User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
lieu
 
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ  đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập  truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão. Đây không phải là những truyện  hư cấu với tình tiết ly kỳ hấp dẫn của những nhà văn chuyên nghiệp mà là những chuyện thật từ trong gia đình khi tác giả mới 10 tuổi đến khi lớn lên, ra đời đụng chạm với xã hội ở nhiều vị thế, hoàn cảnh và môi trường khác nhau. Đến nay tác giả vừa bước qua tuổi 80, hài lòng với cuộc sống tạm dung tại Hoa Kỳ, an hưởng tuổi già bên cạnh con cháu, tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng và vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ và  chụp ảnh, là những đam mê không rời của tác giả. Quả là có rất nhiều điều để nói về anh Duy Nhân, để chia sẻ về 36 câu chuyện trong tác phẩm dày 335 trang mà tác giả, bằng con tim tràn ngập yêu thương, chân thành và trong sáng, đã kể lại trong tác phẩm này. Anh bảo tôi hãy đọc và góp ý. Tôi là một bà nội trợ 87 tuổi lại ít học thì chữ nghĩa đâu để phê bình hay nhận định một tác phẩm văn chương, hơn nữa tôi chưa từng viết văn bao giờ. Ngoài ra, cũng không thấy có điều gì để góp ý. Điều tôi có thể làm được là chia sẻ với anh sui một đôi điều, có thể là rất lộn xộn, không suôn sẻ, không mạch lạc. Nhớ tới đâu thì tôi nói tới đó, mong anh thông cảm, vì tôi vừa trải qua một căn bệnh nguy hiểm.
 
Những bài viết của anh đã gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm hồi còn nhỏ mà tôi đã quên mất vì cách đây đã bảy, tám chục năm. Những bài viết của anh giúp tôi nhìn lại và thấy được thực trạng tình hình ở quê nhà sau ngày 30 tháng 4 năm 75 cho đến hôm nay. Có đọc anh tôi mới thấy tôi và anh có nhiều quan điểm giống nhau vì cùng là nạn nhân của thời cuộc. Nhân dịp này tôi muốn nói lời cám ơn anh vì từ tác phẩm của anh, tôi học được rất nhiều điều. Lối viết của anh rất giản dị, đơn sơ nhưng tôi đọc thấy thấm thía vô cùng. Nhiều bài của anh đã làm tôi xúc động, chẳng hạn như bài Ngoại Tôi, một người rất mực yêu thương gia đình, con cháu nhưng phải chịu quá nhiều đau thương, bất hạnh. Chồng và tất cả các con đều lần lượt qua đời, người cháu ngoại mà bà tin tưởng và là niềm hy vọng cuối cùng là anh, sau ngày “giải phóng” thì lại vào tù, bỏ bà cô độc một mình, có lúc bà bị điên loạn. Đến lúc anh được tha về thì cũng là lúc bà trút hơi thở cuối cùng! Thật là tội nghiệp cho hai bà cháu.
 
Lúc nhỏ là một đứa trẻ ham chơi, nghịch ngợm, sống với bà ngoại nên bà rất khổ cực vì anh. Nào những đêm khuya anh leo lên cột đèn bắt dế. Bà ngoại không dám tới gần, chỉ cầm roi giấu sau lưng, đứng từ xa, chờ khi nào cháu mình leo xuống thì quất cho mấy roi, nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Nào những lúc anh đi học về tới con sông bến đò Long Kiểng gần nhà thì cởi bỏ quần áo, cặp sách trên bờ, nhảy ùm xuống sông tắm với bạn. Có đứa về méc, bà ngoại hớt ha hớt hải chạy ra hướng bờ sông tìm cháu, bà đâu biết rằng cháu bà đã biết lội từ lâu. Bà cũng không dám đến gần vì sợ cháu mình thấy sẽ bơi ra xa, rất nguy hiểm. Con sông này năm nào cũng có trẻ con chết đuối nên bà sợ lắm.
 
Đọc anh tôi mới nhớ lại lúc 9, 10 tuổi tôi cũng phá phách, nghịch ngợm theo kiểu con gái, ít nguy hiểm hơn và được mẹ kìm kẹp rất sát, nên cũng đỡ. Tôi nhớ 36 phố phường, nhớ cầu Thê Húc, Hồ Hoàn Kiếm, nhớ những lúc đi ăn kem, ăn lục tàu xá, một loại chè củ năng của người Tàu. Khi đến Tết Trung Thu thì mặc bộ quần áo đỏ rộng thùng thình, cùng với các bạn hát bài Ai yêu Bác Hồ hơn các em nhi đồng trong khi đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngoài bài Ngoại Tôi anh còn viết những bài Ba Tôi, Anh Tôi, là những người đã mất. Trong Lời Tác Giả, anh viết “không hiểu sao mỗi lần viết về cháu tôi thì tôi rất sôi nổi và hào hứng”. Đâu có gì khó hiểu vì chính anh đã nói: “cháu tôi chính là tương lai của tôi, mang lại cho tôi nhiều yêu thương, cảm hứng và hy vọng nhất”. Người đọc sẽ thấy được điều này qua những bài Giữ Cháu Ngoại, Dỗ Cháu, Brandon Ba Tuổi, Allison Ba Tuổi, Khi Thành Ông Nội, và nhiều bài khác nữa... Tôi thì có nhiều cháu hơn anh và chúng đã lớn, có đứa tốt nghiệp Đại Học và đi làm.
 
Càng đọc anh tôi càng cảm phục. Tuổi thơ của tôi trôi qua rất êm đềm còn tuổi thơ của anh sao lầm than, vất vả quá. Mồ côi mẹ từ lúc lên mười, ba đi làm trên Sàigòn, cuối tuần mới về một lần. Mấy anh em toàn là trai, đùm bọc  nhau mà sống từng ngày ở một vùng quê hẻo lánh của quận Long Thành như loài hoa dại. Đến khi lên Sàigòn học Trung Học thì đã trễ hơn các bạn nhiều năm. Khi vừa xong Trung Học thì ba anh lúc đó đang làm ở hãng xe buýt bị cho thôi việc nên phải về quê để chăm sóc lại miếng vườn đã bỏ hoang từ lâu. Thế là lần thứ hai mấy anh em lại sống một mình với nhau. Lần này thì ngặt nghèo hơn vì người anh cả đã mất. Gánh nặng của người cha giờ đây chuyển sang cho tác giả là phải nuôi bốn đứa em đang học Trung Học tư thục giữa đất Sàigòn đầy khó khăn và thử thách.
 
Gánh nặng không nói làm gì, đàng này có kèm theo nhiều áp lực. Một là anh phải có việc làm, hai là anh phải được hoãn dịch (không nhập ngũ). May cho anh là trúng tuyển làm thông dịch viên ở tỉnh Bình Dương với đồng lương rất khá, đồng thời anh ghi danh học hàm thụ ở Đại Học Luật Khoa Sàigòn. Cuối tuần anh về thăm các em một lần và đến trường Luật lấy bài vở để ngày thứ hai lên Bình Dương vừa làm vừa giấu bài vở trong hộc bàn để học. Nhờ trời thương, sau bốn năm anh lấy được bằng Cử Nhân Luật, sau đó anh trúng tuyển với thứ hạng cao vào ngạch chuyên viên ở Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam với đồng lương mơ ước.
 
Có một điều tôi ghi nhận là từ khi lên Đại Học, anh thi đâu thì đậu đó. Đây chắc không phải là một ngẫu nhiên, cũng không phải là may mắn như anh đã khiêm tốn nói. Ở Ngân Hàng Quốc Gia anh gặp được bà xã anh bây giờ. Một tương lai đầy hứa hẹn đã mở ra trước mặt. Nhưng... mùa Hè đỏ lửa năm 1972 lại đến, anh được gọi nhập ngũ. Ra trường được điều động về vùng 4 chiến thuật, đi tác chiến ở các đơn vị Địa Phương Quân. (Xem bài Phép Lạ, Giày Dép Còn Có Số). Rồi thì cái ngày 30/4/1975 ập đến, anh từ giã người thân đi “học tập cải tạo” vì được xếp vào thành phần ngụy quân, ngụy quyền, có nợ máu với nhân dân!
 
Ngày ngày 30/4/1975 đối với tôi như trên trời rớt xuống. Tôi là một phụ nữ chân yếu tay mềm, là giáo viên Tiểu Học, hàng ngày chỉ có “gõ đầu trẻ” thôi mà cũng bị gán cho tội phản động, là ngụy quyền, bị phường gọi đi học tập cải tạo, bị thúc ép đi kinh tế mới. Tôi còn nhớ rõ, đề tài đầu tiên là phải thành khẩn khai báo rõ ràng lý lịch bản thân. Chồng hay vợ ở đâu, làm nghề gì? Ngoài ra, phải khai 5 người quen biết, nghề nghiệp, địa chỉ, họ sống thế nào? Nếu họ là ngụy thì phải động viên họ đi vùng kinh tế mới để chồng con họ đi học tập cải tạo được về sớm. Quá nhức đầu, chán chường và mệt mỏi, tôi phải xin thôi việc để ra ngoài vật lộn với cuộc sống, nuôi cha mẹ già, bốn đứa con còn nhỏ cùng một ông chồng đang bị giam cầm ngoài Bắc. Lúc đầu tôi bán đồ nhà, khi không còn gì để bán, thì tôi đi bán chợ trời, có lúc lên tận Gò Dầu, Tây Ninh, mua thịt, dầu, đậu phụng về thành phố bán. Trên đường về nếu bị tịch thu thì mất trắng, vì lúc đó chính sách “ngăn sông cấm chợ” được thi hành triệt để. Cuối cùng tôi cũng phải quay về nhà, tổ chức bán bánh mì thịt cho bà con lối xóm. Nhờ bán bánh mì mà kinh tế gia đình ổn định hơn và tôi còn để dành tiền lo cho ông chồng nữa. Giờ nhớ lại sao mà kinh hoàng quá, có lúc tôi như người mất trí. Lúc đó tôi còn dạy ở trường Thiên Hộ Dương. Đã đến giờ lên lớp thì tôi lại lò mò lên chợ Xóm Củi và đứng ngẩn ngơ ở đó. May thay, có cô bạn thân nhìn thấy, gọi tên tôi và nói “Giờ này sao mày đến đây để là gì?” Rồi cô dắt tôi về nhà, cho ăn cơm. Tôi từ từ hoàn hồn, mới biết rằng mình đã bỏ dạy ngày hôm đó, thay vì đi đến trường thì tôi đi lên chợ Xóm Củi!
 
Còn anh? Sau khi ở tù về, năm 1978 anh mới lập gia đình, có hai con và làm rất nhiều công việc ở nhiều cơ quan khác nhau trong một thời gian dài 20 năm trong các lĩnh vực kinh tế, tài chánh, ngân hàng, là đúng chuyên môn của anh. Nhờ thế cuộc sống gia đình mới ổn định. Vậy mà rất nhiều người ở ngay tại Chicago này nói anh là Việt Cộng. Theo tôi, anh là người có trình độ, có khả năng nên người ta mới dùng anh. Kinh nghiệm về chế độ mới, anh có các bài viết Hợp Tác Xã, Ông Chủ Tịch, Khẩu K54 Trong Hộc Bàn. Sau 8 năm định cư ở Mỹ anh có dịp trở về thăm lại quê hương và viết những bài Việt Kiều Về Quê, Trưởng Công An Phường, Văn Hóa Và Cải Cách, Chữ Nghĩa Của Đỉnh Cao, Sân Khấu Và Cuộc Đời, Một Thời Đam Mê, Thôn Nữ Miền Tây... Bài Hạnh Phúc Tuổi Già rất được nhiều người yêu thích, báo chí khen ngợi, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với anh về những quan điểm trong bài viết, làm thế nào để sống hạnh phúc trong tuổi già để “đến phút cuối mình sẽ thảnh thơi ra đi một cách êm ái và nhẹ nhàng như chiếc lá vàng rơi ”.
 
Trong số 36 bài viết trong tập truyện này có một bài đặc biệt nhất, gây cho tôi nhiều cảm xúc, để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất đó là bài Người Không Nhận Tội, người đó là anh Kha Tư Giáo. Anh tốt nghiệp khóa 1 Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt, Thiếu Úy biệt phái, làm cùng ngành ngân hàng với anh Duy Nhân. Hai người có nhiều điểm giống nhau, gặp và kết thân với nhau trong trại tập trung từ Long Giao ra Phú Quốc. Có thể nói anh Giáo là hình ảnh tiêu biểu của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vì sa cơ thất thế, lâm vào cảnh tù đày nhưng vẫn đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chính nghĩa quốc gia, kiên định lập trường, không bao giờ nhận mình và tập thể chiến sĩ VNCH là người có tội như bên thắng cuộc nói là có nợ máu với nhân dân với cách mạng.
 
Theo lập luận của cán bộ quản giáo Việt Cộng thì sĩ quan biệt phái như giáo viên, bác sĩ, người làm ngân hàng... vừa là ngụy quân, vừa là ngụy quyền, lãnh lương hai đầu để chống phá cách mạng nên tội nặng hơn những người khác. Anh Giáo nói người chiến sĩ VNVH cầm súng để tự vệ, bảo vệ miền Nam tự do. Cái gọi là quân giải phóng, quân cách mạng từ miền Bắc vào mới là kẻ xâm lược. Kẻ đi xâm lược mới có tội chớ kẻ tự vệ không bao giờ có tội. Việc gì đến nó đã đến. Đấu lý không thắng nổi anh Kha Tư Giáo nên “người ta” đã thi hành biện pháp khác để tiêu diệt anh. Cuối cùng anh đã ngã gục trong tù, để lại biết bao thương tiếc cho gia đình, đồng đội và những ai có cùng lập trường quốc gia với anh.
 
Cần nói thêm, anh Kha Tư Giáo xuất thân từ một gia đình danh giá và nổi tiếng ở Miền Nam. Chú ruột anh từng làm Đô Trưởng Sàigòn- Chợ Lớn dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, là Bộ Trưởng Bộ Công Nghiệp Nhẹ trong chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đến ngày 30/4/1945 thì trở lại miền Nam, đảm nhiệm chức vụ mới trong chính quyền mới tại Sàgòn. Chú anh Kha Tư Giáo không thể nào không biết tình trạng cháu của mình trong trại tập trung. Không biết là ông có hành động nào để cứu cháu mình không? Đây là điều mọi người thắc mắc.
 
Anh Duy Nhân viết lại câu chuyện Người Không Nhận Tội là kể lại sự kiện như nó đã diễn ra, những gì anh nghe và thấy chớ không phải tiểu thuyết. Anh không có ý lên án hay phán xét ai. Tùy cảm nhận của mỗi người khi đọc Người Không Nhận Tôi sẽ thấy đâu là đúng, đâu là sai, đâu là chính nghĩa, đâu là  ngụy chính nghĩa. Cũng là tù nhân, có thể những người khác thì hận thù, còn anh Duy Nhân thì Cám Ơn Ngục Tù đúng với bản tính ôn hòa, nhân hậu và đạo đức của anh, đúng với cái tên mà cha mẹ đã đặt cho anh: Nguyễn Đức Đạo.
 
 
Nguyễn Thị Liễu

 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com