User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 “Vườn Tao Ngộ” là một trong số các ca khúc viết về tình yêu của những đôi trai gái lúc các chàng trai đang khởi đầu nghiệp lính nơi chốn quân trường, lần đầu tiên sống tách biệt với gia đình, cha mẹ, bạn bè, và đặc biệt là phải sống cách xa người yêu.
 
vuontaongo
Nhạc phẩm “Vườn Tao Ngộ” của Nhật Hà. (Hình: Tài liệu)
 
Cái tên tác giả Nhật Hà được ghi bên dưới ca khúc “Vườn Tao Ngộ” chỉ là một bút danh khác của nhạc sĩ Khánh Băng.
 
“Hôm nay ngày Chúa Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh/ Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi/ Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi/ Ta nhìn nhau bâng khuâng/ Đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn?/ Ngày mai ra đơn vị/ Đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao?”
 
Em đến thăm anh nơi Vườn Tao Ngộ của quân trường Quang Trung vào một buổi trưa nắng đổ mà lòng chẳng ngại ngùng gì vì tình yêu anh đang ngun ngút dâng cao trong lòng. Âu yếm bên nhau nơi khu tiếp tân của quân trường này mà lòng em vẫn cứ bâng khuâng không biết tương lai đôi mình sẽ về đâu khi anh ra đơn vị, bởi vì đời lính phong sương, anh thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày, nay đây, mai đó khôn lường.
 
“Nếu chúng mình ước hẹn, ngày tao ngộ xa quá anh ơi!/ Thời gian xin lắng đọng đợi chờ/ Để đôi tim ướp mộng đem tình thương tô thắm đôi môi hồng/ Đây một phong thư xanh/ Trao đến người để quên đi những đêm quân trường/ Sầu cô đơn hiu quạnh/ Vùi đầu bên chén trà tìm đọc thư em.”
 
Dù tình ta đã ước hẹn rồi nhưng em vẫn cảm thấy ngày đôi lứa sum vầy vẫn còn xa quá, anh ơi. Dù mai đây đôi ta có cách xa nhau, ước mong sao tình mình vẫn mãi mãi còn hoài khi hai đứa đã trở thành đôi chim, chắp đôi cánh nhịp đôi tim. Nơi đây, em xin trao gởi cho anh chiếc phong thư ngào ngạt hương, chất chứa tâm tình mà em đã viết bên đèn khuya giữa lúc thời gian len lén đi mãi không ngừng, để đêm đêm nơi quân trường anh tìm đọc lúc cõi lòng đang trống vắng vì thiếu bóng hình em.
 
“Anh ơi! Dù non sông cách trở/ Xin anh đừng quên bao kỷ niệm ngày nao hai đứa mình/ Cùng nhau chung mái trường tuổi học sinh đẹp như gấm hoa/ Anh đi ngày mai trên chiến địa/ Nơi đây tình yêu em vẫn đợi, cầu xin non nước mình/ Được yên vui thái bình tìm trao ước hẹn hò.”
 
Dù không gian có cách trở đôi đường, xin anh chớ quên đi mối tình đẹp như mơ ấp ủ từ thuở học trò còn giận hờn vu vơ, thức bao đêm làm thơ rồi đợi chờ. Cho dù ngày mai anh đi chiến dịch xa vời, dấn thân nơi tiền tuyến, chốn quê nhà em vẫn chờ anh, vẫn chờ, vẫn chờ đợi anh, với ước vọng ngày về ruộng đồng nở hoa, thanh bình hoan ca, và đó là lúc chúng mình đẹp đôi, bởi vì vạn niềm thương yêu còn chờ phút sum vầy.
 
“Tiếng nói cùng tiếng cười, giờ tao ngộ lưu luyến bên nhau/ Mừng vui chưa nói được cạn lời/ Giờ chia tay não nề ngại ngùng thay chân bước đi không đành/ Vui đời trai phong sương/ Vai gánh nặng tình non sông bước chân miệt mài/ Dù núi biếc sông dài/ Dù trời cao đất lạ đừng buồn nghe anh!”
 
vuontaongo1
Nhạc sĩ Khánh Băng và danh ca Bạch Yến trên bìa nhạc bài “Sầu Đông.” (Hình: Tài liệu)
 
Giờ tao ngộ của đôi ta tuy không thiếu những tiếng nói và tiếng cười mến thương nhưng tiếc rằng nó lại quá ngắn ngủi, khiến chúng mình đành bịn rịn chia tay, ngập ngừng chẳng muốn rời nhau. Nhưng xin anh hãy vui lên đi với đời trai hiên ngang nơi sương gió biên thùy và với bước chân miệt mài chốn trời cao, đất lạ, áo đường xa không ấm gió phương xa nghìn đêm vắng nhà.
 
***
Trong số các bản nhạc tình mùa chinh chiến của Khánh Băng, ngoài ca khúc “Giờ Này Anh Ở Đâu” nổi tiếng, bản “Vườn Tao Ngộ” cũng rất được khán, thính giả từ sân khấu cho tới làn sóng điện và màn ảnh truyền hình ưa chuộng.
 
Hồi trước năm 1975, nhạc phẩm “Vườn Tao Ngộ” đã được nữ ca sĩ Giao Linh trình bày hết sức thành công và được khán, thính giả khắp nơi ái mộ. Tại hải ngoại, phiên bản hay nhất của ca khúc này có thể nói là do hai ca sĩ Tuấn Vũ và Sơn Tuyền trình bày, với phần hòa âm đặc sắc của Trung Tâm Asia.
 
Vườn Tao Ngộ là cái tên âu yếm và tình tứ của Vườn Cộng Hòa thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, một khu tiếp tân rộng lớn của quân trường, nơi từng chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc hội ngộ, tương phùng, với những nụ cười, những dòng lệ mừng vui hay những giọt nước mắt luyến lưu từ người tình, cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè… của những chàng trai vừa mới bước chân vào lính và, lần đầu tiên trong đời, lọt vào khuôn khổ nhà binh.
 
Tình yêu thời chinh chiến, như được mô tả qua nhạc phẩm “Vườn Tao Ngộ,” là thứ tình yêu rất trân quý, chất chứa tâm tình của những người em gái hậu phương gởi trao cho những chàng trai nơi tiền tuyến. Vì tình yêu giữa mùa chính chiến luôn được thăng hoa, người chiến sĩ Cộng Hòa luôn là niềm hãnh diện của gia đình và của những cô gái đang là người yêu của lính.
 
Dù thời gian gặp gỡ nhau của các cặp trai gái không lấy gì làm nhiều, và dù không gian gặp gỡ dường như lúc nào cũng chan hòa nắng gắt quân trường, “Vườn Tao Ngộ” Quang Trung đã sản sinh một số “giai thoại” để đời, như câu chuyện rất “có hậu” dưới đây:
 
Vì tình trạng tập trung quá đông đúc vào cùng một thời điểm là Chủ Nhật cuối tuần, nhiều cặp vợ chồng và tình nhân, vì muốn có được giây phút riêng tư, đã biến chiếc poncho mà họ đang nằm trở thành một chiếc “áo mưa” bao la, che phủ thân hình hai người trên bãi cỏ. Và vì quá vội vã để tranh thủ thời gian còn lại “em cho anh tất cả anh ơi, ta đưa ta đến vùng tuyệt vời,” nên có khi họ cứ để lòi cặp chân ra ngoài, ai đi ngang qua cũng ngó thấy. Điều đáng phấn khởi là một số em bé đã ra đời từ cái “lò luyện thép” này sau cuộc hội ngộ tình tứ đó. Anh quen rồi mưa gió, lính mà em!
 
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung được quân đội Pháp thành lập năm 1953 tại vùng Quán Tre, thuộc quận Hóc Môn, Gia Định, với cái tên ban đầu là Trung Tâm Huấn Luyện Quán Tre. Năm 1955, quân trường này được đổi tên thành Trung Tâm Huấn Luyện Số 1. Đến năm 1957, chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một lần nữa, đổi tên nơi này thành Trung Tâm Huấn Luyện Quang để vinh danh vị đại đế với võ công hiển hách trong lịch sử nước nhà.
 
Nhạc sĩ Khánh Băng (tên thật là Phạm Văn Minh) quê ở Vũng Tàu và xuất thân là một nhạc công trước khi trở thành một nhạc sĩ tại thủ đô Sài Gòn. Bút danh Khánh Băng được ghép từ tên của hai cô bạn học, một người là Khanh và người kia tên Băng, nhưng chữ Khanh được người nhạc sĩ thêm một dấu sắc vào để thành ra Khánh.
 
vuontaongo2
Khánh Băng (phải) và Ban Thời Đại. (Hình: Tài liệu)
 
Năm 1954, Khánh Băng được thu nhận làm nhạc công đàn mandolin tại đài Phát Thanh Sài Gòn. Kế đó, ông chơi nhạc cho đoàn Sầm Giang, ban kịch Dân Nam và đài Phát Thanh Pháp Á. Từ năm 1955 đến 1959, Khánh Băng chuyên chơi đàn guitar thùng. Năm 1960, ông chuyển qua chơi đàn guitar điện tại phòng trà do ông lập nên ở Thị Nghè.
 
Khánh Băng có khả năng sáng tác vừa nhạc kích động vừa nhạc tình cảm. Những ca khúc trữ tình của ông thường được viết dưới bút danh Nhật Hà, Anh Minh và Thủy Thanh Lam. Khánh Băng qua đời năm 2005 tại Sài Gòn, thọ 70 tuổi, để lại một gia tài âm nhạc khá đồ sộ, với hàng trăm nhạc phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể đến các ca khúc như “Vọng Ngày Xanh,” “Đôi Ngả Chia Ly,” “Trăng Thề,” “Người Lính Chung Tình,” “Sầu Đông,” “Tiếng Mưa Rơi,” “Có Nhớ Đêm Nào” “Vườn Tao Ngộ” (bút danh Nhật Hà), “6 Tháng Quân Trường” (bút danh Nhật Hà), “Nỗi Buồn Đêm Đông” (bút danh Anh Minh), “Tình Yêu Là Gì” (bút danh Thủy Thanh Lam)…
 
Nhạc phẩm “Vườn Tao Ngộ” của Nhật Hà
 
Hôm nay ngày Chúa Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi
Ta nhìn nhau bâng khuâng
đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn?
Ngày mai ra đơn vị
đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao?
 
Nếu chúng mình ước hẹn, ngày tao ngộ xa quá anh ơi!
Thời gian xin lắng đọng đợi chờ
để đôi tim ướp mộng đem tình thương tô thắm đôi môi hồng
Đây một phong thư xanh
trao đến người để quên đi những đêm quân trường
sầu cô đơn hiu quạnh
vùi đầu bên chén trà tìm đọc thư em
 
Anh ơi! Dù non sông cách trở
Xin anh đừng quên bao kỷ niệm ngày nao hai đứa mình
cùng nhau chung mái trường tuổi học sinh đẹp như gấm hoa
Anh đi ngày mai trên chiến địa
Nơi đây, tình yêu em vẫn đợi
Cầu xin non nước mình được yên vui thái bình
tìm trao ước hẹn hò
 
Tiếng nói cùng tiếng cười, giờ tao ngộ lưu luyến bên nhau
Mừng vui chưa nói được cạn lời
giờ chia tay não nề ngại ngùng thay chân bước đi không đành
Vui đời trai phong sương
vai gánh nặng tình non sông bước chân miệt mài
Dù núi biếc sông dài
dù trời cao đất lạ đừng buồn nghe anh!
 
Vann Phan/Người Việt

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com