
Bước Chân Non là tác phẩm thứ hai của nhà văn Điệp Mỹ Linh, dày 250 trang, gồm 12 truyện ngắn: Về Biển Xưa, Từ Những Dối Gian, Ngoài Nớ Quê Ngoại, Khung Trời Nội Trú,.. Câu Chuyện Đứt Ngang, Bên Sông Cũ, Tan Trường, Đóm Nắng, Đã Lặng Câm, Kiếp Thù, Người Trở Lại Pleime và Bước Chân Non.
Trong từng truyện, 3 tư tưởng nổi bật rõ nét nhất là: Hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, xuất hiện không nhiều thì ít trong hầu hết các truyện; kế đến là thân phận của người phụ nữ Việt, từ tuổi bà ngoại, đến tuổi làm mẹ, làm vợ và tuổi biết yêu; cuối cùng là nỗi ưu tư trong sự hội nhập vào xã hội nơi xứ người.
Nếu đọc thoáng qua, chúng ta có thể cho rằng hai tác phẩm Một Đoạn Đường và Bước Chân Non đều được thai nghén và sáng tác từ một nguồn cảm hứng, hội tụ vào những điểm chung chung như nhà văn Nguyễn Văn Sâm đã tóm lược trong lời Bạt: “Kỷ niệm thân thiết, quê hương mến yêu, tình cảm muôn hình, thân phận bi thiết, đời lính kiêu hùng.”
Tuy nhiên, nếu ta chịu dừng lại một lát trong sự suy tư, ta sẽ thấy rằng giữa Một Đoạn Đường và Bước Chân Non đã có những chuyển hướng, hay nói đúng hơn, một khoảng cách khác biệt.
Về mặc tư tưởng, nếu Một Đoạn Đường là sự kết tinh của những tình cảm của người tỵ nạn chưa được ổn định, đang lo ngại trước sự khó khăn trong cố gắng hội nhập vào xã hội mới song song với những u hoài về cố quận, đang bồn chồn nóng nảy về một cuộc hồi hương, một sự mong mỏi đất nước được đổi thay qua hình ảnh nổi bật của anh Kháng Chiến Quân, thì ngược lại, Bước Chân Non là một sự bẽ bàng trước sự thành công của hội nhập và sự bình tĩnh hơn, với hoài vọng phục quốc, coi đó như một đại cuộc lâu dài. Hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa là những hình ảnh êm đềm, đẹp đẽ, là những điểm tựa cho hoài bảo đấu tranh mà dường như tác giả luôn ấp ủ.
Về phương diện nghệ thuật, tác giả đã khẳng định một hướng đi rõ rệt. Sự dùng bút pháp tả chân, kết hợp chặt chẽ giữa hiện thực và hư cấu; trong đó hiện thực là yếu tố cơ bản, đồng thời, từ ngữ là từ ngữ giản dị trong cuộc sống.
Nội Dung Tư Tưởng
Có thể chia làm ba phần.
a.- Sự thương cảm cho thân phận của người phụ nữ.
Trong tác phẩm Bước Chân Non, sự thương cảm đó, nếu phân tích một cách chi li, ta sẽ thấy có hai loại: Trước hết Điệp Mỹ Linh thương cảm cho thân phận người phụ nữ, hay nói một cách khác, thương cảm cho phái nữ, luôn luôn chịu thiệt thòi. Hầu hết những nhân vật nữ chính trong truyện đều phải chịu đựng một số phận nghiệt ngã, và luôn luôn là nạn nhân của đàn ông - chồng mình. Chẳng hạn như nhân vật Mẹ của Thúy trong truyện Từ Những Dối Gian, chẳng những đã bị chồng phản bội, ruồng rẫy mà còn bị mẹ chồng, anh em nhà chồng hiếp đáp, nhưng người đàn bà ấy vẫn cắn răng chịu đựng, làm trọn bổn phận làm vợ, làm mẹ. Một người đàn bà đáng kính, đáng thương, đáng phục, khiến chồng cuối cùng phải ân hận. Nhưng ân hận cũng bằng thừa vì tình trạng không thể cứu chữa được nữa:
“...Nói xong Ba lắc đầu và bước về cửa phòng. Nhìn theo Ba tôi chợt nhớ lá thư đầu tiên Ba gửi về cho Mẹ, cuối thư Ba viết ‘Thương em’. Phải chăng nghịch cảnh đau lòng làm Ba hồi tưởng những ngày sống với Mẹ nên Ba thấy thương Mẹ? Nhưng thương để làm gì khi mà Ba che đậy tất cả để gieo những tia hy vọng giả tạo trong lòng người đàn bà bất hạnh đó? Tại sao Ba không thẳng thắn, không can đảm cho Mẹ biết sự thật để Mẹ định liệu cuộc đời còn lại của Mẹ...” (Từ Những Dối Gian, trang 63)
Cho tất cả những nhân vật nữ vai chính, tác giả đều có mối thương cảm đó. Nhưng mối thương cảm đó lại càng sâu sắc hơn, số phận của người phụ nữ Việt vốn đã hẩm hiu lại càng bi thảm hơn, khi được đặt trong bối cảnh lịch sử của giai đoạn sau 30 tháng Tư, 1975. Hoàn cảnh đất nước đã là nguyên nhân cho sự tan đàn xẻ nghé, vợ mất chồng, con mất cha và là một nguyên nhân giúp cho người đàn ông dễ phụ rẫy người vợ tào khang để vui duyên mới. Nhưng trong hoàn cảnh này, người đàn bà vẫn luôn luôn chung thủy, hy sinh, tha thứ. Tiêu biểu nhất là nhân vật Huyền trong truyện Về Biển Xưa. Huyền đã bị chồng phản bội. Đến ngày 30 tháng Tư 75, Chuyên, chồng nàng, đã bỏ nàng để đưa người tình đi di tản. Nhưng đến đảo Guam, chính Chuyên lại bị người tình phản bội. Lúc đó Chuyên mới ăn năn và trở về trên thương thuyền Việt Nam Thương Tín. Khi chiếc Việt Nam Thương Tín về tới quê hương thì Huyền đã có mặt ở đó, để gặp gỡ nhau trong sự tan nát, chia lìa và Huyền đã thốt lên đầy tha thứ và thương yêu: “Anh Chuyên! Sao anh trở về? Anh trở về là anh chết, anh ơi! Có phải vì con Loan mà anh trở về không, anh Chuyên?” (Về Biển Xưa, trang 39)
Có thể độc giả về phía nam giới thấy rằng cái nhìn của Điệp Mỹ Linh quá thiên lệch vì cũng trong giai đoạn sau 30 tháng Tư 75, biết bao nhiêu phụ nữ đã ruồng rẫy chồng, ở quê nhà, trong lúc chồng phải chịu cảnh tù đày, và ở vùng đất mới, cũng rất nhiều phụ nữ đã bỏ chồng để chạy theo duyên mới. Nhưng chúng ta cũng nên thông cảm, Điệp Mỹ Linh là phụ nữ, và trường hợp những nhân vật như Huyền không phải là trường hợp cá lẻ mà là một hiện tượng xã hội, và cũng chính vì lẽ đó, nên phần trên chúng tôi đã xếp Điệp Mỹ Linh, về mặt nội dung tư tưởng, là một nhà văn xã hội.
b.- Tình cảm của tác giả đối với chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Điều đặc biệt có thể làm cho nhiều độc giả ngạc nhiên, vì Điệp Mỹ Linh, nhà văn nữ, lại viết rất nhiều về đời lính, về cuộc chiến đấu gian khổ, can cường của người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Hầu hết các truyện trong Bước Chân Non đều có thấp thoáng hình ảnh hào hùng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Khi tác giả viết về người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bà viết một cách trìu mến thương yêu. Mời các bạn hãy đọc đoạn văn sau đây:
“... Mỗi lần thấy xe Jeep với cần ăng-ten Uyên thấy buồn vì nhớ Ba. Ba của Uyên là Đính, Sĩ Quan Không Quân. Đính đi hoài. Đính biền biệt xa xăm. Mỗi tháng Đính về nhà vài lần thì cột ăng-ten vướng giây điện đầu ngõ. Nhớ đến Đính là Uyên nhớ đến một phần đời trong sáng của tuổi thơ. Nhớ đến Đính là nhớ đến những vùng trời ngùn ngụt lửa thù mà Ba phải dong ruỗi miệt mài ...” (Khung Trời Nội Trú, trang 82).
Hoặc với lòng cảm phục sâu xa đối với cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng hào hùng: “... Chỉ với khoảng 100 quân mà, theo tình báo, đồn Pleime đang bị ba trung đoàn chính qui Bắc Việt vây hãm! Mức độ pháo của địch gia tăng đến độ không ai có thể ló đầu ra khỏi hầm được. Quân trong đồn không những bị đói, bị thương, chết mà còn chịu khát nữa...” (Người Trở Lại Pleime, trang 228).
Chính vì cảm tình rất sâu đậm đối với người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, các hình tượng nhân vật trong Bước Chân Non của Điệp Mỹ Linh có những nét khá đặc thù. Và nét đặc thù nổi bật nhất là, nhiều lúc, một nhân vật nam vừa có thể là nhân vật chính diện mà đồng thời cũng là một nhân vật phản diện. Chẳng hạn Chuyên, trong Về Biển Xưa, là một người chồng xấu, một con người phản bội, nhưng nếu xét trên khía cạnh nam nhi, Chuyên cũng có những nét khá oai hùng, dũng cảm và đẹp đẽ:
“... Hôm đó trời đổ cơn mưa giông bất ngờ giữa lúc trực thăng đưa phái đoàn thanh tra của Chuyên đang bay dọc sông Vàm Cỏ. Đang bay trên địa phận không an toàn mà mưa như trút, gió cuồng loạn, sấm sét vang rền cho nên phi hành đoàn không còn cách nào hơn là cố bay đến một đồn bạn hay không phận thuộc sự kiểm soát của mình... rồi tính.
Chiếc trực thăng không thể giữ ở một cao độ an toàn mà phải bay thật thấp, dọc theo dòng sông. Bất ngờ trực thăng đâm thẳng xuống...”
Chính vì lẽ đó ta có thể nói rằng mặc dầu Điệp Mỹ Linh ghét đàn ông, vì đàn ông tham lam, tráo trở, làm cho đàn bà khổ, nhưng Điệp Mỹ Linh yêu lính. Mà mâu thuẫn thay, Lính lại là đàn ông.
c.- Ưu tư của tác giả đối với cuộc sống ở xứ người.
Trong Một Đoạn Đường, những suy tư của tác giả là sự lo ngại trước cuộc sống mới, lo ngại những khó khăn trong sự cố gắng hội nhập vào xã hội mới song song với niềm đau của người đánh mất quê hương và sự tha thiết mong mỏi một ngày hồi hương. Trong Bước Chân Non, mặc dù nỗi cay đắng của người ly hương vẫn còn đó, nhưng không phải là sự lo ngại trước cái khó khăn hội nhập vào xã hội mới, mà ngược lại chính là sự sợ hãi bị tha hóa, bị mất gốc. Tác giả đã biểu lộ những ưu tư của mình trước sự thay đổi tình cảm Việt Nam trong một số người Việt. Truyện Từ Những Dối Gian cho thấy sự rã rời của một gia đình Việt Nam. Ông Du bị vợ coi thường. Anh em ông Du sống đời sống ích kỷ riêng của gia đình nhỏ của họ mà không đếm xỉa đến Mẹ già. Hãy nghe ông Du tâm sự vói con về cảnh gia đình, tình con cái, anh em ruột thịt nơi đất mới:
“...Ba ngồi thẳng người, thở dài:
- Khổ lắm con ơi! Mấy cô có chồng, chồng của các cô không bằng lòng chứa Nội. Mấy chú có vợ, vợ mấy chú không cho Nội tá túc. Có chú Út, nhưng chú say sưa chè chén, nay đây, mai đó, làm sao đem Nội theo được!” (Từ Những Dối Gian)
Sự tha hóa càng nổi bật hơn với giới trẻ mà hiện tượng biểu lộ rõ rệt nhất là không chịu nói tiếng Mẹ. Sau đây là mẩu đối thoại giữa cha con ông Du:
“... Ba nghiêm giọng:
- Ray, Peter! Ai cho hai đứa coi phim đô vật vậy?
Một đứa vọt miệng:
- That is a dumb question!
Tôi chưa hiểu thằng bé nói gì thì Ba đã hùng hổ:
- Tắt TV. Đi ăn cơm.
Thằng nhỏ giậm hai chân:
- I don’t want to eat now!
Không khí ngột ngạt đã thấy rõ giữa ba chúng tôi. Hai đứa bé ăn bánh, chạy vào hai phòng, đóng cửa lại, nói vọng:
- Night Daddy! Night Mommy! Night... sister!” (Từ Những Dối Gian, trang 59)
Truyện nói lên rõ nét nhất nỗi ưu tư khắc khoải là truyện cuối cùng của tác phẩm. Truyện Bước Chân Non. Đó là truyện của một thanh niên bỏ gia đình đi theo sống với băng du đãng. Trọng, nhân vật chính của truyện, đứa bé bỏ nhà đi hoang, là tiêu biểu cho sự tha hóa cùng độ của một số thiếu niên thuộc gia đình Việt Nam tỵ nạn. Ngôn ngữ của chúng cũng là loại ngôn ngữ “pha chè”:
“...Tao đau làm sao tao help tụi mày được. Cho tao ở nhà một chuyến đi, Chất.
- My God! You đánh nó chỗ đó nó chết làm sao?”
Trước kia, lúc còn ở Việt Nam, còn sống trong hỏa ngục đỏ, Cha còn trong tù, Mẹ khổ cực tần tảo nuôi con thì Trọng là đứa bé ngoan ngoãn, biết thương Cha thương Mẹ. Nhưng cuộc sốn mới đã làm Trọng hoàn toàn thay đổi:
“...Trọng cố lục lọi trong trí nhớ. Trọng chợt bàng hoàng khi nhớ lại một đêm nào xa lắm, Mẹ đem tất cả quân phục và hình ảnh của Ba đốt hết. Thậm chí những huy chương của Ba, Mẹ cũng chôn dưới gốc cây chùm ruột sau nhà. Mẹ đã cẩn thận đến vậy mà Việt Cộng cũng biết Ba là Ngụy nên Việt Cộng đến bắt Ba đi cải tạo. Những ngày Ba ở tù, Trọng phải đi lượm lon, lượm ve chai hoặc đếm bánh cam đi bán. Mẹ nấu đậu hũ, đi bán rong quanh xóm. Vậy mà Mẹ cũng dành giụm được ít tiền để khi Ba về là vượt biên...”
Một đứa trẻ như thế mà đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng đến khi nó hối hận, trở về thì Ba nó đã chết.
Tác giả lấy tên truyện này để đặt cho toàn bộ tác phẩm, điều đó cũng chứng tỏ rằng Bà đã tự xác định cho khuynh hướng sáng tác nghệ thuật của mình: Viết tiểu thuyết xã hội.
Hình Thức Nghệ Thuật
Những ai đã từng đọc Điệp Mỹ Linh đều công nhận văn phong của Bà có sức lôi cuốn người đọc từ dòng chữ đầu đến cuối truyện. Sự cuốn hút đó không phải chỉ do cốt truyện hấp dẫn mà là do sự kết hợp thật hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Đặc biệt là Bà đã khéo léo kết hợp ba yếu tố: xúc cảm, hiện thực và hư cấu.
Hiện thực và hư cấu.
Đọc Bước Chân Non chúng ta có cảm tưởng rằng đây là những chuyện có thật. Vì chính tác phẩm được xây dựng bằng những dữ kiện thực, qua những sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ hay đang xảy ra trong xã hội. Tùy theo nhà văn, bao giờ cũng có hai yếu tố hiện thực và hư cấu, nhưng tùy từng khuynh hướng của nhà văn, tỉ lệ của hai yếu tố nhiều hơn hoặc ít hơn. Đối với Điệp Mỹ Linh, các truyện trong Bước Chân Non, chất liệu chủ yếu nền tảng và rường cột là hiện thực, hư cấu dường như chỉ được vận dụng để chấp nối những dữ kiện có thực nhưng rời rạc. Hay nói một cách khác, hư cấu được xử dụng để bố cục, để tạo nên những chi tiết hợp lý và sự hợp lý của diễn tiến các truyện. Một thí dục dễ thấy nhất là truyện Về Biển Xưa, trong đó tác giả đã nghiên cứu một sự kiện có thật, đó là những người di tản đã tới đảo Guam, nhưng rồi một số đã xin về lại quê hương. Và chuyến về đó mà tác giả gọi là “chuyến tàu máu”, vì sự ra về đã trở thành một tai họa cho những người trở về. Chiếc tàu đã cập bến Nha Trang và tất cả những người trở về đều bị bắt đi “học tập” tại vùng sơn lam chướng khí Củng Sơn, gần Tuy Hòa. Những truyện khác cũng đều dựa trên những sự kiện đã từng xảy ra trong xã hội, cụ thể như một thiếu niên bi lôi cuốn vào các băng du đãng trong Bước Chân Non.
Xúc cảm
Nếu hiện thực và hư cấu tạo cho tác phẩm có được sự tuần tự lớp lang và hợp lý của một câu chuyện có thể xảy ra trong thực tế thì xúc cảm của tác giả đặt vào các nhân vật đã làm cho tác phẩm có một sức sống, một sự sinh động cuốn hút, khiến người đọc buồn thương, giận ghét những thái độ và hành động của từng nhân vật. Người đọc có cảm tưởng chính tác giả là nhân vật của truyện. Và quả thực, ta thấy rõ tác giả yêu những nhân vật của tác phẩm mình, và hơn thế nữa, trong giai đoạn thai nghén tác phẩm, chính tác giả phải sống bằng tưởng tượng trong nhân vật của mình. Thí dụ trong Về Biển Xưa, có lẽ nhà văn đã nhiều ngày tưởng tượng mình chính là Huyền, để tìm hiểu, để tưởng tưởng mình sẽ phản ứng thế nào, hành động ra sao nếu bị đặt trong hoàn cảnh và địa vị đó, để thốt lên câu nói đau thương của Huyền khi thấy chồng đã dại dột theo con tàu Việt Nam Thương Tín từ Guam về đến bờ biển Nha Trang: “Anh Chuyên! Sao anh trở về? Anh trở về là anh chết, anh ơi! Có phải vì con Loan mà anh trở về không, anh Chuyên?”
Lý do giản dị là hư cấu chỉ có thể làm đẹp, làm rõ nét hiện thực và không thể thay thế hiện thực được. Do đó chính tác giả phải sống, hay ít nhất phải sống bằng tưởng tượng cùng với nhân vật. Và rõ ràng khuynh hướng của tác giả là nói lên tất cả hiện thực. Chính vì lẽ đó mà bút pháp mô tả phải là bút pháp tả chân, mà có người cho là quá táo bạo đối với một nhà văn nữ:
“... Nói xong Phú âu yếm choàng tay qua người yêu. Giáng Ngọc ngước nhìn Phú với đôi mắt xúc động, tràn tin yêu. Phú hơi nghiêng người sang, lướt nhẹ bờ môi trên đôi môi của nàng. Giáng Ngọc cảm thấy cơ thể nàng nóng bừng và những rạo rực xôn xao nào đó trong lòng khiến đôi tay nàng níu chặt lấy bờ vai người yêu. Trong hơi thở dồn dập, Phú lòn tay siết chặt phiến lưng mềm mại của Ngọc và gắn chặt đôi môi chàng vào đôi môi run rẩy của Ngọc. Hai đôi mắt khép lại. Người Giáng Ngọc nhũn ra, trải dài trên cát. Phú để cánh tay cho Ngọc tựa đầu rồi chàng nhất thân mình lên, ép sát xuống cơ thể nóng bỏng của Ngọc.
Vì ngột ngạt khó thở, Giáng Ngọc rời môi Phú và nới lỏng vòng tay. Phú ngồi dậy, kéo Ngọc ngồi thẳng lên với cử chỉ ngường ngượng. Cả hai thẹn thùng không nói gì nhau. Trong lúc vuốt lại mái tóc, kéo lại tà áo cho ngay, Giáng Ngọc thấy Phú đang nghiêng sang bên kia, lấy cát chà xát vào phía trước hai bắp vế của chàng. Lấy làm lạ, Ngọc hỏi:
- Anh làm cái gì vậy, anh Phú?
Phú thoáng giật mình, vội trấn tĩnh, ‘ừ’ đại một tiếng rồi tiếp tục làm như vậy. Thấy cử chỉ lạ của Phú, Giáng Ngọc choàng sang người chàng rồi ngạc nhiên:
- Sao quần anh... ướt mèm vậy?” (Đóm Nắng, trang 168-169)
Điệp Mỹ Linh rất cẩn thận trong cách vào truyện, lựa chọn thời gian để vào truyện, thường khoảng lưng chừng truyện để tạo thêm sự tò mò của độc giả. Về tình tiết, các chi tiết phụ để làm sáng tỏ thêm bối cảnh được chọn lọc và xếp đặt một cách vừa phải. Tác giả không tham lam đi sâu vào các chi tiết khiến cho động tác và diễn biến của truyện phải dừng lại ở điểm chết. Độc giả không bao giờ bị sốt ruột vì những chi tiết dư thừa như ta thường thấy trong một số tác phẩm của một số nhà văn khác. Chính cái chừng mực đó cũng giúp rất nhiều cho sự lôi cuốn của cốt truyện.
Về cách chọn lựa từ ngữ và lời văn, một số độc giả khen rằng lời văn của Điệp Mỹ Linh giản dị. Và đương nhiên là phải giản dị, vì bút pháp tả chân càng gần cuộc sống thực tế càng nghệ thuật. Và đó là điểm nghệ thuật.
Nói tóm lại, tập truyện Bước Chân Non là một tác phẩm có giá trị và chắc chắn sẽ đứng vững với thời gian, vì nó đi sâu vào nhân loại tính, mặc dù tác phẩm cũng là một chứng tích của một gia đoạn lịch sử. Mong rằng Điệp Mỹ Linh sẽ còn đi xa hơn nữa. *
GS Nguyễn Tăng Chương
* Nguyệt san Sóng, Montreal