User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
TMT c
 
Anh dùng hai bút hiệu: Đỗ Tư Long, tên thật, và Trần Miên Trường. Sau này tôi tự hỏi, sao anh lại lấy bút hiệu Trần Miên Trường, để rồi ngủ giấc thiên thu?
 
Nơi đây, những chiều thứ Bảy, hầu như quá quen với những cây bút dành cho tuổi học trò và với những độc giả thường xuyên đến thăm. Đó là phòng họp của Tòa soạn Tuổi Hoa, nằm cùng một khu vực với Nhà sách Đức Mẹ. Gọi là phòng họp nhưng thật ra là một căn phòng nhỏ, thường ngày chỉ có hai, ba người ngồi làm việc, thậm chí nhiều hôm chỉ có một người. Vậy mà khi họp mặt lại vui lắm! Đó là nơi mọi người quen nhau đến, và đến làm quen với nhau. Mới đầu có một chút e dè, nhưng sau thì chan hòa như bạn thân.
 
Và như thế, Trần Miên Trường đã là bạn thân của Tuổi Hoa trước cả tôi. Hơn thế nữa, anh có một giọng cười hồn nhiên, sảng khoái, như thể cuộc đời vốn dễ dàng với mình. Ai có e ngại cách mấy, nghe giọng cười của anh sẽ thấy mình được hồn nhiên theo cùng.
 
Quê nhà của Trần Miên Trường ở tận ngoài Huế. Những lần về hậu cứ, anh đều ghé tòa soạn Tuổi Hoa ở đường Kỳ Đồng, Sài Gòn. Đặt chiếc mũ “bê-rê” đỏ lên bàn, và thế là người lính tạm trở về đời sống dân sự. Gặp ngày thường, anh ngồi làm thơ, gửi bài, và trò chuyện cùng “cô cò” Mỹ Thanh. Gặp thứ Bảy, ôi thôi họp mặt vui vẻ, chuyện trò râm ran.
 
Tôi từng nghĩ, Long làm thơ như người ta thở. Nghĩ sao viết vậy, nhưng… ra thơ.
 
Nhà thơ trẻ, viết rất đều và rất hăng, từ trước Tết Mậu Thân. Những bài thơ thường viết dành cho các bé, và cho tuổi học trò. Những vần thơ cũng dành cho đời lính, cho những ưu tư khắc khoải của những người tham dự vào cuộc chiến. Hầu như số bán nguyệt san nào cũng có bài của Đỗ Tư Long – Trần Miên Trường.
 
Ngày 6 tháng Năm, năm 1970, cánh dù đã rơi trên chiến trường Campuchia. Nhà thơ trẻ được mười chín tuổi. Giọng cười hồn nhiên đã tắt.
 
Chân dung của anh: chân dung của vạn người lính.
 
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Tháng 5, 2022
 
Thư Quán Bản Thảo số 99, Tháng Bảy, 2022
Giới thiệu thơ Đỗ Tư Long – Trần Miên Trường
 
Hẹn Xưa Trong Mặt Trời Buồn
 
Hơi thở học trò vô tội
Bọn mình sưởi ấm cho nhau
Mai tao đi vào quân đội
Bọn mình, thôi, giã từ nhau.
 
Những ngón tay gầy đen nhánh
Một lần gói trọn niềm thương
Mai tao chim trời vỗ cánh
Thơ ngây rồi cũng lên đường.
 
Son giá ngày xanh một thuở
Mái trường phong kín buồn vui
Xa rồi bút nghiên sách vở
Tao đi cảnh luống ngậm ngùi.
 
Từ đó bọn mình cách trở
Gió mưa lạnh tuổi trăng sao
Trong hoang liêu buồn nhắc nhở
Thư từ nhớ viết cho tao.
 
Mai tao đi vào quân đội
Hành trang nặng trĩu tủi hờn
Súng gươm mới mười lăm tuổi
Vào đời chưa thấy lớn khôn.
 
Hẹn xưa một lần chưa nhạt
“Long mày đi trước bình yên
Chờ bọn tao về họp mặt
Một ngày từ giã bút nghiên.”
 
Trong mặt trời buồn nhắc nhở
Hẹn xưa đã hiện hữu rồi
Bọn mình chừ chung hơi thở
Súng gươm ấm lại môi cười.
 
Ngày mai nắng mới reo ngoài nội
Thanh bình trăm hoa nở đua duyên
Bọn mình, thôi, giã từ quân đội
Trả súng gươm về với bút nghiên.
 
Trần Miên Trường (1969)
 
TQBT 99
 

Tủ Sách Tuổi Hoa và các fan của Tuổi Hoa vô cùng thương tiếc khi hay tin nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Trinh Chí – tác giả truyện “Dòng Sữa Mẹ” (loại hoa xanh)- đã vĩnh viễn ra đi .

Tủ Sách Tuổi Hoa xin đăng bài viết ”Tưởng Nhớ Trần Miên Trường – người thơ đã ngủ giấc thiên thu” – của tác giả Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh đăng trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa số 200, xem như thắp một nén hương để tri ân và tưởng nhớ đến những người quá cố đã cống hiến một phần đời mình cho Tủ Sách Tuổi Hoa.

——————————————————————————————
* Bài viết Tưởng nhớ Trần Miên Trường – người thơ đã ngủ giấc thiên thu
* Tác giả: CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
* Trích trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa số 200
* Nguồn: Tuoihoa.hatnang.com

tranmientruong

tranmientruong1

tranmientruong2

tranmientruong3

tranmientruong4

tranmientruong5

 
Nguồn: https://123hoang.wordpress.com/sach/cam-li-nguyễn-thị-mỹ-thanh/tưởng-nhớ-trần-mien-trường/
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com