
Hình trên net
Tự dưng sáng nay ra chợ đầu làng mua thức ăn cho buổi trưa, nghe một bạn trẻ phụ mẹ bán hàng cảm ơn sau khi thối tiền thừa, rồi hình như hàng quán nào cũng có hai tiếng cảm ơn, tôi rất ngạc nhiên, bởi lâu lắm rồi, tôi ít nghe hai tiếng này, mặc dù nó là câu cửa miệng, là văn hóa thuần túy, thuần tình của xã hội loài người.
Hai tiếng “cảm ơn” vốn dĩ rất thường tình, vậy mà nó trở nên quí hiếm ở xã hội hiện nay. Dường như con người đã quên mất phần xin lỗi và cảm ơn, điều đó, phải chăng con người đã quên mất sự hối lỗi và lòng biết ơn? Khi ra đường, va quẹt xe nhẹ với nhau, thay vì xin lỗi nhau, hỏi han, tìm cách khắc phục hậu quả… thì không, phùng mang trợn mắt quát nạt nhau và cuối cùng là lao vào đánh nhau, đi bệnh viện. Ngay cả con cái đối với cha mẹ, thay vì tỏ ra biết ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục mình có được ngày hôm nay cho dù khó khăn hay thoải mái… Thì người ta quay sang trách cứ cha mẹ đã không để cái này, cái nọ cho con. Ra xã hội thì được giúp điều gì đó, thay vì biết ơn, người ta nhầm tưởng rằng đó là sứ mệnh, trách vụ của người khá hơn họ, phải giúp họ. Chuyện này đầy rẫy. Và tự dưng, hai tiếng cảm ơn nghe được trong chợ quê khiến ấm lòng đến lạ!
“Cảm ơn” mất tự bao giờ?
Chân chất, thật thà, không nói thách và biết cảm ơn, đặc trưng của chợ quê. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Anh cả trong họ của tôi, năm nay đã 78 tuổi, tên Ba Hưng, từng có một thời là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, anh đi binh chủng Dù. Anh kể rằng từ khi làm sĩ quan đến giờ, anh có thói quen đi chợ giúp vợ hoặc cùng đi chợ với vợ những ngày cuối tuần, nghỉ phép… Chợ gắn với anh bằng nhiều ký ức, hình ảnh đẹp. Bởi từ nhỏ, làm anh cả trong một gia đình đông anh em, anh biết đến chợ rất sớm. Số là cha của anh, tức bác họ tôi có hùn vốn với người ta sắm một chiếc tàu đánh cá gần bờ, cứ đến cuối tuần thì anh đạp xe ra Đà Nẵng chia cá về, tự chở ra chợ bán và mang tiền về nộp cho mẹ để mua sắm thức ăn gia đình cả tuần. Còn mẹ anh thì bận bịu buôn bán, con cái, cha anh đi dạy.
“Từ nhỏ anh đã quen với mùi chợ, và cảm nhận xã hội thông qua cái chợ,” anh Ba Hưng chia sẻ.
Một góc chợ quê ở miệt Đồng Bằng Sông Cửu Long. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Hồi đó anh hay đi chợ quê hay chợ phố?”
“Trước 1975, không mấy ai phân biệt chợ quê, chợ phố gì đâu. Chợ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, quê hay phố gì cũng hiền hòa, người mua kẻ bán đều hiền. Chỉ khác chăng là chợ phố, các chợ lớn hay có giật đồ, móc túi… Còn chợ quê thì không có, bởi dân quê còn nghèo. Riêng người mua và người bán đều hiền, lịch sự.”
“Vậy là sau 1975 trở nên hỗn độn và hết lịch sự?”
“Không, phải là một thời gian dài sau đó. Mà nguyên nhân là do kinh tế tập trung bao cấp.”
Tạp hóa tự phát ở ngã ba đường. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Kinh tế tập trung bao cấp có liên quan gì đến mấy tiếng cảm ơn anh hè?”
“Có đó, nó rất liên quan, bởi thời kinh tế tập trung bao cấp (TTBC), hàng hóa ngoài chợ rất khan hiếm, hầu hết ở cửa hàng mậu dịch của nhà nước, cửa hàng bách hóa tổng hợp, rồi các kho lương thực, dễ gì lọt ra chợ. Những ai ngồi chợ mà có hàng cần thiết để bán, không bị bắt thì chắc chắn phải là thứ dữ, có dây mơ rễ má với quan lớn. Chính vì vậy mà những người bán hàng không cần khách và cũng rất hách dịch. Người mua phải cảm ơn họ nữa kia. Dần dần, hai tiếng cảm ơn bị mất dần, chính cái nền kinh tế TTBC đã xóa mất hai tiếng này!”
Thức quê ở chợ miệt Tây Nam Bộ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Nhưng sau này, đến kinh tế thị trường, vẫn thấy vắng tiếng cảm ơn, họa hoằng lắm mới gặp?”
“Thì cái hay phải tích tập cả mấy thế kỷ mới có, nhưng xóa bỏ nó đi thì vài ngày thôi chứ chả cần phải vài năm đâu. Cả một thư viện sách người ta tốn cả mấy trăm năm để có được các đầu sách, thế nhưng chỉ cần một mồi lửa với vài giờ là bắt đầu tiêu tán rồi, đâu có dễ gì mà in ấn, lục tìm trở lại, thậm chí mất dấu luôn. Huống chỉ mấy chữ cảm ơn vốn dĩ không in thành văn bản, nó nhanh bị xóa lắm. Ngay cả những người lịch sự, sống có văn hóa, họ cũng thấy phi lý khi nói hai chữ này với kẻ mà lẽ ra phải nói với họ. Như vậy là nó tiêu tan ngay thôi. Cảm ơn chỉ còn ở một số người. Và xin lỗi cũng vậy!”
Phảng phất buồn quê kiểng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Hai tiếng xin lỗi, theo anh tại sao nó cũng vắng bóng?”
“Nó vắng bóng bởi vì người ta mất đi khả năng phân biệt đúng - sai, người ta sống với nhau bằng bạo lực, mọi thứ giải quyết bằng bạo lực thì lấy đâu ra chuyện xin lỗi, con người đánh mất khả năng biết ăn năn và khả năng biết ơn. Khi con người bị đánh mất hai khả năng này thì tính người cũng xa dần, thật đáng buồn!”
“Thời gian gần đây, có vẻ như ở các chợ quê, lời cảm ơn và xin lỗi đang dần quay lại. Theo anh đâu là nguyên nhân của chuyện đáng mừng này?”
“Có hai nguyên nhân, Do dịch cúm chết chóc và do người ta đã phá vỡ điển hình quan lại”
Cà pháo, mắm ruốc, thức quê ưa chuộng của nhiều người. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Nghĩa là sao anh?”
“Em nên tìm những người biết cảm ơn và biết xin lỗi ngoài các chợ để hỏi, họ sẽ trả lời rốt ráo hơn!”
Những cuộc đời vấp ngã và ngang trái…
Ghé một chợ quê Điện Bàn, thử mua một ít đồ, hễ gặp người nào biết “cảm ơn” thì tôi sẽ trò chuyện. Điều làm tôi ngạc nhiên là hầu hết những người bán hàng ở đây đều là người tôi cần trò chuyện, hỏi họ thử họ cảm ơn với tâm lý ra sao, họ có lại hai tiếng này từ bao giờ. Thành, một người thanh niên phụ mẹ bán hàng ở chợ quê Điện Minh, chia sẻ, “Trước đây gia đình em khá giả lắm, thế rồi hơn mười năm trước, gặp một chuyện buồn, mọi thứ lụn bại. Giờ em ra đứng chợ phụ mẹ vậy đây!”
Một góc quê ở chợ phố. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Người bán trong chợ này, em biết nhiều không?”
“Thì cùng cảnh với nhau hết. Bởi nếu ai có nghề buôn gọi là truyền thống thì có gian hàng ở chợ huyện cả, còn ở chợ làng, chợ quê như vậy thì chủ yếu là dân thất nghiệp, bán kiếm thêm thu nhập hoặc vỡ nợ ra đây ngồi à. Như nhà em trước đây là nhà hàng nổi tiếng, cả huyện này biết, đang làm ăn khà giả, tự dưng lâm vào đủ thứ chuyện, ba em qua đời, mẹ em phải ra đây ngồi bán, rồi tới chị gái em, rồi em phụ mẹ. Trong này hoàn cảnh nhiều lắm!”
Đậu phụ ở một gian hàng bình dân. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Em thấy sau dịch có thêm người nào không?”
“Sau hai đợt dịch bùng phát vừa qua, có thêm sáu người ra ngồi bán, họ là nông dân nè, rồi chủ quán, công nhân khu chế xuất nữa. Hầu hết thất nghiệp, chẳng biết làm gì, thôi thì ban đầu hái mớ rau vườn ra ngồi chợ mà bán, dần dần thấy bán ở chợ vừa vui, lại vừa có tiền hơn bán sỉ, vậy là ra ngồi bán lẻ. Rồi sau đó mua thêm chục trứng, con gà, mớ cá đồng ra ngồi bán, dần thành nhà buôn lúc nào không hay”
“Anh để ý thấy ở chợ mình, ai bán được gì, cho dù vài ngàn đồng cũng cảm ơn khách rất nhiệt tình, thiện chí, không biết có ai hướng dẫn hay qui định chung gì trong chợ, hoặc có ai khuyến khích như vậy không?”
“Dạ, không, hoàn toàn không có ai hướng dẫn hay khuyến khích gì hết, bởi ở đây là chợ quê, nó không có bị xô bồ, hơn nữa những người ra đây ngồi bán phần lớn là dân từng làm ăn thành đạt nhưng do bị một cú sốc nào đó nên đổ bể. Và ngay từ đầu họ là những người có hiểu biết, nên chuyện cảm ơn hay xin lỗi ở đây rất thường tình, nó không có diễn hay cố tình gì cả!”
Bán hàng cần phải lịch sự, văn hóa, hình như người ta đang cố tìm lại một thứ gì đó... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Em có hay đi chợ huyện, chợ phố không? Em thấy sao?”
“Dạ có chứ, tuần nào em cũng có đi chợ huyện, chợ phố anh à. Ngoài các chợ này thì xô bồ hơn, bởi họ hầu hết dân gốc buôn bán từ những năm sau 1975, mà thời đó, mẹ em kể là dân ngồi chợ có số có má lắm, bởi không có số má thì ra chợ biết buôn thứ gì chứ. Chính vì vậy mà ngoài chợ thời đó có những ông, những bà có thể chửi người ta té tát mà không sợ ai, bởi vì họ có gốc gác, có cái dù… Chính cái thời đó đã định hình cái chợ xô bồ. Còn những người bán ở chợ quê hầu hết là nông dân chân chất, rồi người làm ăn từng thành công, nên có văn hóa hơn. Mà em cũng đi các chợ quê khác, cũng thấy vậy à, họ chân chất, hiền lành và lịch sự lắm. Ai xô bồ bảo đảm vào chợ quê vài bữa là tự loại ra ngay à!”
“Nói như vậy, có nghĩa là chợ quê không có xô bồ?”
“Dạ không hẳn vậy, đã là chợ, chắc chắn phải có cạnh tranh, kèn cựa và xô bồ rồi. Nhưng ít hay nhiều, xô bồ với ai, chứ phần đông chợ quê người ta hiền, chỉ có lâu lâu gặp dân bán dạo tỉnh khác tới, có vẻ không đàng hoàn thì người ta đối xử hơi gắt một chút rồi cũng thôi. Nói chung, chợ quê lịch sự, đàng hoàng, em thấy vậy!”
Thôn quê bây giờ phát triển nhiều thứ, chỉ có văn hóa là mới hồi sinh chút đỉnh. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Đương nhiên những gì Thành nói chưa hẳn chính xác hoàn toàn, và bản chất của việc lưu giữ hai tiếng cảm ơn và xin lỗi cũng không hẳn xuất phát từ chỗ như Thành nói. Cũng có thể có một phần như anh Hưng nhận xét là do người ta phá vỡ điển hình quan lại, tức không còn xem cung cách của giới quan chức là hình mẫu, không còn xem bỗ bã, vô tâm và hiếp đáp người khác như một thứ ứng xử xã hội thành công nữa… Nhưng dẫu sao, khi người ta bắt đầu trở lại với cái thời biết nói cảm ơn và xin lỗi, đó cũng là tín hiệu mừng vui.
Nguyên Quang