User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Thêm một bản nhạc tình mùa chinh chiến đầy chất “lính” của Trúc Phương: nhạc phẩm “Để Trả Lời Một Câu Hỏi.”
 trucphuong
Nhạc phẩm “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Trúc Phương. (Hình: Tài liệu)
 
Nhưng đây không phải là một bản “tình thư của lính” như kiểu lá thư mà Trần Thiện Thanh viết về cho người yêu của lính nơi miền hậu phương mà là lá thư tình của người em chốn quê nhà gởi về người trai nơi chiến tuyến chỉ “để trả lời một câu hỏi” đơn sơ của người lính chung tình, là “Anh vắng nhà hoài em có nhớ?”
 
Nhưng để trả lời câu hỏi đơn sơ kia, thật không ngờ rằng người em hậu phương trong nhạc phẩm này lại có thể viết nên một bức tình thư duyên dáng, súc tích, vừa đầy những yêu thương dạt dào mà cũng vừa đầy những thông cảm, hiểu biết cùng với những hứa hẹn tuyệt vời dành cho người anh tiền tuyến trong ngày về đoàn viên mà bất cứ người chiến sĩ Cộng Hòa nào cũng mơ ước.
 
“Một nửa ba năm/ Anh yêu tình áo giày quân nhân/ Đường xuôi quân ghé lại đôi lần/ Bao nhiêu âu lo/ Có hôm đã hỏi người yêu bé bỏng hay mơ:/ ‘Anh vắng nhà hoài em có nhớ?’”
 
Từ khi anh khoác áo treilli đi vào lính đến nay, thấm thoắt mà đã một năm rưỡi rồi. Có vài lần khi dừng bước quân hành anh có ghé lại thăm em. Không che giấu nỗi âu lo về tương lai của cuộc tình trong ngăn cách của mình, anh đã có lúc đặt câu hỏi xem em có nhớ anh không khi anh cứ vắng nhà hoài.
 
“Trả lời anh yêu:/ ‘Không gian còn, bước thời gian đi/ Một ngàn đêm nhớ nhiều mơ nhiều/ Mưa khuya giăng tơ/ Gió khuya hững hờ đèn hiu hắt ngọn tương tư/ Đôi lúc buồn vì anh vắng nhà.”
 
Nay bên đèn em viết lá thư xanh gởi đến một người là anh trong khung cảnh mưa khuya hắt hiu xuyên qua mành hồn đơn giá lạnh, để cho anh yêu hiểu rằng, ở bất cứ nơi đâu và trong thời gian bao lâu, em vẫn hoài thương nhớ anh và không thể không buồn khi anh mãi vắng nhà, dù năm trăm hay một ngàn đêm dài cũng thế.
 
“Tình nước lòng trai, anh hiên ngang đối diện mặt trời/ Chân qua chốn nào thương chất lên cao/ Đã yêu lính trẻ ngày về ai tiếc gì.”
 
Em luôn hiểu rằng khi quê hương mình đợi chờ thì thân trai phải ra đi nợ nước đôi vai gánh nặng. Vì anh, người chiến sĩ của lòng em, đã đem tình thương yêu gieo rắc muôn nơi trên bước đường hành quân, em hứa với anh rằng hễ hoa còn gặp bướm trao tình thì em sẽ chẳng tiếc gì với anh cả, anh hiểu em nói gì chứ?
 
“Từ bàn tay tiên/ Nắn nót từng nét gửi cho anh/ Để anh vui bước đường quân hành/ Môi em đang xinh/ Mắt em vẫn tình màu xanh vẽ nổi đôi tim/ Ghi dấu ngày đầu ta biết mình.”
 
Em nắn nót viết lá thư này gởi về anh người trai biên giới để anh còn có được niềm vui đơn sơ trong những chiều hành quân bùn đen in dấu giày. Nơi đây chốn quê nhà, em đang đợi chờ anh và sẵn sàng trao hết cho anh những gì em có để ghi dấu ngày mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn, một lần cho trọn vẹn ái ân…
 trucphuong1
Bìa nhạc phẩm “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Trúc Phương. (Hình: Tài liệu)
 
***
“Để Trả Lời Một Câu Hỏi” là bản nhạc thứ ba của Trúc Phương được giới thiệu nơi đây sau hai nhạc phẩm “Đò Chiều” và “Kẻ Ở Miền Xa,” cũng là sáng tác của người nhạc sĩ này.
 
Trúc Phương là một khuôn mặt lớn của dòng nhạc trữ tình và “nhạc lính” trong nền văn hóa dân tộc của Việt Nam Cộng Hòa, trải dài suốt ba thập niên và xuyên qua cuộc Chiến Tranh Việt Nam trong thế kỷ trước.
 
“Để Trả Lời Một Câu Hỏi,” một lần nữa, cho thấy những bản “nhạc lính” của miền Nam Việt Nam lúc nào cũng đượm màu nhân ái cũng như tình yêu đôi lứa ngoài tính chất lãng mạn và trữ tình sẵn có. Trong cốt lõi, những bản nhạc này là lời cổ võ và khích lệ tinh thần chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực chung của toàn quân, toàn dân miền Nam Việt Nam chiến đấu chống cuộc xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt.
 
Con số các nữ quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không nhiều sao với các “chiến sĩ gái” của quân Cộng Sản Bắc Việt vì phụ nữ miền Nam chỉ nhập ngũ với tinh thần tự nguyện, tự giác chứ không bị ép buộc như phụ nữ miền Bắc. Thành phần phụ nữ còn lại trong nước thường đóng vai trò chính của mình là “phụng sự xã hội,” như câu ca sau đây trong nhạc phẩm “Cô Gái Việt” của Hùng Lân: “Lời sông núi bừng vang bốn phương trời/ Giục chúng ta đường phụng sự quyết tiến.”
 
Và cũng chính trong tinh thần phụng sự xã hội đó, cô gái trong nhạc phẩm “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” đã là một nhân tố quan trọng trong sứ mạng cổ võ, khích lệ tinh thần các anh chiến sĩ Cộng Hòa để họ hăng hái xông pha nơi tiền tuyến mà giữ yên quê nhà nơi hậu phương. Và họ được các văn nghệ sĩ của miền Nam trìu mến gọi là những người “em gái hậu phương.”
 
Nơi đây, người em gái hậu phương, trước hết, bày tỏ lòng yêu thương, nhung nhớ người yêu lính chiến không phải chỉ một đêm mà là “một ngàn đêm nhớ nhiều mơ nhiều.” Cô gái đã có những đêm dài thao thức nhớ về anh chiến sĩ của lòng em bên ngọn đèn khuya, với nỗi buồn rất tự nhiên khi người yêu còn đang dấn thân ngoài chốn biên cương ngàn trùng trong khung cảnh “đèn hiu hắt ngọn tương tư/ đôi lúc buồn vì anh vắng nhà.”
 
Người em gái mộng mơ kia hết mực ca ngợi người yêu lính chiến của mình là kẻ “đang hiên ngang đối diện mặt trời” để đem tình thương xóa bỏ hận thù khi dừng bước quân hành tại bất cứ nơi đâu trên quê hương miền Nam mến yêu. Đặc biệt nhất là lời hứa hẹn sẽ hiến dâng cho người mình yêu những gì mình đang có cho trọn tình, trọn nghĩa “đã yêu lính trẻ ngày về ai tiếc gì.” Dĩ nhiên, cô gái thừa biết rằng, đối với những người lính chung tình, với tiếng yêu thương thì không ai nỡ chối từ bao giờ. Người ta còn nhớ, trong nhạc phẩm “24 Giờ Phép,” người trai lính chiến cũng đã vẽ nên một thiên đàng ái ân của đôi trai gái khi chàng thỏ thẻ bên tai người mình yêu câu “thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi ta đưa ta đến vùng tuyệt vời”
 
Rồi người con gái cho biết mình đã nắn nót viết lá thư gởi ra tiền tuyến này với tất cả tấm lòng yêu thương trìu mến qua nét bút đa tình, lả lơi “nắn nót từng nét gởi cho anh/ để anh vui bước đường quân hành” với hình ảnh hết sức gợi tình “môi em đang xinh, mắt em vẫn tình màu xanh vẽ nổi đôi tim/ ghi dấu ngày đầu ta biết mình.” Còn gì “chịu chơi” hơn nữa đây, hỡi những chàng lính lính, lính đa tình của em?
 trucphuong2
Nhạc sĩ Trúc Phương. (Hình: vi.wikipedia.org)
 
***
Nhạc sĩ Trúc Phương, tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Từ giữa thập niên 1950, lúc đang theo học bậc trung học tại Vĩnh Bình, Trúc Phương đã sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông Tin địa phương. Sau đó, chàng trai trẻ quyết định lên Sài Gòn sinh sống và học nhạc với nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả ca khúc nổi tiếng “Lối Về Xóm Nhỏ.”
 
Hai sáng tác đầu tiên của Trúc Phương ra đời vào năm 1957, đó là “Tình Thương Mái Lá” và “Tình Thắm Duyên Quê.” Tiếp theo đó là “Chiều Làng Em” (1958) và “Đò Chiều” (1958).
 
Nhạc sĩ cũng có mở một lớp dạy nhạc tại Gò Vấp để đào tạo các ca sĩ trẻ, gọi là Lớp Nhạc “Trúc Phương Tự Lực.” Tuy học trò của ông không có mấy người nổi tiếng trong nghề ca hát nhưng một số ca sĩ, trong đó có Thanh Thúy, Chế Linh và Duy Khánh, lại nổi tiếng nhờ trình bày những ca khúc của Trúc Phương.
 
Năm 1976, một năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, Trúc Phương vượt biên nhưng không thành công khiến ngôi nhà của ông trên đường Lý Thường Kiệt ở quận 11 bị chính quyền Cộng Sản tịch thu. Sau đó, ông còn vượt biên thêm hai lần nữa nhưng lại thất bại. Lúc ra tù, vợ con ly tán, nhạc sĩ đành cam phận sống không nhà, không cửa và không giấy tờ tùy thân, rồi cứ thế lưu lạc, nay Trà Vinh, mai Vĩnh Long và mốt là những nơi khác nữa.
 
Khoảng cuối thập niên 1980, Trúc Phương quay trở về sống nốt những ngày còn lại tại Sài Gòn, để rồi qua đời nơi đây vào ngày 18 Tháng Chín, 1995 (lúc đó ông được 63 tuổi), và được an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu thuộc tỉnh Sông Bé.
 
Năm 2014, trung tâm ASIA tại Little Saigon, miền Nam California, có thực hiện chương trình “ASIA 74: Trúc Phương, Ông Hoàng của Dòng Nhạc Boléro” để vinh danh người nhạc sĩ tài hoa nhưng số kiếp long đong này.
 
Nhạc của Trúc Phương, kể cả những bản nhạc lính, tuy chan chứa tình cảm yêu thương và có sức hấp dẫn mãnh liệt người nghe nhưng lại đượm buồn, một nỗi buồn sâu thẳm từ thân phận bi đát của những con người sống giữa cuộc chiến tranh tàn khốc. Thêm vào đó, mối tình đầu kém may mắn của tác giả cũng là một yếu tố khiến cho các ca khúc tình yêu của Trúc Phương lúc nào cũng nghe như có tiếng thở dài ray rứt trong đêm thâu, không biết có phải vì đời chưa trọn vòng tay mà tâm tư tư đành giấu kín trong thư còn đây…
 
Trước và sau năm 1975, Trúc Phương sáng tác khoảng 70 nhạc phẩm, với nhiều bài hát rất phổ thông trong quảng đại quần chúng, từ cuối thập niên 1950 mãi cho đến ngày nay: “24 Giờ Phép,” “Ai Cho Tôi Tình Yêu,” “Buồn Trong Kỷ Niệm,” “Con Đường Mang Tên Em,” “Để Trả Lời Một Câu Hỏi,” “Đò Chiều,” “Kẻ Ở Miền Xa,” “Mưa Nửa Đêm,” “Những Lời Này Cho Em,” “Nửa Đêm Ngoài Phố,” “Tàu Đêm Năm Cũ,” “Trên 4 Vùng Chiến Thuật”…
 
Nhạc phẩm “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Trúc Phương
 
Một nửa ba năm
Anh yêu tình áo giày quân nhân
Đường xuôi quân ghé lại đôi lần
Bao nhiêu âu lo
Có hôm đã hỏi người yêu bé bỏng hay mơ:
“Anh vắng nhà hoài em có nhớ?”
 
Trả lời anh yêu:
“Không gian còn, bước thời gian đi
Một ngàn đêm nhớ nhiều mơ nhiều
Mưa khuya giăng tơ
Gió khuya hững hờ đèn hiu hắt ngọn tương tư
Đôi lúc buồn vì anh vắng nhà.”
 
Đ.K.:
Tình nước lòng trai, anh hiên ngang đối diện mặt trời
Chân qua chốn nào thương chất lên cao
Đã yêu lính trẻ ngày về ai tiếc gì.
 
Từ bàn tay tiên
Nắn nót từng nét gửi cho anh
Để anh vui bước đường quân hành
Môi em đang xinh
Mắt em vẫn tình màu xanh vẽ nổi đôi tim
Ghi dấu ngày đầu ta biết mình.
 
 
Vann Phan/Người Việt

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com