User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
4. Văn nghệ Quân Đội và Trung Tá Tâm lý chiến Văn Quang
 
Văn Quang tin tưởng tuyệt đối vào Quân Đội mà ông phục vụ. Tác phẩm về Lính của ông, như Chân trời tím, được dựng thành phim và bài hát cùng tên của Nhật Trường cũng thành công không kém.
 
Sau 1987, được phóng thích, ông tiếp tục viết văn và phóng sự với Ngã tư hoàng hônLên đời. Loạt Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ sự–gửi ra hải ngoại từ 2001 tới tháng 6. 2009–bao gồm đủ mọi đề tài từ văn hóa, xã hội, giáo dục, quan chức, văn nghệ sĩ Miền Nam đến giúp đỡ Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Trong lá thư viết sau khi nhận được tin tôi trở lại Pennsylvania học lại sau gần 30 năm, ông an ủi bằng chính cuộc đời viết của ông, cũng vẫn hình ảnh Lính thấp thoáng phía sau:
 
[…] Thôi muộn cũng còn hơn không. Nghe nói anh Hoàng Khởi Phong và anh Nguyễn Quốc Thái đến thăm chị, anh Thái kể “Sách chất đầy trên thảm. Tà Cúc lẻ loi đi học ôm đống sách mỗi ngày từ con dốc sang khu học xá bên kia. Mùa đông thì không hiểu đi đứng làm sao…,” tôi lại nghĩ đến những năm tù lẻ loi của tôi. Chị quyết tâm tìm con đường của chị. Cũng như sau ngày 30-4-1975, tôi không thể cầm súng được nữa đành phải quyết tâm tự tìm con đường khác, lặng lẽ làm một công việc tương tự, miễn sao bầy tỏ tiếng nói trung thực không chỉ của mình mà còn của thời đại mình mới được, chị ạ. Dù tôi hay chị có bị“đánh phá” bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, con đường mình chọn mình vẫn phải đi. Mong chị tin rằng chị lúc nào cũng có bạn như tôi. Đừng sợ ai đánh phá, anh Phong và anh Thái đã đến thăm chị là chị phải hiểu. Tôi tiếc không được đến thăm để chị biết chị không lẻ loi leo con dốc đó đâu…
 
Đó là lý do tại sao, khi nghĩ đến Văn Quang, tôi vẫn nghĩ đến tinh thần và thời gian được huấn luyện trở thành người lính. Chủ đề Lính là một chủ đề quan trọng và thành công khi ông chuyển thành văn chương, như Chân trời tím. Đó là bản “anh hùng ca”, lời Văn Quang, của đời quân ngũ gian nan quyện lấy đời riêng đầy cảm xúc. Dù vậy, một khi ra trận chiến đầu, mọi người lính hợp thành một tập thể thống nhất.
 
4.1 Nhân vật người lính Miền Nam
 
Văn Quang cho thấy tiến trình sáng tạo nhân vật lính phản ảnh thái độ của ông trong bối cảnh chiến tranh qua cuộc phỏng vấn của Viên Linh, Thư ký Tòa soạn tạp chí Khởi Hành, với Văn Quang, Tạ Tỵ, Nhật Tiến, Thảo Trường, Du Tử Lê và Lê Tất Điều vào tháng 5.1969. Sau đây là phần trả lời của Văn Quang:
 
khoihanh
Khởi Hành Số ra mắt, ngày 1.5.1969 - Tài liệu Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc
 
Viên Linh: Khi tạo ra một nhân vật người lính trong tác phẩm văn chương các anh đã bầy tỏ thái độ về cuộc chiến tranh trên đất nước ta tùy theo giai đoạn các anh đã sống. Bây giờ nhìn lại các anh còn xác nhận thái độ đó không? Làm ơn cho biết rõ bối cảnh và trường hợp nhân vật người lính đó.
 
Văn Quang: Như các anh đã biết, tôi đã viết khá nhiều về đời sống quân ngũ từ năm 1960 đến nay. Trong ba mươi hai truyện dài, có tới hai mươi truyện nói về đời lính. Nhưng một vài tác phẩm vượt nồi hẳn lên, nhờ cái tên truyện của nó và cũng có thể nhờ nội dung được đào sới về đời lính trong những khía cạnh đặc biệt. Như Mười Ba Tuổi Lính (đã đăng trên báo Tiền Tuyến – chưa Xuất Bản), Người Lính Hào Hoa (viết chung với Dương Hùng Cường) Ngàn Năm Mây Bay (Đã thực hiện thành phim), Người Yêu Của Lính (Đã dịch sang tiếng Anh-sắp xuất bản) và Chân Trời Tím (Đang chuẩn bị thực hiện thành phim như báo chí đã loan tin).
 
Những thái độ về cuộc chiến được bày tỏ rải rác trên hầu hết các tác phẩm ấy. Nhưng muốn nói đến một giai đoạn điển hình, tôi có thể kể tới một vài nhân vật trong Chân Trời Tím. Tôi luôn luôn xác nhận thái độ rõ rệt đó.
 
Người lính trong tác phẩm Chân Trời Tím của tôi trình bày trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1963. Nhưng giai đoạn chính yếu đáng nói tới là 1960-1963. Trước hết, họ không phải lính chuyên nghiệp, không tình nguyện vào lính. Nhưng rồi họ đã tình nguyện ở lại. Vì tinh thần đồng đội, vì tình yêu quân ngũ chứ không thể vì một vài danh từ mơ hồ nào đó quá xa tầm tay. Đối với tôi, người lính đã chiến đấu và đã chết vì danh dự của đơn vị và của đồng đội là những người đã từng ăn, từng ngủ, từng đấm đá nhau và từng… chết vì nhau. Tinh thần kỷ luật của quân đội đẹp và vĩnh viễn bền chặt, hợp lý hơn là tác phong, là đạo đức. Cuộc Cách Mạng 1963 đã chứng tỏ tất cả tinh thần đó. Tôi đã đề cập tới trong đoạn kết của truyện Chân Trời Tím. Nhân vật bối cảnh, trường hợp cùng tâm sự người lính ở đó.
 
vienlinhvq
Viên Linh phỏng vấn 6 quân nhân cầm bút - Nhân vật người lính trong văn chươngKhởi Hành Số Ra Mắt, trang 8-11, ngày 1.5.1969 - Tài liệu Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc
 
Viên LinhTheo các anh, trong chiến tranh, người làm văn học nghệ thuật có đeo đuổi được nghệ thuật của mình ngoài chiến tranh không? Các anh làm ơn cho biết tại sao?
 
Văn Quang: Người làm văn học nghệ thuật vẫn có thể theo đuổi nghệ thuật của mình ngoài chiến tranh. Bởi một lẽ quá giản dị là người làm văn học nghệ thuật không phụng sự cho một giai đoạn mà là cả một thế hệ. Có những người cần khai phá, cần đi trước, phải được tự do, phải được giúp đỡ.
 
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ là người làm văn học nghệ thuật thường chịu khá nhiều ảnh hưởng của chiến tranh. Là một công dân và là một nghệ sĩ, xúc cảm thật bén nhậy, dĩ nhiên nỗi đau thương thê thảm cũng như những nét oai hùng sẽ vang vọng vào tâm hồn chúng ta. Từ đó mỗi người chịu ảnh hưởng vào tác phẩm nghệ thuật của mình. Đặt vấn đề gần gũi hơn, tôi muốn nói đến một số sáng tác mà người ta thường phán đoán một cách gọn gàng là lành mạnh hay không lành mạnh, là phản chiến… hay không phản chiến. Tôi nhận định rằng nghệ sỹ có quyền nói đến bất cứ khía cạnh nào của cuộc chiến, không nhất thiết mỗi tác phẩm văn chương phải đề cao lính như tôi–Tôi ở vào trường hợp mê lính, yêu các bạn đồng đội của tôi–nhưng không thể bắt người khác phải mê lính như tôi, vì họ không là lính. Một nhạc phẩm nổi lên những đau thấm trong chiến tranh, chưa chắc đã là phản chiến. Nỗi đau thấm có khi làm cho người ta thấy cần thiết phải chiến đấu tích cực hơn để chấm dứt chiến tranh, chấm dứt tàn phá đau đớn. Nhưng tôi cũng lại hiểu rằng nhu cầu của chiến tranh, có những ngăn chặn một phần tự do của những người làm văn học nghệ thuật. Miễn là đừng lạm dụng lý do để vi phạm đến quyền tự do căn bản của con người. Vấn đề đặt ra quả là tế nhị. Bởi chiến tranh và văn học nghệ thuật không thể đặt cùng trên một bình diện được . Chiến tranh là giai đoạn nhỏ, so với nghệ thuật như một cây cầu trên một hành trình vạn dặm.” [Văn Quang trả lời Viên LinhKhởi Hành Số ra mắt, Chủ nhiệm-Chủ bút Anh Việt Trần Văn Trọng & Thư ký Tòa soạn Viên Linh, trang 8-9, ngày 1. 5. 1969]
 
Thời ấy, Viên Linh cũng còn mặc áo lính. Ngoài các cuộc phỏng vấn, Văn Quang còn tham dự các chủ đề đặc biệt hay phát biểu về lãnh vực điện ảnh trên Khởi Hành.
 
4.2 Tù ngục và lời thề “TỔ QUỐC – DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM”
 
4.2.1 Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ sự
 
Sau 1975, Văn Quang bị giam như hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa. Cấp bực Trung tá và chức vụ Quản đốc Đài Phát Thanh Quân đội kết liễu bằng 12 năm tù hơn. Gia đình ông vượt biển. Căn nhà cũ biến thành Trụ sở Phường Xã. Tứ cố vô thân, ông tìm về với người thân một thời gian ngắn rồi ra riêng bắt đầu lại cuộc đời. Ông chuyên đánh vi tính thuê, layout cho nhà in, nhà quảng cáo hay nhà xuất bản tùy theo nhu cầu.
 
Năm 1990, vì lý do cá nhân, ông quyết định không nhập cư ngoại quốc theo diện H.O. . Ông bắt đầu trở lại kiếp… feuilleton qua loạt phóng sự Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ sự gửi ra ngoại quốc.
 
lamcamsg
Văn Quang, Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ sự, tuần báo Thời Luận, Los Angeles, Hoa Kỳ, 2003
 
Trước 1975, ông là một trong những tác giả feuilleton ăn khách dù viết truyện hay phóng sự. Với con mắt chuyên nghiệp từ cấp chỉ huy ngành Tâm lý chiến, sử dụng chữ nghĩa kiểu phóng sự Miền Nam với lối châm biếm cố hữu, ông đã trưng bày sự thật ngoài đời từ quan Cộng sản tham những ăn chơi xa xỉ đến phó thường dân lăn lóc lề đường, từ triệu phú “cò đất” tới thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, từ “chân dài” mặc đồ lót lái xe “phom phom” ngoài phố tới hàng dẫy cô Việt Nam ngượng ngùng phơi thân cho người Đại Hàn, Trung Cộng (chữ của ông) chọn lựa. Độc giả Việt hải ngoại rất tin cậy loạt bài này vì ông lấy tin tức trên báo nhà nước nhắm tường thuật chính xác rồi mới kết luận bằng nhận xét hay phán đoán, không riêng của ông, mà còn của đám dân chúng thấp cổ bé miệng, như hai thí dụ trên tờ Thời Luận.
 
Phần tôi, người tìm kiếm tài liệu về Văn học và Chiến tranh Việt Nam, những bài đặc sắc là những bài hướng về đồng đội như Phạm Huấn, Hà Huyền Chi, bạn văn như Lê Xuyên hoặc văn nghệ sĩ trở về thăm viếng như Phan Ngọc Diên hoặc tái định cư tại Sài Gòn sau một thời gian lìa xứ như Thái Tuấn, Tạ Tỵ…
 
nhabaovq
Từ trái qua phải: Nhà thơ Vương Đức Lệ, nhà văn Văn Quang, họa sĩ Phan Ngọc Diên, nhà báo Phan Nghị - [Tài liệu Phan Ngọc Diên]
 
Tháng 6.2009, công an ập vào nhà lục soát, tịch thu tiền bạc và máy móc vì ông gửi loạt Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự ra ngoại quốc. Tôi muốn chép lại hầu như đầy đủ việc bắt bớ này do chính ông công bố trên Thời báo, một tờ báo ông cộng tác lâu dài tại hải ngoại, để cho thấy, lẽ ra, ông phải…đoạt được vài cái giải dành cho ký giả tranh đấu chống đàn áp:
 
[…] Anh Phó Trưởng Phòng đích thân hỏi tội tôi. Gán cho tôi đủ thứ tội. Nhưng cuối cùng chẳng kiếm ra tội gì phạm pháp luật. Tôi cũng nói ngay ‘Tôi làm cái gì mà pháp luật không cấm, có thế thôi. Nhiệm vụ của các anh là tô son vẽ hồng cho chế độ, còn tôi có ăn lương nhà nước đâu, tôi làm cho báo trả lương tôi viết cái gì cần viết và phải viết‘. Anh Phó Phòng cay cú nhưng cũng chẳng làm gì được. Nhưng anh ta vẫn phê vào biên bản “Phạm tội vi phạm internet – Phạt 1 triệu đồng”. Tôi không hiểu tội vi phạm ineternet là thứ tội gì, chắc mấy ông luật sư cũng chẳng hiểu được cái lối làm chầy làm cối của mấy tay này. Nhưng có anh CA đèo tôi đi nộp phạt ở một ngân hàng nhà nước và có biên lai đàng hoàng. Tôi còn giữ cái biên lai khôi hài ấy suốt mấy năm.
 
Từ đó tôi bị theo dõi sát nút, bài vở thư từ qua internet cũng bị ‘phòng đặc biệt’ của sở Cảnh Sát chuyên về vi tính chi nhận đầy đủ. Tôi không biết nên cứ phây phây làm việc của mình. Thế nên một lần khác tôi lại bị tóm. Tôi bị tóm và tịch thu hết máy móc Tôi thường thức dậy rất sớm vào internet đọc báo xem thư. Hôm ấy bỗng đường dây internet cứng đơ, không động đậy. Gọi điện thoại máy kêu bíp bíp rồi êm re luôn. Tôi chẳng hiểu tại sao.
 
Khoảng 8 giờ sáng, bỗng một toán cảnh sát vài chục anh kéo đến xông vào nhà tôi trên chúng cư tôi đang ở. Họ hùng hổ như đi bắt cướp. Kéo nhau vào sục sạo khắp nhà, từ cái ngăn kéo tủ đến gầm giường. Có cái máy móc nào họ lôi ra hết, đóng vào thùng khuân xuống xe kể cả mấy cái máy computer, máy chụp hình, điện thoại. Cả xóm kéo nhau ra xem, họ tưởng tôi là tội phạm nặng lắm. Họ bắt tôi mang ra xe. May mà không còng tay, chỉ có hai cậu lực lưỡng ngồi sát hai bên đề phòng tôi nhảy xuống trốn.
 
Về đến ty cảnh sát, họ tống tôi vào một căn phòng hẹp vắng hoe. Một lát sau một anh khệnh khạng cầm tập hồ sơ vào. Anh ta bắt đầu cuộc hỏi cung. Lôi ra một đống bài tôi viết. Một anh chuyên viên lôi máy computer của tôi ra lục lọi tìm mói thứ kể cả hình ảnh và thư riêng. Sau đó anh in ra từng bài và bắt tôi ký tên xác nhận bài đó là của tôi. Tôi nhìn lướt qua rồi ký thì ký. Tôi vẫn tin là mình làm đúng pháp luật không cấm.
 
Đến 12 giờ trưa họ cho tôi về, chiều lại đến. Cứ như thế suốt một tuần, họ thay nhau hỏi cung, lúc nhẹ nhàng cười cợt, lúc kết tội rất căng. Đó là kiểu khủng bố tinh thần để làm mất tinh thần đối thủ. Có khi một anh CA từ Thành Phố được giới thiệu là ‘sếp lớn’ xuống hỏi cung. Vẫn cái kiểu nửa mặn nửa nhạt đó, văn minh hơn một tí là cho tôi hút thuốc lá ba số 5, nhưng khi đứng lên, anh ta đi thẳng. Tôi lại phải móc túi trả tiền cà chầu cà phê và bao thuốc lá 3 số 5. Anh ta láu cá lắm, yêu cầu tôi nếu bạn bè nước ngoài hỏi thì phải nói được đối xử đàng hoàng. Bởi tin tôi bị cảnh sát tóm đã được một anh Thông Tín Viên của báo nước ngoài loan tin rồi. Nhiều báo đã đăng. Bạn bè và độc giả của tôi chú ý theo dõi tình hình. Anh ta bắt tôi viết cái e mail cho bạn bè là ‘được đổi xử tử tế đừng loan tin vội’.
 
Cuối cùng là Cảnh Sát yêu cầu tôi ngưng viết bài ra nước ngoài. Thật ra lúc đó có muốn viết cũng không viết được, mất hết computer và cắt hết internet lấy gì mà viết. Bạn bè tôi ở nước ngoài hỏi thăm và sẵn sàng yểm trợ. Nhưng còn đường internet lúc đó tôi thuê của VNN và hãng này cho tôi biết họ được lệnh không cho tôi thuê đường dây nữa. Với biết bao trở ngại, tôi đành thúc thủ suốt gần một năm, không viết lách gì được. Anh C(ông) A(n) gộc bảo tôi có viết thì viết báo trong nước, anh ta sẵn sàng giới thiệu, báo nào cũng được. Tôi thẳng thắn trả lời ‘Tôi chỉ đá một chân, không thể viết báo trong nước được. Viết kiểu của tôi chẳng báo náo trong nước dám đăng đâu. Xin miễn‘. Cho đến bây giờ cứ thấy tên tôi trong bất kỳ bài nào của ai, báo VN cũng gạch bỏ liền. Quả thật điều này không làm tôi phật ý mà ngược lại tôi còn khoái vì sao họ sợ mình đến thế?
 
Nhưng cái “nghiệp” đã bám vào thân, tôi không chịu nổi, lại tìm cách tự đứng dậy. Con cháu gửi tiền về mua computer và tìm một dịch vụ khác thuê đường dây internet. Tôi nhờ anh Hồng Dương ở Mỹ mua giùm cái máy chính hãng ở Mỹ bảo đảm hơn hàng VN nhiều khi là hàng giả của Tàu. Nếu không viết mình sẽ bị đè bẹp gí, tội gì không viết khi còn viết được. Trước hết tôi không viết theo kiểu cũ đã bị ‘cấm‘. Tôi trả lời thư độc giả qua mấy tờ báo, viết kiểu này thì ‘không có tội với nhà nước‘. Nghĩ là nghĩ thế thôi chứ khi muốn bắt tội thì họ có đủ cách đủ trò kết tội. Nhưng tôi cũng “uống thuốc liều rồi” cứ viết tới đâu thì tới. Già rồi nếu bị bắt bị nhốt chắc chỉ vài tháng là chết, tôi không sợ. Chắc họ cũng hiểu điều đó và nếu bắt tôi họ sẽ mang tiếng “đàn áp” bịt miệng những nhà văn nhà báo độc lập.”
[Văn QuangNgày tháng chưa quên, Ngày 26. 5. 2017, Thời báohttp://thoibao.com/hoi-ky-van-quang-ngay-thang-chua-quen-5/]
 
Sau khi bị tịch thu máy móc và tiền bạc, ông trở lại hơn 1 năm sau với loạt bài cũ, chỉ đổi tên dưới hình thức Thư Sài Gòn-Trả lời độc giả hoặc Trò chuyện với nhà văn Văn Quang.
 
vanquangbao
Văn Quang, “Trò chuyện với nhà văn Văn Quang”, ngày 18.5.2011, Tuần báo Văn Nghệ, Australia
 
4.2.2 Tình đồng đội
 
Song song với loạt bài gửi ra ngoại quốc, ông tham dự việc cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng hòa trên bốn vùng chiến thuật một cách cụ thể như nhận tiền từ người tặng và đến tận nơi hay cùng anh em khác đảm nhận việc trao cho người nhận. Ông bầy tỏ:
 
Tôi phải sống như người lính chưa bao giờ bỏ ngũ, chưa bao giờ đào ngũ làm tiếp nhiệm vụ của mình. Ý chí ấy bén rễ trong tôi từ ngày vào quân đội với tâm niệm ‘quân đội, danh dự, trách nhiệm’. Tôi tin rằng các bạn của tôi dù ở bất cứ đâu cũng còn mang chung tâm niệm ấy cho đến cuối cuộc đời. Ở đây còn nhiều hình ảnh đau thương của những anh em Thương Phế Binh VNCH sống vất vưởng lang thang ngoài vỉa hè xó chợ. Tôi đã từng gặp những người bạn đồng đội ấy, chia sẻ với họ và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Lại cũng chính vì công việc này tôi bị C(ông) A(n) cấm viết về Thương Phế Binh VNCH. Tôi đã từng bị khủng bố tinh thần, bị xuyên tạc dọa dẫm bằng đủ thứ…” [Văn Quang, sđd]
 
Ông nhiều lần nhắc lại, ngày nào còn sống, vẫn là “người lính đang làm nhiệm vụ của mình”. Ông gắn bó với anh em bằng “tình đồng đội”. Trong một bài gửi riêng cho Đa Hiệu, tạp chí của Cựu Sinh Viên Sĩ quan Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam, về hiểm họa Trung Cộng, ông mở đầu như sau:
 
Gần 40 năm “tan hàng”, 40 năm với những mất mát lớn lao, những đau thương dằn vặt của đồng đội trong QLVNCH không bao giờ kể hết. Dù bạn ở nước ngoài hoặc còn kẹt lại trong nước, vết thương đó vẫn còn in đậm dấu vết trong tận cùng tâm khảm, dù cho bây giờ có thể nhiều bạn đã tạm yên với cuộc sống đời thường.
 
Nhưng có một thứ không bao giờ mất, đó là tình đồng đội. Bất kể bạn là ai, là tướng hay là lính, đã trở thành “đại gia” hay còn “khố rách áo ôm”, tình đồng đội vẫn không hề thay đổi. Có như thế mới là “lính VNCH” với một thứ trên vai là Tổ Quốc- Danh Dự- Trách nhiệm. Nếu không, bạn sẽ chẳng là ai cả. Bạn sẽ tự gạt mình ra khỏi cuộc sống này. Sống như thế có khác gì chết. Chúng ta sống vì biết chắc rằng còn đồng đội quanh mình, đó chình là sự bất diệt đúng nghĩa, chẳng sức mạnh nào tàn phá nổi.
 
Chính vì thế hôm nay tôi ở trong nước, gửi đến bạn những lời tâm huyết này mà không hề cảm thấy xa cách. Chẳng phải chỉ có một năm một lần hoặc mười năm mới có một lần viết cho bạn. Tôi đã thường xuyên gửi tiếng nói của tôi đến các bạn qua các trang báo ở nước ngoài. Chẳng phải là tôi muốn kiếm chút hư danh hay kiếm tiền độ nhật mà thật sự tự trong thâm tâm tôi muốn gần gũi đồng đội hơn, muốn nhân danh một người lính nói lên tiếng nói trung thực nhất của mình về mọi mặt của tình hình đất nước. Tôi không có quyền đại diện cho ai cả, nhưng độc giả vẫn biết đó là một người lính chưa bao giờ rời bỏ nhiệm vụ của mình. Mặc cho những đe dọa, mặc cho những đánh phá kiểu này hay thủ đoạn khác, người lính vẫn cứ hành quân, dù không còn cây súng trên vai. Còn cái gì tôi sử dụng cái đó để mọi người biết rằng vẫn còn những người lính đang làm nhiệm vụ của mình. Cũng như tập san Đa Hiệu đang làm vậy…”[Văn QuangThư Sài Gòn, Biết đi về đâu-Bài viết riêng cho tập san ĐA HIỆU”, tháng 12.2014]
 
Một đời chung thủy với văn chương, trung thành với quân đội, Văn Quang chẳng hề nghĩ tới “biết đi về đâu”. Bởi thế, ông hoàn toàn bất ngờ khi được độc giả Khởi Hành-Hoa Kỳ tuyên giải “Văn chương toàn Sự Nghiệp Kỳ III”, năm 2009 đoạn trao giải vào năm 2010.
 
5. Khởi Hành-Hoa Kỳ và Giải “Văn chương toàn Sự Nghiệp Kỳ III”
 
Tháng 7, năm 2010, độc giả Khởi Hành trao giải “Văn chương toàn Sự Nghiệp Kỳ III” cho “nhà văn quân đội” Văn Quang căn cứ trên hoạt động văn nghệ không ngừng và sự can trường của một nhà văn kiêm người lính. [Khởi Hành số 169, trang 15, tháng 11.2010]. Ông là nhà văn thứ ba, sau nhà văn Nguyễn Thụy Long và nhà thơ Hữu Loan, nhận giải này.
 
5.1 Văn Quang, Giải “Khởi Hành-Văn chương toàn Sự Nghiệp Kỳ III”
 
Ngay thời gian này, Văn Quang vừa bị công an cảnh sát trong nước đe dọa sau khi tịch thu máy móc, hầu như mất hết phương tiện sáng tác và bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Ông nhờ chuyển thư ra ngoại quốc cảm ơn độc giả khắp nơi, không riêng của Khởi Hành:
 
Thưa quý vị độc giả Tạp chí Khởi Hành,
 
Từ Saigon, tôi rất xúc động nhận được thông tin: đa số độc giả tạp chí Khởi Hành đã ưu ái dành cho tôi giải thưởng “Toàn bộ sự nghiệp văn chương”. Nhất là thông tin đó đến với tôi trong giai đoạn khó khăn của người cầm bút mà không được viết.
 
Trước hết, tôi xin gửi đến qúy vị độc giả lời cảm ơn chân thành.
 
Hơn 50 năm viết văn làm báo, tôi vẫn quan niệm rằng bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật nào cũng chỉ có giá trị khi được độc giả công nhận chứ không phải của một cơ quan quyền lực hay một phe nhóm nào.
 
Trên chặng đường dài ấy, tôi đã từng gặp một vài phe nhóm hoặc cá nhân tìm mọi cách “đánh phá” chặn bước, vu khống, xuyên tạc. Đó là điều mà hầu hết những tác giả, những vị có chút ít tên tuổi, gây được ít nhiều uy tín trong phạm vi văn chương và nhiều lãnh vực khác thường gặp. Hẳn quý vị cũng đã biết quá rõ và quá chán nản với tình trạng này. Vì ghen ghét đố kỵ, vì cạnh tranh chút quyền lợi, danh vọng nhỏ nhen và không loại trừ họ bị lợi dụng. Biết vậy nên tôi không chùn bước, vẫn trung thành đi theo con đường mình đã chọn. Viết trung thực, cố gắng phản ảnh hình ảnh thời đại mình thật chính xác.
 
Nhưng tiếc rằng hiện nay, như quý vị đã biết, tôi đang ở trong hoàn cảnh không được viết qua internet gửi bài ra nước ngoài.
 
Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng một ngày sáng sủa, tôi sẽ lại được phục vụ độc giả qua những bài viết, những phóng sự và những trang truyện dài truyện ngắn của mình.
 
Một lần nữa, trong dịp này, tôi xin cảm ơn tất cả độc giả và anh chị em trong tạp chí Khởi Hành. Tôi cũng xin cảm ơn quý vị độc giả đã từng có tấm lòng ưu ái dành cho tôi trên tất cả các tờ báo tôi đã từng cộng tác hơn 50 năm đã qua và thời gian gần đây ở Mỹ, Canada, Úc châu trong gần 20 năm vừa qua.
 
Trân trọng kính chào quý vị.
 
Saigon tháng 7 năm 2010
Văn Quang
 
Dịp trao giải này cũng trùng với dịp Kỷ niệm XV Năm Khởi Hành. Tôi góp mặt bằng bài “Nhân lễ trao giải cho nhà văn Văn Quang, nghĩ đến vai trò người phê bình trong nước”:
 
traole
Trước hết, tôi xin cảm ơn các anh lính cũ có mặt ngày hôm nay đã nhận lời mời của Khởi Hành và của tôi đến dự buổi trao giải cho nhà văn Văn Quang. Chưa bao giờ kêu gọi hay nài nỉ ai tham dự những sinh hoạt của Khởi Hành, nhưng lần này tôi phá lệ ấy vì nghĩ rằng, khác với lần trao giải cho nhà văn Nguyễn Thụy Long hay nhà thơ Hữu Loan, lần trao giải này cho một nhà văn của Quân đội Miền Nam, nghĩa là cũng qua đó, vinh danh Quân Đội Miền Nam đã bảo vệ Miền Nam trong suốt 20 năm để chúng ta xây dựng được Văn học Miền Nam…” [Nguyễn Tà Cúc, “Nhân lễ trao giải cho nhà văn Văn Quang, nghĩ đến vai trò người phê bình trong nước”, Khởi Hành Số 169, tháng 11.2010]
 
Tôi đã không lầm: Ông nhắc lại lần nữa lời thề “TỔ QUỐC – DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM ” trong lá thư từ giã độc giả vì lý do sức khỏe vào tháng 6. 2017:
 
– Thư từ giã bạn đọc,
 
Đây là bài sau cùng tôi viết hàng tuần cho các báo ở nước ngoài.

Tôi sẽ ngưng viết loạt bài này vì lý do sức khỏe, không vì bất cứ lý do nào khác. Hơn 60 năm cầm bút, tôi không có gì đáng tự hào bởi chỉ như người lính trên đường trường hành quân không biết mình đã bắn được bao nhiêu viên đạn. Tất cả chỉ vì ba lời thề “TỔ QUỐC – DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM” mà tôi đã thề trước khi trở thành người lính của Quân Đội VNCH. Tôi còn thua cả những đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ra đi hoặc bỏ lại một phần thân thể mình trên chiến trường, trở về với cuộc sống vất vưởng nơi quê nhà. Trong lá thư ngắn hôm nay, trước khi ngừng viết, tôi xin gửi lời cảm tạ đến tất cả bạn bè, các bạn đọc của các báo và các khán thính giả và các cơ quan truyền thông, các đài phát thanh truyền hình đã từng có thời gian dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Bây giờ đầu óc tôi không còn được minh mẫn nữa, khi nhớ khi quên… đã đến lúc phải biết mình nên dừng lại ở đâu. Tôi chắc chắn trong những bài viết của tôi có nhiều khiếm khuyết, mong được sự bao dung thông cảm của các bạn.”- [Văn Quang, Sài Gòn, ngày 21 tháng 6, 2017]
 
Tôi đã viết sơ lược về Khởi Hành-Sài gòn, nay sẽ trình bày vắn tắt về Khởi Hành-Hoa Kỳ hầu kết thúc chủ đề Nhà văn Trung Tá Văn Quang. Cả hai đều có mặt của Văn Quang.
 
5.2 Khởi Hành-Hoa Kỳ, Một giòng sông khác
 
Tôi đang viết một cuốn sách về tiểu sử của tạp chí Khởi Hành trước và sau 1975. Đoạn mở đầu cho Khởi Hành-Hoa Kỳ so sánh tạp chí này với giòng sông mở đường ra biển:
 
-“Cách đây 25 năm, tôi đã được cùng nhà thơ Viên Linh và bạn đọc khởi hành trên một trong những con sông ngoài Việt Nam. Con sông này chưa có ai vãng lai trước đó nhưng đã dẫn ra biển lớn nhắm phục hưng một phần Việt Nam Cộng Hòa hiển hiện qua Văn học Miền Nam…”
 
Khởi Hành tái xuất hiện tại Hoa Kỳ vào tháng 11.1996 với nhà thơ Viên Linh, một nửa của Khởi Hành-Sài gòn, lần này với nhiệm vụ Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Tôi giữ phần Thư ký Tòa soạn.
 
5.2.1 Văn học Miền Nam, Hải ngoại và Diễn đàn Phụ Nữ
 
Tạp chí này không chỉ góp phần khôi phục Văn Học Miền Nam hay san định bằng cách đối chiếu tài liệu và đặt vấn đề với các nghiên cứu khác tại hải ngoại, mà còn góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến sinh hoạt văn nghệ của Cộng đồng Tỵ nạn. Khởi Hành trở thành tạp chí-giấy in tồn tại nhờ độc giả mua báo tại hải ngoại. Nhờ đó, tạp chí này cũng có thể trao 3 giải “toàn sự nghiệp” cho 3 nhà văn.
 
kyniem
Kỷ niệm 3 năm Khởi Hành, California, Hoa Kỳ - Thư Ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc và Chủ nhiệm & Chủ bút Viên Linh
 
Khởi đi từ nhiều “con số không”, chúng tôi đã dựng một tạp chí văn học tồn tại gần 22 năm, tồn tại lâu hơn tất cả các tạp chí văn học khác, kể cả tại Miền Nam vì, trong gần 22 năm, Viên Linh và tôi hợp tác từ lúc mở đầu đến cuối. Khởi Hành-Hoa Kỳ không bao giờ thay đổi nhân sự. Chúng tôi hợp tác vì những lý do sau đây.
 
Thứ nhất, cùng hoạt động trong Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải Ngoại, chúng tôi cảm nhận sự vắng bóng trầm trọng của một tạp chí chuyên môn hầu phụng sự, không cho mục tiêu ngắn hạn như Văn Bút, mà cho Văn học Miền Nam. Kế đó, theo tôi, ngoài Văn Học Miền Nam, có lúc Cộng đồng Tỵ nạn trở thành chủ đề nghiên cứu cho vài chương trình thuộc hàng Đại Học bản xứ. Đó cũng là lý do một tạp chí cần có mặt để cung ứng một quan điểm bằng tài liệu và nhân chứng nhắm san định và phản bác các bản nghiên cứu hay phát biểu sai lầm, chủ quan hay một chiều từ mọi phần tử tham dự chương trình này. Ngoài phần vụ Thư ký Tòa soạn, tôi là người duy nhất đảm nhận trách nhiệm phê bình cho cả 2 lãnh vực nêu trên.
 
Thứ hai, phần Viên Linh, ông đã chứng kiến khả năng và bản lãnh của tôi trước khi Khởi Hành-Hoa Kỳ số 1 ra mắt độc giả vào tháng 11, năm 1996. Trước đó, tôi đảm nhận một vài phần vụ mà phần vụ khó khăn nhất là Trưởng Ủy Ban Nhà Văn-Bị cầm tù trong hoàn cảnh sóng gió thời đó. Hơn thế nữa, trong quá khứ, ông đã thử thời vận bằng cách 2 lần tái bản tờ Thời Tập, một tạp chí văn học của ông tại Sài gòn–một lần tại Virginia, một lần tại California–nhưng không lần nào được quá 1 năm. Lần này sẽ là lần sinh tử cho cuộc đời làm báo khi ông quyết tâm chấm dứt mọi công việc khác. Bởi thế, ông không thể chọn lầm người. Ông sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn phần tài chánh của Khởi Hành.
Thứ ba, phần tôi, tôi đã có dịp biết ông qua thời gian hoạt động chung trong TT Văn Bút VN Hải ngoại; do đó, được đọc một số bài viết của ông trước cũng như sau 1975. Cùng lúc, tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Sỹ Tế hay nhà thơ Nguyên Sa khiến nhiều chân dung nhân vật và Văn Học Miền Nam trở thành rõ ràng hơn. Ngay từ đầu, nếu can dự vào một tạp chí trong vị trí điều hành và đại diện, tôi đã quyết định chỉ có thể hợp tác với một người có tài năng dù ở lãnh vực khác, nhưng phải cùng quan điểm cả trong văn nghệ lẫn chính trị. Tôi sẽ tránh được thất thoát thời giờ và tiêu hao sức lực vào các xung đột nội bộ khiến có thể tê liệt hay hủy hoại nỗ lực xây dựng trước đó.
 
Thứ tư, tờ báo phải tự nuôi được lấy nó. Tôi đã viết bài có nhuận bút cho báo chợ (báo cho không), báo lính (do cựu quân nhân làm) và báo thương mại (cung cấp tin tức và Rao Vặt) khoảng 2 năm. Kinh nghiệm đó cho thấy bất cứ loại báo nào cũng có thể sống được, miễn có độc giả. Độc giả chỉ đọc những thứ họ muốn từ những tác giả hay tổ chức mà họ có cảm tình hay nhất là, tin cậy được.
Chúng tôi sửa soạn khoảng gần nửa năm. Chủ nhiệm kiêm chủ bút Viên Linh lo phần sửa soạn nội dung, trình bày và tài chánh. Tôi giữ phần phê bình, góp ý hình thành chủ đề và tác giả tham dự; sau đó thêm mục Tin tức Thời sự Văn học Nghệ Thuật, Điểm Sách và Người và Việc. Do đó, có nhiều số, tôi phụ trách gần hay hơn nửa nội dung số báo.
 
Phần phát hành 1.500 số báo có 4 giai đoạn chính sau khi gấp và đóng đủ báo cho độc giả dài hạn sẽ gửi theo loại Bulk Mail. Phần 1 gồm báo hạng nhất (trong phong bì) cho độc giả Hoa Kỳ, các tiệm sách và đại lý. Phần 2 gồm Bulk Mail/báo gửi hàng loạt theo địa chỉ các thành phố. Phần 1 và phần 2 chiếm nhiều thì giờ nhất. Phần 3, trong nhiều năm đầu, do tôi mang đến các tiệm sách địa phương (như Zip Post, Văn Khoa, Tự Lực, Tú Quỳnh vv.) lấy lại báo cũ, đổi báo mới và tính toán chi thâu. Phần 4 gồm báo gửi cho độc giả mới, nếu sót; và cập nhật tin tức mua bán báo. Phần phát hành thường chiếm trọn 3, 4 ngày làm việc không ngưng nghỉ sau khi báo in xong. Trừ 3 năm trở lại Penn State Unniversity, tôi đều chia bổn phận này với Viên Linh.
 
Tôi hợp tác trong tinh thần tình nguyện. Đằng khác, cũng như Viên Linh tại Khởi Hành, Sài gòn, tôi giữ vị trí hoàn toàn độc lập từ chủ đề nghiên cứu tới hoạt động ngoài tờ báo. Thậm chí, Viên Linh và tôi không có bạn (thân) chung. Nhằm công bằng cho Viên Linh, tôi tự xây dựng một thế giới văn nghệ riêng rồi sẽ chịu trách nhiệm về mối liên lạc với các tác giả trong thế giới ấy. Theo tôi, người phê bình xứng danh phê bình phải tự lập và độc lập. Một tờ báo xứng danh Văn học Nghệ Thuật phải duy trì được một người phê bình có vị trí như vậy.
 
Nhân dịp Kỷ niệm 16 năm, tôi nhìn lại Khởi Hành:
 
-“[…] Chính vì được khối bạn đọc đồng ý với chủ trương ấy mà Khởi Hành có mặt suốt 16 năm nay và có những hoạt động như trao Giải Văn chương Toàn Sự nghiệp, tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và tiếp tục dành một số đặc biệt mỗi năm cho Chủ đề Phụ nữ. Trong khối độc giả ấy, cũng có nhiều tác giả kỳ cựu của Miền Nam. Khởi Hành giữ được nội dung và tinh thần Văn Học Miền Nam là cũng nhờ sự hợp tác đặc biệt của họ. Dĩ nhiên, điều đầu tiên mà người ta thường bàn đến vào thời điểm này là sự mai một dần dần của người viết cũng như của những tạp chí có sự hợp tác của họ và người đọc. Hiện giờ, người cao tuổi nhất của Khởi Hành là nhà văn Mặc Đỗ (sinh năm 1917) và nhỏ nhất là người viết. Nhưng nếu quan niệm một cách tiêu cực như thế thì đã không có Khởi Hành. Điều quan trọng nhất ở đây là hãy làm những gì cần thiết cho cái thời mà chúng ta đương sống và đừng lo lắng gì về cái thời chúng ta không có trách nhiệm. Con lộ chúng ta đi, đã bao người đi qua. Có điều đừng dẫm lên vết chân họ vì sự ngưỡng mộ nào cũng giới hạn vào kinh nghiệm chỉ xẩy ra cho người khác mà phần hành động thì không thời nào có thể nương tựa vào thời nào.
 
“Ở trường hợp Khởi Hành, phần hành động đó là sự kết hợp của những người cùng ý muốn là giữ cho Văn học Miền Nam được bảo tồn càng nhiều càng tốt càng lâu càng tốt. Trong tinh thần ấy, người viết có thể tâm sự với quý bạn đọc và đồng nghiệp nhân dịp nhìn lại 16 năm qua, rằng người viết (cũng là Thư ký tòa soạn) không bao giờ theo cái lối nói thông thường khi viết phê bình cho Khởi Hành là “con chim ngứa cổ hót chơi.” Nghề viết, bất cứ viết cái gì từ thơ đến truyện, là một nghề tử công phu. Thời này, bất cứ con chim nào hót được là phải hót –nhất là hót dùm cho những con chim trong lồng—chớ không thể đợi tới lúc “ngứa cổ” mới chịu hót và phải “hót thiệt” chớ không có hót “chơi”…” [[Nguyễn Tà Cúc, Khởi Hành số 180&181, tháng 10&11. 2011, trang 16]
 
Như đã giới thiệu, Khởi Hành là tạp chí duy nhất dành 1 kỳ cho Chủ đề Phụ Nữ vào mỗi tháng 3, bắt đầu từ năm 2001.
 
chudephunu
Khởi Hành số 149, Chủ Đề Phụ Nữ, tháng 3.2009
 
Sở dĩ tôi đề nghị chủ đề Phụ Nữ với Viên Linh vì chiến tranh Việt Nam và Văn Học Miền Nam có mặt phụ nữ một cách quá rõ ràng mà các nghiên cứu về họ chưa được đầy đủ, lại rất một chiều. Chúng ta có thể hình dung ngay được loại bích chương tuyên truyền của người Cộng sản với chỉ hai mục đích. Người phụ nữ hoặc trở thành “chiến sĩ” vác súng chống “Mỹ Ngụy” hoặc nạn nhân “Mỹ Ngụy”. Hình ảnh các cô nông dân Miền Nam quấn khăn rằn, nổi tiếng với ngoại quốc qua nhãn hiệu “đoàn quân tóc dài”, càng tăng thêm “chính nghĩa chống Mỹ cứu nước”. Tuy vậy, các hình ảnh ấy đều dối trá nếu so sánh với hoạt động của phụ nữ Miền Nam, từ giáo dục tới thương trường, từ nghệ thuật tới chính trường; lại càng không đúng với người lính Miền Nam–người cha, người chồng, người anh hay em, người bạn, người không quen– đang bảo vệ họ.
 
thekiet
Trần Thế Kiệt, Nhiệm vụ cao quý, Giải Nhì-Huy chương Bạc - Cuộc thi Nhiếp Ảnh NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM, 1968 - Khởi Hành Chặng 1/Số 3, tháng 9.1968
 
Sau 1975, đến lượt phụ nữ Miền Nam gánh vác gia đình, bảo vệ cuộc sống và người thân trong các trại tù trước chính sách thanh trừng của chính phủ Cộng sản. Chính phủ này đã cướp trắng tài sản của họ qua các đợt đổi tiền, tịch thu nhà cửa đặng xua họ về khu Kinh tế Mới, kỳ thị con cái họ trong hệ thống giáo dục vv. Rồi thảm kịch “Vượt biển” hay “Vượt biên” sẽ chờ đợi họ. So với núi tuyên truyền ca ngợi thành tích “đoàn quân tóc dài” hay các cô “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” (mượn chữ nhà thơ Phạm Tiến Duật) vv., sự nghiên cứu về Phụ Nữ Miền Nam, riêng tại Miền Nam sau 1975, vẫn chưa cân bằng. Tuy vậy, nỗ lực của họ vẫn có thể chứng minh trong mọi sinh hoạt. Bất cứ tại đâu, chị em luôn luôn tham gia, gánh vác công việc vốn dành cho “chiến sĩ vô danh”. Ngay từ lúc bắt đầu hoạt động trong Văn Bút, tôi không bỏ cuộc nhờ sự giúp đỡ, lòng tin và nỗ lực của họ. Ngoài Chủ đề Phụ Nữ mỗi năm, tôi cùng nhóm chị em tổ chức được 2 Diễn Đàn Phụ Nữ hay buổi diễn thuyết về Áo Dài.
 
tacuc
Nguyễn Tà Cúc, Thư ký Tòa soạn - Diễn Đàn Phụ Nữ Khởi Hành lần thứ nhất, ngày 9.4.2006
 
Cũng như Viên Linh trước đây, bốn chữ “Thư ký Tòa Soạn” hàm chứa một trách nhiệm nặng nề. Sự “tự chế” nên là đức tính đầu tiên của mọi Thư ký Tòa soạn. Trong hơn 20 năm làm việc chung, không có nhận xét nào khác từ Viên Linh làm tôi cảm động hơn. Ngày nay, soạn tiểu sử Khởi Hành-Sài gòn và Khởi Hành-Hoa Kỳ– tại một thành phố thuộc Quận Los Angeles, đã có lần góp phần khai sinh tạp chí Khởi Hành–, tôi không khỏi ngậm ngùi tri ân độc giả, văn hữu, thân chủ quảng cáo, nhóm chị em và đặc biệt là những anh em ở Việt Nam–mà tôi đặt tên “Tác gia Không-Biên giới”–đã giúp tài liệu, góp ý giúp tôi viết chính xác hơn hay sửa chữa những sai lầm của những bài đã viết trước khi đã hay sẽ xuất bản.
 
Xin mượn lời Chủ nhiệm & Chủ bút Viên Linh trong bức thư ông gửi, tháng 11.2019, thay lời tóm tắt và kết thúc quãng Khởi Hành-Hoa Kỳ:
 
-“[…] Sẽ viết cảm ơn Cúc thời gian từ C. xuống Midway City, Westminster Quận Cam (và Santa Ana) làm 248 số báo Khởi Hành […] Đi đưa báo ở Huntington Beach! Đóng gấp báo ở đường Kramer, Bolsa Avenue, Jefferson Str. Trong tất cả, Nguyễn Tà Cúc là người duy nhất đã làm việc trong các tòa soạn, giữa phố xá ngã tư, sóng bước trên hè đường hay nơi một hàng quán hay giữa một hội trường cả chục cả trăm người, bằng hữu hay quan khách-ở phòng hội nhật báo Người Việt, ở tòa soạn Khởi Hành hay Phòng Khánh Tiết Thành phố Westminster trong những cuộc tiếp xúc với cộng đồng quan khách hay văn giới đoàn thể. Nguyễn Tà Cúc đã luôn luôn cùng tôi tiếp đón độc giả, bằng hữu, văn giới, quan khách một các hòa hợp và tốt đẹp đưa đến thành công từ lúc thực hiện biên soạn tờ báo đưa tới nhà in, tới lúc chở cả ngàn tờ báo đem ra Bưu Điện gửi cho độc giả dài hạn ở khắp các tiểu bang hay các tiệm sách, xạp báo từ California, Toronto, Bonn, Frankfurt, hay cả Honolulu (Hawaii), Saigon, Hanoi.
 
Chúng tôi đã thành công nhờ cả hai, và nhờ Tà Cúc đã hy sinh và tự chế…” [Viên Linh gửi Nguyễn Tà Cúc, Virginia, 2019]
 
Khởi Hành-Hoa Kỳ kết thúc vào số 249 & 250, tháng 4 & 5, năm 2018.
bankhoihanh
Bảng hiệu treo trong Tòa Soạn cuối cùng của Khởi Hành - Chữ in đính lên một chiếc bảng bằng thiếc20cm × 55cm
 
Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc lưu giữ, California Chủ nhiệm & Chủ bút Viên Linh trở về Virginia
Khởi Hành đình bản, Tháng 5. 2018
 
5.2.2 Khởi Hành số cuối
 
Khởi Hành số cuối phát hành vào tháng 5. 2018. Trước đó, chúng tôi đã nghĩ tới việc đình bản. Tạp chí này đã hoàn thành phận sự mà Viên Linh và tôi hoạch định cách đây 22 năm. Tôi vào bệnh viện từ cuối tháng 3. 2018 vì một cơn bạo bệnh kéo dài 5 tháng. Tôi đã không thể chính thức tỏ lòng tri ân độc giả, những người mà tôi không bao giờ quên vì còn lưu giữ danh sách gửi báo từ những năm đầu tiên cùng thư từ của họ. Không có họ, sẽ không thể có Khởi Hành. Viên Linh viết thay cho cả hai chúng tôi:
 
[…] Tôi chân thành cảm ơn quý bạn đọc đã đã tới với Khởi Hành trong hơn 20 năm qua, nhất là quý độc giả dài hạn […] cảm ơn qúy thân hữu và các thân chủ đã hỗ trợ, vô cùng cảm tạ những người đã tin tôi gửi bài vở trước tác đến Khởi Hành để đóng góp vào diễn đàn chủ trương khôi phục văn học Miền Nam và văn học Việt Nam […] và đặc biệt cảm ơn người bạn đồng hành, Cô Nguyễn Tà Cúc, đã tận tụy cùng tôi xây dựng diễn đàn này từ buổi khởi đầu…” [Viên Linh, “Lá thư chủ nhiệm”, trang 5, Khởi Hành Số cuối]
 
May mắn thay, Thiếu Tá Quân Nhu Lê Đình Thọ /Chỉ Huy trưởng Trung Tâm Tiếp liệu Chu Lai, xuất chi phí và giúp Viên Linh ấn hành cùng phát hành số báo cuối.
 
§ Thiếu tá Quân Nhu/nhà thơ Tâm Hữu Lê Đình Thọ
 
Với bút hiệu Tâm Hữu và kiến thức của một giáo sư Kỹ Thuật kiêm Sĩ quan Quân Nhu, ông đã giúp chúng tôi tổ chức các buổi hội họp. Khi tôi cùng nhóm chị em sửa soạn buổi diễn thuyết về Áo Dài với sự bảo trợ của Nhật báo Người Việt, ông đến với cậu trưởng nam, trước cả Ban tổ chức, đặng lo phần …kỹ thuật, kể cả âm thanh, treo khung, chăng dây và mọi thứ không tên khác.
 
ndtho
Đại Úy/Nhà thơ Tâm Hữu Lê Đình Thọ, Huế, 1972
 
Tôi đưa thí dụ của quân nhân Lê Đình Thọ, vì ông giúp chúng tôi quá nhiều cũng có, mà vì muốn cho thấy tinh thần Văn Nghệ Quân Đội, một lần nữa, bàng bạc ở mọi nơi, mọi sinh hoạt trong hay ngoài Miền Nam. Tôi tin ông đến với Khởi Hành, trước hết, vì đã gia nhập quân ngũ. Với bút danh Tâm Hữu/ Chủ biên đặc san Đất Mới, Hội Ái Hữu Quân Nhu QLVNCH, không những ông làm thơ mà còn ghi lại nhiều hồi ức về đời lính, đời tù và chi tiết “có một không hai” về cấp chỉ huy như Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Ông thực sự góp phần vào một cuốn Quân Sử không tên tại hải ngoại, rất cần thiết cho người nghiên cứu, từ nay được đóng góp bởi bất cứ người lính nào còn sống sót:
 
[…] Đã từng làm việc dưới quyền của ông từ năm 66 đến năm 70, tôi ghi lại sau đây một vài điều mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ. Mùa hè năm 1966, sau biến cố bạo loạn miền Trung, Chuẩn Tướng PXN Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh bị mất chức Tư Lệnh và Bộ Tổng Tham Mưu đã cử Đại Tá Ngô Quang Trưởng, lúc đó đang là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù ra làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay thế cho Tướng PXN […] Người Nam (Kiến Hòa), với gương mặt khắc khổ, hiếm hoi có nụ cười; và nếu họa hoằn lắm mới cười, thì cười cũng không vui hơn khóc là bao nhiêu, và lúc đó hai má của ông sẽ cóp thêm một chút nữa. Ông ít nói và đã nói thì mạch lạc, ngắn gọn, không dư và cũng không thiếu một chữ […]
 
Và kỷ niệm đậm nét nhất với ông là về đợt tấn công của Việt Cọng vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 và vào Thành phố Huế vào Tết Mậu Thân. Chiều 30 Tết năm 1967, tôi đi với đoàn xe tiếp tế thực phẩm cho điểm tiếp liệu loại 1 của đơn vị ở trong thành Quãng Trị về, khi đi ngang qua cầu An Hòa, thấy Đại Đội Công binh của Mỹ thường ngày đóng ở đây để làm đường và làm cầu bỗng dưng rút đi đâu mất, trong lúc mới sáng hôm đó khi đi qua đây chúng tôi vẫn còn thấy họ. Sau nầy khi kiểm chứng lại tôi mới biết, không những chỉ toán nầy mà tất cả những toán khác ở nhiều nơi khác nữa, cũng đều được lệnh rút về Phú Bài như vậy. Hình như về phía Mỹ họ biết trước cuộc Tổng tấn công đêm nay của Việt Cọng. Còn phía quân đội VNCH chúng ta thì chỉ có lệnh cấm trại 100% như thường lệ mà thôi. Thành thử không ai quá quan tâm, vì hầu như trước mọi ngày lễ lớn, kể cả những ngày lễ của ngoài Bắc, chúng tôi vẫn đều phải cắm trại, để đề phòng VC tấn công để mừng lễ lớn của họ […]
 
Đại đội 1 Quân nhu được phân công gác cửa An Hòa. Tối đó Việt Cọng đã dùng giây thừng leo thành vào và tấn công toán lính gác bằng lựu đạn. Còn ở cửa Hữu thì họ dùng một người đàn bà ngồi trên xích lô, độn bụng cho to lên và rên la như sắp sinh, xin được mở cửa để vào nhà hộ sinh Thành Nội, có mấy người nhà là đàn ông cầm đuốc đi theo. Động lòng, lính gác kéo cổng cho vào thì họ tung lựu đạn. Bị tấn công bất ngờ toán lính bị thương và bỏ chạy, lực lượng của họ tràn vào Thành Mang Cá phía Tiểu đoàn 1 Quân Y là bị tấn công mạnh nhất, ở đây lại ngay phía trước mặt của Bộ Tư Lệnh. Việt Cọng đã chọc thủng vách tường và tràn vào một góc của Tiểu Đoàn Quân Y. Thấy lính Quân Y khó có thể đẩy lui được VC, Tướng Trưởng mới gọi Đại đội 1 Hắc Báo ở phi trường Thành Nội qua tiếp ứng. Đại Úy PVD đã chỉ huy Đại đội với đội hình hàng dọc, vừa chạy vừa đánh, đã vào được thành Mang cá Lớn, tiếp tay với Tiểu đoàn 1. Quân Y đẩy lùi VC ra khỏi vòng đai BTL. Những ngày sau đó Tướng Trưởng đã chỉ huy các đơn vị tác chiến của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, phối hợp với các đơn vị Tổng trừ bị như Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cùng với các đơn vị Đồng minh, đẩy lui hoàn toàn các đơn vị địch ra khỏi thành phố Huế, làm cho địch quân tổn thất rất nặng nề. Thời gian nầy cũng có được sự yểm trợ của Hải pháo của Hoa Kỳ từ các chiến hạm ở ngoài
 
Rời chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh vào đầu năm 70 để vào nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4 kiêm Tư Lệnh Vùng 4 Chiến thuật, Tướng Ngô Quang Trưởng đã ra lại Đà Nẵng vào đầu năm 72 để kịp thời tổ chức cuộc Tổng phản công tái chiếm cổ thành Quãng Trị vào Mùa hè Đỏ Lửa. Nhìn bề ngoài với gương mặt lạnh lùng khắc khổ, ai cũng tưởng Tướng Ngô Quang Trưởng là một người khô khan. Nhưng bên trong ông lại là một con người tình cảm. Trong buổi lễ chia tay trước hàng quân ở sân cờ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn để vào Nam nhận nhiệm vụ mới, sau khi ngắn gọn ngỏ vài lời cảm ơn và từ giã với toàn thể Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ thuộc quyền, ông đã khóc, khiến cho các cố vấn Mỹ đứng bên lúc đó bối rối và kinh ngạc.

Mấy dòng hồi ký để tưởng niệm một vị Tướng Lãnh tài ba, tận tụy với nhiệm vụ, thanh sạch trong đời sống, xứng đáng để làm gương cho nhiều người.” [Thiếu tá Quân Nhu Lê Đình Thọ-Orange County, “Tướng Ngô Quang Trưởng”, cuối tháng 3.2007- Đăng lại trên Trang Mạng Dòng Sông Cũ, ngày 16.9.1972, https://dongsongcu.wordpress.com/2019/09/16/le-dinh-tho-tuong-ngo-quang-truong/
Tôi đang biên tập lại bài nghiên cứu về trận chiến Mậu Thân 1968 nên đã xin ông vẽ lại bản đồ Thành Nội & mấy vùng phụ cận khi Huế bị tấn công.
 
Ngoài Thiếu tá Lê Đình Thọ, số cuối Khởi Hành còn được anh Kim Khôi, giám đốc nhà in Number One Printing, một nhà in kỳ cựu tại Quận Cam từ 1986, giúp đỡ.
 
§ Anh Kim Khôi, Giám đốc Nhà In Number One Printing, Garden Grove, California
 
Anh Kim Khôi cũng sốt sắng trong giai đoạn cuối với cảm tình lâu dài dành cho tờ báo. Là người có đạo Công giáo nhưng có lẽ anh đoạt kỷ lục in nhiều sách nhà Phật nhất tại Quận Cam. Hồi còn Việt Nam, anh xuất thân sinh viên Ban Cao Học, Khoa Báo Chí, Đại học Vạn Hạnh. Tôi thua anh gần một …ban Cử nhân. Anh hợp tác với nhà thơ Tâm Hữu đóng lại Khởi Hành một cách trọn vẹn sau khi đã in Khởi Hành trong nhiều năm. Tôi vẫn muốn thuyết phục anh viết hồi ký về hoạt động trong nghề. Không giới nào biết rõ giới nhà văn hơn giới nhà in! Sau nữa, lịch sử người Việt tỵ nạn không chỉ dừng tại sáng tác, mà còn các chủ đề khác như, hồi ký, tôn giáo, quảng cáo vv. Thế nên, cho tới nay, ngoài hồi ký của Nguyên Sa về quãng nhà in có ông hợp tác, chúng ta rất cần các hồi ký khác.
 
6. Tôi viết từ quê hương, nơi không xa cố hương của em
 
Văn Quang, ngày 30 tháng 4. 2016
 
Văn Quang tình cờ nghe được Chào những người yêu còn ở lại Sài gòn, bài hát do Việt Dzũng phổ nhạc bài thơ [13] mà tôi đã nghĩ từng giòng lặng lẽ khi đứng trên xà lan chờ đợi, dù không biết chờ đợi điều gì. Gia đình tôi may mắn thoát khỏi Sài gòn chiều muộn ngày 29 tháng 4. 1975 một cách hoàn toàn bất ngờ, nhờ người anh thứ hai. Sáng ngày 30 tháng 4, trên biển Thái Bình Dương, nghe Đại Tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, đám người lướt thướt dưới cơn mưa tầm tã đã khóc không lặng lẽ.
 
Tôi hình dung khuôn mặt người bạn lính bốn tháng trước. Bốn tháng trước, tôi đã hiểu sẽ không bao giờ gặp lại người ấy.
 
Giữa tôi và Văn Quang có nhiều điều dễ nói. Dù sao, tôi cũng có gốc Miền Bắc như ông vì sinh quán tại Vụ Bản-Nam Định, một miền đất nhiều huyền thoại. Ông ở lại Sài gòn, một thành phố nay cũng trở thành huyền thoại với nhiều bài hát, nhất là về lính, cất lên cả trong hang cùng ngõ hẻm lẫn sân khấu tráng lệ. Lệ Đá, Thiếu Tá Nhẩy Dù Hà Huyền Chi đặt lời, thuộc một trong những bài hát được ca sĩ hai miền trình bày nhiều nhất, kể cả ca sĩ chuyên “nhạc đỏ” Trọng Tấn. Mới đây, người Hà Nội Hồng Nhung, vào Sài gòn sau 1975, hát Cho một người nằm xuống tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Tiếng hát Hồng Nhung, cuối cùng, chỉ gợi được người thành phố Sài gòn như tôi, trong một ngày đã nhắc tên Cố chuẩn tướng Không Quân Lưu Kim Cương Vùng trời nào đó anh đã bay qua vào những sớm mai lửa đạn, qua tiếng ca Khánh Ly.
 
Một lá thư (hay một hoài niệm) của Văn Quang, từ Sài gòn, đến hộp thư vào ngày 30 tháng 4, 2016, mở đầu bằng Tôi viết từ quê hương, nơi không xa cố hương của em.
 
Ông hỏi tôi, Làm thế nào để viết tại một nơi xa lạ? Ông đã chứng kiến một số nhà văn không thể sáng tác được nữa sau khi rời Miền Nam, hay, thảm hại hơn dù hiếm hơn, biến thành một loại kiêu binh. Đó là điều đau đớn cho ông, người đã được sống trong 20 năm Văn Học Miền Nam, được chứng kiến ánh chiếu rực rỡ của văn chương muôn hoa nghìn tía trong vòng ôm văn nghệ. Nguyễn Xuân Hoàng–một trong những chủ bút đầu tiên đăng bài Văn Quang sau 1975–điển hình cho nỗi cô đơn day dứt quấn chặt người xa xứ trong vòng bạch tuộc, dù ông vẫn sáng tác và họat động mạnh mẽ sau 1975, tại Hoa Kỳ.
 
Dễ dàng, tôi trả lời. Tự do là quê hương của tôi. Miền Nam đã trở thành cố hương. Một cố hương mà tôi muốn lưu giữ bằng chữ trong khi Hoa Kỳ thành quê hương bây giờ, nơi tôi được chọn lựa để viết, để sống như tôi muốn. Ràng buộc vào ý niệm ngoại quốc, hay ngoại cuộc, chưa bao giờ xâm chiếm hoạt động–nhất là hoạt động viết–vì tôi không tự xếp loại hay quan tâm tới sự xếp loại của người khác.
Cũng như Văn Quang, ông cũng không tự xếp loại, trừ một điều ngay từ đầu: Ông là một người lính chiến đấu chống lại Đảng và Chủ nghĩa Cộng Sản cho quyền được tự do sống, tự do sáng tác và phát biểu. Cách chiến đấu có thể thay đổi, nhưng ông không ngừng chiến đấu. Tôi cảm ơn ông và đồng đội đã trao tặng đủ tài liệu từ cuộc đời một người lính sống sót; và cảm ơn cái chết của một người đã tử trận cùng lính của anh để giúp trả lời câu hỏi còn vương vấn đến bây giờ: Tại sao người lính Miền Nam “nhất định kháng cự đến cùng, để tiếp tục bị giết, bị thương, bị bắt…” và tiếp tục dùng mọi cách, kể cả ngòi bút, trong và ngoài Việt Nam, hầu phụng sự cho tự do?
 
Để tôi có thể luôn nhớ đến cố hương với lòng yêu điềm tĩnh mà viết cho công bằng và chính xác về Chiến tranh và Văn Học Miền Nam tại quê hương này.
 
Chào những người yêu còn ở lại Sài gòn.
 
Nguyễn Tà Cúc
____________________________
Chú thích và Phụ lục:
 
13) Chào những người yêu còn ở lại Sài gòn [Nguyễn Tà Cúc, Liên Hữu-tập san Tin Lành, trang 30-31, khoảng 1978, Oceanside, California], Việt Dzũng phổ nhạc, 1994, https://www.youtube.com/watch?v=aO15TbJeKxU.
 
Chào những người yêu còn ở lại Sài gòn hình thành Ngày 30 Tháng 4. 1975 trên xà lan, biển Thái Bình Dương; hoàn tất vào tháng 6. 1975, Trại Tỵ nạn Indiantown Gap, Pennsylvania và được đăng vào khoảng 1978 tại Nam Califonia. Tôi sinh quán tại Vụ Bản, Nam Định, rời Sài gòn vào chiều ngày 29.4.1975.
 
Những câu sau đây trong bài phổ nhạc không có trong nguyên bản: “nên hồn vẫn đi hoang“, “10 năm“, “Rồi bên ni sẽ là mùa thu, em bước lang thang giữa trời sương mù. Cơn gió hoang vu tìm em không thấy“.
 
lienhuu
Nguyễn Tà Cúc, “Chào những người yêu còn ở lại Sài gòn,”Liên Hữu số 2 Bộ 1, khoảng 1978, Oceanside, California, Hoa Kỳ
 
Liên Hữu do một nhóm tín hữu Tin Lành xuất bản, Hoa Kỳ. Ban điều hành gồm Chủ biên: Mục sư Võ ngọc Thiên Ân, Thư ký Tòa soạn: Nguyễn Xuân Phước-cựu học sinh trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Trình bày: Võ thị Thu Cúc, Xuất bản: Ông Nguyễn Hữu Ái.
 
Nguyễn Xuân Phước (1954-2015) sau này sẽ trở thành luật sư/tác giả tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.
 
 

 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com