.
Tung cánh chim tìm về tổ ấm...
- Lần này, hy vọng sẽ được la cà, gặp gỡ nhiều người...
Đường dài hơn mười nghìn cây số. Phải ngừng, đổi máy bay tại Doha. Chờ lâu, sốt ruột. Ngoài ra, cuộc hành trình chỉ còn... ăn uống, nghe nhạc, coi phim. Thỉnh thoảng bấm nút xem bản đồ, xem mình đang lơ lửng ở bầu trời nào.
Đầu óc bay nhảy. Mơ màng. Ngủ thiếp đi được gần một tiếng.

Ngã ba Trần Phú-Biệt Thự đang xây khách sạn Mường Thanh. Đồ sộ hơn toà nhà đang ngừng thi công tại ngã ba Trần Quang Khải.
Khách du lịch nước ngoài bây giờ phần lớn là người Nga. Điều này dễ thấy. Nha Trang bây giờ có trung tâm hướng dẫn du lịch cho người Nga. Nhân viên ngồi tiếp khách là người Nga. Mấy đường lớn nhan nhản tiệm ăn trưng bảng, thực đơn bằng tiếng Nga.
Có lần ghé vào một tiệm, tò mò xem có món gì, giá bao nhiêu. Chẳng hiểu gì cả. Toàn tiếng Nga.
- Mời cô chú vào. Bên trong có... tiếng Việt.
Hàng quán Nha Trang rủ nhau hạ bệ tiếng Anh, thay bằng tiếng Nga. Không biết có phải vì vậy mà số du khách người Âu, không phải Nga, mấy năm nay cứ giảm?
Bà bạn người Pháp hơi bực mình, không mặn mà với khu "phố Nga". Đòi đến khu "phố Việt".
- Hôm nay đi thăm chùa Long Sơn. Ăn cơm chay Thiền Duyệt. Leo lên xem tượng Phật, khu để tro thờ vong. Tha hồ chụp ảnh.
Góc đường Trần Phú-Biệt Thự có trạm Thanh niên tình nguyện (?) (tôi không nhớ rõ tên). Hai thanh niên bắc ghế ngồi chơi, khi nào có du khách, người lớn tuổi, sắp qua đường thì sẵn sàng đứng lên giúp.
Một người cầm bảng stop giơ lên, ra hiệu cho xe ngừng. Thực tế thì chả có xe nào ngừng, chỉ chạy chậm lại thôi. Đủ an toàn cho người qua đường.
Buổi trưa hôm ấy tôi lang thang chụp ảnh quanh Tháp Trầm Hương. Lúc trở về khách sạn, tay cầm máy ảnh, mắt trước mắt sau chờ qua đường. Một "thanh niên tình nguyện" đứng gần đó chạy lại, dắt tôi qua đường. Tôi cảm động, cám ơn.
Nhưng mấy lần sau, hai người thanh niên chỉ ngước nhìn tôi. Không đứng lên giúp. Mấy ông bà người nước ngoài, cười nói líu lo thì vẫn tiếp tục được đưa qua đường. Sực nhớ... Năm ngoái, chúng tôi cũng được giúp qua đường tại chợ Bến Thành Sài Gòn. Cũng chỉ được một lần.
Hay là dịch vụ giúp người qua đường chỉ dành cho khách nước ngoài? Chúng tôi bị lộ chân tướng là người Việt nên không được giúp nữa?
***
Chương trình có mục đi Khánh Vĩnh thăm một gia đình...
- Anh chị đi đến vùng sâu, vùng xa, nên thuê xe theo hợp đồng. Mẹ con nhỏ A. bây giờ lái taxi, để em hỏi cho anh chị.
Đúng hẹn, xe đến đón chúng tôi tại khách sạn.
- Con chưa lái đi Khánh Vĩnh bao giờ. Cô chú có biết đường không? Không biết thì con sẽ hỏi dọc đường.
- Con lái taxi lâu chưa?
- Được ba tuần. Con có lái đi xa, đi phi trường Cam Ranh rồi.
- Con có bằng lái từ bao giờ?
- Ba tuần. Cùng ngày nhận lái taxi. Số con may mắn lắm. Kể cô chú nghe cho vui.
Con có ông anh lái taxi, giới thiệu con với hãng từ trước khi con có bằng. Hãng bằng lòng, hứa khi nào con có bằng thì nhận. Lúc đó con mới ghi tên học lái. Học đàng hoàng, nghiêm chỉnh. Bữa thi lấy bằng, con may mắn gặp thầy tốt, thi được liền. Không phải tốn thêm tiền.
- Có người đi thi phải tốn thêm tiền sao?
- Bạn con thi với thầy khác. Bị thầy la đủ thứ. Lái xong, thầy thi bảo đi gặp thầy dạy. Thầy dạy nói ngay là nó lái dở, bị la nhiều phải không? Thầy bảo nó phải học thêm, thi lại. Phải tốn thêm tiền. Mà thi lại cũng chưa chắc đã đậu.

Cuối cùng, thầy khuyên nó chiều nay mang tiền (thầy giơ mấy ngón tay ra dấu) đến gặp thầy tại trường, sẽ có bằng. Bạn con phải tốn thêm tiền, là như vậy đó. Đậu rồi, con mang giấy chứng nhận tới hãng taxi, hãng nhận liền.
- Tụi con phải chịu trách nhiệm nếu làm hư hỏng xe. Tổng đài có máy định vị theo dõi từng xe. Anh nào dẫn khách đi loanh quanh bị phát hiện là bị phạt. Đi xa phải cẩn thận. Nắng ráo, càng phải cảnh giác.
- Tại sao vậy?
- Trời nắng, cảnh sát giao thông làm việc hăng hái lắm. Trời mưa, anh nào cũng ngại ra đứng đường... Tụi con ăn lương tính theo tiền thu được. Thu nhiều được thưởng. Con lái hai ngày, nghỉ một ngày. Hãng cho phép bọn con lái thế cho nhau.
Tuần vừa qua, nhằm ngày con nghỉ nhưng có người quen muốn con chở ra phi trường. Con chở rồi khai cho ông anh. Khi nào con bị kẹt, ông anh lái thế cho.
Chuyến đi an toàn, thoải mái. Về đến khách sạn, cô tài xế bấm điện thoại, xem giá tiền. Rẻ hơn số ghi ở công-tơ.
Xế chiều, đang dạo chơi phố Trần Phú bỗng một chiếc xe "hai cầu" (4x4) to tướng xịch đỗ sát lề. Hai người xách đồ, chạy xuống mở cửa cho một nhà sư ngồi phía trước. Hai người khác từ trong khách sạn chạy ra đón tiếp. Tôi tò mò lại gần chiếc xe Hoa Kì, đọc mấy chữ "xe thầy hội trưởng" dán trên tấm kính.
***
Quy Nhơn...
Thành phố Quy Nhơn "Sáng Xanh Sạch Đẹp", có khu du lịch Ghềnh Ráng mát mẻ. Có đường Mộng Cầm thoai thoải dốc, dẫn khách lên thăm mộ Hàn Mặc Tử. Mộ không hoành tráng, không màu mè. Nằm giữa thiên nhiên, hoa lá. Hiền hoà, thanh thoát. Gần mộ có cửa hàng lưu niệm Bút lửa thơ Hàn của nghệ sĩ Dzũ Kha. Thơ Hàn Mặc Tử được bút lửa chép lên gỗ. Khách hàng có thể yêu cầu viết thêm tên mình dưới câu thơ. Như chính mình là tác giả.
Ghềnh Ráng còn có Bãi tắm Hoàng Hậu. Dân gian gọi nôm na là Bãi Trứng. Bãi chỉ có "trứng đà điểu, trứng khủng long" bằng đá, không có cát.
Tương truyền Nam Phương Hoàng Hậu có lần tắm tại đây. Truyền thuyết hay nhưng hơi khó tin. Bãi tắm Hoàng Hậu ngày nay có xây bậc thang, có chỗ vịn tay dẫn du khách xuống bãi đá hoang sơ. Cạnh lối đi có treo bảng... cấm tắm vì nguy hiểm! Du khách thư giãn dưới bãi xong, có thể lên Nhà hàng Hoàng Hậu ăn uống. Không thấy giới thiệu Hoàng Hậu Nam Phương có ăn uống ở đây.
Bản đồ du lịch Bình Định (in năm 2010) giới thiệu nhiều làng nghề truyền thống, nhiều danh lam thắng cảnh. Chúng tôi chấm Khu du lịch Suối nước nóng Hội Vân, cách Quy Nhơn khoảng 40 cây số.
Đón xe buýt. Hỏi thăm xung quanh phải đi xe số mấy? Rốt cuộc lên đại một xe. Xe này không đi tới Suối nước nóng, dọc đường phải xuống, đón xe khác. Chưa hết...
- Các bác xuống Ngã ba Phù Cát, rồi hỏi đường đi tiếp độ 3, 4 cây số. Nắng thế này, đi bộ... không được đâu. Nghe nói suối vẫn còn khô cạn mà?
Xe thả chúng tôi tại Ngã ba Phù Cát. Sau hai, ba lần quẹo phải, quẹo trái, chúng tôi tới được con đường đi Suối nước nóng. Đường nắng chang chang. Thỉnh thoảng có xe máy chạy qua. Cứ đi hết con đường này là đến nơi. Không thắc mắc. Du lịch sinh thái đang vẫy gọi...
Đang đi bà bạn bỗng đòi tạt vào một bụi cây. Vợ chồng tôi vừa đi vừa chờ bà. Từ xa, một chiếc xe máy đang phóng tới. "Nhà tôi" ngoắc tay. Xe ngừng lại.
- Anh ơi, đến Suối còn xa không?
- Còn độ hai, ba trăm mét.
Cặp vợ chồng rồ máy chạy. Nhưng bất ngờ, độ mười giây sau, xe quay trở lại. Trên xe chỉ có người đàn ông. Người vợ đứng chờ đằng xa.
- Mời hai bác lên, cháu chở hai bác đến Suối.
Chúng tôi hơi ái ngại. Người đàn ông khẩn khoản mời thêm một lần nữa. Không khách sáo, "nhà tôi" ngồi lên xe. Tôi chờ đi bộ với bà bạn.
Mấy phút sau, xe chạy trở ra. Tôi chỉ kịp vẫy tay chào cám ơn người đàn ông không quen biết, tình cờ gặp nhau trên con đường nắng chói.
Khu du lịch chỉ có trơ trọi một chiếc cầu và con suối nhỏ. Bờ suối được kè đá. Có hai mạch nước nóng ngầm chảy ra. Xung quanh mạch được xây một lớp gạch, trét xi-măng. Suối nước nóng lúc này trông như "nồi nước sôi", sâu độ nửa mét, lăn tăn sủi bọt.
- Nước có nhiều chất khoáng, rất tốt cho sức khoẻ. Bỏ trứng vào, hai chục phút là chín.
Giữa lòng suối có lắp đặt máy bơm để đưa nước khoáng đến Trung Tâm Phục Hồi Sức Khoẻ nằm cách đó độ 50 mét. Nhưng máy bơm, ống dẫn nước đã bị gỉ phủ kín. Không biết có còn dùng được không?
Giữa tháng 9, suối khô cạn trơ đá và rác thải. Bờ bên kia có chỗ giữ xe. Bờ bên này có quán nước. Khách du lịch hôm nay chỉ có 3 đứa chúng tôi. Quán nước có bốn người quen biết nhau ngồi chơi bài. Dưới gầm bàn ngổn ngang lon bia rỗng.
Đảo mắt tham quan xong, chúng tôi gọi nước uống. Lấy sức để... quay về Quy Nhơn.
***
Đà Lạt...
Lần trước đã đi xem thác Prenn, thăm chùa Linh Sơn. Lần này chúng tôi đi chơi thác Datanla, thăm Thiền viện Trúc Lâm, Thiền viện Vạn Hạnh.
Thiền viện Trúc Lâm to đẹp nhưng đã trở thành một điểm đến của du lịch. Khá ồn ào, lộn xộn. Mặc dù có nhiều bảng yêu cầu giữ yên lặng, không bước lên cỏ, không ngắt hoa. Nhưng tuổi trẻ vốn hồn nhiên, năng động, không để ý đến mấy... chuyện nhỏ. Chỗ này cười đùa, gọi nhau ơi ới, chỗ kia kéo nhau vào vườn hoa chụp ảnh. Vin cành, ngắt hoa.
Từ chùa, có lối đi uốn lượn giữa rừng thông dẫn xuống hồ Tuyền Lâm. Thơ mộng, vắng vẻ, tĩnh mịch. Bỏ lại sau lưng những ưu phiền nhỏ nhặt.
Thiền viện Vạn Hạnh vắng du khách, có vẻ trang nghiêm hơn. Chùa có tượng Phật ngồi, tay cầm bông sen, miệng mỉm cười, được đúc năm 2002. Tượng cao 24,5 mét.
Nhớ lại...
Năm 1963, bà con Sài Gòn trầm trồ kháo nhau đi hành hương Vũng Tàu, viếng thăm Thích Ca Phật đài. Cùng nhau chiêm ngưỡng pho tượng Phật ngồi kiết già cao 10,2 mét. Một kỉ lục của thời đó.
Nhưng chẳng bao lâu kỉ lục đã bị phá. Năm 1965, chùa Long Sơn, Nha Trang đúc tượng Phật ngồi tòa sen cao 21 mét.
Năm 2002, Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt, lại phá kỉ lục. Tượng Phật niêm hoa vi tiếu cao 24,5 mét.
Năm 2010, chùa Linh Ứng, Đà Nẵng lập kỉ lục phi thường, khó bị phá. Tượng Phật Bà Quan Âm của chùa cao 67 mét!
Chẳng lẽ chùa Việt Nam nhiễm thói ganh đua lập kỉ lục?
Có người than rằng tượng cao quá thì phải đứng xa mới chiêm ngưỡng được Phật. Lại gần, ngửa cổ lên nhìn cũng không thấy rõ, thấy hết mặt Phật.
Theo thói quen, trước khi trở về Pháp, chúng tôi dành hai ngày cuối để thăm viếng Sài Gòn. Mua sắm trong chợ Bến Thành. Ăn kem Bạch Đằng.
Năm nay Sài Gòn kỉ niệm 70 năm ngày Nam Kì Kháng Chiến. Cuối tháng 9, đó đây còn treo biểu ngữ. Ngã tư Nguyễn Huệ-Lê Lợi tiếp tục cấm xe cộ. Du khách phải đi ven theo hàng rào bằng tôn của công trường đang thi công. Thương xá Tax im lìm, không đèn đóm. Đóng cửa chờ ngày được đập phá.
Dường như để lấp cho đầy cái khoảng trống của buổi trưa "nắng ấm", thiếu tiếng còi xe, thành phố cho mọi người nghe nhạc. Cả khu phố được nghe mấy bản nhạc xưa.
Lúc này đang Tiến về Sài Gòn.
Bài hát gợi nhớ buổi Văn nghệ Tết tại nhà Mutualité, Paris năm nào. Nhớ Tiến về Sài Gòn của đám sinh viên. Tập hát sao cho đúng, cho có tình cảm là được. Hợp ca tài tử ngày ấy không hùng mạnh như giọng ca nam chuyên nghiệp hôm nay. Của đáng tội, sân khấu ngày ấy làm gì có máy tốt, hét khoẻ như bây giờ.
Bà bạn nhăn mặt, ra dấu bị ù tai, tức ngực, muốn thoát khỏi vùng "tâm chấn". Đường Nguyễn Huệ đổi mới, lạ mắt. Không còn hàng cây, quán cóc.
Một nhóm trẻ đang chụp hình, đùa giỡn. Bài hát kết thúc... Giải phóng thành đô!
- Đố các bạn Thành phố Hồ Chí Minh ngoài tên Sài Gòn, còn có danh hiệu gì khác?
- Sài Gòn xa hoa...
- Hòn ngọc Viễn Đông...
- Thành đô... Thành đồng...
- Đề nghị bỏ tên Thành đồng... tôn vinh Thành đô!
- Bạn hơi bị nghèo mà ham từ hồi nào dzậy?
***
Tối nay được vợ chồng đứa cháu họ mời ăn cơm. Nhà ở đường Phạm Ngũ Lão. Gần khách sạn đường Bùi Thị Xuân. Chúng tôi rủ nhau thủng thẳng dạo chơi đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám, xuống ngã sáu Phù Đổng.
Hè phố đường Cách Mạng Tháng Tám cũng như nhiều hè phố khác. Khấp khểnh, chật chội. Xe đỗ ngổn ngang. Bàn ghế bày chắn. Tuyến phố văn minh chỉ nhường cho người đi bộ một lối đi ngoằn ngoèo, đứt đoạn.
Mấy năm trước hai vợ chồng đi cạnh nhau. Lần này có thêm bà bạn. Ba người đi cạnh nhau, hè nào chứa cho hết? Tôi đành phải nổi máu "nịnh đầm", để hai bà đi trước, mình theo sau. Nhờ có "khoảng cách cần thiết" như vậy tôi mới thấy được... nguy hiểm trước mắt.
Đường Cách Mạng Tháng Tám lúc nào cũng đông xe. Khoảng 5, 6 giờ chiều thì... kẹt xe. Xin lỗi. Kẹt xe là nói theo kiểu bình dân, có người phê bình là thiếu chính xác.
Theo giải thích của bên trên thì Sài Gòn không kẹt xe! Chỉ bị dồn ứ xe thôi. Xe còn nhúc nhích được là chưa bị... tắc hay kẹt. Khi nào xe bị đứng một chỗ từ 30 phút trở lên mới gọi là bị kẹt, bị tắc.
Nói tóm lại, trên toàn thế giới chưa có thành phố nào bị kẹt xe theo đúng nghĩa của ta.
Đối với một số khá đông người lái xe hai bánh thì vấn đề kẹt xe chẳng cần phải bàn cãi. Khi nào kẹt xe dưới đường thì chỉ việc leo lên hè mà chạy là xong. Vừa phóng vừa bóp còi inh ỏi, bắt người đi bộ phải coi chừng kẻo bị xe tông.
Đầu đường đèn đỏ. Xe dồn ứ. Tôi bỗng giật mình. Một chiếc xe vừa lạng vừa phóng, suýt đâm vào "nhà tôi". Lập tức, không kịp nghĩ ngợi gì, tôi đứng khựng lại giữa hè đường. Dang tay. Miệng hét. Ra hiệu bắt giòng xe chạy xuống đường.
Mấy anh bảo vệ, vai áo gắn đầy lon, ngồi chơi, hút thuốc quanh đó quay sang nhìn tôi làm trò hề lố bịch. Chính tôi cũng không ngờ mấy tay lái xe ngổ ngáo, không coi người đi bộ ra cái gì, đến lúc bị quát mắng lại nhũn như con chi chi, hiền như đám cừu con. Răm rắp theo nhau xuống đường.
Đèn bật xanh. Đám xe bị ứ đọng được mở nút, chảy ào như nước lũ. Bên phải bên trái chen lấn nhau mà chảy.
- Tiếc rằng lúc nãy không có máy quay phim để quay "người hùng" đứng chặn xe chạy bậy giữa thành phố Sài Gòn. Trông như Charlot của Thời mới (Les temps modernes)!
- Oai như... bù nhìn đuổi chim!
- Thú thật là làm xong rồi mới... sợ! Lúc đó mà có đứa nào chạy ẩu, đụng phải mình, không chừng mình lại bị buộc tội làm cản trở giao thông thì phiền lắm! Không hiểu tại sao mình lại "điên khùng... bất đắc dĩ" như vậy? Tỉnh táo thì đâu dám xía vô chuyện của cảnh sát giao thông.
Đi trên hè đường chưa hoàn toàn yên tâm. Nhưng chưa đến nỗi. Sang đường mới... hồi hộp. Đèn đỏ, người đi bộ đứng chờ. Đúng luật đi đường. Đèn xanh, người đi bộ bước xuống đường... Coi chừng! Xe đằng sau xông lên quẹo phải, xe phía trước mặt rồ tới quẹo trái. Không hiểu luật giao thông nước ta quy định như thế nào, chỉ nghiệm ra rằng người đi bộ phải tránh xe cộ để khỏi... gây ra tai nạn. Nên nhớ câu mạnh được, yếu thua.
Đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám không có đèn xanh đèn đỏ. Thế mới gay. Muốn sang đường thì... phải liều.
Lúc ngồi vào bàn ăn cơm, tôi than phiền chuyện xe cộ vừa qua. Thằng cháu cười:
- Thỉnh thoảng cháu cũng chạy xe trên hè. Tỉnh bơ. Coi như chuyện bình thường. Té ra là xâm phạm quyền lợi của người đi bộ. Thiếu văn minh.
- Mời mọi người cụng li. Bác Dư "làm" Budweiser hay Heineken?
- Ta về ta uống bia ta, Dù say, dù tỉnh bia nhà vẫn hơn. Có Sài Gòn đỏ không?
Cả nhà cười vang.
Mọi năm đi xe buýt ra phi trường Tân Sơn Nhất. Xe chạy qua mấy đường lớn. Lần này phải đi taxi vì va-li của bà bạn cồng kềnh quá. Nhờ vậy, biết thêm nhiều đường khác.
- Cô chú có thấy thành phố thay đổi không?
- Thay đổi nhiều lắm. Bùng binh chợ Bến Thành không còn tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang. Xây cất thêm nhiều nhà cao tầng. Chú khoái nhất là có nhiều cửa hàng bán giá nhất định, khỏi trả giá. Đỡ thua thiệt cho khách hàng.
- Bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi. Đời sống cũng thay đổi nhiều lắm...
Thoáng thấy bảng Trường quốc tế. Tôi tò mò hỏi tại sao lại gọi như vậy?
- Trường quốc tế vì có người nước ngoài dạy. Mắc lắm chú ơi.
- Có tiền, đầu tư cho tương lai con cái là biết nhìn xa...
- Ai biết tương lai ra sao? Bọn con đầu tư cho con cái tới được cấp hai, cấp ba đã hụt hơi rồi. Học trường, học thêm, nộp phí, đóng góp, lo muốn chết. Phải có tiền mọi chuyện mới xong, chú ơi. Có tiền mua tiên cũng được.
Phi trường lấp ló xa xa.
- Lần sau cô chú về chơi, chắc còn thay đổi nhiều hơn nữa.
Ngừng một lát, cô tài xế lầm bầm như nói với chính mình:
- Có thay đổi mới thay đổi.
Tôi ngoái cổ nhìn nhà cửa xung quanh.
***
Máy bay cất cánh. Về Pháp.
Sông Sài Gòn uốn lượn dưới kia. Nhà Bè nước chảy chia hai. Nhà chọc trời xen kẽ xóm bình dân.
Chợt nhớ bài học Chỗ quê hương đẹp hơn cả: "Một người đi du lịch đã nhiều nơi...". Phân vân tự hỏi: Quê hương đẹp như Hà Nội, Sài Gòn hay Lyon?
Người ơi người ở đừng về... Về Việt Nam hay về Pháp?
Nguyễn Dư