User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Nhận định và viết về thơ Thái Tú Hạp, tôi đã không ngần ngại với cái tựa “Thái Tú Hạp: Một Đời Thơ".
Bởi lẽ ông đã (ăn nằm) với chữ nghĩa gần sáu mươi năm…
Thời gian đã quá đủ để trải nghiệm, đón nhận, chịu đựng, buông xả và hoài niệm tất cả mọi ân sủng hạnh phúc cũng như thương đau, bi lụy của cuộc đời…
Tôi có cơ duyên, được quen biết ông từ những năm trước 1968, khi chúng tôi cùng một đơn vị tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, dưới thời của 2 vị Tư Lệnh là Hoàng Xuân Lãm và Ngô Quang Trưởng. Tuy khác Ban, Ngành nhưng mỗi sáng thứ 2 hàng tuần chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau ở phòng họp của nhiều vị Chỉ Huy Trưởng các Quân Binh Chủng tại BTL/Quân Khu 1, vì cả hai chúng tôi đều là Sĩ quan phụ tá cho cấp Trưởng phòng thuyết trình trước vị Tư Lệnh Quân Đoàn. Chỉ vài câu chuyện ngắn ngủi, chào hỏi theo quân cách huynh đệ chi binh, xong trở về phòng làm việc. Cứ thế ròng rã gần mười năm trời.
Với tầm vóc vừa phải, nước da trắng, diện mạo thanh tao, khiêm tốn và dễ mến. Sau tháng 4/1975, ông cũng như tôi và đồng đội được CS đưa vào các trại tù khổ sai như Kỳ Sơn, Tiên Lãnh.
Sau thời gian được trở về ông cùng gia đình vượt biển đến Hồng Kong và định cư tại Los Angeles, California từ năm 1980.
Khi gia đình tôi đến Hoa Kỳ năm 1991, chúng tôi bắt đầu liên lạc với nhau và có cơ hội được đến thăm ông cùng chị Ái Cầm tại tư gia vào Tháng 5/2005.
Đúng như ai đã nói, quả đất tròn, chúng tôi lại gặp nhau trên quê hương mới, gần ba mươi năm sau, khi mái đầu sương điểm và những hệ lụy đã chín muồi nhưng tình huynh đệ vẫn gắn bó, nồng thắm…Nói cho cùng, ông vẫn là đàn anh của tôi trong tuổi đời, tuổi thơ và tuổi lính. Có lẽ cũng không nên dài dòng về mối quan hệ giữa tôi và ông từ trước đến nay,  vì chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau trên điện thoại, nhất là mỗi dịp Xuân về
ông đều gởi tặng Báo Saigon Times cũng như những tác phẩm vừa mới phát hành.
Trong năm 2021, nhà thơ Thái Tú Hạp lại gởi tặng thi phẩm Suối Nguồn Tâm Thức do Sông Thu xuất bản, sách dày trên bảy trăm trang, Đến đây, tôi xin trở lại với cái tựa ban đầu, Thái Tú Hạp: Một Đời Thơ.
Khởi đầu, với Thèm Về (1970 ) Chim Quyên Lạc Ngàn (1982 ) Miền Yêu Dấu Phương Đông (1987 ) Hạt Bụi Nào Bay Qua (1995 ) Suối Nguồn Tâm Thức…Chưa kể những bài Tùy Bút và thơ văn Phật giáo cũng như nhiều bài thơ được các Tạp chí có tên tuổi ở Sài Gòn giới thiệu trước năm 1975…
Từ ngàn năm trước, Âu Dương Tu đã nhận xét: Không phải thơ làm cho người ta khốn cùng mà chính trong nỗi khổ đau của kiếp người nên mới có những bài thơ hay. Hoặc nói như Trần Dần: Tôi không thừa nhận một thứ thơ nào nhân tạo mà không có sự khổ đau và nổi loạn…
Thi sĩ Thái Tú Hạp ở vào nhiều tâm trạng khác nhau, niềm hạnh phúc ban đầu ở tuổi thanh xuân, thời áo lính trong buổi loạn ly, chiến tranh tàn khốc ở quê nhà,những ngày gian khổ tù đày trên chính quê hương mình, rồi vượt biển bỏ nước ra đi, suýt bỏ thân ngoài biển cả, và khi đến bến bờ tự do phải làm lại từ đầu…
Trải qua bao oan nghiệt, cay đắng, hệ lụy chồng chất, nhũng cuộc lữ đầy gian truân đã làm nên những chất keo nồng thắm gắn bó từng con chữ từng câu thơ tự vỗ về mình an nhiên trước những đổi thay của thời cuộc, ta hãy nghe:
   Tiếng hát em ngọt ngào như suối mật
   Vắng xa rồi oan nghiệt với tang thương… Hoặc:
   Đợi chờ nhau quây quần bên bếp lửa
    Ngàn cánh chim tung cánh giữa trời xanh..  ( Mùa xuân trên quê hương )
Qua những tác phẩm của Thái Tú Hạp đã xuất bản từ trước đến nay, tôi tạm chia ra mấy giai đoạn theo thời gian và những cảnh đời đã trải qua của một đời thơ:
1/ Thời mới lớn ở Hội An: Ngôi trường Trần Quý Cáp là nơi đã trang bị vốn kiến thức đầu đời, những kỷ niệm ngọt ngào tuổi thanh xuân, ở đó không thể không nhắc tới Chùa Cầu, Khổng Miếu, những mái ngói âm dương nhuốm màu thời gian nằm nghe từng tiếng rao hàng giữa đêm khuya khoắt hay:
     Thương hoài con phố đêm mưa
     Về qua mái cổ lá đưa đẩy sầu.
 
Bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa chảy qua góc phố, cũng là nơi đã đơm hoa kết nụ những cuộc tình trong trắng, thơ ngây, bắt đầu cho một hành trình lãng mạn. Nhưng cánh buồm yêu thương bỗng tấp trôi rồi dừng lại trên bến sông Hàn, nơi đó có cô nữ sinh trường Phan Thanh Giản “ bỏ trường theo anh” và từ đó người con gái gốc Hoa tên Ái Cầm đã cùng ông thủy chung cho đến bây giờ.
Thời gian nầy thơ anh bát ngát hương hoa và nguồn hy vọng trổi dậy với những vần thơ đầu đời xuất hiện trên các Tạp chí Văn- Gió Mới- Bách Khoa…
2/ Thời áo lính: Phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều đơn vị trên khắp chiến trường, cảm nhận được những gian lao của người lính trong chiến tranh cũng như những mất mác, đau thương mà thế hệ ông đã phải gánh chịu  ròng rã suốt hai mươi năm. Những suy nghĩ, trăn trở nầy thể hiện qua nhiều bài thơ cũng như nhiều ký sự đăng tải trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, Tiền Phong… Giữa thời khói lửa điêu linh, người lính vẫn thầm mơ để Thèm Về một nơi chốn
yên bình, dẫu cho :
         Tóc sương rêu phủ bến chờ
         Chiều nghiêng cánh gió hồn mơ đăng trình…
 
Bước quân hành, rày đây mai đó, nhưng hình bóng người mẹ hiền ngồi bên cửa đợi tin con, cũng như bao nhiêu người mẹ VN khác trong thời buổi chiến tranh là những biểu tượng buồn nhưng đẹp và bát ngát tình mẫu tử:
     Mẹ ngóng hoàng hôn cửa mòn mỏi đợi
     Ngọn đèn khuya soi vách lá quạnh hiu
     Mẹ nhớ thương con trời Nam bể Bắc
     Chờ tin vui từ sớm nắng mưa chiều…
 
3/ Thời ở tù CS: Đây là giai đoạn mà Quân Cán Chính VNCH đã phải gánh chịu những đòn thù dã man, độc ác nhất của chế độ mới. Tuy thời gian ở trong tù không lâu, nhưng cũng quá đủ để ông chứng kiến đồng đội mình bị hành hạ, tra khảo, nhục hình trong các phòng biệt giam tăm tối, hay lao động khổ sai…
Ông là một chứng nhân và cũng là nạn nhân của thời cuộc. Hãy nghe ông kể:
           Đêm thật dài người tù binh mê sảng
          Thấy hờn căm vây bủa máu quanh mình…
 
Hay:  Ngày khiêng cây vác gỗ đào kinh
          Bữa lên núi đốt rừng phá rẫy
          Hạnh phúc chỉ lặng thầm trong củ sắn củ khoai…
 
Hoặc kinh hoàng hơn:
         Loạt AK gục chết trên cổng rào…
 
Thảm cảnh toàn đất nước là những trại tù khổng lồ, những thảm kịch đen tối của thời đại ở thế kỷ 20 để “ Bi sử nghìn năm lưu dấu” những thống hận, oan cừu…Những địa danh như núi rừng Kỳ Sơn- Tiên Lãnh- Trà Mi luôn ám ảnh ông cả trong những giấc mơ để phải thốt lên:
      Xác thân nầy cũng cồn hoang
      Cũng đồi sương trắng- điêu tàn dưới khe ( Trong Tù Nghe Tiếng Chim )
Rất nhiều những bài thơ không phải ( Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử) như ông Nguyễn Mạnh Côn, nhưng dòng thơ của Thái Tú Hạp là một nhắc nhở để đời cho lớp hậu duệ không quên một cột mốc bi thương của đất nước, như một thông điệp hùng hồn bởi ông đã từng than thở:
             Mùa xuân không về nữa
            Thượng đế đã rút lui từ tháng Tư
            Lừa dối
            Và con người hết chân thật.
Có điều, ông vẫn ấp ủ, dù biết không bao giờ được trở về quê hương khi còn bóng dáng kẻ thù nhưng lòng ông vẫn hằng mong Một sớm mai nào đó đứng giữa trời quê cha: Ta về thăm quê mình- Điểm danh từng bằng hữu…
4/ Giai đoạn vượt biển: Đây là thời gian mà Thái Tú Hạp và gia đình đã trải qua những nỗi kinh hoàng và nguy hiễm giữa trùng dương sóng gió, đi tìm cái sống trong cái chết, Chuyện Thuyền Nhân là những trang sử máu xương và nước mắt nghìn năm. Những thảm kịch từ Việt Nam réo gọi. Từ biển đông trầm thống kêu gào…
Đã có quá nhiều bài thơ, bài hát cất lên từ những nỗi niềm khát khao bờ bến tự do,giữa đêm mù mịt, có khi là những ám ảnh tuyệt vọng chỉ nương nhờ vào những lời nguyện cầu ơn trên giúp đở vì con người hoàn toàn bất lực trước cơn cuồng nộ của biển cả. Những lời thơ của Thái Tú Hạp mang tâm trạng đầy sắc màu tâm linh, vì khi tận mắt trông thấy những thảm cảnh hãi hùng chỉ còn lại lời kinh cầu cứu khổ...Khi đến được vùng đất hứa, gia đình ông đã thực hiện một bức tượng Thuyền Nhân để tưởng niệm 13 người đã vĩnh viễn ra đi, bức tượng nầy đặt tại Tòa soạn và 2 gia đình chúng tôi đã có dịp chụp chung tấm ảnh nhân chuyến qua thăm ông tại Los Angeles.
5/ Thời lưu vong: Sau hơn 5 năm, tạm ổn định bước đầu cho gia đình, ông cùng nội tướng Ái Cầm chủ trương thực hiện Tuần báo Saigon Times và Nhà xuất bản Sông Thu. Có thể nói đây là cơ hội trở lại cầm bút cho cả hai người. ông liên tục cho ra mắt nhiều tác phẩm và ấn hành các Đặc San Quảng Đà dày trên 700 trang trong suốt 10 năm. Đây là một công trình đáng trân trọng đóng góp rất nhiều trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, nói chung và đất Quảng, nói riêng. Một lần nữa trở lại với đời thơ Thái Tú Hạp, rất khó mà tổng hợp hay cô đọng lại tất cả chỉ trong vài trang giấy với một thi nhân đã miệt mài suốt đời qua bao thăng trầm, hệ lụy để điểm tô cho cuộc đời thêm hương sắc.
Trong ghi nhận của tôi, nguồn thơ của Thái Tú Hạp đều hướng về tình yêu quê hương, gia đình, bằng hữu, những hoài niệm đầy trắc ẩn, trong đó hình bóng Người mẹ hiền- Người vợ đã một thời Bỏ trường theo anh và đứa con gái tên Doanh  Doanh vẫn thấp thoáng đâu đó trong những bài thơ của ông.
Với bài :Ý nghĩ của mẹ trong thời chiến có những câu tôi rất tâm đắc:
Con dâng hiến bài thơ ca ngợi mẹ
        Như vì sao đẹp nhất giãi ngân hà
        Nước mắt mẹ như đại dương từ ái
       Rửa hận thù tăm tối quê hương ta…
Đối với hiền thê, lại có mấy câu lục bát thật da diết:
        Nhớ thương em, phố tình thơ
        Ta con ngựa mỏi bụi mờ chân mây…
Và khi cuộc chiến đã tàn, phận người treo trên sợi tóc, nhưng người xưa vẫn trọn tình trọn nghĩa bao bọc, thủy chung:
        Lúc ngã ngựa khi tàn binh
        Lúc non cao vẫn trọn tình thăm nuôi…
Cho dù ở đâu, thời điểm nào, trong tâm thức nhà thơ họThái cũng rân rang tình tứ bình bóng kiêu sa của mỹ nhân, để xoa dịu niềm đau nhân thế:
         Em về từ cõi đông phương
         Tóc mùa thu cũ trầm hương quê nhà…
Một khía cạnh khác, không thể không nhắc đến trong thơ Thái Tú Hạp là niềm tin tôn giáo, do đó chúng ta không ngạc nhiên khi đọc những câu thơ đầy chất thiền tính, nhiều danh từ Phật giáo như vô lượng, ẩn cư, bát nhã, hoa nghiêm, luân hồi
kim cang v.v. Sau đây là vài câu tiêu biểu:
          Lá theo tiếp lục đường chim
          Hồn mai phục giữa Hoa Nghiêm lặng tờ…
Trong bài Ẩn cư với sáu câu lục bát:
           Nửa khuya nguyệt đến chỗ nằm
          Nhớ xưa huyền hoặc trăng rằm ẩn cư
          Gối đầu đá tảng Chân Như
          Lắng nghe vô lượng suối từ bi kinh
          Con đường quy ước tử sinh
          Biển dâu thấu triệt cuộc tình trăm năm.
Với khổ thơ năm chữ, trong bài Sao Khuya, thể hiện một tâm trạng khác như
( Con đường vào tánh không):
          Thiền sinh nghe gió lộng
          Giọt nắng nhòa chữ tâm
          Ba sao và nguyệt hạ
          Giữa cõi trời sắc không…
Một điều mà tôi chưa bao giờ nghe, nhưng nhà thơ của chúng ta đã mạnh dạng nhân cách hóa tiếng chim giữa ngàn xanh có những lời Pháp thoại, kể cho ta nghe cuộc đời buồn vui giữa chốn vô thường, như thức tỉnh phận người trong cõi ta bà:
            Ngậm ngùi đứng giữa ngàn xanh
            Nghe chim pháp thoại trên cành tử sinh
           Mùa xuân trải lụa bình minh
           Ta như bóng núi soi mình sông xưa
           Chiều lên tiếng nắng đong đưa
           Bên giong suối bạc tóc vừa điểm sương
           Sớm mai rạng rỡ yêu thương
           Chiều hương lửa hóa vô thường bay xa…
Tôi cho rằng, ngôn ngữ cũng có con mắt riêng của nó, miễn sao người viết sử dụngvà chọn đúng cho nó một vị trí thích hợp thì chữ nghĩa sẽ bừng sáng, soi rọi mọi góc cạnh tâm linh, xuyên suốt ngọn nguồn. Tôi muốn nói đến chữ Tâm, mà nhà thơ Thái Tú Hạp đã thể hiện qua nhiều bài thơ qua ảnh hưởng triết lý Phật giáo như Tâm Bồ Đề, Tâm Vô Lượng, Tâm Từ Bi, Tâm Bồ Tát…
Vẫn theo hai câu: Giọt nắng hòa chữ Tâm
                             Ba sao và nguyệt hạ
Không biết ông đã theo gót cụ Nguyễn Du từ bao giờ, vì trong truyện Kiều đã có câu:   Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời hoặc ở đoạn cuối của cốt truyện, thi hào Nguyễn Du cũng thừa nhận;  Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…
Ngay cả Nã Phá Luân ( Napolion) cũng đã từng tuyên bố:
Có hai sức mạnh trên thế giới đó là sức mạnh của thanh gươm và sức mạnh của tấm lòng. Cuối cùng thì tấm lòng đánh bại thanh gươm.
Ở đời, chữ tâm tức là tấm lòng, khi tái tim rộng mở thì đuốc tuệ là ánh sáng soi đường để con người vượt thoát mọi khổ đau, mê lầm, tội ác…Thái Tú Hạp đã thể hiện được điều nầy ở mọi hoàn cảnh, dàn trải tâm sự qua nhiều góc cạnh của một đời thơ .
Người Phương Tây cho rằng: “Thơ là ngôn ngữ trong ngôn ngữ, là văn bản trong văn bản, thơ là thần giao cách cảm” người thưởng ngoạn có thể tìm thấy hoặc cảm nhận được những điều vi diệu tùy theo nhận thức và suy nghĩ riêng tư của mình…
Để kết thúc bài viết, theo tôi, khi đọc lại những trang thơ của Thái Tú Hạp, tôi như được hít thở giữa không gian tỉnh lặng, trong lành, nguôi quên những phiền não, thân tâm an lạc và tìm được cho mình một nơi chốn yên bình, bởi tôi đã đọc được rất nhiều bài thơ hay và phần nào cảm thông được như người trong cuộc.
Thơ ông bình dị, không làm dáng, không mộng tưởng, không phù phiếm, lập dị,nhẹ nhàng nhưng chất chứa nhiều tâm sự thế nhân rất gần gủi với đời thường,cũng như thoát ra từ tiếng nói của con tim một cách chân thành, tha thiết…
Ngoài ra, qua những trang thơ của ông là cả một ( Suối nguồn tâm thức) hiền hòa như dòng chảy của con sông ngọn suối êm đềm muôn đời ra biển cả, không hận thù, không cuồng phong phẫn nộ, một nhân cách riêng: rất Thái Tú Hạp.
Tôi không biết, một ai đó đã từng tuyên bố một câu xanh dờn như thế nầy:
“Trong một tập thơ hay, chỉ cần một bài thơ hay là đủ. Trong một bài thơ hay chỉ cần một câu thơ hay là đủ và trong một câu thơ hay chỉ cần một chữ hay là đủ.”
Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm nầy, vì nhận xét như thế hơi cường điệu, chủ quan, vì chỉ một bài thơ hay trong toàn tập cũng không đủ sức (gánh nổi)khối lượng khổng lồ mà nó phải chuyên chở, cưu mang theo trong ngàn câu, chữ.
Đọc thơ để cảm nhận, có khi cũng cần hiểu, dù rất ít, thầm ý của tác giả, để hòa mình vào thế giới riêng tư nào đó. Với tôi Thái Tú Hạp đã làm được điều nầy qua nhiều Tập thơ, nhiều bài thơ và rất nhiều câu thơ đạt tới đỉnh…

Một vài cảm nghĩ bất chợt, khi ngồi đọc Suối Nguồn Tâm Thức của thi sĩ Thái Tú Hạp, trong mùa đại dịch, viết mấy trang theo ý nghĩ chủ quan của mình chắc còn nhiều thiếu sót, phiến diện, rất mong ông đừng phiền hà, trách móc…
Cầu mong, chị Ái Cầm mãi luôn đi bên cạnh ông để tiếp tục thực hiện những hoài bão còn dang dở trong tương lai…   

        

Atlanta, Những ngày cuối đông Tân Sửu 2021
 Xuyên Trà
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com