User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Phần 2 

caucatrongho

Câu cá trong hồ

Câu cá

Trưa, nước lớn, em gái tôi rủ tôi:
- Đi câu đi anh Hai.
Ngoài vườn nhà tôi lúc nào cũng có sẵn vài bụi trúc. Gió đưa cành trúc la đà… Tôi chặt một cây trúc thẳng thớm, cột nhợ gân và lưỡi câu nhỏ để anh em tôi câu cá lòng tong và cá rô. Cá lòng tong dưới sông hay dưới mương vườn nhiều lắm và rất dễ câu. Mồi gì chúng cũng ăn, từ một hột cơm, một miếng tép, một chút mồi trùng hay một con cào cào. Cơm thì lấy trong nồi. Tép thì xúc trong rễ lục bình. Lấy một cái rổ nhuyễn, xúc đại từ dưới dề lục bình trong mương vườn thế nào cũng được vài con tép nhỏ. Trùng thì đào gần lu nước chỗ đất ướt. Cào cào thì đi bắt trong những bụi rau mác, bụi cỏ lác gần nhà.

Cauca1

Im lặng đợi chờ

Cá lòng tong rất háu ăn, nếu bỏ mồi ngay bầy thì chúng tranh nhau ăn giựt không kịp, có khi chỉ liệng cái lưỡi không mồi xuống, chúng cũng tranh nhau ăn và dính câu. Còn cá rô hay cá he thì ăn chậm hơn, phải bỏ mồi tép hoặc mồi trùng hơi sâu. Khi bắt đầu ngậm mồi, cá rô nhả một bọt nhỏ, phải để yên đợi khi nó kéo nặng tay mới giựt một cái. Có một lần, trong mương vườn chỗ gốc bưởi, anh em tôi câu dính một con cá rô nghệ lớn hơn ba ngón tay ngừời lớn. Tôi còn nhỏ, con cá kéo cong cần câu, phải lôi kéo một lúc tôi mới đem được cá vào bờ. Anh em tôi mừng quýnh, trống ngực đánh thình thình . Hình ảnh con cá rô lớn đó trong đời tôi vẫn còn nhớ mãi.

Tôi có một anh bạn hiền học chung lớp nhì trường làng. Nhà nghèo, đi học về anh Nam phải đi câu cá, nấu cơm cho cả gia đình ăn. Phần anh sáng đi học xách theo một gà mên cơm với mấy con cá nướng có chan vài muỗng nước mắm. Hồi đó học trò Tiểu Học ngày học hai buổi sáng chiều. Học sinh ở xa thường xách cơm theo, ở lại trường ăn trưa, tới chiều mới về nhà. Một buổi sáng nọ chúng tôi tới trường, được thầy cho nghỉ học vì sắp có mưa bão lớn. Tôi và anh Nam ra về, lúc đó mới khoảng 9 giờ sáng. Anh rủ tôi thanh toán gà-mên cơm của anh. Chúng tôi tìm một bệ đá bên đường chia nhau phần cơm. Chỉ là cơm nguội với mấy con cá rô biển, mà anh câu được hôm qua, muối nướng thật mặn, chấm nước mắm ớt.

Cá rô biển hình tròn giẹp, con lớn nhất bằng bàn tay, thường mình bắt được cỡ 3-4 ngón tay. Cá sống theo các nhánh chà dưới sông, thịt ăn ngọt như cá rô đồng. Chỉ là bữa cơm của học sinh nghèo đạm bạc, nhưng không hiểu sao, bữa cơm đó ăn giữa đất trời, tôi thấy quá ngon, ngọt bùi tình cảm. Sau nầy tôi được thưởng thức nhiều bữa tiệc tùng, nhưng bữa cơm đạm bạc với anh Nam vẫn còn ghi đậm trong lòng tôi. Dù xa nhau đã trên 40 năm, tôi vẫn luôn ấp ủ tình bạn của anh Nam trong lòng.

Câu Vụt

Một hôm nước sông lớn đầy, trong xanh. Gió thổi bông bần rơi bồng bềnh trên mặt nước, làm bầy cá lòng tong thấy động nổi lên đớp mồi. Mẹ tôi biểu tôi:
- Cu Tèo, đi hái cho mẹ mấy cái bông mù u để mẹ làm mồi câu vụt. 

Mẹ tôi lấy một cây kim may cũ, hơ trên đèn cho đỏ rồi bẻ thành một lưỡi câu nhỏ không có ngạnh. Mẹ tóm nhợ bằng chỉ may, móc một miếng nhụy bông mù u nhỏ hình tròn, nhỏ hơn hột tiêu. Đợi khi nước lớn cá lòng tong vào gần bờ ăn, mẹ thảy từng nhúm cám nhỏ cho cá bu lại. Mẹ tôi ngồi gần bờ, ném lưỡi câu xuống rồi vụt lên liên tục cho dù cá có ăn hay không. Người câu vụt ném mồi và vụt lên đều đặn, điệu bộ khoan thai nhịp nhàng. Cá lòng tong, cá mại rất háu ăn và tranh ăn. Khi thấy một cái lá, con sâu rơi xuống nước, không cần biết đó là món gì, chúng tranh nhau bu táp, rỉa lia lịa. Khi mẹ tôi ném một miếng mồi trắng rớt xuống là chúng lao tới đớp không cần biết đó là mồi gì.

Vì lưỡi câu không có ngạnh, khi cá bị dính và vụt lên, cá liền văng ra phía sau. Mẹ tôi cứ tiếp tục vụt, những con cá bạc lấp lánh cứ tiếp tục bay lên và anh em tôi chạy lăng xăng, rối rít bắt cá bỏ vào thau nước. Tuổi thơ chúng tôi rộn ràng trong những ngày vui như hội. Trưa hôm đó mẹ tôi làm món cá lòng tong xào giấm. Mẹ tôi sai tôi ra vườn bẻ mớ rau, chính yếu là rau cải trời, rau ngò gai, rau húng. Những thứ nầy mọc sau vườn lẫn trong cỏ và nhiều như cỏ. Cắt thêm vài cọng hẹ là xong.

Cauca3

Câu dính cá 

Mẹ nấu khoảng 1 tô giấm cho sôi, bỏ cá lòng tong vào. Cá lòng tong tươi xanh, thịt rất ngọt, to bằng ngón tay người lớn, nấu sôi bùng lên là chín, bỏ ra dĩa ăn nóng. Cá mại hình giẹp màu bạc cũng to bằng cá lòng tong. Món cá nhúng giấm nầy quấn với rau cải trời, cuốn với rau ngò gai, hẹ, rau húng thơm ngát, chấm vào nước mắm chanh tỏi. Thịt cá ngọt mềm, chua chua, quyện với mùi rau thơm ngát. Nhai một cuốn, thấy đời như muốn bay lên tận mây xanh. Nay mẹ tôi đã qua đời, tôi nhớ mẹ nên có làm bài thơ như sau:

Gió rụng bông bần rơi lả tả
Bồng bềnh nước lớn bến sông quê
Mẹ ngồi câu vụt khoan thai quá
Cả một khúc sông cá tụ về

Mẹ vụt liền tay, cá cá bay
Lòng tong, cá mại, trắng xanh nầy
Bên lưng hí hố đàn con dại
Ðứa lượm, đứa la hạnh phúc thay

Ôi mảnh đời quê hạnh phúc thay
Mẹ đi chết lịm bến sông dài
Mẹ đi bỏ lại đàn con dại
Nhìn lá bần rơi, lệ đắng cay.

nhangheo

Nhà nghèo ven sông

Câu cá trong nhà

Tôi lội ra đám cỏ, bắt mấy con cào cào, xong xách cần câu trở lại cái chõng nơi các em tôi ngồi chờ. Em gái tôi đứng bắt mấy con nhện trên vách lá. Từng tốp cá lòng tong bơi lượn loang loáng dưới chân giường. Lấp ló bên vách nhà, mấy con cá rô đang lượn lờ, thỉnh thoảng vọt lên mặt nước đớp mồi rồi lặn nhanh mất dạng. Tôi móc mồi bỏ xuống và giật lên một con lòng tong. Thằng em tôi lấy cái nồi ở đầu giường, múc nửa nồi nước cho tôi bỏ cá vào. Chúng tôi thay phiên câu cá. Người rình nhử cá, cá rình xem người làm rớt đồ ăn xuống nước là xúm lại đớp mồi.

Bốn anh em chúng tôi đang ngồi trên chõng tức là cái giường ngủ của người dân quê, ngay trong nhà của chúng tôi. Mùa nước nổi Đồng Tháp, nước ngập cả ruộng cả vườn, cả xóm cả làng. Bốn bề nước nổi mênh mông, chợ nhóm trên những chiếc xuồng, trường học đóng cửa. Anh em tôi phải ngồi trên giường. Nước ngập trắng xóa khắp làng, che cả ruộng vườn, ngập mất con đường làng. Mọi sự di chuyển đều phải dùng ghe xuồng. Xuồng bơi vào nhà tới tận giường ngủ. Trong căn nhà lá của cha mẹ tui, mỗi năm vào mùa nước nổi, nước lên tới lưng quần. Giường ngủ của chúng tôi là những cái chõng đóng thật cao, có vách ngăn cả 3 phía. Tối đến bọn con nít chúng tôi ngủ phía trong, người lớn ngủ phía ngoài đề phòng bọn trẻ té xuống nước trong lúc ngủ say.

caloc2

Cá rô đồng và cá lóc 

Ngồi lâu chán, anh em tôi rủ nhau câu cá từ trên giường ngủ. Phần lớn chúng tôi câu được cá lòng tong. Nhưng nếu khéo léo giữ yên lặng, tôi có thể câu được những con cá lóc, cá rô lội vô nhà kiếm ăn. Bữa cơm hôm đó mẹ tôi nấu cơm trên bộ ván mà ba tôi kê tạm mấy ngày trước đó, chúng tôi ăn cơm với cá lòng tong kho tiêu, một con chuột đồng nướng, vài đọt rau muống mới hái bên hông nhà. Nước ngập, chuột đồng hay lên ngọn cây làm ổ, nên ba tôi hay đâm được chuột trong mùa nước. Mùa nước nổi khổ sở cho người lớn, nhưng lại thú vị cho bọn con nít chúng tôi. Người lớn phải lo chuẩn bị kê bồ lúa lên cao, chuẩn bị gạo thóc, củi đuốc, bắt cầu tre làm xa lộ đi trong nhà cho nền nhà không hư. Nhưng bọn con nít được nghỉ học, được bơi xuồng trong xóm trong nhà. Ðược câu cá, bắt chuột suốt ngày, đời vui như… Tết.

dongcha

Một đống chà ven sông do hàng trăm nhánh cây chất lại

Mua cá mè vinh

Tết nhứt xong, nồi thịt kho đã hết từ lâu. Cha con tôi bận cắt lúa, đập lúa. Phần tôi đập lúa với ba tôi. Em tôi đi đội lúa xuống xuồng chở vào nhà cho mẹ tôi phơi. Gió thổi nồng nồng, thơm mùi lúa chín. Tiếng chim cu gáy cu cu... trên mấy cây xoài cao. Nhà tôi đã hết thức ăn, nhưng không ai rảnh đi bắt cá. Mẹ tôi biểu tôi:

- Con lên bác Ba mua 2 đồng cá mè vinh, đi lẹ về tiếp ba mầy nghe.

Tôi dạ, rồi lội lên xóm trên nói với bác Ba:

- Bác ba ơi, bán cho má con 2 đồng cá mè vinh.

Bác ba lưỡng lự:

- Tao bận phơi lúa, không bán được... Mày ra sông câu đi. Đưa tiền đây. 

Mặt bác đỏ gay, giọng nói lè nhè, nồng mùi rượu. Bác trao cho tôi một cần câu dài và dặn dò:

- Câu 5 con thôi nghe, câu xong đem vô tao coi, mồi lúa treo ngoài đầu cầu đi ra đống chà đó...

Tôi xách cần câu đi ra bờ sông. Dưới bến của bác Ba lối xóm là một đống chà cá he to tướng. Bác lấy hàng trăm nhánh cây khô chất lại thành đống chà, ngày ngày bác Ba thẩy lúa nhử cá ăn. Bác lại cắt dây “cứt quạ“ sau vườn cột thành chùm bỏ xuống làm mồi cho cá. Nước sông chảy xiết, cá tôm đủ loại tìm thấy những đống chà là chỗ trú ngụ an toàn lại có thức ăn, nên tụ tập lại đây. 

Tuy gọi là “chà cá he”, nhưng thật ra trong đống chà đó có đủ loại cá tôm, mà cá he, cá mè vinh là nhiều nhất. Bác Ba bắc một cây cầu từ trong bờ ra giữa đống chà có tay vịn hẳn hòi. Ai đến mua cá bác sẽ ra câu lên bán. Bác không cho phép ai đến gần đống chà vì làm cá sợ chạy đi. Hôm nay bận phơi lúa, bác cho phép tôi câu. Tôi thích lắm, rải một nhúm lúa xuống nước, vài con cá mè vinh bạc lội loang loáng. Tôi cẩn thận móc một hột lúa vào cái lưỡi câu thả xuống, hồi hộp đợi chờ...

choca8

Cá mè vinh và rô phi bán ở chợ 

Đầu cần câu rung rung, tôi giật mạnh. Cây cần câu nặng oằn muốn gẫy. Một con cá mè vinh ngoe nguẩy, toòn ten. Ôi thôi, tim tôi muốn rớt ra ngoài, loại cá quý nầy tôi chưa bao giờ câu được cả. Bỏ vào thùng con cá nhảy lung tung. Tôi câu một hồi được năm con bằng bàn tay, đúng như bác Ba dặn, nhưng tôi vẫn còn thích câu thêm nữa. Thây kệ, câu thêm đi rồi bác tính sao cũng được. Tôi móc mồi bỏ xuống, và đợi chờ. Bỗng cần câu giật thật mạnh một cái rồi nhẹ hều, không còn cảm giác gì cả. Thôi rồi, một con cá lớn đã giật đứt lưỡi câu. Tôi đành xách thùng cá lên trình cho bác ba coi. Bác nói:

- Cá nầy lớn quá, 2 đồng bốn con thôi nghe mầy.

Nói xong, bác bắt lại một con. Chắc bác bận, làm biếng câu, nên bắt lại một con, để dành chiều nay nhậu tiếp.

Cá he và lươn bán ngoài chợ

Cá mè vinh là một loại cá ngon, sống ở đồng bằng sông Cửu Long. Cá hình vuông, vảy trắng xanh màu bạc, thịt ngọt và thơm, nhưng có nhiều xương, nhất là loại xương nhỏ hình chữ Y làm cho người không quen ăn xương rất sợ. Vì thế cá mè vinh chỉ quý với người quen ăn cá, không mấy thích hợp với người không quen ăn cá có xương. Thường cá mè vinh lớn bằng bàn tay. Có con thật lớn có thể đến 5-10 kí lô.

Nhưng mua cá kiểu nầy lạ thiệt. Tự câu cá dưới sông, coi như còn là của chung, trả tiền, rồi còn bị lấy cá bớt lại, nhưng người bán lẫn người mua đều vui lòng!

Câu cắm

Câu cá còn có 2 loại nữa là câu cắm và câu giăng. Câu cắm dùng những nhánh tre cứng tóm lưỡi lớn, móc mồi sống như cá lòng tong, cá linh, nhái, cóc con, dế... Móc mồi cho khéo sao cho con mồi còn bơi lội trên mặt nước. Cần câu được cắm dọc theo bờ ruộng, bờ mương vườn. Cá lóc, cá trê lớn thấy mồi động đậy sẽ lên táp. Có khi dính nhiều, cá lóc nướng trui ăn không hết. Cá lóc nướng trui là cả một nghệ thuật mà chỉ có dân ở vườn mới biết. Con cá tươi mới đập chết, để nguyên con, xỏ một nhánh tre vào miệng cắm chặt xuống đất. Phủ rơm khô lên rồi đốt đến khi vảy cá cháy đen đều thì cá chín. Đốt nhanh quá cá còn sống trong ruột, ăn tanh. Đốt quá độ, thịt cá sẽ khô không còn ngon ngọt nữa.

ca loc nuong trui4

Cá lóc nướng trui 

Một cách nướng trui khác là nướng với củi. Cá lóc sống, đập đầu, không đánh vảy, lụi một nhánh tre vào bụng, chừa tay cầm. Ðem cá nướng trên lửa. Nướng lửa ngọn cháy mạnh. Ðến khi vảy cháy đen đều hết là xong. Cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng với rau thơm, khế chua xắt mỏng, chấm mắm nêm ăn vào, cả một trời quê hương sẽ chui vào trong ruột bạn. Còn cá lóc nấu canh chua me với rau muống, rau ngổ, ngò gai, ngò om, chấm nước mắm ớt là cả một đời sống giản dị, chân chất hương quê sẽ thơm ngát trong lòng.

cautep

Câu tép 

Câu tép

Anh em tôi còn một thú vui nữa là câu tép. Ðầu mùa nước nổi khi nước bắt đầu ngập sát mé bờ sông, anh em tôi chuẩn bị đi câu tép. Cần câu chỉ là một cọng lá dừa chuốt nhỏ, lớn bằng cọng chân nhang, dài chừng 4 tấc. Ðầu nhỏ của cọng lá dừa quấn lại thành một vòng tròn bằng chiếc nhẫn đeo tay. Cột vào đầu “cần câu” là một sợi chỉ dài chừng 3 tấc. Không có lưỡi câu, nhưng thay vào đó là một vòng tròn dây kẽm nhỏ, luồn dọc thân một con trùng làm mồi. Chúng tôi tự chế tạo 5-6 cái cần câu… nội hoá như vậy và bắt đầu đi câu. 

Cần câu được cắm dọc theo bờ sông, cách nhau chừng vài thước, mỗi khi cắm một cần câu, chúng tôi búng xuống mặt nước kêu “chụt, chụt” vài cái. Phải búng đúng cách, chỉ tạo tiếng kêu mà không làm nước văng tung tóe. Búng nghe “chụt” chúng tôi gọi là búng tôm, còn búng làm nước văng tung tóe chúng tôi gọi là búng cá, chỉ thu hút được mấy con cá mà thôi.

Con tép nghe tiếng búng sẽ tìm đến ăn mồi. Khi đeo được vào vòng mồi trùng, con tép rất say mồi. Nó đeo dính vào cục mồi và lội vòng vòng. Nó chỉ buông mồi khi mình kéo nó lên mặt nước. Ðầu cần câu nhỏ bé sẽ gục xuống hẳn, và cọng chỉ nhợ câu sẽ quay vòng vòng vẽ trên mặt nước một cái vòng tròn đường kính độ một tấc. Mặt nước sông rộng mênh mông, lên tới mé bờ, loang loáng sáng. Gió thổi bông mận, bông bần rơi lả tả. 

Ði tới đi lui thăm câu, thấy một cần gục xuống, cọng nhợ chỉ quay vòng, anh em chúng tôi mừng quá đỗi mà không dám la lớn, sợ tép bỏ mồi. Chúng tôi sẽ dùng tay trái nhẹ nhàng nâng cần câu lên cho con tép lên gần tới mặt nước. Tay phải chúng tôi cầm một cái rổ nhỏ, nhẹ nhàng xúc từ phía ngoài sông vào bờ. Khi con tép được nâng lên tới mặt nước nó sẽ buông mồi, búng mạnh một cái thoát thân ra phía ngoài sông và sẽ lọt vào trong rổ. Dỡ rổ lên, một con tép đang búng chành chạnh liên hồi và những trái tim nho nhỏ của anh em chúng tôi cũng đập thình thịch, thiệt là hào hứng!

Có khi cá cũng lại ăn mồi trùng của chúng tôi. Nhưng nhìn cách ăn câu chúng tôi biết được đó là con cá hay con tép. Con cá ăn câu thì cần câu sẽ giựt xuống rồi bật lên. Con tép ăn câu thì cần câu gục xuống rồi giữ ở đó, còn cọng chỉ nhợ câu quây vòng vòng vẽ theo một cái hình nón. Khi mình lại dùng rổ hớt, con cá thường chạy đi, con tép thì vẫn đeo mồi. Câu tép như vậy không nhiều, bữa nào trúng mùa lắm cũng chỉ được 10-20 con tép, mỗi con to bằng ngón tay. 

Nhưng chúng tôi sẽ xách rổ ra vườn hái thêm một rổ rau, nào là rau má, rau ngót, rau muống, rau lang, rau cải trời, rau dịu… Thôi thì hầm bà lằng, gặp rau gì ăn được là hái đem về cho mẹ tôi nấu một nồi canh tép, cả nhà cùng ăn. Hí ha, hí hố thiệt là vui vẻ.

cautom1

Tôm càng và tép nước ngọt ở chợ quê...

Câu Tôm

Nếu câu tép dành cho bọn trẻ con chúng tôi vui vẻ, thì câu tôm là công việc nghiêm chỉnh của người lớn, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cậu Ba lối xóm tôi là hay đi câu nhất trong xóm. Ban ngày cậu làm ruộng làm vườn như bao người khác. Chiều chiều, sau khi cơm nước xong, cậu sửa soạn đồ nghề đi câu. Trước hết cậu đào thêm vài con trùng hổ, kiểm lại cây vợt, cây cần câu, coi lại chiếc xuồng, chỉnh lại cái bánh lái, cây dầm, cây sào, cái rọng tôm. Lúc nào cậu cũng có một hũ trùng để sẵn, trong đó có nhiều con trùng lớn mà dân quê gọi là trùng hổ. Trùng hổ lớn bằng ngón tay, thân mình đen bóng, khác xa các loại trùng cơm và trùng đất mà anh em chúng tôi hay làm mồi câu. 

Cần câu tôm của người lớn cũng không có lưỡi câu, thay vào đó là một vòng dây kẽm đường kính khoảng 1 tấc, luồn vào thân vài con trùng hổ cho thật đầy. Câu tôm cần một cái vợt lưới mỏng manh, đường kính khoảng 1 mét, cán dài một mét rưỡi. Người đi câu bơi một mình trên chiếc xuồng nhỏ, nhưng họ không ngồi phía sau bơi lái như hầu hết những người bơi xuồng miền Tây khác, mà họ ngồi phía trước móc cho xuồng đi tới. Vì thế họ cần một cái bánh lái nhỏ phía sau cho xuồng không lủi. Kè kè bên hông xuồng là một cái rộng tôm hình trụ dài khoảng 1,2 mét, có nắp mở phía trên. Một cây sào tầm vông dài hơn 5 mét để dọc theo chiều dài chiếc xuồng. 

Cậu Ba mang đồ nghề xuống xuồng, đem theo cái nóp ngủ đêm, chỉnh lại bánh lái, móc tà tà dọc theo bờ sông. Ðến đầu đống chà nhà tôi, cậu Ba dùng cây sào tầm vông cắm xuồng lại. Cậu ngồi xếp bằng trên xuồng, mang cây vợt để sát vào mình bên tay phải, đáy vợt nằm dưới mặt nước, cầm cần câu bên tay trái, chỉnh lại vị thế chiếc xuồng sao cho cậu có thể xử dụng cây vợt thoải mái không vướng chà, vướng cỏ, vướng lục bình… 

Sửa soạn xong, cậu Ba nhẹ nhàng thả vòng mồi trùng cho gần đụng đất. Cậu dùng ngọn cần câu quất “chủm chủm” trên mặt nước vài cái gọi tôm lại. Ngồi một lúc, cái cần câu động đậy, cục mồi bị kéo xuống và bắt đầu quay vòng vòng. Cậu Ba nhẹ nhàng, chậm rãi dỡ cái cần câu lên. Tay phải cậu nghiêng cây vợt hạ xuống và vớt từ dưới con tôm lên. Hai tay cậu một dỡ lên, một hạ xuống, nhẹ nhàng ăn khớp nhau. Con tôm gặp mồi trùng, nó đeo dính. Khi lên gần tới mặt nước, con tôm bỏ mồi, búng mạnh thoát thân và lọt vào cái vợt. Cậu Ba dỡ cái cần câu cao cho khỏi cây vợt, bỏ xuống nước lại, nhịp “chủm chủm” vài cái cho con tôm mới. Xong cậu mới từ từ kéo vợt lên coi. Một con tôm càng đang búng chành chạch. Chà, ngon quá! Cậu Ba khéo léo tóm con tôm, nghiêng mình bỏ vào cái rọng đan bằng trúc phía sau. Sửa lại vị trí cái vợt, chỉnh lại thế ngồi, cậu Ba kiên nhẫn chờ đợi…

cautom

Tôm càng 

Bắt được vài con tôm, cậu biết rằng lượng tôm đã thưa, cậu Ba nhổ sào bơi đi nơi khác. Cậu vừa móc xuồng, vừa ca nghêu ngao vài câu vọng cổ. Tối tối, nước lớn, sáng trăng, đoạn sông nhà tôi tấp nập những chiếc xuồng câu tôm. Tiếng hát tiếng hò vang dậy cả xóm. Lúc đó chưa có karaoke, thanh niên hay ca lúc họ đi câu tôm. Công việc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản, trăng nước hữu tình, nên anh nào cũng trổ tài ca hát cho vui. Nào là vọng cổ, nào là tân nhạc, nào là tân cổ giao duyên… 

Câu được một đỗi nước cạn, tôm ít ăn, cậu Ba chun vào cái nóp ngủ một giấc, chờ con nước sáng câu thêm một chập nữa. Nóp là một cái túi ngủ đan bằng cọng bàng, giống như một cái đệm bàng mà người quê dùng phơi lúa, gấp lại làm 2, khâu ba mặt chừa một mặt cho người ta chui vào. Tôi có ngủ thử một lần, thấy khó chịu chớ không thoải mái như cái sleeping bag của Mỹ. Nhưng vì dưới quê không có phương tiện gì khác nên người dân quê đành phải chịu.

mam1Com
Bữa cơm nhà quê... có khóm, xoài bằm, cá trê chiên, củ sắn xào, dưa leo, nước mắm.

Tôi không được dịp đi câu tôm, nhưng đứa em của tôi được đi câu rất nhiều. Em tôi kể rằng trong rạch dừa có một đoạn sông cạnh nghĩa địa, có nhiều mồ mả. Ít ai lại đó câu vì nghe đồn khúc sông đó có ma. Có lần em tới câu thử thì được rất nhiều tôm vì ít ai câu. Từ đó, tối nào em tôi cũng dạo qua khúc sông đó và trúng khá bộn. Tôm bỏ trong rọng, để chỗ nước trong nên không chết. Hàng ngày có một xuồng thu mua đi dọc theo xóm cân tôm đem đi Sài gòn bán. Thịt tôm càng ngon, cứ 10-15 con thì được một kí lô, bán rất có giá. Người dân nghèo, ít khi ăn tôm họ câu, họ để dành bán lấy tiền. Câu một đêm, có thể kiếm được tương đương hay hơn một ngày đi phát cỏ mướn.

Hai Rạch Dừa
(còn tiếp)

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com