User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
anlac
 
An lạc không phải là hạnh phúc, sảng khoái, hài lòng, vui sướng… nhất thời, trái lại nó như dòng suối mát tưới tẩm ở bên trong. An lạc là một trạng thái hỷ lạc tự bên trong mỗi cá nhân, nhẹ nhàng, bền bỉ, mang lại sự bình an cả thân và tâm cho chính mình và lan tỏa đến người khác. An lạc thường đến từ tuệ giác, đưa đến sự tự tại, ung dung, cân bằng cả về vật chất lẫn tinh thần. (Đỗ Hồng Ngọc)
 
Một người trúng số độc đắc, một hoa hậu đạt vương miện, một người có tên trên bảng vàng, có thể đang cảm nhận rất hạnh phúc, rất sướng vui… nhưng chẳng bao lâu sự bất an sẽ dồn dập đến, nỗi khốn khổ sẽ kề bên…
 
Một người thực sự an lạc chẳng thấy có hào hứng rộn rã bộc phát ầm ĩ nào cả; chẳng có đám đông vỗ tay với những tiếng hò reo, chẳng có vòng nguyệt quế, mà chỉ có sự lặng im, nhiều khi một mình, âm thầm, lặng lẽ. Nụ cười đến tự bên trong, nụ cười của toàn thân, của từng tế bào, không ở đầu môi khóe miệng…
 
Cho nên an lạc không dễ. Nó đòi hỏi sự kham nhẫn, sự tri túc, và cả từ, bi, hỷ, xả.
 
Nhiều khi phải qua cái tuổi nào đó, thấm đẫm một chút cuộc đời, nghe được cái tiếng kêu ‘trần thế’ thì mới nhận ra sự thiết yếu của tự tại. Nhưng đợi đến lúc “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn) thì đã trễ. Bởi người ta có thể an lạc ở đây và bây giờ.
 
Ta hay chúc nhau “Thân tâm thường an lạc” như một ước vọng. Phải, an lạc thì phải cả thân và tâm. Thân tâm nhất như. Tâm có an thì thân mới lạc. Tâm có lạc thì thân mới an. Mà đời thì vô thường. Làm sao thấy thường trong vô thường đây. Trừ phi thấy Thực tướng, thấy Chơn Như…
 
Mấy năm gần đây, tôi thường được mời nói chuyện về “Một nếp sống an lạc” ở nơi này nơi khác. Có khi ở một ngôi chùa, có khi ở một trung tâm mục vụ, có khi ở một hội quán, câu lạc bộ doanh nhân, một nhóm bạn trẻ, hoặc cùng các bậc trí thức… Những buổi chuyện trò đó, với tôi, đều là một cơ hội để học hỏi, giao lưu, chia sẻ. Lời lẽ do vậy mà nhiều khi rề rà, cà kê… chớ không mạch lạc, khúc chiết. Có một số buổi được thu âm, ghi hình. Thế rồi một hôm, có bạn đề nghị hay là ta gom mấy bài nói chuyện này lại, chọn ra một ít rồi in thành tập sách chia sẻ với mọi người cũng hay! Tôi chỉ yêu cầu làm sao giữ được giọng điệu trò chuyện cà kê, kể cả tiếng địa phương, kể cả chuyện tếu táo… để người đọc như đang nghe trực tiếp thì tốt. Tóm lại, đây là một cuốn sách “nói” chớ không phải sách viết. Người đọc thì… nghe chớ không phải xem.
 
Hôm rồi, ngồi với một người bạn trẻ trong một quán cafe nhỏ, chúng tôi bàn với nhau về hai chữ “An lạc”. An lạc có phải là well-being, là bienêtre không? hay An lạc là eudaimonia, một tiếng cổ Hy Lạp thời Aristote gồm “eu” (“good”)“daimon” (“spirit”), một đức hạnh, đòi hỏi có sự rèn tập? Phải chăng đó cũng chính làđiều Phật đã dạy trong “An lạc hạnh” một phẩm của kinh Pháp Hoa hơn hai ngàn năm trăm năm trước: biết an trụ trong pháp Không, trong hạnh Tùy hỷ, trong đại Từ đại Bi?
 
Thử ”chiết tự” từ Hán Việt thì ra An là ‘dưới mái nhà có người con gái’, còn Lạc là ‘ngôi nhà tràn đầy ánh sáng, có vườn cây xanh mát, có tiếng hát, tiếng đàn, tiếng dệt cửi, quay tơ…’.
 
Rồi cùng mà cười. “Em lo gì trời gió/ em lo gì trời mưa…/ em cứ yêu đời đi/ như lúc ta còn thơ/ rồi để anh làm thơ/ và để em dệt tơ…” (Thoi Tơ, thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh).
 
Một hôm gặp lại…
 
Hồi lên sáu tuổi, có lần tác giả (Saint- Exupéry) vẽ một bức phác thảo trông như thế này rồi đem khoe kiệt tác đó của mình với những người lớn và hỏi nó có làm cho họ khiếp hãi không, họ đều trả lời: “Sao lại phải khiếp hãi với một cái mũ chứ?” . 
 
Điều này khiến ông vô cùng thất vọng. Ông đâu có vẽ cái mũ - mà là vẽ một con trăn vừa nuốt chững một con voi đang nằm chờ tiêu hoá! Vậy là ông phải vẽ thêm một phác thảo thứ hai có hình con voi trong bụng trăn để người lớn có thể hiểu. Người lớn lúc nào cũng cần phải có giải thích mới hiểu đựơc! Ông nghĩ.
 
Và thật là mệt cho bọn trẻ con phải luôn cố công giải thích cho họ hiểu. Họ còn khuyên ông hãy bỏ cái trò vẽ vời vớ vẩn đó đi để lo học Toán, Lý Hóa, Địa Dư…! Chán nản, ông chọn nghề… lái máy bay!
 
Sau này, mỗi khi có dịp gặp một người lớn có vẻ sáng sủa thông minh một chút, ông lại đem bức phác thảo số một ra để hỏi. Thì họ luôn trả lời: “Đấy là một cái mũ”!
 
Cho tới một ngày kia, phi cơ của ông bị hỏng máy rơi tòm giữa sa mạc Sahara, giữa lúc sống chết một mình nơi hoang mạc, chỉ còn đủ nước uống chừng tuần lễ, phải ngủ trên cát lạnh ngàn ngàn dặm cách biệt với con người thì chợt một giọng nói nhỏ lớ ngớ kỳ lạ bỗng đánh thức ông dậy:
 
Nếu vui lòng… hãy vẽ cho tôi một con cừu!”
 
“Hả!”. Ông giật mình sửng sốt!
 
“Vẽ cho tôi một con cừu…”
 
Ông nhảy nhỏm, giụi mắt năm lần bảy lượt. Và thấy một chú chàng tí hon rất mực kỳ lạ đương chằm chặp nhìn mình. Chú bé chẳng có vẻ gì là một đứa trẻ lạc lõng giữa sa mạc hoang vu, ở cách cõi sống của con người ngàn ngàn dặm đất.
 
“Nhưng… nhưng mà chú bé làm cái gì ở đây vậy?”
 
“Nếu vui lòng… xin vẽ cho tôi một con cừu!”. Chú dường như chẳng thèm để ý tới lời ông, nằng nặc đòi cho được ý mình.
 
Vì trước nay chưa bao giờ vẽ cừu, ông đành vẽ lại bức phác thảo số một cho chú. Và ông đờ đẫn kinh ngạc khi nghe chú bé tí hon nhìn bức họa nói:
 
“Không! không! Tôi không muốn. Tôi không thích cái con voi nằm trong bụng con trăn thế này đâu! Một con trăn, thật là nguy hiểm, và một con voi, thì thật là lịch kịch rầy rà. Quê tôi bé tí. Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho một con cừu đi.” Chú nài nỉ.
 
Từ chối mãi không được, ông đành vẽ con cừu cho chú. Vẽ đi vẽ lại mấy lần chú đều không chịu. Bực mình, ông vẽ đại… một cái thùng rồi gắt lên:
 
“Nè, con cừu chú muốn nè. Nó nằm ở trong đó đó!”
 
Chú bé mặt rạng ngời:
 
“Thật đúng cái tôi muốn! Bác nghĩ có cần nhiều cỏ cho cừu nó ăn không?”
 
“Vì sao hỏi vậy?” Ông chưng hửng.
 
“Vì quê tôi, thật bé tí…”
 
Hai người từ đó thân quen, tác giả và hoàng tử bé. Chú kể cho ông nghe những chuyến du hành qua các tinh cầu nhỏ, gặp bao nhiêu là chuyện lạ. “Tôi biết một tinh cầu có một ông nọ mặt đỏ như gấc chín. Chẳng bao giờ ông ta ngó một ngôi sao. Chẳng bao giờ ông ta yêu ai hết. Chẳng bao giờ ông ta làm một cái việc chi khác, suốt ngày ông ta lặp đi lặp lại y hệt như bác: “Tôi là một con người trang nghiêm!” và cái đó làm ông ta phình to lên cái lỗ mũi tự hào. Nhưng đó không phải một con người, đó là một cây nấm!”. “Một cây nấm ư?”. “Phải, một cây nấm!”.
 
Rồi chú gặp một vị vua ở một tiểu tinh cầu khác:
 
– A! Đây là một thần dân của ta! Nhà vua kêu lên khi thấy hoàng tử bé. Ngươi hãy đến gần cho trẫm nhìn ngươi được rõ!
 
Chú bé mỏi mệt, ngáp dài một cái.
 
– Đứng trước bậc đế vương mà ngáp là vô lễ! Ta cấm ngươi ngáp.
 
– Nhưng vì tôi không giữ được ạ! Tôi buồn ngủ quá!…
 
– Thế thì trẫm ra lệnh cho nhà ngươi ngáp. Nào, ngáp nữa đi!
 
– Nhưng tôi hết ngáp… được rồi!
 
– Hừm! Thế thì ta ra lệnh cho ngươi khi thì ngáp khi thì… Nhà vua có vẻ phật ý!
 
Rồi ở một tiểu tinh cầu khác, chú gặp một “người bận rộn”. Ông này bận rộn đến nỗi không ngẩng được đầu lên khi hoàng tử bé tới gần ông.
 
– Chào ông, em nói với hắn. Điếu thuốc lá của ông tắt rồi kìa!
 
– Ba với hai là năm. Năm với bảy là mười hai. Mười hai với ba là mười lăm. Chào chú. Mười lăm với bảy là hăm hai. Hăm hai với sáu là hăm tám. Chẳng có thời giờ! Hăm sáu với năm ba mươi mốt. Xong! Tất cả là năm trăm linh một triệu sáu trăm năm mươi hai nghìn bảy trăm ba mươi mốt.
 
– Năm trăm triệu cái gì vậy?
 
– Hử? Năm trăm linh một triệu… ta cũng chẳng biết là cái gì nữa. Ta có quá nhiều công việc phải làm!…
 
Và cứ thế chú bé đưa ta đi khắp các tinh cầu nhỏ bé… để rồi hiểu đựơc nụ hồng vì sao có gai, hiểu đựơc một người say xỉn, một anh hề, một con sói…!
 
Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry - bản dịch Bùi Giáng- là một tác phẩm đầy ắp tình người với những thông điệp vẫn còn nóng bỏng cho hôm nay: cứu lấy hành tinh chúng ta trước khi nó bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy!
 
Hãy một hôm gặp lại chàng! Hoàng tử bé của mỗi chúng ta!
 
“Em hồn nhiên  rồi em sẽ bình minh”
 
Tôi không tin Tản Văn Thi của Nguyễn Thị Khánh Minh là giấc mơ, là huyền thoại, là chiêm bao. Trái lại, nó rất hiện thực. Nó rất ở đây và bây giờ. “Đó là bức tranh sắc màu cuộc sống”: bức tranh của một gia đình hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ như ‘Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo… Tôi nghe tiếng còi tàu… ’(Kỷ Niệm, Phạm Duy).
 
Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng chim trao lòng tin cậy; chỉ ở đó mới có bờ vai nương tựa sớm hôm; chỉ ở đó mới có những ánh mắt sao trời thơ trẻ; và đôi cánh bay lên những ước mơ đằm thắm ngọt ngào của người thi sĩ, luôn nhắc nhở mình “đừng như bóng mây tan”.
 
Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng reo vui Tát-bà-ha của Tâm kinh Bát nhã khi thấy biết “ngũ uẩn giai không/ độ nhất thiết khổ ách”. Bát nhã (Prajnã) là cái nhận thức có trước nhận thức, là cái trí tuệ có trước trí tuệ, không đếm đo, toan tính,  nó vậy là nó vậy. Và chỉ ở đó, người ta mới thực sự hồn nhiên, thực sự reo vui: Tát-bà-ha!
 
Tiếng chim ríu rít mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy.
Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa.
Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong sáng.
Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người.
Bóng mây tan nhắc tôi mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu.
Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời tâm kinh bát nhã.
(Nguyễn Thị Khánh Minh, Khoảnh Khắc Giấc Mơ)
 
Cho nên người thơ viết: Nên tôi quý những điều tôi đã nhận/ Nên tôi tận lòng với những điều đang ở.
 
Còn có cách nào hơn là “mở con đường trú ngụ hơi thở tịch lặng” – Anapanasati- ở đó, hiện tại là sát-na mênh mông không ngằn mé…
Và chỉ ở đó: “Trong sáng láng ấy tôi đã gặp nhà thơ Mặt Trời. Lồng lộng nắng phương đông, chắt chiu hết tinh khôi nhân ái rắc xuống cánh đồng thơ diễm ảo. Tôi thức giấc từ lời hát của một bông cỏ dại người ban tặng và mảnh vỡ trái tim tôi thành những hạt pha lê được nuôi sáng bằng lời thơ dâng hiến…”
 
Phải, đã gặp một Tagore lồng lộng nắng phương Đông, một Tagore viết nên những lời thơ dâng hiến! Còn phải tìm kiếm đâu xa?
Và một khi đã thấy biết (tri kiến) như thế, khi đã reo vui như thế, thì người ta sống với yêu thương, sống trong yêu thương, sống vì yêu thương:
 
“Yêu thương nhé” “nói cùng lá cứ sống hết mình xanh”,
“yêu thương ơi xin thức dậy cùng người…”
“yêu thương ơi khoảnh khắc sum vầy đơn sơ thế xin một lần được cất cánh bay”.
Rồi tự dặn với lòng: “yêu thương ơi chút lòng riêng xin chắt chiu nghe…” “Cho dẫu chiều rồi phai nắng...”
(Nguyễn Thị Khánh Minh, Yêu Thương Ơi). 
 
Rồi một hôm, người Bạn sẽ đến. Thế nào cũng sẽ đến. “trong chiếc áo màu nắng mang theo chân trời rất lạ của phương Đông”. Phải chính là người Bạn “nơi con đường vừa mới có tên mọc đầy hoa Nguyện Ước”: “Lưu ly reo âm thanh trái tim. Và sẽ tặng tôi phép mầu của câu thơ đi vào cuộc sống. Tôi run rẩy chờ đợi…“. Người bạn đầy Nguyện Ước phương đông đó chính là Dược sư lưu ly quang Như Lai đó vậy!
 
Và dĩ nhiên người thơ sẽ đến điểm hẹn dầu giữa đêm tuyết giá. “Sẽ đem theo trái tim đầy tin cậy”. Trái tim đầy tin cậy, ấy chính là ‘Tín tâm”. Hãy giữ lấy. Dù “Ngày xám đục những mây/ đứng dưới một cây phong bay những chiếc lá khô/ Không có loài chim nào đến hót/ Cơn bão rớt đem mưa làm nước mắt…”. Cơn bão rớt sẽ đến rồi sẽ qua. Vô thường sẽ là ‘đóa hoa’ của Trịnh.
 
Rồi cũng có lúc “ngũ ấm xí thịnh”, người thơ hoang mang: Nếu có tìm tôi… Nếu có tìm tôi…? Ai tìm ai? Hãy nương tựa chính mình thôi nhé!
Nếu có tìm tôi. Xin trông chờ mảnh sáng sao băng.
Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm lời tình tự…
Nếu có tìm tôi. Xin theo dấu sáng đom đóm quyện hương bờ giậu quê nhà. (…). Cho tôi đôi cánh hoa bay về miền đồng lúa chín vàng. Ngôi làng không bận lòng gì hơn là sống bình yên. Có con tầu đi về chở chuyên hội ngộ. Mỗi tiếng cửa mở ra là một tiếng reo sum vầy. Mỗi bếp lửa là mỗi báo tin mùa màng no đủ.
Nếu có tìm tôi…Trên bước gió mở ngàn khơi nơi cuối cùng là phương Đông ấm một mặt trời…
(Nguyễn Thị Khánh Minh, Khoảnh Khắc Giấc Mơ, 2018).
 
Hoang mang thế nhưng rồi, như một nhà thơ từng viết: Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!
 
“Tôi đi tìm những trang bản thảo, mảnh đất tị nạn bình yên của tôi. Nơi có trò chơi trốn tìm dưới ánh chớp những chùm sao đang va vào nhau vang
dội. Âm thanh ẩn mật là chiếc chìa khóa cuối cùng tôi phải mở, cõi thách thức cảm xúc phục sinh.
Tôi nhặt được một trang bản thảo lem luốc đầy vết xóa và tôi nghe tiếng tim mình còn hồi hộp đập…”.
(Nguyễn Thị Khánh Minh. Trong Cơn Bệnh).
 
Phải, “Còn hồi hộp đập” nghĩa là còn sẽ nhặt nhạnh thêm.
“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” thôi mà! Phải không?
 
Đỗ Hồng Ngọc
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com