Tuần rồi tôi và Yến ra phi trường đón vợ chồng ông anh họ qua chơi nhân dịp Tết. Dù chuyến bay chưa đến nhưng cửa đó vẫn có hành khách của chuyến bay đến trước từ từ đi ra. Trong khi chờ đợi tôi để ý một người đàn ông độ gần bốn mươi từ đám hành khách đó hăm hở bước tới người đàn bà với ba đứa con cũng đang đứng chờ gần chỗ tôi. Bỏ bị xách xuống anh chàng đó đầu tiên ôm ghì thằng con nhỏ khoảng sáu tuổi và sau khi hôn má thằng nhỏ chùn chụt anh ta nói vào tai thằng nhỏ:
- “Bố nhớ con quá”.
Thằng nhỏ chớp chớp mắt nói:
- “Con cũng nhớ bố”.
Buông thằng nhỏ ra anh ta đứng dậy giơ hai tay hướng về thằng con lớn độ mười tuổi hai cha con ghì chặt lấy nhau rồi anh ta nói:
- “Con của bố. Bố thấy con bắt đầu cao lớn rồi ấy”.
Trong khi hai bố con ôm nhau thì đứa con gái nhỏ khoảng gần hai tuổi đang được mẹ bồng nhìn cha nó với cặp mắt nôn nóng. Buông thằng con lớn ra anh ta quay qua đứa con gái nói:
- “Cục cưng của bố” rồi ôm đứa con gái từ tay mẹ nó ghì chặt và hôn tới tấp lên mặt nó. Ðứa nhỏ lim dim cặp mắt mỉm cười gục đầu trên vai bố nó như đã tìm thấy một chỗ dựa ấm cúng. Sau đó anh ta trao đứa con gái nhỏ qua thằng con trai lớn rồi nhếch miệng cười dang hai tay rộng ôm lấy bà vợ ghì chặt rồi hôn lấy hôn để, hôn như ngày mới cưới, hôn như chưa bao giờ được hôn. Hôn chán anh ta nhìn vào mắt vợ nói:
- “Anh nhớ em quá” rồi hai người tình tứ nhìn nhau thì thầm rồi lại chùn chụt, chùn chụt khiến tôi đứng nhìn cũng… xốn cặp mắt. Nhưng tôi cũng thầm công nhận anh chàng này có một tình yêu vợ con tràn trề, tình yêu dài hơn cánh tay anh ta có thể dang ra. Sau khi buông nhau ra anh chàng có lẽ thấy tôi nhìn đăm đăm nên mỉm cười gật đầu chào khiến tôi không kềm được sự hiếu kỳ hỏi:
- Wow! Anh chị kết hôn bao lâu rồi mà còn nóng hổi thế? Anh ta hớn hở trả lời giọng pha chút hãnh diện:
- Mười hai năm, nhưng đã ở với nhau trước đó hai năm tổng cộng là mười bốn năm. Tôi nghĩ trong đầu: “Chưa bằng những ngày vợ ông cắm trại” rồi hỏi tiếp:
- Anh đi công tác xa nhà lâu lắm rồi nhỉ? Anh ta nhanh nhẩu:
- Dạ phải. Một tuần lận. Chút xíu nữa thì tôi bật cười nhưng kịp hãm lại. Trong đầu tôi hiện ra một ý nghĩ khôi hài: “Vậy mà làm cứ như là đi Iraq cả năm trời rồi không bằng. Thằng cha này chắc nó “mê” vợ nó dữ lắm, mười bốn năm rồi mà vẫn còn… nồng nàn như vậy”. Tôi gật đầu mỉm cười nhìn anh ta như khen ngợi:
- Tuyệt. Tôi cũng mong tôi và vợ tôi lúc nào cũng nồng nàn như anh. Anh ta nghiêm nét mặt nhìn thẳng vào mắt tôi với một giọng trịnh trọng:
- Ðừng mong, mà phải quyết định. Do mình quyết định chứ mong nó không đến. Nói xong anh giơ ngón tay cái lên cười ha ha khoái trí. Coi bộ anh ta rất hãnh diện khi có người “ngưỡng mộ” trái tim nồng nàn của anh ta. Yến đứng cạnh tôi theo dõi sự đối thoại chỉ nheo mắt ngó chứ không nói gì tới khi thấy tôi vẫn ngoảnh nhìn theo vợ chồng anh đó khi họ đã đi tới cuối hành lang Yến mới huých vào sườn tôi hỏi:
- Làm cái gì mà đứng lặng người ra đó. Tôi chưa kịp trả lời hay phản ứng ra sao thì Yến tiếp:
- Anh thấy không? Người ta thương yêu vợ con như thế chứ đâu như anh ấy. Anh ta mới xa vợ có bảy ngày mà cứ như là cả năm trời ấy. Còn anh ở ngay bên cạnh đây anh cũng có ngó ngàng gì tới đâu.
Cứ mỗi lần tôi có ý tưởng đẹp về tình yêu thì Yến làm tôi mất hứng. Nàng vốn có cái tài kiếm ra được lý do rất chính đáng để day dí tôi nhưng còn thêm cái tài lấy chuyện của thiên hạ chẳng dính dáng gì đến tôi quàng vào cổ tôi. Oan ức nhất là nếu chuyện bá vơ đó là chuyện tốt thì nàng lật ngược nó ra lấy mặt xấu gán cho tôi. Chẳng hạn như: “Chồng con người ta thì thế đấy, còn anh…”. Nếu chuyện đó là chuyện xấu thì dễ dàng hơn, nàng chỉ chép miệng: “Anh thì có hơn gì đâu… sợ còn tệ hơn nữa ấy chứ”.
Tôi nhớ không lâu trước đây, sáng bữa đó tôi dẫn Yến đến phòng mạch bác sĩ để xin thuốc “cúm”. Thực sự chuyện giản dị như vậy Yến có thể đi một mình nhưng nàng thích tôi dẫn đi để tôi có dịp tỏ ra săn sóc nàng. Ði sớm nhưng trong phòng bác sĩ đã có vài ba người đợi trước rồi trong đó có một ông già khoảng hơn tám mươi đang ồm ồm nói với cô ý tá trực cho ông vào gặp bác sĩ trước vì hôm nay ông rất vội. Tôi nghĩ trong đầu: Sớm thì cũng cả giờ, bộ ông tưởng muốn vào gặp bác sĩ lúc nào cũng được hay sao. Cứ năm mười phút thì ông ta lại giơ cổ tay lên coi giờ coi bộ rất nôn nóng nên cứ đứng lên ngồi xuống khiến cô ý tá cũng áy náy giùm. Cô ta nói với mọi người:
- Ông ấy nôn nóng quá lát nữa quý vị cho phép tôi đưa ông ấy gặp bác sĩ có được không? Chỉ cắt chỉ vết khâu thôi không lâu đâu.
Mấy người gật đầu tỏ ý bằng lòng cô ta vui vẻ nói với ông già rằng ông sẽ được gọi trước. Vui miệng cô y tá hỏi ông ta có cái hẹn chỗ nào khác hay sao mà nôn nóng như vậy. Ông già trả lời:
- Không cô. Tôi không có cái hẹn nào khác cả. Tôi phải vào nhà dưỡng lão ăn sáng với vợ tôi. Sáng nào cũng vậy. Cô ý tá tỏ vẻ thông cảm:
- Thế hả. Bà ấy ở trong đó lâu có bị bệnh gì không?
- Bà ấy bị bệnh “Alzheimer” và đã ở trong đó nhiều năm rồi. Cô ý tá với giọng ái ngại:
- Trời! Tôi nghiệp không. Ông sợ đến trễ một chút thì bà ấy buồn lắm hả? Ông già đáp tự nhiên:
- Bà ấy đã bị bệnh này lâu rồi và suốt bốn năm qua bà ấy không còn nhận ra tôi là ai nữa. Nghe ông già nói tôi cũng giật nẩy mình còn cô y tá thì trợn mắt ngó ông già hỏi:
- Như vậy mà ông vẫn đến ăn sáng với bà ấy mỗi ngày dù bà ấy không còn nhận ra ông là ai? Ông già mỉm cười đáp tỉnh bơ:
- Bà không còn nhận ra tôi nhưng tôi vẫn biết bà ấy là ai. Cô ý tá há hốc mồm hai tay bưng mặt nói như muốn khóc:
- Ô! Xin lỗi cụ, tôi sơ ý hỏi như vậy. Tôi ước gì tôi cũng sẽ có người chồng yêu tôi như vậy. Nói rồi cô y tá hấp tấp nói:
- “Xin cụ đi theo tôi ngay bây giờ”. Ông già đứng dậy chưa vững thì cô y tá đã kéo ông đi vào phòng trong để gặp bác sĩ. Yến lườm tôi nói:
- Ðó ông thấy không? Người ta yêu thương vợ con như thế chứ không phải như ông. Tôi nhờ ông dẫn đi bác sĩ thì ông cằn nhằn. Mai mốt nếu tôi có làm sao có lẽ ông cầu cho tôi chết phứt cho rồi.
Ðấy. Lại mửng cũ làm tôi cụt hứng khiến tôi nực gà:
- Bà đã làm sao đâu và tôi đã làm cái gì mà bà đã day dí tôi? Thật lãng nhách. Cái tật bắt quàng xiên chuyện ngoài đường ngoài chợ rồi chụp lên đầu tôi khiến tôi hay đổ quạu. Mà khi đã cáu kỉnh riết thì thành thói quen và sinh tật nói bậy nên hành xử của tôi đâm ra cục cằn chẳng còn tình tứ “romantic” tí nào nữa cả. Riết rồi tôi lại thêm cái thói quen là hay quên những ngày lễ, Tết nhất hay “Valentine” nọ kia tôi chẳng thèm nghĩ đến chuyện mua quà hay hoa tặng vợ. Những dịp tôi… quên như vậy thì Yến mới đầu còn nói bóng, nói gió rồi tới một lúc nào đó nàng nói toẹt vào mặt tôi khiến tôi có lần bực quá cao giọng:
- Tôi đã cho bà hết cả cuộc đời tôi rồi, bà nhìn tôi đây, tôi còn cái gì để cho bà nữa hả? Nghe nói vậy Yến ngồi im sụt sùi khóc. Chẳng hiểu nàng khóc thật hay khóc dối nhưng cứ nhìn con vợ già thút thít tôi lộn ruột thèm đá cho nó một phát. Sau khi nghĩ… bậy như vậy tôi hơi ân hận vì chợt nhớ lại hơn bốn mươi năm trước cũng “cô bé” này lúc đó mới mười bảy tuổi rưỡi; mỗi khi cô bé dân dấn nước mắt là tôi vội vàng ôm ấp dỗ dành rất hăng hái vì con bé dễ thương làm sao. Nhất là lần đầu tôi muốn tỏ tình tôi có cóp nhặt năm ba câu thơ của thằng cha căng chú kiết nào đó để tán em; bài thơ đại khái có câu:
Không ngờ nhờ bài thơ đó mà em… trở thành vợ tôi, cho nên đời tôi… Nghĩ tới đây tôi hơi ân hận về hành xử của mình và tôi nảy ra ý định làm một bài thơ để tạ lỗi cho nàng mát ruột tiếp tục… cơm bưng nước rót... Tôi đặt tên bài thơ là “Tạ Tình” trao cho Yến trong đó có câu kết tôi đắc ý nhất:
Tôi tưởng Yến sẽ cảm động vì thấy tôi tuy… lão rồi nhưng cũng vẫn còn tình tứ “romantic” ra gì… Nào ngờ đọc xong nàng còn khóc to hơn rồi than:
- “Ối giời ơi! Kiếp này mới được có một nửa mà tôi ứa gan lên tới mắt rồi, kiếp sau ông còn đeo theo tôi nữa thì tôi sống làm sao..?”. Tôi té ngửa ngỡ ngàng, tôi chẳng hiểu tôi sẽ phải làm thế nào để nàng hiểu tình yêu thực sự của tôi? … Bỗng Yến cầm tờ tạp chí đập vào người tôi khiến tôi giật mình trở lại thực tế; tôi chưa có phản ứng gì thì Yến giở trang tạp chí đưa tôi nói:
- Ông đọc cái chuyện này đi để suy ngẫm những gì tôi nói với ông… Tôi cầm tạp chí coi sơ sơ vài dòng nhưng thấy lôi cuốn tôi đọc tiếp thì ra đây là chuyện tình yêu của một cặp vợ chồng người Trung Hoa xảy ra từ hơn năm mươi năm về trước. Ðó là chuyện tình của chàng thanh niên mười chín tuổi tên Lưu yêu một góa phụ Xu hơn anh ta mười tuổi. Tình yêu kiểu này không được tập quán của dân làng xã hội thời đó chấp nhận và sẽ bị khinh rẻ. Nhưng hai người yêu nhau thật tình và muốn sống bình yên nên Lưu mang người yêu sống cách biệt với dân làng trong một hang động trên núi thuộc quận Jiangjin ở phía nam vùng Chong Qing. Mới đầu, tổ ấm của cặp uyên ương này chỉ là cái hang đất lạnh không có thức ăn chứ đừng nói đến điện nước. Họ phải ăn cỏ và rễ cây kiếm được ở trên núi để vui với cuộc sống hai trái tim vàng trong một hang đất.
Sức mạnh của tình yêu thật sự không ngừng tại đó, qua năm thứ hai của cuộc tình hang lỗ trên núi, Lưu bắt đầu và tiếp tục cho đến hơn năm mươi năm sau đó đục đá ở sườn núi khắc những bậc thang cho vợ có thể đi xuống núi và đi lên dễ dàng. Mãi đến năm 2001 một nhóm thám hiểm đi vào khu rừng núi này và họ ngạc nhiên khi khám phá ra một cặp vợ chồng già sống ở trên sườn núi cao phải bước hơn sáu ngàn- phải, sáu ngàn bậc thang đá mới tới tổ ấm của ông bà. Lưu Ming Sheng, một trong bảy đứa con của ông bà Lưu, Xu nói:
- “Cha mẹ tôi yêu nhau rất tha thiết. Họ đã sống cách biệt với xã hội dân làng suốt năm mươi năm nhưng họ không hề xa nhau một ngày nào. Ông đã khắc những bậc thang đá này cho mẹ tôi xuống núi được dễ dàng mặc dù bà rất ít khi dùng tới”. Cuộc tình yên tịnh này từ đó không còn yên tịnh nữa vì sau đó khoảng năm 2005 chàng Lưu 72 tuổi đã ngất xỉu trên đường về hang động sau một buổi đi làm ruộng rẫy. Xu, bà vợ ôm chồng ngồi cầu nguyện khi ông thỉu đi nhưng vì yêu vợ quá tha thiết nên bàn tay ông nắm cứng cổ tay vợ chặt đến nỗi khi ông vĩnh viễn ra đi rồi mà bà khó khăn lắm mới gỡ cổ tay ra được bàn tay ông. Bà Xu nức nở:
- “Ông hứa với tôi ông sẽ săn sóc tôi suốt đời, ông sẽ luôn ở bên cạnh tôi cho tới ngày tôi lìa đời, nhưng bây giờ ông bỏ tôi lại một mình thì làm sao tôi sống đây hả ông?”. Bà Xu ngồi cả ngày ôm quan tài chồng mặt tràn trề nước mắt thổn thức nhắc đi nhắc lại câu nói này. Năm 2006 chuyện tình này đã được tuần báo Ðàn Bà của Trung Quốc xếp hạng vào một trong mười chuyện tình đẹp nhất của Trung Hoa. Chính quyền địa phương đã quyết định chăm sóc bậc thang tình yêu này và biến tổ ấm của ông bà Lưu, Xu thành một viện bảo tàng để chuyện tình này sẽ tồn tại mãi mãi…
Ðọc xong tôi liếc nhìn Yến thì thấy nàng nhìn tôi mỉm cười ý như muốn hỏi tôi nghĩ thế nào. Tôi định nói với Yến rằng nếu nàng cứ mở miệng ra là day dí tôi khiến tôi cáu thì tôi không thể nào “tình tứ” với nàng được, nhưng vừa lúc đó cô y tá đã ra gọi Yến vào gặp bác sĩ...
Trần Ngân Tiêu