User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

 Dương Kiền vừa là tên thật vừa là bút hiệu. Sinh ngày 28-12-1939 tại Huế. Tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1962 và sau đó gia nhập Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn. Ngày tuyên thệ vào nghề Luật Sư là ngày 16 tháng 8 năm 1962.

Vào tháng 2 năm 1968 Dương Kiền nhập ngũ theo lệnh tổng động viên và sau đó đảm nhiệm chức Phó Ủy Viên Toà Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu 2.

Về phương diện văn hóa Dương Kiền đã viết văn từ ngày ở Hà Nội trên tuần báo Cải Tạo và Nhân Loại (của cố thi sĩ Đông Hồ xuất bản ở Sài Gòn). Vào năm 1966 Dương Kiền tự xuất bản tác phẩm đầu tay là tập Thơ “Thú Đau Thương”. Dương Kiền đoạt được Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc bộ môn Kịch năm 1966 với kịch bản “Sân Khấu”. Dương Kiền cũng là chủ bút sáng lập tạp chí Văn Học từ 1962 tới 1965 (Chủ nhiệm là Phạm Kim Thịnh).

Các tác phẩm của Dương Kiền:

1- Thú đau thương (thơ, tự xuất bản, 1960)
2- Biển trầm lặng (truyện dài, NXB Đông Phương, 1965)
3- Kẻ xa lạ (dịch, NXB Bốn Phương, 1965)
4- Sân khấu (kịch, NXB Văn học, 1965)
5- Máu của mẹ (truyện ngắn, NXB Thứ tư, 1966)
6- Người tù sa mạc (dịch, NXB Thứ tư, 1968)
7- Mùa gặt giữa hư vô (thơ, NXB Tiếng Việt, 1991)
8- Việt Nam thế kỷ 20 (biên niên sử, NXB Tiếng Quê Hương, 2005)

Tạp chí Phổ Thông trong loạt bài “Người Của Năm 1974” thực hiện nhân kỷ niệm 20 năm (1955-1975) đã viết về Dương Kiền như sau:

“Trong năm 1974, mặc dù là một quân nhân với mọi trói buộc về quân kỷ Dương Kiền vẫn tự đặt mình trước trách nhiệm của một công dân, trách nhiệm đơn thuần nhất nhưng cũng thiết yếu nhất của mỗi người chúng ta.
Trước cao trào đấu tranh của làng văn làng báo cho quyền tự do báo chí và xuất bản, nhân danh một người cầm bút đã phải gác bút từ 5 năm nay vì sự trói buộc độc đoán của chế đô hiện hữu, Dương Kiền đã nhận làm thuyết trình viên trong một hội thảo của Liên Minh Dân Chủ Xã Hội (khối Công Nông) Khánh Hòa, Nha Trang ngày 23-9-1974 về quyền tự do ngôn luận, xuất bản và báo chí.
Ngày 01-10 với tư cách một luật sư có tên trong danh biều Luật Sư Đoàn Sài Gòn, anh ký tên vào quyết nghị của nhóm luật sư tranh đấu đòi hủy bỏ các sắc luật vi hiến về tự do báo chí, tự do nghiệp đoàn và các nhân quyền căn bản khác.
Về hậu quả sau việc làm đó là anh bị 30 ngày trọng cấm. Và nếu không có phản ứng của Trung Tâm Văn Bút, báo chí Sài Gòn, có lẽ anh đã bị nhiều biện pháp chế tài khác.
Dù đang ở trong vòng quay của quân đội nhưng anh (…) không thể không công khai bày tỏ thái độ. Dù biết trước hậu quả sẽ phải hứng chịu. Vì lương tâm không cho phép anh im lặng.”

Sau tháng 4 năm 1975 Dương Kiền bị đi tù “học tập cải tạo” một thời gian mất mấy năm và khi được ra khỏi trại tù thì vượt biên năm 1979 và sau đó định cư ở Na Uy.

Trước Toà Thượng Thẩm Sài Gòn sáng ngày 16-8-1962 khi cùng mặc áo đen và giơ tay tuyên thệ để vào nghề “thầy kiện” thì hôm đó chỉ có 2 người là Dương Kiền và tôi. Bởi thế tại hải ngoại khi nghe ông bạn báo tin vui đã tới tuổi “thất thập” tôi có nổi hứng “múa rìu qua mắt thợ” làm bài thơ sau gửi cho văn thi sĩ Dương Kiền để gọi là có chút tình… văn nghệ:

Kiền Ơi!

Người xưa "thất thập cổ lai hi".
Người nay bẩy chục ta với mi.
Bạn bè "khứa lão" cùng trang lứa
Nhìn quanh cũng thấy chẳng hiếm chi!

Cạnh nhau "tuyên thệ" buổi xưa xa
"Thầy cãi" vô nghề mi với ta
Mấy chục năm trời trôi nhanh nhỉ
Bao giờ “ly khách” hết bôn ba?

"Xa mặt" nhưng ta chẳng "cách lòng"
Gửi gió tặng mi bảy chục hồng
Mừng ngày "thượng thọ": Thêm đầm ấm!
Thân tâm an lạc! Bước thong dong!

Vào tháng 10-2015 khi tôi hỏi thăm tình hình sức khoẻ thì Dương Kiền trả lời bằng e-mail đề ngày 16-10-2015: “Giao ơi, tao đang hóa trị, lằng nhằng chưa biết ra sao.”

Còn đây là 2 e-mail của chị Dương Kiền (Kim Anh):

- Ngày 14-10: “Anh Dương Kiền bị ung thư phổi, di căn lên đến Não, xuống cả Gan và Thận.”
- Ngày 15-10: “Dương Kiền đang được Hóa Trị, mới tuần đầu, chưa bị rụng tóc. Vẫn vui vẻ ăn uống bình thường, đi bằng xe vịn tay. Không tiếp xúc với bạn, tránh lây bệnh nếu có của bạn.”

Một trong những e-mail vào những ngày gần cuối Kim Anh tin như sau:

“Bác Sỹ không dùng phương pháp Xạ trị, chỉ khiến Dương Kiền thêm mệt. Dùng Hóa trị ngăn chặn được ngày nào hay ngày đó. Ngoại trừ vợ con, anh không được phép tiếp xúc với bạn hữu. Anh Dương Kiền thường nói với nhóm bạn thân bên Na Uy: cũng may đúng lúc trở về Na Uy anh mới lâm trọng bệnh, điều anh cần, quan trọng là được hưởng hạnh phúc, biết đâu cũng là cuồi cùng bên vợ và các con, các cháu.”

Kim Anh cũng nói thêm là Dương Kiền trước khi về cõi hư vô, tặng Kim Anh 4 câu thơ cuối (Bergen, 4.10. 2015): Tặng em Kim Anh:

“Một mai rũ áo ra đi
Chỉ là quay gót trở về cố hương
Tạ ơn trăm nhớ ngàn thương
Buông tay chỉ những vô thường thế thôi!.”

Trưa ngày 17 tháng 11 tôi nhận được điện thoại từ Na Uy Kim Anh báo tin:

“Dương Kiền thanh thản ra đi vào 10 giờ 50 sáng ngày Thứ Ba 17 tháng 11 năm 2015 tại Na Uy.”

Hai vợ chồng có 4 con trai và 7 cháu nội! Tất cả đều định cư ở Na Uy.

Tuy nhận biết quy luật “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” và mọi sự trên cõi đời này đều là “vô thường”,  tôi cũng vẫn không khỏi cúi đầu ngậm ngùi và khấn thầm cầu chúc cho Luật Sư Dương Kiền được “Tiêu Diêu Miền Cực Lạc”.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!
 

LS. Ngô Tằng Giao
(Virginia 17-11-2015) 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com