User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Thế nào tôi cũng phải viết một chút gì đó để tưởng niệm con Minô. Nó là người bạn thân thương nhất của tôi thời thơ ấu và tôi nhớ nó cho đến tận bây giờ, hơn nửa thế kỷ qua rồi chớ ít gì.
Minô có hình dáng giống như những con chó nhà quê khác, không to cao như những con chó săn, không lùn nhỏ như những con chó kiểng. Nó có bộ lông trắng đệm những đốm đen hơi ngả màu xanh sẫm. Lớp lông ngắn của nó không che được bộ xương sườn và bốn bắp chân rắn chắc. Bộ móng chân của nó nhọn và đen tuyền, hai tai lúc nào cũng vểnh lên như đang nghe ngóng và cái mũi đen hỉnh hỉnh có mấy sợi râu động đậy không ngừng. Đôi mắt nó tròn, đen như hai cái hột nhãn, thường ngước nhìn tôi rất hiền lành, đôi khi tưởng chừng như có nước mắt trong đó.      

Con Minô với tôi như hình với bóng. Bất cứ tôi đi đâu, ban ngày hay ban đêm, vừa bước ra khỏi nhà là nó từ đâu không biết, rột chạy theo tôi. Nó thường chạy đàng trước, thỉnh thoảng giở cẳng sau xón một chút vào bụi cây bên đường rồi đi tiếp- không biết có phải đó là cách nó làm dấu để nhận đường về. Đang đi, có khi nó chạy biến vào vườn nhà người ta, sục sạo cái gì đó. Tôi tưởng nó đi chơi lối khác mà không phải, lát sau lại thấy nó hào hển chạy về. Lại có khi tự nhiên nó hứng chí co chân nằm kềnh ra đất, lăn qua lăn lại cho bụi bay mù. Tôi la Minô, Minô, chắc nó hiểu tôi đang rầy, nên đứng dậy lại gần tôi, mũi khịt khịt, miệng kêu ử ử như đang nhõng nhẽo.

Má tôi thường sai tôi đi tiệm. Dì Hai chủ tiệm tạp hóa thấy con Minô chạy vô cửa là biết có tôi theo sau. Hình như nó cũng bồ bịch với mấy cô bạn lối xóm, gặp nhau là hửi hửi nhau rất thân mật, có khi còn làm chuyện tình tự lăng nhăng nữa. Thỉnh thoảng nó cũng vác... cẳng chạy rong nhưng không đi lâu bao giờ. Chỗ thường nằm của nó là dưới mái hiên, cạnh cái ghế phô-tơi tôi hay ngồi. Tôi đi học ở tỉnh, mỗi khi về nhà quê là chiếm đứt cái chỗ này để ngồi đọc truyện Tàu, hết bộ này sang bộ khác. Nhiều lúc tôi mải mê theo Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh tận bên Thiên Trúc hoặc theo Chung vô Diệm đi đánh Nam dẹp Bắc mà con Minô vẫn kiên nhẫn nằm đợi tôi. Đến bữa ăn nó vẫy đuôi chạy theo tôi vô bếp. Tôi lấy cho tôi một tô và xúc cho nó đầy một mũng dừa cơm, chan chút nước thịt hoặc nước cá. (Tôi thường lén má tôi giấu trong cơm ít thịt cá cho nó). Trừ những bữa ăn chung với cả nhà trên bộ ngựa, tôi hay ngồi ở ngạch cửa vừa ăn vừa ngắm trời ngắm đất. Con Minô với cái mũng dừa cơm bên cạnh. Nó ăn xoẹt một cái đã hết và thè lưỡi liếm cái mũng dừa sạch bóng. Có cục xương nào liệng cho, nó mừng húm tha đi, gậm lột rột. Má tôi hay khen con Minô không ăn vụng, nhiều khi bà để quên nồi thức ăn không đậy hoặc quên miếng thịt, con cá ngoài sàn nước, nó đứng gừ gừ mà không dám ăn mất của bà. Hình như nó nhận ra được thức ăn nào chúng tôi muốn cho nó. Má tôi còn khen nó biết giúp chúng tôi rượt gà mỗi lần nhà có khách đến ăn cơm. Muốn bắt gà đãi khách tình cờ, má tôi vãi một nắm lúa ra sân, miệng tục tục dụ đàn gà đến, nhắm một con vừa mắt rồi chụp bắt. Nhưng thường là con gà chạy vuột, cả nhà phải rượt theo. Con Minô cũng rượt. Cho đến khi con gà mệt lả, lủi vào một bụi cây. 

alt

Tôi nhớ nhất những lần con Minô theo tôi đi chợ khuya. Chợ ở nhà quê họp từ lúc trời còn tối mờ mờ; mặt trời lên chưa được ba sào chợ đã tan rồi. Những ngày nghỉ học về nhà quê tôi hay giúp má tôi đi chợ. Hình như lúc đó nhà tôi chưa có đồng hồ ré, má tôi canh gà gáy đủ ba hiệp thì kêu tôi thức dậy, ra đến chợ là vừa đúng lúc chợ họp. Một đêm má tôi chưa kêu nhưng tôi chợt thức giấc, nhìn ra ngoài song cửa thấy trời sáng quá, tưởng đã trễ nên tôi rột dậy thay đồ rồi xách giỏ hối hả ra đi. Con Minô lúp xúp chạy theo tôi như thường lệ. Tôi ngước nhìn lên thấy mặt trăng giữa đỉnh trời cũng đang đi theo tôi. Trăng chưa xế là đêm hãy còn khuya lắm, gà chưa gáy hiệp nào, tôi tưởng trời sáng mà ra là trăng sáng. Trên đường chưa có ai đi và dưới sông cũng chưa có chiếc xuồng nào bơi ra chợ.   
Chỉ có tôi với con Minô giữa đêm khuya khoắt. Tôi nghe lạnh xương sống khi đi đến khúc đường nhà ông Hương hào Cẩn. Nghe nói nhà này có ma. Cứ chạng vạng người ta thấy những con đôm đốm to bằng đầu ngón tay, bay xắn vào vách bổ kho mà tiếng kêu vang dội như tiếng búa nện vào quan tài. Nhớ đến chuyện này chân tay tôi như quíu lại. Đúng lúc đó trời bỗng dưng tối sầm, một đám mây kéo qua che khuất vầng trăng. Lại còn có tiếng cú rúc ghê rợn trong đục vườn nữa chớ. Trời ơi, nếu không có con Minô chắc tôi chết giấc ngay tại chỗ. Tôi sợ ma lắm nhưng chợt nhớ ai cũng nói ma sợ chó, có con Minô ở đây thì chắc không con ma nào dám đến gần tôi. Với đầu óc của một đứa nhỏ chín mười tuổi, tôi tin như vậy. Và tôi tới bến đò chợ bình yên. Còn sớm quá, chưa có khách nào nên tôi phải đợi một lúc lâu mới thấy chiếc đò từ bên chợ chèo sang rước khách. Tôi xuống đò còn con Minô đứng trên bờ nhìn theo. Tôi biết trong khi chờ tôi, nó đi lăng quăng đâu đó hay là sục sạo mấy bụi cây trong vườn. Đến khi tôi trở về, từ đò bước lên bến là nó sẽ từ đâu vọt ra, ngoắc đuôi chạy theo tôi như thường lệ. Tội nghiệp cho Minô nhất là những lần nó theo tôi ra bến đò, tôi sang đò rồi đi tiếp để đón xe lên tỉnh học, còn nó phải về một mình. Khi từ giã, tôi ôm đầu nó vỗ về và làm hiệu cho nó hãy về đi, đừng đợi tôi. Không biết nó hiểu được bao nhiêu nhưng vẫn đứng trên bến nhìn theo. Không biết nó đợi tôi bao lâu rồi mới chịu lủi thủi trở về. May là thời đó trong làng không có ai bắt trộm chó làm thịt nhậu hay để bán cho hàng ăn quán nhậu như bây giờ, nên lần nào nó cũng về nhà bình an vô sự.
 
Ngoài việc làm bạn với tôi, con Minô coi nhà cho má tôi cũng chu đáo lắm. Ban ngày, nó nằm lim dim ngoài hàng ba nhưng đánh hơi có người lạ là nó nhổm dậy chạy ra ngay. Khách quen tới nhà hay người đi đường chỉ ghé qua uống gáo nước trong cái lu để sát hàng ba thì nó sủa sơ sài, nhưng có người lạ vào nhà là nó gầm gừ và sủa hăng hái lắm. Ban đêm nó cũng nằm ngoài hàng ba nhưng thường lăng xăng chạy tới chạy lui trong sân trong vườn, lúc gâu gâu một con chuột, một con cóc, hoặc một người cầm bó đuốc đi qua đường. Có khi nó sủa hùa với những con chó khác. Đêm ở nhà quê có tiếng chó văng vẳng làm cho người ta hoang mang nhưng cũng theo dõi được động tỉnh ở nơi nào, kẻ gian khó lòng đào hầm, khoét vách. Mỗi lần đi đâu xa lâu, má tôi gởi gạo cho mợ Sáu ở gần nhà, dặn mợ mỗi ngày nấu dư chút cơm và kêu giùm con Minô qua cho nó ăn. Mợ kể lại nó ăn xong rồi thì lại chạy về nằm canh nhà ở cái hàng ba quen thuộc.
 
Mỗi mùa hè tôi lại về quê, có con Minô làm bạn. Cho đến một lần tôi về bỗng thấy nó uể oải hơn, không còn hăng hái chạy theo tôi mà hay nằm lừ đừ. Bắp chân nó không còn săn chắc, lông cũng thưa đi và trên da xuất hiện mấy mụn ghẻ. Tiếng sủa của nó như mệt mỏi hơn. Rồi một đêm nó cất tiếng tru. Giữa đêm khuya mà nghe tiếng chó tru không gì ghê rợn bằng, giống như tiếng ma kêu quỷ hờn. Chắc là nó đang đau đớn lắm đây. Chắc là nó đang rên, đang khóc với tôi đây. Nhưng tiếng tru của nó làm tôi sợ hãi đến nỗi không thể nào cất bước tới gần để vỗ về, an ủi nó. Tôi không làm gì được cho con Minô của tôi. Má tôi nói nhà có chó tru là điềm xui xẻo, là tàn mạt, phải đem bỏ nó ngoài cồn. Trời ơi, tưởng tượng phải đem bỏ con Minô của tôi ngoài cồn giữa bờ hoang bãi vắng giữa mênh mông sóng nước. Nó sẽ chết đói, chết lạnh, chết trong đau đớn một mình. Những tiếng rên, tiếng khóc cuối cùng của nó sẽ thê thiết biết dường nào. Tôi năn nỉ má tôi cứ để cho nó ở lại nhà, biết đâu nó sẽ lành bệnh, hết tru. Nhưng càng ngày nó càng tru nhiều hơn, đêm không ai ngủ được. Cuối cùng má tôi mướn người chở nó thả ra ngoài cồn. Tôi đau lòng đứt ruột nhìn người ta đến trói nó lại, gióng nó xuống chiếc tam bản. Nó nhìn tôi, tưởng như có nước mắt đầy tròng. Tôi cuộn theo cho nó cái bao bố tời và xúc cho nó một thau cơm, lần sau chót, thau cơm có chan vài giọt nước mắt của tôi trong đó. Chiếc tam bản chèo đi. Trên bờ, tôi chạy theo, chạy theo, nhìn theo nó cho đến khi khuất dạng.
 
Cuộc chia ly đầu đời của tôi với con Minô đau lòng như vậy, không biết chia ly với những người thân yêu của tôi còn đau lòng đến thế nào đây.

Khánh Hà
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com