
(Đọc tập truyện “Nặng Tợ Nghìn Cân”, NXB Nhân Ảnh, 2024).
Tiểu Lục Thần Phong, tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định, hiện sinh sống tại Georgia, Hoa Kỳ, là cây viết sung sức và quen thuộc của các báo Chánh Pháp, Việt Báo (California), Trẻ (Houston, Texas)... Đã xuất bản 10 tác phẩm gồm Văn, Thơ và nhiều tác phẩm in chung khác.
“Nặng Tợ Nghìn Cân” là tác phẩm gồm 32 truyện ngắn, phần nhiều là những câu chuyện “đời thường”, xảy ra trong cuộc sống hằng ngày ở chung quanh mà nhà văn đã ghi nhận, có khi tác giả lại là nhân vật chính của câu chuyện, với một bút pháp giản dị, bình dân, không trau chuốt như tác giả tự nhận: “Gã vốn là kẻ thân sơ, thất sở, dở thợ, dở thầy, vô cùng hậu đậu ấy vậy mà lại gàn dở bày trò kể chuyện mà chơi. Gã kể từ chuyện đời đến chuyện đạo, rồi chuyện tình, chuyện thế thái, chuyện chính sự... đủ cả, duy có chuyện văn chương thì không dám đụng đến. Gã thừa biết mình không có khả năng, không có nội lực nên không dám đề cập...” (Lời tựa, trang 5, Nặng Tợ Nghìn Cân). Song thông qua từng câu chuyện, từng nhân vật (có thật và cả hư cấu), Tiểu Lục Thần Phong đã có cái nhìn sâu sắc, tinh tế và đầy nội lực, để từ đó hướng người đọc cùng chung cảm nhận và cùng chung những suy nghĩ và trăn trở... Đó phải chăng là mục đích và cũng là điều mà tác giả nghiền ngẫm, suy tư để buộc độc giả cùng đồng cảm với mình, dẫu đó là những câu chuyện của một gã “gàn dở, đa sự”?
Trước hết, Tiểu Lục Thần Phong là một bút danh, gây cho độc giả nhiều tò mò và thắc mắc? Có nhiều ý kiến cho rằng bút danh có hơi hướm... Tàu (như Lục Tiểu Linh Đồng) hoặc chí ít cũng bị ảnh hưởng bởi các pho bí kiếp “truyện Võ hiệp, truyện chưởng” của Kim Dung? Nhân đây cũng xin được “bộc bạch” theo tâm sự của nhà văn với người viết: “Vào khoảng những năm 2009, 2010, khi còn ở quê nhà, qua thông tin của các ngư dân đánh bắt cá trên biển, có một tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu Trung quốc uy hiếp và bắn chết một số ngư dân trên vùng biển của Việt Nam, xác người chết phải bỏ trong hầm đá tẩm ướp để đem về đất liền, đã gây căm phẫn trong giới ngư dân và đồng bào nơi đó, nhưng báo chí và chính quyền đã làm lơ, không hề lên tiếng. Hiền rất bất bình, nhiều đêm không ngủ, trăn trở và nghĩ đến nước lớn (Đại lục), luôn hiếp đáp các nước nhỏ (Tiểu lục), mà chẳng ai làm được gì nó, và mơ có được tinh thần “cảm tử”, thần phong (Kamikaze) như nước Nhật Bản mới có thể khắc chế được. Và bút danh “Tiểu Lục Thần Phong” được ra đời dưới các bài viết của Hiền. Lúc đầu có nhiều báo đề nghị lấy tên thật hay đổi bút danh khác nhưng Hiền không chịu và lâu dần cũng thành... quen”. Đơn giản và lý do chỉ có vậy, nhưng thể hiện bản lĩnh và ý chí của một cây viết, dù là “dở thầy, dở thợ và rất hậu đậu”...
Trở lại những câu chuyện của tập truyện “Nặng Tợ Nghìn Cân”, một trong những câu chuyện được lấy tên làm tựa đề chung của cả tập: “Nặng Tợ Nghìn Cân” ở trang 165 đến trang 170, cũng là mối quan tâm của chính tác giả, là người trong cuộc “chơi văn chương, chữ nghĩa” song chính tâm huyết của mình đổ ra để tạo nên những “đứa con tinh thần”, là những tác phẩm được gọi chung là “sách” ấy, khi được in ra, trưng bày hay rao bán đều nhận được sự... thờ ơ vô cảm của người đời, hoặc lúc thiên hạ cầm lên xem “nặng, nhẹ”, mắc rẻ, trả giá như mua miếng thịt, con cá, làm đau lòng người tạo ra sách! (Bán sách, trang 28), và cái mộng làm “Văn sĩ” của nhân vật tôi với cái tên rất lãng mạn là “Mộng Thường Sinh” (Mộng làm văn sĩ, trang 150), dám viết lên sự thật lại bị “nhà cầm quyền phạt một khoản tiền lớn và thu hồi để hủy toàn bộ số sách mới in. Họ kết tội tôi làm chính trị, bôi nhọ quan quyền, bêu xấu những vấn đề chính trị xã hội, phá hoại sự đoàn kết tôn giáo hay kích động lối sống đồi trụy phương Tây...” (trang 158). Bối cảnh và xã hội mà Tiểu Lục Thần Phong (TLTP) trải dài từ quê hương bản quán mà tác giả ra đời và khôn lớn cho đến đất nước “tạm dung” nhưng đều mang những cái tên như lạc vào trong những xứ sở “ngôn tình”, “lãng mạn” như “Ất Lăng Thành”, “ đất Mắc Sê”, “Hoa Châu”, rồi đưa cả thời sự, cuộc chiến Nga, Ukraine với tên “Đại Hùng”, “ Hoa Dương”... vào truyện, vừa lợi là tránh được sự... “truy cứu”, tạo sự ý vị song cũng đôi khi làm độc giả “nhíu mày” vì khó chịu!
Vì là “chuyện đời thường” nên không tránh khỏi cái “đa sự” trong lối kể chuyện với các nhân vật Tây, Ta, Tàu, Mễ. Đó là “Y, Gã, Hắn”, là “Ông phó bộ, Đạt, Tư Thiện, Cô Mười, Thầy Hai, Hương Cả...” đến “A Sìn, A Chảy, A Lưới, Muối, Bà Deborah, ông Robin, David, ông Huie, con Cindy, thằng Matt...” Họ là người quen thân, là hàng xóm láng giềng, là đồng nghiệp cùng làm chung hãng, thậm chí cả những người trong “Thiên Vương Trì Quốc” hay Mãn Giác Thiền Sư, bà Triệu Thị Trinh, cũng được tác giả đưa vào chuyện, để dẫn chuyện và rút ra được “tình Người”, “tình Đời” và cả “Đạo” đối nhân xử thế sao cho chí tình và cả nhân văn, cao cả...
32 câu chuyện, tưởng có lúc vụn vặt, cà kê, song cũng có lúc ý vị, tinh tế, tin chắc độc giả khi đọc, cũng sẽ thú vị và cũng thấy như có những lúc gần gũi và quen thuộc như chuyện đời của chình mình...
Trần Hoàng Vy
Katy, Mùng 6 Tết Giáp Thìn 2024