User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thanhtamrongchoi
Nhà văn Tâm Thanh (25/8/1939–9/4/2015) - Hành trang đã sẵn và tôi sắp phải lên đường.
 
Trong cuộc rong chơi qua mặt địa cầu này, tôi được gặp Ngô Thanh Tâm rồi sau đó là nhà văn Tâm Thanh, trong những dịp rất tình cờ.
 
Dịp tình cờ đầu tiên là lúc chiếc phi cơ mang hơn chục người tỵ nạn chúng tôi đáp xuống phi trường Fornebu - phi trường cửa ngõ dẫn vào thủ đô Oslo, Nauy * - vào một buổi sáng tháng Ba đầu thập niên tám mươi. Hôm ấy tuyết rơi mù mịt, nhân viên của cơ quan tiếp nhận người tỵ nạn ra đón chúng tôi phải mở rộng cánh cửa cho chúng tôi biết đường vào. Khi đến nơi, tôi nhận ra người đang giữ cánh cửa mở ra trời tuyết đó là một người đàn ông Việt Nam.
 
Cuộc gặp tình cờ lần đầu tiên này, tôi không biết gì hơn ngoài một người đàn ông khoác áo dạ màu đen, chừng bốn mươi tuổi, dáng dong dỏng cao, giọng nói ôn tồn. Tuy nhiên, hành động ông ra tận cửa phía ngoài mở ra trời tuyết để đón chúng tôi, trong khi những người cùng đi đón với ông ở phòng bên trong ấm áp - dù hành động này rất nhỏ- nhưng đã tạo ấn tượng tốt về ông trong tôi.
 
Hè năm sau, tôi ngồi chung xe theo đám bạn đi hái bắp. Người bạn lái xe chở chúng tôi vòng vòng khắp các cánh đồng ở vùng Skedsmo, nhưng không tìm thấy một vườn bắp nào theo như quảng cáo. Cuối cùng anh bạn vòng vào làng tìm nhà một người quen mà anh còn nhớ lang máng. Anh đã dừng xe trước mấy căn nhà rồi, nhưng sau một hồi tra vấn lại trí nhớ, anh lại vượt qua. Phân vân một lúc, anh vòng lại bấn chuông một trong số những căn nhà anh đã vượt qua đó. Một người đàn ông ra mở cửa. Lại một sự tình cờ! Người đàn ông ra mở cửa ấy, chính là người tôi đã gặp ở phi trường Fornebu hơn năm trước.
 
Bấm chuông cửa nhà ông cách đường đột, chúng tôi chỉ mong đựơc ông cho địa chỉ hoặc vẽ đường cho chúng tôi tự đến; không ngờ, ông vui vẻ, ông mau mắn, tự lái xe dẫn đường đưa chúng tôi tới nông trại. Tới vườn bắp, chúng tôi sà xuống cánh đồng không chỉ vì những trái bắp non vừa đúng lúc thâm râu, mà còn vì được sống lại cảnh ruộng vườn ở quê nhà. Say mê hái, khi chúng tôi, mỗi người hái được đầy một giỏ mang tới quày trả tiền, người đàn ông dẫn đường không còn ở đó nữa. Ông đã lái xe đi khỏi. Tuy ông đã đi khỏi, nhưng hình ảnh ông vui vẻ, sẵn sàng dẫn đường đưa chúng tôi đến vườn bắp vẫn còn lưu lại trong tâm trí tôi.
 
Ít năm sau, cũng vào dịp hè, tôi lái xe mang cả gia đình vượt quãng đường dài đến dựng lều ở khu cắm trại thuộc thành phố Kristiansand để ngày hôm sau vào sở thú gần đó chơi. Dựng lều xong, chúng tôi mang chiếu ra cạnh bờ nước trải nằm. Nằm, nhìn ra xa, tôi thấy lẫn trong ánh nắng chiều phản chiếu lăn tăn trên mặt nước biển, một người đang bơi ngang qua con vịnh. Khi người ấy bơi gần tới nơi, tôi nhận ra ông là người tôi đã gặp ở phi trường Fornebu, và là người đã lái xe dẫn chúng tôi tới vườn bắp mấy năm trước. Hôm ấy, ông cùng với gia đình đi cắm trại chung với một gia đình bạn; họ đã dựng lều cùng khu cắm trại với gia đình tôi. Lần đó, gia đình chúng tôi được thưởng thức cái thú chụp hình của ông. Tất cả hình ảnh qua ống kính của ông, đều được ông gởi đến cho tôi qua đường bưu điện. Đặc biệt hơn, ông không chỉ dừng lại ở những tấm hình qua ống kính của ông hôm ấy, mà mãi về sau, khi ông đi du lịch ở bất cứ nơi nào gặp cảnh đẹp, thỉnh thoảng ông cũng cho tôi cùng rong chơi "hàm thụ" qua những tấm hình ông gởi về cho tôi.
 
Những cuộc rong chơi qua ống kính của ông đã đưa tôi tới gần ông hơn; vì trước đó, tôi vẫn thường xem ông là bậc đàn anh để kính trọng hơn là bạn bè cùng trang lứa để giao du. Và qua đó, tôi thấy ở ông còn có nhiều cái thú đam mê khác, xem ra còn hấp dẫn hơn nhiều.
 
Cho mãi đến những năm cuối thế ký trước, một người bạn đồng hương và cũng là đồng nghiệp nghỉ hè ở Mỹ về, mang đến chỗ làm cho tôi một túi đầy, vừa sách vừa tạp chí và dặn: “Ông đọc trước đi, rồi đổi, tôi mang về nhiều chưa đọc đến”. Khi anh rời chỗ tôi làm được một quãng, anh quay lại, nói tiếp: “Ở Nauy mình, vừa xuất hiện một cây viết có tầm cỡ”. Tôi hỏi: “Ai vậy?”. Anh vừa đi tiếp về chỗ làm việc của mình vừa bảo: “Ông cứ đọc đi rồi biết”.
 
Câu chuyện dở dang làm tôi liên tưởng đến một truyện ngắn tôi đã đọc đâu đó trong lúc làm việc. Bối cảnh trong truyện là những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, những bùng binh, những tên đường quen thuộc tại thủ đô Oslo, Nauy; tôi đoán tác gỉa là người Việt sống ở Nauy, và có lẽ không ai khác hơn là người đã cho tôi cùng rong chơi qua những tấm hình.
 
Mấy tuần sau, tôi làm ca đêm chung với con robot. Hôm ấy robot ngoan ngoãn tự làm việc; lợi dụng cơ hội, tôi điểm qua tên sách và các tập tạp chí trong túi anh bạn đồng nghiệp mang cho. Đọc qua tựa đề và mục lục, tôi lựa riêng và bỏ vào ba lô các cuốn Văn Học - tạp chí sáng tác nhận định văn nghệ mang theo để bất cứ lúc nào có giờ là đọc, vì ở trong đó nhà văn Tâm Thanh, tên tác giả tôi phỏng đoán trước đây xuất hiện khá nhiều, hầu như đều đặn mỗi tháng.
 
Vào một ngày mùa hè, trong lúc đợi mấy đứa con học tiếng Việt, tôi ngồi dưới gốc cây trước cổng trường St Sunniva moi truyện của Tâm Thanh ra đọc. Lúc tan trường, tác giả từ Trung tâm Mục vụ Việt Nam ra về, tình cờ đi ngang qua chỗ tôi đang chăm chú đọc truyện Lụa Bạch của ông trong Văn Học số 159. Thật là một cuộc gặp đúng lúc, vì truyện của ông luôn đặt ra những vấn đề bắt người đọc phải suy nghĩ khám phá; và đồng thời, lúc ấy, ông cũng rất vui và cởi mở. Nhưng tôi lại không nêu những điều ấy ra, vì cảm thấy không thể giữ chân ông cách tùy tiện trong cuộc gặp gỡ giữa đường.
 
Dù thế, sau cuộc gặp gỡ hôm ấy, thỉnh thoảng ông gởi cho tôi những truyện ngắn vừa được ông hoàn thành và ngỏ ý muốn tôi đọc. Qua đó, những cuộc rong chơi qua ống kính của ông trước đây đã rẽ sang một hướng khác; hướng này vừa thích thú, ích lợi cho tôi và cũng giúp cho ông biết được một độc giả có mức độ hiểu biết trung bình cảm nhận về tác phẩm của ông ra sao. Một hôm đọc xong truyện Đệ Ngũ Diệu Đế (về sau truyện này được in trong tập truyện ngắn của ông mang tên Gỗ Thức Trên Rừng trang 183) tôi thấy tựa đề là lạ và không tìm ra điểm trùng hợp với toàn bài, tôi liền gọi điện thoại hỏi ông: “Tiêu đề của truyện kết hợp với nội dung của toàn truyện này như thế nào?” Ông giải thích: “Con người ta sinh ra trong cuộc đời này chịu bốn cái nỗi khổ là Sinh, Lão, Bệnh và Tử; bây giờ thêm nỗi khổ thứ năm nữa là nội dung truyện này nói đến”. Lời giải thích của ông ngắn, gọn nhưng đã gợi mở một cách nhìn toàn diện và soi rọi vào vấn đề được bày ra ở bên trong; và đồng thời nó cũng cho thấy, tôi chỉ mới dừng ở cách dụng từ điêu luyện và cách xây dựng câu văn vững chãi thuộc lớp vỏ ở bên ngoài.
 
Khi tập Thiên Nga Giữa Cõi Người, tập truyện đầu tay của ông được ấn hành, tôi được ông mang đến nhà ký tặng. Và lần lượt những tập kế tiếp, cho đến tập cuối cùng, tôi đều đựơc ông ký tặng. Sự trân trọng của tác gỉa khiến mỗi lần mở sách của ông ra đọc tôi đều thấy có ông đang cùng tôi rong chơi và trò chuyện về những vấn đề bày ra trong sách. Ngày nghe tin ông mắc bệnh hiểm nghèo, tôi muốn hỏi ông về nhiều chỗ trong tác phẩm để so sánh với những gì mình đã khám phá; nhưng hôm ấy thấy sức khỏe ông không cho phép, lại một lần nữa tôi không nêu vấn đề ra. Vuột mất cơ hội chót !
 
Đến ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn 2 tháng 11 năm nay, ngày tưởng nhớ đến những người đã qua đời, trên đường đi viếng nghĩa trang, tôi nhớ đến ông, Giuse Ngô Thanh Tâm, nhà văn Tâm Thanh nhưng tôi không biết đến với ông ở nơi nào, vì tro hài cốt của ông đã được rải vào thiên nhiên. Sẵn dịp tôi lái xe đảo một vòng qua phi trường Fornebu ngày trước, nay đã thành trụ sở kinh doanh của nhiều công ty khác nhau, không còn để lại dấu vết. Quay ngược đầu xe, tôi về vườn bắp ngày xưa ở vùng Skedsmo phía Đông Bắc Oslo, vườn bắp đã qua bao nhiêu mùa bắp, nay đất đã được cày và được ủ dưới tuyết đang chờ mùa mới.
 
Tôi vòng xe ngựơc lại nhà, mở những cuốn sách với những hàng chữ đã được ông viết tặng vẫn còn tươi màu mực. Đặc biệt ở trang đầu cuốn sách cuối cùng Lệnh Triệu Ban Rồi, ông đã biến lời đề tặng thành lời tạ từ: “Không biết ngày giờ nào lên đường, xin gởi Cần&Hương lời tạ từ trước”. Lật từng trang, tôi lại cùng ông rong chơi. Những điều tôi tưởng là chưa kịp hỏi ông ngày trước bây giờ lại hóa ra hay, vì vẫn còn đó những điều mới lạ để tiếp tục khám phá mỗi lần đọc lại. Đọc lại, vì thế, xem ra còn thú hơn đọc lần đầu.
 
Đinh Ngọc Cần
(Tưởng nhớ nhà văn Tâm Thanh qua đời ngày 09.04.2015)
 
*Phi trường Fornebu: phi trường của Oslo trước khi chuyển về Gardermoen
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com