User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

maumatchuaquen

Tháng Chín, tôi trở lại trường cũ ghi tên học một lớp. Buổi chiều tôi đáp xe điện ngầm đến trường. Mùa thu, năm giờ chiều trời đã nhá nhem. Bước vội về hướng lớp học tôi nghe gió lao xao trên ngọn cây, thứ gió đặc biệt của mùa thu làm lá rung mà cành không lay. Thoảng trong gió hình như có ai gọi tên tôi theo đúng kiểu Việt Nam. Tôi nhìn chung quanh chẳng thấy ai và tự nhủ mình chỉ giỏi tưởng tượng. Đã gần hai mươi năm tôi mới trở lại trường, ngay từ lúc còn đi học chẳng ai có thể gọi tên tôi bằng tiếng Việt. Chỉ có một người làm việc chung có thể gọi tên tôi như thế. Tôi đang cắm cúi bước đi chợt nhận ra có người đứng chắn ngang đường; ngẩng mặt lên tôi nhìn thấy Scott.

Anh cười tươi. Bao nhiêu năm rồi sao nụ cười và ánh mắt ấy vẫn còn rất trẻ. Trong nắng chiều chập choạng, tóc anh đã nhiều sợi bạc. “Tôi thấy em từ lúc em đi ngang Colton Hall, gọi em khản cả giọng mà em không nghe.” Tôi ngạc nhiên. “Thì ra đó chính là anh? Tôi nghe tiếng gọi nhưng chẳng thấy người. Và cũng không nghĩ là ở đây có người biết tên mình.” Chỉ có Scott là người có thể gọi tên tôi phát âm đúng cách. Có lẽ vì anh đã thực tập biết bao nhiêu lần. Lòng tôi chùng xuống.

Khi mới biết nhau, cái tên của tôi đơn giản hai chữ như vậy; mà anh, cũng như bao nhiêu người Mỹ khác, đều vất vả khó khăn trong việc phát âm. Tôi dễ dãi bảo mọi người gọi tôi bằng gì cũng được. “Cứ cười ‘Ha Ha’ thì tôi biết ngay đó chính là tôi!” Tuy thế, dần dần anh phát âm tên tôi thật chính xác và không ngần ngại sửa sai những người làm việc chung với một chút bỡn cợt. Scott hỏi: “Em đã ăn tối chưa? Tôi đang đói, em có thể dành cho tôi vài phút không? Sáu giờ lớp học mới bắt đầu. Em làm gì ở đây?” Tôi nói, “trời nhá nhem thế này mà anh cũng nhận ra tôi, hay thật!” Scott nhìn tôi: “Em chẳng khác ngày xưa bao nhiêu, vẫn mái tóc dài, vẫn dáng đi cúi đầu.” Anh trêu: “Và vẫn không cao thêm chút nào.”

Tôi ngoan ngoãn theo Scott đi ra phía sau khuôn viên của trường nơi có những quán ăn cho sinh viên. Và trong chừng ba mươi phút ngắn ngủi giữa pizza và trà Lipton, chúng tôi cố gắng ghi nhận phần đời của nhau trong mười năm không gặp, tưởng như tình đã cũ. Gió thu như nhẹ nhàng thổi bay đi lớp tro tàn, ngọn lửa của than hồng vẫn còn âm ỉ cháy.

Chúng tôi làm việc chung với nhau. Tôi có nhiệm vụ đặt thang và bậc thềm cho công nhân phụ trách công việc chăm sóc cầu quay có thể lên xuống dễ dàng. Scott có nhiệm vụ cung cấp ngân quỹ, và vượt qua những luật lệ lỗi thời áp dụng lên những chiếc cầu cổ lỗ sĩ của công ty xe lửa. Công việc không khó nhưng người ta cấm đoán và đòi hỏi đủ thứ giấy tờ phức tạp; lý do là vì đây là một trong những cây cầu đã hơn trăm tuổi. Giới bảo tồn văn hóa không muốn làm mất vẻ cổ kính của cây cầu. Nhóm kỹ sư muốn công việc dễ dàng nhanh chóng và ít tổn phí. Nếu ai đã từng làm việc cho cơ quan nhà nước của Mỹ sẽ biết là đôi khi vì bè nhóm phe phái, ai cũng muốn làm vua một cõi, người ta tha hồ gây khó khăn làm cản trở công việc của nhau. Scott gọi điện thoại yêu cầu tôi đưa anh đến chỗ cây cầu ở gần cửa biển. Tôi hẹn giờ, chỉ đường và chúng tôi gặp nhau ở bên đầu của cây cầu.

Trời đã bắt đầu xuân. Hôm ấy nắng ấm dù mới mấy ngày trước một cơn bão tuyết đã để lại cả mét tuyết. Tuyết đã được gom thành từng đống cao nghệu rải rác khắp nơi. Scott nhìn tôi trong áo thun dài tay, quần jean, nón bảo hộ, anh cười tự giới thiệu, rồi bảo thêm, “trông cô như vẫn còn là học sinh Trung học.” Tôi cười, “Tôi đã có gần mười năm kinh nghiệm lận lưng rồi đấy nhé.”

Scott cao lớn vạm vỡ như một ông thần hộ pháp. Tóc anh vàng tơ, mắt xanh như màu biển, màu trời, và màu của cây cầu ngày hôm ấy. Scott có cái vẻ đỏm dáng của dân làm việc văn phòng sống trong thành phố, đi ra cầu mà anh mặc áo trắng quần ka ki như thể đây là bộ đồ cũ nhất và xấu nhất của anh. Cái áo khoác mỏng không cài cúc dù chỉ mới mười giờ sáng. Gió biển lồng lộng làm tôi thấy lạnh. Cơn bão tuyết đã qua nhưng trời vẫn lộng gió và lạnh. Anh khen trời đẹp và mát.

Tôi dẫn Scott băng ngang cầu, nhắc chừng anh ngoái đầu trông chừng xe lửa. Tôi chỉ cho anh những chỗ trú an toàn nếu xe lửa đến giữa lúc chúng tôi đi trên cầu. Tôi nói, để chứng tỏ tôi biết rõ môi trường và công việc của tôi. “Cầu dài chừng sáu trăm mét. Thời khóa biểu cho biết là sẽ có xe lửa chạy ngang trong vòng hai mươi phút nữa nhưng chúng ta không thể ỷ y.” Đến giữa cầu chúng tôi leo xuống chân cầu. Từ chân cầu chúng tôi phải vào hầm, chỗ đặt cái trục quay bằng thép của cầu. Tôi chỉ Scott những chỗ có mỡ bò được dùng để làm trơn máy. Dặn anh đừng dựa lưng bất cứ nơi nào nếu anh không muốn ném cái áo trắng của anh vào sọt rác.

Từ trên thành cầu, Scott nhảy xuống gọn gàng và đưa tay đỡ tôi xuống hầm. Tôi đã trồng vào người bộ đồ bảo hộ lao động màu nâu mà các người làm việc chung thường bảo làm tôi giống cái bánh ginger bread. Lúc mới xuống từ ngoài sáng vào chúng tôi không nhìn thấy gì, một lúc sau định thần nhìn kỹ Scott nói: “Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu thấy ở đây có một bộ xương khô và chuột bò lúc nhúc.” Tôi cười, “nơi đây tuy tối tăm bẩn thỉu nhưng không đến nỗi mất an toàn. Người canh giữ cầu ở trên cái tháp kia.” Tôi mở túi xách lấy ra cái đèn bấm, bản vẽ, giải thích công việc của tôi. Những người thợ chăm nom và sửa chữa máy quay cầu cần có thang để công việc của họ an toàn và hữu hiệu hơn. Scott cười, “nếu có thang những người nhỏ bé như cô không cần phải có người giúp.” Tôi nói, “bình thường dưới hầm không tối như thế này, tuy nhiên trận bão tuyết mấy ngày trước đã lấp đi nhiều chỗ cho ánh sáng rọi vào. Và nếu tuyết không lấp lối, tôi có thể tự leo lên xuống dễ dàng.” Scott đưa mắt nhìn chung quanh nào là nùi giẻ rách dính dầu, tàn thuốc lá, chai đựng sô đa bằng nhựa, những cái ly đựng cà phê bằng mốp xốp: “Công việc này không khó tuy nhiên chỗ này chật hẹp khó xoay trở.” Gió thổi qua những kẽ hở của cầu nghe như tiếng hú. Tôi rùng mình vì lạnh. Qua Mỹ bao nhiêu năm tôi vẫn giữ bản chất của cô gái miền nhiệt đới, dưới hai mươi độ C là tôi thấy khó chịu.

Chúng tôi đo đạc, ghi chép, chụp ảnh xong trời đã trưa. Mây lại tụ về làm chúng tôi sợ bị mắc mưa nên thu xếp ra về. Lúc xuống dễ dàng nhưng bây giờ leo lên là chuyện khó. Scott nhảy lên bám lấy thành cầu rồi đu nhẹ nhàng lên như một lực sĩ. Còn tôi, tôi không thể tự leo lên. Tôi bám lấy một thanh ngang đưa cái túi xách có chứa bản vẽ, máy chụp hình, thước đo, của mình cho Scott mang lên trước, nhưng hai cánh tay của tôi quá yếu nên tôi không thể tự đu lên như Scott. Scott muốn kéo tôi lên nhưng thành cầu ở gần mé nước nếu sơ xuất cả hai sẽ rơi xuống nước. Cửa biển, nước chảy xiết, và ở buổi đầu xuân như thế này có lẽ nước lạnh cỡ chừng tám độ. Nếu rơi xuống chắc là khó sống. Loay hoay một hồi, thấy không có cách nào hiệu quả, Scott nhảy xuống trở lại. Scott bảo tôi, “thế này nhé, cô đứng lên đầu gối của tôi, bám tay vào vách thép của cầu, leo lên hai cánh tay của tôi và leo lên mặt ngang của thành cầu. Cẩn thận đừng để rơi xuống biển nhé.”

Tôi cởi đôi ủng, cởi cả bộ quần áo bảo hộ lao động dày cui ngăn cản tôi không thể xoay trở dễ dàng, nhưng hai cánh tay của Scott vẫn còn chông chênh quá. Cái nón bảo hộ của tôi cứ va vào hết nơi này đến nơi kia kêu côm cốp. Cuối cùng, tôi phải ngồi lên vai Scott, anh đứng lên rồi tôi đứng lên vai anh, tay anh đẩy tôi lên rồi cho đến khi tôi có thể nằm lên mặt thép của thành cầu thấp nhất. Trong lúc vất vả như thế cái nón của tôi rơi xuống trúng đầu Scott và tóc của tôi xõa đầy mặt anh. Vốn không quen việc người lạ chạm vào người tôi nghe người mình nóng hổi, tim đập thình thình, mùi kem dùng để cạo râu, hơi thở đàn ông hăng hăng của Scott làm tôi ngây ngất. Chỉ một cái quay đầu là môi sẽ chạm và thân thể sẽ bốc cháy khi những sợi thần kinh đã căng thẳng cực độ vì sợ và hoạt động mạnh. Khi lên khỏi cầu cả hai chúng tôi đều bẩn thỉu, cái áo trắng và cái quần ka ki của anh dính cả dấu giày ủng của tôi.

Trở về chỗ đậu xe, anh nói đùa về trọng lượng của tôi còn tôi chê đôi cánh tay của anh không đủ khỏe. Rồi tôi trêu trọng lượng của anh và anh trả đủa bằng cách chế nhạo đôi cánh tay yếu đuối của tôi. Scott rút khăn tay lau vài chỗ bẩn trên mặt tôi và nói “Cái nón của cô rơi làm u đầu tôi, nhưng vì tóc của cô rất thơm nên tôi tha thứ cho cô.” Tôi đỏ mặt, nhìn Scott rồi ngó ra biển và chợt nhận ra màu mắt anh thay đổi theo màu trời và màu nước biển. Tôi nói lảng. “Anh có biết là cầu dành riêng cho xe lửa, nếu băng ngang mặt nước thì phải sơn màu xanh biển còn băng ngang đất thì sơn màu xanh lá cây không?” Có những nơi tuyết đã tan tạo thành những vũng nước nhỏ Scott nắm tay giúp tôi nhảy qua những vũng tuyết này. Cái ngăn cách ban đầu giữa hai người làm việc khác phái cũng bắt đầu tan. Anh có cái ân cần săn sóc phụ nữ rất tự nhiên của đàn ông Âu Mỹ. Anh giúp tôi mở cửa xe và khi tôi ngồi vào xong anh đóng cửa lại. Tôi nhìn anh lái xe đi, sân nhà ai có những đóa hoa crocus nở tim tím vươn lên trên mặt đất còn đọng tuyết. Gió mang theo mùi hoa hyacinth làm tôi nhớ hai câu thơ “Trông theo ai đến cuối đường. Gió bay làm dậy mùi hương ngây lòng.” Dấu giày của tôi in trên quần của Scott và mùi kem cạo râu cùng với hơi thở của Scott dính đầy trên tóc tôi.

Tôi hỏi anh lập gia đình chưa, có con không, có hạnh phúc không? Anh cho tôi xem ảnh vợ và hai con trai. Vợ anh là người Phi Luật Tân, tóc dài, da màu mật, dáng nhỏ nhắn. Tôi ngạc nhiên. “Thế còn cô tóc vàng?” “Cô tóc vàng nào?” Tôi tả hình dáng cô gái tóc ngắn, dáng cao và thanh, đã thân mật quàng vai anh trong buổi tiệc tiễn đưa anh. Tôi có hứa đến dự nhưng không về kịp vì bận đi họp ở một cái cầu quay rất xa ở tận cái mõm bùn cuối tiểu bang. Anh bảo không nhớ ra, không biết tôi nói đến ai, có thể đó là một khách hàng, cũng có thể đó là cô em gái của anh đến gặp anh. Tôi hỏi: “Anh đến đây để làm gì?” “Tôi hiện đang làm chủ tịch hội đồng cựu sinh viên kiến trúc của trường. Tôi đến họp. Còn em?” “Lấy một lớp học cho vui.”

Do công việc chúng tôi gặp gỡ nhau thường xuyên. Tôi cung cấp tài liệu bản vẽ, ước tính tổn phí và những chuyện linh tinh. Scott cung cấp ngân quỹ và thuyết trình về dự án. Anh thuyết phục mọi người công việc này rất cần thiết. Chuyện hai chúng tôi bị kẹt dưới chân cầu là bằng chứng hiển nhiên. Nhân viên có thể bị tai nạn chết người nếu không có thang giúp thi hành công việc dễ dàng hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì vẻ cổ kính của cây cầu. Tôi thán phục nhìn Scott làm chủ buổi thuyết trình dễ dàng bơi lội trong ao nhà. Ao nhà với anh nhưng lại là biển lạ với tôi. Nơi đây, phụ nữ và đặc biệt phụ nữ ngoại quốc, luôn luôn là người ngoại cuộc. Những lý luận Scott dùng trong buổi thuyết trình là của tôi nhưng anh nói người ta nghe còn tôi nói thì như viên đá nhỏ rơi xuống hồ không đủ khoắn thành vòng. Scott bảo nếu tôi đảm nhiệm công việc thuyết trình tôi sẽ được chú ý nhiều hơn nhưng tôi từ chối viện cớ là mình nói có giọng ngoại quốc người ta nghe không hiểu. “Em không biết, giọng nói người ngoại quốc có cái duyên của nó.” Anh nói, đôi mắt xanh cười lóng lánh.

Tôi nghe lòng mình nhiều mơ ước. Anh luôn tràn đầy trong tư tưởng tôi ngay cả khi anh không có mặt ở bên tôi. Tôi tìm đủ mọi cách để bôi xóa ý nghĩ của mình. Không khéo mình tự biến mình thành một cô Phà Ca thời đại và chế diễu mình khi tự so sánh với Tiểu Siêu. Chúng tôi ăn trưa chung với nhau một vài lần khi công việc cho phép nhưng không tiến xa hơn. Tôi vốn không thích bị lệ thuộc vào ai cả. Nương vào Scott tôi có thể vượt biên giới da màu, trở thành người nhập cuộc và nhờ đó sẽ tiến xa hơn trong lãnh vực nghề nghiệp nhưng như thế là tôi sẽ lệ thuộc vào cái bóng lớn của anh. Scott làm tôi thấy nhỏ bé và thèm được anh bảo bọc. Tôi mơ ước được che chở nâng niu và cố gắng từ bỏ niềm ao ước ấy. Đôi khi tôi nghĩ đến việc mang Scott vào cuộc đời tôi, dạy cho anh phong tục của tôi. Anh bảo rằng từ khi biết tôi anh thích ăn chả giò và phở. Tôi cười, anh cần phải biết ăn bánh cuốn và nước mắm, rồi còn mắm kho với cá bông lau rau kèn và bông súng chẻ. Và Việt Nam không chỉ có bao nhiêu đó thôi. Có lần tôi thử hát một câu tiếng Việt cho anh nghe, ngâm một câu Kiều, đọc một câu ca dao, rồi tôi bỗng nghe giọng của mình lạ lẫm, nhạt thếch. Tôi có thể bơi lội ngụp lặn trong phong tục xứ anh nhưng không thể nào giải thích cho anh hiểu sự rung cảm một câu thơ xưa trong lòng tôi “Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.” Và “quê nhà xa lắc xa lơ đó, ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.” Làm sao khi tôi gác chân ngang bụng anh, tôi có thể mang anh vào một không gian nơi đó có bóng trăng xuyên lá dừa, bát ngát hương lài, hương dạ lý ở một miền quê ngoài thành phố Sài Gòn có con kênh đào và đồng cỏ u ru. Nói thì tôi cứ nói nhưng chắc anh không bao giờ hiểu được hay thấy được những gì tôi đã thấy và vẫn còn đang thấy. Nếu giữa tôi và anh sẽ có những phút giây mê đắm của hai thể xác quyện thành một, thì những dị biệt mù mờ lẩn khuất trong ngõ ngách của tâm hồn sẽ không thể nào với tới dù ở cạnh bên nhau.

Scott không săn đuổi quá đáng dù là tôi biết lòng anh mở cửa chờ đón tôi. Tôi không tiến tới dù chưa có người đàn ông nào làm tôi cơ thể thèm muốn đến thế. Tôi nhớ cái mùi đàn ông của anh đến ngây ngất. Tim tôi vẫn đập rộn ràng khi nghĩ đến buổi sáng dưới chân cầu. Scott thích mái tóc dài, dáng dấp nhỏ nhắn, nước da màu mật của tôi. Anh không ngần ngại nói với tôi điều này và ngạc nhiên khi tôi nói thật là tôi vẫn thường mang mặc cảm xấu xí. Màu da của anh và màu da của tôi thường làm tôi liên tưởng đến cà phê sữa và kem vanilla hay con ong bầu đậu trên hoa lan trắng. Anh thường bảo, “mỗi sáng em phải soi gương và tự bảo mình là Scott thấy em rất là xinh xắn.” Tôi nói xa xôi, “liên quan làm việc không nên để lẫn tình cảm cá nhân. Những người làm việc chung dễ ghét nhau vì tranh tài giành chức giành quyền, tình cảm riêng tư thường bị tổn thương và chết sớm.” Anh hay nói đùa là tôi là hiện thân của sắt (thành cầu) và đá (chân cầu). Anh nói nếu vợ anh làm lương cao hơn, anh tình nguyện ở nhà nấu cơm và viết văn. “Nếu em trở thành xếp của tôi, tôi sẵn sàng nâng xếp lên khỏi đầu bằng hai cánh tay tôi.” Tôi dùng một ẩn dụ của dân kỹ thuật trả lời, “thép này đã từng đổ biết bao nhiêu mồ hôi đấy nhé!” Điều mà tôi muốn nói nhưng giữ lại lời là, tôi là một phiến đá biết sầu tư!

Rồi Scott xin thuyên chuyển qua một công ty khác. Buổi tiệc đưa tiễn anh tôi bận không về kịp chỉ thấy nhìn anh từ nơi xa khi tiệc đã tàn. Anh đứng nói chuyện có vẻ thân mật với một cô tóc vàng. May là chúng ta chưa có gì trước khi có cô gái xinh đẹp này. Tôi không tranh giành nên không thể nói tôi là người thua cuộc. Anh gọi điện thoại vài lần dặn tôi gọi lại cho anh nhưng tôi không trả lời. Thỉnh thoảng tôi có dịp trở lại cây cầu cũ, bây giờ đã có những bậc thang màu vàng gắn theo thành cầu người ta dễ dàng lên xuống. Tôi đứng tần ngần chỗ ngày xưa Scott đỡ tôi lên.

“Đặt chân lên dấu chân người đã khuất.
Trồng cây hoa lên dấu chân của người.
Suối ngừng xối. Rừng thôi thay lá.
Để giấc mơ người cũ lại về.”

Tôi tự nhắc nhở vì sao tôi không tiến tới. Tôi chọn nhìn thấy những dị biệt mà làm ngơ những tương đồng. Tôi chọn cái quá khứ quen thuộc của một quê nhà xa lắc xa lơ để từ chối một hiện tại còn quá xa lạ. Tôi được quyền chọn lựa, biết điều mình muốn và cả những điều mình không muốn. Tôi yên tâm với sự chọn lựa của mình. Scott không phải của tôi, chưa bao giờ là của tôi, mà sao tôi thấy trong sự chọn lựa này có nhiều mất mát đến độ làm tôi đau đớn.

Hôm nay gặp lại người năm xưa. Dòng đời mang chúng tôi đến gần nhau rồi cuốn chúng tôi xa nhau rồi đưa chúng tôi gặp lại nhau. Lần đầu tiên gặp anh trời vào xuân, gió lạnh và hoa bắt đầu nở. Lần này gặp lại anh trời chuyển sang thu, gió vẫn lạnh và lá bắt đầu rơi. Chúng tôi trao đổi số điện thoại. Anh nhắc lại ngày chúng mình bị vướng dưới chân cầu chưa có cell phone. Anh đưa tôi đến lớp học. Tôi nhìn bóng anh khuất dần ở hành lang hun hút. Lại thêm một lần nữa tôi mang cảm giác phải ở lại. Làm người ở lại có bao giờ vui.

Đêm đó tôi lái xe về. Nhà ai đó đã treo đèn Halloween sáng rực, những con ma dễ thương màu trắng, những bà phù thủy áo tím mặt xanh, và những trái bí màu cam vàng rực. Trong tôi vọng nhẹ một câu thơ Trong hồn tôi có một chút gì cô quạnh và vườn tôi xưa vẫn một vuông rất nhỏ. Ở những con đường tối, mặt trăng sáng lấp lánh lẽo đẽo theo tôi. Trong tâm tư tôi lãng đãng màu mắt của Scott. Ánh trăng trong veo lạnh lẽo, cái lạnh như thấm cùng bóng tối trong tim tôi thành những hạt sương lăn dài vòng quanh buồng tim âm thầm nhói buốt.

Một nhân vật trong Alexis Zorba bỗng hiện về. “Rồi bạn sẽ không còn nhớ đôi mắt của chàng màu xanh hay màu đen!”

Tôi ước gì tôi có thể đồng tình với nhân vật ấy.

Nguyễn Thị Hải Hà

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com