
Nhà văn Trần Hoài Thư đang ngồi khâu Di Sản Văn Chương
Thục Đoan, chủ trang web tuoihoa.hatnang.com chuyển cho tôi email của Nhà Văn Trần Hoài Thư, cho biết Anh muốn xin phép tác giả bài “Phiên Khúc Ngày Mưa” để đăng bài này vào Bộ Văn Miền Nam, một bộ sách sưu tầm các tác phẩm trước năm 1975. Thục Đoan nhường quyền trả lời email cho tôi. Tôi đã trả lời cám ơn Nhà Văn Trần Hoài Thư trong sự xúc động. Xúc động vì biết Anh đã đọc rất nhiều sách từ Thư viện Cornell để sưu tầm và chọn lựa bài đăng vào những bộ sách “Di sản Văn chương Miền Nam”. Xúc động cũng vì qua trang web “tuoihoa.hatnang.com” của Thục Đoan, một trang web đăng lại các tác phẩm dành cho tuổi học trò thuở nào, mà Nhà Văn đã liên lạc với tôi, để rồi tôi có thể được làm việc với Anh từ đó tới nay. Xin được mở một dấu ngoặc đơn ở đây, Thục Đoan cũng là một người làm hồi sinh Tủ Sách Tuổi Hoa, một phần của di sản văn chương Miền Nam. Trang web hiện nay là
“Phiên Khúc Ngày Mưa” (đăng trên Bán nguyệt San Tuổi Hoa số 205, ngày 15/7/1973) đã được chọn đăng vào Bộ Văn Miền Nam quyển 4, năm 2009. Với tôi, đó là điều rất hân hạnh, bởi những gì mình đóng góp cho đời thật nhỏ bé. Anh Chị, vâng, tôi xin được gọi một cách thân thương là “Anh Chị”, đã làm một khối công việc quá to tát cho nền văn học Miền Nam.
Cũng từ cơ duyên ấy, tôi đến với Thư Quán Bản Thảo. Truyện ngắn đầu tiên tôi viết cho tạp chí này, tôi dựa theo cảm xúc của mình liên tưởng hình ảnh của Anh với hình ảnh của những Người Thầy- Người Lính của tôi, và tôi viết “Thầy Dạy Công Dân” (TQBT số 45, tháng 1/2011).
Có một điều khá buồn cười. Tôi có cái tật “nước đến chân mới nhảy”, thường “nộp bài” khi đến hạn chót. Anh cũng chờ, và thường thì bài của tôi được đứng ở những trang gần cuối, theo đúng lẽ công bằng, tôi nghĩ vậy, và hài lòng. Mà rồi có khi cũng vì công việc đa đoan, tôi trễ hạn. Anh nói không chờ nữa, và cho sách “lên khuôn” (tôi mượn chữ “lên khuôn” cho vui, đó là chữ dùng cho việc in báo ngày xưa, khi còn trong thời phải sắp những con chữ bằng kim loại, không đánh máy bằng computer như bây giờ). Tôi bị nhỡ tàu, hơi buồn nhưng chấp nhận thôi, vì tuy việc ra báo có đơn giản hơn xưa, nhưng một mình Anh làm từ A đến Z, cực khổ hơn rất nhiều. Khi Anh Chị bên nhau, Chị là cánh tay phải đắc lực của Anh. Đến một ngày, nửa thân người của Chị “đình công” (theo cách nói của Anh), Anh chỉ còn lại một mình với công việc, vẫn từ A đến Z, như cánh chim cô độc vẫn đều đặn tha những cọng rơm về làm tổ.
Thư Quán Bản Thảo, “cái tổ” thân ái đó, không dừng ở con số tròn trịa 100, mà như một khởi đầu mới để tiếp tục, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, bất chấp bệnh tật của chính Anh… Đến tháng 1 năm 2023, đã đi đến số 103.
Và công lao của Anh Chị, bên cạnh Thư Quán Bản Thảo, là vô vàn tạp chí, giai phẩm, cùng với sáng tác của các tác giả trước 1975, đã được Anh Chị sưu tầm, gom góp lại, in thành sách, hoặc được đăng online dưới dạng Flipbook, với tốc độ truy cập nhanh chóng mặt. Một công trình tuyệt vời!
Một hôm, giữa núi tạp chí và giai phẩm đó, Anh đã nhặt ra một tờ, Tuần báo Khởi Hành số 46, ra ngày 26/3/1970, và gửi tặng tôi (online), với lời ghi: “Quà xuân gởi một thân hữu của tạp chí TQBT”. Không biết nói sao để bày tỏ sự xúc động của tôi trước món quà vượt nửa thế kỷ đến tay mình!
Vâng, chữ nghĩa không đủ lớn để diễn tả hết mọi sự trong đời người, nhưng những người nặng lòng vì chữ nghĩa vẫn miệt mài trên con đường của mình. Thưa Anh Chị, cho Cam Li dùng hai chữ “Cám Ơn” để gửi đến Anh Chị, với lời cầu nguyện hằng ngày: Mong Anh Chị luôn “Có Nhau” trong mọi phút giây.
Tháng 2, năm 2023
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Nguồn: Ngôn Ngữ số 24 – tháng 3/2023