User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

baohieu

Mẹ cô mất cách đây gần bốn năm, nửa năm trước bố cô cũng từ giã cõi đời. Chị em cô thành những đứa con côi ở tuổi năm mươi, sáu mươi. Các em cô hầu hết đã có gia đình riêng. Cô và hai cậu em trai là hàng tồn kho. Một em trai xây căn nhà nhỏ, ở riêng; nhà bố mẹ thì cậu Út thủ dinh.

Từ ngày bố mất, dù muốn hay không, cô vẫn phải về nhà hằng ngày để lo nhang khói bàn thờ ông bà và coi sóc nhà cửa. “Vắng đàn bà nhà quạnh bếp”, Út không thể tự lo cho cuộc sống của mình. Và mỗi khi trở về căn nhà xưa của bố mẹ, một trời kí ức trỗi dậy mãnh liệt trong cô.

Đây là cái tủ thờ đóng bằng gỗ hương tại trại mộc Công Thành đường Trần Khánh Dư. Mặt tủ khá rộng, hai bên có hai cánh cửa có thể cất đồ thờ trong đó. Mấy mươi năm mà mặt gỗ vẫn láng bóng, không một chỗ nứt. Giờ tủ đã lỗi mốt nhưng những năm 60 của thế kỉ trước, cô nhớ bố mẹ đã mừng biết bao khi có nó.

Đây là cái bàn gỗ hương có chân chữ U bố mẹ đóng cho chị em cô ngồi học. Đêm đêm, mỗi đứa ngồi một góc: đứa gân cổ học bài ra rả; đứa chau mày cố tập trung làm bài tập; đứa nghẹo đầu tập viết… Đêm nào bố mẹ cô cũng phải làm trọng tài phân xử chuyện kiện cáo cùng những vụ cãi nhau chí chóe của anh chị em cô. Kết thúc thường là cô gấp sách, đi ngủ trước và thầm dặn lòng mai dậy sớm để học; nhưng “cái ngủ” cứ kéo cô lại, không cho ra khỏi giường. Vậy là cô thường học bài và làm bài ngay sau mỗi buổi tan trường. Trong khi đợi bố về ăn cơm, cô cầm vở ra sân vừa đùa nghịch với các em, vừa lẩm nhẩm học. Bài vở thầy cô mới giảng, về học lại ngay nên dễ nhớ, dễ thuộc lắm. Tối cô chỉ ôn lại bài của ngày hôm sau.

Đây là tủ đựng quần áo, cũng bằng gỗ hương. (Ngày đó gỗ Pleiku nhiều sao trại mộc Công Thành mà bà chủ cùng quê với bố mẹ cô lại chuyên đóng bàn ghế, tủ… bằng gỗ hương?). Nhà đông con nên bố mẹ cô đặt đóng tủ năm ngăn, mỗi ngăn là cả một hộc dài. Tha hồ xếp quần áo, đồ dùng nhưng mỗi lần kéo ra thật khó. Phải kéo đều hai tay thì ngăn kéo tủ mới ngoan ngoãn di chuyển theo ý mình. Không thì có bậm môi, gồng tay mấy cũng chịu.

Đây là chiếc tủ đứng, một bên để treo áo dài, đồ tây; một bên được chia làm ba ngăn để đựng quần áo thường; bên dưới có một hộc tủ. Trải qua bao năm tháng, tủ đã mất cánh cửa kính và lỏng lẻo khá nhiều….

Mọi vật dụng trong căn nhà, mọi góc nhà như vẫn còn mang hơi hướm của bố mẹ cô, khiến cô nhớ khôn nguôi thời thơ ấu. Này đây, mảnh sân trước nhà với bức tường bố cô cho xây thấp, phía trên chắn ngang bằng ba cọc sắt dài. Phía ngoài bức tường, bố cô còn làm thêm một hàng rào bằng cọc sắt và kẽm gai. Lúc bé, cô đã bao lần trèo qua đó, chui vào rẻo đất nhỏ, loay hoay cuốc xới, trồng cà chua, ớt, khoai tây… Mảnh sân đó cũng là nơi cô thường đứng ngó mông lung ra đường mỗi khi rảnh.

Rồi cái móng nhà trên được xây khá cao bằng đá tảng, có một viền xi măng chỉ rộng độ 20cm, nơi cô và các em thi nhau đặt đôi bàn chân bé xíu và khéo léo di chuyển sao cho không bị trượt chân ra ngoài, không bị ngã xuống đất. Trò nghịch ngợm này đã để lại một vết thẹo ở mặt trước cẳng chân cô. Vết thẹo cứ lầy lên và rất lâu lành. Có lẽ vì ngày đó, mẹ cô chỉ biết rửa bằng thuốc đỏ và rắc kháng sinh. Bề mặt vết thẹo đóng vẩy nâu, khô miệng nhưng ấn vào thì phập phù mủ. Mãi mới lành.

Tính theo tuổi đời thì căn nhà xưa đã gần một vòng hoa giáp. Ngày đó ở tuổi ba mươi, bố mẹ cô đã xây được căn nhà này và sau đó có thêm vài căn khác. Cô thắc mắc thì mẹ cô cười thật hiền, giảng giải: “Các con đông. Sau này mẹ cho mỗi đứa một căn..”

Ước mong của bố mẹ không thành. Nhưng bố mẹ có biết chăng căn nhà xưa luôn mang lại cảm giác được yêu thương, bao bọc và sự bình yên, thanh thản cho những đứa con hai thứ tóc trên đầu mỗi khi chúng tìm về…

Tháng 02/2017
Nguyễn Thị Đức

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com