User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
lmuc
Linh Mục Anthony Đào Quang Chính (Cha Chánh Xứ nhà thờ St Catherine of Alexandria, Temecula, Riverside County)
 
Cali bây giờ đang là mùa Hạ. Gần như thông lệ, các nhà bên Cali vào mùa Hạ đều chăm sóc giúp vườn hoa, vườn hồng sân trước thêm rực rỡ. Ngày dài, đêm ngắn. Đến tận 7, 8 giờ tối, khí hậu mát mẻ, trời vẫn còn sáng, cho nên bờ biển và đường phố Cali chật người đi lại, vui chơi, giải trí. Thêm một chút sinh hoạt cũng là lẽ thường.
 
Thế nhưng Cali không chỉ có vậy. Đó mới là một phần “ồn ào” của Cali thôi. Còn phần nữa là gì?
 
Vào những tối trăng sáng, không gian thật dịu dàng, nhẹ nhàng, thanh khiết, đi tản bộ dưới ánh trăng, nghe tiếng vạc kêu lơ lửng ngang trời, cảm nhận hương thơm của loài hoa đêm, sống lại tâm tình xưa khi nghe tiếng phong linh thoang thoảng bên nhà hàng xóm, và nhất là thấy rằng Cali, tuy là đất người, nhưng cũng có lúc rất Việt Nam. 
 
Vào những giây phút đó, đã bao giờ chúng ta hỏi: nhiều khi mình hòa nhập với những bụi hoa, bụi hồng rực rỡ, nhưng lại bị choáng ngợp giữa muôn màu, đến nỗi không cảm nhận nổi đâu là nét sắc sảo của những loài hoa này không?
 
Rồi đã có lần nào chúng ta nghe thấy tiếng phong linh, tiếng hạc kêu, tiếng hát ca của lũ dế mèn trong đêm khuya mà lòng dịu lại, sau khi cả ngày chịu đựng những gầm rú của xe cộ, ồn ào của mọi thứ âm thanh? Có ai biết, nhờ những thảm cỏ xanh trước nhà, những bông hoa dại và nhỏ bé bên đường, mà đám hồng nổi bật? Phải chăng nhiều khi mình đã quá chú tâm đến những không gian náo nhiệt mà quên mất nét Thiền, nét Lặng, nét Từ Bi, Bác Ái nơi Hoa Cỏ Bên Đường?
 
Chắc hẳn sẽ có người trong chúng ta cười nhẹ: Những khung cảnh và hoàn cảnh này thì đâu chẳng có? Chẳng phải riêng Cali, Texas, Florida, Arizona… đều có cả. Đúng vậy. Có lẽ tác giả Hoa Cỏ Bên Đường cũng ước muốn, mỗi người sẽ tìm thấy Hoa Cỏ Bên Đường ngay nơi mình đang sống.
 
*
Dễ dàng nhận ra, tác giả Kiều Mỹ Duyên là một người đa năng trên nhiều lãnh vực. Từ địa ốc, phóng viên cho nhiều đài truyền hình Việt nam tại hải ngoại, yểm trợ sinh hoạt bác ái, vận động giúp công tác các đoàn thể cựu quân nhân, cho đến trách vụ trong cộng đồng Hoa Kỳ như thành viên đại bồi thẩm đoàn, YMCA, H&CD Commision của Orange County Housing Authority, v.v.. Tại Việt Nam, chị là phóng viên, hơn thế nữa, là phóng viên chiến trường, đã tham gia phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa đi viết những bài tường thuật cho mọi người miền Nam biết về diễn biến hòa đàm tại Paris vào thời điểm chiến tranh đang sôi động.
 
Chị là một người đa năng khi viết văn, phỏng vấn, nói chuyện. Tất cả dễ dàng như những niềm nở lúc nào cũng có nơi chị. Nhiều tạp chí ở Cali, Arizona, Texas thường xuyên đăng các bài của chị. Đa năng khi trông thấy người thật việc thật, và đặt bút xuống rất thật. Đa năng vì có thể phỏng vấn và nói chuyện với các giới chức chính trị, văn hóa, và tôn giáo dễ dàng. Chị nói chuyện và xếp giờ hẹn với các chức sắc tôn giáo như với Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, với Hồng Y và các Giám Mục Việt Nam, với Đức Đại Lão Hòa Thượng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, các Mục Sư, Ni Sư, Nữ Tu Công Giáo đáng kính một cách tự nhiên, không cần theo quy định nào!!! Đài truyền hình như NBC, ABC, CBS muốn phỏng vấn Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục, thường thu xếp giờ hẹn và đưa câu hỏi trước vài tuần, chị thì không. Với chị, chỉ sau một ngày là xong!
 
Chỉ là người đa năng thành công cả tại Việt Nam, và bây giờ ở hải ngoại qua nhận xét và góp ý của nhiều thân hữu, văn hữu đã viết về chị và nét đa năng này lần lượt xuất hiện trong Hoa Cỏ Bên Đường.
 
*
Tôi là người nhìn đến dĩ vãng như những bông hoa tô điểm cho đời thêm đẹp. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa và những người thường được gọi chung là Quân, Dân, Cán, Chính, những người xả thân cho tự do và hòa bình của đất nước, mà bây giờ đang bị đối xử cách bất công, tủi nhục trên cả xứ người cũng như xứ mình. Một lần trên đường lái xe đi từ Washington D.C. đến Philadelphia vào tháng 11, dọc theo xa lộ, cả hàng vài chục cây số là Rừng Lá cây Phong đang đổi màu đẹp và hùng vĩ lắm. Hướng có ánh sáng, lá cây màu rất sáng. Hướng thiếu ánh sáng thì màu lá tối hơn. Không chỉ cây có nhiều màu, mà một lá cũng mang rất nhiều màu! Cùng với nét hùng vĩ là tiếng gió thổi mạnh. Rừng cây, rừng lá, muôn màu, muôn sắc với Thiên Nhiên là một. Trên đường lái xe, tôi nghe băng Chinh Chiến Điêu Linh mà thấy như máu trong người sôi sục, tưởng như đang thấy trước mắt các chiến sĩ xông pha chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị, hay đang ở trong Trại Gia Binh với những người vợ sống chết theo chồng, với những em bé tải đạn, giúp cha chiến đấu dưới giao thông hào! Tôi phải dừng xe bên đường xa lộ, cạnh rừng Phong một lúc thật lâu để sống lại cảm xúc mà nhiều khi theo thời gian bị nhạt nhòa! Rừng Lá Cây Phong đang đổi màu. Chinh Chiến Điêu Linh và Rừng Lá Cây Phong! “Hồn Tử Sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.”
 
*
Trong Hoa Cỏ Bên Đường phảng phất đâu đó nét oai hùng của Chinh Chiến Điêu Linh với “Trường Võ Bị Sĩ Quan Đà Lạt Đào Tạo Anh Hùng,” với nhận xét rất thật của một phóng viên chiến trường qua “Người Đã Đi Nhưng Người Vẫn Ở Bên Ta: Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn,” của một nhà kinh doanh địa ốc “Vui Buồn Trong Nghề Buôn Bán Nhà Cửa” và nhất là rất Thiền qua chuyện “cứu sống” hai con vịt, rất Bác Ái qua hình bóng ẩn hiện các hội từ thiện Hồng Ân, Nhóm Từ Thiện Tình Thương VA, rất nhẹ nhàng với mong ước dậy học, giáo dục của một người làm việc bác ái cách kín đáo, không muốn cho ai biết, qua các đóng góp vào chương trình lũ lụt Việt nam, giúp nhiều Giám Mục, Linh Mục, Thượng Tọa, Đại Đức, phục vụ người nghèo, người thiểu số, người bị lãng quên.
 
*
Tôi là một Linh Mục Công giáo. Qua lăng kính tôn giáo, tôi thấy các bài viết của Hoa Cỏ Bên Đường tràn đầy tâm Thiền của Phật giáo và tâm Ái của Công Giáo. Cùng với tâm thiền và tâm ái đó, là những nét năng động của niềm đam mê hăng say làm bác ái không ngưng nghỉ. Công giáo gọi là “Đem đạo vào đời” hoặc “Sống đạo giữa đời.” Nói về đạo mà không giảng đạo. Giảng đạo bằng sống đạo, sống bác ái. Đạo không phải chỉ ở trong nhà thờ, thánh thất, chùa miếu, thánh đường, và đương nhiên không giới hạn trong cung thánh.  “Người ta cứ dấu hiệu này mà biết các con là môn đệ Thầy, là các còn yêu thương nhau.”
 
Hãy đọc Hoa Cỏ Bên Đường với tâm thiền, với tâm của người đang đi truyền giáo, để không chỉ lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, của trời đất, nhưng còn nhận ra tiếng gọi từ Trời cao mời chung sức, giúp cho thế giới này tốt đẹp hơn, cho nước Việt Nam và cộng đoàn Việt Nam hải ngoại thương yêu nhau hơn!
 
Ồ, biết đâu có người trong chúng ta sẽ thấy hình ảnh của mình là Hoa Cỏ Bên Đường.
 
 
LM. Anthony Đào Quang Chính
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com