Đây là một số ảnh chúng tôi giữ đã hơn ba mươi năm. Những ảnh này chụp trên đảo tỵ nạn Pulau Bidong ở Mã Lai vào ngày mùng Một Tết Mậu Thìn (17/2/1988). Đây là nơi mà hơn 300,000 người vượt biển đã trải qua sau khi thoát được nhiều cơn ác mộng: Công an VC trấn lột, bắt bớ, bắn giết, hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp, chưa kể những cơn đói khát trên những con tàu mỏng manh trôi giạt giữa bão tố, vài trăm ngàn người mất xác giữa đại dương.
Trong ngôi trại tỵ nạn này, năm ấy tôi làm Công Tác Xã Hội cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, đặt dưới quyền của Hội Hồng Nguyệt Mã Lai. Việc chính của tôi bấy giờ là phụ trách Phòng Phát Triển Cộng Đồng. Tết năm ấy, nhiều anh chị em tỵ nạn đã tạm quên những đau thương, lo lắng, cùng chúng tôi huy động nhau may cờ, làm đầu lân, dựng cây nêu. Cắm cúi ngồi vẽ thiệp Tết. Trên đảo lúc ấy có khoảng 2000 trẻ em không cha mẹ (unaccompanied minors), chúng tôi chia nhau tập dượt cho các em múa hát. Lại huy động các ca sĩ nhạc sĩ, các anh chị em nghệ sĩ trên đảo tự may y trang, tự tập dượt rồi trình diễn văn nghệ, có cả một vở kịch cải lương.
Đêm Ba Mươi, không có pháo, nhưng không ai bảo ai, mọi người đều vác gậy đập vào vách tôn, ầm ầm vang lên khắp đảo. Cảnh Sát Mã Lai cấm, nhưng bốn chục người Cảnh Sát Mã không thể nào ngăn được bảy ngàn người Việt gõ vách tôn trong phút Giao Thừa.
Sáng Mùng Một, chúng tôi đứng đón Xuân với bàn thờ Tổ Quốc dựng trên bãi biển. Vì có tổ chức các sinh hoạt Hướng Đạo cho thiếu nhi trên đảo, sáng hôm ấy chúng tôi cũng đeo khăn quàng, đứng với các em mặc đồng phục Hướng Đạo. Mọi người đều nghiêm trang như lúc Hướng Đạo Sinh tuyên hứa.
Đây là một bài thơ làm trong dịp Tết này, một cái Tết Không Quên.
Xuân Về Trên Đảo Bidong
Đêm Giao Thừa
bảy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa
Mùa xuân tới bao giờ?
Nhưng sau Tết ra sao
sẽ đi đâu
Đời tha hương vẫn những chuyến tàu
chờ đợi bao lâu?
Khi Tết đến vết thương mưng mủ
Vết thương đời mãi chẳng mọc da
Đạn vẫn nổ trong tim người
trong lịch sử
trên linh hồn, trên máu xương người lính cũ
Mảnh tâm tình tan tác trời xa
Những niềm đau như nứa tuốt thịt da
Nhìn về quê
Anh chị em
cô dì chú bác mẹ cha
Người yêu dấu
Bước ra đi chắc trọn đời xa cách
Mấy người đi
mà có ngày về
Nuốt tủi nhục
uống chung niềm cay đắng
Câu chuyện dài đã mấy chục năm
Bên kia người heo hắt lầm than
người mất hút xó rừng hốc núi tối tăm
Bên này người trôi giạt giữa đại dương
Biển sâu mất xác đảo hoang dựng mồ
Bé gái mười hai
mang thai hải tặc
Bé trai mười một đội vành khăn trắng
Mắt con thơ đẫm lệ
Tìm bóng cha chỉ thấy sóng bạc đầu
Cháu ơi
hãy xếp vành khăn lại
Một mai đây mang tới phương nào
Đêm Giao Thừa
bảy ngàn người đập vách tôn thay pháo
Tiếng vui mừng
xen lẫn buồn lo
Cơn ác mộng qua chưa?
Mùa xuân tới tự bao giờ?
Vui như Tết, nụ cười vẫn nở
Nỗi đau buồn đem giấu giữa trăng sao
Đêm hôm nay gió muôn trùng họp mặt
Đưa những thân dừa vươn ngọn tới trời cao
Mùa xuân đến tự bao giờ
Có nghe gió biển phất cờ đuôi nheo?
Dẫu trời chẳng nở cành mai
Nhìn ra hải đảo vẫn hay xuân về…
Nguyễn Bá Trạc - Pulau Bidong, tháng Hai, 1988