User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
"Ra đi là sự đánh liều
Nắng mai ai biết, mưa chiều ai hay"

Sáng sớm một ngày vừa qua Tết ta năm 1980, tôi có việc phải đạp xe từ nhà lên thị xã Vĩnh Long. Khoảng đường hơn 30 km, hành trình có hai đoạn rất khác biệt. Trước khi được đi nhờ trên mặt lộ nhựa liên tỉnh Trà Vinh về Vĩnh Long tại ngã ba Long Hiệp, dân huyện chúng tôi phải ra công đánh vật với hương lộ mới được sửa sang sau những năm bỏ hoang vì chiến cuộc. Tình trạng con lộ nông thôn lúc đó chỉ còn một ít mặt nhựa mỏng phồng dộp và được vá víu tạm bằng đất đá ở những khoảng hư sạt, mặt đường đầy dẫy ổ gà lún sụp. 

Xong việc ở thị xã sớm hơn dự liệu, sẵn dịp ghé thăm người bác kêu bà nội tôi bằng cô, nghe bác ra tù "cải tạo" khoảng Tết năm ngoái. Vì thời cuộc đẩy đưa ngoài ý muốn, khiến chúng tôi không ai tới nhà ai cũng khá lâu. 

Thời chiến tranh, bác trai không bao giờ đi xe tàu ra khỏi tỉnh đến những nơi không tuyệt đối an toàn như quận lỵ quê tôi. Sau tháng Tư năm 1975 thì gia đình nào cũng lo chuyện thăm nuôi tù và đầu tắt mặt tối chạy ăn từng ngày cho những người còn lại. Hôm gặp tôi bất ngờ, hai bác nghẹn ngào nhìn trân trân đứa cháu già trước tuổi như đến từ vạn dặm. 
 
Hai ông bà kêu tôi ngồi nán lại trò chuyện, chờ trời xế hãy đạp xe về cho đỡ nắng đang chói chang rừng rực. Bác gái lục đục xay cà phê mà bác giới thiệu hạt rang từ vườn cà phê mới có trái mùa đầu trên đất nhà cậu Út, người em của bác ở Cái Nhum. Bác trai mở tủ lấy ra một bao thơ nói là của chị V.  Vừa thấy chiếc bao thơ trước mặt có hình thức và vài chi tiết đặc trưng sắc sảo, tôi biết phải là thơ ngoại quốc. Thời gian đó, đi đến đâu cũng nghe những câu chuyện về vượt biển trót lọt, vọt êm trời, cũng như nhiều vụ bị vướng lại. Thương tâm hơn là những chuyến ra khơi phải trả giá máu xương quá đắt hoặc có chuyến tàu đã đi nhiều năm mà không nghe một tin tức.
 
motlua1

Buổi trưa vắng lặng, thưởng thức ly cà phê nguyên chất ngon tuyệt vời, an nhàn trong ngôi nhà mát mẻ cặp theo bờ sông gần cầu Thiềng Đức. Bụng vui vui được bác cho phép đọc thơ gia đình, háo hức kéo 3 tờ thơ dồn cứng một phong bì. Chưa hết trang đầu, tôi bắt đầu hơi sựng lại sau khi lướt qua những dòng chữ dầy đặc chi tiết lộn xộn rối nùi. Chán nản định xếp lại, nhưng cố gắng lịch sự đọc tiếp tục, rồi gặp những chuyện tò mò thu hút để xem lại thật chậm. Trả thơ cho bác Hai với cảm xúc bàng hoàng, bàn luận qua loa chứ  không dám đặt câu hỏi thắc mắc trạng thái tâm lý có thể chưa bình ổn lắm của chị V lúc viết thư đó. 

Không đoán được ý bác Hai, nhưng thật sự tâm tư tôi rất mừng cho chị V và những người đồng hành đến được bến bờ. Nơi là mục tiêu của một số người không may đã đánh đổi sản nghiệp cả đời ky cóp, tiền mất tù mang. Hoặc có người bất hạnh phải chấp nhận tai nạn thương tổn tinh thần lẫn thân thể, mà kết cục không bao giờ như ý, hay vĩnh viễn buông xuôi,  xa vời đích đến. 

Trước ngày miền Nam sụp đổ, chị V là sinh viên Luật khoa. Thời còn Trung học, chị rất nổi tiếng về thành tích học tập và năng khiếu sáng tác thơ văn, là tấm gương hâm mộ cho đám ngang vai, đồng trạng ở quê như tôi. Chị rất vui vẻ, dạn dĩ, cũng là hoa khôi trong những hoa khôi thị xã. Hôm biết tin của chị, tính lại cũng đã 7-8 năm không gặp kể từ ngày chị rời nhà lên Sài Gòn trọ học. Cùng khoảng thời gian với thế hệ trai tráng tụi tôi, những người cũng rời mái ấm gia đình để nhập vào dòng xoáy chiến cuộc bùng nổ ác liệt trong thập niên 1970. 

Ba mươi sáu năm sau buổi trưa biết tin chị V định cư ở Anh quốc, ấn tượng những ngày tháng cũ chưa bị xoá mờ hay mất hẳn, thì gần đây nghe tin của chị từ người thân trong gia đình. Như có gì thôi thúc dựng lại câu chuyện với tình tiết theo nội dung lá thơ được đọc hôm xưa. Cố gắng giữ ý chính và một số từ ngữ biểu cảm của chị. Lập lại sự việc với tâm tư hoàn toàn tôn trọng những người vượt qua hành trình gian nan. Cảm thông và chia sẻ đau buồn về những tổn thương tinh thần  không đáng có trong chuyến ra khơi năm đó. 

Luân-đôn, cuối thu năm 1979. 

Ba má ơi! 
Con không biết phải nói lần thứ mấy, gia đình mà con giúp việc là những người nhân đức, ông chủ tên M, bà tên T. Ông bà MT xuất cho con 10 cây vàng đóng trước cho mỗi đầu người đi diện gọi là "Bán chánh thức người Hoa". Ông họ Trần và lập nghiệp giàu có ở Chợ Lớn, nhưng không phải người Hoa, mà gốc gác tận vùng quê sâu xa U-Minh, Rạch Giá. Ông khai con là cháu ruột cũng là nhờ giấy hộ tịch họ Trần của mình và con có máu Tàu lai từ thời ông cố. Ông chủ của con được nhóm tổ chức thông báo mỗi người tự túc mang theo một can nhựa loại 4 lít nước và thức ăn nấu chín gọn nhẹ cho 4 ngày. Xe đò lớn rước người tại cửa nhà, gia đình ông MT và nhiều gia đình khác được đưa xuống Gò Công, từ đó chuyền xe nhỏ ra cửa  Vàm Láng. 

Xin lỗi ba má tha tội cho đứa con bất hiếu là con không biết rõ ngày ra đi, ngay cả ông bà MT cũng bất ngờ. Vì vậy mà con lỗi hẹn ba má trong ngày đầu tháng Bảy lên Sài Gòn thăm con và để nói lời gởi gắm với ông bà MT. Trước ngày người ta hẹn, đêm đó con chỉ có vài tiếng đồng hồ rảnh để lén ra cửa sau nhờ người quen chở qua nhà dì Tư ở Khánh Hội, gởi một ít áo dài và hộp nữ trang của LA tặng má.

Tới bến sông cái lúc trời chiều dịu nắng, gió từ biển mênh mông ngoài kia thổi vô rào rào mát mẻ, giúp mọi người khoẻ ra và bớt đi nỗi buồn sắp từ giã quê hương. Con quan sát chiếc  tàu là một ghe chài mui kín đóng trùm gần hết chiều dài ghe, loại mui vuông cao có nóc hình mô vòm cong lơi. Nghĩ rằng cột kèo ván vách sườn mui rất chắc chắn vì giống như ghe chở lúa gạo trên sông vùng Vĩnh Long của mình. Nó cỡ như chiếc của cậu Út Hiến thường chở lúa gạo cho nhà máy xay phường Năm. Chiếc ghe từng cứu mạng cả gia đình mình và mấy gia đình khác dồn xuống chạy tản cư lánh nạn ở chợ Long Hồ hồi Tết Mậu Thân. Ông chủ của con nghe ban tổ chức nói thêm,  chiếc ghe chài trọng tải 90 tấn đang đậu dưới bến, nó đã được tháp thêm khối mũi nhọn vào phần ngực ghe no tròn nguyên thuỷ, công dụng lướt sóng như ghe biển.   

Ký ức chưa kịp thu giữ lần chót phong cảnh quê hương dù là nơi hoang vắng, gia đình ông chủ được kiểm tên trong danh sách. Ông M trao cho những người tổ chức chiếc bao thư dán kín ghi các số mật mã, chứng minh đã nạp vàng ở Sài Gòn và xem như tờ vé xuống ghe. Cả nhà chia nhau bồng 3 đứa bé và mang các bao hành lý theo người hướng dẫn đi một hàng trên cây cầu dài chừng 7-8 mét. Ấn tượng thiện cảm đầu tiên với những người tổ chức là 2 chuyến xe suôn sẻ và cây cầu tạm với giàn cột, đà, tay vịn và ván lót rất vững chắc để bước xuống ghe đang neo xa bờ. Trên bến không đông người, nhưng họ xếp gia đình ông chủ bước xuống thang vào sàn thấp nhất. Bốn bộ đèn neon 6 tấc treo cặp hai vách ghe vừa đủ sáng trong lòng ghe dài hun hút. Văng vẳng có tiếng máy nhỏ chạy êm êm rì rì, có lẽ là máy phát điện. Cao khỏi tầm tay đứng vói là tầng lầu gỗ, ván còn thơm mùi nhựa cây. Ông chủ nhìn lên xem xét và nói chuyện với người con trai lớn. Hai cha con ông đoán về cái tầng lửng mới được làm cho việc chở người, sàn trên có vẻ rộng và phẳng hơn cái sàn hơi túm đáy dành cho họ ở tầng dưới. Ông đánh giá những cây đà ngang to khoẻ được đội thêm hai dãy đà xuôi chạy theo lòng ghe bắt bù lon vào đầu những  cột vuông đứng gần nhau chống đỡ rất chắc chắn, không lo gãy sàn đổ sập. Nhưng ván sàn tầng trên có lẽ là loại gỗ "xì-te" cưa từ loại cây tạp bán khối như củi. Ván rất dầy, mặt ván quay xuống bào sơ sài. Cạnh gỗ kề nhau của ván sàn cong queo do khô nhót hay do thợ lót ẩu, có nơi còn thấy ánh đèn tầng trên lọt qua những kẽ hở bằng bề dẹp bàn tay. 

Khoang ghe sát với giàn cong đà đáy lườn được lót gỗ tốt và ván bọc kín hai vách hông rất bằng thẳng trơn láng cho mục đích nguyên thuỷ là chở hàng trăm bao gạo loại 100 kg. Lòng ghe thông ra phía hầm máy bị một vách ngăn bít kín lại. Trên đầu của tường gỗ ngăn cho mục đích biệt lập, người ta chừa một khoảng trống thông hơi cao chừng 3 tấc chạy theo suốt chiều ngang, được rào bằng những song cây và tăng cường bằng lưới kẽm. Trên tường nầy có sơn 1 bảng qui định khi nào và hướng dẫn cách thức liên lạc với ban điều hành, gần chỗ có sợi dây dùng giựt chuông và một miệng tà-la của chiếc ống nhỏ màu vàng thau, công dụng truyền dẫn âm thanh đàm thoại lên phía trên. 

Những người đi chung xe từ Chợ Lớn cũng lục tục xuống thang và tự ý đóng đô từng nhóm rải rác trong khoang. Ông M đi trước, sáu người lớn ôm những bọc hành trang và bồng ba đứa nhỏ đi sau lưng ông  tới miếng vách chận ngang rồi vòng trở ra để quan sát lòng ghe và nhìn ngược tầng gác phía trên, ông M quyết định cho gia đình chiếm ngự trong góc khuất cạnh một phía "mang cá" của phía hông cây cầu thang từ sàn mũi xuống lòng ghe. Thấy bà T có vẻ không đồng ý, ông M giải thích: Đến lúc ghe rời bến mà sàn còn rộng, thì gia đình mình dời ra ngoài. Trường hợp tàu chở đông người, thì chỗ đó là nơi không ai chen lấn giẫm đạp, lại  xa tiếng động cơ và cũng gần miệng hầm để có không khí tốt để thở. Lúc đó ông M cũng vừa nhận ra và yên tâm hơn, phần bộng trống bên dưới sàn mũi ghe phía sau lưng cái cầu thang nhũi cũng được đóng gỗ dầy vừng ngang nối 2 hông "gò má ghe". Kết cấu chịu lực và công dụng như một phao hơi, bao kín toàn phần vùng mũi ghe. 

Từ chiều cho đến gần 11 giờ đêm, người đổ xuống ghe liên tục, cứ dồn sâu vào vào phía trong mãi, tầng dưới chật nức. Lúc không còn dồn được nữa, người ta mới chụp một nắp hầm trùm kín miệng cầu thang. Nghe tiếng gỗ va chạm, có thể đoán cái nắp đó rất nặng. Có hai thanh niên bước lên nấc thang thử nhóng cái nấp hầm, họ lắc đầu ra dấu là bên trên gài cứng. Gần miệng cầu thang có hai ống hơi tròn bằng thiếc có đường kính khoảng 4 tấc, giữa lòng ghe cũng có 2 ống như vậy. Ông chủ nói mình sống là nhờ những ống đó lấy không khí trong lành từ những họng hả lớn của con cá có chiếc đuôi bằng thiếc trên mui ghe. Vật thủ công thường thấy gắn trên các nóc nhà phố thị, nó tự quay tìm hướng gió để thổi luồng không khí tươi mát gần như quạt điện xuống đầu ống bên dưới. 

Liền theo đó, nghe tiếng hành khách bắt đầu xuống tầng trên, cảm nhận được những bước chân giẫm lên nắp hầm và gỗ sàn nghiến nhau kèn kẹt. Không lâu thì nhìn lên không còn thấy ánh đèn lọt qua kẽ ván như lúc mới đến. Trên đó không biết ra sao chứ dưới nầy người nằm san sát như cá mòi sắp trong hộp mới vừa khui nắp thiếc. Từ chỗ cao nhất của lòng ghe, ông M nhìn ra sau đếm nhẩm số người trong khoang nầy và nói với những người ở gần, ước lượng số hành khách trên hai trăm. Lúc đó mới hiểu ông M tính đúng khi chọn cái góc khuất và hẹp cho cả gia đình. 

Hơn 3 giờ khuya, tiếng máy tàu đề-pa nổ gầm lên lớn đột ngột  khiến ai cũng giật mình. Một lúc thì tiếng động cơ có vẻ ổn định, nhưng cũng rần rần ào ào như tiếng máy phà Mỹ Thuận quen tai, thời còn đi theo những người lối xóm buôn hàng chuyến sau những ngày "giải phóng". Từ những người bình thường, họ trở thành loại "bạn hàng nhảy dù" thành thạo giấu nhét hàng trên xe khách miền Tây xuôi ngược qua bến phà đó mỗi ngày. Nếu không gặp LA, người bạn rất thân lúc học trường Luật ở Sài Gòn, thì không biết đời V trôi nổi ra sao. Chính LA rời trường nhớ bạn mà xuống Vĩnh Long tìm V.  Để rồi không lâu sau đó, cô ấy vận động gia đình tạo ra việc làm là giữ ba đứa con của anh cả và phụ việc bếp núc cho cha mẹ cô là ông bà MT.  

Mọi người có cảm giác là ghe đã di chuyển, ông M cho biết từ bến đó chạy một-hai tiếng sau là ra biển lớn. Tuy rất chật chội, nhưng đêm đầu trên tàu và ngày tiếp theo rất vui và hạnh phúc. Đêm thứ 2 biển bắt đầu động, mới đầu ghe lắc ít, dần dấn lắc chao dữ dội. Con sợ lắm, một ý tưởng cứ luôn hăm dọa, nếu chẳng may tàu chìm hay người của chủ ghe rời tàu vì bị cướp bắt đi, thì những người trong khoang nầy sẽ chết chung trong nấm mồ tập thể. Nhìn mặt ai cũng hiện nét lo âu, con thấy ông chủ nắm chặt tay bà chủ. Trong bơ vơ, con ao ước mình cũng được an ủi bởi thâm tình. Sau đó xảy ra chuyện kinh khủng mà không ai tưởng tượng nổi, một sự sợ hãi vượt trên tất cả mọi sợ hãi. Đó là chất thải như nước ói, nước tiểu chất tiêu của con người rớt xuống lộp độp khắp nơi. Mới đầu người tầng dưới la hét kêu rú lên vì bị nước thúi rớt lên đầu lên mặt, nhưng càng lúc càng nhiều và chỗ nào cũng bị, họ không còn sức để la. Ai có mền, vải bạt, tấm trải cao su hay áo nylon đi mưa đem ra che đỡ, rồi tất cả đều ẩm ướt và hôi thối còn hơn cái cầu tiêu công cộng. Dưới cái mền che cho gia đình, ông chủ nói như tự an ủi, họ ở cao nên bị lắc mạnh hơn. Có lẽ chật chội như mình, nên họ phóng ra tại chỗ. Lúc đầu con không bị say sóng, nhưng trong không khí hôi thối và chất thải vương vãi mọi nơi, con cảm thấy buồn nôn rồi ói tới mật xanh. Mệt lả người, chóng mặt mòng mòng nhưng cũng cố gắng ngồi dựa vào ván lót của thành ghe. 

Ba má ơi! Thà là đổ nguyên xô lên đầu rồi cho nghỉ, còn cứ khi nhỏ tí tách, khi ngừng không biết bao lâu rồi tiếp tục lộp độp khắp nơi thì muốn điên lên. Ông chủ nói, lúc nãy phía trong đã có người rung chuông, phía gần mũi ghe có người tức giận gõ vào nắp hầm cũng vô hiệu, không một ai đến giúp. Kêu la cho số người trên đó nghe, không thể lớn hơn tiếng tiếng động cơ. Khó nhọc trong việc nhét ngược những tờ giấy thỉnh nguyện lên thượng tầng cũng không được hồi âm, hay giảm bớt tình trạng vô tư xả nước thối. Mấy thanh niên đứng trên nắp chiếc thùng đựng rác nhìn qua "lam gió" trên đầu tường, họ ra dấu không có gì bên đó. Mọi người cùng một ý nghĩ, phòng  nầy có hai cái thùng phuy bằng sắt cắt nửa và có nắp gỗ đậy kín cẩn thận, thì tầng trên cũng phải có. Thì tại sao người ta nhẫn tâm phóng uế trên đầu những người đồng hành đang trú ngụ chật cứng bên dưới. 

Địa ngục trần gian bước qua ngày thứ tư chỉ có một việc vui duy nhất. Ai đó nghĩ ra cách giải trí, bằng việc đo độ lắc của ghe trong khoang ghe hạng bét như cái nhà tù nhốt hơn 200 con người già trẻ nầy. Món đồ chơi là sợi chỉ nhỏ cột cây bút chì quàng dây trên cây đà xuôi gần giữa phòng. Cái quả lắc tương đối yên tĩnh, lòng người cũng bớt xao động. Cũng trong ngày hôm đó, máy đang chạy rần rần suốt mấy ngày, bỗng nhiên động cơ đột ngột im bặt. Lóng tai chỉ còn nghe tiếng máy phát điện chạy rì rì, mọi người mừng vui vì ngỡ rằng đã tới bến bờ. Hỏi vói lên người tầng trên thì họ cũng chưa biết gì, không ai trên đó có thể liên lạc hay nhìn thấy bên ngoài. Trao đổi qua lại,  người ta mới có dịp để van xin phía thượng tầng đừng dội bom chất thải hôi  thúi xuống hạ tầng nầy nữa.   

Mấy giờ trôi qua trong im lặng khó chịu và khó hiểu của nhóm người điều khiển ghe. Nhiều hành khách tỏ vẻ bất mãn hoặc buông lời rất khó nghe, nhưng người ta ngại khi phải hỏi tình hình bên ngoài ra sao. Lâu lắm mới nghe tiếng người điều hành thông báo qua ống liên lạc là máy tàu hư trên biển, thợ đang sửa máy. Ai ở đâu ở đó không được tới lui nhốn nháo. Một phút yên lặng như nghi thức mặc niệm cho chính mình, rồi bà con rộ lên xầm xì với đủ mọi tâm trạng. 

Ba má ơi! Lúc đó nếu ngồi dậy rồi nằm trở lại ngay chỗ của mình cũng còn khó. Đói khát không dám mở gói lấy ra thức ăn nước uống vì sợ đồ dơ rớt vào, sợ những thứ dính trên tay trên mặt mình, sợ nhất là phải tiêu tiểu tại chỗ. Bên dưới cầu thang là chỗ ai cũng chê, ngày đầu được cư dân gần vùng nầy xem như toilet, rồi cũng có vài người nằm khoanh trong đó. Mấy trăm con người bị dồn cứng và hôi thúi từ đầu đến chân, dơ bẩn như "gia cầm" trong lòng khoang đáy ghe nhỏ hẹp nầy, ai đi đâu được mà nhốn nháo. 

Đúng một ngày sau khi tàu ngừng máy, số người nằm sát chân tấm  vách ngăn giữa ghe đột nhiên la lên oái oái vì nước lườn ghe dâng lên ngập lưng. Có người nắm dây chuông giật liên hồi báo tin khẩn. Có tiếng trả lời họ đã biết chuyện rồi, lý do là chân vịt tàu bị hư, thợ lặn xuống rút cây "láp" thép đem lên sửa. Nước theo lỗ trống của vỏ cây láp tràn vô tàu một ít thôi, đừng lo. Chủ tàu kêu đừng lo, nhưng nước từ lườn ghe cứ dâng cao ngập sàn và tiến về phía mũi, diện tích sàn mất dần. Đám thanh niên tự nguyện hy sinh đứng lỏm bỏm dựa vách hay vòng tay ôm nhau ngâm chân  trong chất nước hôi thối tù đọng hổm nay được pha với nước biển. Họ nhường phần sàn khô ráo còn lại cho trẻ em và người già. Địa ngục trần gian nầy tính đến hôm đó đã diễn ra sáu ngày, chỉ trừ một buổi tối đầu tiên vui vẻ trò chuyện hỏi thăm và sáng hôm sau còn được một giấc ngủ ngon. Thời gian còn lại là sống chung với hôi thúi dơ bẫn khắp mọi nơi. Con và cô con dâu của ông bà chủ giữ 3 cháu nhỏ và một số đàn bà trẻ em người già  được tiếp tục ngồi trên phân nửa sàn khô còn lại. Hai người con trai lớn và cô con gái Út LA đứng chùm nhum dưới mép nước gần với những người còn được ngồi trong cảnh giác nước tiếp tục dâng lên. Cô ấy được hai người anh vòng tay ôm cứng nhưng coi bộ cũng đuối lắm. Con không cầm lòng nhìn cảnh LA cũng ngang tuổi với mình, nhưng ông bà M dứt khoát không chấp nhận đề nghị con muốn thế chỗ cho con gái ông lên khô ngồi giữ trẻ. Con biết tánh ông M, nên không dám nhắc thêm. 

Xã hội nhỏ nầy hoàn toàn cách ly với thế giới, mọi người nhìn đồng hổ để biết ngày giờ. Cũng may là ghe nầy có hai cái máy phát điện thay nhau chạy, nếu không thì sẽ có người chết khiếp trong tăm tối. Máy tàu im lìm thêm một ngày nữa thì nước bò đến nửa diện tích ván sàn trong khoang đáy ghe. Mọi người ngâm chân trong nước, họ tựa lưng vào hai hông ghe cho đỡ mỏi. Bấy giờ lộ ra vùng cận tấm vách ngăn đã bị nước ngập gần tới gối. Mặt nước hiện ra lều bều những dép mủ, chai nhựa, bọc nylon đựng đồ dơ hay cũng có thể là gia tài của ai đó. Những con người bị nước lườn ghe rượt đuổi đứng dồn sát về phía mũi ghe. Tiếng con nít khóc khắp nơi, người lớn nghẹn ngào thút thít, lời kinh tiếng niệm râm ran. Ý tưởng bị chôn sống trong cái ngăn kín hoàn hảo nầy lớn hơn cảm giác tiếp xúc bẫn thỉu của chất nước đang làm ngứa ngáy tay chân một số người.  

Sáng ngày thứ ba sau khi máy ngừng, hành trình ra khơi bước sang ngày thứ bảy, không nhìn thấy nước ngập thêm, cây bút chì quả lắc giữa ghe đã bị số người đứng chen nhau che khuất. Nghe ông chủ nói với bà chủ: "Hồi khuya tôi mơ màng chừng vài phút mà chiêm bao thấy về quê cũ gặp ông nội LA. Ba hỏi cháu nội ba bây giờ ở đâu. Tôi trả lời, tụi nó ở trong phòng kín không thấy bên ngoài thì làm sao  biết ở đâu. Tới đó thì giật mình choàng tỉnh, xem đồng hồ gần 3 giờ sáng". Nghe giọng nói vui vẻ phấn khởi của ông M, một vài người gần đó cũng góp vào vui vui, dù biết đó chỉ là trong mơ. Nhưng tâm lý cảm thấy chút an ủi, bấu víu vào bất cứ điều gì trong cảnh tuyệt vọng, bơ vơ.  Bây giờ mới thấy điều quý báu được nhìn một khung trời xanh lồng lộng, ngắm một cánh chim bay lượn tự do, được nhìn những sinh hoạt vất vả tất bật của bà con trong một ngôi chợ ồn ào. Ao ước cái chõng tre hay chiếc võng đan bằng thân cây lác mềm tơi trong căn chái bếp những ngày hè nơi quê ngoại thuở mười mấy tuổi.

Tiếng khóc con nít vẫn vang lên vì chật chội, vì đói khát. Chắc cũng nhiều người lớn cũng ướt lệ vì bỗng dưng rơi vào hoàn cảnh khốn cùng. Những người  tự quyết định hướng đi cho tương lai, nghĩ gì về chọn lựa nầy của họ. Chắc chắn những người trên tàu nầy đều có khả năng tài chánh tương đương hay khá hơn ông chủ M. Và cũng chắc chắn không ai có hoàn cảnh đi ở mướn hay nghèo túng. Tất cả vì một duyên cớ gì mà ngồi bó gối hay phải đứng mỏi mệt run rẩy ngâm chân trong vũng nước thối đen ngòm.  

Ba má ơi, để quên không khí hôi tanh nặng nề và nỗi lo sợ khủng khiếp trên chiếc ghe đáng thương cũng như đáng ghét nầy, con thường gởi hồn trở về quá khứ. Về căn nhà thơ mộng và hạnh phúc của gia đình có 3 phần trên bờ đất và 1 phần sàn trên mặt nước ven bờ con sông chảy về quê ngoại. Nhớ những ngày tháng hạnh phúc sống bên cha mẹ vui vẻ và đứa em trai ngoan. Nhớ mẹ có gương mặt  đẹp dịu dàng, nhớ cha có dáng người dong dỏng, hình ảnh "ông Hai" nghiêm nghị nhưng rất hiền lành thân quen cho luôn cả xóm. Một người đàn ông trí thức mỗi sáng dẫn chiếc xe Mobylette ra khỏi cổng dựng lên đạp nổ máy, "ông Hai" trở lại đóng cổng rồi mới đẩy xe bật cây chống và bước choàng chân qua để ngồi lên yên. Với số lương công chức ngạch trung bình, ba đã bảo bọc gia đình an toàn đầy đủ, nuôi con lớn lên để một đứa trở thành sinh viên miệt mài 3 năm trường Luật, một đứa mới bước chân vào ngành kỹ sư cơ khí, cả hai hứa hẹn một tương lai không tệ. 

10.Mobylette

Đất nước hết đau thương vì chiến tranh nhưng đi vào cơn mộng du thê thảm khác. Lịch sử sang trang và đảo lộn theo một chiều ngược lại, mọi tương lai hiền lành bình thường như ngôi trường Luật cũng bị đóng lại. Một nhà bốn miệng của mình sum họp trong lo âu, trắng tay và thiếu thốn, rồi phải phân ly tan tác. Ba ở tù cải tạo 3 năm 8 tháng  trên rừng, không xa Sài Gòn nhưng khó đường xe, từ tỉnh  đi thăm nuôi phải mất 3 ngày, hai mẹ con phải ngủ 2 đêm lang thang ngoài mái hiên xóm nhà dân với những người đồng cảnh. Nhớ hồi trước mấy dì cậu hâm mộ má tụi con sướng như Công chúa. Đùng một cái như sấm nổ trời quang, Công chúa đó ra ngồi bán xôi bắp ở bến đò, kiếm từ đồng từ xu. Chiếc xe Mobylette yêu quý của ba và vàng vòng nữ trang lần lượt bán đi để đổi lấy miếng ăn và những nhu cầu đơn giản khác đã trở nên quý hiếm và đắt đỏ. Thằng em trai  được một năm đầu Đại Học tự động bỏ trường vì lý lịch có cha là ngụy quyền, má chạy xin cho nó làm công nhân cầu đường để tránh né những tai họa không lường trước cho bản thân trai trẻ. Đứa con gái sắp trở thành Luật sư, vì miếng ăn mà trở thành kẻ buôn lậu hàng quốc cấm trong thời bình như gạo, thịt, đường cát, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, thuốc tây, thuốc lá. Rồi lại rẽ hướng đời, đến nhà người ta sống nội trú để giữ trẻ nấu cơm, bớt đi một miệng ăn và thêm tiền lương giúp đỡ gia đình. Chân làm mướn có gì cao sang mà nhiều người ao ước và ganh tị, chỉ vì lý do là gặp được ông bà chủ là người quen và tử tế. Tại sao người ta không thương tiếc cho tương lai chúng con bị huỷ diệt, hai mươi mấy tuổi đời mới biết đến việc giặt quần áo và hốt dọn đồ tiêu tiểu, săn sóc tắm rửa cho con nít của người.

Trong cơn mê tỉnh chập chờn, nhiều lúc con ngỡ rằng sắp cạn kiệt sức lực trong không gian bẩn thỉu tù túng của lòng ghe kín như chiếc hộp. Mấy cháu bé ngủ thì ráng ngủ gật gù cho quên tất cả. Thức thì mơ, mơ những  chuyện vui buồn về khung trời cũ của gia đình, về những tình cảm yêu đương còn giấu kín, về thân quyến và bạn bè thân thiết...

Bỗng mọi người giật mình choàng tỉnh, ngạc nhiên lắng nghe hai hồi còi tàu thổi vang thật lớn rất đột ngột và lạ lùng. Ngưng một chốc, rồi lại hai hồi dài, cường độ và khoảng ngắt nhanh và rõ như lúc ban đầu. Tiếng kèn có "tông" trầm và mạnh mẽ luồn theo 4 ống thông gió xuống tận đáy địa huyệt của hơn hai trăm linh hồn, âm thanh chứa đầy sức sống như ở gần bên mà như từ xa xa. Có ai trong khoang la to: 

- Còi thổi chào nhau của tàu đi biển, mình được cứu rồi bà con ơi. 

Sau những hồi còi tàu rất đột ngột lạ thường. Cư dân khoang ngập nước xầm xì với mong muốn  không phải là còi của chiếc ghe nầy. Hy vọng  đúng theo lời ứng khẩu mạnh dạn rất có lý của ai đó. Mọi người hớn hở trong im lặng để chờ nghe tin tốt từ nhóm người điều hành. Những người đứng bên dưới những đầu ống thông gió, họ đang nghiêng đầu đưa tai hướng về trên để nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Cử chỉ như những người mù dùng những giác quan khác hơn đôi mắt.
Từng giây thời gian nóng bỏng và hồi hộp trôi qua, mọi người như nghe được tiếng thở và nhịp tim của mình. Cũng ngộ, những đứa con nít có linh tính hay sao ấy, mà chúng cũng nín khe y như cha mẹ tụi nó.   
Từ miệng chiếc ống đồng liên lạc có tiếng gõ "teng teng" qui định, rồi liền sau đó có giọng dõng dạc: 

- Bà con chú ý, hiện thời có tàu chở hàng rất lớn của nước ngoài sắp cập vào cứu vớt chúng ta, bà con giữ trật tự và yên tâm chấp hành theo sự hướng dẫn tiếp theo của ban điều hành. 

Bà con cùng ồ lên rần rần như một cái gì bị dồn nén đã đến lúc bung ra. Ngày thứ bảy của hành trình nơi địa ngục trần gian, lần đầu mới thấy những gương mặt chỉ cần nhìn nhau cũng đủ mỉm cười. Chừng 20 phút sau, những người gần ống thông gió  nghe được tiếng động cơ của chiếc tàu hàng ân nhân và tiếng nói chuyện lao xao rất gần những miệng "con cá" lấy gió trên mui ghe. Có người thanh niên lanh trí, la to vào đầu ống thông gió gần anh ta. 

- A-lô, a-lô! Mấy ông trên mui ơi, làm ơn mở nắp hầm cho tầng dưới nầy thở và nhìn tàu vớt, coi đã mắt một chút thôi. 

Trên đó có người trả lời tức khắc: 

- Không được, đi lộn xộn chen lấn giành giựt nguy hiểm lắm. Tầng nầy lên tàu trước, kế là tầng giữa, tầng dưới khoang ghe lên sau cùng.

- Các ông phải nhớ tụi tui, tầng giữa lên gần xong là phải mở nắp hầm tầng nầy nha, đừng bỏ tụi tui, nước ngập lạnh muốn xỉu hết rồi. 
- Đừng có lo, chúng tôi biết rồi! 
 
motlua3
 
Gọi là tầng trên để phân biệt  số người ngụ trong ca-bin lái và khoang hầm máy. Con số không biết bao nhiêu, nhưng hơn một tiếng mới xong. Chúng tôi nghe tiếng động khi mở hai cánh cửa ghe và tiếng người lao xao trên đầu, tiếng ván sàn gác lững kêu rít nhưng hình như không có tiếng chân di chuyển. Dưới khoang có tiếng hỏi vọng lên:
- Chuyện gì mà chưa ai đi ra phía mũi ghe vậy các anh ơi.
- Tàu vớt kéo ống nước xuống làm vệ sinh cho mình mới được lên tàu của họ. Người ta đang làm rào cản an toàn cho khoảng sàn lộ thiên trước mũi ghe.    
Chừng nửa tiếng mới nghe sự chuyển động của ván sàn tầng trên. Lát sau có người trên đó kê miệng vào kẽ sàn nói vọng xuống. 
- Người ta cho đàn bà con nít lên trước, ai sạch sẽ thì được lên trực tiếp, ai dơ phải tắm khoả thân. 
Gần 1 giờ trưa, nắp hầm tầng chót được mở ra, ánh sáng lùa vào loá mắt. Gia đình ông M ở gần cầu thang và có trẻ nhỏ, được gọi ưu tiên lên trước. Chuyện kinh khủng ngượng chín người là cả người chỉ còn chiếc quần lót cho một ông ngoại quốc xịt nước lên người cẩn thận để mình kỳ cọ cho sạch mà tiết kiệm nước. Khoả thân "nguyên con" như vậy để tắm cho mấy đứa nhỏ xong, mặc đồ cho tụi nó trước mới mặc cho mình. Ông nầy mang kính đen nhưng đâu có mù, rồi người trong ghe ngó ra, rồi những người trên đó phụ trách cẩu và nắm dây lái cái giỏ hàng dùng kéo người mỗi đợt 4-5 người lên boong, ai cấm họ nhìn xuống. LA thì đỡ hơn, được một cô chung tàu phụ trách một vòi nước khác. Cũng cô tình nguyện ấy nói, sáng đến lúc đó có hai người nữ và hai đàn ông phụ trách cầm vòi ống nước. Xui là một cô xin nghỉ vì phơi nắng lâu quá. 
Đến 6 giờ chiều, những người được tẩy xong ô uế cuối cùng đã lên tàu vớt. Đêm đó, gần 600 con người chen chúc mọi nơi. Đàn bà và trẻ nít được nằm trên thảm trong các phòng sinh hoạt của chiếc tàu hàng Anh Quốc, đàn ông thì lót tạm nằm nghỉ trên boong và các sàn lộ thiên. Chiều hôm sau tàu vớt cập vào cảng Singapore, đêm đó người ta chia từng nhóm trú ngụ riêng lẻ để ngày hôm sau có những chuyến tàu bốc qua đảo Galang, Indonesia. Tại đảo, phái đoàn Anh vào lập hồ sơ và hứa sẽ hoàn tất thật nhanh thủ tục di dân cho những người được tàu họ vớt.  
 
Ở đảo Galang 2 tháng, gia đình ông M có 3 cháu nhỏ được ưu tiên trong gần 50 người có list bay đầu tiên của ghe đó. Cả nhà qua đến Luân-đôn vào tháng 8 năm 1979, vợ chồng anh Hai và 3 đứa nhỏ được chính phủ cấp nhà ở không phải trả tiền, kể cả điện nước. Anh Ba ở chung với  ông bà MT căn nhà có 2 phòng trên lầu 3 của một chung cư cao tầng. Con và LA, hai đứa mướn nhà ra ở riêng, quý mến như thời chúng con còn theo học trường Luật, khắn khít như chị em song sinh dù khác xa gương mặt. Ngày cuối tuần, gia đình anh chị Hai và tụi con kéo về nhà ông bà MT để nấu nướng tiệc tùng rất vui vẻ. Một lần, chính miệng ông M nói trước mặt mọi người:

- Cháu V à!  Bác muốn được phép nhận cháu làm con nuôi, nhưng bỏ ý định vì con còn đủ cha mẹ. Hôm nay bác tự ý xem cháu như con ruột, nên muốn kể cháu nghe chuyện tại sao bác bỏ làng quê và không hề trở về thăm viếng. Sau nầy có bất cứ chuyện gì xảy ra cho bác,  bác xin con chăm sóc LA như em ruột.

Bỗng nhiên con cảm thấy sờ sợ, nhưng ráng bình tĩnh  trả lời ông M: 

- Chuyện gì vậy bác. Mà bác M đâu cần dặn, con cũng xem LA như chị em ruột lâu nay và suốt đời con.
- Con có hứa với bác không? Nếu con vui lòng thì hôm nào gia đình mình sẽ làm một lễ kết thân chị em cho hai đứa thật nghiêm trang. Chỉ là chuyện tình cảm gia đình bình thường thôi, con đừng ngại. Con lớn hơn út LA 2 tháng, thì làm chị Tư. Hai anh trai, chị dâu và 3 đứa cháu kêu V là cô Tư và LA là cô Út. 
Ông M kêu tụi con ngồi lại lắng nghe chuyện  ông kể tỉ mỉ thế này: 
 
Gia đình nhỏ của ông bà MT sống chung dưới mái nhà cha mẹ là ông bà nội của LA trong một thôn xóm nhỏ. Ông M là con một của nhà phú hộ, cha mẹ ông có nhiều đất điền và nuôi ăn nuôi ở 5-7 người làm. Một đêm tháng Giêng năm 1957, cha mẹ của ông M lúc đó trên 50, cả hai bị một toán người có vũ trang, giả làm lính quận đi tuần tiễu để kiếm cớ đột nhập vào nhà khoảng 9 giờ, chĩa súng trói tay hai người dẫn đi. Họ lùa những người làm nhốt vào kho lúa và trói chân tay lại. Chiều hôm trước, ông bà MT dẫn các con về ngoại ăn giỗ, có thể đã tránh khỏi thảm hoạ nhổ cỏ tận gốc. Buổi trưa sau đêm đó, ông M được người chú  kết nghĩa của ba ông đến báo hung tin, trên đường về nhà, người đó kín đáo trao cho ông tờ giấy để trần của bọn người bắt cóc. Ông ấy là người tự mở trói lúc nửa khuya và người  duy nhất khám phá tờ giấy để trên bàn dằn dưới 1 viên đạn, ông quyết định lấy ngay rồi giấu biệt. Xem xong tờ giấy như một bản án, ông M muốn bất tỉnh, không thể nào tin được. 
Ông M nhớ lại những gì ông nội LA kể sơ lược chuyện xưa và dặn giấu kín, thời thanh niên ông ấy theo một nhóm người qua Cam-Bốt làm ăn vùng Biển Hồ, nhóm ông ta tranh chấp quyền lợi, đưa đến một cuộc thanh toán đẫm máu với một băng đảng giang hồ người địa phương. Ba của ông và vài anh em chạy thoát thân về vùng nầy, ông ấy có chút vốn tạo gia viên điền sản lập nghiệp, ông nội cưới bà nội là con phú hộ địa phương, ông bà nội LA sanh ra ông là đứa con duy nhất. Đặc biệt cha mẹ ông M không bao giờ nói tới quê nội ở đâu. 

Vụ bắt cóc vợ chồng phú hộ được chánh quyền xã ấp báo cáo lên cấp lớn hơn, Cảnh sát và nhân viên của cơ quan Hiến binh tỉnh Rạch Giá đến nhà ông để điều tra, ông M khai không biết gì hơn và  cho chú người làm lánh mặt và không tiết lộ về  tờ giấy có ý nghĩa như một bản án ghi rõ lý do thanh toán trả thù, mà thật ra ông M chưa từng nghe ba ông kể tường tận như vậy. Sau ngày thảm hoạ, ông M chừa lại một ít ruộng và một đôi trâu. Ông đem tất cả điền sản của ba má ông, phân phát cho những người mà ba ông nuôi ăn ở để giải tán họ.
Mấy tháng sau, vào một đêm vừa đỏ đèn, ông M đang dạy con học ê a quanh chiếc bàn khách ngay gian giữa thì ông nghe tiếng gõ cửa rất nhẹ. Kinh sợ vì ám ảnh chuyện xảy ra không lâu, ông nín thinh ra hiệu cho các con dẫn nhau rút vào phòng, ông thổi tắt chiếc đèn ống khói lớn trên bàn và nghĩ đến cái thùng thiếc mà ông dự trù cho việc khua thùng và la làng. Tiếng gõ cửa nhè nhẹ tiếp tục, trong ánh sáng của cây đèn ống khói trứng vịt chong trên bàn thờ, ông thấy một tờ giấy tập xếp hai đẩy vào khe lá cửa lắc lắc mấy cái mới chịu rớt trên nền gạch tàu. Ông dần dừ rồi quyết định bước tới nhặt tờ giấy, ông M nghe tiếng một người kê miệng sát lá gió thì thào "đừng sợ", ông bạo gan nhặt  tờ giấy rồi đi nhẹ vào buồng ngủ. Chữ trong thơ viết thật tháo, giới thiệu là người thọ ơn của ba ông, người giấu tên chỉ hướng và giục ông dẫn vợ con ra khỏi nhà vì 8 giờ tối nay sẽ có người đến canh giữ quanh nhà ông, 10 giờ họ sẽ hành động như hành động với ba má ông hôm trước. Trong thơ chỉ chỗ ông phải đến trốn tạm trong bìa rừng tràm ven một con rạch nhỏ. Người nầy rất quen với ông vì biết rõ cây tràm "trời đánh", nơi chỉ một ít bạn bè gác kèo ong mật mới rõ cái tên đó. Ông tin tưởng người viết lá thơ giúp ông thật tình và vò tờ giấy bỏ vào bếp than nồi cám heo rồi cùng vợ gom nhanh quần áo, tiền bạc vòng vàng. Ông M đến bàn thờ thắp 3 nén hương van vái ba má ông: "Ba má đi với chúng con, cầu xin các vong linh khuất mặt nơi đất nầy phò hộ cho chúng con toàn mạng trốn thoát, để nuôi ba đứa con khôn lớn nên người, rồi con có đền mạng cho mối thâm thù nầy cũng được". Nguyện cầu bằng lòng thành khẩn với các đấng vô vi, ông M dùng giấy báo gói di ảnh ba má  và đặt vào giữa  bao quần áo. 

Theo lời chỉ dẫn rành rẽ trong tờ giấy, cả nhà bò mọp sát đất  từ nhà trên còn chong đèn xuống nhà dưới, ra sau theo cái lỗ vách ở nhà bếp, chỗ ra vô của con heo nái. Họ tiếp tục bò như vậy hết khoảng vườn sau, rồi mới lom khom men theo bờ đê đi trên mặt ruộng tháng Tư còn khô nẻ. Ông M cõng LA, bà T xách các túi quần áo và dẫn hai con trai lặng lẽ đi tắt đường ruộng nhắm khu rừng tràm. Lúc đó cô Út mới 5 tuổi  mà đã rất khôn, LA bị muỗi bu đầy mà không dám khóc, cả nhà họ như nín thở khi những chiếc xuồng của bọn truy sát bơi ngang quơ đuốc bập bùng, ánh đao sáng loáng chém phập phập vào những dề cỏ ven bờ rạch, xà-no sào dài đâm chĩa xạc xạc vào lùm bụi gần bờ. Đến 3 giờ khuya, cũng nhờ người bí mật rơi thơ chỉ cho hai người cậu bơi xuồng đến chỗ họ ẩn núp, đem đến chút ít  tiền bạc và một thúng cơm nóng và tô mắm chưng và một tĩn nước mưa đặt trên chiếc xuồng và chỉ họ bơi tắt đường để cho kịp lúc hừng sáng phải tới khu đông dân, chiều ra tới Rạch Sỏi kiếm nơi an toàn ngủ nhờ nhà dân một đêm để khuya đón xe đi càng xa càng tốt. Chiếc xuồng không còn xài là phải lén nhận chìm phi tang, không cho bất cứ ai và cũng không được bán. 

Ông bà MT đến Sài Gòn làm đủ nghề để kiếm sống, họ cũng đã từng đi ở mướn trông nhà cho người ta như con bây giờ. Năm 1965 lúc tình hình chính trị tại Sài Gòn không ổn, chiến cuộc gia tăng khắp nơi. Chủ hãng của ông M là người Việt quốc tịch Pháp, ông ta bán hết cơ sở làm ăn để về Paris, nơi ông ấy có những đứa con làm việc và học hành. Ông chủ hãng nầy chừa lại một phân xưởng nhỏ ở Chợ Lớn, chính ông nhờ Luật sư hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng và đóng tiền trước bạ các thứ cho ông bà MT, quan trọng hơn là ông giao luôn sách vở kỹ thuật chế biến và giới thiệu các nơi giao dịch làm ăn. Từ công nhân tay trắng, ông bà MT có trớn làm ăn phát đạt, giàu lên nhanh chóng. 

Năm 1974 tình hình chiến cuộc gia tăng, ông nghe bạn bè khuyên nên mua vàng trữ chỗ an toàn  bí mật. Ông M chôn hũ gia tài trong vườn nhà của một người bạn từng là công nhân thuở hai người còn làm cho ông chủ "dân Tây". Và chỉ một mình ông và người bạn biết việc chôn vàng. Lúc đó ông chỉ nghĩ một chiều, có loạn lạc thì ông từ Chợ Lớn chạy vô Bình Chánh ghé nhà người bạn đó lấy vàng lên rồi chạy về vùng 4. 
Nhờ vậy mà trong các trận đánh "tư sản" sau ngày 30-4-75, chính quyền mới ra lệnh tịch thu cơ xưởng, kho vựa và cưỡng bức cả gia đình tay không bước ra khỏi căn nhà họ đang ở. Bà T bị hạch hỏi riêng lẽ, bà không biết chuyện gì khai thêm để nhận "khoan hồng" như bao người đã bị lừa để suốt đời ân hận, mang bệnh tâm thần, hoặc là phải tự vận. Sau trận đánh, ai cũng ngỡ ông M trắng tay. Dĩ nhiên họ không biết ông dùng số vàng phòng thân chôn ở nhà người bạn để mua căn nhà khác và giúp đại gia đình ba thế hệ của ông dễ dàng qua mấy năm khốn khó của toàn xã hội.
motlua4
 
Sáng thứ Bảy hôm đó không có lịch đi ra ngoài, con và LA ngủ đến 8 giờ. Xong mọi thứ và ngồi uống cà phê cũng gần 9 giờ, lơ đãng nhìn qua kính cửa sổ nắng rực rỡ bên dưới bãi đậu xe chung cư, nơi đang có tốp thanh niên chơi ném chụp banh cà na. Trái banh da phình giữa và thuôn nhọn 2 đầu, sức liệng lao tới xoáy như viên đạn rất mạnh mà có lần tụi nhỏ nói trò đó thịnh hành ở Mỹ. Tháng 10, trời bắt đầu lạnh hanh hanh trên thành phố sương mù, hai đứa thay đồ và khoác thêm áo gió đi xuống lầu rồi tà tà một vòng sân rộng phía trước. Hai đứa ngừng lại chỗ nhóm thanh niên ném banh để chờ một lời mời. Mấy cậu đó thấy tụi con đứng nhìn, họ lịch sự rủ chơi và chỉ cách ném. Bàn tay làm mướn của con đã không ăn thua gì trái banh, đỡ hơn LA phải dùng hai tay bưng trái banh đưa khỏi đầu mà  ném ra chưa đến 10 mét. 

Đang cười đùa vui vẻ thì ông quản lý chung cư ra sân mời hai đứa tụi con vào văn phòng, lý do có người gọi số nhà riêng mà không ai trả lời, nên họ gọi văn phòng nhờ giúp. Từ bên kia đầu máy, anh Ba nghẹn ngào báo tin: "Ông M bị thương chưa biết ra sao trong tai nạn xe bus bị lăn xuống hố trên tuyến  đường mà sáng nay ông hẹn một người quen khác cùng đi thăm bè bạn. Những người quen biết từ Việt Nam và rủ nhau mua vé trên chuyến tàu ra đi ở Vàm Láng hồi tháng Sáu. Tuần rồi họ là những người rời đảo đợt chót, vừa đến chỗ định cư ở địa phương cách Luân Đôn khoảng 200 cây số". 
Tụi con nghe hung tin, run sợ cầm cập kêu taxi chạy gấp về nhà. Bà T đứng chờ tụi con, bà ôm chặt hai đứa con sau khi bước qua cánh cửa vào nhà, ba người khóc nức nở một hồi lâu, bà mới nói được trong đứt khoảng:
- Tụi con cũng biết ba má dự định sáng nay cùng đi với một người quen của gia đình mình. Hồi khuya thức dậy sửa soạn để ra bến lấy chuyến bus sớm nhất, má nhức đầu và cảm thấy không khoẻ. Ba kêu má ở nhà với anh tụi con. Hơn 9 giờ thì có điện thoại xưng là Sở Cảnh sát gọi đến hỏi anh Ba xác minh là thân nhân của ông TVM không. Họ nói ba bị thương trong tai nạn lật xe bus xảy ra lúc 8 giờ 05 sáng nay, họ hẹn trong vòng 20 phút sẽ có xe cảnh sát rước má và anh Ba tụi con tới hãng xe bus để tháp tùng với nhiều người khác đi đến bệnh viện địa phương của vùng xảy ra tai nạn. Má nghe tin, chóng mặt xây xẩm không đi nổi, anh Ba yêu cầu họ qua rước luôn anh Hai. Anh Ba vừa đi với cảnh sát một chút thì có hai cô gõ cửa giới thiệu là y tá được phái đến đo tim mạch và xin ngồi lại phòng khách giúp đỡ cho má. Họ nói gì nhiều nữa má không hiểu, tụi con hỏi thăm hai cô về tin tức của ba. 
LA rất giỏi Anh ngữ, được 2 người khách giới thiệu là họ đến từ Sở cảnh sát, một người là y tá, một người là sĩ quan chuyên gia tâm lý và các vấn đề xã hội. Chúng con và hai người Anh trao đổi về chuyện công chuyện tư một lúc, cô sĩ quan cảnh sát xin phép bà T được mời con và LA xuống nhà hàng của chung cư. Tại đó cô ta khuyên hai đứa con thật bình tỉnh để cho biết rằng, cơ quan cảnh sát và phía công ty xe bus đang tìm một vị chức sắc tôn giáo hay người thiện nguyện trong cộng đồng. Cô ấy chân thành xin lỗi, theo truyền thống Tây phương, dù đau buồn họ cũng phải thông báo một tin ngắn, kinh khủng và tàn nhẫn như trời đổ sập trước mắt tụi con: "Ông M đã chết ngay trong tai nạn".

Một buổi sáng tháng Mười rực nắng bỗng như mù mù sương tuyết tối sầm, giữa thủ đô Anh quốc có hai đứa con gái Việt Nam cùng 27 tuổi, nắm chặt tay nhau khóc hù hụ như trẻ thơ trong một nhà hàng nhỏ.

Một Lúa

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com