1375 trang, khổ 23cm x 30cm do Longman, Anh Quốc xuất bản năm 1988.
* * *
- 16/1/1970: Dịch cúm ở Hongkong giết chết 2850 người trong một tuần lễ.
- 25/1/1970: Hôm nay, cuộc thắp đuốc tuần hành của 2000 người biến thành bạo động khi đoàn biểu tình tiến tới phủ thủ tướng Anh lên án chuyến viếng thăm Hoa Thịnh Đốn của Thủ Tướng Wilson vì Hoa Kỳ can dự vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
- 2/2/1970: Nhà tư tưởng Bertrand Russel qua đời ở tuổi 97.
- 8/2/1970: Bom nổ tại Trung Tâm Báo Chí Quốc Gia ở Sài Gòn.
- 26/2/1970: Năm binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bị bắt giam vì giết 11 phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam.
- 1/3/1970: Tổng Thống Nixon ra lệnh cho Tướng Abrams tăng cường ném bom Đường Mòn Hồ Chí Minh. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu không tập không thôi có ngăn được Bắc Việt kiểm soát Lào?
- 18/3/1970: Quân đội Căm Bốt thuộc phe hữu đảo chính lật đổ Thái Tử Shihanoux vì họ tức giận chuyện chính quyền thất bại trong việc đối phó với đe dọa của 50,000 quân Bắc Việt và quân Giải Phóng nằm ở biên giới Việt-Miên.
- 30/3/1070: Tướng Lon Nol xin Hoa Kỳ viện trợ vũ khí để đối phó với sự xâm nhập của quân Cộng Sản.
- 30/4/1070: Nixon đưa quân Mỹ vào Căm Bốt và nói rằng đây không phải là sự xâm lăng mà để đối phó với quân Bắc Việt nhưng đã tạo ra những cuộc biểu tình của sinh viên. Nixon có thể gặp rắc rối về hiến pháp khi gửi binh sĩ tham chiến ở nước ngoài mà không có sự đồng ý của Quốc Hội.
- 4/5/1970: Bốn sinh viên, trong đó có hai nữ sinh viên bị vệ binh tiểu bang bắn chết ở Kent State University, Ohio trong cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
- 22/6/1970: Methodist Church/Tin Lành Giám Lý Anh cho phép đàn bà trở thành giáo sĩ.
- 7/8/1970: Nga ký thỏa ước bất tương xâm với Tây Đức.
- 28/9/1970: Sinh viên Kent State University, Ohio đốt thẻ trưng binh để tưởng niệm các sinh viên bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống Chiến Tranh Việt Nam ngày 4/5/1970.
- 28/9/1970: Nasser chết vì bệnh tim, Sadat thay thế.
- 9/10/1970: Căm Bốt tuyên bố trở thành nước Cộng Hòa sau khi Lon Nol lật đổ Thái Tử Shihanouk.
- 20/11/1970: Đợt sóng thủy triều dâng cao bằng hai toà nhà cao tầng, nhận chìm cả một hòn đảo giết chết 150,000 người và gia súc ở đông Hồi Quốc.
- 12/11/1970: De Gaulle qua đời.
- 13/12/1970: Một máy bay ném bom chuyên chở thiết bị quân sự tối mật của Mỹ bị bắn rớt ở Lào.
- 14/12/1970: Binh sĩ Mỹ ra làm chứng trước tòa trong vụ thảm sát 567 đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Mỹ Lai của Trung Úy William Caley khai rằng người chỉ huy của họ là Đại Úy Ernest Median đã ra lệnh giết tất cả mọi người. Còn Trung Úy Caley phủ nhận tội và nói rằng ông chỉ thi hành mệnh lệnh của cấp trên.
- 20/12/1970: Ba Lan rung chuyển vì những cuộc bạo động do giá thực phẩm gia tăng.
- 4/1/1971: Nixon cảnh cáo tàu ngầm Nga phải lánh xa Cuba.
- 18/1/1971: Ứng cử viên George McGovern cam kết nếu đắc cử tổng thống ông sẽ rút hết binh sĩ ra khỏi Nam Việt Nam.
- 13/2/1971: Binh sĩ Nam Việt Nam tấn công qua Lào để ngăn chặn tiếp vận của Bắc Việt bằng Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhưng bị thiệt hại nặng. (Đây là cuộc hành quân Lam Sơn 719 với 17, 000 binh sĩ tham gia chiến dịch. Hoa Kỳ có 10,000 quân tham dự , không vượt qua biên giới nhưng hỗ trợ về công binh, không quân, không vận và pháo binh với 800 trực thăng, 300 phi cơ chiến đấu, 50 máy bay vận tải, 50 máy bay B-52 ném tổng cộng 52,000 tấn bom, Đây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử Chiến Tranh Việt Nam. Sau trận chiến, Tổng Thống Thiệu trong cuộc họp báo bằng tiếng Anh nói rằng Hoa Kỳ đã không hết lòng hỗ trợ mà chỉ lo cứu phi công Mỹ bị bắn rơi. Còn Phó Tổng Thống Kỳ nói rằng chưa đánh đã thấy kế hoạch thất bại.)
- 7/4/1971: Nixon cam kết Hoa Kỳ sẽ chấm dứt can thiệp quân sự vào Nam Việt Nam và sẽ rút 100,000 lính về nước vào Tháng 12.
- 26/4/1971: Một ủy ban do Tổng Thống chỉ định khuyến cáo Hoa Kỳ tìm cách đưa Hoa Lục vào Liên Hiệp Quốc trong một tương lai gần.
- 2/5/1971: Cảnh sát xua đuổi 30,000 người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ra khỏi bờ Sông Potomack, Hoa Thịnh Đốn.
- 28/5/1971: Tổng Thống Ai Cập Sadat ký hiệp ước thân hữu 15 năm với Liên Bang Sô-viết.
- 28/6/1971: Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hủy bỏ cáo trạng võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali can tội trốn quân dịch.
- 30/6/1971: Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tuyên phán báo New York Times và Washington Post có quyền ấn hành các tài liệu mật của Ngũ Giác Đài liên quan đến Chiến Tranh Việt Nam.
- 26/7/1971: Phi thuyền Apollo đưa ba phi hành gia và một nguyệt xa thám hiểm Mặt Trăng.
- 26/7/1971: Cảnh sát chống bạo loạn Pháp ra lệnh cho cả ngàn cô gái Pháp cởi trần phơi cả vú ra phải mặc sú-chiêng/nịt vú trở lại! (Một rừng vú vê thỗn thện như thế này thì cảnh sát chịu đời sao thấu?)
- 2/8/1971: 95 binh sĩ Ấn Độ chết trong cuộc đụng độ ở biên giới với Hồi Quốc.
- 15/9/1971: Bom nổ giết chết 15 người tại một hộp đêm (night club) của lính Mỹ ở Sài Gòn.
- 24/9/1971: Anh Quốc trục xuất 90 người Nga vì nghi ngờ làm gián điệp.
- 11/9/1971: Nikita Khruschev bị loại trừ cách đây bảy năm, chết trong u tối, thọ 77 tuổi.
- 3/10/1971: Tướng Nguyễn Văn Thiệu thêm một nhiệm kỳ Tổng Thống nữa.
- 23/10/1971: Năm người trong đó có hai bà Sơ bị lính Anh bắn chết ở Ái Nhĩ Lan trong cuộc đấu tranh của Bắc Ái Nhĩ Lan của người Ca-tô Giáo La Mã tách ra khỏi Anh Quốc (Tin Lành).
- 27/10/1971: Congo đổi tên nước thành Zaire
- 25/10/1971: Liên Hiệp Quốc biểu quyết loại Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) ra khỏi LHQ và Hoa Lục thay thế. Nixon dự trù thăm viếng Trung Hoa vào năm tới.
- 7/11/1971: Quân Đội Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan (IRA) bắn chết hai lính Anh.
- 12/11/1971: Nixon tuyên bố thêm 45,000 lính Mỹ nữa sẽ rút khỏi Việt Nam.
- 15/11/1971: Hoa Lục lần đầu tiên ngồi vào ghế của Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) tại Liên Hiệp Quốc.
- 16/11/1971: Có tin Lâm Bưu - người được chỉ định kế vị Mao Trạch Đông đã chết khi máy bay rớt trong lúc đào thoát sang Nga.
- 21/11/1971: 9 binh sĩ Ấn Độ chết trong cuộc đụng độ ở biên giới với Hồi Quốc.
- 17/12/1971: Ấn Độ chiến thắng trong cuộc chiến biên giới kéo dài hai tuần lễ với Hồi Quốc. Số thương vong của Ấn Độ là 10,633 còn về phía Hồi Quốc thì không rõ.
- 20/12/1971: Quân Đội Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan đánh bom trong ngày nghỉ lễ Noel ở Belfast và Londonderry.
- 21/12/1971: Kurt Waldheim người Áo được bầu làm Tổng Thư Ký LHQ.
- 26/12/1971: Mỹ tái oanh tạc Bắc Việt.
- 28/12/1971: Các hãng máy bay lớn đe dọa ngưng các chuyến bay tới Hán Thành vì đã để nổ ra vụ nổ súng giết chết 156 người, làm bị thương 70 người tại một khách sạn trong dịp Lễ Noel.
- 3/1/1972: Quân Đội Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan đánh bom tại một thương xá ở Belfast làm 55 phụ nữ và trẻ em bị thương.
- 13/1/972: Anh cắt đứt bang giao với Đài Loan và bổ nhiệm Đại Sứ đầu tiên ở Bắc Kinh. (Ô hô tình đời! Sau bao năm là đồng minh thắm thiết, nay bỏ rơi không thương tiếc theo kiểu “England First”!)
- 19/1/1972: Ly dị ở Anh tăng vọt sau luật mới cho phép: sau 2 năm ly thân và hai bên đồng ý, sau 5 năm ly thân nếu chỉ một bên đồng ý.
- 27/1/1972: Giao tranh giữa Quân Đội Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan và Anh dọc biên giới Ái Nhĩ Lan.
- 2/2/1972: Tòa Đại Sứ Anh ở Dublin bị người biểu tình phá hủy.
- 13/2/1972: Mỹ oanh tạc dữ dội Miền Bắc Việt Nam.
- 21/2/1972: Nixon tới Bắc Kinh được Ngoại Trưởng Chu Ân Lai đón tại phi trường và gặp Mao Trạch Đông ở Tử Cấm Thành sau đó đi thăm Vạn Lý Trường Thành. (Còn gọi là Vạn Lý Mộ Bia: The Longest Cemetary of the World)
- 24/2/1972: Phái đoàn Bắc Việt Nam bước ra khỏi Hội Nghị Paris để phản đối cuộc tái oanh tạc của Mỹ.
- 30/3/1972: Bắc Việt Nam tung ra cuộc tấn công dữ dội nhất trong vòng bốn năm.
- 14/4/1972: Nixon tiếp tục leo thang oanh tạc dữ dội Bắc Việt Nam bằng cách gửi thêm hai mươi B-52 và 700 chiến đấu cơ cho cuộc oanh kích gọi là “naked attack” tức cuộc tấn công hiển nhiên, không hề che dấu để đưa Miền Bắc trở lại Thời Kỳ Đồ Đá (Stone Age).
- 3/5/1972: 150,000 người di tản khỏi Huế khi quân Bắc Việt tiến tới gần.
- 10/5/1972: Mỹ oanh tạc Hà Nội và các tỉnh Miền Bắc. Miền Nam ban hành lệnh giới nghiêm.
- 29/5/1972: Nixon và Tổng Bí Thư Brezhnev ký thỏa hiệp giảm nguy cơ chiến tranh nguyên tử tại Mạc Tư Khoa.
- 8/6/1972: Hình ảnh cô bé trần truồng chạy khỏi vùng bị oanh kích bởi bom Napal của Mỹ (Cô bé Kim Phúc). Hình này do nhiếp ảnh gia Việt Nam Nick Út của thông tấn AP chụp tại Trảng Bàng, Tây Ninh.
- 27/6/1972: Thủ lĩnh Đảng Xã Hội Pháp ký thỏa hiệp liên minh với Đảng Cộng Sản Pháp.
- 7/7/1972: Nga - Mỹ ký thỏa hiệp hợp tác khoa học và kỹ thuật.
- 18/7/1972: Sadat ra lệnh cố vấn Nga rút khỏi Ai Cập.
- 20/8/1972: Nam Việt Nam rút bỏ Quế Sơn (thuộc Tỉnh Quảng Nam)
- 11/8/1972: Tiểu Đoàn 3, Sư Đoàn 21 Bộ Binh Mỹ thu dọn vũ khí dời khỏi căn cứ khổng lồ Đà Nẵng mà họ đổ bộ vào đây năm 1965. Tính tới ngày hôm nay, 45,000 lính Mỹ đã chết ở Việt Nam và chi phỉ khoảng 100 tỉ Mỹ Kim.
- 8/9/1972: Nổi loạn tại Phnom Penh để kiếm gạo tại chợ.
- 15/9/1972: Hai vị phụ tá của Nixon bị truy tố vì vụ Watergate.
- 11/10/1972: Bắc Việt Nam nói rằng cuộc oanh tạc của Mỹ đã phá hủy Tòa Đại Sứ Pháp ở Hà Nội.
- 26/10/1972: Kissinger nói rằng hòa bình ở Việt Nam đã gần kề. Còn Nixon thì nói rằng “Tôi sẽ đạt một nền hòa bình trong danh dự chứ không phải một thỏa hiệp đầu hàng.”
- 7/11/1972: Nixon thắng McGovern với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống.
- 7/11/1972: Hoa Kỳ cố oanh tạc để kéo Bắc Việt Nam trở lại bàn hội nghị. (Hình ảnh tàn phá của Thành Phố Hà Nội)
- 18/12/1972: B-52 oanh tạc dữ dội Hà Nội.
- 30/12/1972: Nixon ra lệnh ngưng ném bom Hà Nội.
- 25/12/1972: Động đất mạnh tại Nicaragua làm 10,000 người chết.
- 22/1/1973: Cựu Tổng Thống Johnson qua đời ở tuổi 64 vì bệnh tim. Johnson là người đã mỗi lúc mỗi lún sâu vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam và cuối cùng là nạn nhân của chính mình, đã không dám ra tranh cử ở nhiệm kỳ hai.
- 23/1/1973: Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam!
- Lệnh ngưng bắn bắt đầu từ đêm nay.
- Một lực lượng quốc tế 1,160 người bao gồm Gia Nã Đại, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Nam Dương sẽ giám sát lệnh ngưng bắn.
- Trong vòng 60 ngày, tất cả binh sĩ Hoa Kỳ và cố vấn quân sự Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam và phóng thích tù binh của cả hai bên.
Nixon nói rằng người dân Miền Nam sẽ được bảo đảm quyền chọn lựa thể chế chính trị của mình. Và mục tiêu mà Hoa Kỳ theo đuổi trong cuộc chiến đã đạt được. Thế nhưng Bắc Việt Nam lại không nhìn như kiểu Ô. Nixon đang nhìn.
- 30/1/1973: Hai phụ tá của Tổng Thống Nixon bị kết tội trong vụ nghe lén Đảng Dân Chủ ở Watergate.
- 14/2/1973: Việt-Mỹ trao đổi tù binh. Hình ảnh tù binh Miền Bắc hầu hết chống gậy vì bị thương nặng, chờ đợi trao trả về Bắc.
- 22/2/1973: Do Thái bắn rơi một phi cơ dân sự Boeing 727 của Libya khiến 74 hành khách tử nạn.
- Hình ảnh gia đình Mỹ vui mừng tiếp đón tù binh trở về.
- 17/3/1973: 20 người chết trong cuộc mưu sát Lon Nol bất thành.
- 27/3/1973: Bắc Việt Nam tuyên bố trao trả người tù binh Mỹ cuối cùng.
- 4/4/1973: Tài liệu do Vatican phổ biến ngày hôm nay cho thấy Vatican đã biết về các trại hành quyết người Do Thái của Đức Quốc Xã.
- 8/4/1973: Họa sĩ Picasso mất ngày hôm nay, thọ 91 tuổi.
- 16/4/1973: Mỹ tái oanh tạc Lào.
- 30/4/1973: Bốn phụ tá cao cấp của Tổng Thống Nixon tuyên bố từ chức vì cuộc điều tra Watergate đang mở rộng.
- 17/5/1973: Thượng Viện Hoa Kỳ bắt đầu nghe điều trần về vụ Watergate.
- 22/5/1973: Nixon thú nhận đã che dấu vụ Watergate.
- 24/5/1973: Hai bộ trưởng của Anh Quốc từ chức vì ngủ với gái điếm.
- 31/5/1973: Thượng Viện Hoa Kỳ biểu quyết cắt ngân khoản dùng vào việc oanh tạc Căm Bốt.
- 11/6/1973: 1500 sinh viên Nam Phi bị trục xuất vì đòi bổ nhiệm khoa trưởng người Da Đen.
- 25/6/1973: Cố vấn pháp lý Tòa Bạch Ốc John Dean thú nhận Nixon biết rõ về việc che giấu vụ Watergate.
- 30/6/1973: Du kích quân cộng sản mở cuộc tấn công lớn vào Thủ Đô Phnom Penh.
- 17/7/1973: Một giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết Nixon đặt máy thu âm tại Phòng Bầu Dục và những nơi làm việc khác.
- 8/8/1973: Phó Tổng Thống Spiro Agnew lính líu vào vụ nhận hối lộ từ nhà thầu ở tiểu bang cũ của ông.
- 14/8/1973: Những cuộc oanh tạc Căm Bốt của Mỹ coi như chấm dứt.
- 29/8/1973: Nixon từ chối giao nạp băng thu âm những cuộc nói chuyện tại Tòa Bạch Ốc.
- 12/10/1973: Phó Tổng Thống Agnew mất chức vì tội trốn thuế, Gerald Ford thay thế.
- 14/10/1973: Chính phủ Thái Lan từ chức sau khi 400 sinh viên bị binh sĩ bắn chết trong cuộc biểu tình.
- 19/10/1973: Nixon từ chối giao nạp băng thu âm Watergate cho dù có lệnh của Tòa Phá Án Hoa Kỳ.
- 23/10/1973: Lê Đức Thọ từ chối nhận Giải Thưởng Nobel Hòa Bình với lý do hòa bình chưa trở lại trên quê hương Việt Nam.
- 26/10/1973: Nixon đặt quân đội Hoa Kỳ trong tình trạng báo động trên quy mô toàn cầu để đối phó với nguồn tin nói rằng Nga sẽ gửi một số lượng binh sĩ đáng kể tới Địa Trung Hải để cứu nguy Ai Cập.
- 28/12/1973: Cuốn sách “Quần Đảo Ngục Tù” (The Gulag Archipelago) của Solzhenitsyn được xuất bản tại Pháp.
- 4/1/1974: Nixon từ chối giao nạp 500 băng ghi âm và hồ sơ liên quan đến vụ Watergate.
- 11/2/1974: Quân cộng sản Cam Bốt nã pháo vào khu vực dân cư của Phnom Penh.
- 14/2/1974: Solzhenitsyn bị tước quyền công dân và lưu đày qua Frankfurt, Đức.
- 2/3/1974: Đại bồi thẩm đoàn kết luận Nixon đã can dự vào vụ Watergate.
- 22/3/1974: Bắc Việt Nam kêu gọi ngưng bắn mới và tổng tuyển cử.
- 14/4/1974: Andrei Sakharov – nhà bác học nguyên tử của Nga kêu gọi lãnh đạo Nga từ bỏ chủ nghĩa Mác.
- 18/5/1974: Ấn Độ đứng vào hàng ngũ các cường quốc có bom nguyên tử ngày hôm nay.
- 15/8/1974: Vợ Tổng Thống Nam Triều Tiên Park Chung-hee bị ám sát.
- 8/8/1974: Nixon là Tổng Thống Mỹ đầu tiên từ chức vì vụ Watergate, Gerald Ford thay thế.
- 10/9/1974: Chu Ân Lai từ chức Thủ Tướng.
- 4/1/1975: Khmer Đỏ bao vây Thủ Đô Phnom Penh. Mỹ thương thảo để di tản 200 nhân viên tòa đại sứ và công ty Hoa Kỳ hỗ trợ cho cuộc chiến ở Căm Bốt. Trong lúc đó quân đội Bắc Việt Nam tràn ngập Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam.
- 29/3/1974: Đà Nẵng- thành phố quan trọng thứ hai của Miền Nam thất thủ.
- 1/4/1975: Quy Nhơn và Nha Trang thất thủ.
- 3/4/1975: Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nam Vang di tản.
- 3/4/1975: Tổng Thống Ford nói rằng Hoa Kỳ thua ở Nam Việt Nam không có nghĩa là Hoa Kỳ không cam kết bảo vệ những nơi khác.
- 6/4/1975: Mỹ di tản trẻ em lai mồ côi Việt Nam bằng máy bay.
- 5/4/1975: Tưởng Giới Thạch qua đời ở Đài Loan, thọ 87 tuổi.
- 17/4/1975: Căm Bốt rơi vào tay Khmer Đỏ.
- 21/4/1975: Tổng Thống Thiệu từ chức sau khi nặng nề công kích Hoa Kỳ.
- 23/4/1975: Anh ra lệnh đóng cửa tòa đại sứ ở Sài Gòn.
- 30/4/1975: Hoảng loạn tại Tòa Đại Sứ Mỹ trong lúc Sài Gòn thất thủ. (Hình ảnh chuyến di tản cuối cùng bằng máy bay Mỹ tại Nha Trang và hình ảnh xe tăng mang cờ MT/GPMN húc đổ cổng Dinh Độc Lập)
- 4/5/1975: 4000 người tỵ nạn Miền Nam trên một tàu hàng sắp bị chìm được cứu đưa vào Hongkong.
- 12/6/1975: Nữ Thủ Tướng Ấn Độ- Bà Gandhi bị kết tội gian lận bầu cử. (Thế mới hay đàn ông hay đàn bà khi đã can dự vào chính trị thì cũng “mánh mung” như nhau.)
- 24/6/1975: Mozambique độc lập từ Thực Dân Bồ Đào Nha.
- 11/7/1975: Các nhà khảo cổ Trung Hoa khai quật ngôi mộ cổ của Tần Thủy Hoàng với tượng 6000 chiến binh cỡ người thật cùng với ngựa và chiến xa.
- 19/7/1975: Cả triệu người Căm Bốt bị lùa về vùng nông thôn, không trâu bò, họ phải kéo cày thay trâu, làm việc từ sáng đến tối với một chén cơm, cả trăm ngàn người đã chết dưới bàn tay bạo tàn của Khmer Đỏ.
- 9/9/1975: Thái Tử Sihanoux trở lại Căm Bốt.
- 16/9/1975: Beirut của Li-băng tan nát vì nội chiến giữa người Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo.
- 22/9/1975: Tổng Thống Gerald Ford thoát khỏi hai cuộc ám sát.
- 9/10/1975: Khoa học gia Nga Andre Sakharov- cha đẻ của Bom-H được giải thưởng Nobel Hòa Bình nhưng chính quyền Nga không cho phép ông xuất ngoại.
- 20/11/1975: Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Hoa Kỳ tìm thấy bằng chứng CIA đã trực tiếp tiến hành vụ ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro và Lumumba của Congo.
- 22/11/1975: Sau cái chết của Franco, nền quân chủ trở lại Tây Ban Nha.
- 24/11/1975: Angola tan nát vì nội chiến.
- 8/1/1976: Chu Ân Lai cánh tay mặt của Mao từ năm 1949 qua đời, thọ 77 tuổi.
- 7/2/1976: Hoa Quốc Phong được bầu làm quyền thủ tướng Trung Hoa.
- 14/2/1976: Được sự hỗ trợ bởi Nga và 15,000 chí nguyện quân Cuba, tổ chức MPLA thắng thế ở Angola.
- 14/4/1976: Andre Sakharov và vợ bị bắt vì tội đánh cảnh sát ở Nga.
- 16/8/1976: Cựu Thủ Tướng Nhật Tanaka bị truy tố vì nhận hối lộ từ hãng chế đạo vũ khí Lockheed.
- 2/9/1976: Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu tuyên bố Anh Quốc đã tra tấn phạm nhân ở Bắc Ái Nhĩ Lan.
- 9/9/1976: Mao Trạch Đông giống như lãnh tụ thần thánh của 800 triệu dân Trung Hoa qua đời.
- 11/10/1976: Giang Thanh và nhóm ba người bị bắt vì cáo buộc làm phản.
- 14/10/1976: Hoa Quốc Phong được công nhận là người kế vị Mao.
- 23/10/1976: Hình nộm “Bè lũ bốn tên” (Tứ Nhân Bang) bao gồm Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn được đem đi diễu phố.
- 23/11/1976: Văn hào Pháp Andre Malraux qua đời.
- 2/1/1977: Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho Anh vay 2,300 tỉ sterling để cứu đồng bảng xuống giá.
- 29/5/1977: Nigel Short mới 11 tuổi được mệnh danh là thiên tài Cờ Vua.
- 16/6/1977: Khoa học gia Von Braun qua đời, thọ 65 tuổi.
- 22/7/1977: Bè Lũ Bốn Tên bị loại trừ ra khỏi đảng. Đặng Tiểu Bình được phục hồi.
- 8/10/1977: 800 quan tài ở Anh không người chôn vì nhân viên nhà đòn đình công.
- 16/8/1977: Elvis Presley – vua nhạc Rock qua đời ở tuổi 42.
- 28/9/1977: Pol Pot lãnh tụ Khmer Đỏ tới Bắc Kinh, gặp gỡ Hoa Quốc Phong.
- 4/11/1977: Tiền dầu lửa của các ông Ả Rập có thể mua cả Luân Đôn. Anh Quốc hiện đang thành lập một ủy ban nghiên cứu hạn chế việc bán nhà cho người ngoại quốc.
- 25/11/1977: Aquino- đối thủ của Tổng Thống Phi Luật Tân Marcos bị kết tội tử hình vì âm mưu lật đổ và sát nhân.
- 3/12/1977: Cuộc bỏ nước ra đi bắt đầu. Mỗi tháng có khoảng 1500 người vượt biển. Rất nhiều nước đáp ứng nhưng nó là vấn nạn toàn cầu. Các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc Châu, Gia Nã Đại, Đức , Pháp và Anh đều chấp nhận người tỵ nạn Việt Nam chăm chỉ và thật đáng ngưỡng mộ.
- 25/12/1977: Charlie Chaplin qua đời, thọ 88 tuổi. Cả thế giới đều biết ông hề này.
- 31/12/1977: Khmer Đỏ cắt đứt bang giao với Việt Nam.
- 7/1/1978: Khmer Đỏ thú nhận 3000 binh sĩ của họ chết trong các cuộc giao tranh với Việt Nam ở biên giới.
- 17/2/1978: Đánh bom một nhà hàng ở Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan giết chết 14 người.
- 11/5/1978: Phong trào chống đối Shah Hoàng lan rộng ở Ba Tư.
- 26/7/1978: Em bé đầu tiên sinh ra từ ống nghiệm. Trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha được thụ thai trong ống nghiệm rồi được đặt trong tử cung của người mẹ. Thằng bé sinh ra bình thường.
- 8/9/1978: Shah Hoàng ban bố lệnh thiết quân luật trên toàn quốc sau cuộc biểu tình khổng lồ chống chế độ.
- 29/10/1978: Cuốn Sách Hồng của Mao bị loại bỏ, không còn là “thánh kinh” của Hoa Lục nữa.
- 29/11/1978: 913 thành viên của giáo phái People’s Temple tự sát tập thể ở Guyana bằng cách uống lon nước ngọt Kool-Aid có pha thạch tín (cyanide) theo lệnh của giáo chủ Jim Jones vốn là cựu mục sư của phái Tin Lành Giám Lý (Methodist Church).
- 5/12/1978: Nga ký thỏa hiệp hữu nghị 20 năm với A Phú Hãn.
- 10/12/1978: Nhiều triệu người tuần hành chống lại Shah Hoàng.
- Danh họa De Chirico người Ý thuộc Trường Phái Siêu Thực qua đời.
- 27/12/1978: Sau ba giờ nghị án, bồi thẩm đoàn ở Oregon tuyên bố John Rideout thoát tội hãm hiếp chính vợ mình là Greta Rideout. Đây là lần đầu tiên một người vợ thưa kiện người chồng về tội hãm hiếp dù đang sống chung một nhà. Sau khi nghe kết quả, Greta nói rằng công lý đã không được thi hành. Còn các người bênh vực quyền phụ nữ thì nói rằng hôn nhân không phải là điều cho phép ông chồng có quyền đòi hỏi xác thịt khi người vợ không đồng ý. (Thật vô cùng rắc rối! Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là - trường hợp ông mệt quá hoặc không thích mà bà cứ đòi, cuối cùng ông phải chiều bà - thì bà có mang tội hãm hiếp ông hay không? Có lẽ Ông Trời xuống đây mới trả lời được câu hỏi này.)
- 2/1/1979: Quân Việt Nam tấn công Khmer Đỏ trên mặt trận dài 200 dặm.
- 8/1/1979: Xe tăng Việt Nam tiến vào Nam Vang, Khmer Đỏ xụp đổ. Người ta đang chờ đợi phản ứng của
Bắc Kinh.
- 16/1/1979: Shah Hoàng trốn chạy qua Ai Cập.
- 1/2/1979: Giáo Chủ Khomeini từ Pháp trở về sau 14 năm lưu vong.
- 16/2/1979: Bốn vị tướng của Ba Tư bị tử hình.
- 17/2/1979: Hoa Lục xâm lăng Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Quân hai bên đụng độ dữ dội Quân Trung Quốc tràn ngập một số tỉnh biên giới. Nguyên do sâu xa của cuộc chiến là Trung Quốc tức giận việc Việt Nam xâm lăng Căm Bốt và thỏa hiệp hợp tác Nga-Việt. Điện Kremlin cũng cảnh cáo Trung Quốc nên rút lui.
- 1/3/1979: Giáo Chủ Khomeini tuyên bố không có chỗ cho nền dân chủ ở Ba Tư.
- 8/3/1979: Phụ nữ Ba Tư lo ngại tương lại dưới chế độ nhà nước Hồi Giáo.
- 2/4/1979: Việt Nam khám phá những mồ chôn tập thể của chế độ Pol Pot.
- 4/4/1979: Cựu Thủ Tướng Bhutto của Hồi Quốc bị treo cổ, xác được chôn trước khi tin tức được loan tải.
(Còn tiếp)
Đào Văn Bình