Sau sự rút lui của quân đội Hoa Kỳ, Cộng sản tiến vào thành phố Sài Gòn. Ảnh chụp ngày 30 Tháng Tư năm 1975. (Hình: PhotoQuest/Getty Images)
Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.
Cậu ba tôi, đã từng ngã xuống dưới họng súng của những người cộng sản. Cậu út tôi, một người tài hoa của gia đình và xã hội, cũng sống một đời sống dở chết dở dưới thủ đoạn của cộng sản. Ông ngoại tôi, một bác sĩ tim mạch được đào tạo ở Pháp, một trí thức mang tư tưởng cấp tiến, một đời chỉ biết sống với lý tưởng dùng tài đức phục vụ cho con người. Nhân cách của ông ngoại đã ảnh hưởng đến tôi rất lớn, dù khi ông mất, tôi chỉ mới 8 tuổi, nhưng những kỷ niệm về ông tôi chưa từng quên. Tôi chọn nghề y cũng có lẽ ảnh hưởng từ ông. Tư tưởng chính trị của tôi có lẽ từ bé ảnh hưởng từ cậu út tôi, một người có tài và tư tưởng lớn nhưng rốt cuộc lại bị hủy dưới tay cộng sản.
Ngược lại, bà ngoại và hai dì của tôi, cũng là những người trí thức, nhưng lại dùng cả đời phục vụ cho lý tưởng cộng sản.
Cuộc đời luôn có những oái ăm, mà vô phúc cho những người phải sống trong dòng lịch sử đó, họ phải lội ngược xuôi, cuối cùng khi mất đi, đất nước này vẫn đang vật lộn với chuỗi ngày u tối cho những người dân đen, những người ở đáy tầng của đời sống.
Rất nhiều người đã từng hỏi tôi, rằng tôi có ý thức đấu tranh từ khi nào, tôi cũng từng trả lời rằng, tôi có tư tưởng chính trị từ bé, đó là tư tưởng xuất hiện từ vô thức, trước khi tôi hiểu rõ về chính trị là gì thì đã có nó rồi. Bởi vì gia đình hoàn cảnh phức tạp, tôi có được sự nhận thức đa chiều, một kinh nghiệm quý giá.
Dượng tôi, một người từng lăn lộn ở chiến trường biên giới Cambodia, Lào, Thái Lan, ở ông có cả một bầu kiến thức và kinh nghiệm. Ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều về cuộc sống của miền Nam. Ông là người đã sống qua hai thời kỳ, ông quá hiểu về chế độ.
Qua lời kể của ông, tôi biết được một miền Nam từng yên bình như thế nào. Người dân được học hành, khám chữa bệnh miễn phí, được hưởng trợ cấp khi khó khăn. Ông dùng từ “nhà thương” chứ không phải gọi “bệnh viện” như bây giờ, vì người dân vào nhà thương, được chăm sóc tận tình và miễn phí.
Ông cũng kể những năm tháng ông lăn lóc ở chiến trường, chiến đấu dưới màu cờ quốc gia. Có những chuyện ông kể, tuy là một góc nhỏ bé, nhưng tôi nhớ hoài. Ở rừng, có gì ăn đó, những lúc lương thực viện trợ của Mỹ chưa đến kịp, phải ăn thú rừng, đôi khi những con thú như voi, vô tình bị trúng đạn chết, người lính đành ăn thịt voi mà sống. Ông kể, cái vòi con voi, nấu lên nó nở to như cái nia. Những kinh nghiệm sống đó, không phải ai cũng trải qua.
Sau năm 1975, ông sống như một người ẩn cư, nhưng vẫn không yên ổn với cộng sản, cuộc sống như người vô gia cư, rày đây mai đó, không giấy tờ tùy thân. Đối với ông, cuộc sống sau năm 1975 như đày ải, mọi tự do bị tước sạch. Từ khi cộng sản nắm quyền, họ chỉ lo thu tóm quyền lực, giống như con khỉ ở rừng, sau khi được thả với tâm lý phải chứng tỏ bản lĩnh, người cộng sản không từ thủ đoạn, dùng chính sách cai trị khắc nghiệt để người dân miền Nam phải tuân phục và sợ hãi. Đấu tố, tù đày, giết chóc diễn ra khắp nơi, những người từng phục vụ cho quốc gia, hầu như không còn đường sống.
Ba Mươi Tháng Tư của gần nửa thế kỷ sau biến cố, tôi đứng ở hiện tại của một đất nước được gọi là “thống nhất.” Nhưng nếu hiện tại của Việt Nam yên bình và nhân dân ấm no, có lẽ tôi đã không dấn thân vào cuộc đấu tranh làm gì.
Ngay những ngày đàu tiên đặt chân vào miền Nam đã diễn ra tình trạng của cải của người dân miền Nam bị vơ vét. (Hình: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)
Tôi không quan tâm quyền lực, chỉ mong muốn một cuộc sống yên bình, tự do và khai phóng tư tưởng. Nhưng thực tế, từ quá khứ cho đến hiện tại của chủ nghĩa Cộng Sản, đời sống Việt Nam không thay đổi, hay chỉ thay đổi hình thức giả tạo để che lấp dưới mắt quốc tế. Bản chất người cộng sản vì lợi ích đảng phái, vì lợi ích cá nhân và quan điểm triệt tiêu người bất đồng, đường lối chính trị của họ mãi mãi vẫn như vậy. Bản chất ác nguỵ của người cộng sản không bao giờ thay đổi.
Kẻ cầm quyền hôm nay, cho người dân ăn bánh vẽ cộng sản nhưng chính họ lại xa rời lý thuyết chủ nghĩa Cộng Sản mà họ rao giảng. Và tôi tự hỏi, những người đang mang mác cộng sản ở Việt Nam hiện nay, thực chất họ đang theo chủ nghĩa gì? Phải chăng đó là chủ nghĩa thực dụng và lợi ích nhóm, thu vén và tiêu diệt những ai thấy họ bộ mặt của họ?
Con đường của tôi và nhiều người Việt Nam khác mong muốn tự do cho đất nước, còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng khi nào Việt Nam còn chưa được thật sự tự do, cuộc sống người dân còn chưa đủ ấm no cho tầng lớp đáy tầng thì tôi vẫn phải tiếp tục tranh đấu.
Ít nhất, Việt Nam phải được như miền Nam trước kia, một miền Nam tự do, dân chủ và văn minh. Nếu tốt hơn, phải kiến tạo được một Việt Nam giàu đẹp, con người giàu tinh thần dân tộc, đề cao đạo đức, khai phóng tinh thần, hướng thượng và nhân bản, chứ không phục vụ cho một lãnh tụ bất diệt hay đảng phái nào tự cho quyền mình cai trị mãi mãi trên đất nước.
Huỳnh Thị Tố Nga
(Tác giả là tù nhân lương tâm, nhận án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự CSVN)