User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
“Ngày Tròn Tuổi Lính,” một sáng tác của Lê Dinh và Dạ Cầm hồi năm 1967, kể lại câu chuyện tình đẹp như mơ của một người trai lính chiến và một người em gái hậu phương trong ngày anh chiến sĩ hoàn tất năm đầu tiên của đời quân ngũ và được thưởng mấy ngày phép về thăm nhà.
 
ngaytrontuoilinh
Nhạc phẩm “Ngày Tròn Tuổi Lính” của Lê Dinh và Dạ Cầm. (Hình: Tài liệu)
 
Nhìn chung, đời lính của các anh chiến sĩ Cộng Hòa trong cuộc chiến tranh chống Cộng Sản hồi các thập niên 1960 và 1970 tại miền Nam Việt Nam phải nói là vui có, buồn có. Ngoài cái vui tiêu biểu là đơn vị giành được chiến thắng trong các trận đánh, cá nhân người lính còn có niềm vui riêng là lúc mình được tròn tuổi lính, tức là được bình yên, vô sự để tiếp tục sống và chiến đấu giữa lòng bạn bè cùng chung đơn vị.
 
Người lính luôn phải trải qua biết bao gian lao, nguy hiểm trong niệm vụ bảo vệ quê hương và ngăn chặn giặc thù thôi gieo rắc đau thương trên quê hương chiến tranh đã bao năm lầm than.
 
“Xin lấy lời thơ, ghi câu chuyện tình đẹp nhất đời tôi/ Mùa hoa năm ấy, nàng còn thơ ngây, tôi bước chân vào lính/ Gặp em lần cuối, trước khi lên đường, vui kiếp gió sương/ Nghẹn ngào nàng khóc, tôi bùi ngùi nhìn nắng/ Tâm tư thấy xót thương nàng biết bao.”
 
Nhân kỷ niệm một năm trời đi vào đời lính, người chiến sĩ nơi biên cương xin mượn lời thơ trong khúc hát này để kể lại chuyện tình đẹp nhất trần đời của mình và người yêu chốn quê nhà. Ngày chàng lên đường tòng quân, nàng hãy còn là một cô gái thơ ngây chưa biết suy nghĩ gì sâu xa ngoài chuyện biết sầu biệt ly. Trong lần cuối gặp nhau buổi chia ly, trên đường về em đã bật khóc, khiến tâm hồn chàng trai phải nặng trĩu những buồn thương trong khung cảnh bên bến nước xưa lá hoa về chiều. Hỡi ơi! Dù cõi lòng người trai có cứng rắn đến cách mấy đi nữa, chàng vẫn không thể nào không cảm thấy xót thương cho người yêu khi nàng biết chắc rằng anh đã xa em thật rồi.
 
“Áo chiến phai màu, đã thay nhiều lớp trên vai/ Phấn đấu không kể nắng mưa, ngày vắn đêm dài/ Vì tôi thương ai, mà vui ra đi xây hạnh phúc tương lai.”
 
Dù thời gian có làm bạc màu áo trận của người trai lính chiến, chàng vẫn không sờn lòng khi xông pha chiến đấu nơi chốn địa đầu. Nghĩ cho cùng, cách xa này dẫu sao cũng là do chàng trai nghĩ đến tương lai ngày đất nước đã sạch bóng quân thù và người lính lại quay về sum họp trong hạnh phúc với người yêu nơi quê cũ.
 
“Mỗi lúc quân hành viết cho nàng lá thư xanh/ Với cánh hoa rừng ép trong lòng giấy ân tình/ Còn thư cho tôi, nàng không quên trao một cánh hoa làn môi.”
 
Tuy nhiên, để bù lại những thiệt thòi, mất mát cho nàng, mỗi khi lên đường hành quân xa chàng trai đều viết cho nàng một lá thư xanh với một cánh hoa rừng éo vào lòng giấy. Và chàng trai cũng được an ủi biết bao khi nhận được trang thư có in hình làn môi mộng mị, diễm tuyệt và đầy nhung nhớ của người yêu gởi ra tiền tuyến thăm chàng từ nơi quê nhà xa xôi áy.
 
“Cho tôi nghĩ rằng, tình tôi với nàng đẹp nhất trần gian/ Ngàn thương trăm nhớ, nàng thường gọi tên tôi, những khi chiều vắng/ Lòng trai tiền tuyến, vẫn yêu trung thành say đắm thiết tha/ Ngày tròn tuổi lính, chim trời được liền cánh/ ‘Em ơi, kết bóng ta cùng có nhau.’”
 
Mối tình như mơ, như mộng này làm sao mà lại không khiến chàng trai nghĩ rằng tình yêu đôi lứa giữa mùa ly loạn là mối tình đẹp nhất thế gian. Qua những cánh thư ướp mộng yêu đương, nàng cho chàng biết rằng nàng vẫn thường gọi tên người yêu nơi chiến tuyến để thỏa tình mong nhớ và cũng để vơi bớt đi nỗi sầu ly biệt.
 
Đáp lại, người trai nơi xa xăm phương trời ấy cũng chỉ biết một lòng, một dạ chung thủy với người con gái bên song cửa. Thấm thoát thế mà ngày tròn tuổi lính đã đến, người chiến sĩ miền xa có được mấy ngày phép về thăm nhà để gặp lại người yêu, anh về với em như chim liền cánh như cây liền cành. Và thế là đôi bóng lại chung đôi trong ngày vui hội ngộ hiếm hoi, cho dù đôi bạn lòng đều ý thức rằng ngày chiến chinh vẫn còn dài trên quê hương khói lửa.
 
***
“Ngày Tròn Tuổi Lính” diễn tả một trong những cuộc tình đẹp nhất thời chiến tranh chống Cộng Sản tại miền Nam tự do. Nhân vật chính trong ca khúc này, một anh lính chiến xa nhà và xa cách người yêu sau ngày lên đường nhập ngũ, cũng thừa nhận rằng mối tình giữa anh và người con gái nơi quê nhà là “câu chuyện tình đẹp nhất đời tôi.”
 
Mà không đẹp làm sao được, khi ngày chàng trai bước chân vào quân ngũ thì người yêu của chàng, một thiếu nữ vẫn còn ở tuổi ngây thơ. Lần cuối đôi bạn tình gặp nhau, người con gái đã bật khóc trong giây phút chia lìa, khiến chàng trai không khỏi bùi ngùi xót thương cho kiếp đời hiu quạnh mà nàng con gái phải trải qua trong những tháng ngày trước mặt.
 
Thật ra, quyết định của chàng trai ra đi theo tiếng gọi của non sông lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi chính là phát xuất từ tấm lòng yêu nước chân thành, muốn giữ yên quê nhà để đợi ngày xây dựng hạnh phúc tương lai bên nhau, như lời dặn dò trìu mến của một nàng con gái trong nhạc phẩm “Cánh Hoa Thời Loạn” của Y Vân: “Anh, nếu thương cho một đời hoa, thì xin giữ yên quê nhà…”
 
Và để bù lại cho nàng con gái về những mất mát khi đôi lứa phải xa nhau, người trai lính chiến vẫn không hề quên viết cho người yêu nơi hậu phương một lá thư xanh mỗi lúc lên đường hành quân, và luôn ép vào lòng trang tình thư của lính, gởi về em một cánh hoa rừng thơm ngát. Và rồi, điếu thơ mộng nhất trong cuộc tình này chính là, để đáp lại, người con gái cũng không bao giờ quên in vào lòng giấy ân tình vành môi ngọt lịm và sực nức hương yêu của mình.
 
Như vậy, không ai có thể chối cãi được rằng mối tình của chàng trai ngoài tiền tuyến và người em gái hậu phương trong “Ngày Tròn Tuồi Lính” là mối tình đẹp nhất thế gian này. Người con gái còn thổ lộ rằng, trong những chiều buồn cô đơn, nàng thường khe khẽ gọi tên người yêu với trăm nhớ, ngàn thương. Quả thật, người trai lính chiến rất xứng đáng với mối tình diệu vợi nhưng tha thiết này của người em bé nhỏ quê nhà, bơi vì, từ nơi chiến tuyết mịt mờ mưa bay, lòng chàng trai vẫn mãi nhớ tình người hôm nay của người em gái hậu phương.
 
Thấm thoát thế mà đã đến ngày chàng trai nơi chiến tuyến được tròn tuổi lính và được thưởng mấy ngày phép về thăm quê nhà để gặp lại người yêu sau một năm trời xa cách. Và niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đôi bạn lòng chính là họ lại cùng có nhau, đôi bóng đẹp đôi cho bõ những ngày dài nhung nhớ…
 
Nhạc sĩ Lê Dinh, có tên đầy đủ là Lê Văn Dinh, sinh tại làng Vĩnh Hựu, tỉnh Gò Công, từng là một trong ba thành viên của nhóm Lê Minh Bằng tại miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975. Thời gian trước Hiệp Định Geneva 1954, Lê Dinh học trung học tại trường Collège Le Myre de Vilers tại Mỹ Tho, đồng thời học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác nhạc của École Universelle de Paris bên Pháp.
 
Từ năm 1953 đến năm 1955, Lê Dinh theo học ngành vô tuyến điện tại École Supérieure de Radioélectricité de Saigon. Sau một thời gian đi dạy học tại Gò Công và Chợ Lớn, Lê Dinh vào làm việc tại Đài Vô Tuyến Việt Nam ở Sài Gòn trong chức vụ chủ sự Phòng Sản Xuất rồi chủ sự Phòng Điều Hợp.
 
Sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, Lê Dinh vượt biên đến Đài Loan vào năm 1978 và được Canada cho đến định cư tại Montréal. Suốt hai thập niên, từ 1979 đến 1999, Lê Dinh làm việc cho công ty tàu chở hàng quốc tế Federal Navigation tại Montréal. Từ năm 1994, người nhạc sĩ này chủ trương tờ báo Nguyệt San Nghệ Thuật tại Canada.
 
Năm 2003, Trung Tâm Thúy Nga thực hiện chương trình “Paris by Night 70 – Thu Ca” vinh danh các nhạc sĩ Lê Dinh, Phạm Mạnh Cương và Trường Sa. Và năm 2006, Trung Tâm Asia thực hiện chương trình “Asia 52 – Huyền Thoại Lê Minh Bằng” vinh danh ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.
 
Tính từ trong nước ra tới hải ngoại, các sáng tác của Lê Dinh có hơn 100 bài, gồm các nhạc phẩm do ông viết riêng và những nhạc phẩm do ông viết chung với nhóm nhạc Lê Minh Bằng. Các nhạc phẩm tiêu biểu và được ưa chuộng nhất của Lê Dinh bao gồm “Tấm Ảnh Ngày Xưa,” “Chiều Lên Bản Thượng,” “Mưa Chiều Thứ Bảy,” “Sau Ngày Hành Quân,” “Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao,” “Hoa Đào Năm Trước,” “13 Tuổi Lính” (cùng Minh Kỳ), “Đường Về Khuya” (cùng Minh Kỳ), “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (cùng Minh Kỳ), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (cùng Minh Kỳ), “Bóng Đêm” (cùng Anh Bằng), “Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé” (cùng Anh Bằng), “Giấc Ngủ Cô Đơn” (cùng Anh Bằng), “Khi Mình Xa Nhau” (cùng Anh Bằng), “Nếu Ai Có Hỏi” (cùng Anh Bằng), “Nếu Hai Đứa Mình” (cùng Anh Bằng), “Ngày Tròn Tuổi Lính” (với Dạ Cầm), “Tiếng Ca U Hoài” (cùng Anh Bằng)…
 
Nhạc sĩ Lê Dinh qua đời ngày 9 Tháng Mười Một, 2020, tại Québec, Canada, thọ 86 tuổi.

Bút danh Dạ Cầm trong nhạc phẩm “Ngày Tròn Tuổi Lính” cũng chính là bút danh của nhóm nhạc Lê Minh Bằng. Lê Minh Bằng là một nhóm sáng tác nhạc tình thành lập năm 1966 và hoạt động đến năm 1975, tên ghép từ bút danh của ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng, đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam.
 
ngaytrontuoilinh1
Nhạc sĩ Lê Dinh. (Hình: Tài liệu)
 
Tuy nhiều bài hát được ký tên chung là Lê Minh Bằng, phần lớn sáng tác đều là của Anh Bằng, đôi khi có sự góp ý của Lê Dinh và Minh Kỳ trong việc chỉnh sửa một vài lời ca và thêm bớt chi tiết.
 
Ngoài bút danh Lê Minh Bằng, nhóm còn dùng cácbút danh khác nữa, như Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ, Ngọc Văn, Hoàng Liên, Thương Linh…
 
Nhạc phẩm “Ngày Tròn Tuổi Lính” của Lê Dinh và Dạ Cầm
 
Xin lấy lời thơ, ghi câu chuyện tình đẹp nhất đời tôi
Mùa hoa năm ấy, nàng còn thơ ngây, tôi bước chân vào lính
Gặp em lần cuối, trước khi lên đường, vui kiếp gió sương
Nghẹn ngào nàng khóc, tôi bùi ngùi nhìn nắng
Tâm tư thấy xót thương nàng biết bao
 
Đ.K.:

Áo chiến phai màu, đã thay nhiều lớp trên vai
Phấn đấu không kể nắng mưa, ngày vắn đêm dài
Vì tôi thương ai, mà vui ra đi xây hạnh phúc tương lai
Mỗi lúc quân hành viết cho nàng lá thư xanh
Với cánh hoa rừng ép trong lòng giấy ân tình
Còn thư cho tôi, nàng không quên trao một cánh hoa làn môi
 
Cho tôi nghĩ rằng, tình tôi với nàng đẹp nhất trần gian
Ngàn thương trăm nhớ, nàng thường gọi tên tôi, những khi chiều vắng
Lòng trai tiền tuyến, vẫn yêu trung thành say đắm thiết tha
Ngày tròn tuổi lính, chim trời được liền cánh
“Em ơi, kết bóng ta cùng có nhau.”
 
 
Vann Phan/Người Việt
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com