"Tình Mùa Chinh Chiến,” từ lâu vẫn là chủ đề của những bài “nhạc lính” đáng yêu của các anh chiến sĩ Cộng Hòa. Đây cũng là tựa đề của một nhạc phẩm do nhạc sĩ Thục Vũ sáng tác, phổ từ thơ của thi sĩ Vũ Hoài.

Trung Tá Vũ Văn Sâm (1932-1976) – nhạc sĩ Thục Vũ. (Hình: Tài liệu)
Câu chuyện tình của “người em gái” trong ca khúc “Tình Mùa Chinh Chiến” cũng chính là tâm tình của biết bao người em gái hậu phương khác tại miền Nam Việt Nam thời chiến tranh chống Cộng trong thế kỷ trước. Tâm tình đó là việc chấp nhận hy sinh tình riêng cho quyền lợi của quê hương, để mong sao ngày mai khi thanh bình về trên đất nước thân yêu thì đôi bạn lòng sẽ cùng nhau đắp xây cuộc đời thêm sáng tươi.
“Người ơi, tôi lắng dòng tâm tư/ Nghe chuyện tình người em gái mắt vương khói lam chiều/ Ngày xưa tóc ngang vai đến trường nắng ban mai/ Hoa tím hay cài trên nếp áo xanh.”
Người ơi! Hãy lắng đọng tâm tư để nghe câu chuyện tình của người con gái mắt buồn vương màu áo trong sương khói lam chiều. Thuở còn tóc ngang vai và chưa hề yêu ai, nàng vẫn thường cài trên tà áo trinh nguyên của mình mấy cành hoa tím chiều hoang biền biệt.
“Thời gian tô nắng hồng lên môi/ Thương đời được người chiến sĩ áo xanh lá cây rừng/ Cùng mơ lúc thanh bình nắng vàng sáng lung linh/ Chung đắp xây đời đẹp như hoa đầu Xuân.”
Rồi may mắn đến trong đời khi nàng trở thành người tình của một anh chiến sĩ Cộng Hòa trước ngày anh ra đi với chiếc áo xanh màu hoa để làm nhiệm vụ người trai thời ly loạn. Đôi bạn lòng cùng chung ước mơ về một ngày mai sum họp khi non sông hết binh đao, và đó chính là lúc họ sẽ cùng nhau xây hạnh phúc tương lai mãi mãi bên nhau.
“Người đi như cánh chim bay chiều vắng/ Buồn nhớ mái tóc hoa duyên cài nắng/ Hậu phương ai ngóng tin nơi chiến trường/ Tình thương như tượng núi ‘mẹ bồng con.’”
Rồi người trai thản nhiên bước đi vào nơi gió cát, đố ai ngăn được cánh chim giang hồ, mặc dù cõi lòng chàng vẫn nặng trĩu buồn thương một mái tóc huyền nhuộm ánh nắng vàng ban mai.
“Người ơi tôi chép vào tâm tư/ Câu chuyện tình mùa chinh chiến thấy thương nhớ vô bờ/ Rồi đây sử xanh ghi những người đã hy sinh/ Dâng hiến thân mình để đắp xây ngày mai.”
Vào lúc ghi lại câu chuyện tình đẹp này giữa mùa chinh chiến điêu linh, anh đâu biết rằng, nơi hậu phương, em vẫn mãi mong ngóng tin anh từ nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay, bởi vì lòng em vẫn nhớ tình người hôm nay. Rồi đây, sử xanh sẽ phải ghi nhận sự hy sinh vô bờ bến của anh và em, tức là của cả những người nơi tiền tuyến lẫn những kẻ chốn hậu phương trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam tự do. Hỡi anh! Tình em luôn tha thiết nồng nàn như tình yêu của người thiếu phụ bồng con trông chồng đến hóa đá thuở nào!
***
Người em gái hậu phương trong nhạc phẩm của Thục Vũ và Vũ Hoài chính là cô nữ sinh thơ ngây nào với đôi mắt mơ huyền và mái tóc phủ bờ vai, luôn cảm thấy mình có diễm phúc được làm người yêu của lính, với ước vọng cùng anh chiến sĩ của lòng em chung đắp xây hạnh phúc nếu một mai khi hòa bình trở lại trên quê hương mến yêu.
Nhưng rồi một ngày kia, như cánh chim giữa khung trời gió lộng, người trai ấy đã lên đường theo tiếng gọi của non sông, lòng buồn nhớ mái tóc huyền vương ánh nắng trên bến nước xưa lá hoa về chiều. Nhưng không phải chỉ có người trai nơi chiến tuyến mới biết buồn, biết nhớ. Lòng người em gái hậu phương cũng trăm nhớ, ngàn thương, luôn mong ngóng tin từ nơi chiến trường gai lửa với những âu lo chẳng khác gì nỗi lòng của người chinh phụ bồng con đứng chờ bóng chinh phu, mỏi mòn cho đến khi hóa đá.
Nếu có thể đếm được số người đã hy sinh cho nền tự do, dân chủ của miền Nam Việt Nam, người ta không thể chỉ tính đến những chiến sĩ đã hiến thân cho tổ quốc ngoài tiền tuyến mà phải kể luôn đến những bà mẹ già cùng những người cô phụ nơi quê nhà ngày đêm mong ngóng tin con, tin chồng chốn biên cương xa vời kể từ lúc người thân yêu lên đường tòng quân.
Hồi thập niên 1960, nhạc phẩm “Tình Mùa Chinh Chiến” luôn được thính giả của các đài phát thanh quốc gia ưa chuộng và yêu cầu phát đi, phát lại. Thục Vũ, tên tác giả bản nhạc nói trên, bỗng nổi tiếng và được nhiều người mến mộ, khiến cho Vũ Hoài, người thi sĩ trẻ chưa được biết đến nhiều trên thi đàn vào thời đó, cũng nổi tiếng theo, cho dù nhà thi sĩ này không sáng tác đều đặn.
Nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, quê quán ở miền Non Côi, Sông Vị, tại miền Bắc Việt Nam. Sau khi di cư vào Nam, người cựu học sinh Trung Học Chu Văn An này tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt, trở thành một Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và được đưa về phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Chính tại quân trường này, Thục Vũ đã sáng tác bản hùng ca “Quang Trung Hành Khúc” để làm bài ca chính thức của quân trường.
Năm 1972, với cấp bậc Trung Tá, Thục Vũ trở thành Tham Mưu Phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở Lai Khê, và sau đó được chuyển về phục vụ tại Trường Bộ Binh Long Thành, phụ trách ban Tâm Lý Chiến của đơn vị.
Sau biến cố năm 1975, Thục Vũ bị bắt đi “học tập cải tạo” tại Suối Máu, Biên Hòa, rồi chuyển ra trại tù Sơn La, nơi người nhạc sĩ phải bỏ mình ở chốn lam sơn, chướng khí đó hồi giữa năm 1976, hưởng dương 44 tuổi.
Cố Trung Tá nhạc sĩ Thục Vũ sáng tác không nhiều, nhưng mỗi bài hát của ông là một tác phẩm ca nhạc có giá trị cao. Trong số các nhạc phẩm để lại cho đời của Thục Vũ, ngoài hai bản “Tình Mùa Chinh Chiến” và “Quang Trung Hành Khúc,” còn có các bài “Duyên Em” viết cho người tình trăm năm của ông, bài “Suối Máu” làm lúc ông bị đưa đi “cải tạo,” và bài “Tình Người Hậu Tuyến” phổ thơ của nữ thi sĩ Lệ Khánh, người tình từng có với ông một đứa con ngoài hôn phối.
Nhạc phẩm “Tình Mùa Chinh Chiến” của Thục Vũ và Vũ Hoài
Người ơi, tôi lắng dòng tâm tư
Nghe chuyện tình người em gái mắt vương khói lam chiều
Ngày xưa tóc ngang vai đến trường nắng ban mai
Hoa tím hay cài trên nếp áo xanh
Nghe chuyện tình người em gái mắt vương khói lam chiều
Ngày xưa tóc ngang vai đến trường nắng ban mai
Hoa tím hay cài trên nếp áo xanh
Thời gian tô nắng hồng lên môi
Thương đời được người chiến sĩ áo xanh lá cây rừng
Cùng mơ lúc thanh bình nắng vàng sáng lung linh
Chung đắp xây đời đẹp như hoa đầu Xuân
Thương đời được người chiến sĩ áo xanh lá cây rừng
Cùng mơ lúc thanh bình nắng vàng sáng lung linh
Chung đắp xây đời đẹp như hoa đầu Xuân
Đ.K.:
Người đi như cánh chim bay chiều vắng
Buồn nhớ mái tóc hoa duyên cài nắng
Hậu phương ai ngóng tin nơi chiến trường
Tình thương như tượng núi “mẹ bồng con”
Người ơi tôi chép vào tâm tư
Câu chuyện tình mùa chinh chiến thấy thương nhớ vô bờ
Rồi đây sử xanh ghi những người đã hy sinh
Dâng hiến thân mình để đắp xây ngày mai.
Câu chuyện tình mùa chinh chiến thấy thương nhớ vô bờ
Rồi đây sử xanh ghi những người đã hy sinh
Dâng hiến thân mình để đắp xây ngày mai.
Vann Phan/Người Việt