User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nguyenvy
 
Nguyễn Vỹ (1912-1971) là nhà báo, nhà thơ người Quảng Ngãi nổi tiếng từ thời Tiền chiến và sau này là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo lớn ở Miền Nam thời VNCH.
 
Ông là tác giả hai bài thơ: "Gửi Trương Tửu" và "Sương Rơi", từng gây tiếng vang trong nền thơ ca đương thời.
 
Trong sự nghiệp làm báo từ thời Tiền chiến, ông đã cho ra đời những tờ báo như tờ Việt – Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga (1937), tờ Tổ quốc tại Sài Gòn (1945).
 
Sau đó ông tiếp tục ra tờ Dân chủ xuất bản ở Ðà Lạt, tờ Dân ta (1952), tồn tại chẳng bao lâu, cũng bị đình bản như những tờ báo trước.
 
Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông Lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm.
 
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có bài thơ “Thằng Bờm” có lẽ không ai là không biết!
 
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
 
Bài thơ “Thằng Bờm” có giá trị nhân bản vì trước hết nó là tiếng cười dân gian, ẩn chứa một nụ cười hóm hỉnh, một thái độ ứng xử sắc sảo, ca ngợi sự khôn ngoan, tỉnh táo của người dân bình thường, đồng thời nó vừa vạch trần bộ mặt xấu xa, hợm hĩnh của bọn nhà giàu trong nông thôn ngày xưa.
 
Dựa vào những yếu tố tinh nghịch, dí dỏm và thông minh của tuổi thơ, Nguyễn Vỹ đã chọn tên “Thằng Bờm” để đặt cho một tờ tuần báo chuyên phục vụ cho “độc giả” thuộc lứa tuổi thiếu nhi của mình.
 
Tuần báo Thằng Bờm là tuần báo “Hướng Dẫn Giáo Dục Thiếu Nhi Việt Nam” do Nguyễn Vỹ làm vai trò Chủ nhiệm, Giám đốc Trị sự Phan Như Hòa, Họa sĩ Anh Thương và Lê Huỳnh, Trình bày Phan Bá Phụng và Phan Thị Thu Mai làm Thư ký Tòa soạn.
 
Tòa soạn và Trị sự đặt tại 522 Bis Trương Minh Giảng – Saigon – Điện thoại 41.095
 
Tuần báo Thằng Bờm phát hành số đầu tiên ra mắt Đầu Xuân Canh Tuất vào tháng 2/1970, chủ trương phát huy nếp sống tốt đẹp theo truyền thống văn hóa dân tộc cho thiếu nhi, lứa tuổi măng non cần được tiếp thu một nền giáo dục lành mạnh nên đã được sự nâng đỡ về mặt tinh thần của Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa Mai Thọ Truyền và sự hưởng ứng nồng nhiệt của quý vị phụ huynh và do đó độc giả thiếu nhi của tuần báo này đã phát triển rất nhanh. Đặc biệt là Thằng Bờm số 1 và số 2 đã phải in lại theo yêu cầu của nhiều vị phụ huynh và của cả đám độc giả thiếu nhi.
 
Các chuyên mục nổi bật trong Tuần báo Thằng Bờm có thể kể đến là: Tin tức thi đua của học sinh, thiếu nhi các nơi, chương trình Thằng Bờm, gương thiếu nhi anh hùng, truyện danh nhân, có chí thì nên, truyện ngụ ngôn thiếu nhi, đoản thi văn thiếu nhi, truyện ngắn, truyện phỏng dịch, truyện dài có tranh minh họa, nhạc thiếu nhi, đố vui có thưởng, mẫu thêu dành cho các cô bé thích ô mai…
 
Ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, do có được tự do báo chí nên nhiều nhà văn nổi danh thời ấy cũng cho ra mắt nhiều tờ báo dành riêng cho độc giả thiếu nhi mà ngày nay những “độc giả nhí” thời ấy cũng tầm trên 60 không thể nào quên những tờ báo dành cho lứa tuổi còn “mài đủng quần” trong ghế nhà trường như tờ Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Tờ Thiếu Nhi của Nhật Tiến…
 
Rất đáng buồn là khi Tuần báo Thằng Bờm vừa tròn một tuổi thì “cha đẻ” ra tờ báo này là nhà văn Nguyễn Vỹ đã đột ngột qua đời vì tai nạn xe hơi tại Long An vào ngày 04/02/1971. Tuy hiên những người cộng sự của ông vẫn tiếp tục thực hiện tâm nguyện dở dang của Nguyễn Vỹ cho đến khi Sài Gòn bị sụp đổ vào tháng 4/1975.
 
Có thể khẳng định một điều là Nguyễn Vỹ, một nhà thơ, nhà văn, nhà báo có tâm, có tài và có tình.
 
Những người trong giới làng văn, làng báo đều nhận xét ông là một con người đa diện. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết, viết khảo luận, dịch sách. Bên ngành báo, ông vừa điều khiển tờ báo vừa chạy tiền mua giấy, vừa viết bài xã luận, viết bài phiếm luận, viết ký sự viết luôn phóng sự, lắm lúc ngồi viết luôn hóa đơn để thâu tiền quảng cáo.
 
Là chủ nhiệm nhiều tờ báo, nhưng lúc nào Nguyễn Vỹ cũng đối xử với cộng tác viên bằng một tình cảm đậm đà của tình nghĩa anh em, của một tâm hồn nghệ sĩ và lòng thương người.
 
Nguyễn Vỹ được các cây bút trẻ của Tuần báo Thằng Bờm cảm nhận là “một người hiền lành yêu trẻ”, hết mực thương yêu và lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ.
 
Chính cũng vì “cái Tình” mà khi Nguyễn Vỹ đột ngột qua đời, ai cũng thương cũng tiếc, vì tính ông rất dễ thương, không làm mất lòng ai, mặc dầu bất mãn với nhân tâm, bất đắc chí với một xã hội nào đó!
 
Sự nghiệp báo chí và văn học của Nguyễn Vỹ đến nay vẫn chưa được đánh giá một cách công bằng và đúng mức.
 
Vào ngày 30/10/2017, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội thảo “Nguyễn Vỹ- Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà thơ, nhà văn, nhà báo… Nguyễn Vỹ.
 
Trong Hội thảo này đã trình bày những nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu về những đóng góp của Nguyễn Vỹ - một trong những gương mặt trí thức tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX vào sự nghiệp văn hóa, văn học và báo chí.
 
Hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá một cách khách quan khoa học và đúng đắn, đặc biệt là khẳng định được vị trí và vai trò của ông trong sự nghiệp báo chí và văn học nước nhà để những người con Quảng Ngãi có quyền được tự hào về một nhân tài trên quê hương núi Ấn sông Trà./.
 
 
Hoài Nguyễn – 28/11/2021
 
Nguồn: Fb Miền Nam Việt Nam - Trước 1975 - Hoài Nguyễn
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com