Ở một nơi chẳng biết bước thế nào
để tránh những mồ ma nằm dưới đất
Đại Lộ Kinh Hoàng xương người ngất ngất
máu nhuộm nâu đen xác rữa trăm ngày
Hải Lăng một ngàn chín trăm bảy hai
những cây số đường đau như tên gọi
người chết không có thời gian hấp hối
chết tan tành – chết bầm dập đó đây
Mẩu thịt dính trên bụi cỏ chòm cây
xương trắng hếu phơi dài trên quốc lộ
pháo đã rót theo dòng người chạy bộ
đạp lên xương – lội lên máu mà đi
Đại Lộ Kinh Hoàng vết thương Quảng Trị
có bao ngàn dân bỏ xác ven đường
Chạy Giặc Cầu Dài dấu nhấn tai ương
người Quảng Trị ngàn năm chưa quên hận
Bến Đá, cầu Dài phải đâu chiến trận
là đoạn đường giặc pháo xuống đầu dân
đoạn đường có cuộc bỏ phiếu bằng chân
người Quảng Trị chạy về Nam trốn giặc
Mấy mươi năm căm hờn xưa chôn chặt
mười bốn tháng ba ngày của tóc tang
đất Quảng Trị đầy một trời khói nhang
tế vong linh những người đã nằm xuống
Những cái chết bầy nhầy trên mặt ruộng
chết ở đường cùng chẳng chỗ che thân
những cái chết chỉ còn mỗi hai chân
lăn lóc đầu lâu – cái nguyên, cái nửa
Mồ nào chôn đất đai nào đủ chứa
đống thịt da mấy tháng giữa nắng mưa
lúc nhúc bọ giòi thối xong tới rữa
Đại Lộ Kinh Hoàng ai nhớ ai quên?
Người Quảng Trị trầm trầm gọi cái tên
“Chạy giặc cầu Dài – Cầu Dài Chạy Giặc”
đoạn đường đi qua như làn dao cắt
ngọt lịm dưới chân đau buốt tận đầu
Đại lộ kinh hoàng vết thương thật sâu
sâu đến nỗi nửa kỷ còn đau rát
Quảng Trị có một Cổ Thành tan nát
còn có đoạn đường của máu của xương.
Nguyễn Thanh Khiết
Tháng Ba 2019
viết cho bạn bè Quảng Trị của ta