
Tháng 3, diễn đàn Cô Gái Việt xôn xao, háo hức… và hân hoan đón mừng “đứa con thứ 6” chào đời với khuôn mặt mỹ miều và sắc vóc lung linh, quyến rũ hơn 5 đứa con trước, vốn đã xinh đẹp. Đó là Tuyển tập 2023 “Chuyện Chưa Kể”. Chỉ cái tên thôi đã khiến mọi người cảm thấy nôn nao, tò mò muốn biết bên trong chứa đựng những gì, khi nhóm Cô Gái Việt (CGV) chỉ toàn là phụ nữ.
Giở trang bìa, người đọc sẽ tìm thấy một cảm giác nhẹ nhàng, thích thú khi ngắm tranh vẽ “Thì Thầm” với bốn khuôn mặt xinh xắn, biểu hiện bốn tâm trạng khác nhau dưới nét cọ của họa sĩ CGV Lê Thúy Vinh. Chưa hết, hai chữ “Vào Tập” của CGV Phương Thúy -Người điều hành- lại mở đường, dẫn dắt người đọc bước vào thế giới đầy bí ẩn. Thế giới đàn bà.
“Chuyện chưa kể chỉ thì thầm với nhau, không để người khác nghe! Có chuyện vui rộn ràng, bật tiếng cười khúc khích, sảng khoái hay lộ nụ cười mỉm chi duyên dáng. Lại có chuyện trái ngang đau khổ hay chia ly tan tác sầu bi; người đọc khẽ buông tiếng thở dài, cố nén lệ rơi. Kể ra, viết ra để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn để có sự cảm thông, thắt chặt tình chị em CGV thêm thân ái vững bền.
Viết thì viết nhưng cũng có phần ngập ngừng, ngần ngại vì sợ ông chồng đọc được. Ông chồng làm khó dễ cho tác giả, cứ mèo nheo theo dò hỏi “nó là ai”, “nó bây giờ ở đâu”, v.v. Nhưng nghĩ lại, đã đến tuổi này rồi thì phải có can đảm nói lên tiếng nói của con tim chứ, sống lại với kỷ niệm nhiều yêu thương và ấn tượng, lo ngại gì tiếng bấc, tiếng chì!.

CGV Thúy Messegee đã bộc lộ ngắn gọn nhưng rất đầy đủ:
Chuyện bây giờ mới kể
Bao năm thầm nuốt lệ
Ôm tâm sự lê thê
Ôm uẩn khúc não nề
Bây giờ đem kể hết
Chẳng sợ ông dôn biết
Chẳng sợ người xưa phiền
Già rồi thôi kể hết.
……”
Mở đầu tuyển tập là Một Thời Để Yêu của Minh Thúy Thành Nội. “O Gái Huế” này mới thật bạo gan, bạo phổi với lời dẫn truyện làm người đọc không thể dừng tay, buông sách.
“Tui cũng muốn ‘tám’ vài câu chuyện về tình yêu con gái thời xa xưa: về tui, bạn bè cũng như làng trên xóm dưới. Muốn viết mà ngại ngùng chẳng thích ông dôn đọc tí mô hết, nhưng cũng có phần an tâm vì chưa khi mô thấy ông đọc thơ văn của tui. Thôi thì cứ ‘tám’ để sống lại ‘thời huy hoàng của cỏ xanh đã mất’…”
Một mẩu chuyện nhỏ rất thú vị về “nỗi lòng” của các O gái Huế khi diện kiến nhà văn Duyên Anh, đã được Minh Thúy kể lại với lời văn đơn sơ nhưng thật gần gũi, dễ thương.
“… Tôi ra thăm Huế ghé nhà Đinh Cường chơi. Sáng nay, ông đòi dẫn tôi tới thăm ngôi trường nữ này cho biết. Quả thực khi thấy những tà áo trắng của mấy O gái Huế, tôi chợt nhớ vài câu thơ của Hàn Mặc Tử
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Rồi ông nói thao thao về nghệ thuật viết văn. Không cần lúc có cảm hứng nhìn vầng trăng sáng hay giọt nắng lung linh bên thềm mới viết mà cứ xem như công việc ban ngày; viết tám tiếng không sửa, xong bài rồi mới sửa.
Ông yêu cầu ai có thắc mắc chi cứ hỏi. Phía dưới có tiếng xầm xì. Một bạn đứng lên đọc mảnh giấy:
- Nhà thơ Nguyên Sa đã viết “Áo Nàng Vàng, anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường”. Vậy chúng tui có nên về yêu hoa cúc khi thấy nam văn sĩ đang mặc áo vàng ngồi trước mặt không?
Nhà văn nét mặt hơi bối rối, khựng lại một hồi rồi nói:
- Cứ yêu, với điều kiện chỉ yêu chiếc áo vàng này thôi vì:
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động hờ dây tiêu (Xuân Diệu)
Chỉ chừng nớ, chỉ chừng nớ thôi mà đám nữ sinh mặt mày ngơ ngẩn như bị hút hồn. Ngày sau, cả bọn túm lại giành nhau kể:
- Chiều qua về, tau cứ ngây ngất giọng Bắc trầm ấm, đọc thơ nồng nàn của ông.
- Tau cũng rứa, có ngủ được mô thê.
- Tụi bây bằng tau. Mạ sai tau nấu cơm, tau nói láo đi mượn quyển sách đã. Người như bị thôi miên.
Đi chân trần, leo lên xe đạp vô Đại Nội, chạy vòng vòng mấy con đường. Chẳng biết nhà thầy Cường ở mô, lửng thửng đạp xe về, mà ví dụ khi nớ biết nhà thầy Cường thì làm răng? Có dám vô không? Vô rồi làm chi ông Duyên Anh.
Cả bọn cười ha hả:
- Thì lột áo vàng ra chớ chi nữa”. (ngưng trích)
Ôi! sao mà đáng yêu cái bệnh “mê trai” (chữ của tác giả) của tuổi học trò ngây thơ, trong sáng. Có đọc mới biết các O gái Huế vừa lãng mạn, đa tình, vừa lý lắc, tinh nghịch đằng sau nét đoan trang thục nữ.
Một chút bùi ngùi, xót xa gửi theo Nén Hương Tưởng Niệm của Hoài Niệm để thương cảm cho những mối tình trong thời chinh chiến. Đẹp nhưng bức tranh thêu nhưng cũng não lòng như câu hát buồn trong một bản tình ca “Ϲhuуện tình trong thời giao tranh vẫn như làn khói mong manh. Ϲhàng về đơn vị xa xăm nàng nghe nặng nhớ mong”.
Để rồi một ngày…
“Người ta đứng chung quanh chiếc hòm kẽm đông lắm, vài người níu giữ em lại bên ngoài. Ban Chung sự đang tẩm liệm xác. Hình như có một sức mạnh vô hình nào đẩy em đi tới, không ai cản được em, em nhìn thấy một dạng người cháy đen, co rút, hai chân cong lên, đến nỗi muốn đậy nắp ao quan, mấy người lính Chung sự phải cố đè hai chân xuống…
Em không còn thấy và biết gì nữa nên mấy cái bông mai em vừa thêu xong định tặng anh vừa vinh thăng Trung Úy đã rời tay, không biết có ai bỏ giùm theo anh vào cỗ áo quan?
… Anh đã nằm yên trong nghĩa trang trên ngọn đồi cuối con dốc đó. Trời Đà Lạt mù sương đã ấp ủ nấm mồ anh trong ngần ấy năm dài. Người sống vẫn hướng về phía trước nhưng kỷ niệm thì vẫn hoài là kỷ niệm. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau, những người chiến sĩ chết trẻ, vẫn chiếm ngự một chỗ trong tim những thân tình một thuở. Mãi mãi và mãi mãi…
Chí trai nghiệp lớn chưa thành
Chim bằng gãy cánh nợ vành khăn tang
Đau thương cuộn gói hành trang
Cho người ở lại đeo mang quặn lòng.” (ngưng trích)
Từng trang sách được lật qua những xót xa chưa vơi bớt, tôi đã phải dừng lại để nghe lòng mình se thắt vì những đắng cay của hai chữ định mệnh mà Phi Nga phải đối diện qua Chuyện Bây Giờ Mới Kể.
“Đến hôm nay, có lẽ tôi là người duy nhất đi cưới chồng trong tất cả những người quen biết thân sơ. Chuyện cưới chồng này có ngược đời không các bạn? Chuyện ngược đời này cho tôi sự hãnh diện vì đã làm đúng với con tim và lý trí của mình dám quyết định những gì mình thấy đúng. Tuy nhiên, như đã nói trong phần đầu câu chuyện, người tôi đi cưới đã cho tôi một cú móc ngược đời khi chàng quyết định về lại Việt Nam sinh sống sau khi nghỉ hưu. Ca dao có câu “Đi đâu cho thiếp đi cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Tôi sẽ đi theo chàng và không ngại đói no, lạnh lẽo nhưng đi về nơi mà tôi đã vượt bao nguy hiểm đánh cược mạng sống của mình để rời bỏ nó thì chàng ơi, thiếp phải phụ chàng.
…. Tôi rất thích bốn câu thơ của chị Kiều Mộng Hà
Tôi đi bên bóng hoàng hôn
Gió xào xạc lá chon von trăng cài
Chiều phai níu vạt áo ai
Vết thời gian đọng giữa hai chân mày.
Giờ đây, chúng ta bên bóng hoàng hôn cuộc đời, nhìn mọi sự với nụ cười bao dung. Trải lòng kể cho bạn nghe với sự thư thả, nhẹ nhàng và buông bỏ để giữa hai chân mày không còn vết thời gian đọng lại” (ngưng trích).
Xếp sách lại sau những phút thả hồn trôi theo dòng tâm sự não nề của Phi Nga tôi mới hiểu vì sao “Em đã đến như huyền thoại. Em đã đi không một lời” (lời trách móc của nhạc sĩ Song Ngọc trong nhạc phẩm “Đàn Bà”). Điều này cũng để các đấng mày râu hiểu rằng, chẳng phải tự dưng người phụ nữ của mình, mới “dịu ngọt đêm qua” lại “lạnh lùng hôm nay”.
Và có những niềm riêng được giấu kín trong một góc khuất của trái tim, tưởng sẽ “sống để bụng, chết mang theo”, nhưng rồi đã đến lúc nàng tung hê tất cả để hỏi -dường như có chút u uất trong câu hỏi của CGV Sao Khuê, Anh Có Thương Em Không?
“Anh đã tìm đến em…
Ờ há, vậy thì anh có yêu em không? Nếu có, sao anh không nói, em đã tạo cho anh nhiều cơ hội mà. Anh chỉ cần nán lại chờ em chiều thứ Bảy để cùng về mà. Anh có thể đến trường Đại Học tìm em mà… Sao anh không đến, không chờ, không nói… Ừ! Anh không nói một lời mà chỉ mỉm cười. Có lần anh còn giơ cao quả mận Đà Lạt mà em mang cho các chị bạn chứ không cho anh, ra điều em không cho mà anh vẫn có đây nè.
Từ đó mỗi lần ăn mận là kỷ niệm lại ùa về…
Khi lụa đào đã buộc anh mới đến, đến để giận hờn, để trách móc. Vậy thì chắc là anh cũng có một tí ti tình cảm với đôi măt to đấy nhỉ, một tí tẹo để một năm sau anh cưới vợ hay nhiều tí tẹo để nhiều năm sau này con út của anh mang tên em hả anh…
Em muốn một lần gặp anh để hỏi, anh có thương em không? thương ít hay nhiều?”. (ngưng trích)
Bên cạnh những bài văn là những vần thơ thắm thiết, không chỉ ngọt ngào mà có cả đắng cay và dường như tất cả vẫn chưa phôi pha theo ngày tháng.
Nhớ Người
Bây giờ thương tưởng đến người
Bây giờ đau đáu vì lời thề xưa
Trách trời đang nắng chợt mưa
Khiến đôi tim vỡ đong đưa tình sầu
(ngưng trích)
Phương Hoa
Vá Khâu Nỗi Buồn
Người đi đêm ấy trăng mờ
Rừng khuya buốt lạnh thẫn thờ lá rơi
Lá rơi phủ kín chân đồi
Có người gái đôi môi nhạt màu
…..
Người nằm trong chốn xa xăm
Rừng im im vắng trăng thăm thẳm sầu
Người nằm trong huyệt mộ sâu
Ta vun lá rụng vá khâu nỗi buồn.
(ngưng trích)
Phạm Phan Lang
Người Anh Tình Cờ
Cứ tưởng tình là thơ
Anh và em dệt vần
Hóa ra là tình khờ
Mộng chỉ là phù vân
…
Hỡi anh người tình cờ
Phút giây đầu tiên ấy
Để rồi hai chúng ta
Đôi bờ, sông vẫn chảy
(ngưng trích)
Nguyễn Thị Thanh Dương
Nhớ Ánh Trăng Xưa
Năm mươi năm giấu nỗi đau
Chiều nghiêng phai tóc nát nhầu tâm tư
Trăng xưa chưa tiếng tạ từ
Còn trong tiềm thức lá thư tự tình.
(ngưng trích)
Minh Giang
Đó là các trích đoạn của vài câu chuyện trong số nhiều truyện ngắn và thơ đặc sắc khác của 32 tác giả hiện diện trong tuyển tập Cô Gái Việt 2023, mà vì trang báo có hạn không thể giới thiệu tất cả. Tuyển tập dày 418 trang, lồng giữa các trang sách là những bức ảnh màu lộng lẫy, đẹp mắt, ghi lại buổi hội ngộ của các thành viên Cô Gái Việt ở những nơi chốn khác nhau và có người chưa từng gặp gỡ, chỉ quen biết “chuyện trò” trong thế giới ảo.
Chỉ ba chữ “Cô Gái Việt” mà chúng tôi đã tìm đến nhau, dù bất cứ đâu miễn nơi đó có các thành viên CGV hiện diện. Tình cảm nồng nàn, thân thiết chớm nở ngay từ những ngày còn thủ thỉ tâm sự, chia sớt niềm vui, nỗi buồn qua những con chữ và rồi một ngày “tùy duyên”, nó chợt bừng lên, vỡ oà trong phút giây mặt đối mặt để lòng thêm ấm áp, để tình thêm mặn nồng và để mọi người cùng nhận ra mình thật may mắn khi được cùng nhau chia sẻ những dòng thơ trau chuốt, những áng văn mượt mà và góp sức làm nên những tuyển tập giá trị mà mục đích chung là gìn giữ văn hóa Việt Nam.
Ngân Bình