User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

VuNgocBich

Vũ Ngọc Bích là cựu SVSQ Khóa 18 Thủ Đức.

Thật lòng, tôi rất ái ngại khi viết về môt tác phẩm, vì luôn nghĩ là mình không đủ khả năng để hiểu và viết, nhất là về một tập hồi ký, hầu hết là chuyện cá nhân, đậm nét chủ quan, mà người đọc ngoài cảm tính khó có thể “thẩm thấu” được.

Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt, nếu không nói là ngoại lệ. Anh Vũ Ngọc Bích, dù là đồng môn, cùng khóa 18 Thủ Đức với tôi, nhưng anh hơn tôi rất xa, gần như trên mọi lãnh vực. Hơn nữa anh chị Bích đã dành cho tôi một tình cảm thân thiết như em út trong nhà. Đó là lý do giúp tôi mạnh dạn viết đôi dòng về tập Hồi Ký “Vui Buồn Đời Quân Ngũ” theo yêu cầu của anh.

Cùng một khóa Thủ Đức, nhưng trước đây anh Bích và tôi chưa hề quen biết nhau. Lúc còn là Sinh Viên Sĩ Quan, anh thuộc Đại Đội 1, tôi thuộc Đại Đội 4, và khi ra trường anh về Sư Đoàn 25BB Vùng 3, còn tôi về Sư Đoàn 23BB thuộc Vùng 2 ChiếnThuật. Cơ duyên để tôi được gặp anh là nhờ anh Vũ Đức Nghiêm, một niên trưởng ở cùng trại tù với tôi ngoài Bắc. Người đã sáng tác và phổ những bản nhạc rất xúc động mà tôi và đám bạn tù thường ngâm nga trong những ngày tháng mòn mỏi, khốn cùng. Những bài hát đã giúp chúng tôi những giây phút tạm quên thực tại bi thảm và có thêm nghị lực tiếp tục đếm những năm tháng mịt mùng lê thê trước mặt.

Là tác giả nổi danh với nhạc phẩm Gọi Người Yêu Dấu, trong hoàn cảnh nào cũng giữ được tâm hồn nghễ sĩ. cùng nặng tấm lòng với đồng đội, quê hương. Anh Vũ Đức Nghiêm đọc một số bài viết của tôi ở đâu đó, có ít nhiều đồng cảm, và dành cho tác giả, người bạn cùng tù em út ngày xưa, chút tình quí mến. Tháng 8 năm 2008, biết tôi ra mắt tập truyện đầu tay Ở Cuối Hai Con Đường tại Nam Cali, để gây quỹ giúp anh em Thương Phế Binh VNCH đang còn sống lây lất ở quê nhà, anh rất muốn đến tham dự để chia sẻ và khích lệ, nhưng vì sức khỏe không tốt, nên anh không thể đi xa được. Anh giới thiệu người em ruột, một cựu thiếu tá QLVNCH, đặc biệt cùng khóa 18 Thủ Đức với tôi, thay mặt anh đến dự. Tôi rất cảm động trước cái ân tình mà một niên trưởng, cũng là một nhạc sĩ tài danh, đã dành cho mình.

Và người thay mặt anh đã đến tìm tôi bắt tay thật chặt hôm ấy, chính là anh Vũ Ngọc Bích, tác giả tập hồi ký “Vui Buồn Đời Quân Ngũ”, mà anh đã mang đến tặng tôi.

Ngay khi chưa đọc được trang hồi ký nào của anh, tôi cũng đã nhận ra rằng, anh có nhiều điều hơn tôi. Tuổi tác hơn tôi, cao lớn đẹp trai (cái này thì bỏ tôi rất xa), nói năng bặt thiệp và mọi thứ đều thăng tiến hơn tôi.

Về nhà, tôi nằm đọc một mạch hết tập hồi ký đúng 300 trang của anh. Đọc say mê. Không chỉ vì cách hành văn lôi cuốn mà ngay cả cuộc đời của anh cũng làm tôi thích thú, ngưỡng mộ. Từ binh nghiệp, đến tình yêu, cách hành xử với người tình, với vợ, với gia đình, với cấp chỉ huy, đồng đội, tất cả đều hơn tôi một trời một vực. Trên chiến trường hay trên tình trường, anh luôn là người chiến thắng vẻ vang. Có thể nói không ngoa, anh xứng đáng là bậc thầy của tôi.

Cũng như tôi, khi mới ra trường anh được bổ nhậm về một tiểu đoàn bộ binh tác chiến. Khi còn giữ chức vụ trung đội trưởng, ngay giữa một trận chiến đang khốc liệt, anh phải “xử lý thường vụ”, thay thế cho vị đại đội trưởng bị trọng thương, điều động đại đội, khôn ngoan, gan dạ, vượt khỏi vòng vây địch, tiến chiếm mục tiêu, tạo nên chiến thắng lẫy lừng. Anh bị thương, được tản thương về TYV Cộng Hòa. Đến thời điểm đó anh đã được ân thưởng ba huy chương anh dũng bội tinh, 2 ngôi sao vàng, 1 ngôi sao bạc và tất nhiên kèm thêm một Chiến Thương Bội Tinh. Trong khi tôi cũng đã từng tham dự vài trận lớn, nhưng chỉ được một ngôi sao bạc và một ngôi sao đồng! Quả thật, anh đã chỉ huy tài ba và chiến đấu dũng cảm hơn tôi.

Ở đơn vị, anh được mọi người từ cấp chỉ huy tới binh sĩ thuộc cấp thương yêu quí mến. Điều ấy tôi không lấy làm lạ, sau khi được biết anh. Trong bất cứ thời gian nào, lúc còn đi học, lúc ở quân trường và khi ra đơn vị, ở đâu anh cũng có nhiều người đẹp sẵn sàng dâng hiến trái tim mình. Điều này tôi cũng không ngạc nhiên, bởi anh vừa đẹp trai, vừa hiền lành và trong giao tiếp, nói năng rất dễ làm “xao động trái tim … người ta”!

Trong lãnh vực đặc biệt này, anh cũng đã bỏ xa tôi đến hàng ngàn cây số. Nhưng điều làm tôi phục nhất là anh dứt tình đúng lúc, không đi quá xa trên con đường tình ái, tránh hệ lụy cho người tình. Sau khi anh đã lập gia đình, vẫn còn có nhiều mỹ nhân sẵn sàng làm “em gái hậu phương”, nhưng anh vẫn một mực trung thành với phu nhân. Điều này tôi có thể hiểu được, vì chẳng có người đẹp nào có thể qua mặt được bà xã của anh. Chị Cẩm Vân là một người vợ hiền lành phúc hậu, tài sắc vẹn toàn, bạn bè ai cũng yêu thương mến mộ. Thêm một điều gắn bó khác, anh chị đều là những con cái của Chúa. Hai gia đình đều có những vị mục sư khả kính, nổi danh trong nhiều Hội Thánh Tin Lành.

Do thương tích, anh được thuyên chuyển về Cục Mãi Dịch. Đảm trách nhiều chức vụ, qua những phần hành khá quan trọng, nhưng anh luôn làm tròn vai trò trách nhiệm của mình. Năm nào cũng được giấy khen, tưởng lục. Đặc biệt có thời gian anh được biệt phái làm việc cho Hội Nghị Liên Minh Thế Giới Chống Cộng, và được Tổng Thống VNCH ân thưởng Chương Mỹ Bội Tinh. Giữa năm 1970, anh được tuyển chọn sang Hoa Kỳ tham dự các khóa học chuyên môn. Tại đây, trong lúc người bạn thân của anh có “cô bồ da trắng Lisa”, còn anh thì chỉ cho người bạn mượn phòng, mà nhất định không để bị dụ dỗ bởi bất cứ “kiều nữ mắt xanh da trắng” nào, như lời vợ dặn dò; và trong đêm Giáng Sinh thơ mộng, anh cũng không nghe lời rủ rê của đám bạn bè người Mỹ, bước vào các chốn ăn chơi. Trước khi từ giã vợ lên phi cơ sang Mỹ, anh đã bảo chị yên chí: “Chỉ cơm nhà quà vợ”, “chỉ thích cá kho dưa giá, chứ không thèm beefsteak dai lắm!”

Đọc anh, biết về anh, và được quen anh, bỗng dưng tôi có một chút hối hận. Ngày xưa, thực tình tôi khá hoang đàng chi địa, bà xã biết được, tôi chỉ nói nịnh được một câu “thông cảm, lính mà em!” là bà ấy cười, tha tội!

Chỉ với đúng 300 trang sách nhỏ, tác giả đã kể cả một cuộc đời đầy những thay đổi thăng trầm, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, những tiếc thương cho bạn bè, đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến có quá nhiều bất hạnh, cùng những nỗi đớn đau cho số phận của quê hương đất nước. Ba trăm trang sách như được dệt bằng những nụ cười và những dòng nước mắt. Tác giả đã tài tình sắp xếp, bố cục và đặc biệt là dùng cách hành văn giản dị, sáng sủa, nhưng rất súc tích, thú vị và cảm động.

Tập Hồi Ký Vui Buồn Đời Quân Ngũ không chỉ là một lưu niệm quí giá cho tác giả và gia đình, mà còn là một món quà rất ý nghĩa cho bạn bè bằng hữu.

Xin cám ơn anh Vũ Ngọc Bích, cám ơn chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, đã cho chúng tôi được chiêm ngưỡng những bức tranh tuyệt mỹ của một người lính luôn làm tròn trách nhiệm của mình dù ở bất cứ phương vị nào, và nhiều mối tình đẹp, nhưng duy nhất chỉ có một cuộc hôn nhân tuyệt vời với một gia đình hạnh phúc mẫu mực.

Và xin luôn ghi nhớ, trân trọng những ân tình mà anh chị đã dành cho.

Phạm Tín An Ninh
(Bắc Âu, ngày hạ chí)

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com