Nếu nhạc phẩm “Nửa Đêm Biên Giới” của Anh Bằng từng gây nhiều xúc động trong tâm hồn những con người biết thương đời lính gian lao tại miền Nam Việt Nam trước đây thì ca khúc “Chiều Biên Khu” của Tuấn Khanh và Châu Ngân cũng tác động không kém vào tâm tư người nghe.

Nhạc phẩm “Chiều Biên Khu” của Tuấn Khanh và Châu Ngân. (Hình: Tài liệu)
“Chiều Biên Khu” nhắc gợi nỗi niềm riêng của những người lính xa nhà nơi tuyến đầu lúc họ lắng lòng nhớ về chốn quê cũ mà nay đã trở nên nghìn trùng xa cách từ dạo người lính lên đường làm nhiệm vụ của bao chàng trai thời ly loạn.
“Chiều nao anh đứng gác ngoài biên khu/ Gió xa về dâng sương khói mịt mù/ Đàn chim tung cánh bay về tổ ấm/ Đêm xuống phai nhòa quê hương yêu dấu.”
Có những buổi chiều người lính phải ôm súng gác nơi tuyến đầu giữa một khung trời mịt mờ sương khói biên thùy. Nhìn từng đàn chim tung cánh bay về tổ ấm vào buổi chiếu tà, lòng người chiến sĩ xa nhà không khỏi ngậm ngùi nhớ về quê xưa, nhất là khi màn đêm buông xuống trong cảnh gió sương nhạt nhòa, lạnh lẽo bủa vây.
“Biệt ly qua bao tháng ngày anh đi/ Lắng nghe thời gian giây phút hẹn về/ Đời anh như cánh chim bằng theo gió/ Mơ bốn phương trời vọng một tình thương.”
Thời gian xa cách gia đình cùng những người thân yêu đến nay cũng đã khá lâu rồi nếu tính từ lúc người lính hẹn một ngày quay về quê cũ để thăm nhau. Nhưng ngày đó xem ra còn quá xa vời bởi vì quê hương vẫn còn mịt mờ khói lửa. Và giấc mơ đơn sơ của người lính chiến bây giờ là mong thấy được tình yêu thương giăng mắc khắp nơi mỗi khi anh chiến binh tiền tuyến về giải phóng quê em.
“Đây núi đồi âm u/ Suối rừng vi vu/ Khói lam u huyền lững lờ buông trên thôn vắng/ Đây những chiều hành quân/ Xóm nghèo dừng chân/ Nhớ thương mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm.”
Người lính chiến bước đi nơi xứ lạ, đường xa nên đã chứng kiến biết bao cảnh núi rừng âm u có tiếng suối reo róc rách và cảnh khói lam chiếu vương vấn nơi thôn nghèo, khiến lòng người chiến sĩ không khỏi chạnh nhớ đến mẹ hiền nơi quê xa đang mỏi mòn trông ngóng người đi chưa về.
“Chiều nay khi nghe xóm làng xôn xao/ Đón anh mừng vui ôi phút nghẹn ngào/ Ngồi bên lửa bếp gia đình êm ấm/ Lặng nghe anh kể cuộc đời buồn vui.”
Trong giấc mơ của người chiến binh nơi tiền tuyến có cảnh ngày về đoàn viên khi hòa bình về trên đất nước thân yêu. Rồi lại hiện ra cảnh cả nhà đoàn viên bên bếp lửa hồng, lúc những người thân yêu ngồi lắng nghe anh chiến sĩ miền xa kể lại những vui, buồn của đời lính gian lao qua mấy mùa chinh chiến điêu linh.
***
Có thể nói rằng ca khúc “Chiều Biên Khu” là một bản “nhạc lính” đúng nghĩa của nó trong kho tàng nhạc tình mùa chinh chiến của miền Nam thời Chiến Tranh Việt Nam hồi thế kỷ trước.
Gọi là một bản “nhạc lính đúng nghĩa” bởi vì ca khúc này nói lên tình cảm đích thực của các anh chiến sĩ Cộng Hòa, xoáy sâu vào tâm trạng thương nhớ gia đình, trong đó có mẹ già và người vợ hiền hoặc người yêu bé nhỏ đang mong chờ ngày anh lính chiến trở về.
So với các bản nhạc lính vui tươi, cỡ “100 phần 100” (Ngọc Sơn & Tuấn Hải), “Đám Cưới Nhà Binh” (Lê Dinh), “Lính Mà Em” (Anh Thy), “Tình Lính” (Y Vân), “Dù Hoa Lạc Lối” (Hoài Linh)… thì “Chiều Biên Khu” mô tả nỗi buồn rất thật của người lính Cộng Hòa, những con người tuy vốn nặng tình cảm quê hương và gia đình nhưng vẫn bằng lòng rời khỏi chốn quê nhà để trở thành kẻ người lính miền xa trong sứ mạng bảo vệ chính quê hương và gia đình của mình khỏi tay quân xâm lược.
Không có gì gợi niềm thương cảm hơn hình ảnh một anh lính xa nhà đang đứng gác ngoài chiến trường vào một buổi chiều tà giữa khung cảnh mịt mờ sương khói biên thùy và vào lúc từng bầy chim đang tung cánh bay về tổ ấm. Rồi người lính chạnh nhớ đến bao tháng ngày vắng xa gia đình cùng những người thân yêu nơi quê nhà, những người từng nghe lời hẹn ước sẽ quay về của người ra đi năm xưa, nhưng giờ đây vẫn còn biền biệt sơn khê. Lại nhớ đến mấy câu thơ trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: “Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca/ Nay quyên đã giục oanh già/ Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo…” mà người đi vẫn chưa về. Tất cả cũng chỉ vì đời người chiến sĩ phong sương thì cũng chẳng khác gì những cánh chim trời, chỉ ước mong sao đâu đâu cũng thấy tình thương giăng khắp thay vì hận thù chất ngất nơi nơi.
Rồi những cảnh đồi núi chập chùng, thâm u với tiếng suối reo róc rách cùng với cảnh nhà ai đang lên khói bếp cho bữa cơm chiều nơi phương trời xa lạ cũng làm cho ngườ chiến sĩ đâm nhớ nhà. Và những chiều dừng bước quân hành nơi một thôn xóm nghèo càng khiến cho cõi lòng người chiếu sĩ thêm se thắt vì niềm thương nhớ mẹ già luôn canh cánh bên mình.
Người chiến sĩ bèn mơ tới một ngày về đoàn viên, khi quê xưa rộn rã đón anh về trong ngày tàn chinh chiến, lúc hòa bình đã trở lại trên đất nước, hoặc ít ra thì cũng trong những ngày phép ít ỏi khi người lính được dịp về thăm gia đình và người thân nơi quê cũ xa vời. Trong giây phút sum vầy đó thì chắc là mọi người chỉ còn biết nghẹn ngào ôm lấy nhau, để rồi cùng nhau ngồi lại quanh bếp lửa hồng mà nghe anh kể lại những vui, buồn của dời lính gian lao.
Thân phận người chiến sĩ và nỗi buồn trong cuộc chiến mà Tuấn Khanh đã mô tả trong nhạc phẩm “Chiều Biên Khu,” thật ra, chỉ là một phần rất nhỏ trong mớ khổ nạn mà người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa đã phải trải qua trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt tại miền Nam Việt Nam, bao gồm luôn cả những thương tật và những chết chóc, chia lìa mà người lính và gia đình của họ phải gánh chịu, chỉ với một mục đích là giữ yên quê mẹ sao cho vẹn toàn trước quyết tâm thôn tính miền Nam của kẻ thù.
Tiếc thay, tất cả những hy sinh tưởng như vô bờ bến đó đã không cứu vãn được miền Nam tự do khỏi rơi vào ách thống trị của Cộng Sản qua biến cô đau thương của dân tộc vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Tuấn Khanh, tên thật là Trần Trọng Ngọc, sinh tại Nam Định ngoài Bắc. Năm 1950, gia đình ông chuyển về Hà Nội, nơi đây ông học vĩ cầm từ người anh cả tên là Trần Trọng Tuấn, dẫn đến việc ông chọn tên Tuấn và tên Khanh, là tên của người con đầu lòng của ông anh, để ghép thành bút danh Tuấn Khanh của mình.
Tuấn Khanh tiếp tục học nhạc với các giáo sư Nguyễn Văn Diệp, De Haut và Rits. Năm 1953 đứng hạng nhì trong cuộc thi giọng hát hay của đài Pháp Á tại Hà Nội và giải nhất thanh nhạc của đài Phát Thanh Hà Nội.
Năm 1955, gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh di cư và Nam. Tại Sài Gòn, ông đàn cho đài phát thanh và ban nhạc giao hưởng của Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Nhạc phẩn đầu tiên của Tuấn Khanh là “Đò Ngang” (viết cùng Y Vân).
Năm 1982, Tuấn Khanh sang Mỹ và định cư tại Garden Grove ở miền Nam California. Tại đây, ông có mở một quán phở mang tên nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của ông.
Năm 2002, trung Tâm Thúy Nga thực hiện băng nhạc “Paris By Night 64 – Đêm Văn Nghệ Thính Phòng,” vinh danh Tuấn Khanh cùng hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng.
Năm 2021, trung Tâm Thúy Nga lại thực hiện chương trình “Thúy Nga Music Box 41” với tựa đề “Tình Khúc Tuấn Khanh – Chiêc lá Cuối Cùng,” với các ca sĩ Ý Lan, Ngọc Anh và Trần Thái Hòa..
Nhạc sĩ Tuần Khanh còn có các bút danh kác khi sáng tác, như Thương Hoài Thương (Lệ Tình, Tuy Anh Không Nói…), Trần Kim Phú (Vì Lỡ Thương Nhau, Tỉnh Giấc…), và Hoàng Mộng Ngân (Tình Buồn Em Gái…).

Bìa nhạc phẩm “Chiều Biên Khu” của Tuấn Khanh và Châu Ngân. (Hình: Tài liệu)
Các tác phẩm nổi tiếng và được ái mộ nhiều của Tuấn Khanh bao gồm “Chiếc Lá Cuối Cùng,” “Chiều Biên Khu,” “Chúng Mình Đẹp Đôi,” “Dưới Giàn Hoa Cũ,” “Giọt Lệ Vu Quy” (Tuấn Khanh – Hoài Linh), “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi,” “Hoa Soan Bên Thềm Cũ,” “Mùa Xuân Đầu Tiên,” “Quán Nửa Khuya” (Tuấn Khanh – Hoài Linh), “Thương Nhớ Người Đi” (Thu Hương – Tuấn Khanh),” “Tỉnh Giấc” (Trần Kim Phú – Hoàng Mộng Ngân)…
Hiện chưa thấy tài liệu nào viết về nhạc sĩ Châu Ngân, người đồng ký tên dưới nhạc phẩm “Chiều Biên Khu.”
Nhạc phẩm “Chiều Biên Khu” của Tuấn Khanh và Châu Ngân
Chiều nao anh đứng gác ngoài biên khu
Gió xa về dâng sương khói mịt mù
Đàn chim tung cánh bay về tổ ấm
Đêm xuống phai nhòa quê hương yêu dấu
Gió xa về dâng sương khói mịt mù
Đàn chim tung cánh bay về tổ ấm
Đêm xuống phai nhòa quê hương yêu dấu
Biệt ly qua bao tháng ngày anh đi
Lắng nghe thời gian giây phút hẹn về
Đời anh như cánh chim bằng theo gió
Mơ bốn phương trời vọng một tình thương
Lắng nghe thời gian giây phút hẹn về
Đời anh như cánh chim bằng theo gió
Mơ bốn phương trời vọng một tình thương
Đ.K.:
Đây núi đồi âm u
Suối rừng vi vu
Khói lam u huyền lững lờ buông trên thôn vắng
Đây những chiều hành quân
Xóm nghèo dừng chân
Nhớ thương mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm
Đây núi đồi âm u
Suối rừng vi vu
Khói lam u huyền lững lờ buông trên thôn vắng
Đây những chiều hành quân
Xóm nghèo dừng chân
Nhớ thương mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm
Chiều nay khi nghe xóm làng xôn xao
Đón anh mừng vui ôi phút nghẹn ngào
Ngồi bên lửa bếp gia đình êm ấm
Lặng nghe anh kể cuộc đời buồn vui.
Đón anh mừng vui ôi phút nghẹn ngào
Ngồi bên lửa bếp gia đình êm ấm
Lặng nghe anh kể cuộc đời buồn vui.
Vann Phan/Người Việt