Chàng họa sĩ miệt mài vẽ. Chàng vẽ từ sáng sớm đến tối khuya. Lúc không vẽ, tức lúc ngủ, ăn, uống, làm vệ sinh… chàng nghĩ đến ý tưởng, chủ đề, màu sắc, kỹ thuật của tranh. Chàng sống cho hội hoạ cả ngày lẫn đêm.
Thực ra không hoàn toàn thế. Chàng cũng nghĩ đến nàng, cô gái trên lầu cao chàng yêu thầm nhiều tháng nay. Nói cho đúng hoàn toàn, chàng sống cho hội hoạ cả ngày lẫn đêm vì nàng, cô gái trên lầu cao ấy.
Chàng muốn có thật nhiều tranh để bán, vì chàng muốn tỏ tình với nàng. Tỏ tình đã khó, nhất là với những nghệ sĩ nói chuyện với tranh nhiều hơn tiếp xúc với con người như chàng, mà trong thời đại văn hoá Hàn quốc đang lên thì chàng lại phải gồng mình thực hiện một cuộc tỏ tình hoành tráng giữa chốn công cộng. Là nghệ sĩ, chàng không màng nhãn hiệu “kiết xác” hoặc cuộc đời “ăn mắm với tương”, nhưng giờ đây chàng nhận ra tiền bạc thật không dễ khinh rẻ. Ngoài số tiền cần thiết để mua xà bông, thuốc cạo râu, tiền cắt tóc, quần áo mới, chàng còn cần mua được một triệu đoá hồng để tỏ tình với nàng, vì chàng tin rằng cô gái nào cũng thích hoa hồng, và một triệu đoá mới đủ cho nàng và tất cả thiên hạ biết rõ ràng không còn chối cãi vào đâu được tình yêu mênh mông vĩ đại của chàng dành cho nàng. Vốn dĩ món tiền này không nhỏ, nó còn tăng thêm nhiều khi tính thêm mức hoa hồng chàng sẽ phải trả cho người môi giới bán tranh, kẻ chàng gọi là bạn mà trong bụng rủa thầm cái thứ kên kên.
Thế nên chàng hoạ sĩ vẽ, rồi lại vẽ, cho đến khi căn phòng nhỏ của chàng đã chất đầy tranh trên giường, bàn ghế, sàn nhà. Chàng quăng cây cọ xuống sau khi dùng nó ký tên vào bức tranh cuối cùng, không phải tên của chàng mà là tên của một hoạ sĩ đã qua đời từ mấy thế kỷ trước. Chàng ngắm tranh, chàng nhìn quanh phòng, thở ra nhẹ nhõm, không thể không cảm thấy tự hào vì những hy sinh, tận tuỵ hết lòng vì tình của chính mình. Chẳng bao lâu nữa, những hy sinh của chàng sẽ như cánh chim bay ra ngoài cửa sổ căn phòng nhỏ hẹp này, loan báo tình yêu của chàng cho nàng, cho thế gian biết bằng triệu đoá hoa hồng chàng sẽ mua và thuê người vác đến trải đầy dưới cửa sổ lầu cao của nàng. Chỉ cần hình dung vẻ kinh ngạc của nàng, giọt nước mắt cảm động của nàng, những lời xì xào tán thưởng của người ta, là chàng đã cảm thấy thiên đường gần ngay trước mặt.
Chàng hoạ sĩ lảo đảo đứng dậy. Chàng cầm điện thoại gọi người môi giới để bán tranh. Cứ ngỡ phải nhắn nhe vài bận mới nghe được giọng hắn, ai ngờ chuông reo là có hắn trả lời ngay. Chàng nói có nhiều tranh mới lắm, trường phái nào cũng có, hắn đến xem ngay vì chàng đang cần tiền gấp. Không thấy hắn nói năng gì, chàng vội vã nói dĩ nhiên mức hoa hồng hoàn toàn chiều theo ý hắn. Hắn im thêm một lúc, rồi nói hắn muốn giúp chàng lắm, nhưng không được. Giờ này ai đi xem, đi mua tranh bố ơi, hắn kết thúc với một tiếng thở ra, không rõ là thở dài hay ngáp dài, rồi cúp máy.
Chàng muốn giận điên lên vì thái độ phủi phui của hắn, nhưng giận cũng cần có sức, nên chàng dành chút năng lượng còn lại kiếm tiền lẻ ra ngoài mua thức ăn. Ngoài con ngõ cụt nơi chàng ở, đường phố vắng vẻ lạ thường. Tiệm tiện lợi nho nhỏ có cô hàng hay cho chàng mua chịu mọi thứ từ thỏi kẹo lót lòng cho đến chai rượu khi sầu đời (và sầu tình) hôm nay đóng kín, chỉ có một ô vuông nhỏ là chỗ mua bán. Cô hàng nghiêng mắt nhìn qua ô vuông, khuôn mặt che gần hết sau cái khẩu trang, đôi tay nhận tiền giao hàng cũng đeo găng bảo vệ.
Hoá ra trong lúc chàng gắng sức vẽ tranh, thế giới đã vào thời Coronavirus mà chàng không hề hay biết. Tuần lễ trước khi mua bánh mì và nước chai chàng còn được cô hàng tặng cho nụ cười răng khểnh, vậy mà hôm nay chính quyền đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ra lệnh cách ly toàn bộ, không thật cần thiết thì phải ở trong nhà. Chàng đã lỡ dịp mua hàng trữ chờ qua cơn dịch, mà đúng ra chàng cũng đâu có tiền để mà mua cái gì. Giờ đây trong căn phòng thiếu tất cả mọi thứ của chàng, thứ dư thừa chỉ là tranh vẽ và thời giờ để chàng nghiền ngẫm số phận hẩm hiu của mình. Ngày kế tiếp, sau khi nài nỉ gã môi giới mua tranh rẻ giùm mà không được, chàng thất thểu đến gần nhà nàng, ngóng cái cổ đã gầy lại càng trơ xương về phía cửa sổ trên lầu đang đóng im ỉm của nàng. Con phố vắng tanh, vài chiếc lá khô lê thê cuốn theo cơn gió. Chàng ngồi bệt xuống góc tường một căn nhà, nhắm mắt lơ mơ hình dung triệu đoá hoa hồng nở thắm trong nắng vàng, nụ cười rạng rỡ của nàng, giọt nước mắt cảm động của nàng…
Không biết chàng mơ màng gà gật như thế bao nhiêu lâu. Khi chàng mở mắt, con phố không còn vắng tanh. Những cửa sổ chung quanh mở he hé với những con mắt tò mò. Dưới cửa sổ của nàng, một gã dáng vẻ trọc phú đang chống nạnh chỉ huy vài người lăng xăng quanh những thùng hàng lớn. Chàng dụi mắt nhìn. Nhiều thùng quá, nào giấy vệ sinh, khẩu trang, thuốc rửa tay, đồ hộp…Theo lệnh gã trọc phú, mấy người khuân vác từ từ xếp những thùng hàng cao lên, thùng nặng hơn bên dưới, thùng nhẹ hơn bên trên, cao lên, cao lên mãi đến bậc cửa sổ trên lầu cao của nàng. Chàng vừa bực tức vừa khinh bỉ. Rõ tên trọc phú này chẳng hề biết lãng mạn là cái quái gì, cho dù đang thời đại dịch thì hắn cũng phải tặng kèm hoa hoét gì đó chứ. Người con gái thanh thoát, mơ mộng như nàng chắc hẳn sẽ không chịu nổi cái gã trần tục này. Bằng chứng là hắn hét bảo người làm ầm ầm nãy giờ mà nàng có thèm đến cửa sổ nhìn xem đâu.
Những cái thùng đã chất cao quá bậc cửa sổ, gã trọc phú sai người kê cái thang bên cạnh rồi hì hục leo lên. Chàng hoạ sĩ mỉm cười khinh khỉnh, trong khi hàng xóm và chú mục theo dõi, ai cũng thầm suy tính biết đâu nếu nàng không thèm nhận quà thì gã trọc phú quê quá sẽ bỏ hàng dông mất, một dịp tốt để họ có thêm những món đang khan hiếm. Leo lên nửa chừng, gã trọc phú phải ngừng lại thở. Đột nhiên, một cánh cửa sổ của nàng mở hé, nàng nghiêng đầu nhìn ra, nhìn từ thùng giấy vệ sinh và khẩu trang ngay tầm bệ cửa sổ xuống đến thùng cá hồi đóng hộp, loại đánh bắt tận ngoài khơi Alaska, lại không phải nhãn hiệu Trung Quốc mà đúng 100% Mỹ Quốc, xuống tận thùng thịt đông lạnh dưới cùng, rồi lại chuyển lên khuôn mặt đỏ gay rịn mồ hôi của gã trọc phú. Đây là lúc nàng ném cho hắn cái nhìn chán ghét rồi đóng sập cửa, chàng đinh ninh thế. Thậm chí một khóe miệng của chàng đã nhếch lên mỉa mai chờ đợi. Nàng đứng yên một lúc, trong thế đứng chàng rất quen thuộc mỗi khi đi qua, rất yên lặng, một dáng vẻ có thể diễn dịch nhiều kiểu, mà dĩ nhiên với chàng bao giờ cũng rất trầm tư mơ mộng lãng mạn. Gã trọc phú dường như được thêm sức mạnh, hào hển leo thang tiếp, nhưng gần đến bậc cửa sổ lại phải ngừng để thở. Cái nhếch miệng của chàng họa sĩ trở thành phân vân. Giờ đây, khi gã trọc phú hai tay bám thang ngước nhìn cô gái trong cửa sổ, chàng chợt nghĩ đến khung cảnh cổ điển chàng-nàng có lẽ bắt nguồn từ những tòa tháp Trung cổ, từ cổ tích Rapunzel, từ Romeo-Juliet của Shakespear. Chàng họa sĩ run lên, vì đói mệt cũng có mà cũng vì một linh cảm chẳng lành.
Cô gái trong cửa sổ mỉm cười. Nụ cười đẹp hơn triệu đóa hồng chàng rắp ranh muốn tặng cho nàng, nụ cười chàng từng mong đổi lấy bằng một triệu đóa hồng. Nhưng thay vì nụ cười nở triệu đóa hoa thắm tỏa hương, giờ đây nó lấp lánh tiền đồng và lẫn lộn nhiều thứ mùi của những cái thùng chồng chất, cộng thêm mùi mồ hôi của những người khuân vác và của cả tên trọc phú đang say đắm nhìn nàng. Sấm sét nổ đùng đùng chói chang trong tim óc, chàng họa sĩ ngã lăn bất tỉnh.
Chàng họa sĩ bất tỉnh không lâu, chỉ vừa đủ thời gian thu dọn cảnh tượng tỏ tình hoành tráng của gã trọc phú. Chàng tỉnh lại giữa con phố vắng ngắt ngập trong nắng chiều và những cửa sổ im ỉm đóng. Chàng muốn ngước nhìn cửa sổ của nàng, như mọi khi. Nhưng chàng ngăn mình lại. Còn hy vọng gì nữa đâu mà ngóng tìm. Chàng lê bước trở về phòng trọ. Đến gần tiệm tiện lợi đầu ngõ, chàng nắn túi thấy chẳng còn đủ để mua gì cả, mà trong thời đại dịch chắc chả ai muốn cho mua chịu. Trong ô cửa nhỏ, cô hàng lên tiếng gọi chàng. Bàn tay đeo găng thò qua ô cửa trao cho chàng một ổ bánh mì và chai nước lạnh. Giọng cô qua tấm khẩu trang dầy hơi lùng bùng, hay có thể tiếng ù trong tai chàng họa sĩ khiến chàng cảm thấy thế. Cô bảo bánh mì này cũ sắp quá hạn, mong anh đừng phiền nghe anh. Chàng họa sĩ ngẩn người. Chàng chợt nhận ra cô hàng có đôi mắt thật trong, thật sáng, đôi mắt bỗng chạm đến trái tim chàng, vì đôi mắt ấy đã nhìn thấy chàng.
Đêm ấy chàng họa sĩ ngủ rất ngon. Chàng mơ thấy một triệu đóa hoa hồng trước cửa tiệm tiện lợi, và nụ cười của cô hàng (trong mơ cô không đeo khẩu trang), và giọt nước mắt cảm động của cô. Hẳn khi thức dậy và suy ngẫm thêm, có thể chàng sẽ nhận ra những rắc rối và cản trở buôn bán khi một triệu đóa hồng dồn đống trước cửa tiệm, nhưng trong giấc mơ đó là những chi tiết thừa thãi làm mất cảm hứng. Cách ly bắt buộc còn ít nhất cả tuần nữa, chàng còn rất nhiều thì giờ mơ mộng cho đã thèm trước khi trở lại thế giới hậu đại dịch.
Tiểu Thư – 03/21/20