User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
khanhtruongsgn
 
Chia Biệt Họa Sĩ Khánh Trường - Nam Dao, Đỗ Quý Toàn, Kiều Chinh, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Viện, Nguyễn Hàn Chung, Hạnh Tuyền, Trần Triết, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Thị Kim, Ann Phong
 
Với tài năng hội họa, văn, thơ, và nhất là tấm lòng và ý chí bền bỉ với văn học nghệ thuật, Khánh Trường đã chinh phục một số lượng độc giả và giới thưởng ngoạn nghệ thuật lớn, từ hải ngoại về đến trong nước, từ nhiều thập niên qua, và có lẽ Ông sẽ mãi được nhớ đến trong văn sử Việt là người khai phóng một nền văn học hậu chiến ở hải ngoại và trong nước qua tờ báo văn học Hợp Lưu. Sau ba cơn tai biến Ông đã phải mang nhiều bệnh tật, nhưng sự ra đi của ông vào cuối năm 29 tháng 12, 2024 vừa qua vẫn gây bàng hoàng đối với những người thân yêu và mến mộ ông. Nỗi niềm thương tiếc này được biểu hiện bằng đôi lời chia biệt với ông và gia đình từ khắp nơi. Việt Báo dành trọn số báo đầu năm trích đăng lại cùng với các bài viết thân hữu gửi về thương tiễn Ông.
 
Cầu mong Ông yên nghỉ.
 
oOo
 
Nam Dao Nguyen Manh Hung va Khanh Truong
Họa sĩ Khánh Trường và nhà văn Nam Dao, tại nhà hàng Song Long, tháng 3, 2024.
 
Khánh Trường, Tưởng Và Nhớ
 
Ngày 25-12, tin từ cô em gái Hoà Bình: chú Khánh Trường (KT) có gắn máy trợ y từ 10 ngày nay đã không tỉnh lại, chắc chờ các thầy đến đọc kinh rồi sẽ gỡ máy để chú ra đi thôi.
 
Sững sờ. Mặc dầu chẳng mấy ngạc nhiên, chuyện tất phải đến.
 
Trong bóng đêm, tôi hồi tưởng lang mang. Ngày tháng đã qua đi như những cơn mơ ngắt đoạn. Khi Trần Vũ nhắc KT Django (cao bồi Viễn Tây US) 40 năm trước  không súng đạn mà mang một chồng Hợp Lưu (HL) đến Paris phân phát quảng cáo cho một nền văn chương có cả hai dòng, trong nước và hải ngoại, xoá làn ranh Quốc-Cộng khi đó vẫn còn là vết dao chia cắt không khoan nhượng. Rồi KT về VN  đặt yêu cầu cho phát hành HL trong nước, nhưng dĩ nhiên là bị thế quyền thời vẫn còn say máu chiến thắng chối từ.  Trong Ngôn Ngữ số 22 phát hành 1-11 -2022 (NN22) tôi  đã viết khá chi tiết về đóng góp hàng đầu của HL trong sự nghiệp văn hoá của KT. Làm được HL như anh, phải quyền biến. Qua hiểu biết, và qua cả trực giác, phải có những nhận định sâu sắc về văn hoá và nghệ thuật để gầy lên sức sáng tạo. Làm được, phải chân tình và thẳng thắn với cộng tác viên. Làm được, phải hành xử như trượng phu với tình người và lòng tôn trọng phẩm giá của nhau. Làm được, KT đã làm được!
 
Qua khoảng 4 thập niên, KT đã viết 2 tập truyện ngắn, 8 tiểu thuyết, 2 tập thơ, thực hiện với Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán tập 44 năm Văn Học Hải Ngoại. Có yêu em không? vẫn là một truyện ngắn của KT còn gây ấn tượng trong tôi. Với thơ, tôi ít được đọc thơ KT nên không dám có ý kiến gì. Về hội họa, KT vẽ hàng trăm bức tranh. Có những bức gợi gam màu Michelangelo. Có những bức khiến người thưởng ngoạn nhớ tới Dali. Nhưng khi anh hạ bút vẽ đâu đó 40 bức tranh Thiền thì tôi xin khâm phục. Tâm và Thân hợp nhất, không sau không trước, không có không không, tất cả sẽ trôi về viên miễn bốc hơi thành mây trắng trong màu xanh bao la đất trời.
 
Ngày 27-12, Hoà Bình viết: rút máy trợ y vào khoảng 4 pm, 7 giờ sau chú KT vẫn không đi, vẫn thở…
 
Phép lạ?
 
Ngày 29-12, KT cứ tiếp tục sống. Hoà Bình viết, mặt chú thản nhiên, tiếp tục thở…
 
Lại phép lạ!
 
KT bạn tôi, đã 23 năm bạn phải ngồi xe lăn, mỗi tuần đi lọc máu 3 ngày, bạn cứ thế trơ gan cùng tuế nguyệt ư?
 
Này gửi bạn nhé:
 
Tử Sinh đồng nhất thể
Không-có cũng không-không
Vỗ tay cười thật lớn
Theo mây trôi bềnh bồng
 
Nam Dao
29-12-2024
 
oOo
hinh ra mat tho
Hình ảnh sinh hoạt buổi ra mắt hai tác phẩm Khánh Trường Thơ và Khánh Trường Oil Paintings tại Tự Lực Bookstore chiều Chủ Nhật 30 tháng 6, 2024. Hình từ trái/trên: Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Khánh Trường, YSa Lê (Vaala). Từ trái/dưới: Nhà Báo Đinh Quang Anh Thái điều hợp chương trình; Họa sĩ Ann Phong; Nhà báo Phan Tấn Hải.
 
Tôi kính trọng và nể phục Khánh Trường.
Khánh Trường là con người tài hoa độc đáo. Viết văn, làm thơ, hội họa, trong môn nào anh cũng không chấp nhận đi theo các đường mòn. 
 
Khánh Trường độc lập và can đảm. Khi chủ trương tạp chí Hợp Lưu tại California, anh đăng bài của các tác giả trong nước, bị nhiều người phản đối, Khánh Trường vẫn thản nhiên "đường ta ta cứ đi."
 
Anh đã sống trọn một nghiệp kiếp, ra khỏi cõi đời này, tiếc rằng đi sớm quá, 
 
Đỗ Quý Toàn 29/12/2024.
 
oOo
Thương tiếc Khánh Trường, một tài hoa, một tấm lòng với bạn hữu, đặc biệt là công sức đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt hải ngoại qua tờ Hợp Lưu. Cầu mong anh ra đi bình an.
Kiều Chinh
 
oOo
Hoạ Sĩ Khánh Trường Sẽ Trở Về
 
Khánh Trường copy xong sn
Hoạ sĩ Khánh Trường bên tác phẩm "Gãy Vỡ"
 
Những đợt sóng đau đớn rồi cũng qua đi. Sự mệt mỏi tột độ vì ngồi quá lâu trên chiếc xe lăn, giờ cũng biến mất. Anh thật sự đã được nằm một cách dễ chịu trong cảm giác thoải mái, một cách an bình. Nụ cười của anh sẽ sáng lên không còn chút gượng gạo và rồi nụ cười ấy sẽ mãi mãi chấp chới bay vào mây cao.
 
Tôi đến bệnh viện thăm anh lần cuối vào buổi sáng mùa lễ Giáng Sinh để chào tiễn biệt anh. Tôi thì thầm nói lời tạm biệt để thấy mình gần gũi anh hơn, vì trước sau gì anh em mình cũng sẽ gặp nhau mà. Những người y tá đi ra, đi vào, kiểm soát, ghi chép, bận rộn bên giường anh. Tôi thì thầm cầu nguyện cho anh rồi ra về. Kỷ niệm về anh của những lần gặp mặt ùa về lấp đầy ký ức của tôi. Nhớ đến anh là tôi nhớ những trận cười nghiêng ngửa vì anh rất tếu táo. Tôi thích nghe anh kể chuyện tào lao, chuyện đời chung quanh anh, chuyện vui buồn, đằng sau hậu trường của các nhân vật văn, nghệ sĩ. Không biết làm sao mà trong trí nhớ và óc thông minh cực kỳ của anh lại chứa được bấy nhiêu những chuyện tếu lâm dường ấy. Sau những câu chuyện, trạng thái buồn chán, mệt mỏi lại trở về trên khuôn mặt anh. Sự trống vắng và cô đơn trong căn nhà thể hiện và hằn sâu trong ánh mắt anh nhìn. Tôi nhớ nét ngang tàng, bạt mạng ngày tôi mới gặp anh mà thông cảm cho sự tù túng của một cuộc sống trên chiếc xe lăn. Tôi nhớ ngày đầu gặp anh và gởi bài thơ của tôi cho anh đăng trên Hợp Lưu. Những ngày đầy phong độ của người đàn ông chọc trời khuấy nước, chẳng biết đến sợ là gì.
 
Anh kể về thân phận những bức tranh hay những đứa con tinh thần của anh bị bỏ xó, hay bị lãng quên ở nơi nào đó trong garage. Từ lâu, tôi muốn viết một bài về tranh anh, nhân lúc anh triển lãm tranh, mà lần nào cũng lỡ dịp. Bận rộn, rồi những chuyến đi xa khiến ước muốn của tôi không thành. Tôi những muốn viết về cuộc sống thăng trầm của anh qua hội hoạ. Từ những nét chấm phá hiện thực trong tình yêu cho đến sự thăng hoa của thế giới màu sắc khi anh bước chân vào thiền của Phật Giáo. Và rồi bao hăng hái, bao nhiệt tình, với văn chương, hội hoạ, âm nhạc trôi theo ngày tháng, theo thời cuộc, và nhuệ khí của tôi giảm dần. Giờ AI và cuộc tiến hoá vi tính của nhân loại lên ngôi, tôi không biết số phận giới văn nghệ sĩ đi về đâu.
 
Bức ảnh tôi chụp cho anh bên bức tranh lớn "Gãy Vỡ" định sẽ đăng hôm nào anh mở triển lãm tranh nữa, bỗng thành bức ảnh cuối. 
 
Trông tác giả ngồi cạnh tác phẩm của mình trong hình, tôi thấy bồi hồi biết bao nhiêu. Cạnh cặp vợ chồng không hạnh phúc, mỗi người nhìn về một phía, là một chiếc ghế trống hằn rõ nỗi bất hạnh. Rồi một ngày kia, anh sẽ về để ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh cặp vợ chồng ấy và sửa lại bức tranh cho cặp vợ chồng đó nhìn nhau hạnh phúc, mọi thứ sẽ đẹp đẽ và hạnh phúc, an bình.
 
Tôi tin chắc anh sẽ trở về như khi anh giải thích về thuyết "sắc tức thị không" khi anh vẽ bức "Bát Nhã".
 
"Khi vẽ bức này, tôi muốn nói lên thuyết ‘sắc tức thị không, không tức thị sắc’ của nhà Phật. Mặt trăng, lúc thấy, lúc không. Đêm Rằm thì ai cũng thấy rõ ràng. Còn đêm Ba Mươi thì dù không thấy đâu cả, tôi vẫn biết chắc là bên trong màn đêm thăm thẳm kia, vẫn có mặt trăng. Còn ngọn núi kia cũng thế. Hôm nay mình nhìn thấy nó, nhưng rồi mai kia, mốt nọ, có thể, núi không còn ở đó nữa. Thế nhưng, biết đâu vài ngàn năm sau, ngay tại chỗ đó lại sẽ có một ngọn núi khác. Hôm nay, cái còn, sẽ là cái mất, trong lúc cái mất, sẽ là cái trở về.”
 
Anh đi thanh thản nhé anh Khánh Trường, mong anh sẽ trở về kể chuyện tếu cho mọi người nghe trong giấc mơ.
 
Trịnh Thanh Thủy
 
oOo
Khánh Trường – Bước Ngoặt Của Đời Tôi
 
Tôi đã không hề biết đến tên Khánh Trường cho đến khi một tiểu thuyết ngắn của tôi, “Đâm Sừng Vào Bóng Tối” được đăng trọn vẹn trên tạp chí Hợp Lưu vào năm 2001 với một chapeau trọng thị của anh. Một bất ngờ ngoài ý muốn của tôi. Và đấy cũng là điều đã xô đẩy cuộc đời tôi, văn chương tôi qua một ngã rẽ khác.
 
Tôi bị cho nghỉ việc khỏi báo Thanh Niên, chính thức bước sang lề trái của dòng văn chương phi chính thống. Chưa bao giờ hối tiếc về điều đó, cho dù sau đó tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cũng nhờ thế, văn chương tôi từ bỏ cái hoa mỹ, phải đạo để định hình một dấn thân cho tự do và nhân phẩm. Tôi bắt đầu viết nhiều cho Tiền Vệ, Da Màu, Hợp Lưu, Văn Học, Văn… Và xuất bản tác phẩm tại Mỹ một cách đều đặn, cũng như cộng tác với các báo đài khác như BBC, RFA…
 
Năm 2006, tôi đến Mỹ qua chương trình của William Joiner Center thuộc Đại Học Massachusetts. Một trong những người tôi cần gặp, tất nhiên là Khánh Trường. Cùng đi với tôi có nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Phùng Nguyễn, Hoàng Ngọc Tuấn và Thận Nhiên. Khánh Trường lúc đó đã ngồi xe lăn, nhưng anh vẫn còn hoạt bát. Dưới mắt tôi, Khánh Trường không “ngầu” như lời đồn. Anh vui vẻ, tếu táo.
 
Sau này, khi Khánh Trường dự định làm tạp chí Mở Nguồn cùng với Trần Vũ… đã nhờ Thận Nhiên thực hiện bài phỏng vấn tôi cho số ra mắt, nhưng dự án ấy bất thành, tôi cũng không rõ lý do. Tuy nhiên, anh Khánh Trường vẫn giữ tên Mở Nguồn cho một nhà xuất bản mới của mình. Tiểu thuyết đa phương tiện “Thần Thánh Không Biết Bơi” (2019) của tôi đã được Mở Nguồn in. Khánh Trường cũng là người đã thiết kế bìa cho tập thơ gần như duy nhất của tôi cho đến nay, “Trong Hàng Rào Kẽm Gai, tôi thở” do Nhân Ảnh xuất bản năm 2018.
 
Để nói về Khánh Trường, không thể không nhắc đến việc anh cùng một số thân hữu đã cho ra đời tạp chí Hợp Lưu. Một việc thuộc loại liều mạng trong bối cảnh chính trị lúc ấy. Có lẽ chỉ có thể là cựu lính dù như Khánh Trường mới đủ bản lĩnh và dũng cảm để đối phó với bốn bề địch/ta. Chỉ vì chữ “hợp lưu”. Nhưng lạ thay, theo tiết lộ của nhà thơ Lê An Thế, một trong những thành viên sáng lập, thì chữ “hợp lưu” nhạy cảm ấy lại là đề xuất của một nhà văn trong nước - Nhật Tuấn.
 
Giờ đây, Khánh Trường đã không còn nữa, Hợp Lưu đã đổi chủ. Thiên thần gãy cánh, những ngang tàng đã khép lại. Một cuộc đời đã xong. Nhưng, Khánh Trường cũng như Hợp Lưu sẽ còn lưu danh hậu thế không phải chỉ là sự góp phần cho hoà giải, mà quan trọng hơn, chính là cho sự thay đổi bộ dạng của văn học Việt. Công đức ấy vô lượng.
 
Nguyễn Viện
 
oOo
Chút Kỷ Niệm Hiếm Hoi   
                           
Khi còn ở trong nước tôi có thơ in ở hai tạp chí văn chương hải ngoại là Tạp chí thơ và Hợp Lưu nhưng khi ra hải ngoại chưa hân hạnh gặp Nguyễn Khánh Trường, Đỗ Kh và sau này là Đặng Hiền lần nào trong đời chỉ riêng với Khánh Trường thì chat, chit với nhau nhiều hơn, nhiều lần tặng sách cho nhau  có nghĩa tôi và anh ấy tình bạn văn chương nằm giữa thân và sơ. Tôi có gửi tặng anh hai bài thơ rồi quên khuấy đi mất .Khi facebook nhắc lại anh mới gửi tin nhắn cho tôi. Tôi copy nguyên văn cả những lỗi sai cố ý của anh
 
Khanh Truong
sáng ni fb nhắc lại năm xưa, đọc mấy câu thi bạn ziết cho tui, lòng vui, quả thược cây kim sát vạch rùi,ngày đặc biệt
            
1. 
Trong cơn đại dịch đọc văn  của Khánh Trường
 
Nguyễn Hàn Chung
 
Kim giây xuống
   sát vạch rồi
 
    Đâu còn một thuở
nghiêng trời
phàm phu
 
     Mắt chằm
đồi núi biên khu
 
     Loay hoay mót lá
tàn thu khẽ khàng"
   
2. Bài Muộn Gửi Một Tài Hoa
 
Tặng nhà văn họa sĩ Khánh Trường
     
Nguyễn Hàn chung
 
nương tình nào gặp khánh trường
cũng lâm ngõ hạnh con đường ngoại xâm
không bao giờ tiếc lỡ lầm
nhưng bao giờ cũng âm thầm nhớ thương
 
tung hoành hội họa văn chương
song tấu trên giường trên bố ngang cơ
“tịch dương” chẳng chịu lặng lờ
“đoản thi ngày cũ” bất ngờ sáng trăng
 
ngồi tình trên chiếc xe lăn
ngón tay còn động siêu thăng cõi này!
 
10/10/2022
 
Cả hai bài này Khánh Trường đã đọc và anh cho biết rất thống khoái, anh hứa sẽ in vào sách lưu giữ. Không biết anh có in bài nào không? Anh đã hết cơn đau đớn nhiều năm tháng hành hạ một con người khí phách còn một ngón tay vẫn kiên trì nhẫn nại sáng tác. Thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Đúng chất Khánh Trường
 
ngồi tình trên chiếc xe lăn
ngón tay còn động siêu thăng cõi này!
 
Tiễn bạn về vô cùng thanh thản

Houston Texas cuối năm 2024
Nguyễn Hàn Chung
 
oOo
Lời Cảm Ơn
 
Những năm tháng cũ, khi mà việc đi lại giữa VN và Mỹ rất khó khăn thì anh Du Tử Lê đã đi-về như thoi đưa giữa hai đất nước, có khi khoảng cách giữa hai chuyến đi chỉ 28 ngày! Nhạc sĩ Trần Duy Đức kêu lên: “Thượng Sĩ” làm cách nào đưa chị HT qua, hay “Thượng Sĩ”  về VN ở hẳn, yêu kiểu hao tốn này không thọ lâu đâu!” Mặc kệ nỗi lo của Đức, anh Lê vẫn hàng tháng có mặt tại VN 5 ngày rồi anh đi. Anh đã tính về ở hẳn, đi dạy kiếm sống để được bên nhau. Bạn bè lúc ấy cũng có nhiều người bày cách này cách khác, nhưng đều không có kết quả.
 
Vậy mà như một phép lạ, khi anh Du Tử Lê nói chuyện với Khánh Trường, không thể mau mắn, nhiệt tình hơn. “Để tôi!” và anh viết ngay một lá thư, mời tôi sang Mỹ thuyết trình về… Dân Nhạc Việt Nam (!?). Hồ sơ xin xuất cảnh, giấy mời của anh Khánh Trường là chính, tôi được phái đoàn phỏng vấn chấp thuận ngay.
 
Khánh Trường! Anh là người ơn lớn của gia đình tôi, nhờ anh chúng tôi đã có nhau sau bao năm cách trở. Cảm ơn anh! Muôn vàn cảm ơn anh, anh Khánh Trường!
 
Hạnh Tuyền
 
oOo
Cánh Chim Phiêu Bạt Đã Tìm Giấc Yên...
 
"Cõi ta đang sống dư thừa nhục đau"* – câu thơ như vết dao khắc lên cõi nhân gian, tưởng chừng để lại một dấu ấn khó phai.
 
Khánh Trường, người đã rời bỏ cõi tạm hôm nay, mang theo hơi thở cuối cùng nhưng để lại một thế giới chữ nghĩa, nơi ông hóa thân thành nghệ nhân để kể lại những câu chuyện buồn vui kiếp người.
 
"Dư thừa nhục đau" – phải chăng đó là lời buộc tội nhân thế, hay chỉ là tiếng thở dài ném vào hư không? Dư thừa, không phải vì đời sống chất chồng nỗi niềm, mà bởi chính mình hoang phí cảm xúc, để khổ đau lấn át thương yêu.
 
Hình ảnh thơ ông mở ra những chiều kích suy tưởng sâu thẳm. Khánh Trường không tô vẽ cuộc đời bằng những sắc màu rực rỡ, và thơ ông mang một vẻ đẹp lặng lẽ, siêu thực. Cái cách ông đối diện nhục đau, bấy giờ, chính là sự bao dung trầm lặng, một niềm hy vọng gửi gắm vào bóng tối. Cõi đời có thể dư thừa khổ đau, nhưng lòng người vẫn có thể đủ đầy thương yêu.
 
Giữa khoảnh khắc chia ly, câu thơ này như một cánh hạc vừa bay lên, nhẹ nhàng mà đầy ấn tượng!
 
R.I.P
 
Trần Triết
 
oOo
 
Chia Tay Khánh Trường (1948-2024)
 
Tôi không thể nói tôi là bạn của Khánh Trường. Tôi gặp anh chỉ có một lần. Tôi có nhiều dịp qua California nhưng không thấy có nhu cầu đến thăm anh. Dù vậy, ở một phương diện nào đó, tôi cũng có thể nói quan hệ giữa anh và tôi khá gần gũi. Có sách gì mới, anh cũng đều gửi tặng tôi. Có khi, nhận được, tôi gửi lời cám ơn; nhưng cũng có khi, bận quá, tôi im lặng. Anh vẫn cứ gửi. Cảm động nhất là khi anh làm tờ Hợp Lưu (1991), tờ tạp chí văn học thuộc loại sáng giá nhất ở hải ngoại. Lúc ấy, tôi mới từ Paris sang Úc định cư. Đất nước mới, văn hoá mới, ngôn ngữ mới và công việc mới, tôi bận đến ngộp thở. Giữa lúc ấy, Khánh Trường gửi các số Hợp Lưu cho tôi. Tôi cứ để tờ báo trên kệ, không có thời gian để đọc. Và im thin thít, không những không có bài cộng tác, mà còn, thậm chí, cả một lời cám ơn cũng không có. Vậy mà anh vẫn cứ gửi báo. Từ năm này qua năm khác. Nhờ đó, tôi có đầy đủ toàn bộ Hợp Lưu từ số đầu đến số cuối. Mỗi lần nhìn chồng báo cao ngất trên kệ, tôi rất cảm kích trước sự kiên nhẫn và hào sảng của anh.
 
Khanh Truong và các họa sĩ
Hoạ sĩ Khánh Trường và các họa sĩ Ann Phong, Cao Bá Minh, Nguyên Khai và Nguyễn Việt Hùng, chụp tại buổi ra mắt tập thơ Khánh Trường, mùa hè 2024. Ảnh: Việt Bá
 
Tôi không thể nói tôi là bạn của Khánh Trường. Tôi gặp anh chỉ có một lần. Tôi có nhiều dịp qua California nhưng không thấy có nhu cầu đến thăm anh. Dù vậy, ở một phương diện nào đó, tôi cũng có thể nói quan hệ giữa anh và tôi khá gần gũi. Có sách gì mới, anh cũng đều gửi tặng tôi. Có khi, nhận được, tôi gửi lời cám ơn; nhưng cũng có khi, bận quá, tôi im lặng. Anh vẫn cứ gửi. Cảm động nhất là khi anh làm tờ Hợp Lưu (1991), tờ tạp chí văn học thuộc loại sáng giá nhất ở hải ngoại. Lúc ấy, tôi mới từ Paris sang Úc định cư. Đất nước mới, văn hoá mới, ngôn ngữ mới và công việc mới, tôi bận đến ngộp thở. Giữa lúc ấy, Khánh Trường gửi các số Hợp Lưu cho tôi. Tôi cứ để tờ báo trên kệ, không có thời gian để đọc. Và im thin thít, không những không có bài cộng tác, mà còn, thậm chí, cả một lời cám ơn cũng không có. Vậy mà anh vẫn cứ gửi báo. Từ năm này qua năm khác. Nhờ đó, tôi có đầy đủ toàn bộ Hợp Lưu từ số đầu đến số cuối. Mỗi lần nhìn chồng báo cao ngất trên kệ, tôi rất cảm kích trước sự kiên nhẫn và hào sảng của anh.
 
Khánh Trường viết nhiều, từ thơ đến truyện ngắn và truyện dài, hơn nữa, anh còn vẽ tranh và là một trong những người trình bày bìa sách đẹp nhất ở hải ngoại. Tuy nhiên, tên tuổi của anh chủ yếu gắn liền với tờ Hợp Lưu. Đó là một trong bốn tờ tạp chí văn học nổi tiếng nhất ở hải ngoại, bên cạnh tờ Văn của Mai Thảo, Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và Tạp chí Thơ của Khế Iêm. So với ba tờ kia, Hợp Lưu có phần nhỉnh hơn. Báo đẹp hơn, bài vở phong phú và mới mẻ hơn. Báo cũng quy tụ nhiều người viết hơn. Chính vì vậy, năm 1994, sau hơn ba năm ngưng bút, khi bắt đầu viết trở lại, tôi đã quyết định gửi cho Hợp Lưu, dù về phương diện tình cảm, tôi thân với Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác hơn. Điều đặc biệt, với những bài ấy, tôi ký tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn thay vì Nguyễn Hưng Quốc như thường lệ. Trên Hợp Lưu số 21 (tháng 2.1995), Khánh Trường công khai hoá chuyện bút hiệu của tôi:
 
“Qua ba bài viết vừa rồi, nhiều độc giả thư, điện thoại về toà soạn, hỏi: Nguyễn Ngọc Tuấn là ai? Sau nhiều đắn đo, toà soạn quyết định công khai (rất mong tác giả không phiền lòng): Nguyễn Ngọc Tuấn là tên thật của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, một tên tuổi không xa lạ với độc giả trong ngoài nước. Từ ngày giã biệt Paris (Pháp) sang định cư và giảng dạy tại Đại học Victoria, Melbourne, Úc châu, Nguyễn Hưng Quốc ngưng viết một thời gian, công việc giảng dạy chiếm của ông khá nhiều thời gian, phần khác, ông muốn đọc, suy gẫm và tìm kiếm một phương pháp phê bình, nghiên cứu khác.” (tr. 31)
 
Cũng trong Lời toà soạn ấy, Khánh Trường nhận xét về mấy bài viết mới của tôi:
 
“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một lý thuyết mới về thơ mang tính sáng tạo, chứ không phải việc lặp lại ý kiến của người trước. Lý thuyết này đúng hay sai, có lẽ còn quá sớm để kết luận. Duy một điều cần ghi nhận: đây là nỗ lực đầy thiện chí, nhằm giúp giới cầm bút Việt Nam sớm vượt qua tình trạng trì trệ trong tư tưởng văn học hiện nay.”
 
Năm 2001, Khánh Trường bị tai biến; năm sau, anh lại bị tai biến lần nữa; năm sau nữa, anh cũng lại bị tai biến. Hậu quả của những lần tai biến ấy, cộng với nhiều chứng bệnh khác, anh phải ngồi xe lăn, tay chân cử động rất khó khăn. Viết trên computer, anh chỉ sử dụng được một ngón tay duy nhất. Vậy mà anh vẫn viết. Hơn nữa, viết mạnh. Trong năm bảy năm gần đây, hầu như năm nào anh cũng có sách mới, có năm đến 2,3 cuốn, cuốn nào cũng bề thế. Và hay. Không phải cực kỳ xuất sắc. Nhưng vẫn hay. Trên trung bình rất xa. Chúng làm cho sự nghiệp viết lách của Khánh Trường thêm dày dặn hơn.
 
Bây giờ thì anh đã buông bỏ hết. Cầu anh thanh thản ở nơi xa xôi, nơi anh không còn phải chịu đựng những cơn đau đớn về thể xác như đã từng trong suốt hơn 20 năm vừa qua.
 
Nguyễn Hưng Quốc
 
KTLDDHXS
Ảnh: Tấm hình cuối cùng Khánh Trường và post cuối cùng trên trang facebook của Khánh Trường, vào ngày 12 tháng 12, 2024. Ông viết: “Hoàng Xuân Sơn, Lê Đình Điểu, Khánh Trường, mười mấy năm!!!!!!!!”
 
oOo
Khánh Trường, Người Luôn Tạo Bất Ngờ
 
Quả thật Khánh Trường có quá nhiều cái lạ. Giờ lâm chung cũng khá lạ lùng. Gần một tuần trước khi anh thật sự vĩnh biệt, trên các trang mạng đã tràn đầy những lời chia buồn. Đủ kiểu dạng. RIP, về miền mây trắng, tiêu diêu miền cực lạc, ra đi bình an nhé bạn, mong gặp bạn lữ, những người trăm cũ nơi thượng giới. Sự nhạy cảm, rót lòng đưa tiễn từ bạn hữu bốn phương cũng là do thời buổi thông tin nhanh nhẹn. Chỉ cần một vài giây đồng hồ, người bên này trái đất biết việc rủi may, chết sống tận bên kia địa cầu. Máy đo nhịp tim và hoạt động não đã báo không còn hoạt động từ nhiều ngày. Mũi phải thở bằng máy trợ thở, tiếp oxy. Cuối cùng, ngày thứ Ba, 24/12, chị Oanh nhắn tin  cho biết các Sư Tây Tạng tới tụng kinh đưa tiễn. Ngày Thứ Sáu, ba giờ chiều, một lần tụng kinh nữa,do các sư cô chùa Sùng Nghiêm, để sau đó là bác sĩ rút ống trợ thở, để Khánh Trường Ra Đi. Thì cứ rút. Nhưng nhịp tim vẫn cứ đập! Nina HB thông báo trên FB sau 11:00PM thứ Sáu ngày rút ống: “Rời UCI Health - Fountain Valley lúc 11:10 pm, 7 tiếng sau giờ rút ống (4:00pm), chú vẫn thở đều. Nhịp tim, huyết áp, mọi chỉ số ổn định. Khanh Truong của chúng ta vẫn không đành bỏ cuộc thế gian.”
 
Theo một nghĩa nào đó, Khánh Trường anh vẫn còn... sống. Gần hai tuần qua, khi tôi viết những dòng này, 6 giờ chiều ngày 29 tháng 12 -2024, Hòa Bình Lê nhắn tin cho biết trên trang facebook của Khánh Trường, Khánh Trường đã thật sự từ biệt chúng ta, ra đi lúc 4:33PM.
 
Tôi là một người rất yêu mến văn chương. Cấp Trung Học theo học ban C – ban văn chương, lên Đại Học học ban Triết. Tuổi 18 tập tành viết lách. Nhưng đường đời không như mong muốn, sau 1975, nền văn học Miền Nam bị xóa trừ. Ngoài đói kém về cơm áo, đói về cái đọc là rất trầm trọng. May thay khoảng 1991, Nhà văn Trần Vũ về nước, tặng mấy tập Hợp Lưu, một tạp chí Văn học Hải ngoại do Khánh Trường chủ trương. Từ đó tôi biết Khánh Trường. Thời đó, tình hình chính trị còn đầy thù nghịch giữa ngoài và trong nước. Những nhà văn viết bài từ trong nước gởi ra ngoài đăng tải, thảy đều bị bắt bớ, tù tội, như Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy. Và ngoài nước có chút mảy may liên hệ với chế độ Cộng sản trong nước là sẽ bị “tai nạn”, cả bị giết hại như Hoài Điệp Tử. Thế mà Khánh Trường đã chủ trương tờ Hợp Lưu quy tụ nhiều cây bút trong và ngoài nước, bài vở xuất sắc và độc đáo.
 
Khánh Trường đứng mũi chịu sào, chịu búa rìu dư luận chống phá. Ông vừa là cây bút rất tài năng vừa có tài đọc, tuyển chọn bài vở, viết tạp ghi văn nghệ, tin văn học, với nhiều bút hiệu khác. Cho tới nay, và mãi mãi, Hợp Lưu vẫn là một chỗ đứng trong nền văn học Việt. Chuyện bất khả từ.
 
Tôi sang Mỹ, sau đó 5 năm, Cung Tích Biền  mới chịu qua sum hop gia đình. Chúng tôi đến thăm Khánh Trường. Tình thân giữa hai ông “giang hồ “gặp gỡ, vẫn rượu, trà, cà phê vui vẻ. Tôi cảm nhận sự chịu đựng cuộc đời trong cái cười hiền hậu, trong ánh  mắt lặng lẽ buồn của Khánh Trường.
 
Cho dù nhiều người phê phán anh hơn thua với cuộc đời, giang hồ không biết sợ, chúng tôi vẫn nói với nhau, cái chân tình mới quan trọng, giữa hai kẻ giang hồ này là sự chân tình, bỏ hết vướng mắc bên ngoài, chỉ còn tình bạn.
 
Tôi rất yêu hội họa, và những lớp học hội họa tại Đại Học Fullerton đã cho tôi chút nghề để nhìn tranh, nhận ra cái khốc liệt, mạnh mẽ, chia lìa trong tác phẩm Khánh Trường. Lĩnh vực nào ông cũng đầy tài năng, một cõi riêng, độc đáo.
 
Tháng Bảy vừa qua, Khánh Trường có ra mắt một tập thơ. Lại một lẫn nữa, thấy thêm một lĩnh vực khác của một Khánh Trường khác. Nhìn chung, cảnh giới văn chương nghệ thuật của ông là một thế giới rộng mở, đẩy tự do và sáng tạo.
 
Hôm nay, Khánh Trường đã rời khỏi nơi này, xin gởi nơi đây Lời Bái Biệt, chia sẻ nỗi mất mát với chị Oanh, người vợ cam chịu cô đơn trong nhiều năm bên anh. Cảm phục chị.
 
Hoàng Thị Kim
 
oOo

Khanh-truong-và-ann-phong 
 
Nhớ Mãi
 
Năm 1992 khi tôi bắt đầu học thạc sĩ hội họa tại Quận Cam, tôi tìm về nguồn.
 
Những bài viết của các tác giả người Việt hải ngoại trên báo trên sách, những cuốn Hợp Lưu là món ăn tinh thần của tôi.
 
Tôi quen Khánh Trường qua hội họa. Tôi biết tôi không "lanh" nhưng "lành", và họa sĩ Khánh Trường cũng biết điều đó. Anh hay nói giỡn với tôi, nhưng anh trân trọng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình của tôi. Anh phỏng vấn tôi, đăng tranh tôi trên bìa tạp chí Hợp Lưu từ số 37 tháng 10 năm 1997 và tiếp tục sau đó.
 
Nhìn lại, vậy là hai anh em đã đi trên con đường nghệ thuật tạo hình hơn 30 năm. Có lúc chúng tôi triển lãm chung, từ Hội VAALA, tới phòng triển lãm Báo Người Việt, Old Courthouse Museum và phòng triển lãm trong chùa. Khi tôi triển lãm, anh ghé xem. Và khi anh triển lãm, từ lúc còn đi bằng chân đến lúc đi xe lăn, tôi ghé.
 
Gần đây khi cô Lê Hòa-Bình và các bạn rủ tôi một ngày ngồi vẽ chung với anh Khánh Trường, tôi đồng ý ngay. Hôm đó chúng tôi vui lắm, các bạn ngồi đàn hát và nhìn chúng tôi hai đứa vẽ chung một tác phẩm. Nét và màu của 2 họa sĩ cứ lượn trên mặt canvas. Có lúc nét cọ đi song song, có lúc nét này chồng chất lên nét kia mà lướt. Có những lúc tranh tưởng đã hoàn tất, nhưng anh Khánh Trường cười và anh lại vẽ lên tiếp, anh mệt mà anh không chịu ngưng. Tôi thấy và biết anh vui. Những khoảnh khắc ấy tôi sẽ nhớ mãi.
 
Ann Phong
 
Nhà Văn, Họa Sĩ, Nhà Báo Khánh Trường Giã Từ Cõi Tạm
 
Giới văn nghệ người Việt tự do cùng đón nhận tin buồn: Họa sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà thơ Khánh Trường, đã đã lên đường rong chơi cõi khác vào ngày 29 Tháng Mười Hai năm 2024, tại miền Nam California. Ông là người để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng động người Việt sau 1975, sáng tạo và gìn giữ nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.
 
Khánh Trường yêu cuộc đời tha thiết, đến mức nằm nhiều ngày ở bệnh viện UCI Health – Fountain Valley, khi bác sĩ xác nhận không còn khả năng trở lại, gia đình quyết định rút ống thở, vậy mà nhịp tim và huyết áp của ông vẫn ổn định đến 7 tiếng sau mới ngưng. Ông quả muốn níu kéo một cuộc đời ở trần gian đến vậy, dẫu đã làm muôn việc, so với bao người khác.
 
Tưởng nhớ văn nhân – nghệ sĩ Khánh Trường, mời quý vị đọc bài viết “Khánh Trường – Chuyện Chưa Hồi Kết của nhà phê bình Đỗ Trường, bài điểm lại như một lời chia tay thương tiếc và thâm trầm.
 
(Facebook tác giả)
 
Chuyện Chưa Hồi Kết
 
Dường như, mỗi người thường có một thói quen, đặc điểm riêng nào đấy, khi đọc, hay nghiền ngẫm. Và tôi cũng vậy, đôi khi đang đọc người này, bất chợt liên tưởng đến văn của người khác. Sự so sánh, liên tưởng ấy, quả thực đẻ ra cho tôi những điều thú vị, nhất là ở các nhà văn đã từng là lính chiến, viết sau 1975 ở hải ngoại. Do vậy, khi đọc Khánh Trường, tôi nghĩ ngay đến Cao Xuân Huy, Tưởng Năng Tiến, và đọc Tưởng Năng Tiến hình ảnh Cao Xuân Huy, Khánh Trường từ đâu lù lù mò đến. Không hẳn giọng văn, mà bởi ba bác nhà văn này đào xới cái mặt trái của chiến tranh, của con người, xã hội, một cách rất tận tình. Sự thẳng tưng ruột ngựa này, gây ác cảm, ít nhiều động chạm đến đồng đội cũ, dẫn đến nhiều phiền toái, song ngòi bút, sự can đảm của họ vẫn đi đến tận cùng.
 
Thật ra, tôi đã đọc nhiều Cao Xuân Huy và Tưởng Năng Tiến, còn Khánh Trường dường như mới chỉ đọc vài, ba bài thơ, truyện ngắn của ông mà thôi. Tuy nhiên, tài năng hội họa, cũng như lòng can đảm, sự tự tin, dám đi giữa hai làn đạn, với mấy mươi năm chủ biên, dẫn dắt Tạp chí Hợp Lưu làm cho tôi cảm phục, mến yêu ông. Mấy hôm trước, nhà thơ Luân Hoán từ Canada gửi tặng tôi cuốn: Truyện Ngắn Khánh Trường Tập1. Nhận sách, tôi đọc ngay, và quất một mạch ngay trong ngày. Có thể nói, đây là một trong những tập truyện hay, lạ nhất tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Lạ, bởi vẫn những người lính, thân phận ấy, nhưng Khánh Trường đi sâu vào khai thác mặt trái của họ, trong và sau chiến tranh. Một mảng đề tài tôi nghĩ, bị bỏ ngỏ từ trước đến nay. Và cùng những khẩu ngữ dân dã, hè phố mang tính giang hồ đã làm nên một giọng văn độc đáo Khánh Trường. Có một điều đặc biệt nữa, cũng như cuộc đời (người lính) nhà văn Khánh Trường, những thân phận nhân vật trong truyện của ông đều bỏ ngỏ, không hồi kết. Vâng, đó là những cái kết mở, buộc người đọc phải suy nghĩ, hoặc như viết tiếp cùng tác giả vậy.
 
Nhà văn, họa sĩ Khánh Trường sinh năm 1948 tại Quảng Nam. Ngay từ tuổi thơ ông đã phải lăn lộn chốn giang hồ. Chuỗi ngày nhiều đắng cay, ít ngọt ngào ấy, như chất liệu sống để cho ông viết nên những tác phẩm hiện thực, sinh động sau này. Và khi bước được ra khỏi vũng bùn đó, bằng nghị sống, bằng đam mê, Khánh Trường tự học, tự mày mò để trở thành (các loại nhà) họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, và nhà báo tên tuổi, tài hoa như ngày nay. Cũng như bạn bè cùng thế hệ, cuộc đời Khánh Trường đi qua chiến tranh, gắn chặt với thân phận đất nước. Do vậy, năm 1968 ông phải vào lính. Sau biến cố 1975 một thời gian khá dài, ông mới vượt biển và định cư tại Cali-Hoa kỳ. Những năm gần đây, bệnh tật tưởng chừng nhiều lần đã quật ngã ông, nhưng bằng nghị lực sống Khánh Trường vẫn miệt mài vẽ, và viết.
 
Là một tác giả viết, vẽ đủ các thể loại và làm báo đã rất lâu rồi, nhưng không hiểu sao những tác phẩm của Khánh Trường phổ biến trên (mạng) internet rất ít. Và dù có cố gắng tìm tòi, tôi cũng chỉ đọc được một tập: Truyện ngắn Khánh Trường tập 1. Tập truyện này, ông đã chọc vào cái ung nhọt, với nhiều khía cạnh của cuộc sống, con người. Tuy nhiên, bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào chân dung người lính, và hồn vía tư tưởng, bút pháp Khánh Trường trong khuôn khổ tập truyện này, qua góc nhìn chủ quan của tôi mà thôi.
 
Sống trong giới du đãng giang hồ, rồi lăn lộn nơi chiến trường, cho nên hình ảnh, thân phận con người, nhất là người lính đậm nét và xuyên suốt trang văn Khánh Trường. Đọc ông, ta không chỉ thấy cái bi thương, hay sự kệch cỡm, ti tiện của con người, mà còn bắt gặp những lời mỉa mai một cách sâu cay đến tầng lớp thượng tầng, chóp bu, thông qua hình ảnh so sánh, với nghệ thuật hồi tưởng đan xen, làm cho người đọc phải bật ra tiếng cười trong sự đớn đau.
 
Sự tàn khốc, tâm trạng của người lính nơi chiến trường

Nếu ta đã đọc Phạm Tín An Ninh, Song Vũ, hay Trạch Gầm, thì hình ảnh người lính dưới bom rơi đạn nổ ấy, khác hẳn với người lính trong những trang văn Khánh Trường. Sự bi quan, khiếp đảm của người lính dưới ngòi bút Khánh Trường có lẽ chỉ là cá biệt, song phần nào đấy, bật lên hết cái sự tàn nhẫn của chiến tranh, cũng như tâm trạng thực của họ. Em có yêu anh không, là một truyện ngắn như vậy của Khánh Trường. Không biết, hình ảnh sợ sệt, yếu đuối của người sĩ quan trẻ đó có phải là hiện thân của Khánh Trường hay không? Nhưng những hình ảnh tang thương và sinh động này, tôi nghĩ, chưa trải qua, Khánh Trường khó có thể tưởng tượng và viết được như vậy:
 
“Tôi chạy lúp xúp sau Kh, một thằng lính vượt qua mặt tôi, nó hét: Chuẩn úy cúi thấp cái đầu xuống, coi chừng không có chỗ đội nón… Tôi chưa kịp nhìn xem thằng lính là ai thì hắn bỗng bật ngửa ra sau, giãy đành đạch, cái nón sắt văng khỏi đầu, lăn long lóc vào đám cỏ cao, cánh tay trái của hắn bung lên, đập vào ngực tôi, rơi xuống chân, co giật liên hồi. Tôi điếng người, vội nhủi vào một gốc cây, úp mặt sau lớp vỏ sần sùi.“ (Em Có Yêu Anh Không)
 
Và người lính trẻ Khánh Trường đã nhận ra: Chiến tranh, chỉ là một trò chơi của những dã thú đội lốt người. Và chiến tranh với mục đích, hay nhân danh chủ nghĩa, lý tưởng nào đi chăng nữa cũng ngập ngụa máu tanh, hận thù. Do vậy, ngòi bút ông như một chiếc cần, đưa mức độ tàn sát, dã man của cả hai bên chiến tuyến lên bàn để cân đong đo đếm. Với thủ pháp so sánh mang tính điện ảnh, kịch trường sân khấu, Khánh Trường đã bóc trần bộ mặt thật của chiến tranh một cách trần trụi, sinh động hơn. Và thủ pháp này, góp phần làm nên truyện ngắn Bàn Tay Trái đặc sắc của Khánh Trường. Đọc nó, làm cho tôi liên tưởng đến cái cách giết người dã man của những người lính ở hai bên chiến tuyến Bắc – Nam trong Tiểu Thuyết Vô Đề của nhà văn Dương Thu Hương. Thật vậy, nếu ai chưa đọc Tiểu Thuyết Vô Đề, mà bắt gặp ngay kiểu giết người thời trung cổ của lính phương Bắc dưới ngòi bút Khánh Trường, tôi nghĩ, sẽ bị ám ảnh, dẫn đến chứng mất ngủ lâu dài là cái chắc:
 
“Đó là xác của một binh sĩ đơn vị bạn bị địch quân bắt. Sau khi khai thác anh lính đến tơi tả – những vết nứt ngang dọc trên thân thể trần truồng chứng minh điều đó – họ chặt đầu anh. Thủ cấp được cắm trên cọc tre, ngay dưới gốc cây, hai con mắt lồi ra ngoài, miệng há hốc, những chiếc răng cửa bật gốc ngả nghiêng, máu khô quánh hai bên khóe, mảng tóc ngắn bết máu không che kín được vầng trán cày sâu vết dao nhọn vạch thành chữ ngụy, lũ kiến đỏ vẽ trên da mặt những đường nứt ngoằn ngoèo ngang dọc. Địch quân đã treo xác lên cây, xiên đầu qua cọc nhọn cắm giữa lối đi, như một lời cảnh cáo, uy hiếp tinh thần đơn vị đến sau…“
 
Và ngòi bút Khánh Trường quẳng lên bàn cân cái hành động giết người của người lính Nam cũng không khác gì lục lâm thảo khấu. Vâng, dường như cán cân man rợ ấy, giữa lính Bắc và lính Nam trở về mức thăng bằng chăng:
 
“Hắn nằm nghiêng, cong queo bất động, chỉ có tiếng rên nhỏ, thật nhỏ phát ra ri rỉ như tiếng muỗi vo ve. Một người lính dùng mũi súng lật ngửa gã cán binh, hắn cố mở lớn hai con mắt đã lạc thần, nhìn. Thanh niên có cảm tưởng trong hai hố mắt sâu hoắm ấy một tia hy vọng vừa lóe sáng. Người lính quay hỏi viên trung sĩ tiểu đội trưởng: “Mình đưa hắn đi gặp Bác chứ?” Viên trung sĩ gật đầu. Lập tức, khóa an toàn bật kêu, và tiếp theo, một chuỗi tiếng nổ dòn tan. Gã cán binh nẩy ngược vài cái, đôi mắt trắng dã, đứng tròng. Không kịp đợi cái xác nằm im, người lính cúi xuống, rất bình thản tuột chiếc khâu vàng trên ngón tay đeo nhẫn của gã cán binh, bỏ túi, đứng dậy quay lui, không thèm nhìn lại lần thứ hai cái xác do chính anh vừa giải phóng.“ (Bàn Tay Trái)
 
Và đi sâu vào đọc văn học thời chiến, ta có thể thấy, nếu những người lính ở hai bên chiến tuyến trên trang văn Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, hay Thảo Trường vẫn còn lại cái tình đồng loại, sự cảm thông cho nhau, thì với Khánh Trường, chiến tranh đã giết chết cái tình người còn sót lại ấy. Và chính nó đã biến những con người trong sáng, lương thiện trở thành ác nhân. Không phải là tất cả, song quả thực người lính nơi chiến trường, giữa sống và chết còn có hành động, khuôn mặt đen ngòm như vậy nữa. Từ khía cạnh, góc nhìn đó, Khánh Trường đã khai thác, đặt lên trang viết của mình. Tuy nhiên, ông không những vấp phải sự phản ứng của đồng đội, mà còn cả của những người lính bên kia chiến tuyến. Có thể nói, viết được những trang văn này, cần lắm sự dũng cảm của nhà văn Khánh Trường.
 
Và chiến tranh càng khốc liệt, càng đánh mạnh vào tâm lý người lính. Sự giao động tinh thần dẫn đến cái bi quan, chán chường ấy, đã được Khánh Trường miêu tả rất sâu sắc và chân thực. Có thể nói, ông là nhà văn có tài đi sâu vào miêu tả, so sánh, phân tích diễn biến nội tâm nhân vật:
 
“Suốt nửa tháng sau ngày chứng kiến cảnh ấy, thanh niên đêm ngủ thường giật mình choàng tỉnh, khắp người lạnh toát, van tim chừng như bị ai bóp nghẹt. Chỉ một năm, thanh niên chứng kiến bao nhiêu thảm kịch. Người chết, đủ kiểu đủ cách. Người bị truy lùng, vây bắt, tra tấn, cũng đủ kiểu đủ cách…Trên khắp mọi nẻo đường thanh niên đã đi qua, trùm phủ một màu xám, bao la, hun hút. Màu xám tối ám như bầu trời mùa đông sụt sùi mưa bão thanh niên sẽ phải chịu đựng những ngày sắp tới.“ (Bàn Tay Trái)
 
Không dừng lại ở bi quan, mà sự khiếp đảm dẫn đến những hành tiêu cực của người lính. Thật ra, hành động tự hủy hoại một phần thân thể để rời chiến trường, hoặc khỏi phải đi lính, không phải chỉ có ở một số lính tráng, thanh niên miền Nam, mà thanh niên miền Bắc lúc đó cũng vậy. Vâng, và vẫn truyện ngắn Bàn Tay Trái. Nó tiêu biểu nhất ở đề tài này của Khánh Trường. Đọc nó, chợt nhớ lại, khoảng năm 1969-1970 lúc đó tôi còn rất nhỏ. Một lần đi học về, vô tình nhìn thấy anh hàng xóm kê tay lên bậu cửa, dùng dao thái chuối, băm bèo cho lợn, tự chặt đứt phăng hai ngón tay của mình, để khỏi phải đi bộ đội. Cảnh tượng ấy làm tôi bị ám ảnh suốt tuổi thơ. Và cho đến nay, tóc đã bạc nửa mái đầu, mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn chờn chờn, rờn rợn. Không rõ cuộc sống anh hàng xóm hiện nay ra sao. Ngày đó, quả thực anh không phải đi bộ đội, nhưng bị trói lại, dong đi khắp nơi, với tấm biển treo trước ngực: Thanh niên như tôi là mất nước, trong tiếng trống, tiếng phèng la… Và ta hãy đọc lại trích dưới đây, để thấy rõ, từ diễn biến tâm lý ấy, dẫn đến hành động tiêu cực của người lính, tuổi trẻ miền Nam (nói riêng, và cả hai miền nói chung) dưới ngòi bút rất chân thực Khánh Trường:
 
“Trong tích tắc, ý nghĩ bật thành quyết định, thanh niên không kịp đắn đo, anh vội vã kê cánh tay trái lên gò mốì, tay còn lại nâng cây súng, chĩa mũi vào lòng bàn tay, nhắm mắt, nghiến răng, bóp cò. Thanh niên dội bật ra sau, có cảm tưởng một nhát búa tạ vừa đập xuống giữa lòng bàn tay, anh hét lớn, cây súng rơi xuống chân. Thanh niên ngã vật ra, máu bắn tung tóe khắp mặt mũi quần áo, anh muốn ngất đi…” (Bàn Tay Trái)
 
Nếu đọc Khánh Trường, ta chỉ cảm được một thứ bạo lực dục tình, nảy sinh từ sự tàn khốc của chiến tranh, thì quả thực mới thấy được cái vỏ. Mượn những hình ảnh đó để giễu nhại sự hèn nhát của tướng lĩnh, hay những kẻ quyền thế lưu manh mới là cái cốt lõi ông muốn dẫn dắt, truyền tải đến người đọc. Ngay từ ngày đầu cầm bút ta đã thấy được thủ pháp nghệ thuật so sánh, hoán dụ này ở truyện ngắn: Có Yêu Em Không của ông. Với giọng điệu kinh bạc, lời văn dân dã, Khánh Trường đan xen tình tiết, mang tính phim ảnh kịch trường, những hình ảnh cưỡng tình, lợi dụng lòng tin ấy, đã bóc trần bộ mặt thật của những kẻ hại nước lừa dân. Một đoạn văn rờn rợn, trong tiếng mõ kinh cầu cho người lính tử trận, lồng vào những pha cưỡng dục, lừa tình như vậy dưới đây, sẽ làm sáng tỏ những đặc điểm này trong truyện ngắn Khánh Trường:
 
“Dưới nhà, tiếng kinh tụng của hai vị sư bắt đầu hòa cùng nhịp chuông mõ. Tôi nhìn xuống những ngọn đèn cầy trên nắp áo quan lao chao sáng. Ánh sáng hắt lên căn gác mù mù… Tôi gác chân đè nghiến hai đùi con nhỏ, bàn tay còn lại mò tìm cái khuy quần…Cả đời, tôi thù ghét thậm tệ những cái khuy cái móc kể cả những cái khuy cái móc vô hình trừu tượng, đại loại kiểu nói năng ba que xỏ lá móc hầu móc họng làm cho con người ta nghe xong tức ói máu trào đờm. Con nhỏ vội chụp bàn tay tôi lại. “Em lạy anh… đừng anh… anh… anh… đừng…” Không thể đừng được nữa rồi. Đã bước lên diễn đàn, đã hiệu triệu quốc dân, ai quăng súng cuốn cờ bỏ của chạy lấy người, mặc bố chúng nó, đồ hèn nhát Việt gian bán nước! Chúng ta phải sát cánh cùng nhân dân chiến đâu đến giọt máu cuối cùng! Không thể đừng được nữa rồi. Tôi thì thào bên tai con nhỏ…” (Có Yêu Em Không)
 
Viết về sau biến cố tháng 4-1975, giọng văn Khánh Trường càng trần trụi, cay nghiệt, và thâm thúy hơn. Ông viết về Sex, phơi bày tình dục, trong truyện ngắn Đêm Mưa, song tôi không thấy cái cái nhục dục, nhầy nhụa ở đó, mà chỉ thấy sự nhầy nhụa hiện lên từ (lời) ông Tổng Thống trong ngày Saigon hấp hối. Thật vậy, vẫn biện pháp hoán dụ, Khánh Trường mượn nhà thổ, đĩ điếm để phơi bày bản chất ươn hèn của giới cầm quyền, làm cho người đọc phải bật ra tiếng cười chua chát. Và từ đó ta có thể thấy, Khánh Trường là nhà văn có trí tưởng tượng và sự liên tưởng thật phong phú:
 
“Riêng tôi, sáng Ba Mươi tháng Tư đơn vị tan hàng, tôi cởi bỏ bộ quân phục, nhủi vào động nằm với con đĩ. Lúc ông tân tổng thống lên đài ra lệnh cho binh sĩ bỏ súng quy hàng, tôi đang hùng hục mê tơi trên bụng con đĩ, sau khi đã nốc nửa lít rượu đế cộng với ngổn ngang rựa mận chả chìa lá mơ củ riềng cùng với đám chiến hữu ở một quán thịt cầy gần khu nhà thổ. Chẳng hiểu tại cái lệnh đầu hàng chó chết nó làm tư tưởng tôi phân tán hay tại nửa lít rượu mà cuốn băng ghi âm những lời vàng ngọc của ông Tân Tổng Thống được phát lại đến lần thứ tư tôi vẫn chưa ra. Con đĩ càu nhàu: Uống cho cố vào, lâu như quỷ. Tôi cười hềnh hệch” (Đêm Mưa)
 
Có thể nói, văn thơ Khánh Trường đi sâu được vào lòng người đọc như vậy, bởi ông đã mở ra một con đường đi riêng cho mình. Ngoài khai thác đề tài khó nhằn, dễ va chạm, ít có người dám thử bút, Khánh Trường còn là nhà văn có tài sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, liên tưởng so sánh, với lời văn rất mộc mạc, dân dã. Văn ông không kén người đọc. Từ ông giáo sư cho đến người lao công vẫn có thể bật ra tiếng cười sảng khoái, hay mỉa mai như nhau, khi đọc Khánh Trường. Do vậy, khi nghiên cứu, hay đánh giá Văn học Việt trước và sau chiến tranh, những trang văn độc đáo này của Khánh Trường không thể, không nhắc đến.
 
(Tranh Khánh Trường)
 
Thân phận người lính sau chiến tranh
 
Sau 1975, khi các nhà văn ở hải ngoại, hay còn ở trong nước thường hồi tưởng về chiến tranh, hoặc viết về những năm tháng cải tạo tù đày, thì Khánh Trường đi sâu vào khai thác cái tráo trở, bạc bẽo của con người. Có một điều gây cho tôi những cảm xúc đặc biệt, khi cùng viết về tình người sau chiến tranh đối với người lính thất trận: Nếu trong truyện ngắn Trả Tiền, Cao Xuân Huy để tình người còn sót lại ở trong cô gái điếm, thì đến Đêm Mưa của Khánh Trường dường như, cái tình đồng loại ấy hoàn toàn không còn nữa. Sự cạn tàu ráo máng đó, như một bức tranh hiện thực nhớp nhơ, với nỗi bần cùng, ô nhục của người lính thất trận, mà Khánh Trường đã vẽ nên.

Vâng, đọc Đêm Mưa của Khánh Trường, tôi không chỉ nhớ đến Trả tiền của Cao Xuân Huy, mà còn nhớ đến cả tiếng chửi ngoa ngoắt trong truyện Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào của Thảo Trường. Thật vậy, với tôi, truyện ngắn Đêm Mưa, hay và điển hình về đề tài này của Khánh Trường. Và đoạn văn, hay những câu liên hoàn chửi dưới đây, Khánh Trường cho ta thấy, nhân phẩm của con người bị chà đạp như thế nào, dưới cái đạo đức, tình người đã bị đảo lộn tùng phèo ấy:

“Con đĩ tru tréo: Đm tao tởm mày lắm rồi. Bắt đầu từ bây giờ, mạnh đứa nào đứa đó tự lo lấy thân, mày đừng báo cô tao nữa, hãy để cho tao yên. Đm, một năm nay vì mày mà tao thân tàn ma dại, mày thấy không?…Tôi cố nuốt cơn giận cho trôi tuột xuống bụng. Mặc mẹ nó, nhịn một chút chẳng chết ai… Đây đâu phải lần đầu tiên con đĩ giở giọng với tôi! Con đĩ giở giọng kể từ lúc nó biết tôi đã hết thời. Phải, quả thật tôi đã hết thời. Ngày trước tôi thuộc hạng có máu mặt, tuy chẳng lon lá chức phận, nhưng bộ đồ rằn ri cũng tạo được cho tôi cái uy tín đáng kể với bọn du đãng cao bồi đâm cha giết chú quanh vùng này.” (Đêm Mưa)

Trốn được địa ngục trần gian nơi nhà tù cải tạo, nhưng cuộc sống của người lính ấy ở tận đáy của xã hội. Không chỉ có nhân phẩm, mà thể xác cũng bị đọa đày. Không thể làm phép so sánh, song dưới ngòi bút trần trụi này của Khánh Trường, thì có lẽ nhiều người sẽ chọn nơi cải tạo tù đày chăng:
 
“…giáp với cánh đồng rộng trồng rau cải nực nồng mùi phân người. Căn chòi trước kia có lẽ là một cái chuồng trâu bỏ hoang. Sau ngày biến động, khu nhà thổ bị ruồng bố, bọn tôi dẫn nhau ra đây, góp nhặt được mấy tấm tôn cũ, mớ ván thùng cùng ít tre trúc, gỗ tạp sửa sang lại… phía sau dựa lưng bãi tha ma… Mùa đông, côn trùng, muỗi mòng, giun dế, dơi chuột, ếch nhái, và dĩ nhiên cả rắn rít bò vào chòi tìm chỗ trú” (Đêm Mưa).
 
Tuy bi thương và cùng cực là vậy, song những ước mơ, khát vọng (của con người nói chung và) của người lính nói riêng vẫn mãnh liệt. Có thể nói, văn thơ Khánh Trường không chỉ đan xen tình tiết hiện tại, với những ký ức đã xa vời vợi, mà còn có lời văn dân dã, trần trụi lồng vào những hình ảnh, lời văn gợi cảm, mượt mà. Đoạn trích có những hình ảnh, ước mơ và khát vọng rất đẹp dưới đây sẽ cho ta thấy rõ điều đó:
 
“Thung lũng mở ra bát ngát. Vành trăng lặn từ lúc nào tôi không hay. Về phía Đông, chân trời đã rạng, và rất nhanh, khối lửa đỏ ối, to như một cái nong trồi lên, nhuộm đỏ khúc sông trước mặt. Chúng tôi dừng lại bên này bờ, nước sông dâng cao, sóng nhỏ lăn tăn tràn lên bãi cát lấp lánh lân tinh. Từ bụi ô rô cách chỗ chúng tôi đứng mươi bước, đàn vịt trời chợt vỗ cánh bay lên, tiếng cánh đập lạch phạch đồng loạt phá tan bầu khí tĩnh lặng của buổi bình minh. Mặt nước xao động, màu máu đỏ lềnh vỡ ra, lung linh huyền ảo. Huệ nói: Mình về nhà nhé! Tôi gật đầu”. (Đêm Mưa)
 
Tuy mang tính chân thực, song đôi khi ta bắt gặp những trang văn, hình ảnh tưởng tượng quá mức của Khánh Trường. Đành rằng tiểu thuyết, truyện ngắn văn học phải có hư cấu, song cái sự hư cấu ấy, người đọc có thể chấp nhận được. Tôi sinh sau đẻ muộn, không phải trải qua những năm tháng đẫm máu này, và hoàn toàn chỉ hiểu chiến trường qua sách báo. Tuy nhiên, khi đọc đoạn văn Khánh Trường miêu tả sự trả thù của người lính với viên đại úy ở nơi chiến trường một cách bẩn thỉu, hạ cấp, nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đêm Mưa là một truyện ngắn rất hay, và gây cho tôi nhiều cảm xúc, song đọc đến đoạn văn này đã cắt ngang dòng cảm xúc ấy của tôi:
 
“Bạn bè đồng đội nhìn tôi khinh bỉ, dưới mắt chúng nó, tôi là tên nịnh bợ hèn hạ mất hết nhân cách làm người. Chúng nó tránh tôi như tránh hủi. Mặc kệ, tôi bất cần, tự an ủi, cứu cánh biện minh cho phương tiện. Làm sao chúng biết được niềm sung sướng hả hê tôi đang có được? Quả vậy, còn sung sướng nào hơn khi mỗi ngày hai bữa cơm, do chính tay tôi nấu nướng hầu hạ, tên đại úy đã táp ngon lành phần ăn thơm tho béo bổ, phần ăn đã được tôi trộn thêm vào mỗi lần một ít cứt của chính tôi?” (Đêm Mưa)
 
(Facebook tác giả)
 
Nỗi buồn nơi đất khách
 
Và người lính ấy cũng đến được nơi phải đến. Nhưng nỗi đau về tinh thần dường như cứ đeo bám mãi không thôi. Nếu người đàn bà mở lòng đón nhận người phế binh cụt chân là cái kết của thiên truyện Chung Cuộc, thì ở Chắp Vá vẫn người phụ nữ ấy đã ruồng bỏ người chồng, một cựu trung đoàn trưởng. Vâng, có thể nói, ngòi bút Khánh Trường đã chọc vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Với khẩu ngữ, lời văn sắc lạnh, cùng hình ảnh so sánh mang tính miệt thị, làm người đọc có sự đồng cảm hơn với nỗi đau, cái khốn cùng của người sĩ quan lỡ vận, trước lòng tham, sự tráo trở của người đàn bà bao năm chăn gối:
 
“Cậu A ngày trước chỉ là trung sĩ dưới quyền anh xa lắc, bây giờ cũng kỹ sư như ai, anh không đáng xách dép cho nó… Thằng B chí thú tiến thân, bây giờ nếu lấy tiền của nó đem mà đốt thì cỡ mười thằng như anh cũng thành tro… Bộ anh không biết nhục sao?” (Chắp Vá)
 
Vẫn mượn thiên truyện Chắp Vá, Khánh Trường không chỉ gắn trách nhiệm của từng cá nhân, mỗi con người với thất bại, nỗi đau quá khứ, mà còn bóc trần tính cách giả dối, sĩ hão, với những hội đoàn người Việt bát nháo hiện nay. Bởi, nó đang lặp lại hình ảnh, sự ham muốn danh tiếng, uy quyền, y chang ngày tháng cũ nơi quê nhà vậy. Có thể nói, viết truyện Chắp Vá là sự dũng cảm, dám đi giữa hai làn đạn Cộng Hòa và CS của nhà văn Khánh Trường. Bởi, đang lúc hừng hừng nước sôi lửa bỏng như vậy, ông đã dám chọc thẳng vào cái tổ ong vò vẽ đó:
 
“Lỗi là lỗi của các anh, không chịu biết người biết ta, không thấy được cái u mê của mình, bao nhiêu năm rồi còn khư khư ôm chặt cái dĩ vãng vàng son, rồi phẫn nộ chửi trời chửi đất, chửi Cộng Sản, chửi chế độ, chửi cấp chỉ huy, chửi lãnh đạo, làm như mọi tội lỗi đều do thiên hạ, bởi thiên hạ, còn mình tiết sạch giá trong. Lại còn trò lập bang lập hội, chia bè kết nhóm, nay ra thông cáo, mai đăng nghị quyết, mốt đọc kiến nghị. Làm được quái quỷ gì chẳng thấy, chỉ thấy tốn rượu tốn thịt, chỉ thấy thằng này chửi thằng kia, hội này tố hội nọ, bôi bùn trét cứt vào mặt nhau, thua cả phường đá cá lăn dưa Chợ Cầu Ông Lãnh.”(Chắp Vá)
 
Có thể nói, giễu nhại, châm biếm là những thủ pháp nghệ thuật góp phần làm nên trang văn Khánh Trường. Đây là thủ pháp nghệ thuật truyền thống, đã được nhiều nhà văn sử dụng trước đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Không hề có ý so sánh, song đọc truyện ngắn Mr Trần của Khánh Trường chợt làm tôi nhớ đến cái món chọc ngoáy (châm biếm) của những Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố hay Tam Lang, Hoàng Đạo. Cười đấy, nhưng mà đau. Ở hải ngoại với tôi hiện nay, có lẽ, Tưởng Năng Tiến và Khánh Trường là hai cây bút viết khá sâu cay ở thể loại này? Có thể nói, Mr Trần là truyện ngắn hay, và tiêu biểu nhất về thủ pháp nghệ thuật này trong Truyện ngắn Khánh Trường tập 1. Thật vậy, chỉ đôi mươi dòng kể, với từ ngữ đậm nét dân gian cuộc đời người đàn bà lăng loan hiện lên một cách sinh động, gây cho người đọc tiếng cười hài ước, và chua chát:
 
“chị muốn trở về nguồn… thỉnh thoảng lai rai cắn trộm vài quả ái ân với các đấng mày râu đồng chủng. Hại thay, tai vách mạch rừng, anh G.I. chịu không thấu, đành lôi chị ra tòa ca bài tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Với chức năng làm mẹ rất đỗi cao quý, chị được tòa xử cho quản lý hai ba bất động sản và một trương mục khá bề bộn, để tiếp tục nuôi hai nhỏ con tạp chủng, chứng tích hùng hồn nhất của tình hữu nghị Mỹ Việt một thời keo sơn. Trở lại với cội nguồn, chị ban đầu hơi bơ vơ, thứ nhất chữ không hay cày không giỏi, thứ hai đồng hương có vẻ không happy với hành động qui hồi cao quí của chị. Nhưng…loay hoay thế nào chị lại trở thành chủ báo. Dù chữ nghĩa hết sức ăn đong, có khi viết một câu ba dòng đã trật năm bảy lỗi chính tả, nhưng chị vẫn thành công vượt bực trong ngành báo.”(Mr. Trần)
 
Vẫn mang đậm nét khẩu ngữ dân gian, với lối miêu tả, so sánh trực diện, không chỉ kẻ háo danh, cơ hội như M. Trần, mà từ dáng hình người đàn bà ấy bật ra nhân cách con người, trong cái sân khấu hề chèo nơi hải ngoại. Tuy không phải là tất cả, nhưng đọc truyện ngắn Mr. Trần ta thấy được phần nào cái mặt sau nhem nhuốc của cộng đồng người Việt. Phải nói, đây là tài năng liên tưởng, sử dụng từ ngữ, và lối quan sát tỉ mỉ của nhà văn Khánh Trường:
 
“Mr. Trần thấy hoàn cảnh cô quả lẻ bóng của chị, rất lấy làm thương xót. Chim chóc còn có cặp có đôi, gà vịt còn có trống có mái, ngay cả hoa còn có hoa đực hoa cái, huống hồ người. Bèn mon men làm quen. Trai tài gái sắc gặp nhau, như rồng mây gặp hội. Dù ngay tình mà nói, tuổi tác chị cũng đã xế chiều, lại bị bơ sữa đế quốc làm cho cái body tăng trưởng một cách rất hỗn hào về chiều ngang, bất chấp chiều cao khiêm nhường một thước năm mươi, nên trông chị lúc nào cũng ủn ỉn lạch bạch thấy mà thương.” (Mr. Trần)
 
Có thể nói, chỉ thông qua một tập truyện ngắn để viết chân dung một tác giả đa tài, và dày công sáng tạo như Khánh Trường, thì quả thực khó khăn. Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tôi nghĩ, có thể còn nhiều thiếu sót, và những chi tiết chưa thực đúng. Song với giọng văn đặc biệt, cùng những truyện kể bỏ ngỏ, chưa có hồi kết, tôi tin, văn thơ cũng như cuộc đời Khánh Trường vẫn còn phải nghiên cứu và viết tiếp…
 
Leipzig 
Đỗ Trường
 
Tưởng Nhớ Nhà Văn, Họa Sĩ Tài Hoa Khánh Trường - Nguyễn Tấn Cứ
 
Không nhớ vào khoảng thời gian nào, lúc đó tôi đang ăn nhậu bù khú với bạn bè ở 81 Trần Quốc Thảo.
 
Trong khói thuốc bia rượu mù trời, khi cơn say bốc lên, bỗng có bàn tay khều khều phía sau, một tiếng nói như “truyền âm nhập mật“ trong tai. “Nguyễn Tấn Cứ, mầy có người từ bên kia về hỏi thăm kia”. “Ai vậy?“. Quay lại thì ra là thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan, ổng có vẻ bí ẩn “Khánh Trường, chủ biên Hợp Lưu đang nhậu bên kia“.
 
Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, đó là lần đầu tiên tôi biết đến cái “ông nội khét tiếng“ từ nước trong ra nước ngoài nầy.
 
Đó là một người cao lớn cột tóc đuôi ngựa, râu ria bặm trợn, áo hở ngực đang hút thuốc phèo phèo uống bia như nước, quây quần với chiến hữu như Cung Tích Biền, Nguyễn Tôn Nhan, Phạm Chu Sa, Lê Thánh Thư, Phù Hư … Đó cũng là lần đầu tiên tôi “đụng trận chạm mặt“ với ông chủ bút lừng danh, vì địch ta máu mặt nhân văn nhân bản nào ổng cũng chơi không sót tên tuổi nào.
 
Rồi thời gian trôi đi dài theo năm tháng. Kể từ khi anh Khánh Trường bị tai biến, tờ Hợp Lưu cũng thay dòng, khi tay giang hồ hảo hớn Khánh Trường phải ngồi một chỗ. Mọi thứ gần như thành kỷ niệm đẹp của một thời văn chương Hợp Lưu bất khuất cũng phải im nằm…
 
Cách đây hơn 10 năm nhà văn Ngụy Ngữ hú “Khánh Trường về Sài Gòn rồi, có hỏi thăm Nguyễn Tấn Cứ, chiều nay mầy tới quán Ruốc của Mường Mán uống rượu“. Lần nầy thì có phu nhân của Khánh Trường đi theo để hộ giá, vì anh đã ngồi xe lăn. Lần nầy thì Khánh Trường không đứng lên mà phải ngồi xuống để uống cùng “chiến hữu“ như Đoàn Thạch Biền, Ngụy Ngữ , Phạm Chu Sa… và tôi cái thằng “hậu sanh khả úy“ nầy
Với chỉ hai lần họp mặt ở Sài Gòn, cùng với hai ba lần góp mặt trên văn đàn Hợp Lưu, với một ông chủ bút sừng sỏ, tôi đã xuất hiện như một nhà thơ “ngoài luồng“ không biết bằng cách nào đã “vượt biên” qua Mỹ, lúc Việt Nam còn chưa biết Internet Facebook Email là quái gì. Lúc mà thế giới còn mù căm sau bức màn đen kịt, thì tạp chí Hợp Lưu và Khánh Trường đã là cầu nối văn chương trong cõi âm u mù mịt chập chùng.
 
Viết lại những giòng nầy như một lời tri ân đến nhà văn họa sĩ Khánh Trường. Vì nghe đâu anh đã lên đường, đã rời xa cõi đời sương khói. Anh đã hạnh phúc, rong chơi, đau khổ văn chương và giờ đây anh lại tiếp tục rớt hột phiêu bồng…
 
Tạm biệt anh, nhà văn họa sĩ Khánh Trường.
 
 
Hoạ sĩ Khánh Trường tên thật là Nguyễn Khánh Trường, sinh năm 1948, ở Quảng Nam, gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1968, giải ngũ năm 1972 vì bị thương. Khánh Trường vượt biên đến Thái Lan năm 1987, định cư tại Hoa Kỳ năm 1988. Sự đóng góp của anh vào văn học Việt Nam hải ngoại không nhỏ vì ngoài vẽ tranh, triển lãm tranh, anh cũng là một nhà văn tên tuổi, viết với vài bút hiệu khác như Kim Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Khánh Trường đã xuất bản nhiều tác phẩm và từng là chủ biên của tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, từ 1990 đến 2005.
 
Họa sĩ Khánh Trường là một trong những nghệ sĩ tài năng và nổi bật trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt trong lĩnh vực hội họa và văn học. Ông không chỉ được biết đến như một họa sĩ xuất sắc với phong cách độc đáo, mà còn là một nhà văn và nhà biên tập, nhà báo uy tín.
 
Tiểu sử và sự nghiệp
 
Khánh Trường sinh ra tại Việt Nam, từng sống và hoạt động nghệ thuật trong nước trước khi di cư sang Mỹ sau biến cố năm 1975.
 
Tại hải ngoại, ông tiếp tục phát triển sự nghiệp hội họa và để lại dấu ấn qua nhiều tác phẩm mang phong cách hiện đại, trừu tượng, và biểu cảm. Những tác phẩm của ông thường chứa đựng chiều sâu tư tưởng, gợi lên những cảm xúc mãnh liệt và phản ánh cuộc sống của con người, đặc biệt là trải nghiệm của người Việt nơi đất khách.
 
Ngoài hội họa, Khánh Trường còn tham gia tích cực trong lĩnh vực văn học. Ông là người sáng lập và chủ biên nhiều tạp chí văn học, nổi bật nhất là tạp chí Hợp Lưu, một trong những diễn đàn văn học nghệ thuật quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại. Tạp chí này đã kết nối nhiều cây bút lớn từ khắp nơi trên thế giới, góp phần duy trì và phát triển tiếng Việt trong văn học.
 
Phong cách nghệ thuật
 
Phong cách hội họa của Khánh Trường chịu ảnh hưởng từ nhiều trường phái nghệ thuật quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc riêng. Ông thường sử dụng màu sắc mạnh mẽ, bố cục sáng tạo, và nét vẽ tự do để diễn đạt những chủ đề như khát vọng, nỗi đau, ký ức, và sự tìm kiếm bản ngã.
 
Đóng góp và tầm ảnh hưởng
 
Khánh Trường không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa mà còn là một người thầy, một người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghệ thuật và văn học đã góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm di sản văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.
 
Với tài năng và tâm huyết, Khánh Trường đã khẳng định vị trí của mình như một biểu tượng nghệ thuật, không chỉ trong cộng đồng người Việt mà còn trên trường quốc tế.
 
Nguyễn Tấn Cứ
 
Ôi Khánh Trường - Song Thao
 
khanhtruongsongthao
Họa sĩ Khánh Trường - nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc – Song Thao (Westminster, California, 1996)
 
Tôi đặt bút bắt đầu viết bài này vào chiều ngày vọng Giáng Sinh. Khánh Trường vẫn đang hôn mê trong nhà thương từ hơn tuần nay. Chàng vẫn còn đang bám vào cõi ta bà này.
 
Trận đấu giữa Khánh Trường và anh Thần Chết đã qua tới phút 89. Phần thắng nghiêng hẳn về anh thần trang bị bằng chiếc lưỡi hái. Cô cháu Hòa Bình nhắn tin cho tôi vào lúc 3 giờ 45 phút chiều ngày 24/12/2024, giờ Montreal: “Chú vẫn không tỉnh. Chắc gia đình sẽ rút ống soon”. Vậy là tên thần vênh váo chuyên bắt người đang ở thế thượng phong. Tôi phôn cho Thành Tôn bên Cali. Anh không biết chi. Anh cho biết sẽ tìm cách tới thăm Khánh Trường. Sáu giờ chiều, Lê Hân phôn cho biết đang ở nhà thương nhưng chưa tìm thấy phòng của Khánh Trường. Hân hỏi tôi tên thật của Khánh Trường để nhân viên tìm giùm. Tôi quớ. Từ trước tới giờ chỉ biết Khánh Trường, đâu có bao giờ nhớ tới cái tên cúng cơm của chàng. Vội lục cuốn “Tác Giả Việt Nam” của Luân Hoán ra tìm. Hóa ra chàng rất thành thật, bút hiệu cũng là tên thật: Nguyễn Khánh Trường. Một chặp sau Hân mail lại: vẫn không tìm ra, không biết có lộn nhà thương không. Thôi để ngày mai.
 
Ngày mai tức ngày Chúa sanh ra đời. Có một người đi ngược lại con đường của Chúa. Hòa Bình nhắn cho biết: “Sáng mai tụi cháu sẽ đưa các thầy Tây Tạng vào đọc kinh cho chú. Rồi sau đó chị Oanh ready để bác sĩ rút ống khi nào xong thủ tục”. Vài phút sau Hòa Bình nhắn tin tiếp: “Buồn quá chú ơi!”. Các bạn Thành Tôn, Lê Hân, Cung Tích Biền chắc sẽ có mặt ở phút 90 này. Trận đấu kết thúc.
 
Khánh Trường vốn dân Nhảy Dù, chiến đấu tới cùng, dù phải tham chiến trong thế  yếu. Anh có đủ lý do để thua. Ba lần tai biến trong ba năm liền, từ 2001 đến 2003, không tính những lần bị nhẹ. Suy tim, loét bao tử, ung thư cuống họng và nhiều món ăn chơi khác. Ông bạn mới thân thiết của chàng là chiếc xe lăn. Nhà thơ Phạm Hiền Mây, thân tình nhưng chưa bao giờ gặp mặt, đã ngưỡng mộ: “Chà! Bệnh lung tung, ra vô nhà thương như cơm bữa. Anh sống đến bi chừ, chính anh còn thấy lạ. Mấy tay bác sĩ điều trị cho anh cũng lắc đầu… Một tuần ra vô bệnh viện tới ba lần để lọc máu. Trên người không còn chỗ nào không có kim đâm. Chưa kể, nhiều lúc bị kháng thuốc, ói mửa. Chưa kể, những lần té lên té xuống, trong phòng ngủ, ngoài phòng khách, ngay cả trong phòng tắm. Đủ thứ gian nan. Đủ thứ vất vả”. Ngô Thế Vinh bảo: “Y khoa phải xét lại”. Lần anh loét bao tử, máu ra nhiều, chỉ còn 10/4, Ngô Thế Vinh nói: “Bình thường như vậy, nếu còn thở thì não đã chết, sẽ sống thực vật, vậy mà anh vẫn tỉnh queo, trí óc vẫn minh mẫn, có khi còn sáng hơn. Kỳ chưa? Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Đúng là phép lạ”.
 
Một tay đại lý bệnh tật như vậy nhưng vẫn ngáp ngáp sống. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhướng mắt: “Tay Khánh Trường này thật kỳ vĩ, bệnh hoạn như vậy mà vẫn viết được nhiều và hay. Đúng là một trường hợp hiếm có trong sinh hoạt văn học ở hải ngoại”.
 
Tay này thiệt coi tật bệnh như pha. Không ham sống nhưng vẫn muốn sống. Sống để nhả tơ. Trong bài tựa cuốn “Cùng Nhau Đất Trời”, Phạm Hiền Mây viết: “Tôi ghẹo ảnh, hay là đặt tên cuốn truyện này là “Cuốn Tiểu Thuyết Cuối Cùng”đi, cho hấp dẫn, cho thu hút, cho gợi óc tò mò, cho đặc biệt, cho xúc động bà con chơi. Khánh Trường cười ha hả một tràng dài, chắc nịch, chưa đâu, phải thêm hai, ba cuốn nữa rồi anh mới chịu ngỏm củ tỏi”. Gia tài văn học của anh, ngoài không biết bao nhiêu tranh, ngoài tờ Hợp Lưu, còn các tác phẩm viết sau ngày khốn khó: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Cần kể thêm cuốn truyện vừa “Phỉnh” chưa kịp in. Tuy nhiên Khánh Trường đã vẽ bìa cho cuốn này. Ông thần bìa mà!
 
Tôi và Khánh Trường thường bắn tin nhắn cho nhau. Lúc thì chàng chán sống, muốn đứt bóng cho rồi. Lâu lâu buồn gửi message cho tôi càm ràm chút đỉnh. Tôi nhắn lại thổi cho chàng lên tinh thần. Đại loại như ngày 6/10/2023, tôi viết: “Còn chán đời không? Ngài coi cuộc đời như con củ xê thì để ý tới nó làm chi. Cứ coi như pha”. Ngày 4/8/2024, chàng message: “Chán bỏ bu, tay càng ngày càng lọng cọng vẽ mãi không được, tức muốn khùng!”. Có message chàng xụi lơ: “Vừa lọc máu về, mệt tắt thở!”. Trên Facebook ngày 6/7 năm nay chàng post: “Tui ghét than thở, chả ra thể thống chi. Nhưng mà tay trái mỗi tuần 6 mũi kim to tổ chảng lụi vào, đã ngót mười năm, hàng nghìn mũi, giờ càng ngày càng tệ, tối trăn qua trở lại, tê cứng, nhức bạo, ngủ hổng yên. Ban ngày thèm làm việc, khổ nỗi ngồi vào bàn, gõ được vài dòng là cánh tay đau buốt, phải bỏ đi nằm. Chán!!!!!!!!!”.
 
Nhưng mệt thì mệt, gặp chuyện bất bình lại dở thói dzango. Năm rồi, nhân một anh bạn văn thân tình nằm xuống, tôi có viết một bài tưởng nhớ. Gia đình không vui vì một đoạn tôi viết tình thực. Họ làm dữ, đòi kiện về tội phỉ báng. Vì thương cảm bạn đã bất ngờ xuôi tay, tôi nín nhịn cho qua chuyện. Không biết vì sao Khánh Trường biết chuyện, anh tức khí nhắn tin cho tôi: “Nghe bạn bị tai nạn rất ruồi bu về một bài viết cho bạn bè, bạn gửi tôi bài viết và mọi sự kiện liên quan, tôi sẽ viết bài quạt lại. Rất bực!”. Tôi phải vuốt nhẹ ông Trương Phi đang mặt đỏ phừng phừng cho qua chuyện.
 
Khánh Trường ba đầu sáu tay từ ngày còn khỏe như vâm tới khi bị bệnh tật hành cho tá hỏa vẫn tỉnh queo đường ta ta cứ đi. Khi còn tờ Hợp Lưu anh đã ngang nhiên theo con đường đã vạch để giữ vững tay chèo. Khi tài chánh kiệt quệ, anh không ngần ngại đội danh Tống Ngọc viết cuốn truyện dâm tình “Qua Khe Hở” kiếm vài chục ngàn nuôi tờ báo văn học có lối trình bày thiệt mát mắt. Vậy mà tờ báo khỏe mạnh được tới 82 số trong hơn 13 năm. Khi liệt người, ngồi xe lăn, tay hầu như bất khiển dụng, vẫn anh dũng đánh computer bằng một ngón trật vuột, vẽ bằng cây cọ cột vào tay. Mặc, đường ta ta cứ đi. Khiếm khuyết thân thể tuy có lúc làm chàng chán nản nhưng nhất định không quy hàng. Tháng 4 năm nay, chàng dở dói, ra một tập thơ rất bề thế. Đã chắc tay  trong họa, trong văn, thơ chàng cũng ra trò.
 
sáng nay nhìn giọt sương hồng
đậu trên một ngọn cỏ bồng đong đưa
hỏi lòng này đã vừa chưa
cái ta mãn cuộc dư thừa sân si?
 
Chàng nhắn tin: “Không ngờ tui võ vẽ thơ thẩn vẫn có nhiều bạn văn OK. Cũng lạ”. Lạ hơn là khi tập thơ được ra mắt tại nhà sách Tự Lực, số người tham dự đông đảo, chàng mặt mày tươi rói vui như tết. Vui hơn nữa là thơ dắt tranh của Khánh Trường đi một đoạn đường vui. Số là trong buổi ra mắt thơ, một số tranh được mang ra treo để trang trí. Tưởng tranh chỉ đóng vai trò khiêm nhường làm vui mắt nhưng nhiều người có mặt đã muốn thỉnh tranh về. Cuộc bán đấu giá bột phát. Tranh đi cái vèo đem về cho tác giả một số tiền không nhỏ. Tưởng vậy là xong nhưng chuyện này dắt díu chuyện kia, tranh còn đọng tại nhà cũng có người tới thỉnh đi hết. Chàng lại message cho tôi: “Nhờ buổi ra mắt sách, qua Hòa Bình và Đinh Quang Anh Thái, tôi bán được một số tranh. Từ lúc cầm cọ tới nay, gần 60 năm, lần đầu tiên tôi bán được tranh với số tiền…không tưởng như thế. Coi như hết sạch tranh lâu nay mốc meo trong nhà kho. Nghĩ, già còn hấp lực quá mạng”. Chàng cho tôi biết số tiền. Đúng là… không tưởng!
 
Số tranh đó, tôi đã dược hưởng ké. Ngồi đếm lại số sách trên kệ, tôi thấy có tới 28 cuốn bìa Khánh Trường. Giao tình của tôi với anh dính khá nhiều tới bìa sách của tôi. Khánh Trường không đợi tôi. Tôi cũng không đợi anh. Nhiều khi bất ngờ, anh nhắn tin: “Cần bìa sách chưa? 30 giây!”. Tôi biết anh chẳng mần một cái bìa mỹ thuật như vậy trong 30 giây nhưng anh như cố làm nhẹ công khó của anh. Anh luôn dành cho tôi những ưu ái nhất bằng cách dùng những tranh anh mới hoàn thành. Tháng 9 vừa qua, anh có trò mới: vẽ chung một bức tranh với họa sĩ Ann Phong. Anh rất thích bức tranh phải hai người mới hoàn tất này. Anh dùng tranh làm bìa cho tôi ngay tuy tôi chưa cần. Tôi để đó. Khi nhận được cuốn tiểu thuyết “Cùng Nhau Đất Trời” của anh, tôi thấy bìa y chang  bức tranh anh đã dùng cho tôi. Message cho anh biết. Anh trả lời ngay: “Xin lỗi, tôi quên. Sẽ có ngay bìa mới trong 40 bức đang vẽ cho triển lãm Phục Sinh 2. Đẹp không kém”. Hơn 30 giây sau, anh gửi cái bìa mới với lời nhắn: “Nhất Ngài, tranh đầu tiên của loạt tranh này dành cho Ngài”. Vậy là cuốn Phiếm 32 có cái bìa của bức tranh mới ra lò. Sách in xong, anh nhận được, nhắn tin: “Đã nhận Phiếm 32 do Thành Tôn chuyển. Đẹp! Bao giờ cần bìa cho Phiếm 33 cho tôi biết. 30 giây!”. Tôi ỡm ờ: “Lúc nào Ngài có 30 giây thì cho tôi xin. Merci!”. Cũng phải hơn 30 giây sau, tôi nhận được bìa. Cũng một bức tranh mới toanh. Và còn treo đó. Tôi chưa viết xong. Mai mốt, khi cuốn Phiếm 33 được in, sách sẽ có một cái bìa… mồ côi!
 
Lê Hân mail cho biết đã tìm được phòng Khánh Trường. Tên trong nơi chốn ngụ cư chót của chàng không phải là cái tên cúng cơm Nguyễn Khánh Trường. Là Alex Nguyen! Cái tên xa xứ. Chàng nằm bất động, nhỏ thó như một sinh vật tội nghiệp bị treo giữa hai cõi. Nhìn hình chàng nằm, buồn vô hạn, mở cuốn “Thơ Khánh Trường”, nhặt được một bài thơ.
 
đèn lu, ngõ vắng, thân gầy
đông hàn sương giá trùng vây bốn bề
một mình đối bóng sầu tê
quán khuya, rượu cạn, nẻo về lạnh căm.
 
Song Thao
12/2024
khanhtruongnguyenbakhanh
Ảnh Nguyễn Bá Khanh
 
Khánh Trường. Rượu Biết Rót Về Đâu - Lê Chiều Giang
 
“… Soi gương nhìn kỹ mặt mày
Cũng râu cũng tóc đủ đầy giống… ta!
Thế nhưng trong cõi ta bà
Nhiều khi những tưởng mất cha cái mình…” - [Khánh Trường]
 
Tôi bị ám ảnh triền miên bởi những hình tượng ốm đau, kiệt quệ. Những lặng lờ thấp thỏm, sợ hãi đợi chờ cho một ngày cuối cùng, chấm hết… Nên đã rất ít khi tôi còn dám thăm hỏi ai thêm về chuyện thở ít, thở nhiều hay đã gần ngưng thở. 
 
Anh Khánh Trường mỗi khi tôi nhớ đến, phải là hình ảnh của một giang hồ. Một tay chơi luôn cười cợt, ngạo nghễ với đời, để nếu cần, đang ngồi café cứ quăng đại chiếc ghế lên trời cho hả cơn giận dữ. Dễ thương và may mắn nhất là anh có được những tiếng cười xòa thông cảm, những tiếng cười phá chấp từ bè bạn.
 
Sau 1975, Anh Nghiêu Đề và tôi hay ghé phòng dạy vẽ của Khánh Trường bên Phú Nhuận. Phòng tranh nhỏ với xao xác chỉ vài em và là nơi anh nhận vẽ truyền thần, sao lại hình Ông Bà… Khi hăng hái chuyện rong chơi, anh cười cười đuổi học trò về, miễn luôn học phí cho ngày hôm đó. Anh vội vã đóng cửa lớp, phòng tranh cho dễ bề lang thang café thuốc lá. Những ly café mà khề khà từ sáng đến trưa, với những nói cười say sưa cùng khói thuốc, những câu chuyện còn đậm đà hơn cả những bình rượu trắng ngày càng trở nên hiếm hoi.
 
Anh Duy Trác, người sống vô cùng ngăn nắp cũng đã có lần trong một ngày giáp tết, ngồi nhà Khánh Trường cho đến 3 giờ sáng. Chúng tôi ngồi vui với cháo gà của chị Khánh Trường. Một con gà nhỏ, với rất nhiều loại rau, và 12 người bạn. Nước lã, tôi xúi chị Khánh Trường đổ thêm và đổ thêm cho nồi cháo càng lúc càng đầy hơn, chỉ cần thoáng chút hương vị gà thôi chắc là cũng đủ… Chúng tôi và Nguyễn Đình Toàn, Duy Trác, Trần Quang Lộc, Nga Mi, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Tôn Nhan… ngồi hát hò, thơ phú cho đến hết đêm. Những đêm Saigon không dài. Đêm xao xác. Đêm hoang mang và đêm rất ngắn.
 
Đó là những tháng ngày chúng ta vừa vuột mất quê hương. Nói như anh Nguyễn Đình Toàn, thời gian đó nếu chúng tôi không có một nhóm để rong chơi, ca hát thì chắc là đã… chết hết.
 
Rồi đã chẳng còn những gặp lại, chúng tôi chợt tan tác muôn phương, kể cả có bạn bè đôi ba lần cứ phải vào tù ra khám…
 
***
California.
 
Nơi có tiếng réo gọi của rất nhiều gương mặt cũ. 
 
Khi gặp lại anh Nguyễn Trọng Khôi từ Boston qua CA ghé San Diego cùng với Phạm Việt Cường và Khánh Trường. Chúng tôi ngồi… đếm. Những mất mát gần gũi và xa xôi, những bạn bè rớt rơi còn hay mất. Ôm đàn hát mải mê, hát miên man mà Nguyễn Trọng Khôi… khóc.
 
Nước mắt, có khi không cần nói gì và hỏi gì thêm. Nước mắt, thông điệp của mọi thứ và mọi điều có khi hiểu ra hết và đôi khi chẳng ai hiểu gì. Nguyễn Trọng Khôi hát cho những ngày lê thê, tê tái ở Saigon trước khi anh lên máy bay ra đi…
 
Rộn rã nhất chắc là khi Khánh Trường có Hợp Lưu. Văn thơ đủ thứ làm anh bận rộn thêm với cả tỷ những bạn bè cũ, mới. Cái dễ thương của Khánh Trường là dù cuộc vui lớn nhỏ thế nào cũng phải hò hét hết bạn bè đến tham dự. Không đủ ly thì rót rượu đỏ trong ly giấy, không có tiền thì in báo thiếu chứ nhất định phải là… ca múa với rong chơi.
 
Chuyện hay hay là một trong những lần gật gù, bàn bàn tán tán về văn chương, Mai Thảo lỡ nói vài câu kiểu… Mai Thảo. Cái kiểu rất là Mai Thảo! Lạ là không ai ngạc nhiên gì khi Khánh Trường tạt nguyên chén nước mắm vào anh. Mọi người chỉ đành cười ngượng ngập, trong khi Mai Thảo rất bình tĩnh, giọng khề khà như trầm xuống hẳn: “Ừ, thì ngày mai “nó” sẽ đi tuyên truyền rằng “nó” mới hắt nước mắm vào mặt Mai Thảo”.
 
Nhưng với tôi, sau ngày không vui đó, chính nước mắm đã là một chất keo sơn đầy hương vị, dán quãng đời còn lại của Mai Thảo với Khánh Trường. Nhất là những tình những nghĩa, những tận tâm chăm lo, săn sóc của Khánh Trường đối với Mai Thảo, suốt từ khi Mai Thảo bắt đầu ốm đau cho đến giờ phút phải ra đi. 
 
Đặc biệt là anh Khánh Trường rất chán và dị ứng với cái phong thái trịnh trọng của một số vị làm văn chương, chữ nghĩa. Anh cứ nhất định gán cho họ là nhóm “Văn nghệ sĩ cung đình”.
 
Trong tiệc cưới Bé Búp, tôi lúng túng tổ chức một mình vì không còn anh Nghiêu Đề. Bàn 12 người, chỉ có anh Khánh Trường nói ra lời khiếu nại: “Chị ơi, làm ơn xếp tôi chỗ khác, tôi mà phải ngồi với những ông “Văn chương cung đình” này thì vui sao nổi?”. Khánh Trường cứ thế mà tuyên bố khơi khơi, nói ngay tại chỗ, làm 11 người còn lại khó chịu. Tôi vội vàng mời anh ngồi với nhóm bạn của Bé Búp, để chú Khánh Trường tha hồ cụng ly cùng… các cháu. Tiệc cưới rất đông thiên hạ, mà tôi vẫn nghe ra tiếng anh hò hét, nói cười bên một đám trẻ, thế hệ chẳng cần biết, chẳng đoái hoài gì đến văn chương, thi phú… Những thứ mà theo Khánh Trường, nó chỉ làm cho cuộc đời thêm lôi thôi, lung tung và rắc rối.
 
Chừng tháng sau, tôi lên Santa Ana tham dự hôn lễ con trai của anh chị Hồ Thành Đức. Có chuyện bày ra bốc thăm sao đó, chợt tên tôi được mời lên sân khấu để nhận… tranh tặng. Ngay lập tức thiên hạ nghe anh Khánh Trường nói vọng lên, rất lớn: “Sao hôm nay chị xui quá vậy, còn phải mang tranh Bé Ký về tới tận San Diego”. Có tiếng cười vui ào ào của tất cả bạn bè và dễ thương nhất là có cả tiếng cười rất vang của anh Hồ Thành Đức. Đặc biệt, chính Khánh Trường là người tình nguyện mang tranh Bé Ký ra xe giúp tôi.
 
***
Sau một thời gian dài bỏ San Diego ra đi. Tôi trở lại CA như một người rất mới.
 
Những Văn nhân, Thi sĩ cung đình hay những vị giang hồ Thơ Văn lang bạt. Nhiều người đã bỏ đời ra đi. Tôi ngồi với các bạn lứa tuổi của mình, những bạn bè rất mới.
 
Mới đây, chị Nguyễn Thị Khánh Minh ra mắt thơ “Đêm”, là ngày tôi gặp lại chị Thùy Hạnh. Một ánh trăng sáng mơ màng trong văn thơ của nhiều Thi sĩ. 
 
Sức sống mãnh liệt ban cho chúng ta lòng can đảm và có thêm luôn cả sự mạo hiểm không ngờ. Đã không còn dùng được tay phải, chị lái trên freeway với chỉ một tay trái, băng qua những dòng xe như thác, chạy bạt mạng và chạy như điên, chỉ vì: “Cô đơn là điều chúng ta sợ hãi nhất”, chị than thở cùng tôi.
 
Chị Thùy Hạnh và tôi nhắc lại chuyện từ những năm xưa. Thời Thùy Hạnh đẹp thơ mộng, lúng liếng với đôi mắt rất đa tình. Chị hát và ngâm thơ rất hay, có thêm một giọng nói dịu dàng như lá. Thuở mà chị chưa mang bịnh, chưa ốm đau.
 
22 năm đã qua đi, chúng tôi còn nhận ra nhau để cùng ngậm ngùi, tiếc nuối nhắc nhớ về lần gặp cuối cùng. Phòng khách nhà chị, nơi có bóng nắng nhạt mờ xuyên qua chút ánh chiều sắp tắt. 22 năm về trước, chúng tôi ngồi hát với nhau, những bản nhạc đẹp ngời của Phạm Duy, Cung Tiến. Cao Xuân Huy, người luôn có nụ cười tươi vui và ấm áp, đỏ mặt với rượu tràn lan cùng Hoàng Khởi Phong và Khánh Trường. Hiếm khi nào cả ba cùng trầm lặng như thế. Thùy Hạnh ngâm thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm, tôi hát Sombre Dimanche, dù hôm đó là chiều thứ Bảy.
 
Chưa bao giờ tôi thấy anh Khánh Trường hăng hái gì với ca ca hát hát. Duy nhất hôm nhà chị Thùy Hạnh anh uống rất nhiều, uống đủ để ngất ngưởng với thơ, ngâm thơ và để say với “Hồ Trường”. 
 
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường…
 
***
Đã rất lâu rồi tôi không gặp lại, cũng chẳng ghé thăm. Vẫn biết anh đã không còn đủ hơi để lo lắng thêm cho bất cứ một điều gì. Nhất là anh đã chẳng bận tâm chi nữa đến chuyện hội họa với văn chương… Dù mới đây thôi tôi còn biết rằng, có lúc Anh đã phải dùng dây và băng keo, bó cây cọ vẽ vào cánh tay phải, rồi dùng bàn tay trái cũng đã rất yếu, di chuyển và lê lết màu sắc lên những tấm canvas. Vẽ, phải chăng chỉ là tiếng kêu la thảng thốt, chút níu kéo, chút trì hoãn thảm thương?  
 
“… Ta có hai bàn chân
Đi hoài không tới đích
Ta có một sợi xích
Trói hoài đôi bàn tay…”[Khánh Trường]
 
Kèm theo bài viết này tôi sẽ dùng bức tranh của anh như một minh họa. Bức tranh mà khi anh xuống San Diego trong ngày giỗ Nghiêu Đề, tôi đã phải nói lời xin lỗi vì tranh anh vẫn dựa lẻ loi bên tường. Tôi chưa kịp treo tranh anh cùng tranh bè bạn… Anh liền buông một câu ẩn chứa chút ngạo mạn: “Tranh Khánh Trường, chỗ đúng nhất phải là… dựng ngay dưới đất”. Và, anh đã cùng tôi cười vang, tiếng cười bạt mạng, tiếng cười chỉ có ở Khánh Trường.
 
Tôi đang viết gửi anh thay cho một lời giã biệt.
 
 Đặc biệt là đã chẳng có một lời hỏi thăm nào dài lê thê bất tận, với rất nhiều thứ kỷ niệm mà gia đình tôi đã có cùng Anh. Nhất là những ngày của năm 1999, dù rất bận với Hợp Lưu, anh đã cùng anh Nguyên Khai bỏ nhiều thì giờ đẹp cho sách Tranh của anh Nghiêu Đề. Cuốn sách mà mỗi khi đọc lại, tôi vẫn đếm xem đã có bao nhiêu bạn bè viết về, nói đến và góp lời thương tiếc Nghiêu Đề, giờ cũng đã bỏ ra đi…
 
Lê Chiều Giang
 
Chia Tay Khánh Trường (1948-2024) - Nguyễn Hưng Quốc
 
Tôi không thể nói tôi là bạn của Khánh Trường. Tôi gặp anh chỉ có một lần. Tôi có nhiều dịp qua California nhưng không thấy có nhu cầu đến thăm anh. Dù vậy, ở một phương diện nào đó, tôi cũng có thể nói quan hệ giữa anh và tôi khá gần gũi. Có sách gì mới, anh cũng đều gửi tặng tôi. Có khi, nhận được, tôi gửi lời cám ơn; nhưng cũng có khi, bận quá, tôi im lặng. Anh vẫn cứ gửi. Cảm động nhất là khi anh làm tờ Hợp Lưu (1991), tờ tạp chí văn học thuộc loại sáng giá nhất ở hải ngoại. Lúc ấy, tôi mới từ Paris sang Úc định cư. Đất nước mới, văn hoá mới, ngôn ngữ mới và công việc mới, tôi bận đến ngộp thở. Giữa lúc ấy, Khánh Trường gửi các số Hợp Lưu cho tôi. Tôi cứ để tờ báo trên kệ, không có thời gian để đọc. Và im thin thít, không những không có bài cộng tác, mà còn, thậm chí, cả một lời cám ơn cũng không có. Vậy mà anh vẫn cứ gửi báo. Từ năm này qua năm khác. Nhờ đó, tôi có đầy đủ toàn bộ Hợp Lưu từ số đầu đến số cuối. Mỗi lần nhìn chồng báo cao ngất trên kệ, tôi rất cảm kích trước sự kiên nhẫn và hào sảng của anh.
 
Khánh Trường viết nhiều, từ thơ đến truyện ngắn và truyện dài, hơn nữa, anh còn vẽ tranh và là một trong những người trình bày bìa sách đẹp nhất ở hải ngoại. Tuy nhiên, tên tuổi của anh chủ yếu gắn liền với tờ Hợp Lưu. Đó là một trong bốn tờ tạp chí văn học nổi tiếng nhất ở hải ngoại, bên cạnh tờ Văn của Mai Thảo, Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và Tạp chí Thơ của Khế Iêm. So với ba tờ kia, Hợp Lưu có phần nhỉnh hơn. Báo đẹp hơn, bài vở phong phú và mới mẻ hơn. Báo cũng quy tụ nhiều người viết hơn. Chính vì vậy, năm 1994, sau hơn ba năm ngưng bút, khi bắt đầu viết trở lại, tôi đã quyết định gửi cho Hợp Lưu, dù về phương diện tình cảm, tôi thân với Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác hơn. Điều đặc biệt, với những bài ấy, tôi ký tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn thay vì Nguyễn Hưng Quốc như thường lệ. Trên Hợp Lưu số 21 (tháng 2.1995), Khánh Trường công khai hoá chuyện bút hiệu của tôi:
 
“Qua ba bài viết vừa rồi, nhiều độc giả thư, điện thoại về toà soạn, hỏi: Nguyễn Ngọc Tuấn là ai? Sau nhiều đắn đo, toà soạn quyết định công khai (rất mong tác giả không phiền lòng): Nguyễn Ngọc Tuấn là tên thật của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, một tên tuổi không xa lạ với độc giả trong ngoài nước. Từ ngày giã biệt Paris (Pháp) sang định cư và giảng dạy tại Đại Học Victoria, Melbourne, Úc châu, Nguyễn Hưng Quốc ngưng viết một thời gian, công việc giảng dạy chiếm của ông khá nhiều thời gian, phần khác, ông muốn đọc, suy gẫm và tìm kiếm một phương pháp phê bình, nghiên cứu khác.” (tr. 31)
 
Cũng trong Lời toà soạn ấy, Khánh Trường nhận xét về mấy bài viết mới của tôi:
 
“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một lý thuyết mới về thơ mang tính sáng tạo, chứ không phải việc lặp lại ý kiến của người trước. Lý thuyết này đúng hay sai, có lẽ còn quá sớm để kết luận. Duy một điều cần ghi nhận: đây là nỗ lực đầy thiện chí, nhằm giúp giới cầm bút Việt Nam sớm vượt qua tình trạng trì trệ trong tư tưởng văn học hiện nay.”
 
Năm 2001, Khánh Trường bị tai biến; năm sau, anh lại bị tai biến lần nữa; năm sau nữa, anh cũng lại bị tai biến. Hậu quả của những lần tai biến ấy, cộng với nhiều chứng bệnh khác, anh phải ngồi xe lăn, tay chân cử động rất khó khăn. Viết trên computer, anh chỉ sử dụng được một ngón tay duy nhất. Vậy mà anh vẫn viết. Hơn nữa, viết mạnh. Trong năm bảy năm gần đây, hầu như năm nào anh cũng có sách mới, có năm đến 2,3 cuốn, cuốn nào cũng bề thế. Và hay. Không phải cực kỳ xuất sắc. Nhưng vẫn hay. Trên trung bình rất xa. Chúng làm cho sự nghiệp viết lách của Khánh Trường thêm dày dặn hơn.
 
Bây giờ thì anh đã buông bỏ hết. Cầu anh thanh thản ở nơi xa xôi, nơi anh không còn phải chịu đựng những cơn đau đớn về thể xác như đã từng trong suốt hơn 20 năm vừa qua.
 
Nguyễn Hưng Quốc
 
Thôi Anh Về Mở Sách Giữa Trời Xanh! - Lê Minh Hà
 
khanhtruongdtc
Khánh Trường, bản vẽ của Đinh Trường Chinh.
 
Có những người đến và ở lại trong tâm tưởng ta thâm tình, dài lâu đến mức ta tưởng ta còn sống thì người cũng sống. Nhưng tôi đã quên, tôi chỉ là một dòng chảy lẻ khi tìm về hợp lưu cùng họ - những nhánh sông lớn bắt nguồn từ một lịch sử rất gần đầy bi thống của tộc Việt, từ đó ào ạt tiếp. Nhưng tôi đã quên, tôi thuộc lớp người lớn lên trong hầm trú ẩn, chạy chơi giữa giao thông hào ở một miền đất nước. Còn họ, ở miền kia đất nước mình khi đó đã từng trải từ núi cao tới vực sâu, từ chiều biên giới qua rừng lá thấp, từng trả lại em yêu khung trời Đại Học và viết tình thư của lính lâu rồi. Bây giờ thì tôi biết rồi: từ nguồn hợp lưu, những dòng chảy lại tìm về chính mình, đơn hành vào một cõi khác. Như anh Khánh Trường.
 
Tôi biết Khánh Trường vừa như một ngẫu nhiên, vừa như một sự tự ý thức. Và tôi tin anh cũng nghĩ thế về tôi.
 
Năm ấy, 1994, tôi qua Đức, với một quyết định khiến nhiều đồng nghiệp bạn bè kinh ngạc. Đang là một giáo viên văn trẻ, thuộc nhóm bốn giáo viên được tuyển chọn để dạy những học sinh năng khiếu đặc biệt tại trường phổ thông trung học Hà Nội - Amsterdam - ngôi trường mà từ ngày thành lập tới nay có tiếng là trường chất lượng hạng nhất Việt Nam, đang sống rất tốt bằng nghề trong điều kiện rất nhiều người cùng trang lứa, cùng ăn học đến đầu đến đũa phải vật vã vì cơm áo, tôi bỏ tất cả theo chồng, bắt đầu một đoạn đời mới đầy hoang mang, không hề có một chuẩn bị gì trước ở xứ người. Báo chí Việt, văn chương Việt là cả một xa xỉ lớn thời đó nơi tôi sống - nơi lớp lớp người Việt thuộc thế hệ lớn lên dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa tứ tán đi làm đi học ở các nước Đông Âu vội vã nhào qua bức tường sụp ở Berlin, tìm đất sống mới. Kiếm việc nuôi thân, gửi về lo cho gia đình - những bước đầu tiên của người Việt tại Đức lúc đó cũng hệt như những bước đường đầu tiên của bà con ta tại Mỹ sau 1975. Nhưng, tại Mỹ bà con ta được quyền cư trú yên ổn ngay, còn ở Đức thì không thế. Sau này tôi cứ nghĩ không thể nghe thấy ở Đức câu hỏi hào hùng bi tráng bằng tiếng Việt kiểu “Ta làm gì cho hết nửa đời sau” của Cao Tần có lẽ một phần vì lí do này.Nhưng ngay cả ở Mỹ, thì không phải ai người Việt cũng muốn hỏi hay nghe một câu hỏi như thế, phải không?
 
Ở Đức, tôi đã nghe vang vang câu hỏi ấy khi lần đầu tiếp xúc với chữ nghĩa Việt hải ngoại. Nhờ một người bạn là anh Nguyễn Hoàng Linh hiện là chủ bút tờ Nhịp cầu thế giới tại Hung, tôi có trong tay một danh sách các tờ báo, tạp chí của người Việt ở ngoài nước. Làm gì có tiền để đặt mua, còn bị thúc bách bởi điều kiện cư trú tính ngày tính tháng, mà lại muốn biết, biết để tự hệ thống lại về văn học miền Nam trước 1975, biết để nhận diện văn học Việt sinh thành nơi đất lạ, tôi chỉ có một cách duy nhất: viết thư xin.
 
Tôi biết Khánh Trường và bạn hữu đồng chí hướng với anh không phải vì anh là người đầu tiên gửi sách cho tôi. Rất nhiều. Một thùng lớn chứa rất nhiều tên tuổi của văn học Việt ở miền Nam trước 1975: Võ Phiến. Nguyên Sa. Mai Thảo. Thế Uyên. Nhã Ca. Ngô Kha… Văn xuôi. Thơ. Nghị luận chính trị. Và: một chồng Hợp Lưu từ số đầu.
 
Nếu không có những cuốn sách của những tên tuổi kia, nếu không có những số Hợp Lưu  với những bài nghị luận khách quan, sâu sắc, đầy hứng khởi và niềm tin, cùng những sáng tác làm tôi choáng váng của Đỗ Kh., Trần Vũ bên những sáng tác của người cũng từng làm tôi choáng váng mừng rỡ từ hồi còn ở trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, tôi tin chắc không có một Lê Minh Hà người viết hôm nay. Từ rất nhiều năm trước đó, khi còn là một cô gái nhỏ, sau bao nhiêu lần ngồi nghe chuyện đời chuyện nghề giữa các văn nghệ sĩ nổi danh, như Phạm Tiến Duật, Nhật Tuấn… tôi đã tự chẹt cổ ước mộng thành văn sĩ, hoàn toàn yên tâm với cái nghề đã chọn mình: nghề giáo. Tôi, trước khi qua Đức, không bao giờ nghĩ mình viết lại. Đó có thể là nghiệp. Nhưng, đó cũng vừa là một ngẫu nhiên vừa là một tự chọn lựa có được bởi Hợp Lưu. Giả dụ, nếu những ngày đầu tiên ấy tôi tiếp xúc với Làng Văn, có thể tôi vẫn là một độc giả trung thành, vì thực sự nhiều tác giả Làng Văn viết rất có giọng, nhưng chắc chắn tôi sẽ không thành người viết Lê Minh Hà từ đó tới bây giờ.
 
Cũng phải nói rằng trước Hợp Lưu tôi đã đọc được đôi số Trăm Con, đôi số Diễn đàn Paris, đôi số Văn Học và Văn. Và nhờ thế mà biết Hợp Lưu trước khi có trong tay địa chỉ của Khánh Trường, để hát anh nghe bài tiến tùng và xin sách. Do đó, Hợp Lưu với tôi đích thị là nghiệp.

Những sáng tác đầu tiên tôi công bố ở hải ngoại đi trên Hợp Lưu và sau đó trên Văn Học, Văn. Bây giờ, các anh đều đã là người cõi khác, không ai biết tại sao tôi lại gửi sáng tác tới các anh. Đơn giản: đọc chạc mãi thì thẹn, góp chữ kể cả không được dùng là để đỡ thẹn, vì biết những người đang hì hục với chữ nghĩa Việt ở hải ngoại những năm tháng đó có dư dả chăng thì cũng chỉ là dư dả hơn mình. Hợp Lưu là địa chỉ tôi chọn đầu tiên. Đơn giản: Hợp Lưu gần tôi nhất trong quan niệm về văn học, của tộc Việt mình, ở hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, lúc ở nước Đức nơi tôi sống người Việt mình ào ạt đổ qua và dù không có một dòng Bến Hải thì vẫn tự phân chia thành tường nhân và thuyền nhân, miệt thị nhau thuyền nhân là Kiều Vẹo, tường nhân là Xù, Cộng. Một lí do khác xin được nói rất nhỏ: Văn học và Văn lúc đầu tôi ngại, do đã được mấy anh đi từ miền Nam sau 1975 cảnh cáo là đừng hi vọng được chấp nhận ở đó, vì tôi là người miền Bắc, người Hà Nội, là nguyên cháu ngoan bác Hồ, vân vân và mây mây.
 
Cho đến bây giờ tôi vẫn tin vào đạo chữ. Đạo chữ soi rọi cho người ta nhìn nhau, thấu suốt nhau và tin nhau, vượt lên trên mọi chấp niệm lịch sử để tìm tới, trụ lại với tính người. Tôi đã vô tình biết qua Nguyễn Huy Thiệp, rằng anh biết tới Lê Minh Hà là qua Khánh Trường. Chưa bao giờ Khánh Trường nói với tôi điều gì khác ngoài những lời hỏi bài, thông báo đi bài. Hóa ra, anh đọc sáng tác của tôi và nhìn thấy ở đó một hiện tượng văn học. Anh Khánh Trường, anh có thấy em chính là minh chứng của tinh thần Hợp Lưu không?
 
Cuốn sách đầu tiên của tôi - Trăng Goá - do Khánh Trường làm bìa. Nếu không có một ngẫu nhiên khác, thì cuốn sách đó chắc do anh lo liệu từ A tới Z. Lúc đó tôi còn chưa có tiền mua máy tính, bản thảo toàn viết tay bấm bụng gửi bưu điện đắt lè lưỡi. Tôi toàn phải liên lạc với anh Khánh Trường, anh Nguyễn Mộng Giác và sau đó là anh Nguyễn Xuân Hoàng qua một địa chỉ Email mà chủ nhân của nó sống cách chúng tôi gần 200 km. Trong cùng một ngày, buổi sáng tôi nhận lời đề nghị làm sách của anh Nguyễn Mộng Giác thì buổi chiều cậu em sinh viên nhắn tin có Email của Khánh Trường với đề nghị tương tự. Vậy là cuốn sách của tôi ra đời, do Thanh Văn xuất bản, với lời giới thiệu của Nguyễn Mộng Giác và bìa của Khánh Trường. Tôi không biết mỗi nhà sách có một họa sĩ làm bìa riêng. Anh Khánh Trường đã làm bìa cho tôi theo lời tôi xin và anh Nguyễn Mộng Giác cùng chủ nhà xuất bản Thanh Văn đã chấp thuận in cái bìa đó. Sự vô ý của tôi đã được đáp lại bằng sự tế nhị tuyệt vời từ nhiều phía. Cuốn sách thứ hai của tôi - Gió Biếc - cũng ra đời theo đúng tiến trình ấy. Gần ba mươi năm trời nay, khi nghĩ lại con đường văn chương của mình buổi đầu, tôi biết rằng mình may mắn khi đã gặp Khánh Trường, Nguyễn Mộng Giác, và nhờ các anh, quen biết nhiều nhà văn tài danh khác ở hải ngoại như Võ Phiến, Nhật Tiến, Nguyễn Xuân Hoàng… qua chữ. Chữ đúng là có đạo thật. Chữ dạy tôi về tình người, về tính người. Chữ cho tôi biết cảm giác biết ơn tuyệt vời đến như thế nào.
 
Thế nhưng trừ một lần gặp Nguyễn Mộng Giác và Du Tử Lê, tôi chưa từng gặp ai trong số các tác giả mình tín phục khi đến với văn học miền Nam trước 1975 và văn học hải ngoại sau này. Tôi chưa từng gặp Khánh Trường, chưa từng nghe giọng anh. Vĩnh viễn.
 
Cuộc sống là một chuỗi ngày dằng dặc những trắc trở, có lúc tưởng đánh gục mình. Tôi đã từng phải sống những trắc trở đó. Mười năm trời! Đến lúc tỉnh hồn, nhờ có FB, tôi gặp Khánh Trường và mừng rỡ gọi cho anh qua Facetime. Hỡi ôi! Anh Khánh Trường trả lời: Mười bảy năm nay anh không nói được! Tôi biết anh từng ốm nặng qua mỗi lần chuyển giao vị trí chủ bút. Nhưng tôi không ngờ.
 
Từ bấy, tôi ít khi liên lạc với Khánh Trường. Thân phụ nữ, phận đàn bà, và cả sự chênh giờ khiến tôi không thể khác. Nhưng tôi vẫn theo anh qua FB của anh. Tôi biết anh ngồi xe lăn, không nói được, nhưng rất đông bè bạn. Làm cách nào mà người ta có thể giữ giao tình từng ngày với một người bệnh ngồi xe lăn, không nói được nữa? Câu trả lời không nằm ở bạn hữu, mà nằm ở Khánh Trường. Người lính dù ấy (phải thế không) chưa bao giờ là người chiến bại trong cuộc đời. Anh viết tiểu thuyết, anh vẽ và triển lãm, anh bận bịu với những dự định văn chương mới, với một tạp chí mới mà nhìn ảnh bìa là tôi nhớ ngay tới Hợp Lưu. Khó mà nói hết nỗi vui mừng và cả ngậm ngùi của tôi khi nhận được tin anh nhắn “gửi anh xin 1 truyện ngắn mới chưa đăng đâu, kể cả internet để đi vào mở nguồn, báo giấy, sắp ra mắt.” Vì sau đó là đại dịch Covid, là những ngày lo sợ mong không thấy tên người quen thân trên một dòng tin bằng chữ Việt, về sự Covid mang người người đi khắp thế giới này.
 
Bây giờ thì Khánh Trường đi. Tôi, một học sinh lớn lên dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa từng hát đồng ca “cháu yêu chú bộ đội” rất thích một bức ảnh của Khánh Trường - một người lính Việt Nam Cộng Hoà:  binh phục, giày trận, đang ngồi dựa lưng vào một bức tường. Nhìn bức ảnh đen trắng đó, không hiểu sao tôi cứ hình dung hàng hàng những người lính trận, từ hai miền Bắc Nam, ngồi ngơi nghỉ thế, rồi đứng lên, bắt đầu một cuộc đời mới ở nơi bát ngát lúa về.
 
Anh đi nhé! Anh Khánh Trường đi nhé
Vẫy vào không gian những nét cọ tung hoành
Giày lính trận nửa đời rồi tháo bỏ
Thôi anh về mở sách giữa trời xanh!
 
Lê Minh Hà
 
Khánh Trường, Người Đứng Trên Vai Quá Khứ - Đinh Quang Anh Thái
khanh truong ann phong
Khánh Trường, sau bao nhiêu năm bệnh không vẽ, cầm cọ trở lại, Ông cùng họa sĩ Ann Phong vẽ chung bức trừu tượng “Đuổi Bắt” tại nhà ở Westminster, ngày 26 tháng Năm, 2024. Từ tháng Năm đến tháng khi từ giã cõi nhân sinh, Ông vẽ thêm được bốn bức nữa. Photo: Việt Báo.
 
Khánh Trường một thời du đãng.
Khánh Trường một người lính.
Khánh Trường nhà văn, nhà thơ, họa sĩ.
Và Khánh Trường là người khơi giòng, hợp lưu.
 
Dù đóng vai nào, Khánh Trường cũng hết lòng, “chơi tới bến”, đẩy tới cùng cái mà người khác chỉ đẩy một nửa. 
 
***
Như anh có lần tâm sự, thủa 13, anh đã bỏ quê nhà Quảng Nam, lên Đà Lạt, sống đời lang bạt, ăn bờ ngủ bụi, thậm chí “biết tình yêu gái điếm” dù còn non choẹt. 
 
Rồi anh xuống Sài Gòn, không muốn tiếp tục làm du đãng, anh đăng lính, dù chưa đủ tuổi. Có sao đâu, chiến tranh đang lên cao điểm mà, quân đội cần lính, nhất là lính Dù, những người lỳ lợm, can đảm, tự nguyện.
 
Những năm chiến trận, đúng châm ngôn “Nhảy Dù cố gắng”, anh sống trọn với đồng đội, với màu cờ sắc áo. Bị thương nhiều lần, anh buộc phải giải ngũ. Đời sống dân sự chưa được bao lâu thì “sẩy đàn tan nghé”, ngày 30 Tháng Tư 75, anh bị “bên thắng cuộc” liệt vào hàng ngũ “bên thua cuộc”. Vì là cấp Hạ Sĩ Quan, anh không chịu chung số phận như hàng trăm ngàn Sĩ Quan, Công Chức, bị đày đọa nhiều năm tháng trong các trại tù mà chế độ mới gọi bằng mỹ từ “cải tạo”. Nhưng anh vẫn bị nghi kỵ, bị phân biệt đối xử ngay chính trên quê hương mình.   
 
Không thể ở lại, anh vượt biên, đến Thái Lan, sau đó đến Mỹ định cư với thân xác vẫn còn vài mảnh đạn vì quá nhỏ nên không thể gắp ra được. Anh kể, vết thương chiến tranh vẫn luôn làm anh đau nhức vào mỗi độ trời trở lạnh.
 
Còn vết thương tinh thần nữa chứ. Anh vẫn thường bị giấc ngủ chập chờn, nửa đêm choàng tỉnh sau những cơn mộng dữ máu đổ thịt rơi.
 
Nhưng anh quyết không để bóng ma quá khứ phủ lấp cuộc đời mình. Anh quyết – như cách nói của nhà thơ Lê Đạt trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm – “đứng trên lưng quá khứ để nhìn thấy tương lai.” 
 
Anh bắt đầu tự học tiếng Anh, ngôn ngữ của vùng đất mới mà thời còn ở quê nhà nó lạ lẫm với anh lắm. Và rồi từng bước một, như con chim làm tổ, anh tự học vẽ bằng sách vở tiếng Anh để “cầm cọ đúng quy cách khi tả người, tả cảnh, chứ không chỉ vẽ theo cảm xúc như thời trước khi bỏ nước ra đi”, anh nói với tôi như thế.  
 
***
Vẽ, viết truyện, làm thơ, tạo nên một Khánh Trường lừng lẫy cho đến ngày anh nhắm mắt xuôi tay.
 
Dấu ấn lớn nhất anh để lại là 82 số báo Hợp Lưu: Từ số đầu tiên Tháng 10 năm 1991 đến số cuối cùng Tháng Tư 2005, ròng rã 14 năm, anh đã “đi tới, không chịu núp sau lưng quá khứ”. 
 
Trong lá thư tòa soạn của số báo ra mắt, Khánh Trường viết:
 
Văn học là một phần của văn hóa, dứt khoát không thể tách rời khỏi cội nguồn dân tộc. Mỗi quốc gia, do điều kiện địa lý, truyền thống, tập quán… đều có cho mình một nền văn hóa riêng, người làm văn học không thể xa rời cái “riêng” đó nếu họ còn cầm bút và viết bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Chúng tôi tin rằng, khát vọng sâu xa nhất trong mỗi văn nghệ sĩ, là mong được gửi sáng tác của mình đến tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt trong ngoài. Khát vọng đó, buồn thay, do lòng thù hằn; do những vướng víu quá khứ; do tầm nhìn hữu hạn bị chi phối bởi định kiến chính trị; có khi do đố kỵ và nhất là do muốn yên thân, chúng ta đều cố tình tránh né. Người có chút tự trọng thì im lặng, âm thầm làm việc trong cô đơn. Kẻ cuồng tín, cơ hội, thì lớn tiếng gào thét, để rồi chỉ sản sinh rặt một thứ văn chương khẩu hiệu, hô hào đấu tranh sắt máu, bất chấp mọi thủ đoạn, phương tiện. Hoặc tệ hại hơn, chỉ loay hoay trong ý đồ đen tối: tìm mọi cách bôi bẩn nhau, gây chia rẽ, phân tán, nghi ngờ, khiến cho chân giả bất phân, khiến cho dù là anh em bằng hữu thân thiết, có khi cũng không dám nói thẳng nói thật điều mình nghĩ. Sống giữa chế độ Cộng Sản, điều đó không đáng ngạc nhiên, nhưng trình trạng này xẩy ra tại đây, trên các phần đất tự do, mới là chuyện đau lòng. Lối hành xử hẹp hòi đầy thiên kiến đó, tự căn bản, đã hoàn toàn xa rời với chức năng của người cầm viết, vô hình chung chúng ta tự đẩy mình vào ngõ cụt không lối thoát.”
 
Khánh Trường viết như thế vào năm 1991, viết táo tợn, viết dũng cảm, dám đưa lưng giữa hai lằn đạn: Đạn của chế độ đang toàn trị tại quê nhà và đạn của những người căm thù Cộng Sản tại hải ngoại.
 
Tôi còn nhớ, một người bạn từng là Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa nói với tôi sau khi đọc Hợp Lưu số 1: “Thằng này láo thật! Nó tưởng nó là ai mà viết như thế!”
 
Một anh bạn khác sống tại Tiệp Khắc, từng là bộ đội Miền Bắc, đọc Hợp Lưu do tôi gửi tặng, bèn nhờ tôi nhắn với anh Khánh Trường: “Viết thế thì đám công an văn hóa trong nước chúng nó căm lắm đấy.” 
 
khanhtruongdinhquanganhthai
Khánh Trường, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, tài tử Kiều Chinh, và Hòa Bình tại buổi ra mắt tập thơ Khánh Trường ở Tự Lực Bookstore mùa hè 2024. Photo: Việt Báo.
 
***
Tôi rất thích một tấm hý họa, vẽ một ngã ba đường, với một đám đông người xếp hàng tề chỉnh đi về hướng phải, còn hướng trái chỉ có duy nhất một người. Thông điệp của bức hý họa rõ lắm: Khi tin điều mình làm là đúng, thì dù đơn độc cũng không lùi bước.
 
Khánh Trường thuộc mẫu người đó, khơi nguồn hợp lưu, bất chấp những chỉ trích – của cả hai phía – và thậm chí còn bị đe dọa “sẽ có người lấy tý máu của mày đấy”.
 
Những lúc căng quá, một số bằng hữu lo sợ an ninh của anh, góp ý anh nên “xét lại”. Máu “một thời du đãng, một thời chiến trận” nổi dậy, anh phang ngay một câu “Đ.M thằng nào ngon đến tìm tao đi, tao cho địa chỉ.”
 
Và rồi anh cương quyết khẳng định: “Có Hợp Lưu, những người cầm bút trong và ngoài nước mới có cơ hội đến gần nhau, cùng hướng tới mục đích chung: hỗ tương bù đắp cho nhau để góp phần nâng cao phẩm chất của văn học nghệ thuật nước nhà….
 
… Hợp Lưu sẽ phá vỡ mọi biên cương, mọi định kiến, mọi ràng buộc, mọi điều ‘cấm ký’, cập nhật và theo sát những trào lưu mới của văn hóa nhân loại.”
 
Khánh Trường chủ trương như thế, phá vỡ mọi biên cương, mọi định kiến, mọi ràng buộc, mọi điều “cấm kỵ” nhưng đọc kỹ từng số Hợp Lưu, chúng ta dễ nhận ra rằng, tờ báo không có chỗ cho những tiếng nói của những kẻ đang cầm quyền tại Việt Nam và những người cực đoan tại hải ngoại.
 
Hợp Lưu – tức là Khánh Trường – dù chủ trương “đứng trên vai quá khứ” nhưng không vì thế mà quên đi lòng thương cảm số phận Việt Nam, con người Việt Nam, vì sau một cuộc chiến đẫm máu 20 năm, vết thương trong lòng người vẫn còn rỉ máu. 
 
Đọc Hợp Lưu số cuối cùng với chủ đề “30 Tháng Tư 1975, nhìn từ Miền Nam”, chúng ta sẽ nhận ra tình cảm đó. Khánh Trường viết: “Vì sao nhìn từ Miền Nam? Vì tâm tình của những con người đã cùng gánh chịu chung một cuộc chiến, 30 năm sau vẫn chưa được công nhận và phổ biến trên chính quê hương của mình. Dù nhìn dưới góc độ nào, chúng ta vẫn không thể phủ nhận những tiếng nói của một lớp người đã trực tiếp cọ xát với biến cố, cùng những thảm kịch do biến cố này tác động trực tiếp lên cuộc đời họ. Xét trên bình diện lịch sử cũng như nhân văn, những tiếng nói này là chứng từ ở một thời điểm nhiều giông bão trong dòng lịch sử dân tộc.
 
***
Dũng cảm, ngang tang, “thẳng ruột ngựa”, nhưng lúc đang giữa đường đi tới, Khánh Trường bị một cơn tai biến đánh gục. Ngồi xe lăn, nói năng khó khăn, anh vẫn không đầu hàng số phận: anh nhờ chị Oanh, vợ anh, dùng băng keo cột cây cọ vào tay để anh vẽ. Anh còn rị mọ gõ từng ngón trên bàn phím computer để làm thơ, viết truyện.
 
Theo nhận xét của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, “với khoảng hơn 40 tác phẩm sáng tác sau cơn đột biến, Khánh Trường thay đổi cách vẽ hiện thực tỉ mỉ qua trừu tượng phóng khoáng, cho thích ứng với khả năng không còn điều khiển sơn cọ theo ý muốn. Hơn 40 họa phẩm của Khánh Trường, đường nét không còn mang tính chất trau chuốt nương đồ, màu sắc gần gũi với đất đá thiên nhiên, và bố cục tranh thiên về một sự hài hòa tĩnh lặng. Sự đơn giản từ đường nét, màu sắc, bố cục trong tranh đã đem lại sự hồn nhiên, mộc mạc như trẻ thơ, như những tác phẩm từ hang động của nền nghệ thuật sơ khai, của sự vui thú trong sáng tạo nghệ thuật hơn là kỹ thuật khéo tay nhà nghề. Nhưng hội họa Khánh Trường không chỉ là phương tiện để anh vui chơi với màu sắc hình thể, mà còn là cứu cánh để đi tiếp đoạn đường đời.”
 
Mười ba năm ngồi xe lăn, mỗi tuần ba lần đi lọc thận, cổ họng bị ung thư đục ruỗng, vậy mà cho tới trước tuần lễ cuối cùng phải vào bệnh viện và chìm trong hôn mê trước khi nhắm mắt xuôi tay, mỗi lần cùng một vài bằng hữu thật thân đến thăm anh, anh luôn chỉ cho xem những bức tranh anh vừa vẽ xong. Anh còn hẹn sang năm 2025 sẽ triển lãm tranh và ra mắt thơ-văn của anh.
 
Bây giờ thì hết rồi. 
 
“Ô hay nhà bác Khánh Trường. Thế Gian tan tác vấn vương làm gì”, nhà văn Nam Dao từ Canada viết lời tiễn biệt bạn mình như thế!
 
Vĩnh biệt anh Khánh Trường. Nhớ búi tóc dài, giọng nói bất cần đời, dáng đi ngang tàng của anh thời chưa đổ bệnh. Và nhớ nụ cười “hiền” của anh sau khi anh hiểu vòng xoay đời người là “sinh, lão, bệnh, tử”.
 
Đinh Quang Anh Thái
 
Từ Biệt Khánh Trường: Hãy Bước Đi Như Chuyện Cổ Tích - Phan Tấn Hải
 
tranh kt
Phục Sinh II (Resurrection II) # 4 – 1 tong 4 bức của bộ tranh cuối cùng họa sĩ Khánh Trường vẽ vào tháng 9, 2024
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Trang sách cuối của Hợp Lưu bây giờ đã khép lại. Tay của bạn đã thả rơi ngòi bút và cọ màu. Bạn đã nằm xuống sau một đời lặn lội. Hãy gối đầu lên những kệ sách ký ức. Đã tới lúc bạn hãy buông xả hết, để tự thấy đời mình trôi theo dòng sông chữ nghĩa, nơi đã chép xuống những gì đẹp nhất của thế hệ chúng ta.
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Cuộc đời luôn luôn là những bước ra đi. Bạn không có gì để nuối tiếc trong đời này. Bạn đã tự vắt kiệt máu trong tim ra để làm sơn cho tranh vẽ và để làm mực cho những trang báo. Nơi đó là ước mơ của yêu thương và hòa giải. Nơi đó là sự ngây thơ nghệ sĩ mà chúng ta đã đem tặng cho đời.
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Hãy nghiêng đầu vào giấc ngủ sau nhiều ngàn ngày sáng tác cho đời. Hãy buông tay vì không còn gì cần níu giữ. Hãy bay theo giấc mơ như cánh buồm căng gió ra biển lớn. Nơi đó. Nơi biển lớn, nơi hòa nhập của những dòng sông, nơi biển lớn đã hợp lưu các dòng đông tây nam bắc, nơi nước chỉ thuần một niềm vui hòa nhập vào nhau. Ngày mai và muôn đời sau, sẽ không còn như những gập ghềnh quá khứ.
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Lịch sử mà bạn và tôi đã bị cuốn trôi vào, vốn đã có sẵn muôn đời những gì không ai hiểu được, nhưng thế hệ chúng ta đã sống tận lực với những từ bi đau đớn. Nước mắt của nhiều ngàn ngày thao thức đã chép lên các trang giấy. Không có gì cần đọc lại. Không có gì cần nhìn lại sau lưng. Bởi vì sau Hợp Lưu, người ta sẽ không suy nghĩ như trước nữa.
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Máu trong tim chúng ta đã trút cạn cho đời rồi. Lịch sử là dòng lưu chảy không ngừng, nơi đó từng người chúng ta và tất cả mọi người trong cõi này, đều đã là một phần của lịch sử. Chúng ta đã ngồi miệt mài chép lên giấy dưới ánh nến trong đêm, với hy vọng thế hệ sau sẽ có mặt trời yêu thương mọc lên, nơi không còn ai thắc mắc về bóng tối hôm qua.
 
pth sinh nhat kt april 7
Cùng thổi ngọn nến sinh nhật Khánh Trường ngày 7 tháng 4, 2024 tại Huế Ơi, Westminster, CA. Từ trái: Khánh Trường và vợ Oanh Thạch, Hòa Bình, Phan Tấn Hải và vợ, Bùi Lê Dung. Ảnh: Việt Báo.
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Chúng ta có lúc cũng đã từng làm những chuyện rất vụng về, đầy những lỗi lầm, bên cạnh những từ bi và hy vọng. Những gì đã xảy ra đều không níu kéo được nữa. Đã tới lúc hãy tự thấy đời mình trôi vào quá khứ, nơi tan biến tất cả những vui và buồn, những được và mất. Với lòng thiết tha yêu thương cõi này, bạn đã làm những gì đẹp nhất bạn có thể làm.
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Bạn đã trở thành chiếc cầu nối, vượt qua rất nhiều dòng sông ngăn cách. Bạn đã đứng giữa những trận mưa đá, và nói giễu về lời tôi nói rằng theo đúng kinh điển thì mưa đá sẽ biến thành mưa hoa. Vâng, đó là chuyện cổ tích. Và bạn và tôi, và rất nhiều văn nghệ sĩ khác đã cùng bước ra giữa những trận mưa đá, để cùng kể chuyện cổ tích cho dân mình.
 
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Để bước đi như trong chuyện cổ tích.
 
Phan Tấn Hải
 
Khánh Trường – Đam Mê Miệt Mài - Lê Đình Y- Sa
 
khanh truong ysa nguyen viet hung do le anhdao
Từ trái: Y-Sa, Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, Đỗ Lê Anh Đào và nhà văn / họa sĩ Khánh Trường tại cuộc triển lãm “Phục Sinh,” tháng 2 năm 2006 tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt. 
 
Khoảng thời gian bắt đầu vào Đại Học, ngoài những lúc phải học những bài sinh hóa khô khan, tôi tìm đến văn chương tiếng Việt qua các tạp chí như Văn Học, Văn, và Hợp Lưu. Khác với Văn và Văn Học vốn mang không khí “cổ điển”, Hợp Lưu, với chủ biên sáng lập là nhà văn Khánh Trường, bung mở một cánh cửa đón nhiều cây bút mang phong cách táo bạo, thể nghiệm, trong cả hai lãnh vực thơ và văn, đến từ trong và ngoài Việt Nam. Gặp nhiều chống đối vào những năm đầu vì có sự góp mặt của những nhà văn trong nước, nhưng Khánh Trường vẫn bất chấp, tiếp tục xây dựng Hợp Lưu thành một diễn đàn văn chương mở rộng vì “các thể chế chính trị rồi sẽ qua đi, nhưng văn học nghệ thuật sẽ còn tồn tại dài lâu, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là phải tìm cách bảo tồn, xiển dương những giá trị kia, không phân biệt phe phái, chính kiến.” (trả lời phỏng vấn của Đỗ Lê Anh Đào trên damau.org, ngày 22 tháng 9, 2006).
 
Nhớ về chú Khánh Trường là nhớ lần đầu dự triển lãm tranh của chú. Tôi không nhớ chính xác địa điểm mà chỉ nhớ rất nhiều tranh khổ lớn treo đặc kín phòng, đụng cả trần! Hầu hết là tranh khoả thân. Một số bức sau này lên bìa của Hợp Lưu.  Sau đó nhiều năm, chú bị tai biến và ung thư cuống họng. Bạn bè nhiều người nghĩ chú sắp “giã từ”, nhưng chưa! Người nghệ sĩ vẫn là con tằm tiếp tục nhả tơ. Chú tiếp tục xuất bản sách, tái bản, rồi tiếp tục vẽ, dù đánh máy và cầm cọ khó khăn hơn trước rất nhiều. Năm 2006, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức một cuộc triển lãm solo tranh Khánh Trường mang chủ đề “Phục Sinh,” nên tôi có dịp làm việc với chú, đến nhà ăn cơm cùng cô chú và xem tranh. Tranh của Khánh Trường lần này khổ nhỏ hơn và nghiêng về trừu tượng. Lúc đó chú đã phải ngồi xe lăn và đi lọc máu mỗi tuần. Rất mệt, nhưng chú không chịu về nhà nghỉ mà chỉ muốn ở lại phòng tranh suốt ngày, và nụ cười luôn nở trên môi.  Trong những năm sau này, cho dù bệnh ngày càng nặng, và có những lần tưởng không qua khỏi, chú vẫn cho ra đời đều đặn những truyển tập truyện ngắn, tạp bút, tiểu thuyết, và thơ. Một sự đam mê chữ nghĩa và sức sáng tác mãnh liệt, bền bỉ!
 
Những thế hệ mai sau khi tìm về hành trình văn hóa của người Việt di dân, chắc chắn sẽ bắt gặp dấu ấn độc đáo của Khánh Trường – một người nghệ sĩ không chỉ sáng tạo, mà còn sống để thách thức mọi giới hạn.
 
Lê Đình Y-Sa
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com