User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
227305 Du Ca 2016 01 600
 
LTS: Bài phỏng vấn nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sau đây được thực hiện cách đây gần 20 năm nhưng chưa bao giờ được hoàn tất. Tuy nhiên, nhạc sĩ cũng đã có cơ hội nói rõ về giai đoạn thành lập phong trào du ca và những sinh hoạt đã tạo nên con người và đời sống Nguyễn Đức Quang. Xin được đăng lại bài viết này như một nén hương tưởng niệm người anh cả du ca nhân kỷ niệm 10 năm ngày anh mất (27 tháng 3 năm 2011). Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức vào trưa ngày 27 tháng 3, 2021 vừa qua tại quán Hội Ngộ, Garden Grove, California.

Tháng 11 năm 1963, sau cuộc đảo chánh, miền Nam nước Việt hầu như bước hẳn vào một kỷ nguyên mới, nhất là đối với giới trẻ. Từ truyền thống “chỉ biết học”, người trẻ bỗng nhiên cảm thấy như được bứt khỏi một thứ xiềng xích nào đó. Họ như được mở mắt ra, nhìn chung quanh và lần đầu tiên nhận ra khuôn mặt của chính dân tộc. Trong tim họ bừng lên một luồng máu nóng, họ muốn vùng dậy nói lên tiếng nói của mình và muốn làm một cái gì đó cho dân tộc đất nước, lúc đó càng ngày càng lún sâu vào một trận chiến không lối thoát.

Trong bối cảnh đó, phong trào Du Ca đã ra đời, thổi một luồng sinh khí vào những sinh hoạt thanh niên, lúc đó cũng đang nở rộ. Nhiều trại công tác giúp đồng bào tị nạn chiến tranh được tổ chức, nhiều đoàn thể ra đời hoạt động mạnh mẽ như CPS (Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên), Nguồn Sống, Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, Thanh Sinh Công, Thanh Niên Thiện Chí… Phong Trào Du Ca, thủ lĩnh là Nguyễn Đức Quang, đã cung cấp cho những người trẻ sinh hoạt trong những đoàn thể này những bài ca đáp ứng được nguyện vọng cũng như nói lên những tâm tư của họ. Đâu đâu trong những buổi cắm trại, những công trường xây nhà cho đồng bào tị nạn… cũng nghe vang lên những khúc hát do các nhạc sĩ của Du Ca sáng tác.

Nguyễn Đức Quang cùng với Phạm Duy đã khơi lên phong trào hát cộng đồng, hát du ca khắp chốn. Những bài hát viết thời đó vẫn còn được giới trẻ ngày nay hát vang một cách say sưa trong những buổi sinh hoạt: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Về Với Mẹ Cha, Chiều Qua Tuy Hòa…Và chiều nay, anh cùng người viết giở lại những trang sử sinh hoạt thanh niên.

hoangngoctue

Ông Hoàng Ngọc Tuệ, cựu Chủ Tịch Phong Trào Du Ca Sài Gòn, trong buổi lễ giỗ lần 10 tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vào trưa ngày 27 tháng 3, 2021 tại quán Hội Ngộ, Garden Grove, California. Ông Tuệ đã thuyết trình về những đóng góp to lớn của ông Quang cho Phong Trào Du Ca.

ndquang5

Em Corey Nguyễn, đạo diễn cuốn phim tài liệu đang được thực hiện về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, ông ngoại của em. Người đứng cạnh là đồng đạo diễn và thông dịch viên cho cuốn phim, tại lễ giỗ lần thứ 10.

Bước Đầu: 10 Bài Trầm Ca

NTN: Nếu tôi không lầm, phong trào Du Ca bắt nguồn từ ban Trầm Ca. Vậy sao ta không bắt đầu từ chỗ ấy và cứ theo dòng thời gian…

NĐQ: Vâng, ta cứ bắt đầu từ sự hình thành của ban Trầm Ca. Trầm Ca thoát thân từ một nhóm anh em vẫn thường sinh hoạt chung với nhau ở Đà Lạt vào khoảng năm 1964. Sau khi xong Trung Học, nhóm này rủ nhau xuống Saigon. Một số học ở Khoa Học, một số ở Văn Khoa như anh Hoàng Thái Lĩnh, ở Công Chánh như anh Phùng Tắc Ón, anh Đinh Gia Lập thì học về điện, Nguyễn Quốc Văn học gì thì không nhớ…

NTN: Đây là một nhóm bạn họp với nhau để hát hay để làm gì?

NĐQ: Không, chỉ là một nhóm bạn đã từng sinh hoạt với nhau ở Đà Lạt, tình cờ gặp lại nhau ở Saigon. Rồi họ rủ nhau đi dự một trại công tác ở làng Phụng Hoàng, Thạnh Lộc Thôn, ngay cạnh Saigon. Trại này gọi là Thanh Niên Tự Do thì phải, do Chương Trình Hè tổ chức năm 1965. Nhóm này nhập vào đoàn sinh viên Đà Lạt vì cũng toàn quen biết nhau cả. Trại này dựng nhà cho các đồng bào chiến nạn, khá lớn và rất đông sinh viên. Trong hơn tuần lễ trại, có một buổi sinh hoạt có anh Phạm Duy đến. Nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó còn trẻ, đang hào hứng lắm và rất sung sức với tập Tâm Ca đang làm. Buổi sinh hoạt gây thật nhiều xúc động. Những bài hát của Phạm Duy nói tới một số các vấn đề về đất nước, về con người, về tình yêu, hòa bình, chiến tranh, đủ thứ cả, toàn những đề tài mà trước giờ không bao giờ thấy trong âm nhạc. Trước đó chỉ có những lời phảng phất, hùng ca… chứ chưa ai nói ra là có những vấn đề như thế. Tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ sau năm 63, là thuở mình đang mơ mộng bao nhiêu thứ chuyện. Đất nước mới thay đổi, đang tự nhiên sống trong bóng tối của đời sống học đường, không có tổ chức hay sinh hoạt gì hết, nay được nở bừng ra. Ngoại trừ những hoạt động như Hướng Đạo, Phật tử, còn ngoài ra không ai nhắc cho mình biết là có những vấn đề của xã hội, mở đường cho mình biết những cái đau thương của chính trị, hòa bình, chiến tranh, tại sao đất nước phân chia…. Mình không có sự suy nghĩ nào hết. Tuổi trẻ sau năm 1963 có nhiều thao thức hơn nhiều lắm nên mới có phong trào tuổi trẻ tom góp nhau nào là xuống đường, nào là cứu trợ.., nên những cái trại như trại này có rất đông đảo thanh niên sinh viên tham dự. Tất cả kéo về, hân hoan, vui tươi, đầy hi vọng. Giờ tự nhiên có một cái ông, ông ấy đặt ra những vấn đề đúng với những điều mà họ đang suy nghĩ, thật chẳng khác nào thùng xăng được dí cho một mồi lửa. Trong cái buổi sinh hoạt đang diễn ra như vậy, sau khi hát nửa chừng, có mấy phút nghỉ giải lao, anh Phạm Duy mới bảo:

Nãy giờ tôi hát cũng nhiều rồi. Thôi bây giờ tới phiên mấy cậu. Có cái gì thì cứ lên đây hát trong khi tôi nghỉ ngơi chút xíu.

Có một số người chắc đã từng nghe một số bài hát của tôi trong thời gian đi trại ở Đà Lạt, đề nghị chúng tôi lên. Thế là cả nhóm Đà Lạt cứ kéo nhau lên đứng hát mấy bài đó, rất tự nhiên như trẻ con. Nhưng anh Phạm Duy thì thích lắm.

NTN: Lúc đó thì mấy anh hát bài gì?

NĐQ: Thì hát Về Với Mẹ Cha…

NTN: Lúc đó anh đã viết những bài ấy?

NĐQ: Lúc bấy giờ tôi có một số bài hát sinh hoạt ngắn ngủi thôi, chưa có ý định viết gì nhiều. Tụi tôi cứ hát ào ào. Thì anh Phạm Duy nghe, anh ấy lấy làm ngạc nhiên. Anh ấy kêu:

– Hát nữa đi, hát nữa đi…

Thế là cả bọn cứ ầm vang lên hát 2, 3, 4 bài, cho là ông ấy muốn nghỉ thêm chút nữa. Xong rồi thì Phạm Duy trở lại hát hết chương trình. Nhưng đến lúc cuối, khi mọi người đứng lên ra về thì anh ấy kêu:

– Ê mấy cái cậu kia lại tôi bảo.

Tụi này sướng quá vì được ông ấy gọi lại. Hỏi han dăm ba câu xong, ông bảo:

– Thế này nhé, nếu các cậu có thích thì đến nhà tôi. Tôi tổ chức mỗi tuần 1 lần, tối thứ Năm. Anh em mình ngồi lại với nhau, tôi sẽ nói chuyện về âm nhạc, về văn hóa. Anh em chúng ta trao đổi với nhau.

Mình nghĩ lại thì hình thức đó cũng giống như đàm trường. Trong những buổi đó, anh PD viết thêm được bài tâm ca nào thì anh ấy cho mình nghe, cho nghe cả những lời mà anh ấy đang soạn. Tuần sau lại, anh ấy sửa sang, điểm xuyết xong thì cho mình nghe lại với những lời hoàn hảo hơn. Thời kỳ này kéo dài khá lâu, khoảng vài tháng. Anh ấy giúp cho mình tự nhiên nhẩy vào một cái lãnh vực khác… Trước đó, cả đám chỉ là một nhóm tơ lơ mơ ca hát vui chơi. Những ý nghĩ của mình tuy là đã có khác biệt với nhiều anh em viết lách khác, nhất là giới sáng tác nhạc nhưng chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ thành hình ra một cái gì hay thành 1 tập nhạc gì. Gặp nhau lần thứ hai thì ông ấy bảo:

– Tuần rồi các cậu hát những bài kia, thế thì Quang còn có viết cái gì nữa không?

Mình lúc đó cũng còn nhút nhát rụt rè lắm:

– Em cũng còn một số bài, để hát thử cho anh nghe.

Thế là tôi bắt đầu hát Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Tiếng Rống Đàn Bò, Lìa Nhau, Giấc Ngủ Của Mẹ. Ối giời! Ông ấy ngồi nghe, ổng sững sờ. Phản ứng của ổng lúc bấy giờ thật là.. thật là… dễ thương. Ổng sững sờ thấy không có một dòng nhạc nào mà khác và hay hơn được cái này. Ông buột miệng đề nghị ngay:

– Thôi thế thì như thế này. Anh em mình vẫn tìm cách trao đổi, nói chuyện với nhau như thế này để tìm cách xây dựng, vun bón đầu óc của mình trên con đường sáng tác, làm văn nghệ. Nhưng anh cũng muốn từ nay mấy cậu đi theo anh. Anh đi đâu mấy cậu đi đó, mình sẽ làm một ban hát.

Mình cũng tưởng ông ấy chỉ làm chuyện đùa mà thôi nhưng không ngờ ông đã nghĩ ra trong đầu một lô những chương trình. Đúng ra lúc đó, những bài Tâm Ca của Phạm Duy đã trở thành một “hot topic”. Lúc bấy giờ ở đâu cũng tìm cách mời anh ấy tới để sinh hoạt, nào là Bà Huyện Thanh Quan, cư xá Trần Quí Cáp, cư xá Minh Mạng. Bắt đầu họ đã nghĩ rằng có một hình thái văn nghệ khác hẳn với những cái trước đó như phải có sân khấu, có đại chúng. Bây giờ nó không còn cần như vậy nữa. Anh Duy có thêm được nhóm này thì từ đây đi đâu anh không phải mang theo cái máy thu thanh “reel to reel” to kềnh càng. Trước đó anh không có người diễn phụ nên đi đâu cũng phải mang theo cái máy Akai. Anh ấy là một người rất tiến bộ. Thời đó mà anh đã xài máy này là kỹ thuật mới nhất.

NTN: Nhưng tại sao lại phải mang theo máy thâu băng?

NĐQ: Anh ấy phải đem theo để phát thanh những bài hát của anh do các ca sĩ khác hát. Thế rồi anh ngồi dẫn giải. Phần trình diễn của anh rất ít. Nhưng từ hồi có đám này vào thì anh ấy rất hứng chí. Anh ấy có thể đứng hát vài bài tâm ca rồi đám này hát những bài tâm ca cần đến đám đông, có cả một nửa số bài này là hát cộng đồng.

NTN: Vâng, đúng rồi. Hát Với Tôi..

NĐQ: Hát Với Tôi, Ngồi Gần Nhau, Kẻ Thù Ta… những bài này cần đám đông, cần nhiều giọng hát. Được cái đám này nó hát thật say mê dù hát chẳng hay gì cả, mà anh cũng chẳng có thì giờ để tập cho chúng tôi. Thực sự mà nói tụi này xúm lại tập với nhau nhưng chẳng ai có được một kỹ thuật gì cả, chẳng ai tốt nghiệp trường nhạc hay lớp nhạc nào cả.

NTN: Du ca mà, đâu cần.

NĐQ: Vâng, thời đó chúng tôi còn chưa biết hát như thế nào là đều, cứ thế mà hát thôi nhưng mà anh Duy anh ấy thích. Mà rồi lần lần đến các nơi, mình thấy cái nhu cầu là không thể hát bê bối quá, mà phải hát có bè biếc đàng hoàng. Rồi phải ngồi lại, viết ra, tập với nhau. Anh em tập hợp lại với nhau chắc cũng là vận số khá ly kỳ. Khi từ Đà Lạt xuống, tôi gặp lại Đinh Gia Lập là người về sau ký tên trên văn bản thành lập phong trào Du Ca. Lập không phải là một ca sĩ hay giọng hát hay mà cũng chẳng biết đàn nhưng anh lại là một thành viên kỳ cựu và cốt cán của du ca. Hai chúng tôi chia nhau 1 căn gác ở đường Lý Thái Tổ. Sau khi gặp ông Phạm Duy và có được nhóm anh em, chúng tôi rủ nhau mướn một căn nhà ở chung. Lúc mọi người trả phòng và khăn gói kéo nhau đến căn nhà đã mướn thì… tìm không ra chủ nhà, lại đúng ngày 30 Tết. Cả bọn đứng ngoài đường không biết đi đâu thì may quá có người giới thiệu đến gặp anh Hoàng Ngọc Tuệ. Thế là anh cho cả bọn tá túc nơi ngôi nhà của anh ở đường Sương Nguyệt Anh. Cả nhóm: Nguyễn Đức Quang, Hoàng Thái Lĩnh, Nguyễn Kim Châu, Đinh Gia Lập, Trần Trọng Thảo… kéo về nhà anh Tuệ ở cái phòng lab đằng sau, thế là sung sướng lắm rồi. Thế là cứ ở lì đấy. 2 năm sau thì dọn ra cái garage ở. Thế mà ở đến 1972 mới rời khỏi chỗ ấy, 6, 7 năm trời.

Khi đi với anh Duy, cả 2 bên đều phát triển được cái vốn nhạc của mình. Anh Duy cho rằng viết nhạc thì phải viết từng loạt như ở đây mình gọi là từng album, như vậy thì mỗi góc của đề tài mình mới có chỗ phô diễn hết, cũng như 10 bài tâm ca của anh ấy thì mỗi bài nói về một đề tài. Cuối 65 thì anh ấy đủ được 10 bài Tâm Ca trong khi tôi mới được 6, 7 bài. Thấy vậy mình cũng phải cố gắng gia tăng sản xuất cho đủ 10 bài. Khi 2 anh em đi diễn, thường thường thì diễn đủ 10 bài Tâm Ca, và 5, 6 bài Trầm Ca.

NTN: Hình như cũng có hát dân ca nữa mà phải không anh? Hay là dân ca về sau mới hát.

NĐQ: Đúng rồi, có cả dân ca nữa. Anh Phạm Duy anh ấy rất là sáng ở chỗ đó. Đi đâu anh ấy cũng chuẩn bị một phần dân ca vì anh ấy nhận được là hát mọi thứ mà không có dân ca thì thật thiếu thốn, hời hợt. Vả lại anh ấy cũng có cái vốn hơn 40 bài dân ca.

NTN: Đúng. Lúc đó ông ấy đã cho ra tập Folk Songs có rất nhiều bài dân ca cũng như nhạc của chính ông.

NĐQ: Đó là cái vốn làm thành sức nặng cho Phạm Duy khiến cho mọi nơi đều dành cho anh ấy một vị trí quan trọng. May mắn là lúc bấy giờ có Phương Oanh. Cô ấy đã đi chung với Phạm Duy từ 1964, nhưng chỉ thỉnh thoảng trong một số buổi thuyết trình về âm nhạc mà thôi. Nhưng chúng tôi thì thấy sự cần thiết của dân ca nên mời Phương Oanh. Cô ấy đã góp nhiều sức sống cho ban Trầm Ca. Đang từ 6 ông đực rựa, nay có thêm giọng nữ và tiếng đàn tranh.

Lúc sau này, Trầm Ca rất là khá vì có tập tành với nhau cẩn thận. Những ngày đầu đi với anh Duy thì mình cứ giương mắt ra để học hỏi kinh nghiệm nơi một ông đã đi lang thang du ca quá lâu thành ổng rất sành sỏi, từ cách bước ra sân khấu, cách trình bày bài hát, ăn nói…, cách sửa soạn một bài hát như thế nào, chuẩn bị ra làm sao. Ông là một người làm việc rất qui củ, kỷ luật. Đi với ông ấy nhiều chuyến đi xa như những vòng đi từ Huế vào đến miền Nam mười mấy địa điểm như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Kon Tum… Lần nào thấy ông ấy sửa soạn cũng rất khâm phục vì thấy cách ông sắp xếp chương trình, nào là đem băng, đem nhạc cho người ta nghe rồi phải in bài ra cho người ta hát. Ông này là người bầy ra trò đi đến đâu thì in những bài hát phát cho người ta…

NTN: Những bài hát cộng đồng cho người ta hát chung.

NĐQ: Ừ, đúng, hát cộng đồng. Mình cứ nhìn cái cách của ông làm rồi cứ thế mà học và khai thác. Mình đã khai thác khía cạnh hát cộng đồng về sau đã trở thành một sở trường của du ca.

NTN: Nhưng đi như vậy thì đến diễn ở đâu? Những trường học hay là chỗ nào khác. Nhớ có lần Du Ca đã đến trường Trưng Vương là nơi tôi học.

NĐQ: Đúng là đi đến các trường học và cũng có lần đi những chỗ xa, ở những sân khấu nhỏ của cơ quan USIS. Nhiều lần đi chung với anh Steve Addiss là một nghệ sĩ Mỹ, anh Juliano, trong chương trình phổ biến văn hóa của USIS. Nhiều trường ở một số tỉnh hay các viện Đại Học cũng có mời. Lúc này là lúc sinh hoạt rộn rã nhất. Những chuyến lưu diễn đầu tiên đã gây được những tiếng vang thật mạnh mẽ, những dấu ấn đáng kể, tạo cho tuổi trẻ bắt nhịp được vào trong những rung động, suy nghĩ của đất nước. Đến đâu chúng tôi cũng để lại được những bài hát mà tuổi trẻ say sưa yêu thích. Sau này, năm 1966 là lúc khởi đầu sự thành lập phong trào Du Ca, một giai đoạn thật hào hứng.

NTN: Nhưng lúc này anh đã có đủ 10 bài Trầm Ca chưa?

NĐQ: Có đủ chứ. Năm 1966 có thể nói là ban Trầm Ca đã độc lập, có thể cáng đáng buổi diễn một mình. Những chuyến đi sau phần lớn là do ban này thực hiện và các trường, các nơi đã mời đến. Có nhiều nơi là những cơ quan công quyền như Bộ Chiêu Hồi. Trong bộ này có ông Nùng, Giám Đốc về Văn Hóa, là người rất mê du ca, hiểu từng bài từng lời nên rất trân trọng. Ông ấy tổ chức những buổi hát thường xuyên, đi qua những trung tâm hồi chánh. Và ông cũng trả tiền cho những buổi hát đó mà lúc đó mình đang cần vì có anh nào làm ra tiền đâu trừ anh Hoàng Thái Lĩnh nhà khá giả nuôi cho ăn học, và anh Đinh Gia Lập là người chân chỉ nhà gửi tiền đầy đủ. Khi đi hát ở những buổi của ông Nùng tổ chức, nhiều bữa cũng gây cấn vì có một số người bên kia tương đối là thành phần trí thức. Ông ấy cho họ nghe mình hát và cũng cho họ tự do phát biểu. Có nhiều người rất bướng bỉnh và lý luận mà mình phải đấu với họ. Nhưng cũng nhờ vậy mà sau nầy, khi qua Paris và Âu Châu năm 1969 gặp đa số là thành phần thiên tả, tôi có vốn liếng để nói chuyện với họ dù họ nói chuyện phi lý và nghịch lý.

NTN: Bây giờ quay trở lại 10 bài Trầm Ca. Anh có thể cho biết đó là những bài nào? Những gì đã cho anh ý tưởng để viết nên những ca khúc này? Bài đầu tiên là bài gì?

NĐQ: Bài đầu tiên là bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Bài này cũng là cả một giai thoại. Nó cũng đã trở thành một biểu tượng của ban Trầm Ca, đi đâu bài này cũng “khống chế” cả buổi diễn, ngay cả trong những buổi đi chung với ông Duy. Ông Duy thì có 10 bài Tâm Ca nhưng không bài nào đánh động và làm kích xúc người ta khủng khiếp như bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Nguyên do làm bài này là như thế này: năm 1964, tôi đang ở Đà Lạt, vừa học xong Trung Học, mùa hè rảnh rỗi hay đọc sách báo. Một buổi nọ, tôi mua được một tờ báo của Tổng Hội Sinh Viên tên là Lửa Việt. Trong tờ này có một bài thơ ký tên Nguyễn Văn Hoàn, chẳng biết là ai và ở đâu, bài thơ có tên là Ca Buồn Nhược Tiểu. Đọc bài thơ ấy, mình rất lấy làm xúc động.

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu.
Nỗi tủi buồn căm bừng trên tay.
Nỗi nhục nhằn trĩu nặng đôi vai…

Mới đọc qua là đã thấy quá xúc động. Vì sao? Vì tất cả những thao thức về đất nước, về chính trị đã khơi nguồn từ năm 1963 còn để lại trong đám trẻ nhiều năm sau đó. Vì xúc động như vậy nên tôi lấy bài này phổ nhạc ngay. Trước thời gian này, tôi có làm một loạt những ca khúc trẻ con, tình yêu lẩm cẩm, chưa bao giờ bước chân vào những loại ca khúc đặc biệt như thế này. Mình cũng chưa tin là nó có thể trở thành một ca khúc mà người ta cảm được. Nhưng lúc bấy giờ thì cần gì, thích là làm chẳng có lôi thôi gì hết. Tôi ngồi viết một mạch ra hết bài, nói xin lỗi, viết mà cũng không biết mình viết đúng hay sai. Khi viết mình hát lên thấy được là thích. Nhưng than ôi, một bài hát như thế đâu dễ gì mà tung ra được. Nó không có được một cơ hội. Viết từ mùa hè mà mãi đến 6 tháng sau, vào tháng 12 trong một buổi họp mặt Giáng Sinh ở bờ hồ, nó mới được hát lên. Tất cả các sinh viên thời ấy ở trường Đà Lạt được chia thành từng nhóm để học và sinh hoạt chung với nhau. Nhóm của tôi toàn dân Đà Lạt đông lắm hơn 30 người. Trong buổi họp mặt này, lần đầu tiên tôi hát bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Mình vừa hát vừa sợ mà người nghe chắc cũng thấy ngoài sự chờ đợi của người ta là một bài gì vui vui hay Giáng Sinh, thành ra phản ứng rất là yếu ớt. Không ai thốt ra một lời nào cả. Nhưng lần đó cho thấy bài này cũng có thể hát được trong đám đông nên nó lại nung nấu được cho tôi cố gắng tìm thêm một số đề tài nữa. Ít lâu sau, tôi đọc được bài Tiếng Nói Á Phi, một bài thơ ký tên Thanh Thuyền, cũng chẳng biết là ai, có màu sắc rất chính trị. Những con người Á Phi nghèo khổ, nô lệ… đúng là hình ảnh quê hương đất nước của mình chứ còn gì nữa. Thế là lại ngồi viết bài đó, về sau này trở thành bài Tiếng Rống Đàn Bò. Sau này, trong một dịp, tôi được gặp anh Bùi Duy Thuyết. Anh ấy có một số các bài thơ. Anh cũng đi trong những trại công tác thời đó và phổ biến những bài thơ của anh, trong đó có một bài về mẹ mà tôi đã phổ thành bài Giấc Ngủ Của Mẹ.

Rồi nghĩ về đất nước chia cắt của mình lúc đó, tôi viết bài Lìa Nhau. Từ gợi hứng quan trọng của Nỗi Buồn Nhược Tiểu, tôi đã lần lần hoàn thành 10 bài Trầm Ca, gồm có: Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Lìa Nhau, Tiếng Rống Đàn Bò, Giấc Ngủ Của Mẹ, Tiếng Hát Tự Do, Anh Em Tôi, Đường Việt Nam, Người Anh Vĩnh Bình, Chiều Qua Tuy Hòa…..

NTN: Vậy lần nào anh hát bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu mà có được một cái phản ứng kích xúc khủng khiếp như anh đã nói?

NĐQ: Đó là lần đi với anh Duy. Tại cư xá Bà Huyện Thanh Quan, tôi không thể nào quên được. Mọi người chờ đợi ông Phạm Duy, đâu biết là ông còn có mấy cái đuôi theo sau. Khi thấy 5, 6 tên xách đàn ra sân khấu chào, chẳng ai biết là ai. Ông Phạm Duy ra giới thiệu, đây mấy anh sinh viên trốn học theo tôi đi hát, và ông giới thiệu Nguyễn Đức Quang với Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Lần đầu tiên mà mình thấy được phản ứng rõ ràng của thính giả sau bài hát. Trời ơi, phải nói là họ lặng người đi. Nhờ trước đó đã có 4 bài của ông Phạm Duy mồi rồi, từ Sáng Nay Vừa Thức Dậy…, Kẻ Thù Ta, Giọt Mưa Trên Lá.., người ta đã thấm và sẵn sàng chờ đợi một cái gì ghê gớm hơn, thì đã có Nỗi Buồn Nhược Tiểu

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu…

Tôi thấy mọi người lặng nghe và khi chấm dứt bài hát thì họ ùa vỡ lên. Lần đầu tiên họ nghe một bài hát như thế, một cung cách trình diễn khác thường như thế. Ngay cả ông Phạm Duy khi hát Tâm Ca cũng không say sưa như mình, ông cũng thừa nhận như vậy vì dầu sao thì lúc đó ông cũng lớn tuổi hơn mình. Trầm Ca lúc đó còn dè dặt, chỉ đưa ra 3, 4 bài nhưng cũng đã tạo được tiếng vang. Sau buổi đó là các nơi khác như Trần Quí Cáp… đã mời tiếp theo.

NTN: Mỗi buổi như vậy thì có bao nhiêu người tham dự?

NĐQ: Khoảng vài trăm, không đông lắm nhưng rất thích thú. Ngồi trên bãi cỏ, sân khấu thì cũng liền đó trên bãi cỏ hát, hát chung, hát theo. Bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu càng ngày càng được hâm mộ, đến đâu người ta cũng yêu cầu bài đó và cũng gặt hái được thành công. Bài này còn đặc biệt ở chỗ là không thể nào tìm thấy tác giả bài thơ nguyên thủy.

NTN: Không có ai đứng ra nhận hết?

NĐQ: Không. Mãi đến năm 1973, 74 tôi có nhận được một cái thư viết từ trường Đồng Đế. Thư viết như sau: Tôi được biết anh có phổ thơ của 1 người thành bài hát tên Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Tôi chỉ muốn hỏi là anh có biết người đó là ai hay không. Có phải bài thơ đó là như thế này không, và chép ra một số câu. Tôi mong được liên lạc với anh…, dưới ký tên là Nguyễn Văn Hoàn. Tôi có viết thư trả lời là tôi rất chờ đợi có người nhận bài thơ của mình vì bài thơ quá hay, tôi rất trân trọng muốn được biết tác giả của nó, xin anh cho tôi được liên lạc, nhưng sau đó không còn biết tin tức gì nữa.

NTN: Phần điệp khúc phía sau là do anh thêm vào hay nguyên thủy là như vậy?

NĐQ: Tôi có thêm vào một số câu. Nhưng phải nói là bài thơ cũng rất dài, rất tuyệt vời và tôi đã giữ đúng hầu hết lời thơ.

NTN: Còn những bài sau: Người Anh Vĩnh Bình, Chiều Qua Tuy Hòa…

NĐQ: Lúc đó mình đã bắt đầu đi nhiều rồi, ôm những bài hát kia mà đi, vào khoảng 65, 66 và sáng tác thêm những bài sau để thành đủ 10 bài Trầm Ca. Những bài này làm từ cảm xúc có do những chuyến đi ấy, qua Vĩnh Bình, qua Tuy Hòa…

NTN: Anh tự học nhạc lấy và viết nhạc mà không có thầy nào chỉ dẫn cả?

NĐQ: Đúng rồi. tôi không có may mắn được học nhạc.

NTN: Đàn Guitar cũng tự học luôn?

NĐQ: Đúng, đàn cũng tự học lấy. Nguyên do như thế này. Ông cụ tôi là người rất thích văn chương thơ phú, mà lại cũng rất thích thể thao. Ông luôn ước mong con mình sẽ thành lực sĩ hay cầu thủ… Năm 56, lúc tôi 12, 13 tuổi thì theo cha ra Côn Đảo ở vì lúc đó ông ra đó làm việc. Ông nghĩ là cho tôi đi đá banh chứ đâu có chỗ để học, ngoài đó tới lớp Nhất là đâu có lớp học nữa. Nhưng khi tôi đi đá banh thì gặp những người tù đá dữ quá, thế là ông sợ, cho tôi nghỉ và cho qua chơi nhạc. Ông cho một cái kèn Harmonica. Sau đó ông tìm cho tôi được 1 ông thầy nhạc là một ông tù thường phạm, đã dạy cho tôi đánh đàn Mandoline. Do đó sau này tôi chơi Mandoline rất khá. Sau, ông cụ tìm ra được nhạc sĩ Hoàng Nguyên lúc đó là một tội phạm chính trị. Tôi sắp sửa được học Guitar và học chữ thêm thì chắc là không có duyên với ông Hoàng Nguyên, ông cụ tôi gửi tôi về Saigon học theo một chiếc tàu tiếp tế của Hải Quân lúc đó mới vừa cập bến.

Sau này, câu chuyện chơi nhạc thì cũng ly kỳ vì đến năm 58 về Đà Lạt, tôi gia nhập Hướng Đạo. Lúc đó có những phong trào văn nghệ rất mạnh. Thời 58 là thời bình, người ta tranh đua nhau học hay, đàn giỏi…, hướng đạo cũng vậy, tranh đua với các hội bạn như Phật tử… Vào Hướng Đạo, tôi lại có tiếng là hát hay, biết đánh đàn Mandoline, đóng kịch giỏi, lần nào cũng đem cúp về. Hướng Đạo cũng hay gây quỹ bằng cách tổ chức Đại Nhạc Hội, phụ diễn cho chiếu bóng. Vì thế tôi có nhu cầu sáng tác. Năm 61, tôi nghĩ đi nghĩ lại thấy hơi chán những bài thường hát, thế là tôi sáng tác ngay 1 bài riêng cho Hướng Đạo, đó là bài đầu tay của tôi, có cái tên là Gươm Thiêng Hào Kiệt. Tên này là sửa lại chứ bài ấy lúc đầu lấy đề tài gương thánh George ca tụng tinh thần hiệp sĩ của vị thánh bổn mạng của Hướng Đạo.

NTN: Anh cứ tự mình nghĩ ra bài nhạc thôi?

NĐQ: Đúng. Mà bài nhạc viết rất đúng. Lúc đó tôi say mê tinh thần hào hiệp giúp đời cứu đời của thánh George nên chọn đề tài ấy. Nhưng khổ là bài này chỉ được hát mỗi năm có 1 lần vào lúc làm lễ. Lúc này tôi cũng chưa biết đàn Guitar. Đến cuối năm 60, ông cụ tôi thưởng cho 1 cái đàn Guitar. Lúc đó cụ đã về làm ở Ty Tiểu Học Đà Lạt. Vào trường Trần Hưng Đạo, tôi được chọn làm Trưởng Ban Văn Nghệ, nhưng lại chưa biết đàn. Thế là tôi đi mua hết các tập sách dạy đánh đàn ngồi tập hết vìTrưởng Ban Văn Nghệ rất quan trọng, cần đàn hay hát giỏi… để tranh đua với các trường khác như Việt Anh có ông Hoàng Nguyên về dạy, trường nào cũng có thứ dữ trong khi trường mình lại chẳng có ai sinh hoạt văn nghệ giỏi. Vì vậy tôi học rất nhanh, biết đàn Guitar và bắt đầu viết những bài nhạc phổ thơ Nhất Tuấn, viết 1 lô nhạc tình 5, 6 chục bài.

NTN: Nhiều dữ vậy mà bị mất hết sao?

NĐQ: Không biết vì sao, chắc do di chuyển nhiều lần, mà chỉ có 1 tập chép tay duy nhất, mất tiêu. Bây giờ ngồi nhớ ra viết lại chỉ còn lõm bõm 5, 3 bài. Rồi có nhu cầu phải hát hợp xướng, nên cũng giở sách ra học và viết hòa âm, viết đủ thứ cho trường. Mình tìm được 1 ông bực sư về hợp ca, ông này rất giỏi, tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc. Một ông thầy rất lam lũ, nghèo khổ, sống bằng nghề phụ nướng bánh mì nhưng rất giỏi nhạc. Ông ấy đã chỉ dẫn rất nhiều về nhạc, hòa âm và hát hợp ca, đóng góp vào kỹ năng của mình.

Tất cả những hoạt động trong thời gian này nó làm cho mình trở thành về sau thích hát cộng đồng, hát chung, sinh hoạt, hát hợp ca… hơn là đơn ca do phải trông nom ban hát Hướng Đạo, hợp ca của trường và nhảy vào tất cả những tổ chức văn nghệ. Mà mê không thể tưởng tượng được. Lúc đó tôi mới 17, 18 tuổi nhưng cầm trong tay mấy chục bài nhạc, đi hát hết ở các trường, rất thành công.

NTN: Vậy mà không ai “lancer” anh lên thành ca sĩ?

NĐQ: Lúc đó cũng có người đề nghị tôi bán vài bài hát cho ông Duy Khánh nhưng không hiểu sao lúc đó mình khí khái thế nào ấy, mình không chịu. Nhiều người thì thích “lancer” nổi danh nhưng mình thì cứ thích đi lang thang mà hát thôi, gặp các nhóm, các trường và hội đoàn để hát. Ai nấy đều mê mẩn với những bài như “Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không” hay “Chỉ Tại Anh”…

NTN: Nhưng sao khi về Saigon thì anh lại không đưa những bài này ra?

NĐQ: Lý do đơn giản là lúc về Saigon thì thời cuộc đã thay đổi. Cái tâm thần của mình cũng hoàn toàn thay đổi, đang từ giai đoạn một anh thanh niên mơ mộng lãng mạn bỗng vụt đổi thành một con người của thời đại, của những vấn đề xã hội chính trị. Mình đang đi học về Chính Trị, rơi vào một giai đoạn có nhiều vấn đề, lại gặp một ông tổ sư chuyên đưa ra những bài hát có “vấn đề” quá hay là ông Phạm Duy. Mình lại cũng có một chút vốn về những cái ấy là những bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Giấc Ngủ Của Mẹ… Nên gặp anh Phạm Duy thì cũng như rồng gặp mây, cứ thế mà dấn thân vào con đường đã chọn. Lúc đó, đố cô thấy ai nhắc đến chuyện ông NĐQ hát một bài tình ca nào, hát tình ca làm cái gì?

NTN: Nhưng về sau thì cũng có tình ca chứ. Bên Kia Sông, Vì Tôi Là Linh Mục, Như Mây Trên Cao…

NĐQ: Thì những bài ấy là cũng do tác giả mấy bài thơ yêu cầu. Như ông Nguyễn Ngọc Thạch, ông ấy đưa bài thơ “Lời Trong Sương” ra và bảo: “Ông có ngon ông làm bài này coi.” Thế là làm, vì trước đó tôi đã phổ bài “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương” của ông ấy, ông ấy rất thích nhưng cứ bảo chắc tên này chỉ biết nhạc sinh hoạt chứ làm sao viết nhạc tình được. Thế là có bài “Bên Kia Sông”. Nhưng không bao giờ mà tự nhiên mình lại viết nhạc tình vào lúc đó. Ngay về sau này, đến thời Nguyễn Tất Nhiên, cậu ấy cũng nhờ mình phổ bài đầu tiên là bài “Thiên Thu”, và sau nữa là bài “Vì Tôi Là Linh Mục”. Dù vậy, tôi cũng không hát tình ca, mà những bài tình ca này đã được các ca sĩ thời đó như Khánh Ly, Lệ Thu thâu thanh. Thành ra, cho tới năm 75 tôi không có được một dòng nhạc tình lớn mà chỉ là một nhánh nhỏ, trật chìa. Tất cả mọi người đều nhìn tôi như một nhạc sĩ du ca, chẳng ai nhắc nhở đến dòng nhạc tình như một góc nhạc cần đi tới, cần thiết như những lãnh vực khác, cần khai thác để thu hút thêm các anh em khác. Cái đó cũng là một nhược điểm của anh em Du Ca. Mình quá chú trọng đến những vấn đề kia.

NTN: Nhưng phải nói là trong dòng nhạc tình, đa số toàn là những bài hát thê thiết, đau thương. Còn nhớ lúc đó dù còn rất trẻ, tôi cũng “chê” nhạc tình lãng mạn như kiểu Đoàn Chuẩn, Từ Linh…, không phải như những bài như Bên Kia Sông, êm đềm và thanh thoát hơn.

NĐQ: Đúng. Nói tới nhạc du ca, người ra chỉ thấy dòng nhạc đầy cảm khái, hùng mạnh, không có không khí ẻo lả buồn thảm. Vì thế mình đã vuột mất những tay như Vũ Hữu Định, Trần Quang Lộc… Khi họ bước vào dòng nhạc tình thì họ đều vỗ cánh bay đi.

nguyenducquang1

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đàn hát lần cuối, ngày 1 tháng 2, 2011, tại nhà Đinh Sinh Long, một tuần trước khi ông bị tai biến mạch máu não và qua đời ngày 27-3-2011 tại Fountain Valley Hospital, California. Buổi họp mặt gồm một số văn nghệ sĩ: Trần Quang Lộc (từ VN sang), Nguyễn Đình Toàn, Đỗ Quý Toàn, Phan Huy Đạt, Trần Việt Hùng-Minh Châu, Nguyễn Mạnh Trinh, Nhã Lan và Bích Hạnh. Nguyễn Đức Quang đàn hát 2 bài ca mới, phổ thơ Pablo Neruda: “Em Là Của Anh” và “Anh Thích Em Lặng Thinh.” Hình lấy từ video này do Long Diệp thực hiện. (sangtao.org)

* * *

Từ phần này trở đi là hồi ký của Nguyễn Thị Nhuận

Bước Kế Tiếp: Phong Trào Du Ca

Khoảng năm 1965,1966, tôi là một con bé 15,16 tuổi thật nhút nhát nhưng cũng thật lý tưởng, ôm ấp trong đầu nhiều mơ ước, mà mơ ước lớn nhất là làm được một chuyện gì tốt đẹp cho quê hương đất nước, một quê hương mà dù còn nhỏ như vậy, tôi cũng cảm thấy là đang ở vào một tình trạng vô vọng, không lối thoát. Hằng ngày, tôi biết là có nhiều người bị gọi đi lính, và nhiều người ra đi không về. Tôi gia nhập Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, một đoàn thể gồm toàn những học sinh như tôi, dẫn đầu bởi một số giáo chức mà chúng tôi gọi là huynh trưởng. Đoàn thể thường tổ chức những trại công tác với mục đích xây nhà cho đồng bào chiến nạn, sửa sang phòng ốc cho các trại cô nhi, giúp đỡ những trại tạm cư... Con bé mới lớn là tôi hăng hái đi trại, cầm chổi sơn tường, phát quà cho đồng bào tị nạn... Sau những giờ làm việc là những buổi lửa trại, nơi chúng tôi tha hồ gào hét những bài hát hướng đạo cũng như những bài du ca của Nguyễn Đức Quang: Về Với Mẹ Cha, Người Yêu Tôi Bệnh, Lìa Nhau, Đường Việt Nam, Anh Em Tôi... Con bé rất thích hát là tôi say sưa hát. Và sau đó được “mời” vào hát trong chương trình phát thanh “Chúng Ta Cùng Hát” của Nguyễn Đức Quang.
 
Khoảng năm 64, 65 gì đó, tôi đã biết đến ban Trầm Ca. Trong một buổi văn nghệ Tết tổ chức ngay nền Khám Lớn cũ - một miếng đất trống với vài căn nhà tiền chế, đất dụng võ của một số thanh niên sinh viên, nơi có quán Văn nổi tiếng với buổi trình diễn của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đi chân đất – tôi đã được nghe ban Trầm Ca hát những ca khúc của họ. Những Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Đinh Gia Lập, Nguyễn Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Hoàng Thái Lĩnh đã làm tôi cảm động với Tiếng Rống Đàn Bò, Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Lìa Nhau... Thế mà bây giờ tôi được gặp Nguyễn Đức Quang và được hát với nhóm của anh!
 
Chúng Ta Cùng Hát là một chương trình chuyên hát những ca khúc “cộng đồng”, tức những bài ca viết cho nhiều người cùng hát. Có lẽ Nguyễn Đức Quang đã viết ca khúc Ngồi Quanh Đây Chúng Ta Cùng Hát riêng cho chương trình này. Tôi không có dịp hỏi lại NĐQ nhưng có lẽ CTCH cũng như một vài sinh hoạt trẻ khác lúc đó được nâng đỡ nhiều bởi những vị Bộ Trưởng của chính phủ mới sau năm 1963, còn trẻ và có cảm tình với phong trào sinh hoạt thanh niên. Mỗi tuần chúng tôi đến Đài Phát Thanh tập hát, cùng hát và thu thanh những bài du ca, hầu hết là của Nguyễn Đức Quang, thỉnh thoảng có một vài bài dân ca hoặc một vài bài của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Cả những bài của Hoàng Quý mà hướng đạo hay hát. Ngoài Nguyễn Đức Quang và Trịnh Công Sơn lúc đó đã nổi tiếng, cùng thời còn có cả một lớp các nhạc sĩ trẻ đang lên sáng tác rất hăng, không tuần nào mà không có bài mới: Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Miên Đức Thắng, Lê Uyên Phương... Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết nhạc rất nhiều trong thời kỳ này. Nhưng phải nói chỉ có Nguyễn Đức Quang là hoàn toàn “trung thành” với loại nhạc nhận thức về quê hương, hay “du ca” cũng vậy. Nếu bạn nào cùng tuổi trên 5 bó như tôi còn nhớ một vài bài du ca thì có lẽ cũng đã có lần nghe chương trình Chúng Ta Cùng Hát trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.
 
CTCH không thọ lâu nhưng không sao, lúc đó, như NĐQ đã kể bên trên, anh Đinh Gia Lập đã làm giấy tờ chính thức thành lập Phong Trào Du Ca với một ban quản trị đàng hoàng. Hình như anh Hoàng Ngọc Tuệ lúc đó là chủ tịch ban quản trị mặc dù anh ít hát và cũng ít sinh hoạt văn nghệ. Thực ra thì anh cũng rất mê hát và là “sponsor” của nhóm Trầm Ca nhiều năm trời, thành ra việc anh làm chủ tịch cũng không có gì là lạ. Căn nhà của anh trên đường Sương Nguyệt Anh nghiễm nhiên trở thành trụ sở đầu tiên của Du Ca. Tôi còn nhớ đã đến đây học lớp dạy Guitar cũng như dự buổi hát thân mật đầu tiên của cặp Lê Uyên Phương khi họ mới từ Đà Lạt xuống Sài Gòn.
 
Lâu lâu tôi lại đi nghe những buổi hát du ca ở rất nhiều nơi, có nhóm Trầm Ca cũng như ông Phạm Duy trình diễn như Nguyễn Đức Quang đã kể ở phần trên. Phải nói là những buổi hát này đã đem đến cho tôi nhiều suy nghĩ, trăn trở. Đi trại công tác, tôi có dịp rời khỏi tháp ngà của gia đình và trường học để gặp những người dân nghèo từ nhiều miền đất nước, có dịp thấm thía cảnh khổ của họ và suy nghĩ về tình trạng quê hương, về chiến tranh. Nguyễn Đức Quang và những nhạc sĩ du ca tiếp nối – Nguyễn Hữu Nghĩa, Trần Tú, Trần Đình Quân, Giang Châu, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Quyết Thắng... - đã nói giùm tôi những gì tôi cảm nhận nhưng không nói ra được. Tôi thuộc lòng rất nhiều bài du ca.
 
Tết Mậu Thân, tôi và các bạn trong PTHĐPVXH cùng kéo nhau đến những trại tạm cư, nơi những đồng bào không may ở tạm vì nhà bị cháy trong chiến cuộc, làm công tác. Sân vận động Hoa Lư, trường Kiến Thiết... là một vài địa điểm cho những trại tạm cư này. Chúng tôi còn làm việc ở một công trường xây cất ngay đường Lý Thái Tổ, được tạm dùng cho bà con chiến nạn tá túc. Buổi tối, chúng tôi ngồi quanh lửa trại ca hát, nghe kể chuyện. Chính nơi đây chúng tôi được Đỗ Ngọc Yến, người hay đi và có nhiều “connections” nhất, đến hát cho nghe 2 sáng tác mới nhất của Trịnh Công Sơn: Bài Ca Dành Cho Những Xác NgườiHát Trên Bãi Dâu. Tối âm u dưới những ngọn đèn mắc vội, chúng tôi ngồi nghe những câu: Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn... hay Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành phố, trên những đồi hoang vu... thật ghê rợn. Bộ mặt thật của chiến tranh lộ diện, những học trò thành phố không còn ngủ yên đêm đêm nữa mà phải “nhận thức” thực trạng quê hương. Có những đêm chúng tôi ngủ lại dưới lều bạt và một buổi tối thật khuya, tôi hát bài “Người Anh Vĩnh Bình” mới học được của Nguyễn Đức Quang. Câu chuyện cảm động về một anh lính quốc gia đi phép về thăm nhà, mới bế con được vài giờ thì tối đến đã bị những người bên kia vác mã tấu đến tận nhà chém chết, được NĐQ kể lại bằng những khúc nhạc 3/4 giản dị nhưng lời hát đã vẽ lên được nét bi thảm của một giai đoạn đau thương của đất nước Việt Nam. Giọng hát của tôi lúc đó phải nói là rất còn non nớt nhưng chứa đựng đầy xúc cảm vì chính tôi đã quá cảm xúc với bài hát. Sáng ra, nhiều người nói với tôi là họ đã rợn người khi nghe bài hát ấy. Đó là tác dụng của nhạc hiện thực.
 
Tôi đang hát du ca một cách tơ lơ mơ như vậy thì bỗng một hôm có anh chàng gầy lêu khêu đến nói chuyện và rủ tôi vào toán du ca Mùa Xuân. Đó chính là Phạm Công Ngân. Ngân quen với Nguyễn Đức Quang như thế nào thì tôi không biết rõ nhưng theo lời Ngân, anh Quang đã ủy thác cho Ngân đi tìm toán viên cho toán du ca đặc biệt này.
Lúc đó, phong trào du ca đang lan rộng khắp nơi ở miền Nam nước Việt, từ những tỉnh miền Nam như Long Xuyên, Tây Ninh tới những tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế... Mỗi địa phương đều tổ chức thành những toán du ca cùng nhau sáng tác, đàn hát, đi trại công tác, đi trình diễn ở những buổi hát cộng đồng, những buổi hát theo đúng mô thức của những buổi diễn Phạm Duy – Trầm Ca năm nào.
 
Từ những toán này, một số những nhạc sĩ du ca xuất hiện. Từ Tây Ninh có Nguyễn Hữu Nghĩa, từ Đà Nẵng có Trần Đình Quân, từ miền cao nguyên có Bùi Công Thuấn, Nguyễn Quyết Thắng... Một toán du ca mang tên ngộ nghĩnh: Con Sáo Huế. Những toán khác: Vượt Sóng, Phù Sa,.... Ngay tại “đại bản doanh” Sài Gòn, các ông huynh trưởng du ca muốn có một toán du ca “nồng cốt”, tập dượt ráo riết những bài du ca để “đi hát dạo” kiểu Phạm Duy và Trầm Ca, lúc này đã hầu như ngưng hát. Phạm Duy thì có nhiều “projects” khác, ban Trầm Ca thì phân tán vì mỗi người dấn thân vào một công việc khác nhau: Phương Oanh thành lập nhóm đàn tranh Hoa Sim, mấy người con trai thì đi lính gần hết.
 
Thế là toán du ca “Mùa Xuân” ra đời gồm có Phạm Công Ngân, Uông Thế Công, Trần Ngọc Oánh, Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trịnh Hữu Tâm, Nguyễn Minh Phương, Ngọc Hoàn và tôi. Oánh không trình diễn mà giữ nhiệm vụ viết hòa âm các bài hát. Phạm Công Ngân và Trịnh Hữu Tâm vừa hát vừa đàn Guitar. Nguyễn Đức Quang giữ nhiệm vụ “nhà dìu dắt”. Toán Mùa Xuân rất là “có trình độ”, hát với 4 bè đàng hoàng cùng tiếng đàn đệm của Ngân, Tâm và anh Quang.
 
Chúng tôi làm nhiều chuyến “lưu diễn” ở các trường học khắp nơi cùng Nguyễn Đức Quang. Những bài hát của anh có dịp ghi khắc vào tâm khảm tôi, nói lên hộ tôi những khắc khoải của một tâm hồn mới lớn, đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy một bế tắc trong suy nghĩ và hành động. Ừ, đúng, tôi đang hát lên tâm tư của mình, những ưu tư về cuộc chiến tranh không lối thoát, những trăn trở cho cuộc sống đang phải dấn thân vào. Rồi sao nữa? Tôi không làm gì hết, tôi chỉ đi học, đi làm công tác thiện nguyện phất phơ, đi dạy thêm để kiếm tiền tiêu… Tôi chưa làm gì để có thể thóat ra những ưu tư dằn vặt đó được, chúng ở ngòai tầm tay một đứa trẻ mới lớn. Đến khi việc học trở nên quá bận rộn, tôi rời khỏi Phong Trào Du Ca.
 
Khi gặp lại Nguyễn Đức Quang và gia đình ở quận Cam vào những năm 1979, 1980, chúng tôi nối lại thân tình và đã cố gắng gầy dựng lại phong trào nhờ tập hợp được một các anh chị em du ca cũ: Nguyễn Thiện Cơ, Đoàn Trường Thọ, Lê Hiếu Nghĩa, Thu Vân,… thêm sự tiếp sức của du ca mới Việt Dzũng. Chúng tôi hội họp nhau tại nhà Phan Huy Đạt tập hát và đã làm một cuốn băng du ca thu tại phòng ngủ của căn apartment này cũng như tổ chức một vài buổi trình diễn nhạc du ca. Nhưng rồi những lo toan của cuộc sống đã làm tắt đi những hăng say ban đầu, mà khán giả cũng không còn, phong trào đành đi vào quên lãng.
 
Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn nhớ mãi từng lời ca, vẫn thấy máu sôi lên trong huyết quản khi hát Đường Việt Nam, Anh Em Tôi, Lìa Nhau, Cần Nhau, Người Anh Vĩnh Bình, Tuổi Trẻ Chúng Tôi… Chúng là một phần tim óc của tôi, chúng đã làm nên con người tôi. Tôi tin rằng không ít những người cùng thời với tôi có cùng cảm nghĩ.
 
Và bây giờ, tôi rất vui khi thấy thế hệ trẻ cũng đã cất cao tiếng hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và đang dần khám phá những bài hát khác, những bài du ca của Nguyễn Đức Quang.
 
nguyenducquang
Từ trái, Minh Chiến, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Quyết Thắng (trong ngày sinh nhật NQ Thắng 19-9) tại Paris, Pháp năm 2010.
 
nguyenducquang2

Bức ảnh kỷ niệm cuối cùng: Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Đức Quang tại Paris. 

NQ Thắng viết trên trang Facebook cá nhân ngày 27 tháng 3, 2021 về những kỷ niệm năm 2010:

“Một trong những kỷ niệm thật thân thương và trìu mến giữa tôi với người đàn anh Du Ca Nguyễn Đức Quang mà tôi không bao giờ quên. Đó là lần anh đã từ Cali bay qua Hòa Lan thăm gia đình tôi. Cũng trong dịp này, tôi cùng anh đã đi một vòng Âu Châu ghé thăm một số bằng hữu ở rải rác khắp nơi: Hòa Lan, Pháp, Bỉ, Đức, Áo, Budapest, Tiệp Khắc…

“Trong những ngày dài bên nhau, cùng bàn luận chuyện vui buồn và những bước đi cho tương lai của Phong Trào Du Ca.

“Trong những đêm dài nơi đất lạ trên khắp vùng trời Âu, anh đã tâm sự những chuyện thầm kín riêng tư, mà anh vẫn còn ấp ủ trong tim.

“Chúng tôi đã cùng hát say sưa bên nhau với những bài ca Khai Phá, những bài Nhận Thức Ca, Dân Ca, và cả những bài Tình Ca,  trong dịp ghé thăm đoàn Du Ca Paris tại Pháp. Cũng là ngày sinh nhật của tôi 19 tháng 09,  là ngày đầu tiên tôi phủi tay, gác chuyện cơm áo. Những bài ca suốt một thời tuổi trẻ đến nay vẫn rong ruổi theo gót chân tôi từng tuổi đời .

“Một lần ngồi uống cafe ở ven đường Place d’Itali- Paris, anh nói, 'Minh Chiến chụp cho anh với Thắng tấm ảnh kỷ niệm chỗ này đi, biết đâu nó lại đi vào *lịch sử* không chừng.'

“Mà quả thật, đấy cũng là lần gặp gỡ cuối cùng, không ngờ 6 tháng sau anh đã vĩnh viễn lìa trần.

“Hôm nay 27-03-2021, xin viết đôi dòng tưởng nhớ ngày giỗ thứ 10 của người anh tinh thần Nguyễn Đức Quang mà tôi luôn quí mến.”

 

Nguyễn Thị Nhuận

Nguồn: https://nguoivietboston.com/?p=15035

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com