
…Bé Ký là một họa sĩ thành danh với nghệ thuật caricature gồm hoạt họa, ký họa, tốc họa… và tranh lụa.
Tài năng vô cùng đặc biệt này được ra đời từ Hải Dương, miền bắc Việt Nam trong năm 1938, mang một danh xưng rất ít người biết: Nguyễn Thị Bé. Mặc dù cuộc đời khắc nghiệt, sớm cướp mất của chị Bé cả hai đấng sinh thành, chị vẫn say mê hội họa và khởi đầu sự nghiệp bằng thiên phú bẩm sinh.
Theo tiết lộ của người bạn tình, họa sĩ Hồ Thành Đức, Bé Ký bắt đầu đùa nghịch với cây bút mình cầm, từ năm lên năm, lên sáu nhưng mãi đến khi chị vượt qua cái tuổi lên mười một vài năm, ngọn bút trên tay chị mới bắt đầu nhuần nhuyễn. Con chim, con cá, con trâu, con gà… rồi bụi cỏ, nhành cây, cục đất… rủ rê bàn tay của một cô bé sớm biết nhìn ngắm, biết yêu thiên nhiên.
Trong một dịp được đi Hải Phòng, cô bé tình cờ đi ngang một phòng tranh, và đã không cưỡng được sự tò mò, cô ghé vào xem. Lòng yêu thích hội họa, đưa cô bé từ bạo dạn làm người xem tranh đến việc xin phép vẽ thử. Họa sĩ Trần Đắc, chủ nhân của phòng tranh đã thích thú chấp thuận, và sau vài lần thử tay nghề, ông nhận Bé Ký vào làm học trò. Họa sĩ Trần Đắc đã mang kinh nghiệm của mình, dạy cho Bé Ký phương pháp vẽ hoạt họa bằng chì than rồi đi dần qua màu sắc trên lụa. Cô học trò càng ngày càng xuất sắc.
Ngoài những giờ ở xưởng vẽ, Bé Ký mang giấy bút dạo khắp phố Hải Phòng. Cô bé vẽ lại những hình ảnh cô cho là ngộ nghĩnh, dễ thương, trong đó cả những khuôn mặt của người ngoại quốc. Chính những phác thảo chân dung linh động này, đã thường xuyên mang lại cho cô bé những đồng tiền đầu đời. Đương nhiên cô bé mang cả về cho gia đình người thầy. Tình sư phụ ngày một tốt đẹp và không lâu sau, Bé Ký được chấp nhận làm con nuôi.
Trong biến cố lịch sử 1954, cô Nguyễn Thị Bé theo gia đình cha mẹ nuôi vào Sài Gòn. Trong những năm đầu của thập niên 60, không nhớ rõ năm nào, tôi đã được gặp họa sĩ Bé Ký trên những trang báo của tạp chí Thế Giới Tự Do. Tạp chí này được xem là một tạp chí có hình thức đẹp nhất thời bấy giờ, với giấy trắng tốt, mực màu, do Phòng Thông Tin Mỹ phổ biến. Những bản vẽ của Bé Ký được in trang trọng bên cạnh bài giới thiệu rất ưu ái về tranh và tác giả. Tiếc rằng tôi không còn nhớ người viết. Cùng thời gian này, những người Sài Gòn chắc không xa lạ với hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, thường lang thang qua nhiều ngả phố với những tờ croquis đơn giản. Trên tay cô, theo tháng ngày, nặng dần những hình ảnh sinh hoạt đời thường của thị dân. Những hình ảnh được lưu giữ, được cho phép sống đời trên mặt giấy, qua một bút pháp vô cùng riêng biệt và cũng vô cùng độc đáo. Tài nghệ của cô gái thu hút mạnh mẽ sự thưởng ngoạn của mọi người, đặc biệt là những người ngoại quốc hiện diện trên phố Sài Gòn. Bé Ký đã thổi vào từng đường vẽ bay bướm nhưng đơn giản của mình cả tâm hồn thanh thản của chị. Sức sống mộc mạc được chị phân phát, chia sẻ trong từng hoạ phẩm. Đi từ đơn giản chân phương này đến cái chân phương đơn giản khác, chứ không vượt đến cái trừu tượng, cao siêu, nhưng tranh Bé Ký đứng vững được với thời gian vì nhờ cô đọng, sống thực. Nét đặc thù này chính là cá tính của tác phẩm Bé Ký.
Ngày 06 tháng 12 năm 1957, Bé Ký được ông René de Berval, phê bình gia mỹ thuật cho tạp chí France d’Asie (Sài Gòn) và Journal d’Extrême Orient, bảo trợ cuộc triển lãm đầu tiên tại cơ sở Alliance Francaise (Pháp Văn Đồng Minh Hội). Cuộc triển lãm thành công về tài chánh, nhưng quan trọng hơn là có giá trị như một sự khẳng định tài năng của Bé Ký, người “Nữ Họa Sĩ Của Vỉa Hè Đô Thành”, một biệt hiệu thân mật được dân Sài Gòn dành cho chị. Từ năm 1957 đến năm 1975, Bé Ký đã có đến 18 cơ hội khai mạc phòng tranh (16 lần tại Sài Gòn, 1 lần tại Pháp vào năm 1959 và 1 lần tại Nhật Bản, vào năm 1969, cùng với 9 họa sĩ khác quốc tịch). Sau 1975, chị bày tranh chung tại Ba Lan vào năm 1984, và 8 lần tại Hoa Kỳ, khi đã định cư tại Mỹ. Trong 8 lần này, có hai lần được xem là rất quan trọng trong việc đưa tên tuổi Bé Ký đi càng rộng trong giới thưởng ngoạn của thế giới. Cuộc Triển Lãm Quốc Tế Women: Beyond Borders, tại Santa Barbara Contemporary Arts Forum (California) với mục đích giới thiệu tiếng nói hội họa của phái nữ toàn thế giới, được tổ chức năm 1995, kéo dài đến năm 2000. Trong năm năm, cuộc triển lãm này được di chuyển qua một số quốc gia có họa sĩ được mời tham dự: Mỹ, Do Thái, Nhật Bản, Á Căn Đình, Kenya, Úc, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Thụy Điển, Ý, Cu Ba, Pháp, Phần Lan. Bé Ký góp mặt trong cương vị hội họa của Việt Nam. Hiện nay cuộc triển lãm này đã được chuyển về lại Hoa Kỳ, và trở thành một phần trong một phòng tranh thường trực mở cửa lâu dài.
Cuộc triển lãm không kém phần quan trọng thứ hai có tên: “Cuộc Triển Lãm Quốc Tế Về Tình Yêu, Gia Đình Và Niềm Tin” tại Johnson Art Collection, vào ngày 23-9-2006 đến 21-10-2006. Chỉ có hai hoạ sĩ Việt Nam được mời tham dự: Bé Ký và Hồ Thành Đức, bên cạnh Yuroz (Armenia), Milon Townsend (Hoa Kỳ), Max Rodriguez (Cuba), Adrian Wong Shue (Jamaica), Ushangi (Georgia), Hank Garcia (Hoa Kỳ), Edward McCluney (Mỹ gốc Phi Châu). Đề tài trong tranh Bé Ký thường dung dị với các hình ảnh súc vật và con người bao gồm những cảnh sinh hoạt, chân dung. Hình ảnh người mẹ được lưu giữ rất nhiều trong tranh Bé Ký.
Con gái út của chị, Hồ Thị Hải Dương, một Dược Sĩ, viết một đoạn tùy bút về người mẹ họa sĩ của mình, rất chân tình cảm động: “Khi nhìn thấy những tấm tranh mẹ con – chủ điểm trong đề tài sáng tác của mẹ tôi, tôi biết rằng mẹ tôi thương yêu các con vô cùng! Mẹ tôi vạch một đường cong là mắt mẹ nhìn lên, hai chấm đen tròn là mắt con ngước nhìn mẹ. Đơn giản vậy thôi nhưng lại âu yếm biết bao! Mẹ tôi, người đàn bà nhỏ nhắn, giản dị nhưng mang một nét đẹp thuần túy của một phụ nữ Việt Nam, chân chất hiền từ và đầy lòng nhân hậu… …Gia đình tôi, từ bố mẹ đến các anh chị ai cũng là họa sĩ, nhưng riêng tôi lại theo một ngành khác hẳn – Pharmacy, và gần như không có chút gì di truyền về năng khiếu hội họa. Tôi có cảm giác mình là “một ngoại lệ bất đắc dĩ”! Thế nhưng, cái tên Hải Dương của tôi lại gắn liền với tiểu sử mẹ tôi vì Hải Dương là quê hương của bà. Hơn nữa, trời đã công bằng để cho tôi được nối truyền một tài nghệ khác ngoài vẽ ra, ở mẹ tôi- đó là tài nấu ăn”.

Hải Dương và Mẹ
Ngoài bóng dáng sinh hoạt của người mẹ, chúng ta còn bắt gặp ở tranh Bé Ký những thiếu nữ qua nhiều dáng vóc, độ tuổi khác nhau, có cả những chân dung khoả thân nhẹ nhàng, thanh khiết. Các tên tuổi lỗi lạc trong giới sinh hoạt chữ nghĩa, âm nhạc, hội họa… một số được sống đời với nghệ thuật Bé Ký, có thể kể: Bùi Giáng, Võ Phiến, Văn Cao, Phạm Duy, Nguyên Sa, Du Tử Lê… Những phác họa chân dung này đương nhiên khác hẳn với lối vẽ truyền chân thường thấy ở những người hành nghề vẽ chân dung chuyên nghiệp, đòi hỏi sự giống nhau như nghệ thuật nhiếp ảnh. Bé Ký chỉ ghi lại cái phong thái, cái thần và đôi nét nổi bật của người được vẽ. Trong số chân dung các danh tài vừa kể, tôi thích nhất là bức phác họa thể hiện một người đàn ông nổi tiếng yêu châu chấu, chuồn chuồn. Ông tài hoa này cũng đã vẽ cả thiên hạ bằng thơ: “chân trời mộng mị vàng pha/ mùa Phương Lan dậy bên tà dương buông/ vói tay sầu khổ hao mòn/ đầu nghiêng rũ tóc miệng tròn thơ ngây/ chiêm bao dàn rộng phai ngày/ liễu in giòng rụng thu đầy hồ phơi/ hào hoa tiếng lạnh trong lời/về trong vân thạch em ngồi vén xiêm” (Bùi Giáng, Sầu Lục Tỉnh, Mưa Nguồn)
Phải công nhận, sự thành danh nhanh chóng của họa sĩ Bé Ký một phần nhờ vào những người sưu tập hội họa Âu Châu, tiếp theo là những bài viết giới thiệu, phê bình của nhiều tạp chí ngoại quốc như: Le Journal d’Extrême Orient, The Yomiuri Shimbun, The Manila Times, Asiaweek, The Orange County Register, Los Angeles Times. Về phía Việt Nam, nhà nghiên cứu, phê bình hội họa, Huỳnh Hữu Ủy đã nhận xét tranh Bé Ký: “… Bút pháp của Bé Ký thuộc về đại chúng, đó là một thứ nghệ thuật của quần chúng. Như vậy, chẳng có gì đáng tiếc khi nghệ thuật của Bé Ký chỉ ngừng ngang mức dân gian mà không đi xa hơn nữa. Nếu chúng ta đã có những nguồn tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng, tranh làng Sình ở Huế, thì chúng ta còn có thêm một nguồn tranh dân gian quý giá không kém chính là thế giới tranh Bé Ký. Dĩ nhiên, tranh Bé Ký cao và thơ mộng hơn nhiều vì nó là hơi thở thuần nhất của một nghệ sĩ chân thành và tài hoa, độc đáo và sáng tạo. Một giòng tranh dân gian của đại chúng như tranh Đông Hồ, thì hoàn toàn ngược lại, xoá hẳn cá tính vì được hình thành bằng nhiều thế hệ qua thời gian và lịch sử. Tôi chỉ muốn nói tranh Bé Ký dừng ngang mức dân gian, bởi vì bà không được đào luyện về kỹ thuật và ý thức hiện đại. Hơn nữa, bà cũng không có nhu cầu gì về một ý thức nghệ thuật hiện đại. Mà chính vì thế, bà lại như có được một lợi thế riêng biệt của mình: tạo được một thế giới rất đẹp, thấm đẫm tâm hồn và hương hoa dân tộc…”
Ở đoạn cuối bài viết, nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy bày tỏ: “…Bé Ký là một khuôn mặt nghệ thuật đầy bản sắc suốt hơn bốn thập niên qua, với một cuộc hành trình đầy đam mê và rất thơ mộng. Trước đây, Bé ký nổi bật với các hoạt động vui tươi và đầy sinh khí của bà ở Sài Gòn, ở miền Nam. Ở miền Bắc người ta không biết đến Bé Ký. Nhưng ngày nay, tình hình đất nước đã đổi khác, đã trở thành một thể thống nhất, Bé Ký phải thuộc về toàn dân tộc, chứ chẳng thể của riêng ai…” (Huỳnh Hữu Ủy, Mấy Nẻo Đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa).
Tranh Bé Ký đương nhiên được rất nhiều người trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật bày tỏ những nhận xét và hầu hết đều tán thưởng. Nhà văn Võ Phiến viết tám câu thơ tặng Bé Ký “Bao năm cách nước xa non/ mượn hình nương tiếng lần con đường về/ lấy câu lục bát làm quê/ trông tranh Bé Ký nghĩ tre đầu đình/ nghe câu quan họ Bắc Ninh/ sống bao xúc cảm ân tình chứa chan… Đó đây thấp thoáng quê hương/ những mảnh quê hương bên ngoài bờ cõi/ những mảnh quê hương trong tầm tay với/ những mảnh quê hương của giới lưu vong/ nghìn trùng vẫn núi vẫn sông” (Những mảnh quê hương ngoài biên giới- Võ Phiến)
Nhà thơ Du Tử Lê, không tặng thơ, ông viết mấy dòng: “ Tranh Bé Ký đơn giản, mộc mạc, như tâm hồn chị. Một chấm đen thay cho con mắt. Một vạch cong thay cho niềm vui hay nỗi buồn. Vậy mà, tài tình, lạ lùng xiết bao, ở những nét bút đơn giản kia, không ngừng dấy lên những rung động Việt Nam, rất Việt Nam. Có dễ chẳng một cuốn sách, một tác phẩm biên khảo nào tả chân-dung-tâm-hồn người phụ nữ Việt Nam được như tranh Bé Ký. Tôi cho tranh Bé Ký là dương bản hồn tính người mẹ Việt Nam vậy”. (Du Tử Lê tháng 12-1994)
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho rằng: “ …Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký- như cái tên lựa chọn có ý tiền định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naif) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt… …Trong thế giới hội họa Bé Ký, nhân vật, động vật và tĩnh vật, rọi lọc qua ánh sáng giác ngộ, có những nét hồn nhiên và ngây thơ. Từ con trâu, em bé, đến chiếc xe thổ mộ, cái váy của người đàn bà, chiếc khăn mỏ quạ, tóc vấn đuôi gà… tất cả đều thoát ra một cái gì chân chất, rất lành, rất mộc mạc như chưa từng có lớp son màu lòe loẹt nào bay đến làm ô uế, ô nhiễm đi…” (Bé Ký, Nỗi Hoài Nhớ Niềm Vui Đã Khuất)
Trong bài bày tỏ cảm nghĩ, nhân một cuộc triển lãm của Bé Ký được Việt Art Gallery tổ chức năm 2004, của ông Phan Gia Quang, có một đoạn, nhận xét rất tinh tế: “…Chúng tôi rất lấy làm cảm phục khi thưởng ngắm một bức tranh của Bé Ký. Cảm phục bởi vì qua một vài nét đan thanh thật đơn giản, Bé Ký đã có thể truyền đạt được cái chân thật của tình cảm một cách sống động và thuần túy. Khi nhìn vào một tác phẩm “Mẹ Con”, chúng tôi đã quên rằng mình đang ngắm một tác phẩm hội họa. Chúng tôi đã chìm đắm trong tình thương vô bờ bến, trong sự trìu mến xuất phát từ những nét mực đen, những màu sắc giản dị và ấm cúng. Hình ảnh những đứa trẻ ngồi xem đá gà đã từ lâu được chôn trong tiềm thức của một kẻ xa quê hương. Bức tranh “Chọi Gà”, nay làm sống lại những nét tinh nghịch, hồn nhiên của thời thơ ấu… Đặc điểm của Bé Ký không nằm ở chủ đề. Nó ẩn tàng trong cách vận dụng những nét mực một cách tối thiểu để biểu lộ tình người một cách tối đa. Nếu tranh Nhật Bản có tính cách của thiền học, thì tranh Bé Ký sẽ làm cho chúng ta liên tưởng đến tinh thần biểu hiện bản chất và giữ sự chất phác của Lão giáo. Bé Ký, với những nét mộc mạc nhưng không kém mỹ miều, đã tạo cho mình một vị trí biệt lập, độc đáo trong ngành hội họa Việt Nam.” (Phan Gia Quang)
Tất cả những ý kiến trên, cùng nhiều ý kiến tôi chưa sưu tập được, cũng như những gì sẽ được những người thưởng ngoạn sẽ phát biểu về tranh Bé Ký sau này, tôi nghĩ sẽ không khác biệt nhau bao nhiêu. Nó làm cho người đọc, có cảm tưởng rằng mọi người đã bắt chước nhau trong sự nhận định. Người này lặp lại nhận xét của người kia. Thật ra, có lẽ, chẳng ai bắt chước ai mà chỉ vì tranh của Bé Ký đều cho mọi người một thẩm định gần như nhau, thế thôi. Ai cũng đọc được tranh của chị. Ai cũng thấy được lòng mình ra sao khi được nhìn ngắm những ký hoạt có tính cách trường cửu của chị. Tôi là người thiếu bén nhạy, thông minh và rất ấm ớ trong nhiều lần bị bắt buộc phải đưa ra một ý kiến về một vấn đề gì đó, nên với chị Bé Ký và những đứa con tinh thần của chị, tôi đã viết lạng quạng mấy câu ngũ ngôn:
“Sinh ký dòng mực đọng
lung linh xanh đường gân
bàn tay chuyền hơi thở
dung ảnh ngời nét thần
đâu chỉ ngắm bằng mắt
diện nhận từ chân tâm
người vật chợt vô động
mà thở cùng tháng năm”
(LH- Ổ Tình Lận Lưng)
Luân Hoán (trích Dựa Hơi Bè Bạn | xb năm 2007, Hoa Kỳ)
Bé mà danh thật lớn
Ký thành họa tài tình
(bắt chước: Luân-Hoán-viết càng già càng mất linh)
sớm mai ngày 14-5.2021
Luân Hoán