
Tình cờ vào trang nhà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đọc được bài: “Thăm Thi Sĩ Quách Tấn” của Đỗ Nghê (tháng 6.1970); rồi từ đó, mấy ngày liền, bỗng nhiên tôi thấy mình rất nhớ Nha Trang!
Nhớ ngày ấy, khoảng đầu năm 1970, lần đầu tiên tôi đến Nha Trang bằng chuyến bay của hãng hàng không Air Việt Nam từ Sài Gòn đi Nha Trang, loại máy bay cánh quạt DC6 dù không nhanh như sau này có máy bay phản lực nhưng không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ khi máy bay bắt đầu giảm cao độ từ thành phố biển mà sau này tôi mới biết địa danh ấy là thành phố Cam Ranh và rồi phi cơ xuống thấp dần, thấp dần cho đến lúc máy bay đáp xuống phi trường Nha Trang và dưới xa kia nước biển xanh màu biển xanh chập chùng… Lúc bấy giờ thành phố biển này đã hớp hồn tôi bằng bãi biển với cát trắng chạy dài mà sau này tôi mới biết đây là con đường Duy Tân cặp mé biển từ Hải Học Viện lên tới chỗ Ty Bưu điện nhìn về hướng biển sóng vỗ rì rào. Xa xa ngoài kia là hòn Tre, hòn Rùa, hòn Yến… nằm lúp xúp trên mặt biển bao la với nước là nước… Kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu làm quen với Nha Trang, và nay đọc bài của Đỗ Nghê “Thăm thi sĩ Quách Tấn”, mới biết nhà thơ Đỗ Nghê lúc ấy còn rất trẻ và ông cũng có mặt nơi này; nhưng phải thành thật nhận ra rằng, biển đời mênh mông, đôi lúc gặp nhau đó giữa đời trôi nổi nhưng làm sao quen biết nhau cho được!
Hồi đó, khi tới Nha Trang, lớp học trò mới vào đời như ở tuổi tụi tôi, chừng 27-28 tuổi, là đã có lần đọc được cuốn Nước Non Bình Định của thi sĩ Quách Tấn rồi, biết lờ mờ là ông quê quán Quy Nhơn nhưng sống ở Nha Trang; nhưng hồi xưa dưới con mắt người đọc trẻ lòng non dạ tụi tôi đâu có ai dám lại gần các tác giả, nhứt là các tác giả tên tuổi như Quách Tấn… Nên đọc được cuộc trò chuyện giữa Đỗ Nghê và Quách Tấn vào tháng 6.1970, tôi mới thấy Đỗ Nghê, có lẽ ông lớn hơn tụi tôi vài tuổi nhưng ông tỏ ra già giặn hơn và kinh nghiệm đời hơn tụi tôi nhiều với cách đặt câu hỏi vừa khéo léo, vừa thông minh mà mở ra được nhiều hướng nhìn về một nhân vật văn học sử nhưng không ra ngoài chủ đề mà tác giả đã định sẵn trong bụng vậy! Giờ ngồi hồi tưởng lại mới thấy ngày xa xưa hơn nửa thế kỷ ấy với cái nhìn của kẻ nhà quê như tôi lạc bước tới Nha Trang ấy cái gì của Nha Trang cũng lạ! Con đường lạ, phố xá lạ và người người nơi chốn ấy đều lạ… Tôi không nhớ lúc đầu mình về căn nhà trọ bằng cách nào và có những ai cùng trọ chung với mình không; nhưng có một điều chắc chắn là con đường Độc Lập là con đường chánh của thành phố Nha Trang ấy, và dường như nó chạy từ trên chỗ ngã ba phường Phương Sài đi qua rạp hát Tân Tân, tới khách sạn Nha Trang gần chỗ góc đường Công Quán rồi nối dài xuống tới đầu đường Phan Bội Châu, chạy ngang qua chỗ chợ Đầm và gặp con đường Bến Chợ mà trong bài của Đỗ Nghê có nhắc nhà của thi sĩ Quách Tấn nằm trên đường Bến Chợ ấy.

Nha Trang ngày đó (Internet)
Tôi nhớ dường như con đường Bến Chợ này có Ty Lộ vận (nơi cấp bằng lái xe và đăng bộ xe cộ) và tôi có bằng lái xe hạng B do Ty Lộ vận này cấp năm 1970. Ngoài ra, trên đường này chạy dài xuống gần tới Ty Bưu điện Nha Trang dường như còn có nhà hàng La Frégate rất nổi tiếng về các món ăn sang mà hồi đó tụi tôi ít khi nào dám vào nhà hàng này ăn thử, dù chỉ một lần duy nhứt…
Sau thời gian ở đó tạm quen quen, tôi mới để ý thấy Nha Trang có nhiều con đường song song với nhau. Chẳng hạn lấy con đường Độc Lập làm con đường chánh thì các con đường Trần Quý Cáp, đường Nguyễn Hoàng, đường Lê Văn Duyệt, đường Duy Tân là những con đường chạy song song với nhau từ hướng Tây xuống hướng Đông… Đặc biệt đường Duy Tân cặp mé biển là con đường sang nhứt với nhiều biệt thư xây theo kiểu nóc bánh ít thời Tây còn để lại và con đường Duy Tân này cũng là nơi có nhiều cơ quan chánh phủ tọa lạc, có cả viện Pasteur Nha Trang cũng nằm trên đường này mặt nhìn ra hướng biển. Hồi đó, những hàng quán nằm trên đường Duy Tân mà khách du lịch thường lui tới là các Kiosque số 1, số 2 với các món cua rang muối là hết sẩy; lúc bấy giờ tụi tôi đâu có tiền, nên ít dám vô mấy chỗ này, nhưng lâu lâu mấy anh em cũng rủ nhau ra chỗ này kêu món cua rang muối ăn thử cho biết. Nhưng phải công nhận Nha Trang hồi đó có món bánh khoái rất rẻ mà ngon; có món xe phở lưu động bán vào ban đêm cũng là một món dễ ăn nhứt; xuống đường Trần Quý Cáp có món hủ tiếu, món bánh ướt; gần rạp chiếu bóng Tân Tiến có món gà xối mỡ; dọc đường Công Quán & Độc Lập có món pâté chaud của tiệm Hưng Hoa (theo nhà văn Lê Ký Thương có lần nhắc tên tiệm bánh này) uống với sữa đậu nành nóng cũng là món vừa túi tiền mà ngon; thêm nữa hồi tụi tôi ở đó mỗi sáng hay ăn sáng ở cà phê Tân Tân hoặc chỗ cà phê quán con Cò (La Cigogne) nằm trên đường Lê Văn Duyệt với các cô chủ quán khá đẹp; hôm nào có chút mạo hiểm thì mấy anh em rủ nhau xuống gần chỗ chân cầu Hà Ra ra quán bán gỏi cá mai chấm với mắm nêm cá cơm, quán này bán món gỏi cá nổi tiếng.

Về sách vở, dường như hồi đó ở Nha Trang chỉ có nhà sách Huy Hoàng trên đường Độc Lập (ngang với khách sạn Nha Trang bên kia đường) là nhà sách chánh. Mấy năm ở đó, tụi tôi ưa ghé nhà sách này đọc sách cọp mà theo nhà văn Lê Ký Thương thì chỗ nhà sách Huy Hoàng này hồi đó: “Anh Huy Hoàng và chị Vân vợ anh thì tôi rất thân. Trên chuồng cu, phía sau nhà sách anh chị nuôi một số anh em văn nghệ trốn lính và trẻ bán báo”. Bên cạnh, sát vách với nhà sách Huy Hoàng hồi đó có cái quán bề ngang hẹp chừng vài ba thước có ông cụ bán la-ve và nem, chả lụa Ninh Hòa, giá rất rẻ và ngon vô cùng.
Nói về nhà văn nhà thơ thì nói chung miền Trung rất nhiều, chỉ riêng Nha Trang đời trước có thi sĩ Quách Tấn, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Cung Giũ Nguyên, lớp kế là Châu Hải Kỳ, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Hoàng; sau này đọc sách báo biết thêm có Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương, Cao Kim Quy, Triều Đẩu, Huyền Chiêu, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Vy Khanh và hổng biết còn có ai nữa hông, tôi hổng rành lắm. Hồi đó mấy anh em làm chung, thỉnh thoảng ưa ghé qua nhà số 53 đường Hồng Bàng thăm nhà văn Võ Hồng. Lúc bấy giờ nhà văn Võ Hồng khoảng ngoài năm mươi (theo như bài của Đỗ Nghê, Võ Hồng 50 tuổi), ở nhà một mình vừa đi dạy học vừa viết văn; mỗi lần có người ghé thăm, ông rất vui!
Nhớ lại hồi đó, từ Nha Trang nếu bạn muốn ra Ninh Hòa, bạn ngồi xe đò qua cầu Hà Ra, đèo Rù Rì, qua cua quẹo làng Lương Sơn, qua đèo Rọ Tượng dọc theo quốc lộ 1 về hướng Bắc, và Ninh Hòa cách Nha Trang chừng hơn 30 cây số… Nếu bạn đi tiếp về hướng bắc quốc lộ 1, bạn sẽ ra Đại Lãnh, vùng Vạn Ninh, Vạn Giã với bãi biển Đại Lãnh nước trong leo lẻo và nếu bạn đi thêm chút nữa thì bạn sẽ tới chân đèo Cả cao chót vót với đỉnh đèo cao mà phía bên kia chưn đèo là địa phận quận Hiếu Xương của tỉnh Phú Yên là quê hương của nhà văn Võ Hồng, của Nguyễn Lệ Uyên, của Nguyễn Đình Tư với các địa danh như Tuy Hòa, Tuy An, Cù Mông chạy dài tận “Nước Non Bình Định” nằm về phía bên kia chưn đèo Cù Mông với dừa là dừa và tôm hùm cùng cua biển nổi tiếng cả vùng…
Còn từ Ninh Hòa, nếu bạn muốn lên đèo Phượng Hoàng, đèo Mẹ Bồng Con và qua bên kia đèo để về quận Khánh Dương thuộc tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang) bạn ngồi xe đò đi ngang qua huấn khu Dục Mỹ, xe sẽ đưa bạn qua bao thắng cảnh kỳ tích vùng đồi núi vùng cao này. Còn từ Nha Trang, nếu bạn muốn lên thăm Thành (tức là quận lỵ của quận Diên Khánh) bạn theo con đường Độc Lập, rồi bạn đi lên, đi lên một chút nữa, bạn sẽ gặp Thích Ca Phật Đài bên tay mặt ở trên cao và dưới chân tượng Đức Phật là Viện Phật Học Hải Đức; rồi đi tiếp, đi tiếp nữa là bạn sẽ gặp những xe quạt đưa nước lên ruộng và con đường dài cách Nha Trang chừng 9 cây số là bạn sẽ gặp bờ thành cũ và nơi đó có một địa danh được là gọi là Thành tức là quận lỵ của quận Diên Khánh trù phú về dân cư và cây trái; lúc bấy giờ, có dịp lên thăm vùng này, tôi thấy ở đó có nhiều chuối lá xiêm, có xoài và thanh long… Theo nhà văn Lê Ký Thương trong một lần trò chuyện, ảnh cho biết trên Thành còn có món bánh ướt ngon ơi là ngon nữa!
Nhơn đọc Đỗ Nghê: “Thăm Thi Sĩ Quách Tấn”, nếu bạn muốn biết rành rẽ hơn nữa về Nha Trang, về Khánh Hòa, bạn nên tìm đọc “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn là một tập địa phương chí viết về Nha Trang, ngay từ hồi đó tôi đã thấy thắng cảnh Nha Trang qua ngòi bút của thi sĩ Quách Tấn, cảnh nào cũng tuyệt diệu, không cuốn sách nào viết về Nha Trang về Khánh Hòa hay hơn cuốn này! Và thêm chút nữa, nhắc đến thi sĩ Quách Tấn, bạn không thể nào bỏ qua cuốn “Nước Non Bình Định”. Học giả Nguyễn Hiến Lê có lần nhận định về cuốn “Nước Non Bình Định” của Quách Tấn:
“Tôi nghĩ dù không có tập Mùa Cổ Điển, và tập Mộng Ngân Sơn, một tập chứa nhiều bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất hay, mà sau này ai có muốn làm tiếp công việc phê bình của Hoài Thanh tất phải nhắc tới, dù không có hai tập đó đi nữa, thì chỉ nội công phu viết địa phương chí cho Bình Định, thi sĩ cũng xứng đáng là người con của Bình Định rồi.”

Nha Trang ngày xưa (internet) với các Kiosque trên bãi biển…
Sau cùng, xin cảm ơn nhà thơ Đỗ Nghê (tác giả của cuộc đi thăm thi sĩ Quách Tấn tháng 6.1970), đã cho tôi có dịp nhớ lại Nha Trang, nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình với những ngày chưa tới tuổi ba mươi mà bước chưn đời lang bạt đến với thành phố biển Nha Trang với biết bao kỷ niệm mà giờ qua rồi gần 52 năm mà lòng tôi vẫn không sao quên được! Nhớ lắm, nhớ lắm, xin cảm ơn, và xin cảm ơn!
Hai Trầu LTT
(Houston, 21-12-2021)
(Houston, 21-12-2021)