User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
vokydienpulaubidong
 
Ks Nguyễn Hữu Chung, cựu Dân Biểu Việt Nam Cộng Hòa, sinh năm 1939 tại Bến Tre, sang Montréal Canada, tháng 4-1975; tốt nghiệp Kỹ Sư tại Đại Học Politechnique Montréal Canada, làm việc tại Công Ty Điện Lực Quebec, qua đời vào tháng 02-2004 tại Montréal Canada (TGVN-LBH)
 
Ông Võ Kỳ Điền tặng tôi quyển sách bảo đọc và phê bình. Được tặng sách là điều vinh hạnh nhưng phê bình truyện là một điều tôi không muốn làm vì muốn phê bình thì phải đọc kỹ lưỡng hết quyển truyện, một điều ít khi tôi làm được vì những lý do riêng. Nhưng nể bạn, tôi đã sắp xếp thì giờ để đọc và tôi đã thành công đọc trọn vẹn “Pulau Bidong Miền Đất Lạ”.
 
Nhưng rồi một trở ngại lớn lại hiện ra. Tôi không biết làm sao để phê bình. Tôi chưa bao giờ phê bình một quyển truyện. Tôi không biết vì sao lại thích quyển nầy mà không thích quyển kia. Thuở nhỏ khi thấy mọi người khen các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, thì tôi đã tìm đọc tất cả nhưng không đọc được trọn vẹn một quyển nào trừ quyển Bướm Trắng của Nhất Linh. Cũng thuở ấy cha tôi thấy tôi có máu giang hồ, ông chỉ cho tôi đọc Pière Loti nhưng tôi đọc không vô, chỉ thích đọc Hemingway và tìm đọc tất cả bản dịch Pháp ngữ của ông nầy. Nhưng tôi không thể phê bình Hemingway hay thế nào. Cũng như rượu, tôi không thể giải thích vì sao tôi thích hiệu nầy mà không thích hiệu kia. Vì vậy đây không phải là một bài phê bình văn học. Tôi chỉ nói lên vài cảm nghĩ của tôi khi đọc xong quyển Pulau Bidong Miền Đất Lạ của ông Võ Kỳ Điền.
 
Tuy không phải là một quyển du ký như loại Lỗ Bình Sơn nhưng“Pulau Bidong Miền Đất Lạ”cũng cho người đọc cảm giác và thích thú của một quyển du ký từ những ngày đầu ở Bạc Liêu cho tới những ngày cuối ở Mã Lai. Miền Đất Lạ không phải chỉ có ở đảo Bidong mà còn có cả Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau, những mảnh quê hương mà nhiều người trong chúng ta chưa có dịp đặt chân tới cũng có thể hình dung ra được qua ngòi viết của Võ Kỳ Điền.
 
Riêng đảo Bidong thì được tác giả đã cho phép những người không có cái khổ và cái may đặt chân đến đó như tôi được NHÌN THẤY nó. Cần thấy nó bởi vì mình đã nghe nói tới hàng ngàn lần, đó là nơi bạn bè, anh em mình và cả mấy trăm ngàn đồng bào mình đã sống như một thiên đàng và một địa ngục. Địa ngục Bidong, những ai đã từng đặt chân đến đó sẽ tìm lại được đầy đủ kỷ niệm với Võ Kỳ Điền. Nhưng truyện của Võ Kỳ Điền thiếu tính chất du ký vì nó không có những hư cấu, không nhiều những tiêu, hành, ớt, tỏi, bột ngọt như những du ký chuyên nghiệp.
 
Về phương diện tả người, tuy tác giả không cố ý bắt chước một Marcel Proust hay một Võ Phiến để vạch cho người đọc thấy những khía cạnh độc đáo của con người, Võ Kỳ Điền cũng có được những nhân vật độc đáo, độc đáo trong sự bình dị, trong những cử chỉ đơn giản của đời sống như sợ sệt, thương yêu, tham lam, tử tế...
 
Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất mà tác giả muốn gởi gấm trong quyển truyện nầy là tâm tình của ông, là những suy tư của ông về đời sống, về con người về tình yêu gia đình và quê hương, về chế độ Cộng sản, cái chế độ đã buộc anh thầy giáo phải bỏ xứ ra đi để chỉ cần làm phu ở xứ người. Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc!
 
Ông muốn nhắc nhở để hơn một triệu người VN đi như ông, dù đã ghé đảo Bidong hay không ghé đáo Bidong, nhớ lại động lực nào đã khiến mình phải ra đi, tâm tình của mình khi quyết định ra đi, tâm nguyện của mình khi ra đi, những cay đắng khổ nhục trên đường đi, vv... những điều mà đa số của hơn một triệu người kia đã quên. Đa số những người đã đặt chân tới bến bờ tự do đã ổn định đời sống, đã hành nghề kỹ sư, bác sĩ, đã trở thành Việt Kiều sang trọng trong những chuyến về thăm quê hương.
 
Nhớ lại không phải để sống kham khổ mà hy sinh cho ai, cũng không phải để tìm cách trả thù nhưng anh công an đã "đì" mình hay những người ngoại quốc đã cuớp bóc, đánh đập, hãm hiếp thân nhân mình, hay gia đình mình, nhưng nhớ lại để sống cho có nhân cách, có lý tưởng. Có Tri thì phải có Giác. Tri mà không có Giác thì tâm hồn mình để đâu? Những kinh nghiệm khổ đau dưới chế độ độc tài CS, những ô nhục khi tạm trú trong các trại tỵ nạn Mã Lai, Thái Lan, Hong Kong, dùng để làm gì? Chắc đã quên! Nhân cách mà mình quyết bảo tồn khi liều chết ra đi khỏi chế độ CS mình đã vất bỏ hồi nào khi mình cũng gian manh, lường gạt đồng bào như mấy ông CS, khi mình trở về vênh váo trên đường phố lừa bịp đồng bào, chơi bời vung vít. Những nơi ăn chơi sang trọng nhất Sài Gòn bây giờ là nơi găp gỡ của cán bộ vói Việt kiều “Việt Gian, Viêt Cộng, Việt Kiều, ba Việt cộng lại tiêu điều nước non”. Hai câu vè mỉa mai nầy không phải vô tình mà có.
 
Tâm niệm ngày xưa để làm gì? Chắc cũng đã quên. Quên cho rảnh nợ. Bỡi vì cái tâm niệm đó, dù sao nó cũng mang tánh chất chánh trị. Mà tôi thì không làm chánh trị. Đó là câu mà nhiều người thốt ra hàng ngày hằng đêm, hãnh diện vì thấy đó là một thái độ khôn ngoan hay thỏa mãn vì thấy câu thần chú nầy đã biện hộ cho tất cả sụ phản bội đối với lương tâm của mình. Không có thái độ chánh trị tại sao lại đi tỵ nạn chánh trị?
 
Mình là người đi tỵ nạn chánh trị thì phải có ý thức chánh trị và thái độ chánh trị chứ. Và thái độ chánh trị đó phải phù hợp vói tâm niệm của mình khi liều chết và cam chịu bao nhiêu khổ nhục trên đường ra đi.. Tâm niệm ngày xưa đó có chứa đựng chút ít gì không, danh dự con người, tình nghĩa đồng bào, tinh thần dân chủ, luật pháp công bằng, .... Đó là chánh trị.
 
Tôi không biết ông Võ Kỳ Điền có thành công nhắn nhủ gì được cho ai không, nhưng ông viết quyển sách nầy là để sống với tâm niệm của mình. Viết cho mình trước hết.
 
Nhưng ông Võ Kỳ Điền chống Cộng một cách quá cay cú, thành ra đôi khi lý luận của ông, tuy không hằn học, nhưng có phần phiến diện khi phán đoán một giai đoạn lịch sử. Có nhiều đoạn ông tả cảnh dài dòng làm mất nhịp điệu của quyển sách. Những suy tư thì rất nhiều, đa số đúng tầm mức và đặt đúng khung cảnh nhưng đôi khi cũng có cái hơi dài hoặc đặt sai khung cảnh.
 
Nhưng điều quan trọng mà tôi không đồng ý vói tác giả là ông cố ý làm ra vẻ quá thật thà, cái gì cũng không biết. Đầy dẫy khắp quyển truyện trước một vấn đề gì cũng tỏ ra không biết, lý luận khờ khạo để rồi một nhân vật khác như vợ ông, bạn ông giải thích đúng và rành mạch. Làm dáng theo lối ngây thơ... cụ!
 
Nơi thành phố tôi ở đây có hai ông thầy giáo Việt Văn. Đó là ông Võ Kỳ Điền và ông Vương Hữu Bột. Ông Võ Kỳ Điền là một nhà thâm nho, thường bắt chước mấy ông nhà nho hồi xưa làm bộ ngờ nghệch để phỉnh thiên hạ. Còn ông Vương Hữu Bột (thi sĩ Đỗ Quí Toàn) thì đầu óc đầy sạn, sắc sảo hơn mấy ông lái buôn ở Wall Street New York, nhưng khi viết chánh trị thì lúc nào cũng đầy vẻ đạo đức tu hành. hiền như ma sơ. Xin các ông! Trường Đại Học Sư Phạm, ban Việt Hán ngày xưa sao mà đào tạo lắm nhân tài!
 
Một điểm nữa mà tôi không đồng ý vói tác giả là ông cố ý viết văn theo giọng Nam Kỳ quá. Chẳng hạn ông viết “bàn chưn” thay vì “bàn chân”, chữ mà đa số dân miền Nam ở thành thị đã quen dùng. Chẳng hạn như ông viết “nhưng trong tôi vẫn còn hoài, còn huỷ hình ảnh cái chợ Phú Cường” thay vì “trong tôi vẫn còn mãi”
 
Đây là lối dùng từ ngữ để biểu lộ sắc thái địa phương, nhưng tôi thấy người ta có thể biểu lộ sắc thái địa phương mà không cần phải dùng rặc từ ngữ địa phương.
 
Điều đó mới tài tình hơn. Nhưng có thể tôi đã phán đoán sai khi gán chữ cố ý cho ông Võ Kỳ Điền. Có thể ông là một người hạnh phúc, lớn lên học hết trung học ở quê nhà, sinh sống với gia đình, họ hàng, làng xóm, đi học đại học mấy năm ở Sài Gòn, rồi lại trở về quê nhà dạy học, tiếp tục sống với gia đình, họ hàng, làng xóm, nên ông giữ nguyên được tánh chất địa phương của mình.
 
Phần tôi, mười ba tuổi đã khăn gói rời xa gia đình đi trọ học nơi xa, cuộc đời như một trái banh lăn lóc khắp nơi, sống chung đụng vói đủ mọi hạng người, và đã mất gốc nên đôi khi nghe thấy rất lạ tai vói một vài từ ngữ rất là Nam Bộ. Cũng như khi nghe người miền Bắc nói “xơi ngô” hay “xơi chè”và mới đây gặp một người ở Hà nội sang, khi nói về một ông giáo sư về bên đó dạy học, anh ta bảo ”ông X về bên ấy lên lớp”. Tôi không phải là một người hoạt động về văn chương nhưng tôi mong thấy người VN ở hải ngoại, nhất là giới trẻ gìn giữ và học hỏi một thứ tiếng Viêt Nam phổ thông và trong sáng.
 
 
Nguyễn Hữu Chung
Montréal 6-1992
 
- Thế Kỷ 21 số 40, tháng 8/1992. USA
- Đi Tới Montreal. Canada
 
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com