User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Hồi năm 1962, trong dòng nhạc tình mùa chinh chiến của Miền Nam Tự Do thời Chiến Tranh Việt Nam, xuất hiện ca khúc “Lá Vàng Rơi,” nghe như là một nhạc phẩm ca tụng mùa Thu và tình Thu.
 
minhky
Nhạc phẩm “Lá Vàng Rơi” của Minh Kỳ. (Hình: Tài liệu)
 
Khi nghe cứ ngỡ cỡ “Thu Vàng” của Cung Tiến hoặc “Thu Về Trong Mắt Em” của Phạm Mạnh Cương. Nhưng thật ra đó là tâm sự của một người em gái ở hậu phương gởi ra cho người tình là một chàng trai nơi tiền tuyến, lấy bối cảnh là một mùa Thu yêu đương.
 
“Đã qua mấy mùa lá vàng nhẹ rơi/ Viết lên mấy hàng ghi lại tình tôi/ Tình này bằng trăm thương ngàn nhớ/ Gửi về miền xa xôi mộng mơ/ Nhớ anh nhớ không bến bờ.”
 
Đã bao mùa Thu tràn đầy kỷ niệm tình yêu mình đành sống xa nhau, nay em viết lá thư này gởi về anh người trai biên giới ưa yêu màu gió mây trời chơi vơi để giãi bày nỗi niềm nhớ thương không bờ bến mà em dành cho anh.
 
“Dẫu cho cách biệt nhưng lòng đừng quên/ Thương về những chiều kỷ niệm đẹp êm/ Đừng để tình phai theo màu áo/ Và để thời gian không mờ xóa/ Mỗi khi lá vàng còn rơi.”
 
Chốn hậu phương, em chỉ mong đôi ta đừng có vì không gian cách biệt mà quên nhau, nhất là quên đi những kỷ niệm êm đềm của những buổi chiều vàng bên nhau. Chúng mình hãy cùng nhau ước nguyện rằng cách biệt sẽ không xóa nhòa được tình yêu đôi lứa, cho dẫu thời gian đang làm phai màu áo chiến binh qua bao mùa Thu lá rụng ngoài biên thùy và bên song cửa.
 
“Anh ơi! Sương gió dãi dầu/ Màn đêm chiến tuyến có buồn nhớ nhau/ Khi mưa giăng sầu vào đời/ Tình người lính chiến nhớ… nhớ về đâu.”
 
Anh yêu, không biết ở nơi sương gió phôi pha đóa mộng đầu kia trong những đêm dài chiến tuyến và giữa lúc mưa rơi ngoài trời, mưa rơi trong lòng, anh có hay nhớ về em không, hả anh?
 
“Lắng nghe lá vàng rơi nhẹ vào tim/ Chốn xưa vắng người vẫn còn mình em/ Dòng đời buồn trôi không nhịp nối/ Tình người xa xôi trên ngàn lối/ ‘EM CHỜ ANH VỀ! ANH ƠI!’”
 
Ở nơi này, khi mùa Thu tới, tiếng xào xạc chừng như mơ hồ, xa vắng của từng chiếc lá vàng rơi nhẹ trong đêm trường lặng lẽ luôn gợi cho em niềm khắc khoải, cô đơn vì vắng anh. Giữa dòng đời xuôi ngược buồn trôi và với tình yêu xa xôi, cách trở phương trời, em vẫn chờ đợi anh trong ngày về đoàn viên để sưởi ấm lòng nhau…
***
Trong khi ca khúc “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” của Minh Kỳ và Lê Dinh viết về tâm sự của một anh chiến sĩ Cộng Hòa gởi về cho một người em gái miền hậu phương thì nhạc phẩm “Lá Vàng Rơi” của nhạc sĩ Minh Kỳ lại viết về nỗi lòng của một người em gái hậu phương trao về một chàng trai nơi chiến tuyến.
 
Giống như người chinh phụ trong tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (thế kỷ 18), người con gái trong nhạc phẩm “Lá Vàng Rơi” của Minh Kỳ, một người yêu của lính thời Việt Nam Cộng Hòa (thế kỷ 20), cũng bày tỏ niềm yêu thương, nhung nhớ của mình đối với người chiến sĩ mà mình thương yêu đang làm bổn phận của người trai thời ly loạn nơi biên cương xa xăm.
 
Người con gái đã chọn mùa Thu làm thời điểm viết lá tình thư cho người chiến sĩ của lòng em có lẽ cũng là do mùa lá vàng rơi là thời điểm khởi đầu cho mối tình đẹp như mơ của đôi bạn trẻ, hoặc mùa lá vàng rơi năm nào chính là lúc chàng tuổi trẻ “xếp bút nghiên theo việc đao cung,” giã từ người yêu bé nhỏ quê nhà để lên đường chiến đấu, bảo vệ quê hương đang bị giặc thù xâm lấn. Cô gái đã viết bức thư này trong niềm thương, nỗi nhớ ngút ngàn để gởi về nơi xa xăm phương trời ấy, và lòng bâng khuâng tự hỏi người mình yêu có còn buồn, còn thương, còn nhớ đến mình hay không.
 
Và người con gái ấy cũng không quên dặn dò người chiến sĩ của lòng em rằng, cho dẫu đôi ta có cách biệt đôi đường, vẫn xin ai đó chớ có quên nhau, nhất là quên đi những buổi chiều đầy ắp kỷ niệm đẹp êm. Cũng xin người yêu đừng để tình yêu nhạt nhòa đi theo màu áo trận và cũng đừng để thời gian xóa lời yêu thương hay làm phai dần màu bao lá thư khi bao mùa Thu vẫn lặng lẽ trôi qua trong đời.
 
Người em bé nhỏ quê nhà cũng băn khoăn không biết người anh yêu dấu đang dãi dầu sương gió có buồn thương gì hay không trong đêm dài chiến tuyến, hoặc vào những chiều mưa biên giới người lính chiến có cảm thấy nhớ nhung hình bóng một người hay chăng.
 
Cho dù tiếng lá vàng rơi chỉ nghe khe khẽ mà thôi, lòng em vẫn rung động dạt dào trong nỗi niềm cô đơn không biết ngỏ cùng ai trước cảnh em bên song cửa nhìn trăng úa, anh ngoài chân mây gội mưa bay. Từ chốn xa xăm, xin anh hãy yên tâm rằng “em chờ anh về, anh ơi!”
 
Trong cuộc chiến tranh giành quyền cai trị đất nước hồi thế kỷ trước giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam, chẳng những thân trai phải vất vả, gian lao nơi mũi tên, hòn đạn mà phận gái cũng không kém phần lận đận, truân chuyên.
 
Công bằng mà nói, người phụ nữ miền Nam Việt Nam, dẫu sao, vẫn có phần sung sướng hơn phụ nữ miền Bắc vì họ không phải trực tiếp chia sẻ gánh nặng của cuộc chiến với phái nam. Trong khi phụ nữ miền Nam thường lấy chuyện quán xuyến, tề gia làm sinh hoạt chính thì người phụ nữ miền Bắc vẫn phải tham gia trực tiếp vào nỗ lực đánh chiếm miền Nam của chính quyền Cộng Sản Hà Nội.
 
Một số phụ nữ miền Bắc đã được “động viên” để trực tiếp cầm súng ra tuyến đầu, kẻ “Trường Sơn Đông,” người “Trường Sơn Tây;” số khác thì đi dân công, tải đạn hoặc phục vụ công tác “hậu cần” như những “chị nuôi” chuyên nấu nướng để phục vụ cho đoàn quân hoặc đảm trách vai trò “hộ lý” để chăm sóc thương, bệnh binh ngoài tiền tuyến.
 
Vì cũng nhờ, về mặt thể chất, người phụ nữ miền Nam Việt Nam không bị xã hội tự do, dân chủ trói buộc vào những hoạt động phục vụ chiến tranh mà chỉ để cho họ tự nguyện đóng góp cho lý tưởng Quốc Gia (như phụng sự xã hội và yểm trợ tiền tuyến), cho nên người phụ nữ miền Nam có nhiều cơ hội hơn để lo cho gia đình và vun xới cho tình yêu đôi lứa.
 
Từ đó, sinh sản ra khuôn mẫu tình yêu của “Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương” – tựa đề một bản nhạc tình mùa chinh chiến khác cũng của Minh Kỳ – nói lên cảm chân thật, tha thiết và nồng nàn của người em gái hậu phương yêu người trai nơi tiền tuyến: “Tình mình cao hơn núi non kia hùng vĩ nên vẫn vui câu biệt ly”…
 
minhky1
Nhạc sĩ Minh Kỳ. (Hình: Tài liệu)
 
“Lá Vàng Rơi” với âm điệu slow rock nhịp nhàng và du dương cùng với ý tưởng thơ ngây, chân thật và tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng của một người yêu của lính, lồng trong bối cảnh của một mùa Thu yêu đương, đã khiến cho ca khúc này của nhạc sĩ Minh Kỳ trở thành một tuyệt phẩm trong dòng “nhạc lính.”
 
Nhạc phẩm vừa đa dạng vừa có tác động tâm lý chiến cao trong nền âm nhạc miền Nam Việt Nam hồi các thập niên 1960 và 1970. Và phải nói là chính tiếng hát của nữ ca sĩ Trúc Mai đã làm thăng hoa cho nhạc phẩm đáng yêu này.
 
Nhạc phẩm “Lá Vàng Rơi” của Minh Kỳ
 
Đã qua mấy mùa lá vàng nhẹ rơi
Viết lên mấy hàng ghi lại tình tôi
Tình này bằng trăm thương ngàn nhớ
Gửi về miền xa xôi mộng mơ
Nhớ anh nhớ không bến bờ
 
Dẫu cho cách biệt nhưng lòng đừng quên
Thương về những chiều kỷ niệm đẹp êm
Đừng để tình phai theo màu áo
Và để thời gian không mờ xóa
Mỗi khi lá vàng còn rơi
 
Đ. K.:
Anh ơi! Sương gió dãi dầu
Màn đêm chiến tuyến có buồn nhớ nhau
Khi mưa giăng sầu vào đời
Tình người lính chiến nhớ… nhớ về đâu
 
Lắng nghe lá vàng rơi nhẹ vào tim
Chốn xưa vắng người vẫn còn mình em
Dòng đời buồn trôi không nhịp nối
Tình người xa xôi trên ngàn lối
“EM CHỜ ANH VỀ! ANH ƠI!”
 
 
Vann Phan/Người Việt
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com